Friday, August 24, 2012

MẶC LÂM * DOÃN QUỐC SỸ

Doãn Quốc Sỹ, một ngòi bút chân phương, cổ điển

Print E-mail
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một ngòi viết được nhiều nhà phê bình văn học cho là đôn hậu trong hầu hết các tác phẩm của ông.
photo courtesy of vietnamlit.org
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết hơn 25 tác phẩm song song với sự nghiệp giáo từ thập niên 1950.
Sau khi vào Nam, cùng với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên và nhiều nhà văn, nhà thơ khác, Doãn Quốc Sỹ và các bạn của ông đã đóng góp tài năng của họ vào sự hình thành một trào lưu mới của nền văn học Miền Nam Việt Nam khi họ thành lập nhóm Sáng Tạo. Sự đóng góp của nhóm Sáng Tạo đã góp phần quan trọng đa dạng hóa văn chương nghệ thuật của Miền Nam sau thời gian dài bị chiếm lĩnh bởi Tự Lực Văn Đoàn và Thơ mới.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút

Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, tại Hạ Yên Quyết (Hà Đông), nay thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho và người em trai của ông là nhạc sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Doãn Nho. Năm 1946, ông lập gia đình với  bà Hồ Thị Thảo là con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam. Ông dạy học tại nhiều trường trung học công lập ngoài Bắc cũng như trong Nam. Ông còn là Giáo sư cho các trường Đại học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Doãn Quốc Sỹ là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965).

Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách, trong đó có: Sợ Lửa, U Hoài, Gánh Xiếc, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Ðịnh Mệnh, Khu Rừng Lau,  Người Vái Tứ Phương, Dấu Chân Cát Xóa, Mình Lại Soi Mình ...

Sau năm 1975, ông bị giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm, trước khi được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Houston, tiểu bang Texas.

Mặc Lâm: Thưa Ông, có lẽ ông là một trong số rất ít ỏi các nhà văn sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn cầm viết. Ông còn nhớ kỷ niệm đầu tiên khi bước chân vào văn giới và muốn chia sẻ với thính giả ngày hôm nay không?

Những đoản văn đầu tay thời thanh niên

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Năm 1954 danh từ thời thượng thời đó cứ gọi là "Bắc Cờ 54" tức là dưới thời di cư từ Bắc vào Nam vào năm 1954. Khi vào Nam tôi ở trong cái đoàn gọi là "Sinh viên Hà Nội di cư" mà anh Trần Thanh Hiệp, tức luật sư Trần Thanh Hiệp, là chủ tịch.

Tôi cũng có cái khuynh hướng viết văn vào khoảng 16,17 tuổi. Thời đó là có tờ Hà Nội Báo của các bậc trưởng thượng mà cái thời đó cùng với thời Tự Lực Văn Đoàn, có những ông Lê Trần Kiều, Vũ Trọng Cam là có tờ Hà Nội Báo. Dạo đó thì tôi viết từng đoạn văn thôi, từng đoản văn nho nhỏ tả một cái tình nào đó hay tả một cái cảnh nào đó, chứ chưa phải là một truyện ngắn.

Thì các vị trưởng thượng lúc đó là Lê Trần Kiều, Vũ Trọng Cam khuyến khích giới trẻ nên đăng những đoản văn đó trên Hà Nội Báo. Được khuyến khích như vậy nên thành ra tôi giữ cái lòng thích viết từ cái thuở 16 tuổi đó. Thế rồi đến mãi 1954 theo đoàn sinh viên Hà Nội di cư vào Nam, tôi có mang một truyện ngắn viết dưới dạng truyện cổ tích, bây giờ không còn là đoản văn nữa. Và tôi đã viết từ ngoài Bắc một truyện dưới dạng truyện cổ tích lấy tên là Sợ Lửa.

Khi vào trong Nam, đoàn sinh viên Hà Nội Di cư chúng tôi trình diện đồng bào Miền Nam bằng cái tập gọi là tập Xuân Chuyển Hướng. Tập Xuân Chuyển Hướng đó là do đoàn sinh viên Hà Nội di cư đứng ra trông nom ấn loát, ấn hành, thì may sao tôi mang được truyện ngắn Sợ Lửa từ miền Bắc vào miền Nam thì tôi đóng góp cho anh chủ tịch cái tập Xuân Chuyển Hướng đó cái truyện ngắn Sợ Lửa của tôi.

Tôi vẫn nghĩ rằng nếu Sợ Lửa mà tôi quên không mang vào trong Nam, hoặc đã mang vào trong Nam rồi thì lại quên mà để ở đâu đó, mất đi, thì chính tôi tôi cũng chẳng để ý đến nữa. Nhưng mà một khi đã thấy tác phẩm của mình được in thành chữ đàng hoàng trên một tờ báo thì tự nhiên lòng cảm hứng của tôi nổi lên. Thế là như lửa gặp gió, tôi cầm bút tiếp tục viết để đi vào cái nghiệp viết văn từ thuở đó.

Nghiệp văn song song với nghiệp giáo

Mặc Lâm: Ông là một trong vài người đầu tiên thành lập nhóm Sáng Tạo, xin ông cho biết một vài kỷ niệm của ông vào những ngày đầu cũng như bối cảnh sinh hoạt văn học nghệ thuật thời ấy như thế nào, thưa ông?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Tôi có đứng ra làm chủ nhiệm một tờ tuần báo lấy tên là Người Việt thì cũng là do chúng tôi, tôi đứng làm chủ nhiệm, rồi thì có những Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, v.v., Báo Người Việt của tôi cũng chỉ ra được mấy số thì đình bản. Thế rồi sau đó tôi gặp thêm được Mai Thảo xúm lại để ra tờ báo có thể nói là vượt xa là tờ Sáng Tạo.

Tờ Sáng Tạo chúng tôi ra cứ một tháng một kỳ, thì ra được - nếu tôi nhớ không lầm - vào khoảng số 31 thì đình bản. Sau đó cũng lại cố gắng ra được thêm một vài số nữa rồi thì hoàn toàn là đình bản hẳn.

Mặc Lâm: Có gì đặc biệt về vấn đề nhân sự của nhóm Sáng Tạo, thưa Ông?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Sau cái khoảng thời gian 31 số tờ nguyệt san Sáng Tạo chúng tôi ở đó thì bấy giờ tôi chính thức đi vào nghiệp viết văn bên cạnh nghiệp cầm phấn của nhà giáo rồi.

Trong nhóm Sáng Tạo ban đầu thì Thanh Tâm Tuyền là phải kể và anh cũng là người mà chúng tôi thấy kiểu như là đem lại đường hướng mới trong thi ca, mới về tư tưởng hay là cách diễn đạt. Cách chấm câu của Mai Thảo cũng đem lại những đường nét mới cho văn chương của cái thuở ban đầu, lúc chúng tôi di cư vào Miền Nam. Thanh Tâm Tuyền về thơ, Mai Thảo thì về cách viết, thì là có đem lại cái đường lối mới. Có tôi là vẫn cứ đủng đỉnh theo con đường bình thường, cổ điển mà viết thôi.

Kinh nghiệm kháng chiến chống ngoại bang trong Khu Rừng Lau

Mặc Lâm: Tác phẩm Khu Rừng Lau được Ông lấy bối cảnh nào để dựng nên mà khiến ông bị di lụy với nhiều năm trong trại cải tạo như vậy?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Khu Rừng Lau là truyện dài vào khoảng độ ngót hai ngàn trang, gồm có Ba Sinh Hương Lửa, Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, rồi tập thứ ba là Tình Yêu Thánh Hoá. Tập thứ tư và là tập cuối cùng là Đàm Thoại Độc Thoại, hình như khoảng độ trên dưới hai ngàn trang. Cái chuyện Khu Rừng Lau đó thì cũng là bối cảnh của thời kháng chiến, rồi kéo dài ra với những kinh nghiệm bản thân của tôi được chứng kiến, và tôi dựng thành tập truyện coi như là trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.

Mặc Lâm: Bản thân Ông cũng như các thành viên trong gia đình có gợi ra một liên tưởng nào đó tới các nhân vật trong Khu Rừng Lau hay không?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Hết bộ Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ   thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.

Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy.
Nguồn: Mặc Lâm, phóng viên đài RFA - 2008-06-23
 

No comments: