Monday, August 27, 2012

VÕ PHIẾN * MAI SAU



MAI SAU

Võ Phiến


Quê tôi có cái hát bộ là nổi tiếng. Cụ Tản Ðà từng bảo: “Tuồng Bình Ðịnh, rạp Phú Phong.” Tuồng là tác phẩm viết ra, rạp là chỗ diễn tuồng. Viết tuồng hay, diễn tuồng cũng giỏi nữa; thế là xuất sắc mọi bề? Tôi nghe vậy, biết vậy.
Rồi có lần gặp bài Lỗ Tấn về chuyện xem hát ở xứ ông. Chuyện thật ngộ. Xem qua nhớ hoài.(1) Lỗ tiên sinh viết bài ấy năm 1922, tức năm ông vào khoảng tứ tuần. Bảo rằng trong vòng hai mươi năm qua ông chỉ xem hát Tàu ở Bắc Kinh có hai lần. Lần đầu vào năm 1912, tức năm ông 31 tuổi. Ông nghe bạn nói hát tuồng ở Bắc Kinh là nhất, thế nào cũng phải xem cho biết.

Thì xem. Ðêm ấy, ông hớn hở vào một rạp hát. Tuồng đang diễn, kèn trống inh ỏi, sắc màu rực rỡ, khách xem đông đảo… Ông len lách vào chỗ có mấy chiếc ghế trống, toan ngồi, thì nghe có tiếng la: “Ấy! Ghế đã có người giữ trước cả rồi đấy.” Loanh quanh tìm mãi không có chỗ ngồi, ông tháo lui, bỏ cuộc.
Lần thứ hai – ông không nhớ năm nào – có đêm hát gây quĩ cứu trợ nạn nhân bão lụt ở Hồ Bắc. Ông mua tấm vé hai đồng bạc để được vào Ðệ Nhất Hí Viện xem một bổn tuồng do nhiều đào kép ưu tú và có cả diễn viên thượng thặng là Tan Xinpei (2) đích thân trình diễn. Ai nấy nhấn mạnh vào chỗ đặc biệt quan trọng ấy. Ðến giờ, ông vào thì rạp đã chật cứng, không chỗ chen chân. Trên sân khấu đang có anh kép đóng vai một bà lão hát ê a. Kép nào vậy? Ông lên tiếng hỏi, bị người khán giả bên cạnh đáp vắn tắt, tỏ vẻ khó chịu. Từ đó ông không dám hỏi han quấy rầy ai nữa. Ông lặng lẽ xem một nữ nhân vật cùng hát với con nữ tì bên cạnh một cụ già, rồi một đám đánh nhau toán loạn, rồi hai người đánh nhau, rồi ba kẻ đánh nhau v.v… Ông không biết ai là ai. Ông cứ thế xem miết giờ này qua giờ khác. Tới mười hai giờ khuya vẫn chưa thấy bóng dáng kép thượng thặng Tan Xinpei đâu. Cuối cùng ông đành len lách thoát ra khỏi Ðệ Nhất Hí Viện. Bên ngoài vắng vẻ: lơ thơ mấy chiếc xe kéo chờ khách, lơ thơ mấy người có lẽ chờ đón đám đàn bà ra về khi vãn hát. Tuyệt không thấy tăm hơi Tan Xinpei.
Sau lần ấy, Lỗ Tấn nghĩ rằng giữa ông với tuồng hát Trung quốc thế là dứt tình.
Bỗng nhiên một hôm ông đọc được một cuốn sách Nhật viết về tuồng hát Trung quốc. Sách có chỗ cho rằng tuồng Tàu nhiều chiêng trống ồn ào nhảy nhót rộn rịp náo nhiệt quá cỡ, không tiện đem diễn bên trong hí viện; nhưng nếu đem diễn tuồng ngoài trời và ta ở cách khoảng xa xa mà thưởng thức thì có chỗ thích thú. Lỗ Tấn tiên sinh lấy làm đắc ý ngay. Ông nhớ ra hồi nhỏ từng có lần được một bữa xem hát rất thích.
Bấy giờ ông mới độ mười một muời hai tuổi, sống ở Luzhen, theo mẹ về quê ngoại vào mùa hè. Nhà ngoại ở thôn Pinqiao, gần biển. Thôn nhỏ thôi, dưới ba chục gia đình. Chú bé từ xa về đó được cưng chiều trọng đãi như khách quí, chú khoái quá trời. Trẻ đồng lứa xúm nhau kéo tới, cùng chơi, vui vẻ hết cỡ. Ðám trẻ, chín mươi chín phần trăm không biết chữ. Bé ở Luzhen về thì đọc sách vanh vách! Cả bọn đào trùn, câu cá, theo trâu ra bãi cỏ chơi đùa. Nhưng điều bé Luzhen ao ước nhất là được xem hát ở Zhaozhuang, xa chừng năm dặm. Thôn Pingqiao thì bé quá, không có nổi một rạp hát; hàng năm, đến kỳ, dân làng phải đi Zhaozhuang xem hát. Ði đường thủy; một con thuyền sáng đi chiều về.
Khi đám trẻ đưa ra chuyện đi xem hát, bà ngoại nhiệt liệt tán thành. Nhưng lúc ấy thuyền đã đi mất rồi. Ngoại đốc thúc, vẫn không ai xoay được phương tiện nào khác. Xế chiều, cậu bé Luzhen tưởng tượng ra cảnh buổi hát khai diễn, tưởng tượng tai mình nghe tiếng trống tiếng kèn, và nghĩ mấy thằng bạn ở rạp hát đang uống sữa đậu nành mua ngay bên sân khấu. Cậu đang rầu rĩ thì thằng Shuangxi chợt nẩy ra ý kiến: Thuyền của ông Tám vừa về. Tại sao không…? Hơn chục đứa bạn cùng bé Luzhen nhào lên thuyền, rối rít. Lũ trẻ con nhà thuyền chài đều biết bơi cả, không có gì đáng lo. Bà ngoại hài lòng.
Trăng sáng đầy sông, đám trẻ líu lo nói cười rôm rả; nước vỗ mạn thuyền, lúa và đậu xanh mướt trên đồng ruộng hai bên sông. Lát sau bắt đầu nghe tiếng trống kèn, tiếng hát. Rồi Zhaozhuang xuất hiện. Thuyền ông Tám tiến tới, nhưng không thể chen vào gần sân khấu. Vả lại cái diễn xuất xem ra có vẻ uể oải: Dân làng sáng phải ra đồng làm việc, nên đã lo kéo nhau về nhà ngủ; các gia đình khá giả thì rút vào khoan thuyền ăn bánh, ăn trái cây, cắn hột dưa v.v… Rạp trống khách, đào kép hát xướng múa men không mấy hào hứng.
Cậu bé Luzhen thấm mệt, nhờ thằng bạn mua nước đậu nành uống chơi. Nó bảo: Ngày hôm nay nó có uống được hai bát, nhưng giờ này lão điếc bán nước đậu đã về mất rồi. Cậu Luzhen thất vọng. Xung quanh, trên sân khấu cũng như dưới đám khán giả đều uể oải. Mãi tới lúc một tên hề mặc áo đỏ được dắt ra buộc vào cây trụ rồi một lão già nhảy lên lưng cưỡi làm ngựa, bấy giờ ai nấy thích chí cười ầm ĩ. Cậu bé Luzhen cho đó là màn hay nhất của đêm hát.
Lát sau một vai lão bà ra, ngồi trên chiếc ghế giữa sân khấu, hát hoài hát hoài. Ðám trẻ lo không chừng bà ta sẽ hát mãi tới sáng, bèn rủ nhau rút êm, xuống thuyền, dông về. Xem vị trí vầng trăng trên bầu trời, đoán chừng cả bọn vào rạp cũng chẳng được bao lâu. Kèn quyển vẫn nổi lên réo rắt, đèn vẫn sáng trên sân khấu, nhưng không còn sức thu hút đám bạn trẻ nữa.
Thuyền về còn cách Pinqiao chừng một dặm thì mấy tay chèo kêu mệt kêu đói. Dừng thuyền, xúm nhau nhảy lên bờ, vào các đám đậu của mẹ thằng Afa và của cụ Liu Yi mà hái lia lịa. Rồi nhóm lửa lên, nấu đậu, xơi thật ngon lành. Ăn xong, rửa nồi, đổ vỏ đậu xuống sông, không để lại dấu tích gì. Chỉ còn lại cái đáng lo là thằng Shuangxi đã tự tiện lấy củi và lấy muối ngay trong thuyền của ông cụ Tám ra dùng. Thuyền về tới bến, cậu bé Luzhen đã có mẹ chờ đón sẵn. Cả bọn giải tán, cậu Luzhen ngủ vùi một giấc tới trưa hôm sau.
Cụ Liu Yi tới, rầy quở đám nhóc về chuyện hái trộm đậu và phá phách, thì thằng Shuangxi đáp ngay là bọn chúng đã tiếp đãi một khách từ phương xa về mà: “Nè, khách nè, cụ xem!” Cụ Liu trông thấy bé Luzhen, niềm nỡ ngay:
– Cậu Xun! hát tuồng đêm qua cậu thấy hay không?
– Thưa hay.
– Thế cái đậu ăn đêm qua, ăn có thích không?
– Cháu thấy ngon lắm.
Cụ Liu Yi hân hoan tuyên bố: Người ở đô thị lớn, có học, quả là biết ra ngay cái xấu cái tốt. Tôi đã chọn lựa đậu giống từng hạt một, mà dân nhà quê không nhận thấy đậu tôi hơn hẳn đậu thiên hạ! Tôi sẽ bảo đem tặng mẹ cậu một mớ đậu ngay hôm nay, ăn thử xem…
Nghe nói rồi khi gặp bà mẹ, cụ Liu có lời khen cậu nồng nhiệt: Cậu ấy còn bé mà đã biết rành rẽ đâu ra đấy. Rồi về sau thế nào cũng đậu đạt cao. Thật là phúc nhà…
Từ đó tới giờ chưa bao giờ cậu được ăn thứ đậu nào ngon bằng và được xem đêm hát nào hay bằng đêm hát hôm ấy.
Lỗ Tấn viết vậy, tôi cũng biết vậy thôi.
Cụ Tản Ðà bảo xem tuồng này ở rạp nọ, cụ không có lời chê khen rõ ràng, tôi bất quá có thể đoán cụ vừa ý, chứ đâu dám đi xa hơn.
Cụ Lỗ Tấn hư hư thực thực. Trong bài văn, nhân vật là “tôi”; nhưng bài viết được xếp vào thể loại truyện, không phải là ký. Mình đâu dám tự tiện gán mọi cái làm cái nghĩ của “tôi” cho tác giả! Thí dụ cái mà “tôi” tán thưởng nhiệt liệt nhất trong đêm ấy là cảnh người nhảy thót lên cưỡi lưng ngựa hề và bữa ăn đậu hái trộm. Cho vàng mình cũng không dám bảo đó là quan niệm của Lỗ tiên sinh về tinh túy của tuồng hát Trung quốc.
Dù sao tôi vẫn cứ lưu luyến với câu chuyện của Lỗ Tấn. Chuyện tiên sinh kể về đám trẻ con xem hát bên Tàu làm tôi liên tưởng tới một kỷ niệm ấu thời về chuyện trẻ con xem hát bên ta. Xem “tuồng Bình Ðịnh”, như cụ Tản Ðà đã xem. Nhưng xem ngay tại làng tôi, không phải ở “rạp Phú Phong”.
Bấy giờ – độ chừng năm 1935 hay 1936 – tôi cũng vào khoảng tuổi như nhân vật của Lỗ Tấn. Ðám hát do ông lý trưởng tổ chức nhân dịp mừng nhà mới xây cất.
Ông lý có đứa con gái cỡ tuổi tôi, hàng ngày vẫn chơi với đám trẻ con trong xóm; nhờ đó chúng tôi có thể theo dõi diễn tiến trong gia đình tổ chức đám: Dựng rạp hát giữa đồng; dựng rạp tiếp khách trước sân nhà, lợp bằng lá đùng đình; mượn ván gỗ, mượn bàn ghế khắp xóm; mua heo, mổ bò… Lại có cuộc đi Qui Nhơn mua bún song thần, mua bắp sú, mua cả mấy cân củ hành tây, bún tàu, tương xại… Thím Tư Qua tự mang con dao riêng từ nhà thím đến xắt rau chuối: con dao cán dài cả thước tây, cán mài mặt đất lâu ngày mòn đi như bị vạt đứt một nhát. Chuối cây, đã chọn sẵn những cây non, nhỏ. Thím Tư xắt rau chuối khéo nổi tiếng; thím ngồi xắt suốt ngày, giúp bà lý. Rồi thợ thịt đến…
Con Vân, đứa con gái vừa nói của ông lý, điểm mặt từng đứa trong đám bạn chúng tôi, tuyên bố: “Thằng Cang: Ðược! Thằng Kiểu: Ðược. Lát nữa được cho vô coi hát. Con Phi sẽ ngồi với tao. Thằng Chiếu: Ðược! Thằng Ðiểm: Không cho coi hát, nghe chưa v.v…” Thằng Ðiểm cười to, nham nhở… Con Vân trừng mắt, nhắc lại: “Thằng Ðiểm không được vô coi hát.”
Xế chiều, ban hát gồng gánh kéo tới thì nhà ông lý đã tràn ngập khách khứa. Cánh nhỏ chúng tôi lạc nhau.
Chiều, cử hành lễ gia tiên. Bàn thờ được trần thiết huy hoàng như chưa từng thấy bao giờ trong khắp làng. Ông lý, bố của bé Vân, mặc áo thụng xanh, đội chiếc khăn mới tinh. Lễ cử hành. Ban nhạc của gánh hát với bao nhiêu thứ kèn trống cùng nổi lên. Trước đôi mắt ngơ ngác của bé Vân, bố nó đứng lên, quì xuống, lạy, vái, theo tiếng xướng ngân nga đĩnh đạc.
Suốt hai ngày ba đêm, con Vân không có dịp kiểm điểm đám bạn. Cả bọn khi tụ khi tán, tản mác, tung tăng, khi đến rạp, khi về nhà, chăn bò, cắt cỏ, khi ngồi ăn những món hàng bày bán xung quanh rạp. Hai gánh xu xoa, ba gánh bánh tráng thịt lụi, bày bán suốt ngày đêm. Xu xoa là quà ngọt, nấu bằng rau câu vớt dưới biển, nấu tan ra nước, để nguội đọng cứng lại. Múc vào chén, dùng muổng xắn nhỏ, chan nước đường vào. Còn thịt bò ướp sả, tiêu, tỏi, ớt…, nướng than, thơm điếc mũi, cuốn vào bánh tráng với rau thơm, chuối chát non, khế, chấm tương đậu phộng… Ăn tại chỗ, ngồi trên những chiếc chiếu trải ngay giữa ruộng khô, hay mang đi chọn chỗ thích ý, ngồi trên các bờ ruộng, hưởng gió mát trăng thanh, nhẩn nha thưởng thức món ngon. Với bạn, với bồ. Vừa ăn, vừa chuyện trò, vừa nghe hát, nghe nhạc…
Những dịp ấy, đám bạn chúng tôi gặp nhau, trao đổi ý kiến inh ỏi. Thích nhất các trận đấu ác liệt trên sân khấu, rồi các màn hề nói xạo. Không đứa nào trong bọn có chỗ ngồi trong rạp. Cứ len lách chui ra chui vào, thoắt biến thoắt hiện. Tôi có cảm tưởng đứa được xem hát nhiều nhất là thằng Ðiểm. Ðứa xem ít nhất là con Vân.
Ra vào rạp hát không phải chuyện dễ dàng. Rạp trống bốn bề. Không có chiếc ghế nào. Không có thứ chân ghế vững chắc có thể chịu đựng nổi sự xô đẩy ác liệt trong một rạp hát; chỉ có những tấm ván lát trên những cây cọc đóng sâu xuống đất, trói kết vào nhau chặt chẽ bằng dây cật tre tươi. Khán giả chiếm được chỗ gần sân khấu nhất thì ngồi. Lớp sau nhướng mắt xem qua khe cổ của những người ngồi trước.
Lớp sau nữa: phải quì gối, phải nhấp nhổm. Lại sau nữa thì đứng trên phản, vịn vai nhau, ôm cổ nhau cho vững. Lớp khán giả muộn màng, ở vòng ngoài cùng thì chân đứng trên ván, tay giơ cao bấu vào mái rạp.
Trong hoàn cảnh như thế, mỗi khi có người – hoặc lớn hoặc bé – từ trong lách ra hay từ ngoài chui vào, vẹt một lối đi, là cả một nhốn nháo chí chóe, rất bực mình. Cánh phụ nữ khoái xem đào hát than thở: đang theo dõi một cô đào đẹp đẽ lâm ly cảm động muốn chết, mà bị xô đẩy xiêu vẹo cả hàng ngũ thì…
Xế chiều ngày thứ hai, thằng Ðiểm gặp tôi trong lúc nó đang ngồi trên một bờ ruộng, bên ngoài rạp hát, vừa ăn vừa nói huyên thiên. Do nó, tôi biết mấy chuyện động trời:
– Ngay đêm đầu tiên, có một bà từ làng bên đến xem hát, bị mấy đứa ngỗ nghịch khiêng chạy. Bà nọ kêu la inh ỏi náo động: Trai làng xông ra đuổi theo, giải thoát. Nạn nhân khóc sướt mướt, được hộ tống đưa vào chỗ ngồi gần sân khấu.
– Ðêm thứ hai, một cô gái đứng ở tấm phản gỗ mép rạp, tay bám vào mái rạp, bị thanh niên ngồi sát đất, ngửa mặt thổi bông bồn bồn vào ống quần, thổi ngược lên. Cô gái ngứa gãi như điên; không chịu nổi, cả bọn kéo nhau về…
– Một đứa bạn của nó (tức thằng Ðiểm) mang quả thị chín, lẻn vào hậu trường, bị bắt gặp, bỏ chạy. Suýt bị đòn v. v…
Thằng Ðiểm cao hứng mời tôi một cuốn bánh tráng thịt lụi. Nước mắm rắc sẵn đủ độ mặn. Ngồi ăn ngay tại bờ ruộng. Tôi chưa từng được ăn cuốn bánh nào ngon thơm như cuốn bánh hôm ấy.
Sau đám hát, lũ bạn trong xóm chúng tôi lần hồi tụ tập sinh hoạt, bàn tán, cãi cọ. Tôi không thấy bé Vân cho biết đã thích tuồng tích nào nhất. Chỉ thấy nó tỏ vẻ quyến luyến cô đào chính, và đôi lần khoe với chúng tôi những chuyện đã biết về cái son cái phấn của cô ta; nó rất “thương” cô ta khi cô nức nở khóc trên sân khấu.
Thằng Cang bảo bố nó bận công việc, chỉ vào rạp được một buổi; nhưng đêm nào ông nằm nhà cũng theo dõi tiếng hát từng vai tuồng, tiếng trống chầu của quan khách. Tiếng hát, gió đưa về, có lúc nghe rõ mồn một. Bố nó nhiều lần lên tiếng hát theo – í a í á – từng đoạn dài. Gặp bạn hoặc đến nhà hoặc ngoài đồng, ông chê ông khen…; ông bảo “thằng” (kép) này giọng còn tốt hơi còn mạnh lắm, “thằng” kia – tội nghiệp – không bám sân khấu được bao nhiêu năm nữa đâu v.v…
Ðám hát kết thúc, bà mẹ con Vân vùi đầu ngủ li bì luôn một mạch hai ngày một đêm, bỏ ăn bỏ uống.
Ngót năm mươi năm sau, tôi gặp lại “con bạn” ở Mỹ. Nó rời Việt Nam theo diện O.D.P., “nó” đã thành bà, cháu nội cháu ngoại đủ thứ. Có cả chắt. Nó không còn nhớ được bao nhiêu về đám hát. Mối cảm tình, lòng hâm mộ đối với cô đào hát đã phai lạt nhiều. Hình ảnh nổi bật còn giữ lại là ông cụ mặc áo rộng xanh trong buổi lễ gia tiên: Chiêng trống, đàn địch…, ông cụ của “bé Vân” uy nghi, đứng trên mọi nhân vật khác. Tôi nhận xét: “Nhân vật ấy vượt thời gian!” Bà bạn già cười: “Vượt tuốt hết.” Và thêm: “Mẹ tôi không ra tới rạp, không trông thấy sân khấu. Nhắc lại đám hát, cụ vừa lòng nhất là mớ củ hành tây mua tận Qui Nhơn. Ðược bà con xóm làng chú ý đến nhất. Trầm trồ: “Hành ta nhỏ mà thơm; hành tây to tướng mà chẳng có chút mùi vị gì. Tây, cái gì cũng buồn cười.”
Vân hỏi tôi. Tôi nghĩ ngợi: “Cảm tưởng có đổi thay theo thời gian. Các vai hề phai lạt dần, vì những điều họ đã nói hồi ấy, mình quên mất nhiều. Cái còn lại đậm đà ở tôi là những trận giáp chiến náo nhiệt trên sân khấu. Ðặc biệt, những trận đánh nhau có kép đeo cả lục lạc bầu, mỗi múa nhảy mỗi kêu lên rôn rổn.”…
Bà Vân xen lời: “Ðeo lục lạc bầu ở chân, mặt vẽ đen đỏ dữ dằn: đánh lớn đấy, có tướng cưỡi ngựa xông pha. Rổn rổn là ngựa đấy…” Tôi ngạc nhiên: “A! Chị thạo há!” Bà Vân bảo: “Anh Ðiểm nhà ta giải thích cả. Tướng đánh trận, thắng trận rồi, đứng nghênh ngang vuốt râu rung chân rổn rổn, hát ông ổng một hồi như trong cuộc đá dế con thắng đứng vểnh râu, kêu inh ỏi…”
Tôi cười, bà Vân cười. Hướng về đêm hát những tình cảm giễu cợt âu yếm.
Tôi hỏi thêm: “Anh ta bây giờ ở đâu?
– Ai?
– Ðiểm.
– Thì ở làng chớ ở đâu? Ở nguyên tại làng chúng ta từ ngày ấy, có nhích đi đâu bước nào!
Một lát, bà bạn lại nói:
– Ngày xưa cứ loi choi như bắt cóc bỏ dĩa, bây giờ bám riết xóm làng. Sợ buông ra, người ta ăn cắp mất xóm Cây Cầy không bằng…
Tôi bật cười: “Tới bây giờ chị vẫn còn cay cú về anh chàng ấy. Ðiểm láu cá như thế ở đâu chẳng được, gặp hoàn cảnh nào chẳng thích nghi được, việc gì chạy đi đâu cho… mệt?
– À há!
Tản Ðà, và Lỗ Tấn, và sách Nhật v.v.. như thể cùng nhau toa rập trong thái độ đối xử với món hát tuồng. Chuyện kép trẻ đóng vai bà già, cảnh chờ đợi ngất ngư, cảnh chen chúc lộn xộn trong rạp, việc ăn đậu hái trộm giữa đồng, trò đánh đá rùm beng, giễu cợt rẻ tiền v.v… là những tinh hoa của nghệ thuật sân khấu cổ đại sao? Tuồng Trung Quốc, tuồng Bình Ðịnh, rạp Bình Ðịnh, rạp Phú Phong… đều buồn cười! Vậy cái gì thu hút được số khán giả luôn luôn chật ních ở các rạp đô thị Trung Quốc, ở cả các đám hát làng Bình Ðịnh?
Các cụ không nói đến, không giải ra, sức mấy mình dám mạnh miệng liến thoắng? Các cụ không giải mà các cụ cũng không kết (tội). Thời này nhìn lại thời kia, ánh mắt không giấu được chút ngỡ ngàng, giễu cợt; nhưng cái nhìn rõ ràng là một cái nhìn tò mò, chăm sóc, đầy thiện cảm. Noi gương các cụ, tốt nhất.
Ðời sống tiến tới, biến cải. Sự đào thải cái cũ, xưa chậm nay nhanh. Kỹ thuật truyền thông tiến mạnh, cách viết cách xem văn thơ, cách thưởng thức mọi thể loại nghệ thuật đổi khác vùn vụt, quan niệm thẩm mỹ nhảy từng bước dài. Những cái mình đang hè hụi thực hiện lúc này, chúng nó sẽ chịu sự đối xử kiểu nào mai sau? “Mai sau” không phải là vài ba thế kỷ tới, e cũng không phải một thế kỷ tới đâu. Ngắn ngủi hơn thế nhiều:
“Bất tri tam thập dư niên hậu…”
Quận Cam, 11-2004
Chuyện Village Opera, trong cuốn Lu Xun Selected Works, tập một, do Foreign Languages Press ấn hành tại Bắc Kinh, lần thứ hai, năm 1980.
Tôi tiếc không phiên âm được ra Việt ngữ hầu hết các nhân danh địa danh trong bài này.

No comments: