Bài 11: NÚI MƯỜNG HUNG DÒNG SÔNG MÃ
Con sông Mã chảy đến đây chừng như chững lại, mở rộng bồi đắp đôi bờ thành cánh đồng của Chiềng Cang, Mường Hung. Núi ở đây không cao lắm nhưng trên đỉnh có mây phủ với rừng đại ngàn ngút tới Thượng Lào (Hủa Phăn). Bản nhà ở đây đông vui trù phú với những ruộng lúa, bãi dâu xanh biếc, con gái ở đây da trắng nõn nà…
Ấy là vào hồi tháng 10/1953 có một chàng trai Thanh Hóa (Lê Gia Hợp) Đội viên Đội vũ trang tuyên truyền (Việt Minh) đã đi sâu vào vùng hậu địch, tới đây “cắm bản” để xây dựng cơ sở kháng chiến chống Pháp ở vùng biên giới Việt Lào. Ai ngờ, chàng ta lại là một thi sĩ, là cán bộ “bí mật” sống giữa lòng dân “3 cùng” với đồng bào, trước cảnh đẹp, người xinh… hồn thơ anh ta thấm đượm các khúc hát “khắp” - tình ca Tây Bắc viết theo kiểu ví von (anh là/ em là…). Thế là một bài thơ tự nhiên xuất thần: (Mường Hung = mường trong sáng)
NÚI MƯỜNG HUNG DÒNG SÔNG MÃ
Anh là núi Mường Hung
Em là dòng sông Mã
Sông nhiều rêu, nhiều cá
Núi nhiều thú, nhiều măng
Chiều bóng anh che sông
Sớm mắt em lóng lánh
Sáo cành cây anh thổi vang lanh lảnh
Gió lùa qua miệng anh lại mỉn cười
Giữa lòng em thuyền độc mộc ngược xuôi
Như trăm nỗi băn khoăn khi đến tuổi
Nếu trời làm em sóng nổi
Anh ngả mình ngăn lại lúc phong ba
Em là búp bông trắng
Anh là ngọn lúa vàng
Thi nhau lớn đẹp nương
Tỏa mùi thơm cùng nghe chim hót
Em cứ về nhà trước
Đợi anh ở bên khuông
Anh là no lòng Mường
Em làm vui ấm bản
Nếu con gấu dẫm gẫy cành bông trắng
Lá lúa anh sẽ cưa đứt chân
Nếu lúa này chuột khỉ dám đến ăn
Sơ bông em sẽ bay mù mắt nó
Anh là rừng thẳm
Em là suối sâu
Cây rừng anh làm cầu
Bắc ngang lên lòng suối
Hoa rừng nở đỏ chói
Soi bóng xuống lòng em
Suối chảy quanh ấp rừng vắng ngày đêm
Cây gỗ lớn là tay anh vững chắc
Nếu hùm qua suối em thành thác
Nếu sói về rừng anh sẽ thành chông
Quyết chẳng chịu đau lòng
Đời chúng ta rừng núi
Suối em phá tan bóng tối
Em ngoan chảy thành dòng sông Mã Mường Hung
10/1953 Cầm Giang
Bài thơ chép tay, được gửi qua “giao thông” về hậu phương… với bút danh Cẩm Giang (ý là quê vùng Cẩm Thủy - Thanh Hóa bên dòng sông Mã hạ lưu)… nhưng khi đến tay cô đánh máy (ở căn cứ báo chí) thì cô này phát hiện cái phi lý ở cái tên tác giả - ở Sơn La có họ Cầm, họ Lò… chứ làm gì có họ Cẩm? thế là cuối bài thơ in ra được đề tác giả Cầm Giang.
Bài thơ sau đó được nhạc sỹ Bùi Đức Hạnh phổ nhạc thành bài “Tình ca Tây Bắc” nổi tiếng trở thành “khu ca” của đài phát thanh Tây Bắc một thời. (Nhạc sỹ thực ra chỉ lấy 1 số câu, còn là mô phỏng thơ Cầm Giang mà thôi). Bài thơ thực ra cũng chưa hay lắm, nếu so với “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, “Đèo cả” của Hữu Loan thì cón cách xa mấy quăng dao. Bài thơ viết theo kiểu ví von của Trường ca Tản chụ xiết xương (tâm tình người yêu): Trai đáp/ gái đáp nên có giọng điệu dân ca Thái, để người đọc dễ tưởng đây là 1 tác giả dân tộc Thái.
Có câu sáng giá: “Giữa lòng em thuyền độc mộc ngược xuôi” Làm ta nhớ lại từ hồi 1936, Lưu Trọng Lư đã viết: “Mắt em là một dòng sông Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” Rồi các câu khá ấn tượng mới mẻ: Anh làm no lòng Mường Em làm vui ấm bản Đoạn dưới “ký sự” kiểu thơ tuyên truyền hô khẩu hiệu của thời kháng chiến chống Pháp (mà Bùi Ninh Quốc, Phạm Tiến Duật sau này với “đường ra trận mùa này đẹp lắm” đã vượt trên cả Tố Hữu, tất nhiên là dưới tầng Chế Lan Viên).
Tuy vậy, xét về bố cục cấu bài thơ (mở đầu, thân bài, kết luận) thì tài hoa thơ Cầm Giang so các cây viết thời 1946 -1954 ở Tây Bắc thì Cầm Giang vẫn là số 1. Hai câu kết có thể nói là Đẹp, khá đắt: Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung Em ngoan chảy thành dòng sông Mã. Đó cũng là cái “bất tử” của một tứ thơ lạ “đẹp” cùng với quê hương xứ sở. Năm 1961, NXB Văn học có in cho Cầm Giang tập thơ “Rừng trắng hoa Ban” gồm 30 bài, bài viết sớm nhất “Quả còn” Lai Châu 7/1950, bài cuối “mở lò thông gió” 1959 ở Mỏ Cẩm Thái Nguyên… xem kỹ chỉ có 1 bài đáng giá ở trên mà thôi. Thơ khó là vậy 3/3/2012
Em đi bóng núi nghiêng theo
Bụi tung vó ngựa qua đèo mù sương
Từ anh về với bản mường
Với trông bóng núi dặm đường em đi
NK.
Bài 13: NHỚ MƯỜNG HUNG (Nhớ anh Cầm Giang)
Mường Hung sáng núi xanh soi sóng biếc Em vớt rêu thả mượt tóc thung mây
Con cá măng nào hay sông biên giới
Tiếng khèn Lào sang chợ thổi nồng say
Trai Mường Hung thả bay thuyền đuôi én
Vài tay chèo tới Xiềng Khọ - Sầm Nưa
Sắm đồ cưới anh chở về - đúng hẹn
Vòng bạc trao lấp lánh dưới trăng mờ
Từ xa cách bản quê về Hà Nội
Đêm nằm mơ thác đổ trắng ngang trời;
Sớm mai dậy nhớ mây hồng đỉnh núi
Tiếng gà rừng vang động cả hồn tôi.
NK-
Bài 14:XUÂN BIÊN CƯƠNG
Sơn La xuân ở dài hơn
Tháng tư còn trắng hoa Ban trên rừng
Mà đây nắng hạ chói bừng
Chiềng Khương hoa Gạo đỏ lừng bến sông
Biên giới Việt Lào 6/1963 NK-
Chiều vắng vẻ lặng tờ nơi bản nhỏ
Người đi nương, ra ruộng chưa về
Chỉ lũ trẻ đùa nô trên bến tắm
Và một chàng “cắm bản” lắng hồn quê.
Con gà đẻ trứng xong kêu “cộc tác”
Con Vện nằm canh cửa mắt lơ mơ
Mặt suối xanh in bóng cầu vừa bắc
Cọn bên đồng cuốn nước xối như mưa…
Chiều bản nhỏ ngàn xưa đời vẫn thế
Cứ yên vui cùng xứ sở thanh bình
Không giặc giã, gươm trên tường nằm nghỉ
Ngựa lỏng cương thả bộ dọc dòng kênh.
Ai đấy nhỉ một mình nơi thôn dã
Để nhớ ai ngoài phố thị ồn ào
Hẹn một buổi đón về thăm bản nhỏ
Cùng vào rừng hái nấm mé đèo cao.
NK-
BÀI 16. TẮM Ở BẢN
Bản người Thái (ở lưng núi) không có ao như làng người Kinh (ở đồng bằng)… nhưng việc tắm rửa cho sạch sẽ thân mình thì người Thái ăn đứt người Kinh là cái chắc. Ở bản có 3 cách tắm rửa: - Một là nơi “mó nước” đầu bản: Đó là nơi có ống nước tự chảy dẫn qua ống máng tre từ trên nguồn đổ về trong sạch tuôn suốt ngày đêm… thường có 2 ống: một bên nam, một bên nữ. Ngăn cách 2 bên là một phên nứa để bên nào bên ấy “tắm truồng” thoải mái.
Thường thì 3, 4 giờ chiều mùa hè, dân bản đi nương, ra ruộng về, tất cả tới mó nước đầu bản là “kẻ xuộng xựa” (cởi quần áo “tắm”). Chị em thường là ý tứ ngồi xổm, khép đùi, áo được cởi vắt trên con sào bên cạnh, váy được dâng lên đỉnh đầu, ngực lưng hứng vào ống nước đang chảy, 2 tay xoa kỳ cọ thoải mái, đúng như “da trắng vỗ bì bạch”, vú để tự do (là của trời cho) ai thấy cũng chẳng sao. Cánh đàn ông thì “truồng” 100% chuyện trò cười đùa rôm rả… thật cứ như nơi vườn địa đàng buổi ban đầu con người còn chưa biết xấu hổ (nả hại) - tức là khi người nữ chưa ăn trái cấm (theo lời xui của con rắn “quỷ sa tăng”) nên tất cả đều rất vô tư, tắm truồng chung 1 mó nước, thỏa thích ngắm thân hình khỏa thân của nhau mà trong lòng không gợn chút dục vọng thú tính để dẫn đến tội lỗi?...
- Hai là: Tắm suối (vắng vẻ là tắm truồng) - Ba là: Tắm sông Chị em thường là ngồi ngâm mình dưới nước, váy để trên đỉnh đầu hoặc váy để trên bờ. Khi tắm ở sông suối, chị em thường kết hợp gội đầu, thả làn tóc mây xòa theo dòng nước, rồi đứng dậy, vung quay tít cứ như một điệu múa tóc thật là điệu đàng của các tiên nữ trên mường trời.
Người Thái rất tự hào về cái sạch sẽ da thịt của mình… chị em ngày rửa tới vài lần, lại mặc váy rộng xông xênh, nên thường nói đùa “hi của chúng tao là hi hom (thơm), chứ không bịt kín (xi líp), quần bó chặt như người Kinh chúng mày, nên hi min (thối) lắm bệnh phụ khoa”. Văn minh đô thị hay hoang sơ thôn bản (trở lại cuội nguồn tự nhiên chưa ô nhiễm môi trường) đang là một vấn đề nhức nhối của cái thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và con người hình như đang tự đánh mất mình để tiến lên văn minh tàn bạo.
Tắm ở bản (cũng như ở ao làng ngày xưa), chao ôi, đang lùi dần vào dĩ vãng để tắm nước máy đã được xử lý bằng hóa chất (chất độc hóa học diệt khuẩn)…phải chăng ta cũng đang tự “diệt mình” làm biến đổi gen để rồi sinh ra 1 lũ con cháu vô cảm chỉ biết “tiền” và máy móc,vũ khí tiêu diệt, hủy diệt hàng loạt mà thôi….? 4/3/2012.
Bài 17: LỄ TẰNG CẨU
Lễ tẳng cảu (tằng cẩu): Là lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu của phụ nữ Thái đen Sơn La khi lấy chồng. Sau lễ mai mối, chạm ngõ ăn hỏi và lễ cưới, người con gái đã có chồng thì lễ tẳng cảu làm ở nhà gái.
Trong các đồ sính lễ do nhà trai đem sang thường phải có 1 chiếc trâm bạc cài tóc (mản khắt phôm)… người đảm nhiệm làm thường là bà dì, nhà gái có 2 phù dâu trợ lý tiến hành.
Đầu tiên là gội đầu bằng nước vo gạo nếp (để chua) - bẳng nậm khẩu má và nồi nước lá sả, lá bưởi, lá tre… tất cả đem ra bến nước bờ suối giúp cô dâu gội đầu (như một lễ tẩy dơ bẩn trôi theo dòng suối, chỉ còn lại trên đầu phần vía (khoăn hua) thơm tho tốt lành… xong cô dâu về lên phía “tang chan” - khoảng 10 ghế mây (tắng)… cô dâu quay về phía mặt trời mọc, mọi người đứng xung quanh, 2 phù dâu áp sát 2 bên, 1 người nâng đĩa trâm cài tóc.
Bà “Nai tằng cẩu” rút lược sừng đen từ cái “ếp” của mình ra làm vài động tác đưa lên hạ xuống và chải tóc cho cô dâu nhiều lần.
Cuối cùng dùng 2 tay vuốt ngược từ sau gáy, đưa độn tóc đặt vào chính giữa đỉnh đầu và búi tóc “tằng cẩu”… sau khi vuốt nắn lại không còn sợi tóc nào vương lòe xòe, thì cô nâng trâm cài tóc xuyên đúng chỗ để giữa “cẩu”, nổi bật đồng bạc hào hoa văn trắng ở phần đầu của trâm cài tóc chính giữa búi tóc ngược.
Trước đông đủ mọi người, bà Nai cẩu nói: Khắt cẩu đi Vi hoa kiểng Tẳng cảu au phua Té nị pay nả Báu đảy rặm pay nảư Chăư pay ứn luk ơi! Nghĩa là: Gội đầu sạch Chải tóc mượt “Tẳng cảu” lấy chồng Từ giờ này đi Từ nay về sau Không được nước thay dòng Lòng đổi chỗ con ơi! Tiếp theo 2 vợ chồng dắt tay nhau đi qua dọc bàn tiệc đặt dài giữa nhà đã có khách ngồi kín đông vui nâng chén rượu chúc mừng. NK-
Bài 18: TỤC ĐẺ NGỒI CỦA NGƯỜI THÁI *
Đẩy xí phiên xong hắu chắng ó kin khẩu
Cẳư bươn phạ chắng ó kin nốm
Tốc khuổm chắng pên lụ chái
Tốc hai nọng ánh xai phên lụ nhinh phủ ưởi
* 10 tháng chờ đôi ta ra đời ăn cơm 9 tháng đợi đợi đôi ta ra đời bú mẹ Rơi sấp thành bé trai Rơi ngửa em yêu thành bé gái. Khi chuyển dạ, sản phụ được uống nước với cây “mậy phang” (cây tô mộc) có tác dụng cầm máu (có trong rừng hay mua của người Dao, người Hmông). Sản phụ đẻ ngay trong ngăn buồng ngủ của mình trong tư thế ngồi (ghế = tắng), đỡ đẻ thường là mẹ đẻ hay mẹ chồng, hoặc tự xoay xở (nay thì có y tá bản)…
Lễ vật cúng “bà mụ”: 1 con gà trắng, cắt rốn bằng dao cật nứa hơ qua lửa hay nhúng vào nước sôi để sát trùng. Rau thai được gói chôn gần nhà (kín đáo vào ban đêm). Khi trẻ đầy tháng thì cúng “hết hoóng”. Có nghi thức dạy trẻ lao động theo giới và mời Lúng ta (bên ngoại) đến đặt tên cho cháu.
Ta lại về với nhà sàn bếp lửa Một mùa đông ăn củ sắn lùi Vó ngựa phi qua đèo Khau Cả Ngắm sông Đà đổ thác réo sôi Em vẫn đợi ở bên rừng vắng Dải khăn Piêu tung cách bướm hội xòe Ta đi giữa cánh rừng Ban trắng Tiếng chim Tăng Ló vọng hồn quê Từ em đi, anh không về nữa Đầu hồi nhà “khau cút” ngóng chờ ai Đêm mơ về nhà sàn bếp lửa Nghe gió mùa thương nhớ tháng giêng hai. NK-
“Nặm Té hảnh to thú chắng lứm Sông Đà cạn bằng chiếc đũa, hãy quên” * Chúng thủy giai đông tẩu Đà giang độc bắc lưu. Sông Đà (Nậm Te), còn gọi là Sông Bờ hay Đà Giang, Hắc Giang là phụ lưu lớn nhất của Sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (TQ) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Sông Đà dài 910 km (có tài liệu ghi 983km), bên TQ gọi là Lý Tiên Giang do 2 nhánh Bả biên Giang và A Mặc Giang hợp thành…được dịch ra tiếng Châu Âu là sông Đen: Black Rive (Ave), Rivière Noire (Pháp).
Đoạn bên TQ dài 400km từ núi Ngụy Bào, ở huyện tự trị người Di, người Hồi Nguy Sơn phía Nam Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý chạy theo hướng Đông Nam qua Phổ Nhĩ. Đoạn bên ở Việt Nam dài 527km (có tài liệu ghi 543km), bắt đầu từ huyện Mường Tè (Lai Châu) qua Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình tới huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bên kia là Ba Vì (Hà Tây cũ). Điểm cuối là ngã ba sông Hồng Đà ở huyện Tam Nông (Phú Thọ). Sông Đà cung cấp 31% nước cho sông Hồng. - 1994 - nhà máy thủy điện Hòa Bình, có công suất 1920 MW (8 tổ máy). - 2005 - khởi công thủy điện Sơn La 2400 MW - xong vào 2012, sẽ tiếp ở Lai Châu.
Hồ Sơn La dung tích 9,26 tỉ mét khối nước. Sự hùng vĩ của sông Đà, đó là những ghềnh thác dữ dằn gầm thét âm vang giữa 2 bờ vách đá dựng đứng, như nỗi thù hận nghìn đời giữa trời và đất để hung dữ, để tàn phá, để nhấn chìm tất cả. Năm 1958 Nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế đến với sông Đà, Ông đã ghi lại những cái tên và tính nết của một số thác trong số 73 cái thác có tên trên sông Đà về từ biên giới Việt Trung tới thác Bờ (Hòa Bình): “Cách biên giới TQ phía Vân Nam khoảng mười cây số là thác kẻnh mỏ trên”.
Rồi đến thác La Sa, Hát Vá, Mằn hi, Mằn Lay. Rồi thác Hát Nhạt, Mằn thẳm, Hát No Héo, Kẻng mỏ dưới. Rồi đến Hát Lai ở trên thị xã Lai Châu (Mường Lay) độ 9km. Thuộc thủy phận Sơn La là các thác: Hát pi, hát soong pút, hát soong mon, hát pố, hát kếnh, hát chan, hát moong, hát tiếu; qua hát tiếu (tiếng Thái chữ hát = thác) “qua hát tiếu, rải chiếu mà nằm” coi như về cơ bản đã qua những chỗ nguy hiểm.
Từ Vạn Yên tới Hòa Bình lại xuất hiện một số thác tuy có bớt hùng dữ hơn ở phía trên Lai Châu, Sơn La…đó là những “ga” nước trên sông Đà: Thác Ẻn, Thác Giăng, Bãi chuối, Mó sách, Bãi lời, Bãi lành, mó tôm, mó nàng, Nánh kẹp, Quai chuông, Tà phù, Bãi nai, Ba hòn gươm, phố khủa, gềnh đồng, suối bạc, ổ gà, bái nhạp, cánh cuốn, mèo quen, hang miếng, quần cóc, suối trong, bãi ban, riềm, thác rút, thác mẹ, bãi thằng rồ, mó tuần, suối hoa, hót gió, thác Bờ…
Sau khi các đập thủy điện hoàn thành, tất cả các gềnh thác được nhấn chìm xuống đáy hồ sông Đà mênh mông chia 3 khúc: hồ Hòa Bình (từ thác bờ - Hòa Bình tớ tạ bú - Sơn La) rồi từ đập Pả Vinh - Ít ong (Mường La) tới Nậm nhứn Mường Nhé - Mường Tè - Lai Châu… Từ thời Lê, trong “kiến văn Tiểu Lục”.Bảng nhản Lê Qúy Đôn (1723 - 1872) đã viết: “Thác Bờ ở địa phận Động Dĩ Lý và Hào Tráng thuộc Mộc Châu”,như 1 ngọn núi đứng sừng sững giữa dòng là sông Đà, đá lớn lởm chởm, hàng năm cứ đến ngày 8 - 4 từng đàn cá ngược dòng nước bơi lên, chỉ có vài con cá chép khỏe là vượt được thác bờ (cá vượt vũ môn). Sách “Giao Châu ký” của Tăng Cổn (cuối thế kỷ 9) nhà Đường đô hộ Giao Châu (Tiết độ sứ) - có ghi về sông Đà “có Long Môn”, nước sâu trăm tầm, cá lớn vượt lên được chỗ này sẽ hóa rồng. Trong sách “Sơn đường tứ khảo” gồm 228 quyển và bổ di 12 quyển …
Bành Đại Dực (nhà Minh) biên soạn có chép “sông Long môn ở huyện Mông (Yên Lập - Phú Thọ) phủ Gia Hưng, nước An Nam phát nguyện từ Châu Minh Viễn (Vân Nam), nước sông chảy đến đây, 2 bên bờ cao vót, hiểm trở, tảng đá lớn chắn giữa sông chia làm 3 dòng, sức nước vọt lên cao đến vài trượng, nghe ầm ầm như sấm, thuyền đến đây phải kéo lên bờ mới qua được”. Sườn núi động Hào Tráng ở về phía bờ trái, có khắc 2 bài thơ (ngự thơ) của vua Lê Thái Tổ đi đánh Đèo Cát Hãn: Lê Quý Đôn dịch:
“Gập gềnh đường hiểm chẳng e xa, Dạ sắt khăng khăng mãi đến già Lẽ phải quét quang mây phủ tối, Lòng son san phẳng núi bao la. Biên cương cần tính mưu phòng thủ Xã tắc sao cho vững thái hòa (Hư đạo nguy than tam bách khúc Như kim chỉ tác thuận lưu khan) “Ghềnh thác ba trăm” lời cổ ngữ Từ nay xem chẳng nổi phong ba”. Viết tại ngày tốt, tháng mạnh hạ (tháng tư) năm Thuận Thiên thứ 2 (1429). “Đường lên mường Lễ (Lai Châu) bao xa 170 thác, 130 ghềnh” - Ca dao Cử nhân, thượng thư Phạm Thuận Duật (1825 - 1885) năm 1855 làm tri châu Tuần giáo (lúc ấy thuộc Sơn La, tỉnh Hưng Hóa trong sách “Hưng Hóa ký lược” có chép).
“Châu Đà Bắc ở xã Hào Tráng có bến Vạn Bờ tức sông Long Môn, cùng gọi là “đê long thủy”. Tục truyền rằng đây là nơi “cá vượt vũ môn” hóa Rồng. Hai bên đá chốc đứng, chặn ngang cửa sông, ở giữa có một chỗ đá bị đục thủy (do nước xói mòn) gọi là Ao Vua, đó là nơi vua Lê Thái Tổ đề thơ (1429). Theo tác giả Anh Đức trong bài “xuôi dòng Đà giang trước lúc ngăn sông”, tạp chí Suối Reo - Sơn La 5/2004 thì: “Từ thị xã Lai Châu cũ (Mường Lay) muốn xuôi xuống Quỳnh Nhai, ít nhất phải ngồi thuyền trên 200km, vượt qua trên 10 thác hung dữ với những cái tên hãi hùng như thác Ba Bố, ghềnh Ba Cô, thác Bà Đái, hòn Chông, ghềnh chém sóng… thử thách đầu tiên là thác Ba Bố mùa lũ.
Tuy các dải đá ngầm có bớt nguy hiểm nhưng những con sóng lại cực lớn, dập từng cơn táp mạnh vào mạn thuyền, con thuyền liên tục xô nghiêng chao đảo. Người chưa quen đi sông nước bao giờ thì lúc đó coi mặc cho số phận, còn những người từng trải thì thêm 1 lần trải nghiệm. Qua hết nghềnh thác, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Đi từ sáng tới hơn 2 giờ chiều đến được bản Huổi Ca, xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Rồi tiếp tục xuôi qua: Nậm Lốt, Pờ răng ky của đồng bào Dao, xã Nậm Hăn (Sìn Hồ), rồi tới Pắc Phạ, Pắc Na của đồng bào Hà Nhì, Thái trắng xã Tủa Thàng (Tủa chùa)…
Vào đất Sơn La là bản cũ xã Cà Nang (Quỳnh Nhai) của đồng bào La Há hiện dưới cánh rừng ven suối. Qua huyện lỵ Quỳnh Nhai: Thuyền ghé qua các bến Pá Uôn (nay có cầu), Chiếng Bằng, Văn Pán, Nậm Giôn, Nậm Mu, Liệp Tè… Thác Pá Mu hung dữ mùa cạn, khi nước dâng thì hiền lành là bến đò đưa khách qua sông. Tại Pá Vinh - nơi xây Thủy Điện Sơn La có cây cầu cứng qua sông để thi công… Sau 5 ngày lênh đênh sóng nước, thuyền cập bến Tạ Bú an toàn.!.!.
Bến Tạ Bú một sớm mai mình đến Nước sông sâu xanh biếc tự đáy lòng Hòn cuội trắng soi hồn ta tỏa nắng Theo ngựa thồ sang tận En Ong Ơi thác Chiến, có xuôi thuyền đuôi Én Bản Pha Khinh ai đó hẹn ta về Đêm nay “lẩu xiêu” vui cạn chén Bếp nhà sàn tiếng “Pí” thổi say mê Bến Ta Bú nào có ai ra tắm Để vừng trăng đắm đuối giữa dòng Mình là trai bản Phiêng Ngùa lạ lẫm Đến bến thuyền xuống ngựa ngẩn ngơ trông. Nguyễn Khôi “Nước Sơn La ma Tạ Bú” (cũng có người nói ma Hòa Bình)
Ở khu di tích bảo tàng “nhà tù Sơn La” trên đồi Khau Cả, áp sát dinh Công Sứ (thời Pháp thuộc) nay là trụ sở UBND khu tự trị Tây Bắc, rồi tiếp là trụ sở UBND tỉnh Sơn La. Ở cách cổng nhà tù xưa một quãng có một ô nhỏ “Iđôlê”rộng khoảng 4m2, hình tam giác vuông - xưa có cửa là một phiến gỗ lim dày, vừa để 1 người lọt ra vào. “I đôlê” ở ngay bức tường sau khu thường phạm, bước chân ra là đường hành lang tròn (đường Rông). Năm 1940, nơi đây nhốt 1 người tù Cộng Sản: Anh Tô Hiệu (30 tuổi) nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đảng Cộng sản Đông Dương - quê Xuân Cầu, Văn Giang, Bắc Ninh.
Sau những trận đòn thù của thực dân Pháp ở các nhà tù như Côn Đảo, Hỏa Lò… anh Tô Hiệu đã bị “lao” nặng nên bị nhốt cách ly ở “I đôlê”- lúc này anh Tô Hiệu là Bí thư chi bộ nhà tù, tuy bị đau nặng, lại phải nằm bệ ci ment, nhưng anh vẫn làm việc hết mình… đến ngày 16/7/1944 thì anh trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay các đồng chí của anh. Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây để nhốt tù chính trị, tường cao, sàn sân láng ci ment, 1 ngọn cỏ không thể mọc được, tường và sân, kể cả đường “nông” đều dầm đá dăm + ci ment (bê tông) dày hàng nửa mét (để đề phòng tù nhân đào hầm tẩu thoát).
Luật lệ canh gác nghiêm ngặt, thường có lính gác đi lại liên tục ngày đêm nên không ai có thể đào bới trồng cây trong sân nhà tù. Sau Cách mạng tháng 8, khoảng năm 1948 (do các đ/c ở đây kể lại) khu di tích nhà tù bị bom Pháp đánh sập, bị bỏ hoang… Sau năm 1954 (hòa bình lập lại) thủ phủ khu tự trị Thái Mèo đặt ở Chiềng Ly (Thị trấn Thuận Châu), tỉnh lỵ Sơn La cũ (Chiềng Lê là một thành phố chết và đổ nát)… thuộc 2 xã Chiềng An, Chiềng Cơi, huyện Mường La (Châu Mường La)… mãi tới năm 1962 mới thành lập thị xã Sơn La: Các cơ quan của khu và tỉnh mới chuyển từ Thuận Châu về thị xã , nhà cửa mới được xây dựng, khu nhà tù vẫn là một phế tích, nay là Thành phố.
Năm 1958, nhà văn Nguyễn Tuân đi thực tế ở Sơn La, trong tùy bút “Sông Đà” nổi tiếng, ở trang 129 - 134, ông có viết thiên “Đào cộng sản” nhân sau khi đến thăm khu phế tích nhà tù Sơn La xưa “tôi dạo hết sân ngoài sân trong, nhìn tường đá, nhìn xi măng cốt sắt, nhìn cây. Có những cây hao hao cây Xoan, và mấy gốc muỗm.
Thế thôi. Tôi biết. Ở đây còn có cây đào, cây đào ông Tô Hiệu”… Rồi nhà văn xuống khu vườn ổi chân đồi Khau Cả viếng mộ anh Tô Hiệu: “Đứng trước mộ đ/c Tô Hiệu nơi rừng ổi, tôi bảo tôi “nơi nghĩa trang tiễn biệt này, cần có đào”…. Đối với bậc lãng mạn cách mạng, lấy hoa đào để thực hiện lên cái vui hoa quả XHCN của Sơn La - Thủ phủ Tây Bắc ngày nay, thấy cần có bóng hoa ấy trên chữ vàng bia đá”. Nhà văn Hoàng Công Khanh (1921 - 2010).
Một bạn tù của anh Tô Hiệu, trong cuốn “Hoa nhạn lại hồng” NXB Văn Học 1992, trang 157 có viết “sau các trận bom Pháp, nhà tù Sơn La chỉ còn cái cổng và cái hầm sâu. Trên quảng đường “rông” gần “I đôlê” bỗng xuất hiện một cây đào rừng (đào phai không ăn quả được) nó lớn nhanh và hoa phớt hồng, sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân nhân một dịp lên thăm qua thăm vết tích nhà tù thấy cây đào mọc bên cạnh phòng giam (xưa) anh Tô Hiệu đã vui miệng nói đó là cây đào Tô Hiệu”.
Rồi truyền miệng, báo chí đăng tải, rồi Bảo tàng Sơn La gắn biển “cây đào Tô Hiệu” một huyền thoại thành hiện thực ca ngợi một chiến sỹ cộng sản. Năm 1980 - 1981 tỉnh mới tu bổ lại thành khu di tích bảo tàng cách mạng. Nguyễn Khôi tôi lên công tác Sơn La 21 năm (1963 - 1984) có cái may mắn: Hồi 1966 - 1970 công tác ở Ban Nông nghiệp tỉnh ủy Sơn La, 1978 - 1984 làm thư ký ở văn phòng UBND tỉnh Sơn La, nơi ở và nơi làm việc cách 1 bức tường là sang khu di tích nhà tù, cách chỗ gọi là “cây đào Tô Hiệu” vài chục mét.
Nguyễn Khôi tôi cũng có cái may mắn đã từng được đưa các bác Trần Huy Liệu, Văn Tân đi thăm lại nhà tù… và được nghe các bác kể chuyện đủ thứ về nhà tù. Năm 1984 tôi về công tác ở VPQH và HĐNN, có điều kiện cận kề bác Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy… lại thường xuyên giúp việc bác Lê Thanh Nghị nên có điều kiện hỏi về chuyện nhà tù Sơn La (vì bác Nghị hồi trước 1945 cũng bị tù ở đây 5 năm cùng các bác Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy… bác Xuân Thủy, hồi sau làm Phó chủ tịch Quốc Hội).
Qua câu chuyện về cây đào “Tô Hiệu” thì bác Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy đều bảo thời trước 1945, nhà tù chưa bị phá thì không thể trồng cây gì ở trong đó được. Sau này, đó là chuyện của Nhà Văn Nguyễn Tuân trong tùy bút Sông Đà với mấy câu lấp lửng “Cây đào ông Tô Hiệu”, rồi sau đó được báo chí “môliphê” như khẳng định… câu chuyện thực là thế, và có lẽ cũng chỉ nên nói là “cây đào bên buồng giam Tô Hiệu”.
Cây đào này (bên cạnh còn nhiều cây đào khác) hiện nay được Bảo tàng Sơn La gắn biển “cây đào Tô Hiệu”… vậy thực là do ai trồng? Đó là do chim rừng, gió núi đem những quả đào dại (đào rừng) mọc đầy trên đồi Khau Cả gieo vào các khe nứt trên sân nhà tù xưa đã vỡ nát, rồi nảy mầm mọc lên thành cây… tất cả đào Sơn La hầu hết là “trời trồng” (mọc tự nhiên) không phải ai tưới tắm gì cả. Hậu thế, do quá yêu tấm gương hy sinh của người chiến sỹ cộng sản Tô Hiệu nên đã gán cho anh thêm cái “tình”: Ho lao rũ rượi chết đến nơi rồi mà vẫn gieo hạt, trồng đào nở hoa cho các thế hệ mai sau. Từ văn học (tùy bút) rồi thành huyền thoại, âu cũng là một tấm lòng, không nên bàn cãi qúa nhiều. Vấn đề là cất cái biển đã ghi tên kia đi… (Rendez César ce qui appartient à césar)./.
Nhà sàn của người Thái - Sơn La - Tây Bắc “hướn hạn phủ táy” là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, trời đất cùng vạn vật, có 2 loại: - Nhà sàn khung cột: bộ khung được gá lắp từ các bộ phận rời, bắt đầu từ việc chôn cột (nhà cột chôn - nghèo) “hươn chim mạy”. - Nhà sàn vì kèo “vì cột”: Kèo, cột, xà ngang đã được lắp ráp thành các đơn vị “vì kèo” dựng nối các vì bằng các xà dọc (tiến từ hườn khứ sang kẻ khứ (quá giang = khứ) có hai trụ để đỡ đòn tay (pe hản) là con cung.
Đó là loại nhà “hườn kè khang” (nhà kê hạ). Nhà sàn Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, 2 đầu hồi - “tụp cống” khum khum như mai Rùa, gắn với truyền thuyết thủa khai thiên lấp địa, thần Rùa “Pua tẩu”. Dạy người Thái làm nhà theo hình Rùa đứng. “Khửn song phái/ cái song đay” - mở 2 cửa/ đi 2 cầu thang là “tang chan” và “tang quản”. “Tang chan” ở cuối nhà bên trái dành cho phụ nữ. “Chan” là phần nhà sàn được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi đàn bà trong nhà ngồi nghỉ ngơi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa, cầu thang phía này thường 9 bậc (9 vía). Cầu thang đầu bên phải “tang quản” dùng cho nam giới; 7 bậc (7 vía).
Có 2 bếp lửa: “chik pháy” phía tang quản dành cho người già. Bếp chính phía tang chan dành cho nấu nướng, phụ nữ. Bếp lửa nhà sàn ở giữa nơi núi rừng âm u được coi như “trái tim bốc lửa” sưởi ấm nuôi dưỡng cả về vật chất, tinh thần cho cả nhà. Gian “quản” có bàn thờ tổ tiên “hỏng hóng” và cột thiêng “sau hẹ”.
Trên cột thiêng có treo hình Rùa bằng gỗ 3 bông lúa “sam huống khẩu” và 3 nhánh rau “thì là” “sam hóm chik” - đó là biểu tượng của tô tem giáo cùng bóng dáng thuyết thiên - địa - nhân. Nhà sàn Thái vừa trang nhã vừa chắc chăn: Hươn đi tẳng cang tèn Hươn én tẳng cang vên Lốm luông pặt bấu chại Lốm hại pặt pấu pay. (Nhà tốt dựng nơi cao ráo Nhà đẹp dựng giữa mường Gió to thổi không xiêu Bão lớn không lay động). *
Sự tích cái Khau cút (hoa nhà) Theo Quắm tố mướng (kề chuyện mường) Thì: Cuộc thiên đi/ đi đường thuyền sợ rơi/ phải chuồn theo đường con don, con dím… Người Thái từ xíp xoong păn na (Vân Nam) đi theo dọc sông Hồng (Nậm Tao - Sông Thao) ra đi vào cuối tuần trăng. Họ đi cứ đoán lũ nhìn vào mặt trăng khuyết ở cuối dãy núi, họ hẹn nhau, hễ ai đến được phương đất nào khi làm nhà thì dựng trên đầu hồi nhà (nóc) một cái dấu hình mặt trăng khuyết để nhận ra đồng tộc - và cái đó gọi là “khao cót” và gọi chệch là “khau cút” = sừng cuộn. Theo tiếng Thái “khao” là trắng, cót là ôm có ý nghĩa là mối hận ly hương. Cái mô típ trang trí nghệ thuật “mặt trăng khuyết” này còn có ở cửa sổ, khăn Piêu…
Khau cút vẽ vân sen/ đầu kèo vẽ vân én/ mái nhà xén chân gianh bằng rui: Đó là tiêu chí nghệ thuật về nhà sàn Thái. Khau cút là 2 thanh gỗ đóng chéo hình chữ X trên đòn nóc “tiêu bôn” trước hết là để chắn gió “pảy lốm” nẹp 2 mái gianh 2 đầu hồi nhà. Những nhà tầng lớp trên xưa còn thêm bông sen cách điệu ở 2 giao điểm 2 tấm gỗ và 8 hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên khau cút. Có nhiều cách hiểu về khau cút: Đó là cặp sừng trâu cách điệu (văn minh lúa nước); Đó là những búp cây Guột (rau dớn)… nhìn thấy nó là ta nhớ bản nhớ mường. Trên bậu cửa thường chạm hình đôi Thuồng luồng (tô ngựa) linh vật làm chủ trên sông suối, biểu tượng cho sức mạnh và gia đình hạnh phúc. *
Các loại khau cút: - Khau cút mải: Là dạng đơn giản nhất chỉ là 2 thanh tre bắt chéo vào nhau, là dấu hiệu nhà của phụ nữ góa bụa (me mải). - Khau quai (sừng trâu), khau pẻ (sừng dê), cút chim may (trăng khuyết) cút nêm (cút lá tre) là dấu hiệu của nhà bình thường. - Khau của pụa (khau cút Vua) dấu hiệu nhà Quan lại, quý tộc gồm 2 miếng ván dài trên 1m, phần chót có đóng 2 miếng gỗ ngang, chia 5 nhánh, mỗi nhánh có gắn hình hoa thị theo số đếm của luật tục làm nhà. - Khau cút căm (khau cút vàng) dưới có thanh gươm, là dấu hiệu của Nhà quý tộc “quan võ”. - Khau cút hoa sen:
Nhà quý tộc lớn. Bố trí nội thất: Tiếp liền vách gian buồng thờ tổ tiên (hóong) là buồng ngủ của chủ nhà, phía chân thường đặt thêm bếp lửa để gia đình sum họp, sưởi ấm… chăn đệm chất đống đặt ở phía đầu ngủ. Vị trí ngủ của các thành viên trong gia đình: Gian giữa “xáo hạch” và “hỏng ly” là gian khách đàn ông ngủ. Đối diện phía dưới là nơi con trai chưa vợ ngủ. Kề cột xáo hạch là vợ chông chủ nhà ngủ. Kế tiếp là vị trí Bố mẹ chủ nhà ngủ, tiếp là vợ chồng con trai ngủ, tiếp là nơi vợ chồng con gái ngủ, rồi đến con gái chưa chồng ngủ.
Con rể không được vào khu vực bố mẹ vợ ngủ, con dâu, con rể không vào khu bố mẹ chồng ngủ. Bố mẹ chồng không vào khu con dâu ngủ. Sợi dây “xảo lỏng luông” là ranh giới (sợi dây linh thiêng) nên người ta chỉ vắt khăn mặt, khăn Piêu lên sợi dây này. Tuyệt đối không vắt quần áo, tối kỵ là váy áo phụ nữ. Con gái chưa chồng Vợ chồng con rể Vợ chồng con trai Bố mẹ (ông bà) Vợ chồng chủ nhà Khách đàn ông *
Các vị trí khác: - Nơi để hạt giống (giàn 2 bếp) - Nơi để ống nước: Dựa vào vách bên phải (thường ngồi quay mặt vào bếp) - Nơi để khung dệt vải: Bên phải sàn xia phía trong nhà hoặc bên trái sàn xia phía ngoài nhà. - Nhà kho: Ở dưới gầm sàn Lễ lên nhà mới: mời Lúng ta (ngoại) châm lửa nhóm củi ở bếp mới, mời mo đọc bài xua đuổi tà ma
Cảm tưởng đầu tiên khi gặp “gái Thái” là nõn nà, sạch sẽ, đẹp, hấp dẫn cả dáng lẫn da. Trang phục đẹp “độc đáo” tạo dáng đi tha thướt, uyển chuyển, làm nổi bật các đường cong gợi cảm nhưng vẫn kín đáo, thắt đáy lưng ong. Tính tình dịu dàng, hiền thục, dễ gần gũi, thực thà, chất phác, nói năng vừa phải. Tình cảm: chân thành, yêu tha thiết, hoạt động tình dục mạnh mẽ, đứng tuổi mà bộ ngực vẫn đầy đặn. “Gái Thái tóc thơm, da trắng, thịt mềm Đôi bầu nhật nguyệt như mộng ước Ru hồn trai lên cõi trời tiên”
Thông minh, hoạt bát, ham học hỏi và nhanh tiếp thu cái mới. Sinh hoạt cộng đồng: dám phát biểu chính kiến, hay hát và hát hay, múa (xòe) giỏi. Chăm chỉ đảm đang, nuôi con khéo, dạy con ngoan. Không đánh con, ít xảy ra cãi nhau (to tiếng), không ăn cắp, không nói dối (ba vẹo). Có tính bình đẳng bình quyền (không tự ti), có chí khí vươn lên (danh ca có nghệ sĩ ưu tú Vi Hoa; chính trị cấp cao có Tòng Thị Phóng - ủy viên bộ chính trị, phó chủ tịch Quốc hội…)
Nhận xét (đánh giá) về “gái Thái” của chính các chàng trai Thái qua “Tản chụ xiết xương” (tâm tình người yêu) với cái lối nói “xiết” (kiểu nói kháy, hơi cường điệu, phóng đại “quá” lên một chút) đã ca ngợi cô gái có vẻ đẹp thông qua lao động: “Xai pánh nhịp lang chủm pên hún nộc dung / phung lang he pến hún luống bin xẻo/. Lả tắt kẻo pên chớp lao vi” (Em khâu vó nên hình chim công /vá chài thành hình lượn con rồng) đưa nhát kéo thành Sao Tua Rua/. Cô gái xinh xắn ở trên sàn khuống khiêm nhường đáp lại:
“Khuống phủ khuôn nhinh khuống nọi, khống ai khái Khuống pai chán dú ngăm nga phả Báu đáng nả chụ pươn má cha đău ná” (Khuống của em, Khuống nhỏ lại xiêu vẹo ở bên sàn ngoài, cớm cành cớm nguội chẳng xứng mặt chàng yêu của người sang chơi). Người Thái có câu “au mia bấng me nai” (lấy vợ thì xem bà mẹ cô ta) ý là “mẹ nào con ấy”…từ lên sáu, lên bảy, bé gái đã được mẹ dạy tập nhặt bông, cán bông, quay xa, kéo sợi, cầm kim chỉ để khi lớn là thông thạo dệt vải vá may, tự tay trồng bông, dệt vải, nhuộm màu, cắt may quần áo, làm chăn gối đệm màu…Phụ nữ Thái còn giỏi trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt thổ cẩm đẹp, thêu piêu…coi đây là các nghề phụ làm ngoài giờ ra ruộng, lên nương, nuôi dạy con cái. Đó là những bàn tay tài hoa, khéo léo:
“Sai pánh khuổn mư sại lẹo chum bok cai Hai mư khoa chum bơk Mường Hỏ Năng dóng dỏ nhịp lụa pên pik bin lá” (Em úp tay trái nở hoa đào Ngữa tay phải thành hoa Mường Hỏ Khép ngồi khâu lụa thành (chim) vỗ cánh bay.
Sự chăm chỉ của các cô gái Thái thức khuya dậy sớm trên khung cửi từ canh ba, canh tư đến tang tảng sáng mới rời khung cửi đi nương, ra ruộng. “Tứn tắm húk kem bươn hai Tứn tắm húk lai kem bươn hai póng hung” (Dậy dệt thổ cẩm cùng trăng sáng Dậy dệt vải hoa cùng trăng tỏ rạng đông).
Người phụ nữ Thái quên ăn quên ngủ làm lụng tận tụy vì chồng con, xã hội… đã tạo ra các sản phẩm thiết thực quý giá… các chàng trai Thái luôn mơ ước kiếm được cô vợ đảm đang, qua lời hát “khắp” đã lý tưởng hóa về việc nàng thêu khăn đào tặng chàng: “Lả tắm phải pên póc nong xe Pánh tắm pé pên khoáng lái lủ Chụ tắm khẳm pên khoáy lai lương Cốn táng phương lướt le chăử hảy”.
(Em dệt sợi thành vóc hoa dâu Em dệt tơ thành gấm hoa vân chéo Dệt thổ cẩm rực rỡ hoa văn Ước được em thêu dệt khăn đào). Như vậy: Gái Thái với vẻ đẹp hình thể (vào loại nhất ở nước ta) thì cái đẹp bên trong, vẻ đẹp nội tâm quả là các cô nàng xinh đẹp để cho ta chiêm ngưỡng và yêu thương hết dạ. 8/3/2012.
Tiếng Pí Pặp lảnh lót Rơi xuống nhà sàn em Nhà sàn em tỏa sáng vừng trăng Tiếng Pí Pặp nỉ non đêm ngày Trải thảm lên thang gỗ chín bậc Rơi vào đáy tim em. Lò Vũ Vân
_________
(1) Pí Pặp: Sáo trúc nhỏ Pí = sáo “páu pí xáư hu quai” thổi sáo vào tai trâu (đàn gãy tai trâu) Pí láo = sáo trúc dài * Nhà thơ Lò Vũ Vân (19 - 8 - 1943) quê bản Noong Đa, Bắc Yên. Ở tổ 8. phường Tô Hiệu. TP Sơn La.
Bài 26: TÊN MỘT SỐ MÓN ĂN THÁI
Người Thái có câu “dệt kin xấư xốp nhăng báu hụ” - làm ăn vào miệng còn không biết thì mọi lời nói chữ nghĩa cũng chỉ là “tô xư tai” (con chữ chết) mà thôi. Theo Vi Liên: 1. Căm khảu (Phần về cơm): Khảu nửng (cơm xôi), khảu lam (cơm lam), khảu tổm (bánh chưng), khảu chảo (cơm thổi), khảu canh (cháo), khẩu chí (cơm nướng)…
Khảu bái pa (cơm cá), khảu bái sáy (cơm độn trứng), khảu bái bay (cơm độn trám đen), khảu bái cưởm (với trám xanh), khẩu bái nậm ỏi (với mật), khẩu nhọm (nhuộm các màu), khảu qua mắn có (độn sắn), khảu qua khảu phảng (độn kê), khẩu qua li tổm (với ý dĩ), khảu qua phứa hom (khoai thơm)… 2. Căm chảm (các loại chấm). *
Le cưa khao (muối trắng), le ướt cưa (muối ớt). * Các loại “chéo”: Chéo khinh hom (gừng), chéo ướt cưa (ớt tỏi), chéo báư líu (lá chanh), chéo hom chi lang (húng chó), chéo inh ki (húng) chéo hom kíp (tỏi), chéo hom pẻn (mùi tàu), chéo phắc chậu (sả), chéo thúa nau (đỗ tương), chéo pa (cá), chéo pu (cua), chéo mẹ (sâu măng), chéo non tó – chéo manh i (nhộng, ve), chéo đẻ mọn (nhộng tăm). *
Các loại mắm: Mẳm ca (cá), mẳm nước, mẳm khụa (nòng nọc), mẳm mẹ (sâu măng), mẳm co đường Pừng (nhộng cây móc), mẳm manh ti (nhộng ve), mẳm manh po (nhộng cánh cam), mẳm tắc ten (châu chấu), mẳm pu (cua), mẳm non tó (nhộng ong), mẳm manh đa (cà cuống), mẳm tô niểng (niềng niểng). *
Các loại nước chấm: Nặm xổm đanh (măng chua), nặm xổm má xim (quả xím), nặm xổm mák (quả bứa), nặm xổm má liu (chanh)… kham bong (quả me), nặm mắm (nước mắm), nặm tôm (mắm tôm), pảnh van (mì chính).
3. Căm kin (phần về các món ăn): * Phau (đốt) – chí (nướng) Các món nướng (pỉnh): Pỉnh họn, pỉnh tộp (cá), pỉnh ho (gói), pỉnh mịnh (hơ), pỉnh mản (xiên), pỉnh mản xót (xiên miếng to). * Các loại lam: Lam nhứa phặc (thịt nạc), lam nhứa hạp hạ (thịt bạc nhạc), lam phắc (rau), lam nó (măng), lam tô họk (con sóc), lam tô ổn (con dúi). *
Các loại “mốc” cá: Gói lá vùi tro nóng: Móc tong (lá), mốc ố (ủ), mốc nhứa đảng (thịt khô), mốc cay (rêu đá), mốc pho, mốc ốt, … * Các loại Ók gồm: Hầm cách thủy: ók năng min, ók nhứa đảng (thịt chó), ók cay (rêu đá), ók tau (tảo), ók bon, ók ốt… *
Các loại nhọk (nghiền nhuyễn): Nhọk mák khừa (cà), nhọk mák thú (đỗ), nhọk năng (da), nhọk nhứa (thịt). * Các loại mọk (tẩm bột hầm cách thủy): Mọk cáy (gà), mọk pa (cá), mọk nhứa (thịt), mọk tô pụng (diều hâu), mọk tô hơn (don), mọk tô mển (dím), mọk cay (rêu đá), mọk hết (nấm), mọk mắk mư (quả chua ngọt). *
Các loại pho (đùm lá vùi nướng): Pho hết côn (nấm rơm), pho cốp (ếch), pho hết hẹk (nấm hương), pho hết khôn cày (nấm da), pho chương tọng (lòng), pho pa (cá). * Các loại nửng (xôi) “đồ”: Nửng táo, nửng xá - đíp (chín tới), nửng pa (cá), nửng phắc kén (rau khúc), nửng man ca (búp sự), nửng pưới (nhừ), nửng nhứa (thịt), nửng mák buốp (mướp), nửng mák pi (hoa chuối), nửng dúak pi (nõn cây chuối rừng)… * Các loại quả:… *
Các loại rau: Đều đem “đồ” mới ăn, phắc cát úp (bắp cải), phắc cát mong (cải xanh), mướk (bồ công anh), khỉ táu (diếp cá), noók (rau má), ngỗm (xương sông), cát đon (cải bẹ), cát choong (cải xoong), ót (rau ngót), xô-ók (dọc mùng), cút nặm (dớn), phắc ở lợt (lá lốt), phắc ven. 4. Các loại lá (lá non và ngon): Bâư mắn co (ngọn sắn), bâư ổi, bâư ngoa, bâư đứa. 5. Các loại măng ăn ghém sống: Nó khá, nó van, nó bới, nó thúa ngọk (đá), nó pửng, nó lau, nó man ca, nó tao, nó vai… 6.
Các loại nấm: Hết bỉ, hết thu nún nặm. 7. Các loại quả thơm: Măk khén (hạt tiêu rừng), măk he (tiêu), măk ớt (ớt). 8. Các loại vỏ: Năng co hăm (vỏ cây hạt dổi) Năng chưa bi mi 9. Các loại quả ăn sau bữa cơm (đét xe): Măk teng (dưa), kiểng (cam), hảu (bứa ngọt), phong mạt (dứa), mắk muông (muỗm), hăm (hạt dổi), liu (chanh), cuổi (chuối), nghe (quýt), na (na), pục van (bưởi ngọt)… 10. Các loại bánh kẹo:…
11. Các loại chụp (nộm): Chụp phắc chiệu (rau bướm), nó (măng)… 12. Nó xổm (măng chua) Nó héo (măng khô chua) Nó hang (măng khô) 13. Các loại củ quả: Mắk ứk (bí đỏ), mắk phặc (bí xanh). 14. Các loại hoa “đồ” chín ăn được: Bók ban (hoa ban), ít ương, thúa (đỗ), tong tay, hởng, nôm nẹ, pip, ứk, khạnh… 15. Các loại gỏi: Cỏi năng (da) cỏi pa (cá), cỏi nhứa (thịt), cỏi xổm (chua), cỏi khôm (đắng)…
16. Năm pịa, nặm bi (mật). 17. Kăm cắp (ghém): * Các loại ghém rau thơm: Hom kim (húng), hon xa au, hon pẻn, hon chỉ, hon kip (tỏi). 18. Căm nặm (phần để các món uống): : Lảu xá chúp (rượu cần mút) : Lẩu xiêu (rượu cất). : Lẩu vạng (rượu cái). Nặm ta (nước lã), lẩu xá nóng (rượu đóng chai), lẩu xong xiêu (cất 2 lần), nặm che (nước chè)… Cơ cấu một bữa ăn (mâm cơm) thường phải có đủ 5 thứ (năm miếng) xếp thứ tự. 1. Căm khảu (về cơm) 2. Căm chảm (về chấm) 3. Căm kin (về món ăn) 4. Căm cắp (về món ghém)
5. Căm nặm (về món uống) Khi sắp xếp mâm cơm: Đặt trước tiên là “đĩa muối ớt” coi như đã có chủ nhà (mi chản hươn) tiếp theo là các món khác. Do thích ăn “xôi nếp thơm” nên cả hệ thống tiếp theo sau cơm (xôi) là các món thức ăn khô (trừ rượu) mùa nào thức ấy. Các món ăn “đồ” (không luộc) nên ăn ngọt đậm (không nhạt)… Bữa cơm Thái quả thật là độc đáo, hấp dẫn, ngon mà như đủ các vị thuốc thu lượm từ rừng núi rất bổ dưỡng cho cơ thể con người./.
No comments:
Post a Comment