Sunday, September 2, 2012

TRẦN BÌNH NAM * CHUYỆN BÊN LỀ

NHỮNG CHUYỆN BÊN LỀ CỦA ĐẤT NƯỚC

                                                                                                        Trần Bình Nam

 Tôi vừa thực hiện một chuyến đi qua 4 nước: Úc  Châu, Pháp, Đức  và Tiệp. Kể cả Hoa Kỳ là 5. Công việc chính là hội thảo về Điều 4 của bản Hiến Pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nói  về sự phi lý của nó và nhu cầu bãi bỏ điều khoản đó để mở đầu một tiến trình dân chủ hóa đất nước. Điều 4 hiến định hóa vai trò lãnh đạo của đảng CSVN, và đó là nguyên nhân của mọi bế tắc tại Việt Nam. Một hệ lụy khác của điều 4 là đảng CSVN đã xử dụng quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình để ký hai bản Hiệp Định biên giới và lãnh hải vào cuối năm 1999 và cuối năm 2000 mà không thông báo gì cho nhân dân biết. Riêng Hiệp Định biên giới thường vụ Quốc hội cũng chỉ được thông báo lấy lệ và thông qua một cách hình thức.
Qua vòng hội thảo tôi ghi nhận vài sự việc bên lề liên hệ đến đất nước như sau:

Thứ nhất: Chuyện người hải ngoại về nước thăm nhà.
Tại buổi hội thảo nào cũng có một số người không dám đến tham dự vì sợ chính quyền Việt Nam ghi sổ đen và sẽ không cho về Việt Nam thăm nhà, hoặc cho về rồi tìm cách làm phiền phức, thậm chí bắt bớ.
Sự thật, nếu đồng bào hải ngoại hiểu cái thế của mình đối với chính quyền Hà nội thì đồng bào hải ngoại không có gì phải sợ hải khi bày tỏ lập trường chính trị của mình. Từ năm 1986, sau khi thi hành chính sách đổi mới chính quyền CSVN bắt đầu mở cửa và khuyến khích người Việt ở hải ngoại về thăm nhà. Chính sách này do nhu cầu chính trị và nhất là kinh tế chứ không vì lý do nhân đạo như đảng CSVN nói. Nhu cầu kinh tế là một vấn đề sinh tử sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ vào năm 1991 không còn khả năng chi viện cho Việt Nam như trước. Hằng năm do người Việt ở hải ngoại về thăm nhà tổng số tiền bơm vào nền kinh tế Việt Nam ước lượng trên 2 tỉ mỹ kim. Mất số tiền này chính quyền Hà Nội không cách gì đứng vững.
Do đó đảng CSVN vì nhu cầu tồn tại không còn ở cái thế muốn làm gì thì làm, muốn bắt ai thìbắt, mặc dù chính quyền đảng CSVN nổi tiếng là một chính quyền coi thường luật lệ quốc tế. Vì vậy chính quyền đảng CSVN sẽ không làm điều gì làm cho người hải ngoại sợ không dám về thăm nhà, ngay cả với những thành phần công khai hoạt động chống chế độ cộng sản. Với những thành phần này họ cho nhân viên an ninh theo dõi sát và họ không ngần ngại bắt giữ nếu vi phạm luật lệ trong nước. Hiểu như vậy chúng ta biến việc về thăm nhà thành một mặt trận đấu tranh với chính quyền CSVN. Về Việt Nam trở thành một cái quyền và người Việt hải ngoại không đánh đổi sự tự do hoạt động chính trị của mình để xử dụng quyền này.
Vô hình chung chính quyền đảng CSVN (qua việc bị buộc phải để cho người Việt hải ngoại thuộc mọi khuynh hướng chính trị về nước) chấp nhận một sự đối lập nào đó. Và người Việt hải ngoại cần dứt khoát xác định quyền đối lập của mình. Để xác định và bảo vệ quyền này, người Việt hải ngoại khi về Việt Nam cần bày tỏ thái độ với chính  quyền cộng sản nếu bị làm khó dễ hay bị đe dọa một cách trái phép. Đây là một mặt trận đấu tranh cho dân chủ. Và người Việt hải ngoại có đủ điều kiện để thắng mặt trận dân chủ này.

