Friday, August 24, 2012

SƠN TRUNG * TỐ PHƯƠNG


 TỐ PHƯƠNG

Dương công tử con quan Án sát Hưng Yên học hành nổi tiếng giỏi nhưng vô duyên với cử nghiệp, đã cưới con gái quan Thị Lang làm vợ, lại được cha mẹ cho lên đất Tràng An du học. Đối diện căn nhà chàng trọ học là một căn nhà u nhã, có cây trăm thước, có hoa bốn mùa. Công tử chú ý thì thấy có một thanh niên hình dung tuấn tú, phong thái tao nhã vào ra. Lân la làm quen, chuyện trò thấy hợp ý, cả mừng nắm tay đưa về chỗ mình trọ, bày tiệc thết đãi. Hỏi tới tên họ, thiếu niên tự xưng tên là Thẩm Minh, người Thanh Oai, cha mẹ mất sớm, phiêu bạt chốn Trường An. Hai bên chuyện trò tâm đầu ý hợp nên kết làm anh em. Công tử lớn hơn hai tuổi nên làm anh. Hôm sau Dương công tử tới thăm Thẩm sinh, thấy nhà cửa sáng sủa sạch sẽ nhưng vắng vẻ không có người hầu. Thiếu niên đưa công tử vào nhà trong, gọi em gái ra chào, thấy khoảng mười ba, mười bốn tuổi, da dẻ mịn màng như trứng gà bóc. Giây lát nàng bưng trà ra mời khách, như là trong nhà không có cả tỳ nữ. Hỏi tên là gì, nàng đáp tên là Tố Phương. Dương lấy làm lạ, trò chuyện vài câu rồi về, từ đó hai bên thường qua lại.

Thẩm sinh ngày nào cũng tới nhà trọ chơi, nhưng nếu giữ lại ngủ thì lấy cớ em gái ở nhà một mình từ chối. Công tử nói:- “Em một mình xa quê, nhà lại không có trẻ sai vặt, hai anh em đều yếu ớt, làm sao mà sống. Tính lại chẳng bằng cứ về chỗ ta, cũng có gian phòng hẹp ở được, em thấy sao?" Thẩm sinh mừng rỡ, hẹn để sau khi công tử thi xong. sẽ dọn sang. Hôm công tử thi xong, Thẩm sinh tới mời, nói:
- “Đêm Trung thu trăng sáng như gương, cô em Tố Phương có chén rượu nhạt mời, xin anh đừng làm nó buồn".
Công tử tới, sinh ra nghênh đón rồi kéo vào nhà trong, Tố Phương ra chào, hỏi thăm vài câu rồi trở vào nhà trong buông rèm nấu nướng. Giây lát tự bưng mâm ra, công tử đứng dậy nói :
-"Muội tử vất vả quá, ta thật không đành lòng". Tố Phương cười quay vào, lát sau rèm vén lên, một tỳ nữ áo xanh mang bầu rượu ra, kế lại có một bà già mang cá lên. Công tử kinh ngạc hỏi "-“Bọn này ở đâu ra thế? Tại sao không ra hầu sớm để làm phiền tới muội tử”.
Thẩm sinh mỉm cười nói : "Đó là thuật nhỏ của Tố Phương." Công tử chỉ nghe sau rèm có tiếng cười khanh khách, công tử không hiểu đầu đuôi ra sao.

Kế tan tiệc, người tỳ nữ và bà già dọn dẹp mâm chén, công tử bật ho văng nước bọt trúng áo người tỳ nữ, cô ta ngã lăn xuống đất, bát chén vỡ nát. Nhìn lại thì là một hình nhân bằng giấy cắt ra, cao hơn gang tay. Sinh phá lên cười, Tố Phương cũng cười bước ra dọn dẹp dưới đất rồi quay vào, lát sau người tỳ nữ lại trở ra, đi lại hầu hạ như cũ. Công tử vô cùng kinh ngạc, sinh nói :-"Đó chẳng qua thuật mọn của em gái đệ đã học được lúc nhỏ đó thôi!”

Công tử nhân dịp hỏi sao hai em đều đã lớn khôn mà chưa cưới vợ lấy chồng. Sinh đáp vì sau khi cha mẹ mất hai anh em lưu lạc nay đây mai đó, chưa có chỗ ở nhất định nên mới để chậm như vậy. Rồi bàn bạc định ngày lên đường, kế bán nhà dắt em gái theo về quê công tử. Về tới nhà, công tử giành chỗ cho hai người ở, sai một tỳ nữ qua hầu hạ.

Thấy công tử thi rớt hoài, sinh muốn khích lệ công tử học tập, nên cùng học với công tử. Thẩm rất thông minh, đọc sách chỉ đưa mắt qua là được mười hàng, làm văn thì ngay cả các bậc lão thành cũng không bằng được. Công tử khuyên dự thi khảo khóa, Thẩm nói:-" Nếu theo đuổi nghiệp khoa cử thì cũng khổ như anh thôi. Tự xét mình phúc mỏng không kham nổi việc công danh, vả lại theo nghiệp ấy thì phải lo lắng về sự được mất nên không muốn”.

Ba năm sau công tử lại thi rớt, Thẩm sinh tức giận hăng hái nói :
-"Thi đỗ thì có gì mà khó đến như vậy? Em lúc đầu không muốn mê đắm trong chuyện thành bại nên cam phận ở yên thôi. Nay thấy đại ca thi không đỗ, bất giác nổi nóng, Thi khảo khóa thì có khó gì!"
Công tử mừng rỡ, đến kỳ thi khảo hạch ở huyện, ở phủ, ở tỉnh đều đỗ đầu, lại càng ra sức cùng công tử đóng cửa đọc sách. Qua năm sau khảo thí, ở trấn cả hai đều đứng đầu. Thẩm sinh rất có tiếng tăm, xa gần tranh nhau gả con gái cho nhưng đều chối từ.

Công tử ra sức khuyên nên lấy vợ, bèn hứa là thi hương xong sẽ tính. Thi xong, những ngườỉ hâm mộ tranh nhau chép văn bài của Thẩm truyền tay đọc, Thẩm cũng tự cho rằng mình chắc chắn đỗ. nhưng khi ra bảng, cả hai anh em đều rớt.

Ít lâu sau, Thẩm sinh lâm bệnh từ trần. Chàng gọi em gái tới, mở to mắt nhìn công tử nói :-“Hai người chúng ta tình như anh em nhưng thật ra không phải đồng loại. Nay em tự biết mình có tên trong sổ ma rồi, Tố Phương đã trưởng thành, mong anh thương yêu đùm bọc cho, cưới làm thiếp cũng được".

Công tử biến sắc nói:- "Em ta mê sảng nói bậy rồi đấy . Thẩm khóc ròng, công tử lập tức bỏ món tiền lớn ra mua quan tài gỗ tốt cho. Thẩm bảo đỡ mình đứng dậy, gắng gượng bước vào nằm trong quan tài, dặn em gái rằng:- "Ta chết rồi thì đóng ngay nắp lại, đừng để bất cứ ai mở ra nhìn”, công tử còn định hỏi han thì đã tắt thở.

Công tử đau xót như anh em ruột chết, nhưng thầm ngờ về lời trối lạ lùng bèn tìm cớ sai Tố Phương ra ngoài rổi mở quan tài xem. Thấy trong quan tài chỉ có một con hồ dài hơn thước nằm chết cứng ở giữa. Đang lúc hoảng sợ chợt Tố Phương trở vào thê thảm nói :
-"Đã là anh em sao còn ngờ sợ nhau? Đúng là như anh thấy, không dám giấu diếm, nhưng nếu chuyện này mà đồn rộng ra thì thiếp không dám ở đây lâu nữa đâu”.
Công tử nói "Lễ là bởi tình mà đặt ra, đã có tình với nhau thì khác loài cũng thế thôi. Chẳng lẽ muội tử không biết lòng ta sao?

Rồi vội chọn ngày lành tháng tốt chôn cất tử tế. Trước kia công tử bàn gả Tố Phương cho nhà thế gia nhưng Thẩm không muốn, khi Thẩm chết rồi công tử lại bàn với Tố Phương, nàng cũng không chịu. Công tử nói:- "Muội tử nay đã hai mươi tuổi, lớn rồi mà không lấy chồng, mọi người sẽ nói ta thế nào?"

Nàng im lặng.
Bà vợ cả của công tử yêu thích Tố Phương, khuyên công tử nạp Tố Phương làm thiếp. Công tử chấp thuận. Tố Phương phục tòng vợ cả cho nên cả nhà thuận hòa. Tố Phương ngoài pháp thuật còn biết đàn ca, hát xướng, cả trấn đều khen ngợi Tố Phương tài sắc, đức hạnh vẹn toàn.
Trong tỉnh, có Lưu công tử, con quan Đô Đốc Tử Cấm Thành vốn là bạn đồng song, nghe tin công tử có thiếp đẹp, bèn giả cách tới thăm viếng để gần gũi.
Khi khách về, Tố Phương nói với chồng:
-Khi khách đến, thiếp lén nhìn ra, thấy Lưu công tử tướng mạo gian ác, xảo trá. Xin chàng hãy đề phòng.
Một ngày xuân nọ, công tử cùng hai nô bộc lên trấn dự thi khảo khóa thì một đêm nọ, một bọn giặc cướp bịt mặt xông vào nhà Dương công tử, bắt trói vợ cả và Tố Phương định mang đi không ngờ hai, ba con rắn hổ mang ỏ đâu xông tới, tên chủ tướng sợ hãi bỏ chạy ra ngoài, té xuống đập đầu vào tảng đá lớn trước thềm mà chết. Bọn tôi tớ kêu la om sòm, xóm làng tới cứu kịp, giở mặt nạ tên tướng cướp thì ra là Lưu công tử.

Quan Đô Đốc kiện lên Hình bộ, cho là người nhà Dương công tử giết Lưu công tử rồi vu khống Lưu công tử là ăn cướp, và cáo Tố Phương đã dùng pháp thuật mê hoặc người. Quan Hình bộ thượng thư bèn ra lệnh bắt giam Tố Phương, và giam lỏng tất cả mọi người trong nhà.

Công tử nghe tin hung, vột vã tới ngục thăm Tố Phương. Tới cửa ngục, công tử thấy Tố Phương đang nằm dưới đất, có vẻ rất khổ sở, ngước lên thấy chồng, nước mắt trào ra, kế nói :-"Bọn ngục lại đều ăn hối lộ, được dặn dò nên ngày đêm đánh đập tra khảo thiếp cho nên đùi vế dập nát cả rồi". Dương công tử tức giận mắng bọn ngục tốt:- "Nếu vợ ta có tội cũng đã có phép vua, bọn quỷ chết dịch chúng bay há lại được ngang ngược như thế à?”

Rồi trở ra viết đơn đến quan huyện kêu oan. Quan huyện là chân tay quan Đô Đốc, cho rằng lời tố cáo của công tử không có bằng cứ, không thèm xét xử. Công tử bèn lên phủ đường kiện, dây dưa nửa tháng mới được xử. Quận phủ sai đánh công tử một trận, phê đơn cho như quan huyện đã xử, rồi sai lính giải công tử về huyện. Tại đây, công tử bị cùm kẹp, đau đớn oan ức không sao chịu nổi. Quan huyện sở tại, sợ công tử lại kiện, sai nha dịch giải về nhà, nha dịch đưa tới cỗng rồi đi. Công tử không chịu vào, lại trốn lên quan trấn thủ, tố cáo phủ huyện bất công và tàn ác. Quan trấn thủ lập tức cho bắt hai bên nguyên và bị đối chất.

Quan Đô đốc kinh thành nghe tin, bèn phái thủ hạ là viên Tú tài mưu sĩ đến thăm quan Trấn thủ và hỏi lập trường quan trấn thủ ra sao. Quan nói cứ theo công lý mà làm. Viên tham mưu bảo quan Trấn thủ phải đứng trên quan điểm cách mạng.
Quan trấn thủ hỏi:- Quan điểm cách mạng nghĩa là gì?
Viên Tú tài mưu sĩ đáp:
-Đó là quan điểm phân biệt bạn thù. Ai theo ta là bạn, ai chống ta là thù. Kẻ thù phải bị tiêu diệt dù là cha mẹ, anh em, bạn bè. Phải đặt lý tưởng trên tình cảm.
Quan trấn thủ nghe lý luận này thì cho là mới lạ quá, nên không hiểu, bèn yêu cầu mưu sĩ nói thêm.
Viên mưu sĩ Tú tài giảng giải:- Thí dụ quan điểm lạc hậu cho rằng thầy thuốc là phải cứu mọi người, không phân biệt già trẻ, địa vị, tôn giáo. Nay thì phải bỏ quan niệm cũ. Thầy thuốc chỉ cứu phe ta, ai không thuộc phe ta thì cho chết bỏ!

Ta xin vì ông đưa ra một thí dụ hai. Ví như làm quan án xử kiện. Quan điểm lạc hậu cho rằng quan án phải xử công bằng, mọi người như nhau. Nếu luật ban hành xử kẻ ăn trộm bị chặt tay thì hoàng thân, quốc thích hay ăn mày phạm tội ăn trộm đều phải bị chặt tay. Tư duy cách mạng thì khác. Phải phân biệt bạn với thù. Những ai đóng góp cho triều đình, là đồng chí của ta thì dù họ giết hàng ngàn, hàng vạn người, ăn cắp hàng tỷ, mình vẫn tha bổng hoặc xử lý nội bộ. Trái lại, những kẻ chống đối triều đình hoặc không thuộc phe ta, nếu ăn cắp một xu, hoặc làm một bài thơ vu vơ nói bóng nói gió triều đình thì bỏ tù nó suốt đời hoặc phải đem giết nó đi. Cũng có thể mình bảo nó mà nó không theo mình hay theo mình một cách miễn cưỡng, mình có thể gán cho nó các trọng tội như phản động, tay sai ngoại bang, tiết lộ bí mật quốc gia mà đem xử công khai hoặc cho nó đi mò tôm không cần xét xử. Đó là tư duy mới, ông phải tuân theo. Nếu làm quan ăn cơm triều đình mà bênh vực kẻ thù của triều đình thì bản thân ông sẽ trở thành kẻ thù của triều đình và ông lập tức sẽ bị giáng chức và bị bỏ tù. Nghe như vậy, quan Trấn thủ sợ hãi và tuân lịnh.
Ông bèn sai thủ hạ bảo công tử phải viết tự kiểm, phải tự nhận là mình chủ mưu và chính vợ đã dùng yêu thuật sát hại Lưu công tử, nhưng Dương công tử không chịu.

Vài hôm sau, công tử đến cửa quan trấn thủ, viên lại già nói bên tai công tử:- "Ông ngang quá, sao còn cố chấp , không tuân lệnh quan Trấn thủ. Nay nghe đâu quan Đô Đốc đã thư gởi gắm cho quan Trấn thủ, tính mạng cả nhà ông lành ít, dữ nhiều."

Công tử cho đó là lời dọa nạt, chưa tin lắm. Lát sau có lính lệ gọi vào hầu, lên tới công đường thấy quan Trấn thủ có vẻ tức giận, không nói không rằng, sai lính đè chàng xuống đánh ngay hai mươi côn.
Công tử lớn tiếng hỏi:- “Tiểu nhân có tội gì?". Quan Trấn thủ im lặng như không nghe thấy. Công tử bị đánh kêu lớn:- “Bị đòn là đáng lắm! Ai bảo ta không có thế, không có tiền!"
Quan trấn thủ càng giận, sai đánh thêm hai mươi côn nữa, rồi hỏi còn dám kiện nữa không. Công tử đáp:- "Còn oan ức thì còn kiện. Nếu nói không kiện nữa thì là lừa dối mất, nhất định sẽ kiện nữa!" Quan hỏi lấy lời lẽ gì mà kiện, công tử đáp:- "Những vết tích trên thân mình phải chịu đây đều là lời lẽ rồi".
Quan trấn thủ tức giận sai đem nhốt ngục tối và xiềng lại. Hôm sau, quan lại sai lôi ra đánh đập, tra khảo, và hỏi công tử còn muốn kiện nữa thôi. Quá đau, công tử xin hứa không kiện nữa. Quan bèn đày công tử đi xa. Công tử phải đi bộ, lội suối trèo non, không có tiền ăn đường cũng không có tiền hối lộ nên bị quân lính đánh đập tàn bạo. Đi được vài ngàn dặm chợt gặp một chiếc xe tứ mã che màn thêu bạch hổ và đoàn hùng binh đi tới, cờ quạt kiếm kích rất oai vệ. Vì bị xiềng xích không tránh kịp nên đụng vào hàng lỗ bộ nên bị đội kỵ mã dẹp đường bắt trói, giải tới trước xe. Ngẩng nhìn thấy trong xe có một thiếu niên tướng mạo khôi vĩ, nhìn kỹ ra là Thẩm Minh. Công tử kêu to lên:-Thẩm đệ! Thẩm đệ!
Thiếu niên hô ngừng xe rồi nhảy xuống nhìn công tử rồi ôm công tử. Hai bên gặp nhau vui mừng đến rơi lệ. Thẩm bèn hỏi tại sao ra nông nỗi này. Công tử bèn kể đầu đuôi. Thẩm Minh bèn nói:-"Nay đệ được làm phán quan ở cạnh Diêm vương, xin huynh theo đệ đến đó để kháng cáo.
Công tử bèn lên xe ngồi chung với Thẩm phán quan. Xe chạy một hồi thì đến một tòa lâu đài to lớn, ngoài đề ba chữ "Sum La Điện".

Thẩm phán quan đưa sinh vào tư thất nghỉ ngơi, thết tiệc rượu đãi đằng và đưa vợ con ra chào hỏi. Hôm sau cả hai lên điện bái yết Diêm vưong. Khi vào điện thì thấy đầy đủ Lưu công tử, quan phủ, huyện và trấn thủ. Diêm vương truyền đưa Lưu công tử ra tra hỏi. Xóm làng và gia nhân đều chứng rằng họ thấy Lưu công tử là tướng cướp bịt mặt xông vào bắt thê thiếp của Dương công tử. Vua Diêm vương sai pháp quan và nha lại, lính tráng lên trần đào mả nghiệm thi. Họ còn trình rằng đã thấy vết máu trên tảng đá chứng tỏ Lưu công tử đã chết do té trúng tảng đá chứ không phải do đao kiếm, gậy gộc, hoặc thuốc độc, cung tên. Diêm vương sai nha lại dâng lên thư của quan Đô Đốc gửi cho quan trấn thủ và tra khảo các tay chân của quan Đô Đốc, quan Trấn thủ và phủ huyện thì bọn họ khai là các ông quan này nhận tiền của quan Đô Đốc kinh thành. Cuối cùng, Lưu công tử và bọn họ đã nhận tội. Diêm vương sai bỏ bọn họ vào vạc dầu, còn vợ chồng công tử đều được trở về đoàn tụ.

No comments: