Thursday, April 26, 2012

HOÀNG TIẾN * BÌNH LUẬN VĂN HỌC


Bình luận sai còn khoe chữ! 

Cụ thể là bài bình luận của phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Na “Về bài thơ nôm số 79 của Nguyễn Bỉnh Khiêm” đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009. Bài thơ trên in trong sách giáo khoa “Ngữ văn lớp 10” (tập một) dùng cho học sinh phổ thông trung học. Nhàn Một mai, một cuốc, một cần câu, Thơ thẩn dù ai vui thú nào. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Rượu đến cội cây, ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. Những ghi chú hướng dẫn của sách giáo khoa nhằm giúp học sinh hiểu được chữ “Nhàn” của người xưa, cụ thể ở Nguyễn Binh Khiêm, đặt thân mình ra ngoài vòng danh lợi đua chen, lấy nhàn tâm, dưỡng tính, an nhiên tự tại làm quan niệm nhân sinh lý tưởng. Bài thơ thuần chữ Nôm, không pha chữ Hán. Câu chữ dễ hiểu với mọi người. 
Không dùng điển cố hay rất ít dùng điển cố. Đấy là đặc điểm nổi bật về thơ quốc âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vậy mà đọc bài của ông Nguyễn Đăng Na, thấy ông đưa ra cơ man là điển cố. Nào là bài Kích nhưỡng ca từ Nhạc phủ, rồi Mặc tử, Trang tử, Hàn Phi tử. Gán cho Nguyễn Bỉnh Khiêm tư tưởng của Hàn Phi tử biểu hiện ở một mai, một cuốc …
Rồi điển cố Khương Tử Nha (Lã Vọng) với cần câu lưỡi thẳng. Rồi Kinh Thi phần Vệ phong với bài “Trúc can”: cành tre dài von vót, để câu ở sông Kỳ. Rồi thơ về măng của Lương Tiêu Sâm đời Tống, thơ về măng của Đỗ Phủ đời Đường. Mã Viện cho rằng măng đông ngon hơn măng cuối xuân đầu hè. Rồi Tô Tụng cho măng trúc đắng mùa thu là quý nhất. Rồi Lý Thời Trân danh y nổi tiếng cũng nói về măng trúc đắng. Rồi hình nhi thượng, hình nhi ha. 
Đại loại, ăn măng, ăn giá là hình nhi hạ; tắm hồ, tắm ao là hình nhi thượng…Nghĩa là cứ loạn cả lên. Nó gây cho người đọc một phản cảm, tác giả khoe kiến thức. Kiến thức đầy bồ, nhưng đặt không đúng chỗ, vì đây là bài học cho học sinh phổ thông lớp 10, lớp đầu tiên của phổ thông trung học. Ông Na hoặc là người cuồng chữ, loạn chữ, hoặc là người tâm thần ở dạng vĩ cuồng. Coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Dẫn chứng một: Ông Na viết: “Vậy mà, cũng có người viết rằng, cần câu là công cụ lao động… để bắt cá” (sách giáo khoa). Thôi thì, đành phải cung cấp cái gọi là “cần câu” vậy!” (trang 70. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009) Rõ ra giọng điệu cao ngạo, khinh đời. Nói nôm na là: Các anh ngu lắm. Thôi thì, (hãy giỏng tai lên) mà nghe ta giảng giải cho biết thế nào là cái cần câu. Dẫn chứng hai: Ông Na viết: “Vậy mà, có người biến Nguyễn Bỉnh Khiêm thành nông dân lao động cần cù, đào đất, cuốc xới đất, bắt cá… Chẳng hạn, trong các sách Trung học phổ thông với đầu đề “1. Vẻ đẹp cuộc sống” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, họ ghi: “… 
Cụ Trạng về sống giữa thôn quê như một “lão nông tri điền”, với những công cụ lao động: mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để bắt cá”. Tôi biết bình luận gì đây?” (trang 70. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009) Có nghĩa là: Tôi không buồn nói nữa, vì các anh quá dốt. Dẫn chứng ba: Sách giáo khoa ghi: “Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa nào thiên nhiên cũng là môi trường sống thanh tao: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Hai câu thơ là một bộ tranh tứ quý, có cảnh, có người, có mùi vị, có hương sắc”. (Ngữ văn 10. Tập một. Sách giáo viên).
 Ông Na bình phẩm: “Ôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu xếp tứ quý theo lối vẹt hót: xuân, hạ, thu, đông! Ông cũng chưa bao giờ làm việc môi trường! Một bộ tứ quý, đặt bức nào trước, bức nào sau, đâu phải cứ sắp xếp bừa? (trang 71. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009). Ông Na cũng là giáo viên dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, nỡ lòng nào hạ bút phê phán đồng nghiệp mình như thế. Họ là những con vẹt vì nói theo thứ tự xuân, hạ, thu, đông, còn ông Na không phải là vẹt thì ông xếp bốn mùa theo kiểu nào đây? Không thấy ông trình ra.
 Ông Na viết nối tiếp câu trên: “Vả chăng, tranh tứ quý vốn do người Việt Nam thời trung đại thường viết chữ Hán, chữ Nôm… Thành thử, trẻ không đọc được nên xếp lộn bốn mùa”. (trang 71. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009) Thú thật, tôi không hiểu ông Na định nói gì ở câu viết này. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng xếp lộn thu, đông, xuân, hạ, thì chẳng lẽ cũng như trẻ con vì không đọc được chữ Hán, chữ Nôm chăng? Ông Na viết tiếp: “Câu đầu, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ăn lên trên và đặt song trùng: ăn (măng) // ăn (giá). Đấy là hình nhi hạ. Câu sau, thi nhân vẫn dùng phương pháp sóng đôi: tắm (hồ) // tắm (ao). Đây mới chính là hình nhi thượng. Hai câu luận song song đối nhau. 
Nhưng, ngay trong mỗi câu, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chặt đôi: hình nhi thượng trước (măng trúc) // hình nhi hạ sau (giá). Măng trúc do trời ban, thiên nhiên ban; còn giá bởi con người vất vả làm ra. Câu sau vẫn theo lối cấu trúc: Hình nhi thượng trên – hồ sen do ông xanh tạo hóa, ông ban cho được tắm hương trời; mà nếu, ông xanh không cho thì vui vẻ trở về tắm ao (cũng có thể tắm ao tù) – Hình nhị hạ dưới. Con người tự làm, chẳng phái đội Thiên tử”. (trang 71. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009) Không biết ông phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đăng Na hiểu khái niệm triết học hình nhi thượng, hình nhi hạ như thế nào, mà viết rối rắm như trên. 
Xin mách ông một định nghĩa cơ bản về hình nhi thượng và hình nhi hạ theo Hán Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh như sau: Hình nhi thượng: (triết) Kinh Dịch nói: hình nhi thượng dã vị chi đạo, nghĩa là: từ cái hình chất trở lên gọi là đạo. Hình nhi thượng tức là cái vô hình, là tinh thần, đạo lý (abstrait, esprit). Hình nhi hạ: (triết) Kinh Dịch nói: hình nhi hạ dã vị chi khí, nghĩa là: từ cái hình chất trở xuống gọi là khí. Hình nhi hạ tức là những cái hữu hình (concret, matière). (trang 364 Hán Việt từ điển. Đào Duy Anh. Quyển thượng. In lần thứ ba. Trường Thi xuất bản. Sài Gòn 1957). 
 Ông Na có thể đối chiếu kiểm tra lại bài viết của mình để thấy những chỗ sai lầm về khái niệm hình nhi thượng và hình nhi hạ. Còn nếu ông cứ cho mình là đúng, hiểu như ông mới thật là tuyệt vời, là đỉnh điểm; hiểu như mọi người là tầm thường, là thô lậu, là sai, thì lại phải dùng chính cách nói của ông để trả lời ông trong trường hợp này: Còn biết nói gì với ông nữa đây! Kiểu nói của ông Na là kiểu nói lấy được, theo ý mình. Ông viết: “Khi phá đề, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy ngay điển từ Nhạc phủ - bài Kích nhưỡng ca để mở đề: “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực”; nghĩa là: “đào giếng để mà uống, cầy ruộng để mà ăn”. (trang 69. Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009). Tại sao lại nói cách khẳng định xưng xưng như thế? Ông Na có phải là cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu mà biết khi phá đề cụ lấy ngay điển từ Nhạc phủ. 
 Một mai, một cuốc, một cần câu là những từ ngữ nông dân thường nói. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan (làm quan 8 năm) về sống với dân có thể học người dân, chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ dân gian đưa vào tác phẩm, chứ cứ gì phải lấy điển cố từ Nhạc phủ - Trung Quốc. Hơn nữa cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sao lại không thể tự mình nghĩ ra, cụ là bậc thầy nho, y, lý, số, cứ gì phải bám vào ai, lấy ý tưởng của ai. Kiểu nói như ông Na tưởng làm sang cho cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng nó lại gây những phản ứng ngược. Thời xưa, kẻ sĩ luôn miệng Khổng tử viết, Mạnh tử viết. Thời Liên Xô còn đứng đầu phe Xã hội chủ nghĩa, mà nước ta là thành viên, thì luôn trích dẫn những ông Ốp, ông Ép ở đầu lưỡi. Rồi Mao Chủ tịch nói, Chu Ân Lai nói, Lưu Thiếu Kỳ nói…
 Đó là cái tư tưởng sùng ngoại, hay nói một cách khác, tư tưởng nô lệ nước ngoài của một số người làm nghiên cứu phê bình văn học nước ta. Việc gán ghép một mai, một cuốc, lấy điển cố từ Kích nhưỡng ca vừa khiên cưỡng vừa xa lạ. Kích nhưỡng ca có tứ: đào giếng để mà uống, cầy ruộng để mà ăn. Còn bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ nói một mai, một cuốc, chứ đâu có đào giếng để mà uống… Ông Na còn trích một câu của Hàn Phi tử: “Ngô bất thần thiên tử, bất hữu chư hầu, canh tác nhi thực chi, quật tỉnh nhi ẩm chi”, nghĩa là: Ta không làm bề tôi của thiên tử, không làm bạn với các nước chư hầu, cầy ruộng mà ăn thứ đó, đào giếng mà lấy nước đó uống”. 
Rồi ông Na đi đến kết luận: “Vì thế, ông (tức Nguyễn Bỉnh Khiêm) theo Hàn Phi, đấy là tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm biểu hiện Một mai,một cuốc…” (Trang 69 Tạp chí Hán Nôm số 4, 2009) Bình luận của ông Na quá ư là khiên cưỡng, nếu không muốn nói râu ông nọ cắm cằm bà kia. Nghe ông Na giảng giải về cần câu, thì ra ở đây không phải là chiếc cần câu cá thông thường, mà là chiếc cần câu lưỡi thẳng của ông Khương Tử Nha. Một cách thức tự giới thiệu mình để các bậc quân vương để mắt tới. Hiểu như ông Na chẳng những là cố gán ghép, lại còn sai nữa. 
Vì sao? Vì cụ Lã Vọng (80 tuổi) vẫn ngồi câu bên sông Vị là muốn chờ tìm một minh quân để phò tá trổ tài kinh bang tế thế. Cụ đã được toại nguyện giúp Vũ vương diệt Thương Trụ, lập nên triều nhà Chu. Còn cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhà ta đã từ quan về ở ẩn, không màng danh lợi, lấy nhàn làm vui, thì cần gì chiếc cần câu lưỡi thẳng của Khương Tử Nha. Cụ chỉ cần chiếc cần câu của nông dân để câu cá, di dưỡng tinh thần, là thú vui của các bậc túc nho về ở ẩn trước kia. Lại nhớ đến bài “Mùa thu câu cá” (Thu điếu) của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo … Và hai câu kết: Tựa gối ôm cần lâu chẳng được, Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
 Không được cá cũng không sao. Di dưỡng tinh thần là chính. Hiểu câu Một mai, một cuốc, một cần câu một cách bình thường dân dã như thế, có gì là sai, là thấp kém. Nó trong sáng, bình dị, thanh thản. Thú quá đi chứ! (Thơ thẩn dù ai vui thú nào, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết như thế). Nó đủ sức hấp dẫn làm rung động lòng người, không cần phải nhét thêm những điển cố của Nhạc phủ, của Kinh Thi, của Trang tử…vv…trang trí cho nó thêm nặng đồng cân. 
 Chữ giá trong bài thơ hiểu như rau giá, thứ rau bằng mầm của hột đậu xanh ngâm ủ mọc lên (Sách giáo khoa), thì cũng có gì là sai. Ông Na, khi bàn về chữ giá, kể ra Từ điển chữ Nôm có 7 chữ giá. (Xin mách Bản tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1976, có ghi 11 chữ giá). Rồi ông chọn chữ giá ( ) bộ hòa ( ) bên chữ gia ( ). Cuối cùng cũng chỉ đi đến kết luận: giá có hai nghĩa, động từ là cầy cấy, trồng trọt, danh từ là thóc gạo, ngũ cốc như trong Từ điển Hán Việt đã ghi. Ông Na ngả về nghĩa thóc gạo, ngũ cốc. Mà ngũ cốc là bao gồm có đỗ trong đó rồi. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Giá là rau giá, giá đỗ.
 Ông Na viết: “Thế là, có người tóm ngay và lấy làm sung sướng, vừa nhấm nháp, vừa gật gù, tán dương về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Mùa thu ăn măng trúc, mùa đông ăn giá đỗ, nhưng câu thơ “thu ăn măng trúc, đông ăn giá”, nói như Xuân Diệu là có cảm giác”ăn giá tuyết, uống băng đông”. Cách viết tinh tế trong câu thơ là biểu hiện của cảm nhận tinh tế về thiên nhiên của tác giả”. (Sách giáo khoa. Bài tập…trang 89, Ôn tập…trang 63, Ngữ văn 10…trang 168. Ghi chú của chính ông Na).
 Vậy, nhận định của sách giáo khoa, kể cả cảm nhận của nhà thơ Xuân Diệu, có chỗ nào sai, để khiến ông Na phải phẫn nộ viết: “Thế là, có người tóm ngay và lấy làm sung sướng, vừa nhấm nháp, vừa gật gù, tán dương về Nguyễn Bỉnh Khiêm…” Viết như thế là có ý chê trách sách giáo khoa, chứ đâu phải khen. Đúng không ông Na? Nhưng chê trách như thế nào, lại không nói được ra, như một người hụt hơi, đuối sức, đấm loạng quạng trên đấu sàn chữ nghĩa. Ông Na còn hẹn sẽ viết một bài nữa để bàn về nhan đề “Nhàn” và phần Kết của Bài 79 thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đáng ra có thể đợi đọc bài nữa của ông Na rồi mới góp ý. 
Nhưng không biết bao giờ in ra. Lại nghĩ, dù ông Na có viết thêm một bài nữa, thì cách thức cũng như bài một mà thôi. Cho nên chẳng cần phải đợi, góp ý sớm có khi cũng hay, để người ta đỡ lội vào vũng lầy cứ đi mãi. Phản biện, tranh luận về học thuật là cần thiết. Có thế học thuật mới phát triển được. Bình luận cho phải lý, không nên đi quá xa tác phẩm, không nên chỉ để khoe kiến thức. Độc giả người ta tinh lắm đấy. Nói về kiến thức quảng bác thì không ai bằng ông mạng (Internet) hiện nay. Cho nên người hiểu biết, càng cần khiêm tốn. 
Đất thiêng Thăng Long, Rằm Trung Thu Kỷ Sửu (2009) 
 Nhà văn Hoàng Tiến.
 Nguồn: hoinhavanvietnam.vn

No comments: