Bảy Tháng Giữa Xác Người
Tác giả: Ngy Thanh
(NgyThanh ghi lại, các chi tiết dựa theo buổi nói chuyện qua điện thoại với Nguyễn Kinh Châu từ quận Bình Thạnh, Saigon vào tháng 10-2009) ..
Ba mươi bảy năm sau khi cùng nhau cầm bao nylon lom khom lội vào vùng chiến sự để thu nhặt xác đồng bào bị thảm sát bởi đạn của Sư Đoàn Pháo Bông Lau mà cứ như lén lút vào kho tội ác của Cộng sản để đánh cắp, câu đầu tiên anh Nguyễn Kinh Châu nhắc đi nhắc lại với tôi (như cứ sợ chính mình cũng sai sót) là tên đầy đủ của nghĩa trang mà nhật báo ST đã mai táng 1,841 xác, “Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị̣ do nhật báo Sóng Thần và thân hữu phụng lập”.
Một lần đi hốt xác đồng bào bị Việt Cộng chôn sống trong tết Mậu Thân ở Huế, và lần thứ nhì hốt xác đồng bào bị Việt Cộng tàn sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị, những hình ảnh ghê rợn đã khắc chạm thật sâu vào ký ức anh Châu, như một thứ đền tưởng niệm Cánh Đồng Chết của nạn nhân Pol Pot ở Cam-Pu-Chea – “trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Trả lời câu hỏi của tôi, anh Nguyễn Kinh Châu nhắc lại con số 1,841 xác nạn nhân một cách dễ dàng như không cần khui một gói thuốc lá để biết trong đó có 20 điếu.
Tôi hỏi tiếp, làm sao anh nhớ được chính xác như thế, anh tâm sự, “Làm sao không, có ngày nào là áo quần không thấm mùi hôi của xác chết, có xác nào không là xác đồng bào, anh em?”
Khi mới bắt tay vào việc, chính quyền và quân đội chưa cho phép thường dân qua sông Mỹ Chánh vì vấn đề an ninh (sợ Việt Cộng trà trộn để hoạt động) và vì vấn đề an toàn (sợ đạn pháo binh Việt Cộng bắn trúng làm chết nhóm người đi lượm xác đồng loại).
Vấn đề mang một nhóm thường dân vượt qua phòng tuyến quân sự Mỹ Chánh để tìm và thu nhặt xác là chuyện chưa từng xảy ra trước đây trong chiến tranh Đông Dương. Mặt khác, anh em báo ST ngại một khi đăng lời kêu gọi xin độc giả tiếp tay đóng góp, tiền tới tay rồi mà lỡ xác đồng bào lấy về không được sẽ bị mang tiếng lừa phỉnh, nên anh Châu hội ý với anh em phóng viên ST đang có mặt tại Huế, rồi vào Đà Nẵng bàn thêm với bác sĩ Phạm Văn Lương. Kết quả: chúng tôi quyết định thử nghiệm trước bằng cách tự lực.
Anh Châu đã mang chiếc xe gắn máy Honda 68 tới xin cầm cho một thân hữu là anh Huỳnh Văn Phúc, chủ tiệm vàng Phúc Ân kiêm tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, lấy 50 ngàn đồng để làm vốn liếng khởi công. Ngạc nhiên thấy anh Châu cầm xe, anh Phúc hỏi dồn, nên đã biết sự thật là anh Châu cần tiền để trao cho thầy Thích Đức Tâm ở chùa Pháp Hải bên cồn Hến đóng quan tài để ra Quảng Trị lượm xác đồng bào bị pháo chết. Biết việc chúng tôi làm như thế, anh Phúc bảo anh Châu cứ mang xe về, và cho anh chị em ST mượn 50 ngàn tiền mặt, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ, để khởi công.
Bên cạnh đó, anh em ST vào Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 tiếp xúc với Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ huy trưởng, thiếu tá Nguyễn văn Cơ đã cho nhóm Sóng Thần 200 bao nylon loại dùng để tẩm liệm quân nhân tử trận. Ngoài ra, nhóm mượn được một xe GMC của Tiểu Khu Thừa Thiên làm phương tiện vận chuyển đoàn hốt xác và xác hốt được. Về sau khi số xác lượm được tăng lên tới con số gần hai ngàn, anh Cơ vẫn cung cấp đầy đủ để gói ghém tử thi đồng bào, đồng thời phía Tiểu Khu Thừa Thiên tăng cường cho mượn thêm một xe GMC nữa, và phía Tiểu Khu Quảng Trị cho mượn 2 GMC khác, để di chuyển xác chết.
Sóng Thần đã tiến hành hốt xác tất cả 3 đợt.
Khi chị chủ nhiệm Trùng Dương từ tòa soạn ra tham dự để ăn đạn pháo kích là đợt một. Đợt nầy đoàn hốt xác có 4 tổ, mỗi tổ 4 người, thu được trên 800 xác. Về sau đoàn hốt xác tăng lên thành 7 tổ. Sợ mùa mưa tới xác đồng bào bị vữa và trôi hết phần thịt, chúng tôi đã tăng gấp đôi số nhân công để rút ngắn thời gian.
Khởi đầu, thầy Đức Tâm thuê đóng và giao cho đoàn 20 quan tài để mang theo, xem thử đủ thiếu thế nào. Lên đường, anh em ST chúng tôi chỉ dám cầu mong lượm được tới 20 xác như mong muốn của thầy Đức Tâm, vì khu vực giữa hai cầu Bến Đá và Trường Phước là đụn cát trắng không nhà cửa cây cối, hễ thấy bóng người di chuyển là tiền sát viên Việt Cộng gọi pháo tầm xa từ Trường Sơn bắn xuống. Kết quả của ngày đầu thật bất ngờ với con số 96 xác. 20 xác đầu tiên được xếp vào quan tài, phần xác còn lại gói tạm vào bao nylon mang về đặt trong các phòng học của trường Mỹ Chánh.
Dạo 1968, anh Nguyễn Kinh Châu là ký giả đã theo chân đoàn người đi khai quật các hố chôn tập thể và đã có loạt hình chạy 8 cột bề ngang trên báo Hòa Bình tường thuật tội ác rùng rợn nầy. Cũng nhờ quen biết cũ từ 4 năm về trước, lần nầy đề xuất việc đi lượm xác, anh Châu đã quay lại Phú Thứ để tìm gặp và thuyết phục các người chuyên về di dời xác chết bốn năm trước, sau Tết Mậu Thân, để họ bằng lòng tham gia công việc nghĩa tử dưới làn đạn pháo của Sư Đoàn Pháo Bông Lau. Đúng là Việt Cộng đã dành cho những người nầy những việc làm có một không hai trong lịch sử tội ác chiến tranh.
Nhưng vì lãnh thổ Quảng Trị vẫn còn giao tranh và bom đạn, nên những người phu chỉ bằng lòng nhận lời với chi phí 1.600 đồng mỗi ngày, so với giá thuê mướn làm công nhật ở thành phố Huế lúc bấy giờ là 100 đồng/ngày, và giá vàng 1.600 đồng một chỉ. Sở dĩ giá cả cao như thế mà nhóm ST phải chấp nhận vì khu vực “Đại Lộ Kinh Hoàng” vẫn còn rất kinh hoàng, phu hốt xác ra đó để thu lượm xác không những phải làm việc giữa điều kiện mất vệ sinh giữa những xác chết, mà còn phải đưa lưng đội đạn pháo từ Trường Sơn bắn xuống.
Những tay làm báo chúng tôi vì nghiệp dĩ của mình mà lăn lưng ra chốn tên bay đạn lạc, nhưng người dân họ có lý của họ, nhất là khi phải đổi bát máu lấy bát cơm để nuôi thân và nuôi gia đình. Khi tới bãi xác người, những phu lượm xác nầy mỗi người đều mang theo một lọ mắm ruốc. Họ đã lấy ngón tay chấm mắm ruốc bôi lên mũi, dùng mùi thối của mắm để mong át đi mùi thối của xác chết, và cũng để đánh lừa khứu giác của mình.
Sau những ngày đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đoàn hốt xác buổi tối về hay tập trung ở nhà từ đường của chị Tôn Nữ Mộng Nhiên ở số 100 đường thuận An, là nơi “đóng đô” của đám phóng viên ST trẻ Trần Tường Trình, Đoàn Kế Tường và NgyThanh. Nghe đám nhà báo bàn bạc chuyện lượm xác, ban đầu hai cô chủ nhà là chị Mộng Nhiên và chị Lẫm góp ý. Từ từ bén chuyện, hai cô tình nguyện tham dự trò chơi với đạn pháo kích. Thế là đoàn hốt xác có thêm hai khuôn mặt hoàng phái, đảm nhiệm việc ghi chép sổ sách và ghi số mỗi xác, cùng những giấy tờ hay di vật gì chúng tôi lấy được trên thi thể của họ̣. Những vật dụng và tư trang cá nhân ấy được cho vào bao nylon có ghi số trùng với số của quan tài, để về sau trả lại cho thân nhân người quá cố.
Công tác hốt xác kéo dài ròng rã tới bảy tháng mới hoàn tất.
Sau khi thu nhặt hết xác trên hai bãi cát dọc hai bên đoạn quốc lộ̣ mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” và mai táng xong, anh em ST còn giữ lại nửa triệu, tức một phần sáu tổng số tiền lạc quyên được từ đọc giả hảo tâm, chúng tôi đã dùng số tiền nầy dựng một bức tượng Đức Địa Tạng rất lớn ngay chỗ có nhiều xác chết nhất, lập một đền thờ oan hồn, và tổ chức một lễ cúng do anh Lý Đại Nguyên từ Saigon đại diện tòa soạn ra chủ tọa. Đền thờ này vẫn còn cho đến ngày nay.
Lời cuối:
Cuộc chiến nào mà không có thảm sát, chiến tranh nào mà chẳng có nạn nhân. Nhưng hình ảnh của một đứa bé ngồi khóc bên xác mẹ giữa một chiến trường thảm khốc đầy xác thường dân như ở Đại Lộ Kinh Hoàng vẫn là một hình ảnh đau thương nhất mà chúng ta không thể nào quên được.
Vì vậy tôi cố tìm cho được câu chuyện của một nhân chứng đích thực, còn sống để kể lại hầu quý vị và riêng tặng cho đại tá Nguyễn Việt Hải, chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau của Quân đội Nhân dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong tác phẩm “Mùa hè cháy”, xuất bản năm 2005, tác giả đã viết thật rõ ràng là đơn vị của ông khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà ông gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc lộ 1 vào đám ngụy quân trên đường bỏ chạy.
Ông đại tá pháo binh tác giả của tác phẩm “Mùa hè cháy” đã đích thân quan sát trong vai trò tiền sát viên để trực tiếp chỉ huy bắn.
Bài báo ngắn ngủi và khiêm nhường hôm nay hy vọng sẽ đến tay các pháo thủ miền Bắc ngày xưa để họ nhớ lại thành quả vào ngày 1 tháng 5 trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.
Ðịnh mệnh nào đã dành cho ông Phan văn Châu còn sống để định cư tại Hoa Kỳ với 11 người con thành đạt, hàng năm vẫn gửi tiền về giúp cho miền quê nghèo khổ xứ Nhan Biều. Bây giờ, những mộ phần tập thể của dân oan chết vì trận mưa pháo Bông Lau năm 72 đã chẳng còn dấu vết. Những đứa bé đói sữa nằm bên xác mẹ rồi cũng đã chết hết trên đại lộ kinh hoàng 37 năm về trước.
Nhưng mà sao tiếng khóc của em vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây …
Ngy Thanh
No comments:
Post a Comment