Mấy tiêu chí để tiếp cận lý luận văn học hiện đại (I)
Sự ngu dốt thường dẫn đến hủ lậu và cuồng tín. Chủ nghĩa Zhdanov (Zhdanovshchina) là biểu hiện của hiện tượng này trong văn học nghệ thuật. Trong một bài viết cách nay khá lâu, tôi đã nói đến : Ở Liên Xô, pháp lệnh chỉ đạo nghệ thuật đó được hình thành trong bài nói chuyện tại Đại Hội Công đoàn những nhà văn Xô viết lần thứ nhất năm 1934 và trong Báo cáo 1946 tại Đại hội Thường vụ Trung ương Đảng của Zhdanov. Nó đã chỉ ra một phương pháp nhất định, khuôn thước sắt máu mà thực chất là phải chối bỏ sự thật để tuân hành những chỉ thị của đảng và nhà nước, làm nhiệm vụ xưng tụng những viễn tượng không tưởng của Đảng đề ra để áp chế nhân dân:
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, phương pháp cơ bản được sử dụng trong văn học nghệ thuật và phê bình văn học Xô viết đòi hỏi nơi nhà văn một sự mô tả thực tại chính đáng, đặc biệt về mặt lịch sử trong sự phát triển cách mạng của nó. Tính chân chính và đặc thù lịch sử của sự mô tả thực tại ở đây phải phối hợp với nhiệm vụ xây dựng về mặt tư tưởng và giáo duc công nhân trong tinh thần của chủ nghĩa xã hội.
Sợ tiêu chuẩn chỉ đạo chưa rõ rệt, Zhdanov nhấn mạnh thực tại ở đây không đơn giản là thực tại khách quan, nhưng là thực tại trong sự phát triển cách mạng của nó. Nói khác đi, phải quay lưng với thực tế xã hội đang diễn ra trước mắt, phải bưng bít sự thật trước mắt để ngợi ca những viễn ảnh huyễn hoặc, từ mệnh lệnh văn chương Xô viết phải có khả năng chỉ ra những anh hùng của chúng ta, phải có khả năng nhìn vào tương lai xuất hiện một nền văn chương cung đình, chỉ có những mặt tích cực tưởng tượng, chỉ có những điển hình anh hùng xa rời thực tế và còn khá mỉa mai đối với thực tế trước mắt Ở Việt nam, sự tôn thờ chủ nghĩa Stalin còn mãnh liệt hơn nhiều nước cộng sản khác. Lý luận văn chương rập khuôn Zhdanov. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi điển hình hóa đến cao độ. Tác phẩm văn nghệ phải thể hiện sự sống chân thật hơn sự sống bình thường là như thế (dẫn trong Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, 1957). Chỉ đạo đó nhắm bắt nhà văn phải quay lưng với sự thật, với hiện thực xã hội để chỉ xây dựng trong tháp ngà không tưởng, tô hồng chế độ và xây dựng những nhân vật mơ hồ trong một tương lai viển vông. Về mặt thực tế, lãnh đạo văn nghệ không phải chỉ áp đặt những khuôn sáo, nó còn đòi hỏi sự tố cáo lẫn nhau, mỗi khi phát hiện ra những hiện tượng văn chương nào đi lệch với pháp lệnh văn nghệ, dám mô tả hiện thực xã hội lầm than, khốn khó và bất công trước mắt: Tách rời tính hiện thực và tính Đảng, tính hiện thực và tính lý tưởng sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Bài học đau xót của những tiểu thuyết Vào Đời, Đống Rác Cũ và truyện ngắn Căn Gác, Đêm Đợi Tàu Cũ đã nói lên rất rõ điều đó (dẫn trong Về một nền văn xuôi cách mạng 30 năm qua, in trong Nhà Văn Việt nam 1945-1975, Hà nội 1979)
Ở một bài khác, tôi chỉ ra: Sự phá hủy văn hóa nói chung và văn chương nói riệng đạt tới cao đỉnh trong thời đại Stalin. Một chính sách văn hóa, văn nghệ hoàn chỉnh qua chỉ thị của Zhdanov: Toàn bộ nhà văn Xô viết gắn liền khắng khít với Nhà nước và Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ hàng ngày của Trung ương Đảng và đồng chí Stalin. Chính sách ấy đặt để một khuôn mẫu đồng nhất cho văn học nghệ thuật. Quyền bính đưa ra quan điểm chính thống và áp đặt mọi mặt: Văn học xã hội chủ nghĩa là sáng tạo và phát triển, còn văn học tư sản là đồi trụy, suy thoái; một quan điểm mỹ học,thưởng ngoạn văn nghệ nhất định (phủ nhận siêu thực, lập thể, trừu tượng v.v..); lịch sử triết học trong một trăm năm qua là lịch sử của chủ nghĩa Mác, không chấp nhận những lý luận khoa học khác với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Một tiêu chuẩn phê phán: Lên án mọi mặt đối lập là tư sản, tiểu tư sản, phản khoa học, đấu tranh không tương nhượng; kỷ luật của đảng và bảo vệ chế độ đòi hỏi mọi nhân nhượng, xu hướng đa diện ngay trong những vấn đề lý luận phải bị triệt hủy.
Thế kỷ hai mươi vừa qua là thế kỷ của văn chương lưu đày. Di dân, lưu vong là một hiện tượng xã hội chỉ chấm dứt khi thế giới không còn những chế độ chuyên chính, độc tài áp bức. Đã có người đưa ra một ví von, khi người biên chép những sự việc từ quần đảo Gulag bị đày ra khỏi nước vào năm 1974, người ta nghĩ những nhà chép sử sau này sẽ viết Brehnev là một nhà độc tài quan liêu đã phục vụ trong suốt thời đại Solzhenitsyn. Điều đó có nghĩa không phải chính trị để dấu ấn trên lịch sử, mà chính văn chương mới thực hiện lịch sử.
Những cuộc di dân dưới thời phát xít và cộng sản (từ cách mạng bôn-sê-vích 1917, quốc-xã 1933 v.v..trở đi) đã mang những chuyển biến và làm phong phú cho văn học cận hiện đại. Những trào lưu hình thái luận, ngữ học cấu trúc, lý luận phê phán có cơ hội và địa bàn để phát triển, không những trên lãnh thổ cựu lục địa mà còn mở rộng sang tân thế giới. Sự đóng góp lớn lao của trường phái Frankfurt vào sinh hoạt tư tưởng ở Mỹ trong Thế chiến thứ Hai là một ví dụ. Ở Liên Xô, ba đợt sóng di dân tiêu biểu cho ba thời kỳ, chính biến 1917, Thế chiến Hai và cuộc di cư của người Nga gốc Do thái đánh dấu sự hiện diện trên văn đàn thế giới của những nhà văn như Yevgeny Zamyatin, Ivan Bunin, Alexander Zinoviev, Alexander Solzhenitsyn, Vasily Aksyonov, Sasha Sokolov v.v những nhà lý luận văn học như Roman Jakobson, Victor Shklovski v.v đã mở ra những khai phá quan trọng.
Milan Kundera từng phê phán một cách châm biếm: chủ nghĩa hiện thực xã hội nhìn từ quan điểm mỹ học không có gì mới mẻ, bởi vì thực ra nó chỉ là một bản mô phỏng của loại tầm chương trích cú tư sản già nua.
Những tư tưởng mới thường phải có một quá trình để phát triển. Kierkegaard, Nietzsche được coi như những nhà triết gia lớn vào lúc tư trào hiện sinh bùng phát ở châu Âu. Chủ nghĩa Hình thái Nga với Eichenbaum, Tynianov, Tomachevski, Schklovski, Jakobson được phục hồi cùng với sự phát triển của cấu trúc luận; lý luận phê bình của Bakhtin qua Julia Kristeva, Tzvetan Todorov là những người di dân từ Đông Âu giới thiệu trên diễn đàn văn học thế giới đã đưa Bakhtin trở thành một nhà phê bình văn học lớn của thế kỷ.
Tại sao chủ nghĩa hình thái Nga không thể phát triển ở vào thời đại của nó? Roman Jakobson khi nhắc lại quá trình hình thành của phong trào lý luận sáng tạo này từ những năm 1914-1915 đến việc thành lập Hội nghiên cứu Opoiaz vào năm 1917 và sự nở rộ những công trình nghiên cứu trong thập niên 20 làm lực đẩy cho khoa ngữ học tổng quát mới phôi thai nhưng sự cấm đoán nhất thời đã biến thành một cơn hôn thụy (léthargie) triền miên, đã dẫn lời nhà thơ S. Kirsanov trong Đai hội nhà văn Xô viết lần thứ nhất tại Moskva năm 1934: Người ta không thể đụng đến những vấn đề về hình thái thi pháp, ẩn dụ, vần thơ hay hình dung từ mà không khiến đáp lại tức thời: hãy câu lưu bọn hình thái chủ nghĩa ! Ai cũng có thể bị đe dọa kết vào tội hình thái chủ nghĩa. Từ này trở thành một bao đấm để những nhà phê bình thử sức. Mọi dẫn chứng những từ hoa thanh âm hay ngữ nghĩa đều tự động đi kèm một lời cự tuyệt: Đả bọn hình thái ! Nhiều nhà phê bình tàn bạo còn lấy khẩu lệnh này thành tiếng sất sá để bảo vệ sự ngu dốt của họ trong lĩnh vực thực hành và lý luận nghệ thuật sáng tạo, và để lột da đầu những ai dám làm rối cái xóm ngu dân của họ.
Cái xóm ngu dân là những quan thần phê bình kiểu Zhdanov thời bấy giờ. Mặc dầu bị trấn áp bởi những thái độ thù nghịch ấy, những khai phá sáng tạo và ngữ học của chủ nghĩa hình thái trong những năm 20 đó được phục hồi, lý giải và triển khai trong một đà sanùg tạo mới cùng với những trào lưu đương đại của tư tưởng ngữ học và ngữ nghĩa, và hòa nhập trong hệ thống ý niệm ngày nay (Jakobson). Quả thực sự phục sinh này đáp ứng sự thiếu xót một khoa ngữ học và triết học về ngôn ngữ trong sinh hoạt văn học Tây Âu, làm một bước nhẩy vọt trong việc đưa những nghiên cúu văn học lên hàng tiền đạo trên thế giới.
Có một cái nhìn khái quát toàn diện đó mới có thể tiếp cận những trào lưu văn học hiện đại. Khi Tzvetan Todorov viết trong Phê phán phê bình luận văn học
Có lĩnh hội những điều đó mới lý giải được cái khái niệm nội tại của văn học qua phát biểu của Todorov khi ông viết trong Phê phán phê bình luận văn học lý do tại sao văn học khởi sinh từ một đối lập với ngôn ngữ thực dụng, tại sao văn chương là một diễn ngôn tự nó có thẩm quyền tự cuộc cách mạng văn học của chủ nghĩa lãng mạn đến cuộc cách mạng của chủ nghĩa hình thái chỉ ra dân chủ thay thế cho hệ thống đẳng cấp, phục tùng nhường chỗ cho bình đẳng mà bất kỳ chế độ chuyên chính nào cũng coi là điều cấm kỵ.
1 X. Đặng Phùng Quân, Mấy suy nghĩ về văn chương lưu vong, in trong Văn Chương Và Lưu Đày, 1985.
2 X. ĐPQ, Chủ nghĩa Mác và văn chương, trong sách dẫn trên.
3 X. ĐPQ, Milan Kundera, một khuôn mặt văn chương lưu vong trong sách dẫn trên.
4 X.Tzvetan Todorov, Critque de la critique, 1984. Mục tiêu của tác phẩm này, như tác giả viết, nhằm xác định cái gì hình thành nên một quan niệm hợp lý về văn học và phê bình, đi phân tích những trào lưu tư tưởng chính thể hiện trong văn học và định vị hệ tư tưởng nào khả dĩ bảo vệ.
5 X. Todorov, La notion de littérature, in trong Les genres du discourse, 1978.
No comments:
Post a Comment