Thứ hai:  Nhiệm vụ của người trí thức.
Tại Tiệp, cuộc thăm viếng bà Dana Niemcova, nguyên giáo sư tiến sĩ đại học Praha đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Bà Niemcova năm nay trạc 65 tuổi, sức khỏe mong manh vì đã trải qua nhiều gian khổ trong cuộc đấu tranh cho dân chủ của đất nước bà. Bà và chồng là hai trong khoảng 240 thành viên đầu tiên ký bản Hiến Chương 77. Chồng bà là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng tại Praha thời đó. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, như những gì bà đã làm cho đất nước chẳng có gì đáng kể, bà nói: “Ngay sau khi bản Hiến Chương được công bố, công an mời tôi tới văn phòng và cho biết vẫn chưa muộn nếu tôi rút tên ra khỏi bản Hiến Chương. Người sĩ quan công an nhắc tôi rằng tôi có một địa vị trong xã hội, một đời sống vật chất bảo đảm và có 7 đứa con cần nuôi dưỡng. Tôi trả lời tôi không có gì phải suy nghĩ lại. Tôi về nhà chờ đợi hậu quả. Hôm sau vừa đến trường tôi nhận được giấy sa thải khỏi đại học. Luật của Tiệp Khắc lúc đó không cho phép bất cứ ai được thất nghiệp và tôi được bố trí làm công tác vệ sinh cho nhà trường. Thế là từ bảng đen với phấn trắng tôi xoay qua cầm chổi và cọ phụ trách sạch sẽ khu nhà cầu.” Khi được hỏi bà nghĩ gì về tình trạng bế tắc hiện nay tại Việt Nam bà Niemcova nói: “Đừng chờ đợi dân nổi dậy. Dân thời nào, nước nào cũng giống nhau. Họ có những mối lo hằng ngày cho gia đình và bản thân. Họ chỉ phản ứng khi người trí thức phản ứng” và bà hỏi chúng tôi, “liệu người trí thức Việt Nam trong nước đã sẵn sàng lên tiếng đòi hỏi công bình và tự do dân chủ chưa? Nếu người trí thức Việt Nam trong nước chưa đứng lên đòi hỏi tự do và dân chủ, thì còn lâu Việt Nam mới có tự do dân chủ.”
Điều bà Niemcova nói làm tôi suy nghĩ. Tình trạng đất nước sau gần 27 năm hòa bình thật thảm thương. Tại sao trước tình trạng đen tối như thế mà trí thức Việt Nam chưa lên tiếng? Những Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thái Học ở đâu? Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam là một điều có thật chứ đâu phải là một sự bịa đặt để làm đẹp những trang sử vô hồn? Ngoài sự tụt hậu về kinh tế, văn hóa, xã hội còn có dấu hiệu sa đọa tinh thần qua việc nhà cầm quyền Việt Nam cúi đầu ký hai Hiệp Định nhường một phần đất biên giới (cuối năm 1999) và một phần lãnh hải trong vịnh Bắc Việt (cuối năm 2000) cho Trung quốc vì quyền lợi của đảng CSVN và một số cá nhân trong đảng. Sĩ phu đất Việt ở đâu mà chưa đứng lên lãnh đạo quần chúng đòi quyền sống và bảo vệ lãnh thổ?
Tôi ghi nhận thêm một điều kỳ lạ. Sĩ phu chân thật chưa xuất hiện nhưng một số ngụy trí thức chính quyền đảng CSVN Việt Nam mai phục tại hải ngoại bắt đầu được mang ra xử dụng để cứu nguy chế độ. Từ  Sydney, qua Paris, đến Los Angeles những người trí thức này nhịp nhàng viết bài phụ họa lập luận “bán đất mà vui” của ông thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng.
Bà Dana Niemcova vẫn chậm rãi tiếp: “Bản danh sách những người trí thức ký tên vào Hiến Chương 77 cho đến năm 1989 khi Tiệp Khắc được tự do không quá dài nhưng tiếng nói và sự chịu đựng áp lực vật chất và tinh thần của họ trong 12 năm trước bạo quyền đã như tiếng kèn thúc quân thuyết phục hằng triệu thanh niên sinh viên và thợ thuyền Tiệp Khắc xuống đường lật đổ chế độ độc tài đảng trị.”
Từ biệt bà Niemcova tôi có một niềm tin rằng trí thức Việt Nam sẽ không hèn.

Thứ ba: Chết cho tự do tại công trường Vaclav.
Công trường Vaclav tọa lạc tại trung tâm thành phố Praha. Ở đó có một đài kỷ niệm tưởng nhớ Jan Palach và Jan Zajic hai người sinh viên tự thiêu tháng 1 năm 1969 để bày tỏ sự phẩn uất trước cuộc xâm lăng của Hồng Quân Nga đè bẹp cuộc nổi dậy của nhân dân Tiệp Khắc vào mùa Xuân 1968. Đài kỷ niệm gồm một bức tượng của một vĩ nhân Tiệp Khắc dựng ngay giữa một bồn nước nhỏ hình tròn viền xây bằng gạch. Hai tấm ảnh đen trắng của hai sinh viên tuổi chừng đôi mươi đôi mắt trong sáng in hằn trên đá hoa cương đặt khiêm nhường trên một bàn thờ nhỏ dưới chân bức tượng. Jan Palach và Jan Zajic thản nhiên nhìn du khách qua lại trong công viên như hài lòng đã đóng góp máu xương cho nền tự cường của dân tộc. Dân thành phố Praha kính cẩn qua lại trước đài kỷ niệm trong khi du khách chờ nhau chụp hình với Jan Plach và Zajic. Anh Trần Quốc Bảo và tôi cũng ngồi bên cạnh hai sinh viên chụp hình lưu niệm. Chúng tôi nghĩ, một dân tộc không thể tìm thấy con đường hạnh phúc và tự do nếu không có những người dám hy sinh. Và chừng nào một dân tộc không biết nhục, hay không còn tinh thần bày tỏ sự bất mãn trước cường quyền là lúc dân tộc đó bắt đầu suy vong. Những người thanh niên ưu tú Việt Nam đang ở đâu? Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách!

Thứ tư: Giang Trạch Dân viếng China Beach:
Trong chuyến viếng Việt Nam tháng 2/2002 Giang Trạch Dân có ý gì khi đến China Beach ở Đà Nẵng? Nhiều người tham dự hội thảo đã đặt câu hỏi này. Càng có ý nghĩa hơn nữa tại Paris câu hỏi này do chính giáo sư Vũ Quốc Thúc, một nhà kinh tế nổi danh, đặt ra. Người ta hiểu giáo sư Thúc đặt ra để lưu ý cử tọa một vấn đề quan trọng. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra qua câu hỏi của giáo sư Vũ Quốc Thúc.
Giang Trạch Dân đến viếng Việt Nam ngay sau cuộc thăm viếng của Đô Đốc Denis Blair  tư lệnh các lực lượng vũ trang của Mỹ tại Thái Bình Dương là để nhắc Hà Nội chớ mê ông bạn giàu Mỹ quốc mà nhường quân cảng Cam Ranh vì còn Trung quốc “môi hở răng lạnh” đây. Và nếu Hoa Kỳ thấy cần Cam Ranh, Trung quốc cũng có nhu cầu xử dụng Cam Ranh. Nhưng nếu vậy Giang chỉ cần đến Hà Nội. Chuyện gì  phải lần mò xuống Đà Nẵng và đến tận China Beach. China Beach, một cái tên các nhà báo Hoa Kỳ đặt cho một bãi tắm ở Đà Nẵng quân nhân Mỹ thường dùng trong thời kỳ chiến tranh, và tình cờ trở thành tên của một cuốn phim Hollywood thực hiện nói về cuộc chiến Việt Nam. Báo chí đặt thì nó thành tên. Ở Việt Nam không ai quan  tâm tại sao là China Beach mà không là Việt Nam Beach hay Đà Nẵng Beach. Đối với người Tây Phương cái gì dính líu đến Á châu đều được xem là “china”. Người Pháp ở Paris gọi người Á châu là “chinese” không phân biệt gốc gác. Nhưng người Tàu vốn thâm. Đến China Beach ở miền Trung ông Giang Trạch Dân gợi 2 ý nghĩa chính trị khác ngoài vụ Cam Ranh. Danh từ  China Beach gợi ý đất Việt cũng giống như đất Tàu. Và ý nghĩa nhất là từ China Beach nhìn ra biển Đông là Trường Sa, nơi Trung quốc từng nói là biển và đảo của họ. Đối với Giang Trạch Dân thăm miền Trung là để nhìn tận mắt sờ tận tay tài sản mình sắp mua được. Giang có quyền hy vọng vì  Giang mới mua được Ải Nam Quan và thác Bản Giốc, và một vùng lãnh hải ngon lành vốn thuộc Việt Nam qua hai Hiệp Định đất liền cuối năm 1999 và lãnh hải cuối năm 2000. Thăm miền trung Giang ghi một điểm trội với Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp tương lai. Tháng 11 năm 2000, khi công du Việt Nam tổng thống Bill Clinton dự định thăm Huế cũng để hàm ý Hoa Kỳ quan tâm đến thủy đạo, tài nguyên và các hải đảo trên biển Đông, nhưng Hà Nội hiểu ý và từ chối lịch trình viếng Huế của tổng thống Clinton lấy lý do an ninh. Hà nội hiểu hậu ý của Hoa kỳ nhưng sao không hiểu ý của Trung quốc? Hay những người lãnh đạo tại Hà Nội đã bị con rắn Bắc triều thôi miên?

Trần Bình Nam (April 5, 2002)
BinhNam@aol.com
http://www.vnet.org/tbn





 

No comments: