Sunday, September 9, 2012

PHAN NHẬT NAM * ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI

Phan Nhật Nam
--------------------------------------------------------------------------------

ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI

--------------------------------------------------------------------------------
Dẫn nhập
Do vận động của Đỗ Thông Minh, Người Bạn Đông Kinh từ hai thập niên qua của giới báo chí truyền thông, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Việt hải ngoại, tiếp theo lần tìm gặp, tiếp xúc chạy vòng từ đông-tây, dọc theo trục nam-bắc nước Mỹ qua trung gian của Dương Phục (Đài Phát Thanh Sài Gòn- Houston, Texas), và Huỳnh Lương Thiện (Báo Mõ, San Francisco, CA).. Cuối cùng, người bạn kiếm ra anh nơi hẻm hóc, chốn giá lạnh, nóc nhà nước Mỹ để giao nhiệm vụ - Đi về phía Đông, đến nói cùng người Nhật và thế giới Ký Ức về Chiến Tranh Việt Nam - Công việc mà tự thân anh đã tình nguyện gánh vác dài theo hơn bốn mươi năm của đời người, từ đầu thập niên 60, lúc chọn nghiệp lính vào năm thanh xuân 17 tuổi.

Người Lính-Viết Văn không có một nhiệm vụ nào khác- Phải nói, viết cho đến tận cùng - Bởi Nỗi Đau nầy luôn là Nỗi Đau chung.

Cách đây hai mươi năm, ngày 7 tháng 9, 1981, nơi Trại Lam Sơn, Thanh Hóa bắc Việt Nam, bắt đầu lần kiên giam đợt thứ hai, anh bước vào căn hầm kín cửa dài hai thước, rộng một thước, cao ba thước, sau bốn lớp cửa gỗ bọc tôn thiếc, ngăn cách khu kiên giam với khu giam giữ tù nhân; nhưng nếu tính với xã hội bên ngoài, miền đất phương Nam xa xôi, thế giới của những quốc gia văn minh, dân chủ - Khu kiên giam nầy, nơi giam tù cấm cố, hoặc tử tội chờ ngày đem đi bắn, cách biệt đủ 10 cánh cửa - bằng số cửa địa ngục Dante mô tả trong The Inferno. Người Lính-viết văn nhìn lên ô cửa thông hơi rộng hơn gang tay chắn lưới sắt, tự hỏi: "Con người có thể đối xử với nhau như thế nầy hay không? Người có thể bị kết tội từ những chữ viết mà quả thật không hề là một đe dọa, xúc phạm đối với bất cứ ai?!" Trong nỗi bi phẫn khốn cùng ấy, quả thật anh thấy được chết dễ dàng hơn phải sống - Tuy nhiên anh không hề tuyệt vọng.

Anh không tuyệt vọng bởi vững tin: Sẽ có một ngày (nếu như không phải bức tử), anh được quyền nói lên tình cảnh bi thảm nầy. Bởi, tình cảnh đau thương mà anh phải hứng chịu, chứng kiến, sống cùng, đã và đang trải qua không của riêng cá nhân anh; cũng không phải chỉ là hậu quả thua trận của một quân đội; và cũng không là tác động có giới hạn đối với những công dân của chế độ cộng hòa phần đất phía Nam nước Việt. Không phải như thế - Nỗi Đau không từ một ai, xuyên suốt theo cùng Lịch Sử, rung động tự thâm sâu vận mệnh Dân Tộc Việt.

Người Lính-Viết Văn không có một nhiệm vụ nào khác- Phải nói, viết cho đến tận cùng - Bởi Nỗi Đau nầy luôn là Nỗi Đau chung.

Qua hai vòng thế giới, xuyên suốt khắp đại lục Bắc Mỹ từ ngày anh ra khỏi nước (5 tháng 11, 1993), hơn bốn mươi lần anh đi đến nơi những cộng đồng Người Việt, ngày 14 tháng Giêng, 2002, Lễ Thành Nhân cổ truyền của Nhật, nơi diễn đàn vinh hạnh, trước hiện diện của những Người Bạn trung thực, thêm một lần, ước vọng sâu xa dài hơn phần tư thế kỷ nay đã trở thành hiện thực. Anh cám ơn Bằng Hữu Thế Giới và Đất Nước Nhật Bản - Nơi đi lên của Mặt Trời, biểu hiện bất diệt Con Người - Sự Sống. Và anh bắt đầu bản tường trình dài dường như không hề chấm dứt về những con người của một quê hương khắc nghiệt bi thảm, nhưng không thiếu phần siêu việt kỳ diệu - Người và Khổ Nạn Việt Nam.

Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

Buổi sinh hoạt được tổ chức tại Trường Đại Học Ngoại Ngữ, Học Viện Ngoại Giao Tokyo vào Ngày Lễ Thành Nhân (14 tháng 1 Dương Lịch) của truyền thống Nhật. Ngày lễ đánh dấu buổi con người từ tuổi thiếu niên nên trưởng thành, khởi đầu giai đoạn mới - giai đoạn quyết định- từ đấy người tự lập, chủ động cuộc sống riêng mình. Buổi sinh hoạt không vô cớ chọn ngày, tháng, thời điểm ý nghĩa sâu xa nầy - ý hẳn ban tổ chức muốn truyền đạt một thông điệp - Từ đây, chúng ta nhìn lại cuộc chiến không chỉ tác động riêng đối với người và xã hội Việt Nam, nhưng liên hệ đến nhiều sắc dân, quân đội của những chế độ chính trị khác nhau - những nước đã từng tham dự cuộc chiến mà hậu quả đến hôm nay vẫn còn sâu xa ảnh hưởng. Hội chứng Việt Nam hiện tại vẫn hằn sâu lên tâm lý giới cầm quyền, điều hành nước Mỹ, cũng như hệ lụy Đệ Nhị Thế Chiến, phần đau thương của nước Nhật gây nên tự quân đội Nhật (đối với các nước vùng Đông -Nam Á, Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam), hoặc nhân dân Nhật hứng chịu hôm nay vẫn hằng (được và phải) nhắc lại. Nhắc lại để tránh những lỗi lầm của quá khứ, nhắm đến tương lai - Thiên niên kỷ Thứ Ba của nhân loại mà Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là diễn trường quyết định với vai trò quan trọng hàng đầu của Nhật Bản. Nước Nhật hẳn đang chuẩn bị cho tương lai hiện thực nầy. Thế nên, buổi sinh hoạt chắc đã hình thành không do những lý do tùy tiện, ngẫu nhiên.

Sau phần giới thiệu của ban tổ chức gồm có các Giáo Sư Susumu Fugita, Minoru Iwasaki, và Imai Akio của học viện, các thuyết trình viên lần lượt trình bày nội dung chủ đề mà ban tổ chức đã thông báo, chỉ định từ tháng 11 năm 2001. Người thuyết trình xử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình, thông dịch sang Nhật ngữ do những giáo sư, sinh viên đang giảng dạy, hoặc theo học các học trình tiến sĩ chuyên khoa ngôn ngữ của quốc gia đó.

Theo chương trình dự định, Bảo Ninh, tác giả Nỗi Buồn Chiến Tranh (đã được dịch sang Nhật ngữ), và Thân Phận Tình Yêu (những cuốn sách nói về mất mát, đau thương của tuổi trẻ miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh) phát biểu trước. Nhưng vào tuần lể đầu tiên của tháng 1, 2002, tác giả nầy thông báo không tham dự buổi hội thảo được vì lý do "trở ngại giấy tờ hành chánh", nên anh gởi một bản văn đến ban tổ chức hội thảo. Văn bản nầy được dịch ngay sang tiếng Nhật, và được phổ biến vào giờ khai mạc. Sự kiện Bảo Ninh vắng mặt sẽ được đề cập lại trong phần hậu từ của bản tường trình nầy. Người thay thế Bảo Ninh, Nguyễn Minh Tuấn, nguyên biên tập viên, chuyên bình luận kinh tế của Báo Đại Đoàn Kết, Hà Nội, hiện là giảng viên tiếng Việt của trường từ năm 2000, di dân qua Nhật theo diện gia cảnh (do kết hôn cùng cô Keiko Watanabé, biên tập viên Báo Yomiuri, nhật báo lớn nhất của Nhật) bắt đầu buổi hội thảo. Nguyễn Minh Tuấn khởi đầu phần trình bày với tư thế: "..Năm 1975, tôi mới mười-lăm tuổi, nên dẫu đã khai thêm hai tuổi để đang ký vào quân đội thì cũng chỉ đi lính được một ngày, và miền Nam đã được "giải phóng".. Tất cả ký ức về chiến tranh của tôi là những ngày sơ tán tại miền Bắc Việt Nam để tránh bom Mỹ.. Những hoàn cảnh cực khổ và dễ sợ." Tuấn có những nhận xét trong phần kết luận: "Hiện tại ở Việt Nam, hầu hết mọi người hình như không ai muốn nói về chiến tranh. Hằng năm, vào những ngày lễ lớn như "giải phóng miền Nam 30 tháng Tư", ngày Quốc Khánh 2 Tháng 9, chỉ những tờ báo nhà nước (Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An..) mới nhắc lại những chiến thắng quân sự. Còn phần đông dân chúng chỉ chú trọng vào đời sống, lo toan sinh kế vật chất. Và đời sống xã hội, thị trường tài chính, kinh tế thì bị nạn tham nhũng hoành hoành, hiện tượng áp bức tràn khắp.. với thành phần nạn nhân đầu tiên chính là những người đã dựng nên những chiến thắng kể trên." Nguyễn Minh Tuấn cũng không "ngạc nhiên" về sự kiện Bảo Ninh vắng mặt. Qua kinh nghiệm làm báo ở Việt Nam, anh đã quá quen với những lý do "trở ngại giấy tờ hành chánh" nầy, bởi chính bản thân anh cũng đã là nạn nhân của những lý do tương tự đôi ba phen. Phần phát biểu của Nguyễn Minh Tuấn được chuyển sang Nhật Ngữ bởi Giáo Sư Odaka Tai, Giảng Viên Khoa Quan Hệ Quốc Tế, Đại Học Daitobunka.

Tiếp đến phần trình bày của Người Lính-viết văn. Trái với người bạn đến từ miền Bắc Việt Nam kia, anh đã chứng kiến, chịu đựng chiến tranh từ thuở thơ ấu, khi chưa đến tuổi lên mười trong những vùng gọi là chiến khu (địa phương thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Việt Minh trong giai đoạn chiến tranh 1945-1954) suốt một đời dài cho tới hôm nay, sắp đến tuổi 60. Anh chịu đựng với chính thân xác mình, nghe bằng tai, thấy tận mắt, hít thở thấm đẫm hơi người chết, đầm đìa khắc khoải tiếng kêu thương tâm của vạn, triệu cảnh đời khốn cùng, đau đớn oan khốc diễn ra qua từng ngày, từng giờ trên suốt giải quê hương - không chỉ giới hạn nơi những xóm làng, đồng ruộng, thị trấn miền Nam, nhưng đến tận đầu nguồn biên giới, vùng núi non cực bắc đối diện lãnh thổ Trung Quốc, hoặc nước Lào ở phía Tây. Tình cảnh anh không phải là trường hợp đơn lẻ, cá biệt, nhưng là cảnh huống điển hình của toàn dân tộc khổ nạn. Anh chỉ là một con người sống tận cùng với khổ nạn Việt Nam. Anh không nói quá lời mà sợ rằng không đủ tiếng lời để nói. Và không chỉ trong ba mươi phút ấn định, nhưng nếu có thể với ba mươi giờ vẫn chưa đủ để kể hết toàn cảnh xót xa khắc nghiệt kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ ngày Mặt Trận Việt Minh (do đảng cộng sản Việt Nam ẩn danh lãnh đạo) khởi đầu cuộc chiến, 19 tháng 12, 1946, đến khi mặc áo lính, 1960-61, cho đến ngày tàn cuộc 30 tháng tư, 1975, tiếp lần vào trại tập trung sau đó, chuyển ra giam cấm cố ở miền Bắc, 1976, và cho đến tận hôm nay - Dấu vết, ký ức chiến tranh vẫn còn nguyên độ sắc. Anh sống đủ đời với của cuộc chiến và hứng trọn hệ quả của nó dẫu hôm nay tạm lìa bỏ quê hương.

Nầy đây, hãy anh kể lại: "Chỉ trong vòng bốn mươi tám giờ kể từ khi bắt đầu cuộc hành quân trực thăng vận của ngày 20 tháng 8, 1964, từ phi trường Bến Tranh xuống một ngôi làng Quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa.. Đi sau hai người khinh binh, tôi bước e dè, nhọc mệt, do tiểu đoàn đã đụng nặng từ lúc xuống trực thăng, thêm việc nhặt những xác chết của đơn vị bạn, người tôi lao đao trong cảnh trận địa nguy khốn, mùi hôi tanh từ máu người lẫn hơi bùn xông lên ngây ngây ngật ngật. Đến ngày thứ hai thì nỗi thảm hại trong lòng càng thêm độ sắc, bởi đám tàn binh cộng sản bị thiệt hại của ngày hôm trước nay không đường thoát thân, phải chui vào đụn rơm, ao bèo lẫn trốn. Tôi kéo ra một gã du kích.. Chỉ là một thiếu niên mặt mày ngơ ngẫn do quá sợ hãi, mồm ngậm búng cơm. Tôi nhìn kỹ vào mắt hắn ta, tự hỏi: Đây là kẻ thù của mình sao? Đây là "chiến sĩ giải phóng", đầu mối tai họa, kiệt cùng khổ nạn Việt Nam? Thêm một ngày nơi trận địa, cảnh tượng bi thảm càng thêm nặng nề, vây bọc, siết cứng lại.. Tôi đi vào khu vực Nhà Thờ Công Giáo xã Bình Đại, ngôi nhà thờ đẹp đẽ đã trở nên đống gạch đổ nát giữa hàng rừng dừa ngã nghiêng trốc gốc bốc khói xanh. Khi cúi xuống nhặt bàn tay gãy của tượng thiên thần, tôi khám phá ra năm xác chết. Đấy là gia đình người giữ nhà thờ, hai vợ chồng, ba đứa con. Năm người chết từ đâu ngày hôm trước. Chết không biết do đạn của bên nào? Những xác chết còn "tươi" do sức nổ gây hơi ép, nét mặt in dấu, vẻ kinh hoàng, chết ở vị thế ngồi dưới bàn thờ Chúa. Năm xác người được kéo ra nằm trên sân đá lạnh, nắng dọi xuống gây gây im lặng vàng khô. Nhìn lên hàng rào, chiếc áo tím của cô con gái đầu lòng bay dật dờ như nỗi oan khuất không nói ra.

Tiếp ngày hôm sau, quân đi vào một khu vườn với căn nhà đang cháy nghi ngút khói, những cột gỗ cháy đỏ xiêu lệch, nền gạch vỡ loang lỗ những dấu đạn pháo.. Có người đàn bà chưa đến tuổi ba mươi, nét mặt đôn hậu, trong sáng của người phụ nữ miền Nam chưa phải chịu đời khó khăn, vất vả. Chị ngồi ngơ ngẩn trên thềm ngôi nhà đang cháy dỡ. Tôi đi đến... Không biết đang có đánh nhau hay sao mà chị lại ngồi đây? Im lặng, chị ta đứng dậy, đưa chiếc giỏ mây vào mặt tôi. Động tác nhanh gọn như người tập thể dục. Tôi mở gói giấy cột chặt bởi những vòng cao su... Sợi giây chuyền vàng, đôi bông tai, hai chiếc nhẫn và cái kiềng. "Vàng, chắc hơn một lượng, con mẹ nầy sợ quá hoá điên rồi. Lấy đi thiếu úy, không ai thấy, em cũng không nói cho ai biết đâu.. Ê, đi đi.." Người lính mang máy truyền tin thầm thì bên vai tôi. Anh hươi mũi súng đuổi chị đàn bà. Người nầy bước đi với nét mặt không cảm giác.

- Không được, vàng của người ta, mình đâu có quyền lấy. Nầy, chị trở lui đi, tôi trả lại đây". Tôi nói với theo. Người đàn bà quay lại, cũng với bước chân vô hồn không cảm giác. Nhưng khi đưa tay đón lấy chiếc giỏ, nét mặt chị ta bỗng nhiên nhăn nhúm lại như đang phải chịu cơn đau quá độ: Chị buông thỏng hai tay, chiếc giỏ rơi xuống đất.. Từ từ người đàn bà đưa tay lên hàng nút áo.. những ngón tay xoắn giữ chặt, toàn thân run bần bật.

- Trời đất ơi!! Tôi kêu lên tiếng nhỏ. Người đàn bà có thể đã không hiểu lời tôi do từ cách phát âm giọng người miền Trung pha âm Bắc, nhưng chắc rằng, bởi đã sống trong vùng du kích cộng sản kiểm soát, chịu sự tuyên truyền dai dẵng dài lâu, nên chị đã nhìn tôi như "một gã lính hung bạo với áo quần rằn ri, chuyên hiếp dâm, giết người, cướp giật - như lời "tuyên truyền giáo dục" thường trực tác động sâu xa của cán bộ chính trị cộng sản. Động tác trả vàng lại cho người đàn bà cũng không phải là thái độ, hành vi đạo đức lớn, đấy chỉ là việc làm nhỏ bé, bình thường của một người "có giáo dục tại Miền Nam"- Biết trọng người và yêu thương đồng loại. Sự hiểu lầm cay đắng của người đàn bà đồng thời chỉ cho tôi hiểu ra rằng: Tính ác độc tàn nhẫn của chiến tranh, không chỉ làm cho người trở nên "hai kẻ xa lạ", nhưng là đầu mối, tai họa thống khổ đối với nhau.

Tôi dẫn người đàn bà ra bến sông qua Mỹ Tho. Chị đi tới với bước chân vô định.. Lai! Lai! Má đây con ơi!! Một người nào dưới sông kêu thất thanh, chị quay lại. Aùnh mắt trống không. Vẫn bước chân vô hồn, chị đi về chỗ thuyền đậu chen chúc.. Má! Má, nhà mình cháy rồi, cháy hết rồi. Chị vẫn còn trong cơn mê của sợ hãi. Chị vẫn chưa phục hồi trí nhớ để nhận ra rằng: "Mình đã được gìn giữ, bảo vệ bởi gã lính trẻ tuổi mà chị vừa hiểu nhầm rằng y đòi lấy của, muốn hiếp dâm". Tôi nói với những người lính đang đứng nhìn theo người đàn bà: "Nhìn gì mấy cha, đi lẹ lẹ còn qua phà, về Sài Gòn cho kịp." Về Sàigòn lại đứng đường, gác chợ cứ như thằng ăn mày, sung sướng gì mà ham về sớm thiếu úy ơi!!

Đơn vị xuống phà qua Mỹ Tho để tiếp lên xe về Sàigòn, nhận nhiệm vụ chống biễu tình, giữ an ninh thủ đô.. Hai gã thiếu niên đi đầu đoàn người căng biễu ngữ màu vàng: "Cương quyết bảo vệ Đạo Pháp". Hai gã khác mang một tấm khác có giòng chữ nguệch ngoạt, "Hoan hô quân đội".. Đám đông la ó, những viên đá ném tới.. Những viên đá rơi trên nón sắt, thân áo giáp, lời chưởi bới ào ào nghiệt ngã:"..đ..má chúng mầy ăn tiền mỹ-ngụy bao nhiêu hỡ... Ai trả lương cho chúng mầy giết thầy, hại đạo!!" Những người lính chúng tôi chưa kịp rửa đôi giày lấm bùn của chiến trận ngày hôm qua, vết cháy ở áo Hạ Sĩ Ty, máu khô còn đóng trên mặt Binh Nhất Thái, và chính tôi - mùi người chết còn nguyên nơi miệng, lưỡi.. Tất cả chỉ vừa qua của bốn-mươi tám bốn giờ từ một vùng đất gọi là Bình Đại, Tỉnh Kiến Hòa. Bình Đại- Sài Gòn chỉ khoảng trăm cây số đường chim bay."

"Câu chuyện kể tiếp tục với cảnh tượng những đứa trẻ sống sót trong ngôi làng Xã Chánh Khoan, vùng Quận Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Làng trù phú, vườn củ đậu xanh ngắt, lúa chín vàng, chĩu nặng bông trái nhưng không bóng người, nhà nhà cửa đóng kín, mùi tử khí âm âm.. Những đứa bé được tìm thấy từ căn nhà cha mẹ đã chết vì dịch hạch. Bé kiệt sức vì đói, rét do trời đang ở cuối mùa Đông 1966.

Câu chuyện tiếp tục với hoạt cảnh xót xa im lặng nơi vùng đất lửa hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, biên giới cực bắc của miền Nam đối diện với miền Bắc qua vùng "Phi Quân Sự". Mùa Đông năm 1967, hai giờ sáng từ Cửa Việt, đơn vị anh, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù đưa quân lên hướng Bắc sát sông Bến Hải. Trời sáng dần để thấy lẫn sau giải đụn cát, gò đất có những "ngôi nhà" nhỏ. Không biết đáng để gọi là "nhà" hay chăng, vì thật sự chỉ là những hầm hố, trên đó người dân úp lên một mui thuyền và cả gia đình, những con người ngồi bó gối sát vào nhau. Khi nhận ra những người lính đang làm việc lục soát, những con người ngồi trong những căn nhà kia cử động.. Họ bò ra. Vâng, những "con người gọi là người Việt Nam" kia bò ra bằng hai bàn tay và đầu gối, như một loại dã nhân tiền sử chưa đứng thẳng được cột sống. Bao đời nay, người đàn bà ở hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên, bất kể giai cấp xã hội nào, theo phong tục kín đáo luôn có thói quen luôn mặc áo dài, dù áo dài cũ kỷ, rách vá, hoặc đang làm việc nặng nhọc, lầm than. Những chiếc áo dài rách tay, độn vai bởi hàng chục miếng vá, khác màu, khác vải. Nhưng chiếc áo dài của người đàn bà làng Diêm Hà Thượng ở vùng giới tuyến không còn chức năng của mục đích, ý niệm ban đầu - Để bảo vệ phẩm tính cao quý, thể hiện phong cách kín đáo của người nữ. Tất cả những danh, tỉnh từ huênh hoang, tô vẻ mà những kẻ lãnh đạo chiến tranh của cả hai bên hằng nại đến để chiếm đoạt "lý chính nghĩa" đã trở nên vô dụng, mất ý nghĩa đích thực, vì vạt áo dài kia không được kéo dài hơn, không đủ lành lặn để thay thế chiếc quần che phần hạ thể trong động tác bò lết."

Nhưng chiến tranh bên cạnh chuỗi cảnh tượng thê thiết dằng dặt kể trên vẫn có những hoạt cảnh bi tráng mà mỗi người lính, người dân miền Nam hằng hiện thực qua từng ngày giờ bão táp với cách thế chịu đựng vô vàn kỳ lạ tưởng chừng như không thật. Chúng ta hãy chứng kiến những phận người sống-chết qua lửa đạn.. "Ngày 25 tháng 6, 1972, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I quyết định khai diễn chiến dịch tái chiếm Quảng Trị. Khi đổ quân xuống bãi cát nam Quận Hải Lăng, trên trục tiến quân hướng khu Nhà Thờ La Vang, mục tiêu cực tây, vị trí giữ cạnh sườn trông về hướng Trường Sơn, những người lính thấy những luồng hơi ong óng trên mặt cát kia sao. Trời sáng dần, quân tiến sâu vào vùng hơi bốc lên kia thì họ khám phá ra.. Luồng khí bốc lên ấy là tàn hơi của một loại lửa đặc biệt. Lửa được cấu tạo không chỉ do vật chất bị đốt cháy như gỗ, sắt, thép của các loại súng đạn, xe cộ, vật dụng chiến tranh; lửa còn được tăng cường nung nấu bởi áo quần, quang gánh, giày dép...Và cuối cùng, lửa được bền bỉ gìn giữ bởi một chất liệu bất ngờ, phí phạm và thực sự không cần thiết - Những tế bào hữu cơ của thân thể người bị xé rách, vùi dập, thiêu đốt cháy âm ỉ làm chảy sênh sếâch mặt nhựa đường. Loại lửa thuần túy "nhân tạo" nầy đã tồn tại từ bao ngày qua - từ ngày 29 tháng Tư, 1972, thời điểm những sư đoàn Miền Bắc tấn công, cưỡng chiếm thị xã Quảng Trị, phục kích đoàn người di tản, chạy loạn qua vùng đất 9 cây số từ La Vang xuống Cầu Câu Nhi Phường, nam Quảng Trị. Con người nghe tiếng nổ cấp kỳ và thân người tung xé bay bay lên với lửa.. Họ "biết rõ" như thế và chỉ biết giương tròng mắt ngó trân..

Lửa! Lửa! Lửa!
Lửa dậy từ Hải Lăng
Giăng giăng triền cát trắng
Lửa phần phật nung rền
Đỏ cọng cỏ đồi sim.
Bao xác người cháy đen
Dọc dài Đường số I
Xác mẹ chồng xác con
Chập chờn màu lửa nghẹn
Dòng "Đá Chảy Mồ Hôi"
Sôi sục hơi tử khí
Đồi"Thánh Mẹ Sầu Bi"
Nhầy nhầy thây kinh dị.
Thây thê thảm quắp co
Đặc quánh vũng máu đỏ
Đất sềnh sệch thịt người
Lặng nở trời nắng to...
Những cái chết kia không chỉ một lần, vì cảnh tượng thương tâm kia không chỉ riêng cho ngày 29 tháng 4, mà được lập đi lập lại suốt gần hai tháng qua với đạn, bom cực độ của cả hai bên, bên nầy lẫn bên kia sông Bến Hải để tạo nên một địa ngục lặng im dưới trời sáng nắng, trên bãi cát lây lất màu máu cặn. Nhưng loại lửa nhân tạo kia lại không đủ độ nóng cần thiết để thiêu cháy toàn diện, nên những xác người dù qua bao ngày chết lâu dài vẫn còn nguyên vẹn nét kinh hoàng của lần bức tử, dẫu chỉ là khối xương sọ nằm trơ bên hố bom kho cạn nước, sênh sếch váng lớp thịt xương, dạng thây người chưa hoàn toàn tiêu hủy.
... Kẹt trong xích xe tăng
Xác thân ai rây máu
Trời ơi đau Hải Lăng
Hồn cào sôi bi phẫn.
Nhưng từ sâu khổ nạn với cảnh chết tận cùng kia, bỗng sáng chói điều kỳ diệu như tia chớp của giữa đêm đen giông bão. Khi những người lính vượt tuyến xuất phát, đội pháo vượt qua vũng lửa Hải Lăng, Giáp Hậu, La Vang thì trên đồng cháy xuất hiện những bóng người thấp thoáng xiêu lệch.. Họ chạy ngã nghiêng, chập choạng như những bóng ma nhập tràng vừa dựng dậy từ đám xác chết. Và như được hồi sinh bởi một năng lực mầu nhiệm, đám "ma người" đồng thất thanh kêu lớn... Lính tới! Lính tới! Lính cộng hoà tới! Và chắc rằng chính tiếng kêu trong đáy thẵm chết chóc của những người dân nầy là tin cậy trao gởi cổ vũ mãnh liệt nhất để những người lính dựng nên kỳ tích của trận chiến Mùa Hè 1972 ở mặt trận Quảng Trị trong ngày 14 Tháng 9- Khi những chiến binh của các Tiểu Đoàn 1 và 6 TQLC đồng khép chặt, diệt gọn ổ kháng cự cuối cùng nơi Cổ Thành Đinh Công Tráng, dựng NGỌN CỜ VÀNG lúc đúng Ngọ- Giờ mặt trời lên thiên đỉnh chiếu ánh sáng rực rỡ uy nghi xuống Ba Vạch Đỏ thắm tươi thêm sắc máu của những người hằng chết cho một điều không bao giờ nói nên lời: Con người luôn sẵn chết vì TỰ DO - Những người LÍNH vô danh, những người DÂN không ai biết đến - Dân và Lính Miền Nam. Của Quốc Gia tên gọi VIỆT NAM CỘNG HÒA."
Câu chuyện vốn còn rất dài, nhưng bởi thời lượng không đủ, anh chấm dứt phần trình bày với kết luận: "Thượng đế ban cho con người sự sống, và kế hoạch hóa tình cảnh, thời điểm từ giả cuộc đời trần thế- Nhưng con người trong chuỗi sinh tồn kia đã hiện thực điều bi thiết vĩ đại của mình - Người quyết định lần chết cho chính bản thân. Người trao gởi lại sau cái chết xác thân một trị giá vinh diệu. Người Việt Nam đã hiện thực điều cao cả kia một cách tự nhiên trong suốt đêm đen bất hạnh dài theo thế kỷ, giữa vũng lửa chiến tranh mà toàn dân tộc đang gánh chịu một cách khắc kỷ- Xem như một sự cùng đành. Chúng tôi không nói điều tán tụng với chữ nghĩa phù phiếm, không nội dung- Chúng tôi xác tín với giá máu của mỗi người anh em đã, đang hằng hằng lâu dài gánh chịu... Không chỉ là những người lính nơi trận điạ, mà là hằng loạt tướng lãnh giữ chức tư lệnh đại đơn vị, hoặc sĩ quan cấp tá cao cấp: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Hữu Thông, Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long... Người không chỉ chết một mình, mà với toàn gia đình cùng một lần quyết tử- Chị Nguyễn Thị Thàng, vợ một nghĩa quân chết với chồng và đàn con nơi chiếc đồn cô quạnh ở vùng IV; Thiếu Tá Vĩnh, bào huynh của gia đình niên trưởng Hà Thượng Nhân (Trung Tá Phạm Xuân Ninh, Chủ Nhiệm Báo Tiền Tuyến) chết cùng với cả nhà gồm ba thế hệ: ông, cha, cháu; những người lính Thủy Quân Lục Chiến đồng tự sát nơi Bãi Mỹ Khê, Đà Nẵng cuối tháng 3, 1975; Trung đội Nhảy Dù của Huỳnh Văn Thái cùng nỗ chung một lần lựu đạn sáng 30 tháng Tư. Ánh chớp thanh quang của anh hồn bao người trung liệt kia hẳn đã rung mờ nhật, nguyệt hiện thực lần Núi Sông cùng khóc với Con Người. Và Người cùng một lần sống mãi với Quê Hương."(*)

Phần trình bày của anh đã được Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Giám Đốc Đài Phát Thanh Á Châu Tự Do (RFA), Washington DC chuyển sang Anh Ngữ, bản dịch quay ronéo để sẵn nơi cửa phòng hội, cùng với văn bản tiếng Việt, được tóm lược qua Nhật Ngữ. Giáo Sư Nhật Văn, Lê Văn Cừ, bạn cùng lớp Trần Viết Đại Hưng (San José, CA) cựu học sinh Hàm Nghi, Huế, người đã thấm hiểu, và chịu cơn đau của sự kiện lực lượng cộng sản tàn sát người Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968; lần chạy loạn oan khốc của ngày 29 tháng 4, 1972 nơi 9 cây số "Đại Lộ Kinh Hoàng", phiên dịch cho anh theo kỹ thuật phiên dịch nghị trường qua phối hợp với anh từ đêm đầu tiên đến Nhật. Người Lính-viết văn cũng chuẩn bị sẵn ấn bản tiếng Anh "The Stories Must Be Told", cuốn sách được huynh đệ, bằng hữu khắp nơi giúp hoàn thành trong một thời gian kỹ lục trước ngày đi.

Tiếp theo, Cô Ku Sujeong, Hàn Quốc (tên Mỹ Suzane; tên Việt, Trâm), sinh viên học trình tiến sĩ sử học trình bày chủ điểm, "Những đơn vị Đại Hàn có mặt trong chiến tranh Việt Nam" (Các Sư Đoàn Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Thanh Long, Bạch Mã, Bạch Hổ chịu trách nhiệm vùng duyên hải Miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, 1965-1973). Cô Sujeong được một sinh viên người Đại Hàn hiện theo học tại học viện giúp phiên dịch.

Chu Kiên, người Trung Hoa trình bày "Chiến tranh Việt Nam đối với Mao Trạch Đông". Với những chứng liệu lịch sử cận đại còn rất mới, diễn giả người Hoa nầy minh xác ảnh hưởng lý thuyết, lẫn kinh nghiệm thực tiển của Mao Trạch động đối với những quyết định chiến lược, cũng như chiến thuật của giới lãnh đạo miền Bắc, đặc biệt đối với Hồ Chí Minh. Diễn giả nầy trình bày trực tiếp bằng Nhật Ngữ.

Và cuối cùng, Ado Makoto, thủ lãnh của phong trào phản chiến Nhật trong suốt nhiều thập niên qua những vận động đòi quân đội Mỹ rút khỏi Okinawa, phản đối Hiệp Ước An Ninh Nhật-Mỹ, trình bày quan điểm "Nhật Bản và Phong Trào chống Chiến Tranh" do ông và các nhóm bạn đồng quan điểm lãnh đạo, vận động, thực hiện.

Sau lần trình bày của Ông Ado Makoto, buổi hội thảo chuyển qua phần thứ hai: Đối thoại giữa cử tọa và các diễn giả, hoặc phần bổ túc giữa những người thuyết trình. Khoảng bốn trăm người tham dự, phần đông thuộc lớp sinh viên trẻ tuổi (đang theo học các phân khoa chính trị, lịch sử của trường) hoặc những người lớn tuổi có lòng quan tâm đến thời cuộc, sinh hoạt chính trị. Đáng kể nhất là các ký giả, phóng viên Hara, Tabata, Oshima phụ trách trang tiếng Nhật của tờ Mê-Kông do Hồ Thông Minh chủ biên. Các anh Hà Ngọc Giao, Lê Văn Xe, Trần Kiến Võ, chị Hà Anh Võ, và những thanh niên, thiếu nữ người Việt đến Nhật từ lúc tuổi ấu, thiếu, ở những nơi rất xa Tokyo (di chuyển ở Nhật luôn là một vấn đề khó khăn vì khoảng cách quá xa, dân số quá lớn. Tokyo là một trong những thành phố đông dân nhất của thế giới với 12 triệu người) đã đến tham dự buổi nói chuyện. Tuy nhân số ít nhưng các anh, chị, các cháu trẻ tuổi đã theo dõi với tất cả tấm lòng của những người Việt hằng thấm đau cảnh khổ. Các anh Lê Văn Xê, Trần Kiến Võ thuộc các khoá 19, 25 Trường Võ Bị Đà Lạt, anh Hà Ngọc Giao là sĩ quan Hải Quân QLVNCH.

(*) Bản tường trình đầy đủ "Nỗi Đau Đầy Hơn Trí Nhớ" đã được chuyển sang Anh ngữ trong "The Stories Must Be Told".

Sự Thật ở đâu?

(Nếu lần phát biểu được ban tổ chức điều hành theo thứ tự kể trên, sang đến phần đối thoại thì thực hiện theo chiều ngược lại. Và Bản Tường Trình chỉ ghi lại những đối thoại của hai diễn giả người Việt, và những nội dung có liên hệ trực tiếp đến người và việc từ, của Việt Nam.)

Ông Ado với tinh thần phản chiến cực đoan, đã nhận định: "Chiến cuộc Việt Nam là biểu hiện nhất quán của chính sách "thực dân kiểu mới" được Mỹ hóa (Americanized, Ado lập lại nhiều lần) với những phương tiện quân sự khổng lồ, sức mạnh siêu đẳng của nền kinh tế, tài chánh của chủ nghĩa tư bản." Do quan niệm một chiều nầy được diễn đạt bằng tư thế trấn áp cơ hữu của diễn giả qua cách phát âm Nhật ngữ mạnh mẽ, với dẫn chứng sự kiện quân lực Mỹ đã từng tham chiến ở Đại Hàn, trấn đóng tại Nhật trước khi có mặt ở Việt Nam, nên từ phía cử tọa đã có thắc mắc với cô Sujeong (Đại Hàn): "Phải chăng lần tham dự của quân đội Đại Hàn có nguyên do từ sự đe dọa của Bắc Hàn?" Có thể do cô đã không chuẩn bị cho câu hỏi thắc mắc nầy (vì chỉ đặt trọng tâm vào hoạt động quân sự của lực lượng Đại Hàn tại Nam Việt Nam), nên Người Lính-viết văn đã xin phép được phép trả lời hộ, anh nói: "Chúng tôi đã quả đã dự tri cho câu hỏi nầy nên đem sẵn theo đây một dĩa CD có 30 hình ảnh về chiến tranh không phải chỉ riêng với hoàn cảnh VN mà còn của nhiều vùng đất, và những sắc dân khác. Một của 30 bức ảnh nầy là cảnh tượng người Bắc Hàn vượt sông Naktong chạy về phía nam vĩ tuyến 38 trong chiến tranh 1950-1953 (cũng được trích đăng trong phụ bản của The Stories Must Be Told). Hình ảnh nầy đủ để chứng minh sự kiện đe dọa của lực lượng quân sự, chính sách hà khắc chính trị của phe cộng sản không chỉ xảy ra với chiến tranh Việt Nam (mà chỉ do nguyên cớ là tham dự của người Mỹ như ôngAdo vừa kể ra)- Nhưng đe dọa mang tính danh cộng sản đã có và hằng tác động lên toàn cầu, nên đã xẩy ra cảnh tượng như vừa kể trên trong nam 1950ở Đại Hàn; sự kiện người lính Đông Đức đào thoát qua bức tường Bá Linh năm 1960; và hiện tượng vạn, triệu người Việt chấp nhận cái chết để thoát khỏi tay người cộng sản ở Việt Nam.. Di cư, vượt tuyến khỏi miền Bắc sau tháng 10 năm 1954; chạy loạn Mậu Thân 1968; chạy tỵ nạn năm 1972; di tản tháng Ba, Tư năm 1975, và cuối cùng đồng loạt (cả hai miền Bắc, Nam) vượt biên suốt hơn một thập niên sau 30 tháng Tư, 1975. Tóm lại, không những chỉ có đe dọa của Bắc hàn đối với Đại Hàn, của Đông Đức đối với Tây Đức, của Bắc đối với Nam Việt Nam- Nhưng đe dọa cộng sản là thực tiển của tình hình chính trị-quân sự toàn cầu trong suốt nửa thế kỷ vừa qua. Tóm lại, chiến tranh Việt Nam là chiến tranh hai miền Bắc-Nam, giữa chế độ cộng sản Miền Bắc và chế độ cộng hòa, dân chủ Miền Nam - Chiến tranh nầy khởi đi rất lâu trước khi chính phủ Mỹ đổ quân vào đến Việt Nam (mùa Hè 1965 tại bãi Đà Nẵng)- Ít nhất cũng chính thức từ 19 tháng 12, 1960, ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam theo nghị quyết của Đại Hội 3 Trung Ương Đảng Lao Động (cộng sản), ngày 10 tháng 6, 1960 tại Hà Nội. Và chiến tranh ấy vẫn kéo dài sau khi quân nhân Mỹ hoàn toàn rút khỏi Miền Nam (27 tháng 3, 1975), ngoại trừ một văn phòng tùy viên quân lực (DAO) theo điều khoản của Hiệp Định Paris. Có một cán binh bộ đội nào đã giao tranh với đơn vị chiến đấu Mỹ trong khoản thời gian trước, sau thời đoạn 1965-1973 ngắn ngủi của cuộc chiến tưởng chừng bất tận đau thương kia?

Một người khác (mà anh đoán chừng phải là người am hiểu rõ tình hình, văn hóa Việt do chữ viết (Việt ngữ) rất đều và đẹp) đặt cho anh câu hỏi: 1/ Phải chăng ở Miền nam có chánh sách cưỡng ép người vào lính? 2/Đời sống vật chất của cấp sĩ quan rất thoải mái bởi có mức lương cao. 3/Chính sách giam giữ của chính quyền miền Nam đối với tù binh bộ đội cộng sản? Anh có trả lời như sau: "Trong một nước có chiến tranh thường trực, lẽ tất nhiên phải có chính sách tổng động viên nhân, vật lực cho cuộc chiến. Tuy nhiên như trường hợp anh, tự nguyện vào lính năm 17 tuổi đã chứng tỏ, miền Nam không thiếu những thanh niên tình nguyện vào quân ngũ, (không những chỉ tình nguyện vào Trường Võ Bị mà còn phải thi tuyển gắt gao). Hơn thế nữa, đơn vị anh, binh chủng nhẩy dù chỉ nhận người tình nguyện - từ cấp binh sĩ đến hàng tướng lãnh- và được gia nhập vào binh chủng nầy là một vinh dự lớn, mà người sĩ quan khi tốt nghiệp trường võ bị phải đậu thứ hạng cao, hoặc thủ khoa khóa học mới có quyền ưu tiên chọn lựa. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải phải vì đồng lương mà người thanh niên vào lính- bởi đây là một nghề nghiệp có mức sống thấp nhất của xã hội miền nam- Số tiền lương của cấp sĩ quan chỉ ngang chừng 10 Đô-la Mỹ, chứ đừng nói binh sĩ, hạ sĩ quan. Anh dẫn chứng với lời tự sự cá nhân anh trong mục tiểu sử tác giả của cuốn "Những Chuyện Cần Được Kể Lại: Chưa hề có một tài sản nào lớn hơn 10 đô-la Mỹ, tài sản lớn nhất có được là số tiền Bộ Xã Hội Mỹ cấp phát vào ngày nhập cư đất Mỹ năm 1993". Anh cũng không quên kể lại câu nói của người đàn anh thương mến, Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC: "Tao mấy năm làm tiểu đoàn trưởng chưa hề cầm số tiền lớn hơn 100.000 đồng (thời giá năm 1970, khoảng 60 đô-la Mỹ)" Chương "Người Lính Không Hề Chết"- NCCDKL (sđd)". Về câu hỏi thứ ba, tương tự như vấn nạn đối với cô Sujoeng về vấn đề "Mối đe dọa từ Bắc Hàn", lần nầy anh cũng chuẩn bị đủ đối với tình thế (dự liệu) qua chương "Tù Binh, Anh đi về đâu?" của cuốn sách viết từ 1974, "Tù Binh và Hòa Bình". Trong chương nầy anh đã viết nên lời: "Ở trại giam Phú Quốc do quân cảnh VNCH quản trị, người tù cộng sản được bảo vệ bởi những quy luật trại giam theo Công Ước Quốc Tế Genève về tù binh (cố vấn Mỹ của đơn vị quân cảnh lại là người giám sát nghiêm chỉnh việc thi hành nầy). Và trái lại, mối đe dọa nguy khốn đến từ những "đồng chí" của họ - Những cán bộ chính trị của tập thể tù binh cộng sản. Và khi ra khỏi nhà tù, trả về phía cộng sản, họ tiếp tục bị đày ải bởi nhà cầm quyền Miền Bắc bởi tội danh "đã để phía ngụy quân bắt cầm tù". Anh đã không dự tri điều hoang tưởng- Năm 1976, khi chuyển ra giam giữ ở đất Bắc, anh gặp lại đủ những người mà anh đã trao trả về phía cộng sản trong những tháng đầu năm 1973 tại địa điểm trao trả bên kia sông Thạch Hãn (Quảng Trị)".

Nhưng Nguyễn Minh Tuấn đã không tin về câu trả lời trên, anh cho rằng, sự hà khắc, độc ác của chế độ giam giữ của VNCH là một điều không thể chối cải được, vì sự kiện nầy đã bị chính các nhân vật "hòa bình" ở Miền Nam tố cáo. Vì thời giờ không cho phép, hơn nữa vần đề đã đẩy qua vùng chính trị mà nếu muốn đề cập thì phải dẫn chứng với nhiều người, việc khác (thành phần thứ ba, các phong trào hòa bình ở Miền Nam, những nhân vật phản chiến "ngụy danh" mà sau 1975 đã hoàn toàn lộ mặt.. Những Lý Chánh Trung, Nguyễn Thị Thanh Vân (vợ Ngô Bá Thành), Huỳnh Tấn Nẫm..) Và anh cũng đã dự tri chính xác về những con người nầy cùng cái gọi là "cuộc cách mạng gọi là giải phóng miền Nam" qua khẳng định đã viết thành lời từ 30 năm trước: "Rồi đây trận chiến cuối cùng sẽ là giữa chúng tôi với những sư đoàn chính quy cộng sản Bắc Việt.. Lá cờ ba mầu của mặt trận giải phóng (Miền Nam), cùng những kẻ múa rối ở Miền Nam sẽ bị vất đi như một thứ phế phẩm!! (TB& HB, Trang 411-417, ấn bản 1974, Hiện Đại Sàigòn)". Anh cũng không trả lời câu hỏi có tính cách "chiến thuật nầy" là cốt dùng thì giờ còn lại để trả lời về câu hỏi mấu chốt: "Ông nghĩ thế nào về sự kiện Hà Nội bị Mỹ dội bom". Câu hỏi nầy do một thính giả nêu ra nhưng Nguyễn Minh Tuấn chuyển "gánh nặng" qua cho anh. Không chút bối rối và ngạc nhiên, anh trả lời: "Trước tiên tôi cực lực phản đối việc Mỹ ném bom Hà Nội, vì một lẽ rất giản dị: Không ai cam tâm muốn đất nước mình bị tàn phá. Mà cũng không hẳn như thế, tất cả những con người có lương tri, lương năng không ai hoan nghênh những vụ tàn phá, tấn công bằng bom đạn. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, trong dĩa CD sẵn mang theo hôm nay (nhưng rất tiếc vì lý do kỹ thuật, CD nầy đã không phóng chiếu được. Anh đưa CD lên thêm một lần) có hình ảnh phố Khâm Thiên, khu dân cư Hà Nội bị dội bom trong chiến dịch dội bom 12 ngày (Tháng 12, 1972) của chính quyền Mỹ. Nhưng nếu đã kết án vụ việc phi cơ Mỹ ném bom ở Khâm Thiên thì cũng phải kết án những vụ pháo kích của lực lượng cộng sản vào những thành phố, khu dân cư ở Miền Nam. Trong dĩa CD nầy cũng như trong những cuốn sách tôi trình bày trước quý vị hôm nay (có những ảnh do chính bản thân hoặc các phóng viên chiến trường bạn hữu tôi chụp trong trận chiến mùa Hè 1972), những ảnh nầy trình bày đủ cảnh tượng thường dân bị tàn sát trên 9 cây số "Đại Lộ Kinh Hoàng" nam Quảng Trị, ngày 29 tháng 4, 1972; thị xã An Lộc bị san thành bình địa, dân chạy loạn về Chơn Thành, Bình Dương bị tàn sát bởi cuộc pháo kích tập trung đêm 12 tháng 4, 1972. Trường Tiểu Học Cai Lậy, Định Tường (vùng đồng bằng Cửu Long) ngày 9 tháng 3, 1974 gây thương vong 43 trẻ nhỏ, bị thương 70 em khác.. Những vụ giết người không cần thiết và cực độ vô nghĩa nầy phải một lần bị lên án cùng lần với việc phố Khâm Thiên Hà Nội bị dội bom. Và trở lại vấn đề dội bom thì thật ra mà nói- ba phần tư số bom Mỹ với chất độc khai quang là dội xuống Miền Nam- Thế nên, nhân dân Miền Nam mới là người có đủ toàn quyền trước hết để nói lên vấn nạn đau xót nầy. Phải, chính chúng tôi - Người Miền Nam mới là nạn nhân đầu tiên và hứng chịu phần nặng nề nhất của cuộc chiến. Hai trăm ngàn dân, lính trong lần di tản Tây Nguyên khởi từ 15 tháng Ba, 1975 kết thúc ngày 28 cùng tháng, chỉ còn khoảng 60.000 con người đếm được tại trại tiếp cư đèo Rù Rì, Nha Trang, không có một đơn vị quân đội nào còn được khả năng chiến đấu khi về đến vùng đồng bằng. Biết bao nhiêu người đã chết trong chiến tranh? Chỉ biết sau 1975, trong hai triệu người Nam, Bắc vượt biên ra khỏi nước đã có 600.000 ngàn người bỏ mạng trên biển đông, nơi rừng già biên giới Việt- Miên-Thái (thống kê của Ủy Ban Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc). Biết bao nhiêu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh? Biết bao người Việt Nam đã chết sau thống nhất, trong hòa bình? Anh hỏi mình, hỏi cử tọa, hỏi người bạn Nguyễn Minh Tuấn đến từ miền Bắc, hỏi người phản chiến Ado Makoto.. Người nào đã chiến thắng, kẻ nào đã thua trận? Phải chăng chỉ Dân Tộc Việt Nam chịu nguồn uất hận dằng dặt khôn nguôi!!

Còn có những câu hỏi về việc Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên đặc công ở Chợ Lớn (1968); thái độ đối với kẻ khủng bố hiện tại? Nhưng anh có thể nói gì thêm và nói gì hơn nữa (dẫu cũng đã tiên liệu cho những vấn đề nầy) ngoài mối đau thương quá đỗi lớn lao còn rất mới sau 26 năm gọi là hòa bình ở Việt Nam.

Hậu từ

Tương tự như những lần ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị sau những cuộc trao trả tù binh đầu năm 1973, mỗi buổi chiều trở về bờ sông phía nam, phần đất kiểm soát của Thủy Quân Lục Chiến VNCH, qua thành phố đổ nát, hoang tàn, hậu quả của lần tàn phá cực độ trong suốt năm 1972.. Anh có cảm giác ngậm ngùi, khắc khoải: Rồi đây sẽ chẳng đi đến đâu, tất cả chỉ là vô ích, những nỗ lực của bản thân, bằng hữu, chiến hữu trong cuộc chiến nhiều thiên lệch, không cân sức, bị xuyên tạc, ngộ nhận, mạ lỵ từ nhiều phía- Cuộc chiến đấu tự tồn của dân và lính Miền Nam từ lâu nào đã mấy ai hay, cho dù bậc đại trí, đạo hạnh như Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Giáo Hoàng Vatican.. ?! Nay cũng thế, dẫu anh đã nói đến tận cùng, đã chuẩn bị thật chu đáo, đã diễn dịch vô vàn từ sự thật, nhưng làm sao đẩy được khối đả tảng "chiến tranh Việt Nam được Mỹ hóa trong tất cả mọi tình thế, mọi điều kiện" ra khỏi quan niệm cố định của những người phản chiến Nhật như Ado Makoto? Và dẫu cho anh thật lòng tin tưởng về tính trong sáng, trung trực của thế hệ người trẻ tuổi (điển hình qua số đông của phòng hội), mà thái độ nghiêm túc, cẩn mật của họ trong suốt buổi hội thảo đã làm anh cảm khích- nhưng phần đông những người nầy đều nhận quá trình huấn luyện, sưu khảo từ học trình đại học Việt Nam hiện tại - mà lý thuyết xã hội chủ nghĩa vẫn là quan điểm chủ đạo của tất cả mọi công trình văn hóa, văn nghệ, giáo dục, kể cả kinh tế. Từ "thực tế- thực tế gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam" nầy anh rơi vào một tình trạng não nề với câu hỏi nhói đau: "Nước Nhật chỉ sau mười lăm năm (1945-1960), từ hoang tàn đổ nát do hai trái bom nguyên tử; danh dự, kiêu hãnh dân tộc, quân đội bị xúc phạm (Nhật Hoàng Hirohito tuyên cáo đầu hàng, Mỹ thiết lập tòa án Tokyo xử tội phạm chiến tranh); cảnh cùng khổ, sa đọa xã hội hiện ra cùng khắp (đến nổi cảnh sát phải dùng đến biện pháp truy quét mới dọn sạch được cảnh sống lầm than của dân bụi đời ở khu nhà ga Ueno, Tokyo những năm sau 1945)- Nhưng chỉ đến thập niên 60 Nhật đã là một cường quốc kinh tế, và hiện nay là đối thủ không khoan nhượng của Mỹ trong tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, tài chánh, sản xuất. Phép mầu nầy đến bao giờ xuất hiện ở Việt Nam - Đất nước đang ở đầu thiên niên kỷ thứ ba với chiến lược kinh tế "nhất quyết tiến lên xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở nông nghiệp và công nghiệp nhẹ". Hình thái phát triển xã hội (và chỉ thực hiện được) do dịch vụ tiêu thụ và tệ nạn bàn giấy thông qua thủ tục hối lộ. Hơn một phần tư thế kỷ kể từ ngày thống nhất đất nước số phận người dân vẫn bị chi phối và quyết định bởi Bộ Hình Luật An Ninh Tổ Quốc- biến thái của nghị quyết An Ninh Tổ Quốc từ đại hội III năm 1960 của trung ương đảng chuẩn bị lần xâm chiếm Miền Nam bằng vũ lực - Công An Bộ Nội Vụ toàn quyền bắt và kết án người bằng biện pháp tập trung cải tạo!! Linh Mục Nguyễn Văn Lý (bạn đồng hành chung chiếc cùm với người viết trong lần chuyển trại 8 tháng 1, 1988 từ Thanh Cẩm, Thanh Hóa ra trại Ba Sao, Hà Nam Ninh) nay đang chịu thêm một án tù thứ ba trong đời cũng chỉ vì lý do "vi phạm an ninh tổ quốc".

Trong bữa cơm từ giả tại nhà Nguyễn Minh Tuấn, anh có kể cho chúng tôi nghe về nỗ lực của báo giới Vệt Nam hiện tại.. Báo Đại Đoàn Kết của anh đã có công đầu trong vụ án xét xử ông Nguyễn An Trung, một Việt kiều mang tiền về nước để phát triển ngành giao thông, nhưng bị kết án tù vì tội khai gian thuế, chịu án tù, tịch thu tài sản và phạt vạ 1 triệu đô-la Mỹ; hoặc báo đã làm sáng tỏ vụ công an bắn chết một thanh niên trên cầu Chương Dương Hà Nội, cướp tiền của người nầy, xong vu oan nạn nhân là kẻ cướp giật. Cha nạn nhân đưa đơn thưa kiện khắp nơi các cấp nhưng đều bị chìm lấp vì hồ sơ (giả tạo) của công an đã hoàn tất. Nỗi oan uổng của người chết chỉ được sáng tỏ khi báo Đại Đoàn Kết (qua đều tra của Nguyễn Minh Tuấn) đưa nội vụ ra ánh sáng. Hoặc vụ một chị đàn bà sắc tộc Tày bị vu oan đã thiếu nợ 200.000 đồng (khoản chừng 15 Mỹ Kim), bị kết án 18 tháng tù trong tình trạng ung thu bướu đang giai đoạn nguy kịch!! Tuấn kết luận: "Báo chí phải biết tránh né, muốn viết phải nhắm vào, đánh tỉa từng cá nhân- nhưng đừng bao giờ đụng đến chính sách và trung ương đảng!" Anh biết người bạn nói điều thật lòng, và can đảm thực hiện nghĩa vụ báo chí - Nhưng anh nghĩ thầm: "Nếu là một nước có kỹ cương người dân có bao giờ lâm cảnh nguy biến đến như thế? Và anh biết có hỏi người bạn chăng nữa thì mối xót xa nầy vẫn giữ nguyên độ sắc nên anh đành im lặng. Và anh chợt hiểu ra: Tại sao Bảo Ninh không được tham dự buổi hội thảo - Hẳn những người cầm quyền ở Việt Nam e ngại về tiếng nói của một người viết văn trung trực.

Từ nhà Tuấn, anh cùng Đỗ T. Minh và Ng. Thủy đi bộ ra đường đón taxi, ngang qua cơ sở chính của Hãng Sony, nhìn lên, chỉ là một tấm bảng đơn giản ghi tên hiệu của cơ quan nắm giữ quyền lực, khả năng kinh tế - kỹ thuật toàn cầu. Anh hỏi thầm thêm một lần.. Biết đến bao giờ ở Việt Nam. Về đến Mỹ, tin tức đầu tiên anh đọc được: "Những người cầm quyền ở Hà Nội đang chuẩn bị thông qua đạo luật về biên giới và lãnh hải ký với Bắc Kinh trong những năm 1999 và 2000- Theo đó Việt Nam chỉ còn 53, 23% vùng biển chủ quyền và Trung Quốc chiếm 46, 77%. Và công an thành phố Sàigòn tìm cách phá đám tang Hòa Thượng Thích Đức Nhuận.

Anh chờ đợi gì nơi những người cầm quyền Hà Nội, hôm nay đang lập lại lần đê nhục của Mạc Đăng Dung ở thế kỷ 16, nhưng với lý do thậm tệ đốn hèn hơn - chỉ để củng cố vị thế chính trị của cá nhân và tổ chức của họ.

Hóa ra, những kẻ có tội luôn ở tình trạng sợ hãi. Họ sợ Anh Linh Con Người dẫu đã chết và quỳ lạy loại xác ma hủy hoại hư thối.

Phan Nhật Nam
17 tháng 1, 2002.
Để nhớ ngày ký kết "Hiệp Định Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam" 
hai-mươi chín năm trước tại Paris.


No comments: