GIA ĐÌNH CÓ NGƯỜI
LÀM TRÂU
Ngô Sỹ Hân
thân tặng Phạm Văn Tố và
Ngô
Thị Ngọc-Dung
Cũng
như các cô giáo khác, đa
số bạn bè của cô Nga là dân chợ. Khi hay tin
cô sắp
lấy chồng về quê, họ ngạc nhiên lườm:
-
Thành thị không ở, lại đút
đầu về quê?
Những
người khác ớn
cái cảnh theo ông xã nhà binh rày
đây mai đó, lại muốn
lấy chồng thầy giáo, hoặc kẹt lắm thì đức
phu quân ít nhất cũng là công chức cho hạnh
phúc đến
đầu bạc răng long:
-
Bộ hết người rồi
sao?
Cô
giáo Nga cười phân bua:
-
Không phải hết người,
nhưng tìm hoài nay mới gặp người trong mộng!
Các
cô bạn mỉa mai:
-
Chà! Lý tưởng dữ ha!
Cô
Nga hơi mắc cở, phang
ngang:
-
Kệ tôi. Thời buổi trai
thiếu gái thừa, tôi sợ ở giá như bà
dì! Không khéo
già kén chẹn hom nghe các con!
Họ
cũng trả lời:
-
Kệ tôi. Bà lo thân bà đi!
Nga
khích:
-
Ừ! Thì thân ai nấy lo. Tôi rán
chống mắt đặng xem mấy bà về tỉnh thành
hay về quê!
Như
vẫn còn ấm ức, cô
giáo Nga gỡ gạc:
-
Sợ lấy chồng nhà binh hả?
Coi chừng cuối cùng rồi cũng lên núi sống với
cọp hay về rừng chơi với vắt và ngủ dưới
giao thông hào!
Cô
giáo Nga nghĩ cũng phải!
Thời buổi chiến tranh, không lấy chồng nhà binh
chỉ có nước thành gái già! Thanh niên
học đại
học nửa chừng hoặc mới vừa xong trung học
đút đầu vào lính, chưa kịp lập gia đình,
mới còn độc thân. Còn mấy ông thầy
giáo và công chức
sống thọ thì đã có
người đặt hàng nâng
khăn sửa túi từ trước; làm lễ ra trường
xong là vội hớn hở bước lên xe hoa để sớm
rút kinh nghiệm cuộc đời cay đắng, “đâu tới
phiên mình -trẻ lắm
cũng hăm bốn hăm lăm!”.
Các
cô vớt vát:
-
Rồi đời con sẽ khổ
nghe con!
Mặc
các cô bạn nói gì thì nói,
cô giáo Nga lấy chồng về nhà quê thật. Nhưng
cô có
ở dưới quê ngày nào đâu mà khổ!
Ông xã dám về
làm đám cưới đúng truyền thống của tổ
tiên chỉ để vui lòng gia đình. Ông anh chồng
phải
nhờ người bạn, trước học cùng lớp,
cho một trung đội Địa Phương Quân giữ
an ninh cho đám cưới nhà binh. Đấy là ảnh lo
xa vậy thôi. Sau Mùa Hè Đỏ Lửa, mấy anh cách
mạng nằm vùng biến
đâu mất tiêu hết, chắc đang co cụm. Vành đai
an ninh quận nới rộng ra đến tận bên này bờ
sông Vàm Cỏ. Có lẽ chỉ trừ đám lá Tối
Trời
bên quận Bình Phước và quận Tân Trụ
còn là chỗ
dung thân cho những cán bộ còn sống sót.
Lúc này nếu có
ai cắc cớ tìm một anh cách
mạng để xin đóng thuế đỏ con mắt
cũng không ra. Từ ngày lấy chồng cho đến lúc
trời xập, cô giáo Nga cũng chưa từng nhìn thấy
một tên cách mạng thật
bằng xương bằng thịt!
Hết
cái cảnh đào đường
cuốc lộ, hết cái cảnh phóng loa kêu gọi lính
Nghĩa
Quân bỏ đồn theo giặc. Lính tráng và
cán bộ Xây Dựng
Nông Thôn vô tới tận thôn làng. Họ chơi
với con
nít, dạy đám trẻ hát, giúp bà con
sửa nhà chữa cửa,
làm ruộng làm nương; tối lại còn nhậu với
đám thanh niên và mấy ông già
gân. Điện chưa về
làng nhưng ánh sáng văn minh lấp ló
đâu đây. Sáng
tinh sương trên con đường làng dẫn đến
chợ, các cô gái yêu đời nhí nhảnh
trong những bộ
đồ bà ba cổ trái tim màu mè, cười giỡn
líu lo
như là sống trong cảnh thái bình. Dĩ nhiên,
hơi quê
mùa nhưng không đến đổi nào. Rải rác cũng
có người học hành đỗ đạt làm công chức,
làm thầy cô giáo ngoài thành,
và đi sĩ quan khắp bốn
vùng chiến thuật. Là dân chợ, cô tự an ủi tại
vì hai người “yêu nhau hết
biết” thì phải chịu thiệt thòi một chút cũng
không sao!
Tuy
nhiên, điều khiến cô
giáo tự hào về gia đình chồng không phải
là ngôi
nhà ngói móc ba gian hai chái, cái
sân gạch tàu phơi lúa rộng
thênh thang, và vườn dừa sai trái hầu như bốn
mùa..., mà là một gia đình nhân từ
và đạo đức,
được nể vì của lối xóm. Ông cha chồng
không học nhiều nhưng còn nhớ đủ để
trâm tiếng Tây được
với anh Thống học sinh ngữ thứ hai Pháp văn
với thầy Lê Văn Nguyện. Ngược lại, bà mẹ
chồng mù chữ như đa số người đàn bà
ở quê vào lứa tuổi ấy. Bà rất mực nhân từ
nhưng nếu diễn tả thì nhiều khi vô tình hay vụng
về làm giảm cái lòng nhân ái của
bà đi. Ông bà, do cha mẹ đặt đâu
ngồi đấy,
ở với nhau từ hồi chưa đến tuổi
hai mươi cho tới lúc bạc đầu, chỉ sinh được
hai thằng con trai rồi ông trời bắt nghỉ luôn không
cho biết lý do. Ông anh lớn làm thầy giáo
chưa lập
gia đình, chỉ một mình phu quân của cô
giáo là sĩ
quan. Bà con lối xóm nói nhà có
phước mới có người
làm quan!
Nhưng
sau ngày cách mạng thành công,
gia đình bác Tám “có phước mới
có người
làm quan!” tự nhiên trở thành ngụy,
mặc dầu từ trên xuống dưới
ai ai cũng mẫu mực đàng hoàng, chớ không hề đầu
môi chót lưỡi, giả nhân giả nghĩa, và tranh
sống
bằng cái mánh lới mới của cách mạng!
Con nít lối xóm gọi bác là ông nội
ông ngoại như ruột thịt. Đám trẻ xem hai bác
như cha mẹ, tá điền lớn tuổi thì coi như
anh cả, ông bà già thì như anh em bè
bạn; trong vùng này không
ai có thể lớn tuổi hơn bác được nữa.
Từ bao nhiêu đời, dòng họ ông không có
truyền thống
tham gia chính quyền làm ông cả ông chủ trong
làng, chỉ
là thường dân Nam bộ. Dù vậy, cũng nhờ có hai
thằng con ăn học mà gia đình được thơm
lây. Cưới hỏi, đình đám, đơn từ một
tay hai anh học trò. Tết nhất họ mang quà tặng đầy
nhà cho dù ông bà không nhận họ cũng
bỏ đấy,
chạy băng qua cái sân gạch mà về.
Ngay
tại ngỏ, dù không có cổng
như đình làng hay của những gia đình khá
giả
khác, bác Tám kiểu cách trồng hai
khóm hoa dâm bụt cao tới
cổ người lớn, lá xanh mướt và bông đỏ
lòng thòng trông không giống như cái
lồng đèn xưa
thu nhỏ lại. Phía bên trong khóm hoa khoảng hai
thước
là cái cầu thấp dùng để rửa chân trước
khi bước lên hai hàng gạch xi-măng ước chừng
bốn năm mươi thước dẫn vào nhà. Người
ta không thấy tượng Phật, hình Chúa, Khổng Tử,
Lão Tử, Quan Công..., mà chỉ thấy hình
ông bà tổ tiên
theo thứ tự ba đời trên bàn thờ. Bộ trường
kỷ chạm trỗ cầu kỳ ở gian giữa dùng
tiếp khách quý trang trọng khi có đám tiệc;
hai bên là
hai bộ ván gõ đỏ lên nước bóng láng
nhờ bác
trai ở trần ngủ trưa hầu như quanh năm,
mãi cho đến cái ngày lỡ khóc lỡ cười!
Lúc
mới đổi đời,
tự nhiên thằng Hai Cò mua ve chai được làm
bí thư
xã. Con vợ nó giờ đây đổi lốt cho khác với
đám đàn bà con gái thường dân; trong
bụng không có bếp
lò mà nó cũng hét ra lửa được! Tay
chân bộ hạ của vợ chồng thằng Hai đa số
dân cô hồn các đảng miệng bằng tay tay bằng
miệng nên dân ngụy phải
sợ! Nếu thế cũng chưa đủ, nó phải
dùng thêm một số con nít mới lớn biết đọc
biết viết để làm giấy tờ. Không biết
do lệnh trên hay chạy theo mốt
cách mạng, mấy cô cậu cách
mạng ba mươi người nào cổ cũng quấn
khăn rằn đỏ, mang một cái túi dết cán bộ
nhập từ miền Bắc, và mang dép râu của bộ đội
nên đi đường đồng trợt lên trợt xuống!
Thằng
Hai Cò mang súng lục đi với thằng phụ tá đến
từng nhà ra lệnh bắt treo cờ xanh đỏ sao vàng
và hình ông già râu lên
bàn thờ. Bác Tám không thể làm
trái nhưng
có ý kiến khác với văn hóa
cách mạng một chút. Ông tửng tửng theo kiểu kẻ
cả:
-
Bàn thờ ngay chánh giữa nhà là
để thờ tổ tiên ông bà. Cờ và hình
thì tao có treo
rồi đó!
Anh
bí thư bây giờ phát tài phát
tướng thành bí thơ Hai Mập,
không còn là thằng Hai Cò
nữa.
Nó làm lớn như thế mà không hiểu sao sau
lưng hắn,
người ta vẫn gọi bằng thằng, thằng
bí
thơ. Nó nài nỉ:
-
Còn hình Bác Hồ?
Hình
như Bác Tám khoảng tuổi
con heo hoặc con chuột hay trẻ lắm cũng con cọp,
biết thằng bí thơ Hai Mập dốt đặc, nói đại:
-
Tuổi ổng là bác của tụi
bây chớ bác tao sao được?
Thằng
Hai Mập, không biết
Bác Hồ của nó bao nhiêu tuổi, nhìn theo
ngón tay bác Tám chỉ:
-
Bây xem hình tao treo chỗ cao nhứt
và sạch sẽ nhứt đó! Tao vẫn kính trọng ổng,
tao kêu ổng bằng ông Hồ hay ông chủ tịch mà!
Hai
Mập đuối lý nói lảng
qua chuyện khác để gỡ gạc. Gương mặt
hồng hào của nó chuyển sang màu “đấu
tranh chánh trị”:
-
Anh Thống có nhiều nợ máu
với nhân dân, cách mạng...
Hiểu
thằng bí thơ sắp
trả bài, bác Tám cướp
lời:
-
... Thôi! Nó có tội để cách
mạng trị nó, không liên quan gì tới tao.
Cách mạng vẫn
nói “ai làm nấy chịu” mà!
Mấy
ông anh của bác Tám trước
khi hy sinh cho cách mạng có nói
“ai làm nấy chịu” nên
chính quyền Quốc Gia không dám làm gì
gia đình ông hết!
Nghe phong thanh hình như chính bác Tám
cũng có tham gia một thời
gian. Anh thầy giáo kể lại rằng Hiệp định
Sơ Bộ mồng Sáu tháng Ba tăng cường thêm sự
hoài nghi của bác Tám. Hoặc là im lặng nhịn
nhục
tới đâu hay tới đó hay là đi mò
tôm [1].
Cách phản đối tiêu cực nhất và đỡ nguy
hiểm nhất là bỏ về. Thừa kế chưa tới
một mẫu, ông già gân suốt cuộc đời làm lụng
vất vả mới dư được mấy mẫu
ruộng và căn nhà ngói, và ráng cho
hai thằng con trai ăn
học nên người. Thằng anh nối gót theo chú nó
đi
dạy thầy giáo rồi. Còn thằng nhỏ, thời buổi
giặc giã, phải đi lính thôi, chớ chẳng lẽ bỏ
vô bưng theo mấy thằng thất học:
-
Thắng làm vua, thua là giặc.
Chuyện đời mà!
Nhiều
lúc nhìn mông lung ra ngoài, bác
mơ màng đến những mùa xuân thanh bình
cách đây không
lâu. Lúc ấy tụi trẻ con tung tăng trong những bộ
quần áo còn thơm mùi hồ đi chúc Tết
ông bà để
hí hửng nhận những đồng tiền lì xì mới
còn thẳng nếp mang theo vào giấc ngủ mộng mơ.
Bác nghĩ đến những nương mạ non màu đọt
chuối đầu mùa và màu xanh lúa trổ
đòng đòng mởn
mơ con gái. Bác nghĩ đến cánh đồng lúa
vàng trĩu
hạt mùa gặt, gánh về phơi đầy sân gạch.
Trả công trâu cày và thợ thầy xong, dư tới
mấy
thiên. Cái bồ lúa ba tầng cao gần đụng nóc
nhà
kho. Thuế má có bao nhiêu, chẳng qua như tiền ăn
bánh!
Chỉ cần mấy mẫu ruộng đồng cũng đủ
sống tàng tàng -ngôn ngữ
của bác- ở cái xứ quê mùa này:
-
Hồi thời ông Diệm bình
yên biết mấy! Cả đến thời ông Thiệu, họ
cũng đâu có hành mình như mấy thằng
này!
Bác
gái nghĩ đời nào mình cũng
làm dân, ai làm hội đồng xã hay chủ tịch
nước
cũng được, nhưng hoang mang không ít:
-
Thời buổi gì kỳ: Muốn
làm gì thì làm, muốn nạt ai thì nạt,
muốn lấy của
ai thì lấy! Coi dân như con nít. Thời Tây
đô hộ cũng
chưa đến đổi như vầy!
Như
mọi khi, ông an ủi:
-
Bà à! Hết rồi những ngày
tháng bình yên.... Tôi đã nói
trước. Còn gì nữa mà tiếc!
Không
biết gia đình ngụy này có bị ghi
tên vô sổ bìa đen
của anh bí thư cách mạng
ba mươi không nhưng anh ta không ép nữa. Cờ đến
tay, vợ chồng Hai Cò dẹp cái nghề mua bán ve chai
khổ
nhọc. Hồi trào ngụy, nó
chỉ mơ được một chân làm lao công ở trường
học Tiểu học Tân Chánh cho nhàn tấm thân
và đỡ
vợ con. Chính nó cũng không ngờ nó nhảy một
bước
đến chín tầng mây xanh. Đúng như cách
mạng nói “chết là cùng -chết
là hy sinh cho cách mạng còn hơn
sống vất vưởng, mà thắng thì cái gì cũng
có...”.
Nhưng không dưng người ta mang của đến
cho mình à?! Cũng phải dùng cái gì
đó mới khiến người
ta đưa tiền chớ! Dâng tiền mà ngược lại
họ phải cám ơn mình đã nhận nữa! Sống
cuộc đời cán bộ cách
mạng ở cái xứ này, giấc mơ đã thành
hiện
thực: Nhà đúc bê-tông, mái ngói
móc, tường tô...; nếu
ở chợ thì anh cũng phải có cái ô-tô
con!
Cuối
cùng thì không thấy hình ông
già râu gian ác đâu. Bác Tám
xối nước trây đất
cho lem luốt đem dấu đi ở một góc kẹt nào
đó. Ông chuẩn bị câu trả lời nếu bị nó
hỏi:
-
Bị mưa dột ướt
hết trơn rồi. Để mai mốt tao sẽ mua cái
khác đàng hoàng đẹp đẽ hơn thay.
Thấy
ông cương với thằng
bí thơ Hai Mập, bác Tám gái lo lắng
nhìn ông:
-
Ông à! Thời buổi sâu bọ
làm người, ông coi chừng tụi nó! Tụi này
không hiền
đâu!
Trái
với tâm tính nhân từ và độ
lượng, tướng tá bác Tám cao lớn, vạm vỡ,
và mặt mũi bặm trợn. Bác chỉ cần đứng
dậy là anh bí thư tưởng bị tấn cống, định
chạy liền:
-
Bà đừng lo! Tôi biết đánh
thì tôi phải biết đỡ chớ!
Bác
gái cũng ậm ừ:
-
Ờ! Để đó cho ông đỡ!
Bác
Tám cương thêm:
-
Má nó à! Trâu già đâu nệ dao
phai!
Ông
già trong tư thế chuẩn
bị hoài mà nó không đánh cho
ông có dịp đỡ. Rồi
thời gian nhục nhằn ngày này qua ngày khác
chồng thêm gánh
nặng khiến tâm hồn bác trai chai đá và lưng
bác gái
còng thêm. Hai bác không biết ông
bà tổ tiên đã sống ở
cái đất này từ hồi nào. Nhưng mở mắt ra
là bác đã nghe tên và lớn lên
chút nữa là biết cái bến
đò Bà Nhờ, cái Xóm Vồng, Ấp Chợ, Xóm
Bà Lựu,
Xóm Lưới...; kéo lên đến ngã ba Tân
Lân, Nhà Dài, và con
tỉnh lộ 18; đổ xuống Kinh Nước Mặn,
đồn Rạch Cốc; qua Cầu Nổi, Mỹ Lợi,
tới Vàm Láng.... Bác biết cả tiên nhơn của
mấy
thằng cách mạng ba mươi
và thằng bí thơ này không sót một chỗ
nào. Tụi nó
mượn nợ ai rồi quịt luôn thế nào, đi ăn
trộm bị lính Nghĩa Quân bắt quả tang ra sao, bác
biết hết mà bác chưa hề kể cho ai nghe.
Bác
trai giải thích:
-
Hồi xưa chánh quyền người
ta dùng người có chữ nghĩa. Bây giờ không
xài mấy
thằng này thì xài ai? Người có học
và đàng hoàng ai
chịu làm tay sai cho tụi nó!
Khi
có dịp ngồi chung với
gia đình, bác gái tâm sự:
-
Ba má ít học không có nhiều
tiền của ruộng nương. Ăn hiền ở lành
chỉ mong để đức lại cho con cháu.
Còn
ông già thì xác quyết như đinh
đóng cột:
-
Ở hiền gặp lành. Ở
ác gặp ác. Ông trời coi vậy mà có con
mắt. Quả báo
nhãn tiền chớ chẳng đâu xa!
Nhưng
điều xác quyết của bác Tám ít nhất tới ba
bốn
năm rồi chưa ứng nghiệm. Mới trước
ngày ông Dương Văn Minh tuyên bố buông
súng, lối xóm
còn nể nang và vồn vã gia đình có
người làm thầy
giáo và làm quan, mà bây giờ tự
nhiên xa lánh. Họ lấm
la lấm lét, không dám nói chuyện cũng
không dám lại gần,
chắc sợ vạ lây! “Liên hệ
với ngụy quân ngụy quyền” mất mạng như
chơi, “nếu không chết
thì cũng èo uột khó nuôi”, không
sợ sao được?!
Gia đình sĩ quan và công chức chế độ cũ
trong xóm ấp cũng cùng chung số phận, chớ không
riêng
gì gia đình bác Tám.
Trong
hai người con của bác,
anh Hai làm thầy giáo chỉ mới bị xài xể sơ sơ
nên chưa mất dạy, bị
buộc tội gián tiếp dạy cho “bọn ngụy tụi nó”
đỗ đạt đi
sĩ quan chống phá lại cách
mạng. Còn anh Thống đi giang đoàn hay giang thuyền
hay giang đĩnh gì đó không hề làm hại một
sợi
lông của cách mạng. Anh
chỉ giết mấy thằng Việt cộng phá làng phá
xóm
thôi, theo lời thành thật
khai báo khi ở tù! Thậm chí anh cũng
không trực tiếp
cầm súng bắn mà chỉ ra lệnh cho xạ thủ bóp
cò. Vì không có nhiều nợ
máu
với nhân dân nên ở tù chưa tới ba năm
thì được
về sớm. Hộ khẩu thì Bộ Tư Lệnh Hải
Quân đã chuyển sang Hoa Kỳ từ năm 1975, vợ chồng
anh sĩ quan và cô giáo trẻ phải về quê
ông già làm ruộng.
Nhưng cách mạng đã lấy
gần hết rồi, còn lại mấy sào gia đình năn
nỉ cách nào họ cũng không chịu cày cho
mình.
Nước
đã nổi, hầu
hết ruộng người ta đã cày rồi, chỉ phần
của đám ngụy quân ngụy
quyền là còn nguyên. Anh con trai dù lo
lắng nhưng có vẻ
chịu đựng, nhìn cha mẹ:
-
Ba má đừng lo! Con đã có
cách.
Bác
Tám trai nôn nóng:
-
Cách gì? Nói tao với má mày nghe đi!
Anh
Thống giải thích:
-
Tụi nó không cày thì mình làm
trâu
cày!
Sống
từ đầu thế
kỷ Hai Mươi tới lúc Đức đánh các nước
Âu châu, rồi đến Nhật đánh Pháp tại
Đông
Dương, bà con và gia đình bác sống lầm than
khổ
sở trăm điều, nhưng bác Tám cũng không hình
dung có cái ngày này, cái
ngày thành công của cuộc cách
mạng vô sản, mà thằng
con sĩ quan nhà ông phải thế trâu cày ruộng!
Bác
nghi ngờ:
-
Được không?
Anh
Thống nhìn ông già:
-
Mỗi bên ba con trâu người!
Bác
Tám thở dài:
-
Coi vậy mà không dễ như
hồi xưa tao làm trâu cho hai đứa bây cỡi đâu!
Cái
lưng thớt của bác gần
bằng cái mặt ghế, bác gái cỡi còn được
huống hồ gì trẻ con! Thằng em ngồi trước,
thằng anh sau, kẹp chân vào bụng và ngực ông
già; hai
anh em khoái chí cười “hắc hắc”, còn nhún
lên nhún xuống
khiến bác gái xót ruột cho ông chồng, cứ sợ
gãy xương
sống nằm một chỗ chẳng làm ăn gì được.
Bác bảo các con phải nhẹ nhàng như cỡi con
nghé! Ông
thầy giáo và ông sĩ quan tiếc rằng từ lúc
bắt
đầu đi học lớp vỡ lòng - kể như người lớn -
thì hết
còn đặc ân ấy nữa!
Bác
Tám gái lên tiếng:
-
Hồi xưa ông chỉ làm trò
cho tụi nó cỡi thôi! Bây giờ phải thế trâu
kéo cây
cày thiệt!
Quay
sang Thống chia sẻ, bà hỏi:
-
Làm sao kéo nỗi, con?
Thống
quả quyết:
-
Trong tù, tụi con đã cày rồi!
Cô
giáo Nga bủn rủn tay chân.
Không có bầu mà cái cổ dài ra, tong
teo ốm yếu vì phải
đi bộ hàng ngày và ăn độn khoai lang. Bụng
lép,
ngực cũng lép; ai không biết cứ tưởng là đứa
học trò con nhà nghèo chừng khoảng mười một
mười hai tuổi. Vậy mà cô vào lớp sau khi có trớn, người ta không
ngờ trong thời xã hội chủ nghĩa lại có một
bộ óc đề kháng khôn ngoan đến đổi vài lần
bị mời lên văn phòng làm
việc! Cô nhớ lại bài học bồi dưỡng
chính trị cho giáo viên nói từng bước
xây dựng xã hội
chủ nghĩa -một xã hội khoa học tiên tiến, phải
hiểu ý nghĩa sâu xa là hồi trước dùng
máy cày thay
trâu, bây giờ dùng sức người thế máy
cày!
Nhìn
khuôn mặt nhợt nhạt
thất vọng của vợ, anh Thống an ủi:
-
Nga đừng có quá bi quan!
Cô
giáo sư dạy sử địa
xuất thân trường Đại học Sư Phạm Sài
Gòn tên Ngô Thùy Ngọc-Nga nhỏ thó như
đứa con gái
suy dinh dưỡng và vàng vọt như người mắc
bệnh sốt ngã nước, ngồi đây, mắt mở
mà như đứng tròng nhìn những người thân
tàn lụi
dần theo năm tháng. Cô cũng như đa số thầy
cô giáo trong tỉnh được lưu dụng để tiếp
tục làm kỹ
sư tâm hồn cho thế hệ kế tiếp cũng may
mắn nhờ ông Trưởng Ty Giáo Dục tỉnh Long An
gốc là thầy giáo hồi kết! Dù cách dạy
và những
gì phải dạy không đúng theo ý mình
hoàn toàn nhưng ít ra
cũng còn là sở trường. Nhưng những nơi khác,
và nhất là sỹ quan, công chức, và cán
bộ, trình độ
đại học mà đi làm ruộng, cuốc đất
trồng khoai để mỗi ngày cầm hơi bằng bữa
đói bữa lép và giải trí bằng đọc báo
quốc
doanh!
Chiều
lại anh Thống bàn với
đám “ngụy quân ngụy quyền”:
-
Hộ khẩu ở đây, làm
sao đi đâu được? Hết cách rồi! Mình áp dụng
bài bản cũ trong tù đi!
Vì
mấy người bạn không
ở chung trại Trảng Lớn -Tây Ninh nên còn thắc mắc:
-
Là sao, mậy?
-
Cày người ông ạ! Ba thằng
bằng một con trâu!
Mọi
người mới vỡ
lẽ ra, thở dài chán ngán:
-
Tưởng tù-trong chúng nó bắt
mình cày không cách gì tránh
được,
không ngờ tù-ngoài mình
cũng
phải tự nguyện bổn cũ soạn lại!
Thế
là mấy người tù-ngoài
trong phút chốc trở thành trâu
hết, không anh nào thoát được. Nhưng nếu được
làm trâu thật cũng sướng chán! Chỉ làm việc
chừng nửa năm là cùng, có nơi chỉ trong mấy
tháng. Không bị mấy thằng cóc cắn hành hạ
đánh
đập như các anh cải tạo. Cây roi chỉ để
hù cho đừng lơ là công việc đồng áng.
Cày bừa
xong về nhà nằm nhơi cỏ, mùa lúa thì nhơi
rơm
khô còn hơn khoai mì H34 tồn kho hư mốc.
Không ngủ,
mắt lim dim nhìn mấy anh chị cách mạng ba
mươi, mà khinh bỉ trong lòng,
mong có ngày họ sáng con mắt ra. Lại khỏi đi họp
tổ mỗi buổi tối để nhàm tai nghe mấy ông
quan con cách mạng ba mươi
nói xàm nói điên, và để ngoáy
lỗ tai nghe những lời
chửi rủa buộc tội.
Trong
một xóm nhỏ, nghèo, và kém
văn minh như thế, dễ gì mà kiếm đủ bảy
ông quan để thành lập một ê-kíp cày.
Không đủ
sĩ quan làm trâu, phải bắt công chức chế độ
cũ; ngoài ra, còn phải tập cho thanh niên em
út của gia đình
ngụy quân ngụy quyền
làm trâu luôn mới đủ trâu
cày. Bộ đồ nghề cày có sẵn, nhưng dây
dàm và
cây roi không xài tới! Cái ách
nhà nghề đẽo cong cong
cho vừa cái cổ trâu cũng không dùng nữa,
mà cái ách bây
giờ phải đủ dài cho sáu người, nhưng cũng
không quá ngắn cho “trâu” khỏi
đụng nhau. Cây dẽo quá thì oằn, mà
dùng loại gỗ
cứng quá thì dễ gãy, ngay chính giữa
dành cột cây đõi
nối với cái cày mà một con người làm việc
nhẹ
-đàn bà con gái cũng được, không kỳ thị
nam nữ- theo sau để thá
dí cho khỏi lõi đất. Quý quan chuẩn bị
đâu
đó xong xuôi, quyết định ngày hôm sau ra
quân.
Quen
kỷ luật nhà binh, ngay sáng
sớm khi mặt trời cách mạng
chưa thức dậy, quý quan đã tập hợp điểm
danh như trước khi hành quân thật, hay ít nhất
trong
quân trường. Dù được coi là cải tạo
tốt mới được cách mạng khoan hồng cho về
đoàn tụ với gia đình và làm trâu thế
con trâu thật
mà cày, nhưng quý quan cũ vẫn chưa bỏ được
lối sống tiểu tư sản! Bên đống lửa
lùi khoai lang vừa để đuổi bù mắc, còn có
café,
trà hoa ngâu, và thuốc rê Long Khánh
-vẫn hơn dế[2] và thuốc giả[3]
trong tù!
Một
anh nhìn những sợi khói
lửng lơ tan chậm vào không gian, hồi tưởng:
-
Như tráng đoàn đi cắm
trại!
Anh
khác nhớ cuộc tình dang dở
và ngày tự nguyện xách ba-lô rào rọ:
-
Thật không ngờ! Như giấc
mơ!
Một
anh ngồi bẹp trước
lò dã chiến đang dùng cây
que khều khều những cục than hồng, thấm
thía về quyết định ở lại vì không nỡ bỏ
người yêu. Giá anh đi thì cuộc tình vẫn đẹp:
-
Mơ còn có thể gặp em. Ác
mộng thì có!
Anh
nào đó xổ nho:
-
ĐM! Sáng tạo xã hội chủ
nghĩa mà!
Cứ
nghĩ chuyện chưa đánh
đấm đã phải buông súng, anh khác hằn hộc:
-
Tao cứ ấm ức hoài! Đâu
phải mình dở! Phải chi tụi nó giỏi hơn mình
và văn minh hơn mình cũng cam! Giải phóng
cái gì? Mình không
giải phóng nó thì thôi! Sao nó lại
giải phóng mình?
Anh
Thống vốn ít nói ngồi
nghe các bạn thảo luận
kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa cho đã, hai bàn
tay đang vấn điếu thuốc rê. Anh le lưỡi
liếm cho mép nó dính lại:
-
Tụi bây phải học tánh
kiên nhẫn của Nguyễn Công Trứ!
-
Thắng không kiêu bại không nản!
-
Không phải đâu! “Thắng không kiêu
bại không nản!”
là binh thư. Còn của Nguyễn Công Trứ là
lên voi xuống
chó cũng tàng tàng như nhau!
Đang
nói, bất chợt anh Thống
xuống hò dứt câu sáu vọng
cổ, tất cả cùng cười vui vẻ cứ như
là ở đơn vị khi xưa. Bề ngoài có vẻ an
phận, nhưng trong tận cùng, tuy các anh không
nói, người
ta cảm giác có cái gì cay đắng mỉa mai!
Anh
vừa phát biểu cãi:
-
Đảo đời chớ lên
voi xuống chó gì? Lên voi xuống chó
khác!
Một
anh gắp cục than đưa
cho Thống:
-
Lửa nè, Thống!
Anh
khác phê bình:
-
Chà! Ngon lành như còn làm sếp!
Anh
phân bua:
-
Kệ, để tao điếu
đóm cho nó! Coi như phần thưởng cho mầm non văn
nghệ! Còn sếp tao hả? Đừng có hòng! Chuyện
này
để tụi nhỏ làm!
Không
khí mát dịu nhưng ẩm
thấp. Nghe mùi cỏ quê hương ngọt lịm từ
dưới những bàn chân đất. Lâu lắm mới
nghe lại tiếng chim ríu rít trong tàng cây.
Lâu lắm mới
gặp lại giọt sương long lanh buổi sớm.
Đến
giờ, anh Thống ôn
tồn kết luận:
-
Thôi bỏ mấy chuyện đó
đi! Bây giờ rán hy sinh chịu cực để mai
mốt con cháu mình được
khổ!
Đồng
ý “Bây giờ chịu
cực đặng mai mốt chịu khổ”, theo sự phân
công trước, quý vị sĩ quan chiếu theo nhiệm vụ
thi hành mang đồ nghề ra ruộng. Dù có mấy năm
kinh nghiệm trong trại, không dễ sắp xếp một
dàn cày với sáu người cao thấp không đều
nhau. Ruộng dân và ruộng chính sách
trâu đã cày xong, bây giờ
dân cách mạng hay có hơi
hướng cách mạng
lo làm cỏ, bang đất, phản bờ, chuẩn bị
đất, trong lúc ruộng ngụy
mới bắt đầu. Nước lên cao quá cũng khó cày
cho chính xác mà không bị lõi.
Cày trâu
cách mạng dù gì cũng không bằng
cày trâu thật!
Không
biết anh nào có óc văn nghệ
lên tiếng:
-
Nếu có máy hình, đứa nào
đứng ngoài chụp một pô đặng tao gởi đi
tranh giải phóng sự nhiếp ảnh, và đồng thời
ghi vào sách kỷ lục Guinness!
Vậy
là cả làng Tân Chánh phải
học sáng kiến của mấy anh tù này. Quả là
hiện
tượng lạ lùng, rất mới mẻ, dân miền
Nam vốn lạc hậu, từ tạo thiên lập địa
tới giờ chưa hề nghe sách vở nào nói, và
cũng
chưa bao giờ dám nghĩ tới. Cả đám dân cách
mạng hồ hỡi xem
quên thôi. Họ trầm trồ “không
ngờ mấy ông ngụy đi cải tạo được
cách mạng dạy cho phương pháp tận dụng nhân lực”.
Đúng là thời cách mạng, cách mạng quan hệ
sản
xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật..., dưới
sự lãnh đạo của đỉnh cao trí tuệ loài
người! Trước khi cách
mạng thành công, rải rác đã có
người mua máy cày
nên trâu bán đi cho những vùng khác.
Rồi máy cày cũng được
cách mạng trưng dụng
về nông trại của quý anh lớn trên tỉnh Long An
hay ngoài trung ương Hà Nội!
Trong
khi Thống và đám bạn
tù-ngoài làm trâu cách
mạng cày
dưới ruộng, cô Nga xăng quần xách dép lội ra
quận cách nhà ba cây số làm giáo sư
dạy sử địa
đệ nhị cấp. Chính nơi này trước đây
mấy năm, máy cày thế trâu cho nhiều năng suất,
thì mới chỉ hơn ba năm sau, viễn ảnh đất
nước rừng vàng biển bạc qua cuộc cách mạng
vô sản khiến
sĩ quan công chức thay trâu kéo cày. Nga
tưởng tiền
nhân đời thứ nhất theo bà tổ Âu Cơ lên
núi lập
nghiệp đang làm việc. Cô xây xẩm tối mặt như
bị máu xâm. Chân phải đá chân
trái nhiều lần, cố
kềm cho khỏi té. Nhưng khi khom xuống lượm đôi
dép lại làm rớt cái cặp. Hai củ khoai lang lăng
long lóc ra ngoài. Tập soạn bài phải trình
cho hiệu trưởng
duyệt dính đất lem luốt. Thân 38 ký mà như
nặng
ngàn cân khiến cô có cảm giác như ngồi
trên phi cơ
phản lực đang cất cánh. Nếu không nghĩ đến
lời chồng chắc cô sẽ bỏ cuộc. Nếu không
nhớ tới thái độ của ông cán bộ
cách mạng chắc cô đứng dậy
không nổi.
Ông
cán bộ đó không ai xa lạ
mà là bạn học của anh chồng cô. Anh chồng của
cô đi học sư phạm làm thầy giáo, còn
ông ấy bỏ
học đi theo giặc từ những ngày giặc mới
nổi. Dù sau này khi được tín cẩn ông đi
đâu
cũng kè kè khẩu súng sáu bẻ cổ, nhưng người
ta vẫn gọi ông là Mười Búa, vì trước kia
ông
có thói quen xử tử người ta bằng búa. Khi cách mạng thành công, ông Mười
Búa còn sống sót trở về làm trưởng ban
giáo dục
huyện Cần Đước. Trong buổi họp giáo viên
quận, ông sỉ vả những cô giáo có chồng cải tạo, trong số đó
có cả những cô đã dạy ông ta học. Không
biết
sự thể thế nào, Mười Búa buộc tội ông
thầy của ông ta trước kia là giáo sư Lê Kim
Tiếng
làm tay sai cho CIA đã chỉ điểm cho Cảnh Sát Quốc
Gia bắt mấy đồng chí của ông nằm vùng trong
đám
học sinh Trường Trung học Cần Đước.
Sau
khi qua cái cầu nhỏ xóm Cẩm
Hà, cô giáo Nga ghé bệ đá bờ
sông rửa chân mang dép vào
trước khi bước lên con đường đá đỏ
dẫn tới trường. Đối diện với cổng
trường là ngôi nhà cha mẹ nơi cô sinh
và lớn lên và
ở suốt thời gian dài cho đến khi chồng ở
tù trở về.
Bác
Tư dịu dàng nhìn con gái khóe
mắt đỏ hoe:
-
Con có chuyện buồn?
Tự
nhiên như hồi còn con
nít bị giật đồ chơi, cô òa lên khóc
ngon lành không
cầm được. Bác Tư nắm tay con, vuốt mấy
sợi tóc trên trán và sau ót ướt đẫm
mồ hôi,
như những lần cô gặp tình huống khó xử trong
đời. Bà chuyên môn may áo dài
mà cô giáo con gái bà mặc áo
bà
ba cũ đi dạy học. Cách
mạng thành công mới chừng ba năm mà con
gái bà đã
thực hiện một bước cách mạng nhảy vọt! Sao
nó tiều tụy
quá? Dáng dấp nó trông giống cô Hai
Đàm bưng rổ bánh
khoai mì bán dạo thường ngang qua nhà bà
mấy năm
nay.
Bác
Tư nhẹ nhàng như van lơn:
-
Có chuyện gì nói má nghe!
Cô
Nga nghẹn ngào ngập ngừng:
-
Hồi sáng này... mấy ảnh
làm... trâu... cày!
Bác
Tư chưa hiểu:
-
Con nói cái gì trâu cày?
Cô
giáo giải thích sáng kiến của
chàng rể cho mẹ nghe:
-
Không ai chịu cày. Mấy ảnh
phải thế con trâu làm con trâu
mà cày ruộng!
Sống
qua mấy thời kỳ
bị giặc đô hộ, Bác Tư có nằm mơ cũng
không tưởng tượng nổi với kiến thức
của một sĩ quan, dưới
ánh sáng quang vinh của cuộc cách mạng vô sản,
bây
giờ cày thế trâu!
Qua
ngấn lệ, bà nghẹn lời:
-
Trời ơi! Rồi cày được
không?
-
Con không biết. Nhưng không được
cũng phải được thôi!
Ngừng
một chút, cô Nga mỉa
mai:
-
Cách mạng dạy phải khắc
phục mà!
Bà
bồi thêm:
-
Ờ thì khắc phục. Khắc
phục là tự lo liệu. Khắc phục là chịu đựng.
Khắc phục là bảo sao nghe vậy mà!
Bác
Tư nhìn con. Nó học ngôi trường
này. Nó học sư phạm rồi có thời gian cũng về
dạy ở ngôi trường này. Cấp trên của nó
có giáo
dục và lịch sự chớ không vô học và sỉ nhục
giáo sư như thời này.
Chợt
nhớ ra, bác Tư nghĩ
không biết có nên nói hay không:
-
Có thằng gì nó nói bạn học
cũ của con ghé tìm con.
Cô
Nga tỉnh táo:
-
Con biết rồi. Nó đã ghé
trường.
Bác
Tư hốt hoảng:
-
Con làm sao?
-
Không việc gì má phải sợ!
Bộ ỷ cách mạng thì muốn làm gì thì
làm sao?
Không
biết bác Tư sợ gì nhưng bà vẫn sợ. Chắc
bà sợ hơi cách mạng!
Không nói rõ ràng nhưng cách
mạng
muốn làm gì thì làm, ai biết được. Cách mạng đã đưa bác
trai đi cải tạo cho
dù bác chẳng có dính líu gì
tới lính tráng. Làm chủ cái tiệm
may áo dài ọp ẹp như thế mà cách
mạng cũng bắt bà đi học chính sách
cải tạo công thương nghiệp.... Theo lý luận của
cách mạng thì trong miền Nam ai cũng có tội. Thậm chí
mấy
người theo cách mạng
có con cháu làm công chức hay lính
tráng cũng có tội thì còn
ai khỏi? Bây giờ thằng bạn theo giặc học
chung với nó hồi đó muốn ỷ thế cách
mạng đặng cưỡng
đoạt đứa con gái của bà nữa sao:
-
Má đã nói với nó: Thôi cháu
đừng
tìm con Nga nữa. Nó đã có gia đình.
Hơn nữa, chồng
của nó cũng là bạn hoạc cũ của cháu. Đúng
ra đạo đức cách mạng
dạy cháu không nên tìm nó nữa!
Cô
giáo làm thinh. Người mẹ
tiếp:
-
Nó bảo thằng Thống bây
giờ te tưa trụi lũi còn gì nữa? Phó thường
dân còn chưa được!
Cô
uất ức nổi sung lên:
-
Thằng khốn nạn! Đồ
vô liêm sỉ! Nếu nó không nói gì,
con còn coi nó là bạn. Má đừng
lo cho con. Giả dụ Thống có chết trong tù, con có
ế
chồng đi nữa cũng không tới cái thứ đó!
Nó
nói động tới anh Thống
là cô giáo không tha thứ cho nó được.
Hai vợ chồng
hồi học chung một lớp là kẻ thù của
nhau, bởi vì cả hai cùng học
giỏi, tranh nhau từng tấc
đất! Hai kẻ thù thay phiên nhau giật giải xuất
sắc khi trong lớp hoặc khi toàn trường. Hai anh chị
gầm gừ nhau cho đến khi cô Nga lên đại học
thì hết, vì không còn đối tượng để mà
trả
thù! Anh Thống tới tuổi động viên phải vào Hải
Quân. Trước khi mang ba-lô lên đường, anh Thống
thức trọn một đêm, uống ba ly café đen và
hút
hết hai gói thuốc Bastos xanh, chong đèn ngồi nắn
nót viết. Sáng hôm sau, anh ngập ngừng tạt ngang
trao bức
thư tỏ tình đầu đời cho cô Nga, mà bình
thường
anh không có can đảm làm. Bức thư của kẻ
thù ra đi để sầu
để nhớ cho kẻ thù ở
lại suốt thời gian bốn năm đại học.
Bác
Tư không biểu lộ nhưng
hãnh diện về con gái, vì trong số các anh
chị, tính cô
Nga giống bác nhất: thâm trầm nhưng cương quyết.
Từ hồi rất trẻ, bác gái đã cương quyết
tuyệt tình vì cái tội bay bướm của bác
trai. Thật
ra thì bác trai cũng không có tội
tình gì trầm trọng cho
lắm! Chỉ là văn nghệ văn gừng, nhưng chẳng
may bị bật mí![4].
Ở cái tuổi chưa tới ba mươi, người
phụ nữ nào không cần một vòng tay đàn
ông ôm ấp
và chở che, nhưng bác dứt khoát. Sau biến cố,
bác
trai làm việc ở Sài Gòn, ở luôn trên
đó lâu lắm mới
về thăm con. Với cái tiệm may áo dài nho nhỏ, một
bàn tay bác gái lo cho các anh chị
nên người, mà thân cận
nhất là cô Nga. Và cô Nga, giáo sư dạy
sử địa
lớp Mười Hai, có người chồng sĩ quan sau
cuộc đảo đời làm con trâu cày!
Làm
trâu cày khi ở tù-trong ù ơ
ví dầu thế nào cũng
được, nhưng ở tù-ngoài thu hoạch không đủ
thì lấy lúa đâu mà đóng thuế cho
nhà nước xã hội
chủ nghĩa! Có người nghĩ các bà
tù-ngoài khổ hơn
các ông tù-trong. Ở lâu quá thì
các ông liều mạng không cần
biết đến ngày mai. Còn các bà ở
tù-ngoài một nách
mấy đứa con phải chống chọi cùng một lúc
nhiều mối hiểm nguy! Cho nên về ở tù-ngoài,
quý
quan kê vai chia sẻ gánh cái khổ đó cho vợ
con. Ngày đầu
mới ra quân quý quan chịu không thấu nên về
sớm
cho trâu dưỡng sức.
Bỏ cái ách ra, con trâu người
bị thương nhưng còn gắng gượng lo dọn
dẹp vườn tược. Ngôi nhà này, cái sân
này, vườn
dừa này, những con mương ngăn luống dừa
này... tất cả không thay đổi nhưng khác xưa.
Anh nghe thật rõ ràng tiếng lá xạc xào từng
cơn gió
đi qua. Anh cảm giác từng cơn gió mát ve vuốt
tâm hồn.
Nhìn ra thửa đất dưới ánh nắng có sao, một
khung trời cách biệt. Ở đó những con người
cách mạng đang
hồ hỡi tiến tới thiên
đường xã hội chủ nghĩa theo sách vở
vẽ ra!
Ông
sĩ quan nằm tại gốc
cây không biết bao lâu. Không nhìn thấy
tương lai huy hoàng trước mặt mà
mơ về quá khứ êm đềm sau lưng. Anh nhớ
con đường ướt sương buổi sáng, nhớ
cái gò mả đôi tại ngã ba lộ đất, nhớ rặng
trâm bầu nhà bác Sáu Tứ thợ mộc, và
nhớ bụi
mắc cở ven đường mà một trăm lần
như một anh rắn mắc phải đá một cái cho
lá nó khép lại.... Đến khi nghe tiếng rửa
chân của
cô giáo từ cái cầu thấp ngoài ngỏ, ông
chồng sĩ
quan, một tay đang xoa lên cổ đứng dậy bước
ra ngoài đón. Trời không còn nắng. Trong
cái không khí ảm
đạm buổi chiều nhá nhem chỉ còn đủ để
nhìn rõ mặt người thân, cô giáo
dáng dấp tiều tụy
mệt mỏi. Anh Thống nắm tay vợ, an ủi:
-
Nga cực lắm hả?
Cô
giáo nhìn chồng, thở dài:
-
Nga chỉ khổ!
Ông
sĩ quan nhẹ nhàng:
-
Có chuyện gì vậy Nga?
Cô
Nga trấn an:
-
Thống đừng lo! Không phải
chuyện ở trường đâu!
Ông
sĩ quan cố né tránh dấu
cái cổ đỏ đang xát dầu dừa, nhưng không
qua được mắt cô giáo:
-
Thống đưa cái cổ cho
Nga xem!
Cái
cổ con trâu người làm sao bằng của
con-trâu-cổ
cày chuyên nghiệp! Cái cổ như cái cổ
cò được
gắn trên cây xương đòn gánh, bây giờ
không gánh trách
nhiệm quá trừu tượng mà mang cái ách cho cụ
thể,
nổi đỏ và sưng phù lên. Cô Nga nghẹn lời rươm
rướm nước mắt, gục đầu lên vai Thống.
Một
tay vỗ vỗ lên lưng
Nga, anh Thống an ủi:
-
Hồi trong tù, Thống còn cực
hơn nữa!
Cô
Nga im lặng nuốt những
giọt lệ. Anh Thống tiếp:
-
Ruộng tù đang cày, phân người
nổi lềnh bềnh. Chúng nó gọi là phân Bắc.
Nga
lại im lặng. Tiếng cười
của Thống méo mó:
-
Ruồi nhặng bay đầy! Riết rồi mũi mình hết
biết mùi luôn!
Cô
Nga buồn mửa như bị
thai hành. Thống không thêm lời nào.
Ánh mắt ông sĩ quan
đanh lại. Chuyến hải hành thằng bạn nói hôm
nọ hiện ra trước trước mắt.
Anh
Thống cụng trán vợ
thì thầm:
-
Nga à! Mình phải đi!
Cô
Nga vói tay bá cổ anh Thống
chia sẻ và tìm sự an ủi. Hai vợ chồng ôm nhau, im
nghe hai trái tim cùng nhịp đập.
Ngô
Sỹ Hân
[1] Mò tôm:
Hình
thức xử tử phổ biến thời bấy
giờ của Việt Minh. Nạn nhân bị cho vào bao
bố thả xuống sông.
[2] Dế:
Tiếng lóng chỉ đuôi thuốc lá trong tù. Những
anh
em nghèo không có tiếp tế lượm chừng
mươi cái đuôi rồi “recycle” lại hút cho
đỡ ghiền! Lúc đầu mắc cở vì sỉ
diện, nhưng riết rồi xem như thường!
Ngặt là dế trong tù không to như dế ở
ngoài!!!
[3] Thuốc
giả: Lấy bất cứ lá gì phơi khô quấn hút
như “hút thuốc”!
No comments:
Post a Comment