Friday, August 24, 2012

NGUYỄN THIẾU NHẪN * NGUYỄN CHÍ THIỆN

NGUYỄN CHÍ THIỆN VÀ “HỎA LÒ”

 
(Bài giới thiệu tập truyện Hỏa Lò của ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện trong buổi ra mắt sách tại Santa Clara Convention Center ngày 5-8-2001).

Kính thưa quý vị,
Hôm nay chúng ta đến đây không phải để khen nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Bởi vì khen nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thì cũng giống như chuyện khen phò mã tốt áo. Tuy nhiên chúng tôi cũng nghĩ rằng: áo phò mã tốt tại sao chúng ta lại không khen, phải không thưa quý vị?
Kính thưa quý vị,
Trước khi làm chuyện khen áo của phò mã, chúng tôi xin kể hầu quý vị một phiên tòa xử một công dân Nga tên Joseph Brodsky vào tháng Ba năm 1964 tại thành phố Leningrad do nhà thơ Ngu Yên kể lại như sau:
Phiên tòa diễn ra bình thường. Những thủ tục cáo tội, buộc tội, bào chữa tuần tự diễn ra làm cảnh. Người ta nói trong tòa án cộng sản, người luật sư bào chữa cho phạm nhân có nhiệm vụ làm cho tội nặng thêm.


Quan tòa: -Này, Joseph Brodsky, anh đã biết anh bị phạm tội gì chưa?
Bị can: -Thưa, tội làm thơ
Quan tòa: -Đừng ngoan cố, anh phạm tội “ăn bám xã hội”. Đừng nói đến thơ, chẳng có ai nhận anh là thi sĩ đâu.
Bị can: -Thưa có, những người công nhận tôi là thi sĩ là những ai còn nhìn ra tôi vẫn là một con người.
“Bị cáo” bị kết án 5 năm tù dưới tội danh “ăn bám nhân dân” là nhà thơ Joseph Brodsky của Liên Bang Sô Viết. Sau 20 tháng lao công ở trại tù lao động, nhà thơ được trả tự do. Tháng 6 năm 1972, ông bị ép buộc lưu vong sang Mỹ. Hành trang ra đi chỉ vỏn vẹn một chai rượu Vodka, một tập thơ mỏng của thi sĩ John Donne và một bàn máy đánh chữ. Món quà tiễn biệt của chính quyền Nga là mở bung từng con ốc, cái đinh trong bàn máy đánh chữ để khám xét tài liệu. Có lẽ những người mù ấy quên rằng thi sĩ mang thơ trong tim và giấu lời trong óc.
Một người có đầu óc khôi hài châm biếm nói, nếu có kẻ nào rời khỏi nước Nga một cách đàng hoàng mà còn bận quần áo, không hẳn vì chính quyền quý trọng sự thuần phong mỹ tục mà vì trên bộ đồ kia không có dính một chữ nào chống cộng.

Joseph Brodsky nói dưới chế độ cộng sản “để có thể là một người vô tội, không nên có một cái gì trong đầu óc ngoại trừ cái búa.” Không nghe ông nói gì về lưỡi liềm. Có lẽ nó ngự trong tim?
Câu chuyện “làm thơ có tội” đã trở thành một án lệ văn chương. Nhờ đó, thơ và tên tuổi của nhà thơ Joseph Brodsky lan tràn trong giới văn học và thưởng ngoạn ở Tây phương và ông đã đoạt giải thi ca Nobel năm 1987.
Việt Nam chúng ta cũng có một người bị tù vì tội làm thơ. Người này không bị kết án vì tội “ăn bám nhân dân” mà lại bị tù vì tội giảng một bài sử học cho học sinh trái với quan điểm của nhà nước, và sau đó lại mang thêm tội làm thơ chống lại chế độ. Người này nổi tiếng đến độ được người đời xưng tụng là… ngục sĩ.
Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, người đã dùng thơ như một thứ vũ khí sắc bén để chống lại chế độ và đã được chế độ giành cho một “phần thưởng” đích đáng là 27 năm tù.


Vào ngày 16 tháng 7 năm 1979, vì hành động táo bạo xông vào tòa Đại sứ Anh quốc trao tập thơ “Hoa Địa Ngục” giấu sẵn trong người để xin phổ biến nên nhà thơ lại bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò, nhưng, như chúng ta đã biết “những tiếng vọng từ đáy vực” đã vang lên khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng người Việt Quốc Gia tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại đã biết đến một người có tên Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27 tháng 2 năm 1939 tại Hà Nội. Và chúng ta cũng đã biết trong thời gian bị giam cầm lần thứ ba, ông được trao ba giải thưởng quốc tế, trong đó có một giải danh dự Thi ca quốc tế Rodterdam năm 1985. Tên tuổi của nhà thơ cũng đã được ghi nhận trong sách Who’s Who in Twentieth-Century World Poetry (Ai là ai trong thi ca thế giới thế kỷ 20) do Mark Wilhard chủ biên xuất bản năm 2000 và ông cũng đã được hai lần đề nghị giải Nobel Văn chương.
Hôm nay chúng tôi xin không nói đến:
“Thơ tôi là những gì kinh khủng
như Đảng, Đoàn, như lãnh tụ, như Trung ương”
Cũng như chúng tôi không đề cập đến lời tiên tri:
“Nếu nhân loại mọi người đều biết
Cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi”
của tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục.


Hôm nay, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý vị nhà văn Nguyễn Chí Thiện với tập truyện Hoả Lò gồm 6 truyện ngắn và một hồi ký viết về nhà thơ Phùng Cung, tác giả truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh”, một kiện tướng trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm và là một bạn tù của tác giả.
Trong nền văn chương hải ngoại, chúng ta đã có những hồi ký, những truyện ngắn, truyện dài về chuyện tù đày cộng sản. Hỏa Lò – tập truyện ngắn đầu tay của người tù 27 năm trong nhà tù Việt Cộng Nguyễn Chí Thiện vượt trội hẳn những quyển truyện, quyển hồi ký viết về cuộc đời của những kẻ phải sống ở đáy cuối đời gió bão. Với cái nhìn tinh tế của một tù nhân đã kinh qua 9.855 ngày tù Việt Cộng, tác giả đã tả lại những sự lăng nhục, đọa đày, bạo tàn, gian dối ở một nhà tù mang tên phố Hỏa Lò, nơi mà nhà văn Nguyễn Chí Thiện đã viết là “nơi gần Trung Ương nhất nhưng cũng là nơi con người gần với con vật nhất.”


Đọc Hỏa Lò, chúng ta sẽ thấy địa ngục là có thật chứ không phải chỉ là những tranh vẽ treo ở chùa chiền, hay chỉ thấy trong hỏa ngục trong thi ca của Dante. Một điều mà chúng ta sẽ cảm nhận được là tác giả đã viết ra tất cả sự thật khủng khiếp, man rợ trong nhà giam Hỏa Lò với tấm lòng đôn hậu, không vương mắc chút hận thù nào. Chúng ta sẽ rất cảm động và buồn cười với chi tiết cô “nữ quái” đã dùng thân xác của mình để cứu một đứa bé bị tù “ăn theo” vì bà mẹ là một cô giáo đã dám than khóc “nghĩa vụ quốc tế đã giết chết chồng tôi” nên đã bị bắt bỏ tù vì đã dám chống lại chính sách của Đảng. Chúng ta cũng sẽ rất ngạc nhiên và chua xót khi biết “tù trưởng” trong phòng giam vì số tù nhân quá đông không có đủ chỗ nằm đã “sáng chế” ra cách “tạc tượng” là bắt 20 tù nhân đứng dựa vào tường để ngủ. Chúng ta cũng sẽ thấy cách chọn lựa của một tù nhân khi được trả tự do đã thổ lộ với người chú của mình như sau: “…nếu bây giờ bảo cháu phải chịu mười năm tù ngục đằng đẵng, khổ nhục hơn con bò, con lợn, cháu cương quyết chọn cái chết.” Chúng ta cũng sẽ rất chua xót khi biết bọn cai tù đã ăn cướp cả những quà cáp thăm nuôi của tù nhân vào những dịp lễ lạc (Truyện “Những Bài Ca Cách Mạng). Trong truyện ngắn “Sương Buồn Ôm Kín Non Sông” tác giả đã vạch trần thủ đoạn của bọn công an Việt Cộng đã lợi dụng việc trả tự do cho tù nhân với điều kiện phải làm chỉ điểm cho chúng để chúng bắt những kẻ mà chúng cho là… phản cách mạng. Tác giả cũng cho chúng ta thấy bên cạnh những cai tù Ngưu Ma Vương vẫn còn có những cai tù được tù nhân coi như là Gandhi Việt Nam.


Bằng những kinh nghiệm thấu đáo bằng chính bản thân đã kinh qua 27 năm tù, nhà văn Nguyễn Chí Thiện đã vạch rõ thủ đoạn dùng cái đói để tàn phá nhân phẩm của những người tù của cai tù Việt Cộng.
Nói chung, với 300 trang sách, bằng một lời văn sáng sủa, lương thiện nhưng hàm xúc chuyển hết tất cả những vĩ đại của những người tù trong việc đối kháng lại chế độ chính trị khủng khiếp, toàn bộ quyển truyện của nhà văn Nguyễn Chí Thiện là những lời tố cáo hùng hồn nhất trước dư luận thế giới tội ác man rợ của chủ nghĩa cộng sản phi nhân mà thủ phạm là tên tội đồ Hồ Chí Minh và những người thừa kế đang thống trị đất nước Việt Nam.

*
Năm 1988, dư luận Mỹ chấn động với cuốn phim “Saving Private Ryan” diễn tả những cảnh chiến đấu khốc liệt trong thế chiến thứ 2 vào giai đoạn quân Đồng Minh đổ bộ ở bờ biển Normandie vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 qua việc diễn tả một tiểu đội được giao công tác đi tìm binh nhì Ryan để báo tin cho anh ta biết là anh ta đã được lệnh cho phép giải ngũ về với mẹ già vì anh là người duy nhất sống sót trong số 4 anh em tòng ngũ. Chính nhờ phim này mà cả một thế hệ người Mỹ đã thức tỉnh và ra sức tìm hiểu sự hy sinh tột cùng của cha ông mình. Có nhiều người đã thắc mắc vì sao cha ông của họ đã không bao giờ nhắc đến những chiến công hào hùng của họ trong cuộc chiến khốc liệt. Người ta cũng thấy rằng những hào quang được chứng nhận bằng những anh dũng bội tinh không thể xóa bỏ nỗi những kinh nghiệm hãi hùng. Và điều chua xót nhất là cha ông của họ chỉ là những kẻ sống sót.

Một thế hệ người Mỹ đã ngẫu nhiên có cơ hội hiểu biết sự hy sinh của cha ông mình để từ đó có một thái độ mới, thái độ cảm mến, kính phục.
Hơn 50 năm ở miền Bắc và 26 năm ở miền Nam, cả nước Việt Nam là một nhà tù. Việt Nam là một địa danh nổi tiếng về việc nhân quyền bị xâm phạm thô bạo.
Ở đó, người ta ném truyền đơn, vũ khí vào nhà thờ để phao vu linh mục;
Ở đó, người ta đưa những tên công an giả dạng thầy tu, mặc áo nâu sòng thông dâm phụ nữ, hãm hiếp gái tơ vào chùa gõ mõ, tụng kinh để phá hoại niềm tin Phật tử;
Ở đó, người ta bị bắt buộc phải thay trâu kéo cày để cấy lúa, thay trâu dẫm nát đất để đúc gạch xây thêm nhà tù;
Ở đó, người ta bị bắt buộc lấy tay quậy phân người lúc nhúc những giòi bọ để trồng rau và ăn những rau đó;

Ở đó, người ta phải tìm ăn tất cả những con vật từ cào cào, châu chấu đến cóc nhái, ễnh ương, rắn rít, chuột chết, gà toi, heo dịch… để mà sống qua ngày;
Ở đó, hàng trăm ngàn người đã bị giết chết lần mòn tinh thần lẫn thể xác trong những trại giam trá hình được gọi là trại cải tạo.
Lò giết người điển hình với những thủ đoạn man rợ và tinh vi nhất là Hoả Lò, nơi gần với Trung ương nhất và là nơi con người gần với con vật nhất đã được ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện viết lại bằng văn xuôi rõ ràng, minh bạch là những lời tố cáo tội ác man rợ của chế độ cộng sản tàn ác, phi nhân đã đọa đày người dân miền Bắc trong 50 năm và người dân miền Nam trong 26 năm qua.


Cũng như tác phẩm điện ảnh Saving Private Ryan đã thức tỉnh cả một thế hệ người Mỹ, chúng tôi tin rằng tập truyện Hỏa Lò của nhà văn Nguyễn Chí Thiện sẽ giúp ích cho Cộng đồng người Việt Quốc Gia tại hải ngoại chưa phải trải qua một ngày tù tội nào sẽ thấy rõ tội ác man rợ của tên tội đồ Hồ Chí Minh và bè lũ. Điều quan trọng hơn nữa là tập truyện này sẽ góp phần giúp thế hệ con cháu chúng ta không còn mơ hồ về huyền thoại Hồ Chí Minh là người yêu nước, có tinh thần dân tộc, có công đánh Pháp, đuổi Mỹ thống nhất đất nước như Ban Kiều vận Trung ương của Việt Cộng đã dùng tiền bạc và tay sai nằm vùng tìm mọi cách bẻ cong lịch sử.


Trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1986, Elie Wiesel đã phát biểu: “Hãy chọn phe mà đứng. Đừng trung lập, đừng hàng hai. Trung lập, hàng hai chỉ tổ tiếp tay cho kẻ áp chế. Im lặng, câm nín chỉ khuyến khích kẻ to mồm lớn lối chứ không cưu mang gì được người thấp cổ, bé miệng.”
Người-tù-cầm-bút Nguyễn Chí Thiện đã đứng về phía những kẻ bị áp chế. Thái độ sống và viết của ông sẽ làm những kẻ loanh quanh, lẩn quẩn giữa sống và viết sẽ phải cụp đuôi, cúi đầu.
Trước khi dứt lời, chúng tôi xin được mượn lời nhà thơ Nguyễn Chí Thiện khi nói về linh mục Nguyễn Văn Lý và xin được sửa lại đại ý như sau: “Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện là một đấng trượng phu, ngẩng mặt không thẹn với Trời, cúi đầu không thẹn với Đất!” để gửi đến ngục sĩ. Và, một lần nữa, xin được trang trọng giới thiệu với quý vị “những tiếng vọng từ địa ngục trần gian Hỏa Lò” được viết bằng văn xuôi của nhà văn Nguyễn Chí Thiện.
NGUYỄN THIẾU NHẪN

No comments: