NHỮNG VI PHẠM LUẬT PHÁP
TRONG VỤ ÁN NGUYỄN VŨ BÌNH
LS. Nguyễn Hữu Thống
Nguyễn Vũ Bình 35 tuổi, tốt nghiệp khoa Kinh Tế Chính Trị Trường Đại Học Hà Nội, nguyên
biên tập viên Tạp Chí Cộng Sản đã bị Tòa Án Hà Nội kết án 7 năm tù và 3 năm quản
chế về tội gián điệp trong một phiên xử kín và chớp nhoáng ngày 31-12-2003.
Cũng như bản án Nguyễn Khắc Toàn ngày 20-12-2002 và bản án Phạm Hồng Sơn ngày
18-6-2003, bản án gián điệp Nguyễn Vũ Bình đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và hiến pháp
quốc gia cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Ngoài ra, với
bản án này nhà cầm quyền Hà Nội đã vi phạm và tước đoạt của bị can những quyền tự do
căn bản, như tự do phát biểu, tự do thông tin, tự do thân thể, tự do lập hội, tự do lập đảng,
quyền tham gia quản lý nhà nước và quyền tố cáo những hành vi lạm quyền của nhà nước.
I. TRẦN THUẬT NỘI VỤ
Theo bản cáo trạng Nguyễn Vũ Bình bị trách cứ về những hành vi sau đây:
Ngày 2-9-2000 bị can đệ đơn xin thành lập Đảng Tự Do Dân Chủ kèm theo bài nhận định "Việt
Nam và con đường phục hưng đất nước". Theo tác giả, Việt Nam hiện nay đang đứng trước một
cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế và xã hội. Trong tương lai không xa sẽ có
cuộc thay đổi về chế độ xã hội. Do đó, sự có mặt của một chính đảng đối lập là yêu
cầu tất yếu để giảm thiểu những tổn thất của nhân dân trong quá trình thay đổi. Vì tương lai
của đất nước và lợi ích của dân tộc, tác giả xin thành lập Đảng Tự Do Dân Chủ.
Khoảng 2 năm sau, ngày 19-7-2002, theo lời yêu cầu của bà Lora Sanchez, Dân Biểu Quốc
Hội Hoa Kỳ, Nguyễn Vũ Bình đã viết một bản Điều Trần về tình trạng nhân quyền tại Việt
Nam, tường trình về những vụ đàn áp nhân quyền mới nhất tại Việt Nam. Thực ra tác giả chỉ
sao chép bản Kiến Nghị Tập Thể ngày 6-7-2002 của gần 20 chiến sĩ Dân Chủ, thuộc các
thành phần cách mạng lão thành, cựu chiến binh và trí thức văn nghệ sĩ gửi phe lãnh đạo
Đảng, Nhà Nước, Chính Phủ và Quốc Hội. Vì không nhận được phúc đáp, sau một thời gian,
phe Dân Chủ đã chuyển bản Kiến Nghị Tập Thể lên internet để phổ biến cho cộng đồng
nhân loại văn minh.
Những vi phạm nhân quyền điển hình trong bản Điều Trần ngày 19-7-2002 liên quan đến vụ bắt
giam ông Vũ Cao Quận vì những bài viết của ông về nhân quyền; vụ cướp đoạt bản ghi chép
những cảm nhận của Tướng Trần Độ; vụ các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Minh
Chính cùng khoảng 20 chiến sĩ Dân Chủ bị bắt bớ hay sách nhiễu khi nộp đơn xin thành lập
Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng; những vụ đấu tố các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế
Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang; vụ chặn bắt và quản thúc nhà thơ Bùi Minh Quốc
sau chuyến đi tìm hiểu về vụ nhượng đất biên giới Bắc Việt; vụ Bộ Văn Hóa và Thông Tin truy
tầm và tiêu hủy một số sách của những người Dân Chủ; vụ bắt giam độc đoán các chiến
sĩ trẻ trong nhóm Dân Chủ như Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang và Phạm Hồng Sơn; vụ cắt
điện thoại của các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Trần Khuê, Trần
Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ
Bình; vụ sách nhiễu và bắt giam các tín đồ và các nhà lãnh đạo các tôn giáo...
Trong phần kết luận Nguyễn Vũ Bình đề nghị một số biện pháp khả dĩ có thể hạn chế,
ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền. Ngoài ra anh còn bầy tỏ sự
cảm kích đối với các vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ trong việc thông qua Dự Luật Nhân
Quyền cho Việt Nam với 410 phiếu thuận và 1 phiếu chống.
II. TRANH LUẬN PHÁP LÝ
Trong chế độ dân chủ pháp trị các yếu tố cấu thành tội gián điệp phải được luật pháp quy
định minh bạch, không quá bao quát và không mơ hồ. Tòa án phải áp dụng luật pháp không
cưỡng ép, phải giải thích hình luật chặt chẽ và không xuyên tạc.
Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị: "Không ai có thể
bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm, nếu những điều ấy không cấu
thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành. Luật pháp
quốc tế là những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các
quốc gia".
Theo luật pháp phổ thông và hình luật đối chiếu, tại các quốc gia dân chủ văn minh, muốn
cấu thành tội gián điệp phải hội đủ 4 yếu tố:
1) Cung cấp các tin tức tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia (như các bí mật quân sự, bí mật
quốc phòng, bí mật nguyên tử)
2) Cho nước ngoài (cho một ngoại bang thù địch)
3) Để nước này sử dụng chống lại quốc gia
4) Và gây nguy hại cho quốc gia
Đạo Luật Gián Điệp Hoa Kỳ quy định tội gián điệp với đầy đủ 4 yếu tố tội trạng ghi trên:
Điều 793 phạt tối đa 10 năm tù tội gián điệp bằng cách cung cấp các tin tức tài liệu về an
ninh quốc phòng cho nước ngoài để nước này sử dụng chống lại quốc gia và gây nguy hại cho
quốc gia.
Điều 794 phạt đến tử hình tội gián điệp trong thời chiến tranh, hay trong trường hợp bị can cung
cấp cho nước ngoài các tin tức tài liệu tối quan trọng về an ninh quốc phòng như các bí mật
trong việc chế tạo và điều hành võ khí nguyên tử. Sở dĩ quốc gia phải chế tài nghiêm khắc
tội gián điệp, vì trong thời chiến tranh, quốc gia đang phải chiến đấu cho sự sống còn của
mình. Hơn nữa các bí mật nguyên tử cung cấp cho ngoại bang, có thể được ngoại bang sử dụng,
đe dọa đời sống của hàng triệu đồng bào. Vì an ninh của quốc dân và sự tồn vong của đất
nước, quốc gia phải chế tài tội gián điệp bằng hình phạt đến tử hình. Đây là một biện pháp
tự vệ chính đáng.
Tại Việt Nam, do sự quy định các yếu tố tội trạng quá bao quát và mơ hồ, Điều 80 Hình Luật
đã vi phạm luật pháp quốc gia và những nguyên tắc luật pháp phổ thông, đồng thời vi phạm
hiến pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
A. VI PHẠM LUẬT PHÁP QUỐC GIA VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC LUẬT PHÁP PHỔ
THÔNG.
Trong Bộ Luật Hình Sự ban hành năm 1997, Điều 80 nằm trong Phần Các Tội Phạm, Chương 1
Mục A nói về "Các Tội Đặc Biệt Nguy Hiểm Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia". Cũng như tội phản
quốc và tội phản nghịch (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền), tội gián điệp có thể phạt
đến tử hình. Do đó muốn cấu thành tội gián điệp phải có yếu tố xâm phạm an ninh quốc
gia. Chẳng hạn như cung cấp cho ngoại bang những bí mật quân sự (liên quan đến an ninh quốc
gia) để ngoại bang sử dụng chống lại quốc gia và gây nguy hại cho quốc gia. Theo luật pháp
phổ thông nếu đương sự chỉ cung cấp cho nước ngoài những tin tức tài liệu không phải là bí
mật quốc phòng hay không liên quan đến an ninh quốc gia thì không phạm tội gián điệp.
Điều 80 Khoản 1 Điểm C Hình Luật phạt từ 12 năm tù đến tử hình:
1) hành vi cung cấp các bí mật Nhà Nước cho nước ngoài, 2) hành vi cung cấp các tin tức tài
liệu khác (không thuộc bí mật Nhà Nước) cho nước ngoài, để nước này sử dụng chống Nhà
Nước Việt Nam.
1) Như vậy Điều 80 đã không quy định yếu tố xâm phạm an ninh quốc gia trong tội gián điệp.
Do đó nó đi trái với tinh thần và bản văn của chương nói về các tội đặc biệt nguy hiểm
xâm phạm an ninh quốc gia. Vì chỉ trong trường hợp có sự nguy hiểm đặc biệt xâm phạm an
ninh quốc gia, luật pháp mới có thể quy định, và tòa án mới có thể tuyên hình phạt tử hình
cho tội gián điệp.
Dầu là bí mật Nhà Nước, những tin tức cung cấp cho nước ngoài, nếu không liên quan đến
an ninh quốc gia, cũng không phải là yếu tố cấu thành tội gián điệp.
Chỉ riêng về điểm này Điều 80 Hình Luật đã vi luật vì đi trái tinh thần và bản văn luật pháp
nơi chương nói về các tội xâm phạm an ninh quốc gia (nay là Chương 11 Bộ Luật Hình Sự 1999).
Sở dĩ có sự vi luật vì nhà làm luật đã quy định những yếu tố tội trạng quá bao quát và mơ
hồ. Thay vì đòi phải có yếu tố xâm phạm an ninh quốc gia, Điều 80 chỉ đề cập đến hành vi
cung cấp cho nước ngoài những bí mật Nhà Nước hay những tin tức tài liệu khác, để nước
này sử dụng chống lại Nhà Nước Việt Nam.
2) Yếu tố chống lại Nhà Nước cũng quá bao quát và mơ hồ. Nó có thể chỉ là một bài
viết phê phán chủ thuyết Mác Lê, hay phê phán chính sách kinh tế nhà nước không liên
quan đến an ninh quốc gia. Theo luật pháp phổ thông ngoài yếu tố chống lại Nhà Nước phải
có yếu tố gây nguy hại cho Nhà Nước.
3) Trong chế độ độc tài Cộng Sản, đảng lãnh đạo nhà nước. Do đó bí mật của đảng cũng
là bí mật Nhà Nước, dầu rằng bí mật này chỉ che dấu nhữngï hành vi tham nhũngï lạm quyền
của phe lãnh đạo, hay những tranh chấp nội bộ trong đảng. Vì vậy bí mật Nhà Nước không
nhất thiết là bí mật quốc phòng cần phải bảo vệ.
Vả lại bí mật Nhà Nước đã được giải thích tùy tiện. Trong vụ án Hà Sĩ Phu năm 1996, bản
phúc trình của Võ Văn Kiệt gửi Trung Ương Đảng Bộ đã được coi là bí mật Nhà Nước. Cho
đến cuối năm 2001, Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung (1999) và Hiệp Ước Vịnh Bắc Bộ (2000)
ký kết lén lút cũng được coi là mật ước hay bí mật Nhà Nước.
4) Những tin tức tài liệu khác có tính quá bao quát, vì liên hệ đến tất cả các sinh hoạt quốc
gia về tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục v...v...
Thí dụ khi một ký giả phổ biến cho chính giới Hoa Kỳ những tin tức liên quan đến việc nhà
cầm quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền (như đàn áp đối lập, đàn áp tôn giáo), để Hoa Kỳ
sử dụng tại Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội, thì người ký giả này có thể bị tòa án Việt
Nam kết án tử hình về tội gián điệp!
Đó chính là trường hợp của Nguyễn Vũ Bình.
5) Nếu quốc hội đã soạn thảo Điều 80 vi luật bằng cách quy định các yếùu tố tội trạng quá
bao quát và mơ hồ, thì tòa án đã áp dụng luật pháp tùy tiện và giải thích luật pháp xuyên
tạc để tuyên những bản án tiền chế theo chỉ thị của đảng Cộng Sản.
Thay vì phải có sự cung cấp tin tức tài liệu cho nước ngoài, tòa án đã phạt bị can chỉ vì đã
cung cấp tin tức tài liệu ra nước ngoài cho một số "phần tử phản động".
6) Thông thường công tác gián điệp nhằm lén lút, giấu giếm cung cấp cho một quốc gia thù
địch các bí mật quốc phòng liên quan đến sự an ninh và phòng thủ quốc gia. Không ai làm
gián điệp mà lại công khai phổ biến những tin tức, tài liệu tình báo trên internet cho hàng
triệu người hay biết!
B. VI PHẠM HIẾN PHÁP QUỐC GIA VÀ CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
Khi gửi Bản Điều Trần cho Quốc Hội Hoa Kỳ, Nguyễn Vũ Bình chỉ hành sử những dân
quyền và nhân quyền ghi trong Hiến Pháp Quốc Gia và Công Ứớc Quốc Tế. Đó là quyền
tự do phát biểu và tự do thông tin được long trọng xác nhận nơi điều 69 Hiến pháp Việt Nam và
Điều 19 Công Ứớc Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng và
thực thi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948), và Phụ
Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998).
Năm 1982 Việt Nam ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính
Trị. Công Ước Quốc Tế này đã được quốc hội phê chuẩn nên có giá trị là một hiệp ước
quốc tế, và có hiệu lực cao hơn hiến pháp và luật pháp quốc gia.
1) Điều 19 Công Ước Quốc Tế bảo đảm cho mọi người "quyền được tự do phát biểu, tự do
phổ biến các tin tức, ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới quốc
gia. Việc hành sử quyền tự do phát biểu chỉ bị giới hạn bởi luật pháp, vì nhu cầu bảo vệ an
ninh quốc gia".
Vì không quy định yếu tố xâm phạm an ninh quốc gia trong tội gián điệp, điều 80 Hình Luật đã
vi phạm Hiến Pháp Quốc Gia (Điều 69) và vi phạm Công Ước Quốc Tế (Điều 19).
2) Trong các quốc gia dân chủ, tòa án được thiết lập để ban phát công lý cho người dân, và
luật pháp được ban hành để bảo vệ sinh mạng, tự do, danh dự và tài sản cho mọi người. Tại
Việt Nam ngày nay, quốc hội thông qua những điều luật không minh bạch, và tòa án xét xử
không công minh. Do đó quyền tự do thân thể và an ninh thân thể của người dân quy định
trong Điều 71 Hiến Pháp Quốc Gia và Điều 9 Công Ước Quốc Tế, đã bị vi phạm thô bạo.
3) Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998) (ban hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền) trong Phần Mở Đầu đã xác nhận nhu cầu "hợp tác giữa
các quốc gia nhằm góp phần loại trừ hữu hiệu các vi phạm nhân quyền và những quyền tự
do căn bản của người dân. Vì quốc gia có trách nhiệm tiên khởi phải đề xướng và bảo vệ
nhân quyền và những quyền tự do căn bản."
Điều 6 Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thừa nhận cho mọi người quyền tự do
công bố, phổ biến và thông tri cho người khác (và cho nước ngoài), những tin tức ý kiến về
nhân quyền và vi phạm nhân quyền.
Do đó quyền của Nguyễn Vũ Bình trong việc cung cấp cho Quốc Hội Hoa Kỳ bản Điều Trần
về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, đã được Liên Hiệp Quốc thừa nhận và bảo vệ.
4) Bản cáo trạng trách cứ Nguyễn Vũ Bình đã viết một số bài có tác dụng chống phá Nhà
Nước, như bài "Việt Nam và con đường phục hưng đất nước", "Thư gửi Bộ Chính Trị một số vấn
đề giải trình bổ sung và kiến nghị", và đặc biệt là bản "Điều Trần về tình trạng nhân quyền
tại Việt Nam".
Về mặt pháp lý những bài viết này, dầu mang nội dung chống đối chính quyền, vẫn được
bảo vệ bởi Hiến Pháp Quốc Gia (Điều 69) bởi Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
(Điều 6), và bởi Công Ước Dân Sự Chính Trị (Điều 19).
Hơn nữa khi phổ biến các bài viết, Nguyễn Vũ Bình chỉ hành sử hợp pháp quyền tham gia
chính quyền được thừa nhận trong Điều 53 Hiến Pháp và Điều 25 Công Ước Dân Sự Chính Trị.
Tham gia chính quyền có thể trực tiếp bằng cách ứng cử vào các chức vụ công cử, gián
tiếp bằng cách bầu lên các đại biểu dân cử, hay gửi thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền
yêu cầu sửa đổi đường lối chính sách quốc gia. Điều 53 Hiến Pháp bảo đảm cho công dân
quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền tham gia thảo luận về các vấn đề chung của đất
nước, cũng như quyền lập kiến nghị với nhà cầm quyền.
5) Ngoài ra chiếu Điều 74 Hiến Pháp và Điều 2 Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự
và Chính Trị, công dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện và tố cáo các nhân viên hay cơ quan
Nhà Nước về những hành vi lạm quyền để đòi bồi thường thiệt hại.
Do đó tố cáo những vi phạm nhân quyền trước Tòa Án Việt Nam, trước Quốc Hội Việt Nam
hay trước Quốc Hội Hoa Kỳ, không phải là hành vi phạm pháp và lẽ tất nhiên không phải
là hành vi gián địệp.
Về mặt chính trị và ngoại giao, Hoa Kỳ không phải là một nước thù địch với Việt Nam. Từ
năm 1977 Hoa Kỳ đã không sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên
Hiệp Quốc. Hoa Kỳ đã đơn phương bãi bỏ cấm vận và thiết lập bang giao với Việt Nam. Mới
đây Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc và đã ký Hiệp Ước Thương Mãi
với Việt Nam để tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển.
6) Tham gia Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng với Phạm Quế Dương và Trần Khuê, hay đệ đơn
xin thành lập Đảng Tự Do Dân Chủ đối lập, cũng không phải là những hành vi gián điệp
phạm pháp. Vì Điều 69 Hiến Pháp và Điều 22 Công Ước Dân Sự Chính Trị đã thừa nhận cho
người dân quyền tự do lập hội (hội dân sự) như Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng và quyền
tự do lập đảng (hội chính trị) như Đảng Tự Do Dân Chủ. Với trào lưu dân chủ toàn cầu hóa,
việc thành lập các chính đảng đối lập công khai và hợp pháp tại Việt Nam là một nhu cầu
thiết yếu trong việc thiết lập chế độ Dân Chủ Pháp Trị.
Nguyễn Vũ Bình là chiến sĩ tiền phong trên Mặt Trận Dân Chủ. Rồi đây khi Cách Mạng Dân
Chủ thành công, anh sẽ là một trong những người có công đầu trong việc khởi xướng chế
độ Dân Chủ Đa Đảng.
Vì những lý do nói trên, bản án tuyên phạt Nguyễn Vũ Bình 7 năm tù và 3 năm quản chế
về tội gián điệp, chẳng những vi hiến, vi luật mà còn vi phạm và tước đoạt của bị can những
nhân quyền và những quyền tự do căn bản ghi trong Hiến Pháp Quốc Gia và Công Ước
Quốc Tế.
Tòa Án Cộng Sản đúng là tòa án của loài đại thửû, và Luật Pháp Cộng Sản là luật
rừng xanh của loài cầm thú.
T.M. ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN
LS. Nguyễn Hữu Thống
(Posted by yen@vlink.com, Dien Dan Tin Tuc, 5/12/04, 1.32PM)
No comments:
Post a Comment