Viên Linh – Nhà văn Duyên Anh, chọc trời khuấy nước
Posted on 14.07.2012 by postlitviet
Nhà
văn nhà báo Duyên Anh (1935-1997) là khuôn mặt khó vẽ nhất trong những
chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng sau 1954 tại miền Nam. Cuộc sống và cái
chết của cây bút nòng cốt của tuần báo Con Ong gây nhiều xung đột, hành
trình văn chương của tác giả Hoa Thiên Lý (tác phẩm đầu tay, Sài Gòn)
tạo nhiều mâu thuẫn, trong khi ấy, ông là nhà văn có nhiều tác phẩm xuất
bản nhất (trên 50 nhan đề sách trước 75), là người có nhiều độc giả
nhất, và mặt khác, là cây bút gây nhiều thảo luận nhất trong các giới.
Con người ấy lại là chủ nhiệm một tờ báo thiếu niên, tờ Tuổi Ngọc, viết
truyện cho lớp choai choai: Tuổi Mười Ba (1969), Dzũng Đa Kao (1966),
Ngày Xưa Còn Bé (1968), và viết về thế giới hè phố, những nhân vật bị
coi là côn đồ, du đãng; đến khi ra hải ngoại, 1983, lại trở thành tác
giả của những vấn đề thời thế, viết về cộng sản, về chế độ cầm quyền
trong nước: Một Người Tên Là Trần Văn Bá (1985), Một Người Nga Tại Sài
Gòn (1985), Nhà Tù (1987), Trại Tập Trung (1988), và cuốn hồi ký văn
nghệ Nhìn Lại Những Bến Bờ (1988). Viết về Duyên Anh cũng giống như đụng
vào một bày ong, chạm vào một tổ kiến, mà con ong cái kiến ấy lại chính
là các tác phẩm của ông. Nhiều vô kể và ồn ào vô kể. Tháng 2, 2012 này
là ngày giỗ thứ 15 của tác giả Điệu Ru Nước Mắt (1965), tôi sẽ viết về
ông như viết về một đồng nghiệp, một người bạn, qua vài kỷ niệm riêng
tư.
Duyên Anh tên khai sinh là Vũ Mộng Long, người Thái Bình, sinh ngày
16.8.1935, năm 1954 bỏ gia đình lớn, di cư vào Sài gòn một mình, sinh
sống trong ngành thông tin thuộc bộ thông tin. Khi gần 30 tuổi anh mới
xuất bản tác phẩm đầu tay nhan đề Hoa Thiên Lý. Hôm ấy nhân đến thăm một
người bạn làm báo cư ngụ ở khu Bùi Viện, gần ngã tư Cống Quỳnh, Nguyễn
Cư Trinh, đang đi xăm xăm tôi bị chận lại trên hành lang và tác giả
Duyên Anh tặng tôi cuốn sách của anh. Đó là lần đầu chúng tôi gặp nhau.
Trước đó khoảng năm bảy năm, anh sống ở Trảng Lớn, Tây Ninh, như anh kể
chi tiết trong cuốn hồi ký: “Tôi dẫn cô Hiên đi trên hương lộ đi ra thị
xã Tây Ninh (…) Cô Hiên và tôi đang sống và bây giờ là 1956 (…) Tôi ở
Trảng Lớn hơi lâu rồi. Giữa tôi và sinh hoạt văn nghệ, báo chí Sài Gòn
hoàn toàn xa lạ. Văn nghệ ví như đất thánh. Mà tôi, kẻ ngoại đạo. Tôi ôm
mộng trở thành nhà văn cũng giống những kẻ tưởng mình sẽ câu được trăng
sao in hình trên mặt nước” (Nhìn Lại Những Bến Bờ, 202- 203).Tuy viết thế mà chỉ ít lâu sau, chàng trẻ tuổi đột ngột bỏ cô Hiên, vì muốn một cuộc sống bay bổng hơn một cảnh đời bình dị. Không rõ hư hay thật, cuốn hồi ký kể lại chuyện Vũ Mộng Long đang ôm đàn hát (đàn của ty thông tin Trảng Lớn), thì một ông thầy bán thuốc sán lãi chạy xe ngang qua. Nghe tiếng hát chàng, ông ta vào làm quen, rủ chàng hãy đi theo ông ta, dùng tiếng hát mưu sinh đây đó, sống cuộc đời tự do nay đây mai đó, hơn là chôn chân ở một xóm quê. Nghe lời rủ quyến, chàng bỏ cô thôn nữ đi theo tay bán thuốc dạo. Nhưng chỉ hơn 4 tháng sau, hai người chia tay vì sứ mệnh: ông bán thuốc chính là một nhân vật đảng phái quốc gia ở miền Trung, bị mật vụ của ông Ngô Đình Diệm truy nã, đang đi kết hợp lại các đồng chí chống Diệm và chống cộng sản, còn Vũ Mộng Long trở về Sài Gòn, quyết đi vào văn nghệ. Trong đoạn hồi ký này, xuất bản vào năm 1988, Duyên Anh đã vô tình báo trước cái chết thảm của mình vào chín năm sau. Vốn là trên bước đường bán thuốc dạo (kéo dài bốn tháng 13 ngày), hai thầy trò đàm đạo đủ chuyện nhân sinh, triết lý, đạo đức, chính trị, và một hôm thày bảo trò: “Mày mâu thuẫn với chính mày. Mày sẽ trở thành con người tổng hợp trí nhớ, trí tuệ, trí khôn và trí ngu. Rốt cuộc, mày là đứa đối địa, nghịch thiên, chung thân bất mãn, chồng chất oan khiên. Mày sẽ giống Nễ Hành [một tay thuyết pháp trong truyện Tàu] không chết bởi tay Tào Tháo, Lưu Biểu, mà bị bêu nhục bởi đám vô lại Hoàng Tổ” (Nhìn Lại Những Bến Bờ, 222).
Tám chín năm sau, trong khi đang đi trong khu tiệm sách Tú Quỳnh trên đường Bolsa, Quận Cam, Duyên Anh bị đánh bởi một bàn tay sắt. Theo lời của một họa sĩ nhân chứng ngồi trong tiệm ăn Ngân Đình gần đó, Duyên Anh đang đi, có hai kẻ từ phía sau tiến đến gần, lên tiếng gọi. Duyên Anh ngoái cổ lại xem là ai, thì một bàn tay sắt vung lên, đánh một cái gọn vào thái dương anh. Chỉ một cái, rồi người đó và kẻ đồng hành đi thẳng ra đường Bolsa, khuất sau một góc nhà về phía đường Bushard, biến mất. Duyên Anh bất tỉnh, được đưa vào bệnh viện. Vì định cư ở Pháp, anh không có bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ, nên được đưa lên máy bay về Pháp. Cú đánh đã khiến nạn nhân tê liệt nửa người, sau này phải tập viết bằng tay trái. Anh từ trần ngày 6 tháng 2.1997 tại Paris. Vụ ám hại Duyên Anh đã tốn nhiều giấy mực, và nước bọt, khi dư luận đặt các giả thuyết ai muốn giết nhà văn? Việt cộng, tư thù cá nhân, hay một tổ chức kêu gọi kháng chiến, như câu văn có linh anh viết từ nhiều năm trước, viết ở trên: “Mày sẽ giống Nễ Hành, chết bởi tay Hoàng Tổ.”
Văn chương của một tác giả nhà nghề, viết cách gì đi nữa cũng hàm chứa tâm thức và thái độ đối với cuộc sống. Riêng về Duyên Anh, người viết bài này còn nghĩ rằng văn thơ anh là vũ khí của anh. Một hai năm sau cuộc đảo chính 1.11.63, hai tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, lúc ấy đang là nghị sĩ Thượng Viện, xuất bản nhật báo Công Luận, Duyên Anh phụ trách trang trong, có mang tôi vào làm việc một thời gian, trong khi tôi đang viết truyện dài đăng báo từng kỳ nhan đề Cuối Cùng Em Đã Đến cho báo này. Anh cũng nói với ông Tướng Đính để một mục cho Mai Thảo, lấy tên là “Nhận Đường.” Đến giờ giao bài, Mai Thảo không viết được, chúng tôi bàn nhau và thỏa thuận hôm đó tôi phải viết thế, nhưng không ký tên, làm như bài đó do Mai Thảo viết. Sau này mục “Nhận Đường” xuất hiện hàng tuần trên tờ tuần báo Khởi Hành do tôi làm thư ký tòa soạn. Tháng nào đi cắt tóc ở đường Gia Long, Duyên Anh cũng kéo tôi đi cùng, nói đủ thứ chuyện đời.
Thân Duyên Anh từ niên thiếu có nhà thơ Vũ Băng Đình, giám đốc báo chí phủ tổng thống, hiện là chàng duy nhất còn sống trong tám chàng nhà quê tỉnh Lúa (Thái Bình), năm 1950 rủ nhau dinh tê vào Hà Nội. Băng Đình làm bài thơ có đoạn như sau về bạn: “Duyên Anh văn sĩ Vũ Mộng Long/ Bút sắt vườn hoang lúc thẳng cong/ Chúng bẩn ông tha hồ viết nhảm/ Lâu đài công lý ngụ lâu không (“Thái Bình Bát Mẻ,” Khởi Hành hải ngoại, 2011). Mấy chữ “lâu đài công lý” ngoài nghĩa bóng, còn nghĩa thật: nhà Duyên Anh tại Sài Gòn là một tòa biệt thự khá sang có sân có vườn ngay trên đường Công Lý, là con đường xe hơi cắm cờ quốc gia qua lại mỗi khi đưa đón quốc khách giữa phi trường Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập.
Để kết thúc bài viết nhớ bạn ngắn ngủi này, mời độc giả đọc một đoạn thơ của chính tác giả cuốn truyện Nặng Nợ Giang Hồ:
“Tôi khôn lớn ở Sài gòn
Biết thấm nỗi buồn sau mỗi cơn chính biến
Chưa hề đi lính
Nhưng bạn thân chết trận dần mòn
Em ơi chiều ba mươi tháng tư
Tâm hồn tôi chít mảnh khăn sô
Tôi đứng giữa hoàng hôn nào đó
Như ngày xửa ngày xưa bé nhỏ
Đếm xác người chết đói ngổn ngang
Ôi xác ngày xưa
Hôm nay súng ngắn súng dài mũ sắt quân trang
Nằm rên rỉ dưới dép râu cộng sản
Tôi đã đến vùng Orange County
Của Hiệp chúng quốc Hoa kỳ
Và cần thiết thơ tôi tuyên chiến
(…)
Thứ thơ văn tô móng tay khi dân tộc đói nhăn răng
Thơ văn nhầy nhụa môi son
Vênh vang trưng diện
(…)
Tôi làm thơ không gióng trống phất cờ
Tôi làm thơ vì công bằng lẽ phải
Thơ nâng niu nỗi khổ mủ sưng
Thơ vuốt ve niềm hiu quạnh quê hương
Thơ tôi sẽ tiết kiệm giùm nước mắt
Sẽ lãi gấp trăm trương mục nụ cười ”
(“Nhân Danh Tất Cả Những Gì Tôi Biết”)
(Khởi Hành, số tháng 5 & 6, 2012. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả)
No comments:
Post a Comment