Monday, August 27, 2012

LINH SƠN * TRƯƠNG CHI

Linh Sơn, CTV Phía Trước
Trương chi là một trong những truyện ngắn được coi là “bốt chát” và gây sốc nhất của Nguyễn Huy Thiệp trong mấy chục năm ông xuất hiện trên văn đàn. Nhiều người sẽ không khỏi thấy phản cảm và “dội ngược” khi liên tục bắt gặp trong truyện của ông toàn phân với cứt. Đến nỗi, sau truyện ngắn này và một số truyện khác (kiểu như chuyện ông Móng) người ta đặt cho Thiệp cái biệt danh xấu xí: Thiệp cứt (đó là lời của Thiệp trong một bài trò chuyện với phóng viên trong nước). Đúng là thoạt nhìn ở góc độ thẩm mĩ, nhân văn, truyện ngắn này khó có thể được chấp nhận thậm chí bị liệt vào hàng “vô văn hóa”, “bẩn thỉu”… Đúng là văn của Thiệp khó ngửi thật, nó như một thứ quả lạ, vỏ ngoài xù xì, gai góc, phút ban đầu tiếp xúc ta nghe nó bốc mùi tanh tưởi. Nhưng nếu chúng ta bình tâm, kiên nhẫn, vượt qua lớp vỏ ngôn từ có vẻ “thô thiển”, “đĩ thỏa” như nhiều người từng xổ toẹt, nhiều khi ta lại chợt nhận ra, Thiệp chửi như vậy là nhẹ lắm rồi. Trương Chi là một trong những truyện ngắn kì lạ nhất của Nguyễn Huy Thiệp chứa đầy chất ám thị, với những thông điệp giễu nhại vô cùng thú vị.
Tác phẩm dựa vào câu truyện cổ tích Trương Chi – Mị Nương trong dân gian và tái sinh lại các nhân vật theo tinh thần hiện đại. Trương Chi trong tâm thức của người Việt xưa nay là hình ảnh đầy bi kịch của một người nghệ sĩ tài hoa phải chịu bất hạnh trong tình yêu chỉ vì diện mạo xấu xí. Cái đẹp của tâm hồn, của tài năng phải bị hủy diệt vì quy luật khắt khe của cuộc sống khiến người ta hoài nghi về tình yêu của con người… Trương Chi là hình ảnh của những người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh… Thậm chí người đời sau còn dùng lí luận Marxism để cấp cho nó cái ý nghĩa sặc mùi triết học chính trị rằng Trương Chi là hình ảnh đại diện cho khát vọng tình yêu chính đáng và bi kịch thương tâm của người lao động trong xã hội xưa trước sự chà đạp của tầng lớp thống trị phong kiến… Tùy vào cách hiểu của mỗi người, song nhìn chung đây là hình mẫu nhân vật cam chịu, đầy tội nghiệp và phải chờ đợi ánh sáng tư tưởng nhân đạo của nhân dân soi rọi, ban cho cái kết cục tạm gọi là có hậu ở phần cuối tác phẩm: một sự đền đáp, xoa dịu đầy thương hại.
Đến Nguyễn Huy Thiệp, câu truyện cổ tích này được tái sinh với một cảm hứng thẩm mĩ và ý nghĩa ám thị hoàn toàn khác với truyền thống. Trong truyện cố, người ta kể rằng, sau khi hát xong câu hát cuối cùng:
Kiếp này đã dở dang nhau
Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành
Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bố chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan. Bao nhiêu oan khuất tủi hờn đến nỗi tự trầm, chỉ một giọt nước mắt thương hại đã có thể làm tan đi khối tình chốn tuyền đài lạnh lẽo. Người nghệ sĩ Trương Chi có tiếng hát tuyệt hay khiến công chúa phải tương tư, ngày đêm hao mòn vì thương nhớ. Nhưng sự phũ phàng cay nghiệt của thế thái nhân tình đã không thể chấp nhận một tâm hồn đẹp, một tài năng xuất sắc trú ngụ trong lớp vỏ xù xì. Trương Chi vô tình bị tổn thương, bị chà đạp tới mức tuyệt vọng tự kết liễu đời mình. Người nghệ sĩ ấy quá yếu đuối, tội nghiệp. Và cuộc sống chỉ dành tặng cho nhà nghệ sĩ ấy điều ưu ái duy nhất, thứ mà Nguyễn Huy Thiệp căm thù cay đắng – sự thương hại bố thí. Những dòng văn cuối truyện ngắn đã bộc lộ rõ cảm quan nhân sinh và thái độ mạnh mẽ, dứt khoát của Thiệp:
Tôi – người viết truyện ngắn này – căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống… Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục.
Bởi lẽ, hình ảnh nhân vật Trương Chi đã được Nguyễn Huy Thiệp cấu trúc lại và cấp cho nó một ý nghĩa ám thị hoàn toàn hiện đại. Trương Chi ấy chính là hình ảnh khái quát cho giới văn nghệ sĩ nước ta trong gọng kiềm của cơ chế, đường lối văn nghệ hà khắc, cực đoan một thời… Thời mà Thiệp đã kinh qua – thời bao cấp. (Dĩ nhiên di chứng của nó còn kéo dài tới hôm nay). Khi mà văn chương nghệ thuật chỉ bị coi như một thứ công cụ chức năng chuyên làm cờ xí, gióng trống thổi kèn thì nghệ thuật đã đi vào cõi chết. Trong quy luật sinh diệt của vũ trụ, trời đất, văn chương nghệ thuật là dạng ý thức thượng thừa được chắt lọc từ cái tôi chủ quan, tiếng nói tự do của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, ở các nước phong kiến Á Đông và đặc biệt là thời Liên Xô, hay thời bao cấp ở Việt Nam…văn chương nghệ thuật bị “cưỡng bức” ghê gớm, giới văn nghệ sĩ rơi vào tình trạng ức chế. Văn chương trở thành một dạng đồng ca, vạn người cùng nhép chung một lời một điệu để ca ngợi công ơn của ông X, bà Y, tổ chức Z, để mua vui và lấy lòng giới quan chức chóp bu.
Từ câu chuyện bi thương về bi kịch tình yêu của Trương Chi, Nguyễn Huy Thiệp đã tái sinh cuộc đời ấy theo dụng ý nghệ thuật riêng. Trương Chi ấy có ý nghĩa bao quát, bao trùm cả cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp. Và thế là Thiệp đã không để cho nhân vật của mình trở nên cam chịu, tội nghiệp và yếu đuối như trong truyền thống. Trương Chi có những hành động đầy khiêu khích và lời lẽ đầy phẫn uất, căm hận: Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Chàng hát nghêu ngao trong nỗi buồn vinh cửu và sự bất bình, tiếng hát của chàng bay vút cao rồi chàng úp mặt vào hai bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ mẫu ngón tay xuống sông. Chàng nói: Cứt !…Trương Chi ấy qua cách gợi tả đầy ma mị và kinh dị của Nguyễn Huy Thiệp dường như không phải là con người cam chịu trong tâm thức truyền thống (dĩ nhiên), cũng không phải là một con người cụ thể trong một khoảnh khắc tồn tại cụ thể. Chàng Trương ấy đã hóa thân vào dòng thác lịch sử và những giá trị văn hóa cũ kĩ. Thiệp viết tiếp: Bốn ngàn năm trước chàng đã mất ngủ thế này. Bốn ngàn năm trước chàng đã đau khổ thế này, đã căm giận thế này. Con số 4000 năm nó phảng phất gợi cho ta điều gì? Đó là con số ngẫu nhiên hay là tín hiệu gợi ta liên tưởng đến sức ì của nền văn hóa già cỗi (lấp lánh tinh hoa đáng lưu giữ và cả cặn bã phải loại trừ). Những chi tiết này có tính ám thị gợi sự liên tưởng đầy cảm tính. Nhưng chắc rằng không ai hiểu theo cách thứ nhất. “Mô – típ” dạng này cũng xuất hiện trong chiếc bình bốn ngàn năm (truyện ngắn Sang sông) hay bàn chân giao chỉ trong truyện Con gái thủy thần. Trương Chi là sự hóa thân của những kiếp đời, những kiếp nghệ sĩ muôn thuở trên đất nước này. Tài giỏi nhưng yếu đuối, cam chịu. Nên cuối cùng tài hoa chỉ như một thứ đồ chơi mua vui cho những kẻ có quyền. Để phút chót nhận lấy chút lòng thương hại, ban phát tình ưu ái xem như là sự đền đáp.
Những dòng hồi tưởng của Trương Chi cho ta thấy rõ bức tranh đầy biếm họa về cái nghiệp văn chương nghệ thuật: Trương Chi mơ thấy mình bị gọi vào hát cho công chúa nghe. Hình ảnh Mỵ Nương hiện ra. Trương Chi thở dài. Nàng ngả người trên nệm. Nàng lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc. Nàng bảo chàng:
- Hát đi!
Đám hoạn quan yêu cầu chàng: Hát ca ngợi công danh đi!
Và chàng hát. Mỵ Nương khen hay. Lũ hoạn quan cười ré lên: Hát như cứt! Rồi cả bọn thay nhau đòi chàng hát về sự nhẫn nhục, về tình yêu, ca ngợi tiền bạc…chen lẫn vào những tiếng ca hát, cười nói ồn ào ấy lời nói tục tằn của đám hoạn quan, chúng ré lên cười, mỗi lần Trương Chi hát xong lại nói: Hát như cứt!
Hiện thực bi ai của những người văn nghệ sĩ giới sự áp chế của đám ôn thần tai sai trong văn nghệ, trong “hậu cung” chính trị tất cả đã được dàn dựng bằng cảm hứng hoạt kê, được ướt lệ và đưa lên sân khấu để tạo nên tấn hài kịch quái đãng như thế. Lũ hoạn quan ấy chính là hình ảnh ám thị cho đám văn nô, bồi bút chuyên nịnh hót bề trên và dùng búa rìu giáo mác của mình hạ nhục, chà đạp những người nghệ sĩ đích thực không làm đúng theo quan điểm, chỉ thị, thông tư. Những cái tên Trương Chi, Mỵ Nương mới đầu tưởng đâu dẫn dắt người đọc vào thế giới truyện cổ tích nhưng thật ra nó chỉ là một phần của cái sân khấu mô phỏng hiện thực (đã và đang diễn ra trong đời sống văn nghệ của nước ta). Nhưng người nghệ sĩ tài hoa bị làm sứt mẻ, thui chột, biếng chất, điếm nhục chính vì lũ thái giám văn nghệ, bọn tay sai thô bỉ ấy. Thế nên, Nguyễn Huy Thiệp như nhập hồn, như hóa thân vào Trương Chi để cất lên tiếng chửi, sự căm phẫn tột cùng đối với những vị quan trong ngành văn hóa nghệ thuật, mà bằng ngòi bút giễu nhại thâm nho, ông biến chúng thành đám thái giám thô tục, chốc chốc lại ré lên cười. Nguyễn Huy Thiệp không chấp nhận sự thương hại. Không muốn là kẻ ngoan ngoãn hèn nhát. Thế nên Trương Chi của ông văng tục, phản kháng dữ dội vào cái cơ chế tàn nhẫn ấy một thời. Những tiếng văng tục đầy phân với cứt là để bộc lộ bản chất thô bỉ, dốt nát của bọn bồi bút (rất giống với bè lũ thập thường thị cuối đời Hán).
Sau một hồi giật mình, “lên máu”, “trợn ngược” với những hình ảnh, từ ngữ kì khôi, sất láo ta nhận ra nhịp đập trái tim rỏ máu đầy thổn thức của người nghệ sĩ truy cầu sự tự do tuyệt cùng cho văn chương nghệ thuật. Nghệ thuật, nhà nghệ sĩ cần được tự do. Nghệ thuật căm hận sự áp chế và lợi dụng coi nó như công cụ mua vui. Và rồi sẽ có nhiều người, đâu đó trong một phút trầm mặc về cuộc đời mình, lại sực nhận ra mình là Trương Chi hay mình chính là một trong những tên hoạn quan đó. Đừng tự biến mình thành một loại Trương Chi thời đại mới! Và chúng ta sẽ còn gặp lại dáng dấp của chàng Trương Chi tội nghiệp trong một truyện ngắn khác của Thiệp: truyện Chú Hoạt tôi.
© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

No comments: