Wednesday, August 15, 2012

ANH QUỐC ĐA DẠNG & MANG TÍNH NHÂN VĂN


UK: Olympics khỏe mạnh trong đa dạng

Cập nhật: 22:17 GMT - chủ nhật, 12 tháng 8, 2012
Hôm qua đi cắt tóc ngoài phố gần nhà, cô thợ cắt tóc thường ít khi nói chuyện bỗng nhiên hỏi tôi có xem Olympics không, tôi trả lời là có và còn khoe được ba lần tới xem thi đấu.

Gương mặt Olympics là cô Jessica Ennis da nâu

Cô gái xuýt xoa tiếc là không mua được vé và chỉ xem trên TV nhưng cũng vui vì Team GB (Đội Anh) năm nay thành công quá.
Thế là chuyện Olympics cũng đến cả thành phố ngoại ô Dartford nhỏ bé của tôi và những người Anh bình thường nhất đã quan tâm đến sự kiện đang được ca ngợi là cú nâng tinh thần, tạo cảm hứng cho cả nước.
Tự hào Anh Quốc
Anh Quốc sau 18 ngày thi đấu đã giành 65 huy chương cả thẩy, trong đó 29 vàng, 17 bạc và 19 đồng, nhiều hơn con số 47 ở Bắc Kinh bốn năm trước và vượt chỉ tiêu 48 huy chương UK Sport, cơ quan lo về thể thao của nước nhà đặt ra.
Ngay cả lãnh đạo Anh như thủ tướng David Cameron cũng không giấu được niềm tự hào.
Ông nói lúc sáng Chủ Nhật, ngày bế mạc Olympics 2012 ở London với đài BBC rằng ông chỉ nghĩ giành vị trí thứ tư đã là tuyệt vời, mà nay, với Team GB ở vị trí thứ ba, thì quả là điều không ngờ.
Ông Cameron cũng nhắc đến một sự thực là Anh Quốc về đầu dân không phải là nước lớn:
"Chúng ta là quốc gia có 60 triệu dân và đấu với các nước như Hoa Kỳ, Đức, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ...và đã có thành tích khó tin"
David Cameron
"Chúng ta là quốc gia có 60 triệu dân đấu với các nước như Hoa Kỳ, Đức, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ...và đã có thành tích khó tin."
Quả vậy, nếu so với Olympics lần trước thì Olympics tại London lần này ít tốn kém hơn, mang nhiều tính nhân văn và vì dân, cùng dân hơn.
Đây không phải chỉ là chuyện thể chế chính trị mà còn vì văn hóa và xã hội Anh đã tiến lên trước Trung Quốc và nhiều nước Đông Á xét về góc độ đa sắc tộc, chủng tộc.
Như tờ Sunday Times chiều nay giờ Anh viết, Olympics là dịp để tính đa dạng của UK hiện ra rõ nhất, các ngôi sao Olympics đến từ nhiều thành phần xã hội, gốc gác sắc tộc khác nhau của cả nước:
Ông Cameron và ngôi sao điền kinh Mo Farah gốc Somalia
Ngôi sao điền kinh Mo Farah gốc Somalia, khi sang Anh chỉ biết nói 'hello' và 'where is the toilet?'.
Gương mặt Olympics được Anh chọn là cô gái trẻ Jessica Ennis có cha da đen, mẹ da trắng, người đoạt hai huy chương vàng cũng của môn điền kinh.
Khác với mô hình Đông Đức và Liên Xô trước đây hay Trung Quốc hiện nay, nơi nhà nước chọn vận động viên 'gà nòi' từ bé, và đem đi nuôi dạy, đào tạo, nhiều VĐV Anh chỉ ăn cơm nhà và đi tập liên tục sau khi đã vào Đội tuyển Quốc gia.
Ed McKeever, huy chương vàng môn bơi thuyền kayak chẳng hạn, chỉ tự tập là chính theo câu lạc bộ địa phương và sau Olympics có mối lo hai kỳ thi môn kế toán.
Vì anh chàng 28 tuổi này còn đang lo đi học để kiếm việc.
Hay như cô Heather Stanning hiện đang phục vụ trong binh chủng pháo binh của Anh ở Afghanistan và sau khi đoạt huy chương vàng đầu tiên cho UK năm nay sẽ quay lại chiến trường.
Tất cả những điều này khiến Olympics trở nên sự kiện dễ được nhiều người chia sẻ vì nó to, nó vui nhưng không nghiêm trọng, không phải là điều 'quốc gia đại sự'.
Khả năng dung nạp
Nhìn qua tên và mặt của các đội Đông Á, từ Trung Quốc tới Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam ta có thể dễ dàng thấy không có mấy ai thuộc nhóm sắc tộc thiểu số ở các xứ đó.
Olympics 2012 to, vui nhưng không 'nghiêm trọng'
Điều này có vẻ như không phản ánh được sự đa dạng về thành phần xã hội, và là một điều đáng suy nghĩ.
Trong khi đó, trừ những nước nhỏ xíu thì không nói, còn đội Olympics của các nước lớn như Nga, Brazil đều thấy rất đa dạng về màu da và tên họ.
Một ngôi sao cho đội Đức chính là Marcel Nguyễn, có một nửa dòng máu Việt Nam.
Sức mạnh trong thể thao cũng như của một cơ thể xã hội đến từ cả khả năng dung nạp những điều mới lạ, giao hòa và nâng cao.
Ở điểm này, kỳ Olympics 2012 này cũng đánh dấu bước chuyển mình của xã hội Anh, thực sự trở nên toàn cầu, cởi mở và bao dung trong tinh thần sẵn sàng đón nhận (inclusive), chứ không phân biệt.
Vì bản thân Anh không phải là nước của những người di dân như Hoa Kỳ, Canada hay Úc mà là sự hợp thành của bốn dân tộc gốc: Anh, Scotland, Ailen và Wales, nhưng với sự có mặt của cả trăm sắc dân khác nhau, xâ hội đã chuyển biến nhiều về thành phần hữu cơ.
Là người gần 30 tuổi mới sang Anh, tôi cảm nhận rất rõ các thay đổi hơn 10 năm qua trong sự đa dạng về gốc gác, văn hóa ở xứ sở mình nhận là quê hương thứ hai.
Luật chơi công bằng 'fair play' đã tạo cơ hội cho nhiều người vươn lên và phát huy khả năng từ những gì đã có sẵn trong nguồn gốc của họ để đóng góp một cách tự tin cho cộng đồng tại đây.
Nhiều người châu Á vốn quen với cách trình diễn lễ hội phải đủ lệ bộ quan cách và nghiêm trang tuyệt đối, chính xác như làm xiếc không sai một ly, có thể thấy cả lễ khai mạc và bế mạc Olympics ở Anh không hợp gu.
Không phải các đạo diễn Anh kém hay lập dị mà để trong lễ bế mạc đêm Chù Nhật có cảnh đoàn người cầm chổi, gõ thùng rác nhảy múa như đang dọn phố London.
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy đó là nét ca ngợi cảnh người dân London tự tổ chức nhau lại dọn phố sau vụ đốt phá bạo loạn năm ngoái.
Và họ nhảy múa trên nền có dòng chữ triết lý 'To Be or not To Be' từ vở Hamlet của William Shakespeare.
Anh Quốc như thế vẫn thầm khoe cái gốc văn hóa châu Âu sâu xa nhưng vẫn mở ra đón nhận các trào lưu bên ngoài để làm mới con người và xã hội mà bảng huy chương thực là chỉ là một biểu hiện nhỏ.

No comments: