Saturday, September 8, 2012

DƯƠNG PHAN * CHÚT HƯƠNG TRONG GIÓ

Truyện ngắn
Chút Hương Trong Gió

Dương Phan




--------------------------------------------------------------------------------


Cuối cùng tôi đành phải chịu thua hắn! Cả tuần nay hắn cứ như người mất hồn, hết thay "bin" chiếc radio hiệu Sony rồi lại ngồi cả buổi rà đi rà lại, băng tần 1100 để mong nghe cho được chương trình phát thanh của đài Tiếng Quê Hương, phát thanh tại Sacramento. Phải chi hắn nghe trọn chương trình từ 2 giờ chiều cho đến 7 giờ tối của đài này, thì cũng đỡ bực mình! Trái lại chỉ có nửa tiếng của mục Tâm Tình Thính Giả từ 6giờ 30 cho đến hết giờ mỗi thứ sáu, mà hắn đã làm tôi rối rắm cuộc đời! Chương trình này do một người con gái có cái tên nghe cũng dễ thương: Dạ Hương phụ trách.

Thú thật, nếu không phải trước đã lỡ "trao duyên lầm tướng cướp", làm bạn với hắn từ trong trại tù Nam Hà (Ba Sao), tôi đã dọn ra tìm chỗ khác "share" phòng cho bỏ ghét! Nhưng đã bao lần tôi chuẩn bị đồ đạc là hắn năn nỉ ỉ ôi là: "sẽ chừa!". Nghĩ tình đã từng gian khổ nhục nhằn có nhau, cũng như đều là dân "mồ côi" nơi xứ người, tôi lại thôi. Nhưng nó lại "chứng nào tật nấy!"

Ai đã từng nếm mùi nhà tù CS, mới thấy cái tình bạn trong tù nó kỳ lạ lắm. Trong hoàn cảnh "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", phải lao động chết bỏ trong cái nắng cháy da, trong cái buốt giá cắt thịt của những thời tiết khắc nghiệt trong vùng núi rừng đầy ma thiêng chướng khí. Đêm về trại phải chịu ngồi đồng "tụng", mổ xẻ, "tự phê tự kiểm", giữa lúc cơ thể và tinh thần rã rời, tả tơi! Chỉ mong được nằm xuống làm một giấc cho đến... ngàn thu là êm chuyện!

Khi còn trong trại tù, quanh mình thân nhân không có ai. Cha mẹ, anh em, vợ con, người yêu dấu... chỉ đến trong mơ thôi! Trước mặt là đám công an lòng đầy thù hận, lúc nào cũng mong hành hạ đám tù cho đến chết bỏ. Chỉ còn những anh em cùng cảnh ngộ chia xẻ đùm bọc, săn sóc nhau trong lúc "trần ai khoai củ" thối này! Nên thương quý nhau lắm!

Trời, Chúa, Phật còn thương cho sống sót, qua được bên này, cái "tình tù" nó tiềm ẩn trong tim. Mỗi lần gặp nhau, cho dù thời gian đã nhuộm sương mái tóc, cho đù năm tháng đã đi qua để lại dấu chân trên gương mặt hom hem, đám cựu tù vẫn đào trong ký ức, nhận ra nhau... Thế là "Mầy tao mây tớ", hỏi thăm: "đã qua trại tù nào?". Câu trả lời thường là: Cao Lãnh, Long Giao, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Lào kai, Lý Bá Sơ, Nam Hà, Hỏa Lò, Vĩnh Phú, Nghệ Tỉnh, Cổng trời,Gia Trung... Tâm tình thấy đầm ấm, gần gũi nhau ngay... như thuở bị nhốt! Người ta thường bảo: làm bạn trên bàn rượu không bền, vì "hết xôi rồi việc". Nhưng bạn tù thì thắm thiết với nhau lâu dài hơn!

Tôi đồng ý là tiếng "Cô bé" Dạ Hương cũng "Bắc kỳ", nhỏ nhẹ, nũng nịu, cũng dịu dàng, thanh thanh như người em gái hậu phương Dạ Lan năm nào. Tôi công nhận là tôi cũng "chịu" giọng nói này lắm, nhưng không đến nỗi "mê" như hắn. Hắn thường lý giải:
- Thì bây giờ tao cũng làm như mày khi xưa mê Dạ Lan thôi! Mày cũng đã từng bỏ đơn vị, lén về Sàigòn tìm gặp mặt "em gái" của các anh chiến sĩ oai hùng nơi tiền tuyến. Nhưng khi chạm thực tế mới thấy mình toàn là những tên ăn bánh vẽ. Trong khi chiếc "radio" thỏ thẻ những lời yêu thương, vuốt ve, âu yếm, thì "em" đang du hí cùng các quan "mai bạc" hoặc "lấp lánh sao trời" sống an nhàn nơi hậu phương... Còn lâu mới đến phiên lính trận, dối diện với cái chết từng ngày như bọn mình.
- Ngày xưa khác bây giờ... Già rồi ông ơi!
- Trăng bao nhiêu tuổi trăng già? Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? Không biết phải không? Lấy gì làm mức chuẩn cho tim già hay tim non! Cũng mù tịt luôn chứ gì? Thế thì "Tôi còn yêu... Tôi cứ yêu!".
Tôi đành phải chấp nhận cái gàn bướng của hắn. Biết tôi đã đuối lý, hắn đưa bàn tay ra vảy vảy:
- Thôi đưa mượn đỡ năm chục... Một bó hoa và tiền giao hàng...
Tôi vừa lấy năm mươi đồng còn lại đưa cho hắn:
- Nếu chiều nay không thâu được tiền công cắt cỏ hàng tháng của thằng Mike... thì coi như ăn "cơm tây" đấy bạn.
- Yên chí lớn... Sẽ có ngay mà... Tao đi đây.

Tôi nhìn theo hắn hớn hở bước xuống cầu thang, vừa thương vừa giận. Hai tên độc thân, đến Mỹ với chương trình H.O sau cùng. Cảnh "trâu chậm uống nước đục" hắn cũng biết rồi. Được người bảo trợ lãnh về Sacramento, việc làm không nhiều. Muốn tìm một chỗ khá lương, người xin phải có bằng cấp hay kinh nhgiệm cao về một kỹ năng nào đó... Trong khi tôi và hắn chỉ bỏm bẻm vài câu tiếng Anh, không có chuyên môn nào ngoài chuyện "bóp cò"... Hai thằng bèn thành lập một "công ty" làm mướn. Nhận làm mọi việc, từ quét rác, cắt cỏ ngoài vườn cho đến sơn phết, khuân vác, dọn chuyển đồ đạc cho người... Đời còn lận đận lao đao, không dám ước mơ sẽ có người yêu mình. Mộng mị làm chi cho thêm rối rắm tơ lòng. Thế nên tôi... ở vậy! Nhưng hắn lại khác.

Tôi cũng không hiểu từ bao giờ hắn bị tiếng nói "ma quái" của nàng Dạ Hương thôi miên, cuốn hút khiến hắn phải khờ khạo, chiêm bao. Ngày xưa "đồn anh đóng nơi rừng Mai. Nếu Mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?". Bởi cái cheo leo, heo hút, hoang vu của núi rừng, cũng bởi cái thiếu vắng đàn bà... đã làm cho lính mơ về gia đình, nhớ thương người yêu dấu. Riêng những tên độc thân đêm đêm ôm nàng Dạ Lan... mà ngủ!

Bên này, cho dù cuộc đời tị nạn có rách tả tơi đi nữa, nhưng đất nước tạm dung có quá nhiều phương tiện giải trí: thể thao, sách báo, ca nhạc và phim ảnh... để làm vơi đi những muộn phiền, ray rứt và những... ấm ức trong lòng! Mê ca sĩ cũng còn được đi. Ai đời lại trồng cây si giọng nói. Hai thằng tôi chưa có dịp diện kiến dung nhan của người ngọc, nhưng qua giọng nói thanh thoát, dịu dàng như mơn trớn, vuốt ve lòng dạ người ta... chắc nàng cũng ra gì lắm.

Đôi khi hắn mở âm thanh cái radio oang oang, làm tôi cũng phải chú ý... Nhưng tôi chỉ nghe qua rồi... bỏ. Riêng hắn lại lao đao, lận đận vì giọng nói này. Giữa lúc tụi "Mễ lậu" đứng đầy đường, làm thành khu chợ "cơ bắp" như thủ đô Hà nội "ngàn năm văn vật", giàu đẹp của Việt Nam. Hai thằng có được công việc "lai rai" là phúc bảy mươi đời rồi. Tiền kiếm được sau khi trừ chi phí cho cuộc sống, tuy không phải lo lắng chu cấp cho ai, chẳng còn lại bao nhiêu. Thế mà tuần nào hắn cũng nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn... đủ thứ, để đặt mua một bó hồng nơi tiệm bán hoa kèm theo điều kiện: phải giao hàng từ 6 giờ 30 đến 7 giờ chiều, để bảo đảm là "tình hoa" đến tay người đẹp và hắn ôm cứng chiếc Sony, thả hồn theo giọng nói huyền hoặc, đầy ma lực: "Kính chào quí thính giả, chiều nay Dạ Hương được hân hạnh trở lại giờ tâm tình của chúng ta. Cũng như bao lần, Dạ Hương mong được quí vị xem như là một người thân quen, một người... em nhỏ trong gia đình, để nói cho nhau nghe những buồn vui, khó khăn, trắc trở của tháng ngày lạc xứ, xa quê...". Hắn bỏ mặc một mình tôi cày chết bỏ! Hắn thường biện bạch, chuyện của hắn chẳng nhằm nhò gì nếu so với bao vua chúa, vương tôn công tử đã bỏ cả ngai vàng, sự nghiệp để chạytheo gót giai nhân...

Đêm về, hai thằng chui vào căn Duplex trên đường Mack Rd. Nhiều lần tôi vì mệt, chẳng thèm nói với hắn lời nào, cho đồ nghề vào nhà để xe, bước nhanh vô phòng tắm, bỏ mặc cho hắn cứ lải nhải:
- Hôm nay hình như nàng bị ốm thì phải. Giọng nói có khàn đi đôi chút. Nhưng cũng dễ thương lắm... mà hình như nàng đang nói về tụi mình, không, nói cho riêng tao thôi. Không phải tao giành với mày. Chuyện gì mình cũng chia hai được. Nhưng chuyện này thì không. Ai mà chia đôi tình nhân cho bạn bao giờ!

Thế có phải hết thuốc chữa rồi không? Hắn đã dệt bao mộng mơ: nào là một ngày đẹp trời nào đó hắn sẽ đến đài để gặp nàng. Chắc là nàng sẽ cảm động trước tấm chân tình... si dạy của hắn. Nào là có thể hắn sẽ ngỏ lời cùng nàng, vân vân... và vân vân... Hắn đã sống với những vọng tưởng... thật hạnh phúc. Có lần trong khi tôi đang ngủ vùi. Không hiểu cao hứng thế nào, hắn chạy sòng sọc vào buồng, đánh thức tôi dậy. Bất chấp sự cáu gắt, cằn nhằn của tôi, hắn bô bô:
- Tôi biết ông văn hay chữ tốt, góp ý giùm tôi bài thơ này, tôi vừa sáng tác để gởi cho nàng.
Không chờ tôi có phản ứng, hắn đọc một hơi:
Yêu em, cho dù biết đời sẽ khổ.
Bởi yêu người, nhưng chẳng được người yêu,
Đêm đêm ôm ấp tình em mật ngọt,
Mơ ước một lần, gió lộng xoay chiều.

Sợ tôi ngờ nghệch không hiểu được ý nghĩa "cao thâm" của bài thơ, hắn lan man: "lại trời cho gió thổi lên... cho manh chiếu rách nằm trên giường ngà".
Bực mình tôi phán:
- Thằng điên!
Hắn tiu nghỉu như ăn vụng bị bắt quả tang... Ngày hôm sau, nhìn gương mày hớn hở của hắn, tôi đoán ngay:
- Có phải đêm qua mày lại mơ thấy nàng?
- Mày đoán như thần! Nàng đã đến, nhưng lần này... đầy hấp dẫn và cụp lạc hơn nhiều!
Hình như hắn đang tận hưởng cái "dư vị" của tình yêu, miệng huýt sáo bản "Love Story" của ai đó ra điều hạnh phúc lắm! Tôi đã phải can hắn:
- Vinh à! Tao nói câu này nghiêm chỉnh: mày nên đi bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt. Chậm trễ coi chừng hết thuốc chữa.
Người ta thường nói tình yêu có ma lực, cho dù tình một chiều hay trăm chiều. Có lẽ vì chịu không nỗi những thôi thúc của trái tim, ngày kia hắn đã lái chiếc truck già đầy đồ nghề, ngồi trên bãi đậu xe, chờ đợi cho đến 2giờ 30, ngắm trộm dung nhan người đẹp. Nhìn gương mặt tươi rói, hớn hở, cười nói liên hồi của hắn, tôi hiểu nàng Dạ Hương có bảo hắn chết, chắc hắn cũng không chối từ. Hắn nói luôn miệng:
- Nàng đẹp như một thiên thần. Không bỏ công tao... yêu nàng, có chết cũng cam.
Mấy tuần nay bỗng dưng giờ "Tâm tình" mà hắn đang đợi chờ mất tiếng! Chiều nào hắn cũng bỏ mặc cho tôi làm nốt phần việc còn lại, ngồi vào một gốc cây, điều chỉnh tần số, dò tìm tiếng nói của người mà hắn si mê. Hắn hết đứng lên ngồi xuống, đi qua bước lại, xoay xở lung tung mong tìm được tiếng nói thân thương, yêu dấu. Bực mình, tôi gắt:
- Mày làm gì như gà mắc đẻ vậy! Bấm "phone" gọi vào đài thì biết ngay.
Cái "cell phone" làm việc mệt nghỉ và tiền "over charge" cũng trả méo mặt.
Không hiểu Vinh đang nghĩ gì, chợt hỏi tôi:
- Nghe nói nàng còn độc thân phải không?
- Ừ!
Tôi nói móc họng:
- Không lẽ nàng đã đi lấy chồng?
- Nếu nàng bỏ cuộc chơi, thật... chán mớ đời.

Hắn nói câu này với giọng đầy xúc động, như khóc... thầm. Rồi bao nhiêu câu than thân trách phận, được hắn tô đậm cho nỗi tương tư của mình. Tôi chọc quê:
- Thôi đi mày ơi! Đừng làm thằng Cuội mơ ước Hằng Nga... Nghe nói đã có một bác sĩ đặt hàng rồi! "Uổng công xúc tép nuôi cò. Cò ăn mau lớn, cò dò cò bay!". Hi! Hi!...

Hắn nhặt viên sỏi ném vào lưng tôi. Hắn bấm điện thoại liên hồi. Được một lúc sau, hớn hở nói với tôi:
- Nàng vắng mặt vì chuyện riêng. Hay quá.
- Tiên sư mày! Tháng này tao không trả tiền điện thoại...
- Mày dám?
Hắn cười trông dễ ghét. Thấy hắn lụy tình như thế tôi bảo:
- Hôm nào "thất nghiệp" mày để tao làm một mình, lái xe đến đài, quỳ xuống dâng hoa mà tỏ tình, hay là viết lá thư thật lâm ly bi đát, kèm theo mấy vần thơ hôm nọ, biết đâu nàng sẽ động lòng! Si tình kiểu màykhông dại cũng khờ, rồi... đi luôn!
- Mày lại xúi bậy nữa. Nói thì nói vậy. Mơ chỉ để mà mơ thôi. Thân phận mình như thế này: mặt mũi đen nhánh như Bao Công, tiền nong tháng nào đong tháng đó, lấy gì mà làm "credit" cho người ta yêu?
Tôi mừng thầm vì hắn đã "ngộ": cuộc tình phải có tiêu chuẩn trên cõi đời này:
- Biết thế sao còn mãi "mộng du", mơ chuyện "đỉa đeo chân hạc"!
- Thà là như vậy để biết mình còn có trái tim. Chứ người sống không thương, không nhớ, thà làm thân gỗ đá sướng hơn! Yêu một mình... không sợ ai phụ tình hay tình phụ. Yêu như mày, khi bị tình phụ, bồ đá thì...
Hắn ngưng ngay, nhìn tôi, vì biết mình đã lỡ lời khi nói đến chuyện của tôi. Tôi chỉ còn biết than thầm: "Thật hết thuốc chữa. Thật chán mớ đời!". Tôi cho chiếc máy cắt cỏ vào bóng mát, vói tay lấy chai nước lọc, tu một hơi và dội phần còn lại lên đầu... để giải nhiệt.
Cơn nóng bức ngột ngạt của mùa hè có thể làm dịu đi bằng nước lạnh. Nhưng nỗi buồn trong lòng làm sao phôi phai. Tôi ngồi im lặng một lúc lâu cho cơn xao động qua đi. Thấy thế hắn mon men đến bên cạnh:
- Xin lỗi mày nghe Long. Tao quên những lời mày dặn là không nói đến chuyện "người ấy" nữa. Thì ra đã bao năm qua rồi mày chưa quên được... Vẫn âm thầm đau khổ một mình. Thế nên tao thấy yêu một chiều là tình mãi đẹp ngàn đời.
Tôi ném mạnh chiếc chai không vào một góc!
Không cần Vinh nhận xét, tôi hiểu tôi vẫn chưa quên được "người ta" cho dù tôi đã cố, cho dù không gian ngăn cách nghìn trùng... Tôi đã mang theo con đường Duy Tân đầy cây cao bóng mát cùng khung trời kỷ niệm. Tôi mang theo những hàng quán xôn xao và phố phường in dấu chân quen, cũng như những ly chanh đường ngọt lịm, bao tách cà phê thơm ngát, say đắm, ngất ngây!
Tôi đã không quên được những giọt nước mắt và giọng nói nghẹn ngào: "Em sẽ chờ anh! Chờ mãi! Long ơi!...". Nhưng khi tôi bước ra khỏi trại tù trở về, người ấy đã không còn không! Chồng nàng là người chủ mới của thành phố. Thế cũng đành thôi!




--------------------------------------------------------------------------------


Mấy ngày qua hình như Dạ Hương đang có chuyện gì lo nghĩ, hết đi ra rồi lại vào. Hai tay cứ đan xoắn lại với nhau, mắt thường hướng ra cửa, dường như đang mong chờ ai đó. Người bạn gái làm chung trong việc xướng ngôn, Bảo Thi, đã phải lên tiếng:
- Bà làm gì mà cứ như gà tìm ổ vậy, đang chờ người ta phải không?
Nàng dùng chữ "người ta", chứ thực ra nàng cũng như Dạ Hương không biết "người ta" là ai. Mấy tháng nay, thứ sáu nào cũng thế, vào khoảng 2giờ 30 là có người giao hàng mang một bó hoa hồng đến cùng tấm thiệp nhỏ với mấy chữ: "Chúc Dạ Hương một cuối tuần thật vui". Mấy lần anh chị em trong đài hỏi thăm về người tặng hoa, người giao hàng vẫn mù tịt . Anh em trong đài trách nàng:
- Bà bí mật ghê nhỉ! Đã tìm được hoàng tử của lòng rồi mà vẫn giấu kín... Bao giờ cho bọn này ăn mừng đây?
- Cứ đoán mò, có ai đâu nào! Hay là bà phá tôi đây?
Tuy nói thế nhưng trong lòng Dạ Hương biết chắc là không bao giờ có chuyện này. Chiếc lọ hoa với những nụ hồng rực rỡ đã tạo cho gian phòng nhỏ dùng làm nơi tiếp khách trở nên xinh tươi và có sức sống hơn. Trước giờ "on air" nàng thường nhìn vào bình hoa, hương thơm thoang thoảng, sắc màu tươi thắm để thả hồn bay bổng vào những vu vơ... Thuở nhỏ nàng đã từng yêu thích hoa Hồng vì những ý nghĩa muôn lời về tình yêu mà hoa chuyên chở, cũng như trăm ngàn hương sắc, đa loại của giống Hồng. Hình như hoa đã làm cho nàng thấy đời đẹp hơn và tâm tình cũng có cái gì đó xao động... Nghe một bản nhạc tình, nàng thấy như là chính mình bay cao trong ấy. Chọn khúc ca buồn làm nhạc đệm cho chương trình, nàng ôm ấp nỗi niềm tương tư... ai đó xa xôi!
Bây giờ chiếc bàn nhỏ trống vắng đến vô duyên, lạnh lẽo. Dạ Hương hỏi người bạn:
- Không biết "người ta" có chuyện gì không, mà sao... hoa chẳng đến?
Bảo Thi lắc đầu, nhún vai:
- Không biết!

Nhiều lúc nàng cảm thấy mình vô duyên chi lạ. "Người ta thích thì tặng hoa, không thích nữa thì thôi! Can chi...". Nhưng không hiểu sao trong nàng có sự nũng nịu, tủi hờn dâng lên. Nước mắt muốn trào ra. Tuy biết rằng qua những tâm tình nàng gởi gắm trong hương gió bay, có nhiều người thương mến vì thích giọng nói, cũng như nhân dáng dịu dàng và cung cách cư xử thân mật dễ gần gũi. Khi thì một lời khen, vài câu đùa vui, đôi câu tán tỉnh xa gần. Thính giả ái mộ thỉnh thoảng mang vào đài vài lọn rau trồng sau vườn nhà vừa mới cắt, quả bầu non còn mượt mà lông tơ, chục đào thơm mới hái trên cây, để Dạ Hương... lấy thảo. Những người thân quen như bác Tư, anh Thế, chị Hoàng, anh Phương vẫn hay đến đài thăm nàng... Nhưng riêng người ta là ai...? Tại sao không đến đài cho nàng làm quen, lại mượn hoa thay lời!

Một nhà mô phạm nào đó đã nói đại ý: "Sự lập lại là linh hồn của giáo dục". Một vấn đề nếu cứ mãi nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dễ làm cho con người ta cảm nhận, tâm đắc sâu sắc, nhớ hoài. Với nàng, mấy tháng nay, mỗi tuần một bó hồng đã tạo cho nàng một cảm giác thân mến khi bước vào đài: bó hoa đã nằm hờ hững trên bàn, chờ bàn tay măng non, mềm mại của nàng nâng niu đặt vào chiếc bình thủy tinh trong suốt mà nàng lau chùi sach sẽ chiều hôm trước. Như một luân phiên tự nhiên: bó này vừa chớm phai, thì những nụ hồng tươi trẻ, đầy sức sống khác lại được người ta mang đến... Nó đã lấp đầy thời gian ở đài. Thế mà hai tuần nay... nàng trở nên hụt hẫng, chơi vơi!

Dạ Hương đang ngồi thừ người, mệt mỏi vì suy nghĩ đến "người ta". Không biết bao nhiêu câu hỏi về vị thính giả không quen nhưng đã mến đó dồn dập trong đầu! Đàn ông hay đàn bà? Chắc là đàn ông. Nếu là bạn gái với nhau đã gọi cho nàng rồi và cũng không tặng nhiều hoa như vậy. Nhưng mà "chàng" là ai? Chắc phải là người đa cảm và lãng mạn lắm, mới mượn hoa thay lời. "Người gì đâu mà nhát và... ác nữa!". Không biết nàng nghĩ gì, vội chạy đến lật nhanh đến kệ sách bên kia, tìm từng trang của tờ BN magazine. Dạ Hương nói thầm: "Không biết có phải tại những lời chúc mừng này không?".

Nàng trở về thực tại, khi người bạn cho biết đã tới giờ "on air". Dạ Hương uể oải bước vào ghế ngồi, đặt cái "head phone" lên đầu, ra dấu cho chuyên viên kỹ thuật biết là nàng đã sẵn sàng: "Kính thưa quý thính giả, giờ tâm tình của chúng ta lại đến. Cũng như bao lần trước, Dạ Hương ước mong được quý vị xem như là người thân quen trong gia đình hay là người em gái nhỏ để cùng nhau tâm sự... Chiều nay, Dạ Hương xin đặc biệt có lời thăm hỏi đến một người đã tặng hoa cho... đài, nhưng không đến để Dạ Hương được làm quen...". Tiếng nàng nhỏ dần... Người ta nghe âm thanh có chút nghẹn ngào trong gió!




--------------------------------------------------------------------------------


Tôi không ngờ lần đi xuống L.A. vừa rồi, để thăm người bạn tù năm xưa, lại là lần vĩnh biệt Vinh. Theo khoa tướng số, nó không phải là người yểu mạng: nhân dáng tầm thước, bước đi chững chạc, tiếng nói đầm thấm... Thế mà... Đời người ai biết ra sao ngày sau. Khi được một người bạn cùng nghề gọi báo cho biết, tôi đã không tin ở tai mình nữa. Tôi đã cự nự người tốt bụng:
- Tiên sư nhà ông. Ông có ghét tôi thì trù ẻo cho tôi qui tiên sớm không sao. Chứ thằng Vinh nó hiền như thế, đáng thương như thế, xứng đáng làm em cột chèo với ông lắm, trù cho nó chết sớm làm gì... Hay là ông sợ "nghèo"?
Người bạn đã quát ầm trong đầu máy bên kia:
- Thôi đi Long ơi! Chuyện chết người ai đem ra đùa bao giờ... Lấy vé máy bay về ngay đi! Ông lúc nào cũng tếu!
Tôi đã biết đây không còn chuyện bỡn cợt của bọn tôi với nhau nữa, nên khẩn cấp lấy vé máy bay trở về Sacramento. Vinh đã nằm trong ngăn lạnh của nhà quàn. Mọi thủ tục pháp lý đã xong. Vài người bạn thân quen cùng với tôi đứng ra lo chuyện cuối đời cho Vinh. Tro cốt được đem gởi vào chùa... Thế cũng xong một một kiếp người.

Tôi không biết nguyên nhân cái chết của Vinh. Tuy nó có nhiều tính nết "bất thường". Nhưng lúc nào nó cũng tỏ ra năng nổ, vui tươi, yêu đời. Vài người quen nói lại: Nhờ người hàng xóm gọi báo, cảnh sát đã mở cửa bên hông nhà, thấy xác Vinh đã lạnh cứng, tím bầm, nằm sóng soải ngoài sân sau. Chung quanh có nhiều vỏ chai rượu mạnh và bao thuốc lá... Theo giảo nghiệm y khoa, nạn nhân bị "stroke", quỵ ngã và đã đứng tim sau đó.

Lòng tôi nặng trĩu. Trước đây, hai đứa có buồn, nỗi buồn bâng quơ, không tên, hay nhớ thương xa vắng, thì đi mua một xâu bia về, không người nào uống hết hai lon. Thuốc lá chỉ phì phà vài điếu khi có dịp vui... Nguyên nhân nào đã khiến Vinh chán nản phải tìm quên trong men rượu và khói thuốc? Thật lạ! Tôi tự trách mình: "Ở chơi làm chi cả tuần bỏ Vinh một mình!". Nếu tôi về sớm hơn... có lẽ Vinh đã không "đi".

Theo thư mời, tôi đã đến văn phòng luật sư Thomas Bui nằm tại trung tâm thành phố. Sau khi tế nhị xin lỗi trong việc yêu cầu tôi cho xem bằng lái xe cũng như thẻ an sinh xã hội, luật sư Thomas Bui đẩy mấy tờ giấy đầy kín tiếng Anh trước mặt tôi, ông giải thích:
- Đây là những điều khoản ghi trong di chúc ông Vinh. Ông ấy đã phân chia tài sản năm chục ngàn đô la, tiền bảo hiểm nhân thọ, sau khi trang trải về việc hỏa táng, luật sư phí cùng các thứ linh tinh khác... Số tiền còn lại ông được chia 50% và một người có tên là Dạ Hương được 50%. Ông thì tôi biết rõ tên họ rồi, nhưng còn người kia, tôi đã không làm sao giải quyết được. Trong di chúc ông Vinh ghi địa chỉ là đài Tiếng Quê Hương ở số... đường... Tôi biết đài này, theo luật định Dạ Hương không thừa hưởng được, vì không phải là tên thật... Nhưng theo ước nguyện của người đã chết, nhất là theo phong tục của Việt Nam mình, lời trăng trối của người quá cố rất thiêng liêng... Ông là bạn chí cốt của ông Vinh, xin ông cho tôi biết thêm về cô Dạ Hương...
Tôi rất ngạc nhiên khi biết Vinh đã ghi tên tôi là người thừa hưởng tiền tử tuất trong bảo hiểm nhân thọ của nó. Khi còn sống, Vinh thường đùa:
- Cố gắng nhịn vài chục hàng tháng mua bảo hiểm, để "nếu một mai trở về với cát bụi" thì người thân có chút gì lo việc ma chay cho mình, không bỏ nằm trong hộp "freezer" hoài lạnh lắm! Hoặc vì nghèo quá không buồn nhận về, bỏ mặc! Nhà thương sẽ đem xác cho các sinh viên y khoa thực tập. Họ cắt xẻo từng phần da thịt, đau bỏ mẹ!... Tao cũng không hiểu nỗi có những bà già Mỹ lại làm di chúc cho con chó cưng. Chả lẽ chó hơn người à. Khi tao có "trở về cát bụi" mày nhớ lo cho tao ngon lành... Không thì tao rủ đi theo.
Những đùa cợt của Vinh vào những ngày "trần ai" trong cái nóng trên 100 độ hay mùa lạnh cứng người cũng dịu bớt đi nhiều. Bỗng đưng tôi cảm thấy nhớ Vinh quá!
Tôi bùi ngùi kể cho luật sư nghe mối tình câm củaVinh. Ông cảm thông, cười chua xót:
- Tình ơi là tình.
Chợt ông nhớ ra điều gì, tiến đến ngăn tủ lấy ra một gói nhỏ:
- Đây là di vật của ông Vinh để lại cho cô Dạ Hương. Không hiểu có phải đây là một điềm gở hay không: Tháng trước, ông Vinh đã đem đến nhờ tôi ghi thêm vào di chúc và cất giữ cùng với những lời "gởi lại người tôi yêu". Ông có thể mở ra xem.
Tôi đón nhận món đồ một cách thận trọng, nâng niu như tâm tình của tôi và Vinh. Chiếc nhẫn hột xoàn nhỏ lấp lánh dưới ánh đèn. Lòng tôi nghẹn ngào khi nhớ lại lời của Vinh kể về chiếc nhẫn này... "Đây là quà cưới của cha mẹ tao. Mẹ tao nói là cha dành dụm nhiều năm mới có được. Khi tao bỏ nước ra đi, bà đã trao cho tao nói là để tặng con dâu sau này. Không biết mẹ có phước nhìn thấy mặt dâu của mẹ không? Bao năm qua chiếc nhẫn vẫn còn đây, vì tao chưa chọn được ai. Đúng hơn không có ma nào chịu lấy tao!...".
Ngày nhận được tin mẹ qua đời, Vinh đau buồn đem chiếc nhẫn ra xem và nghẹn ngào nói với mẹ:
- Mẹ ơi! Con đã không làm được ước mơ của mẹ rồi mẹ ơi.
Vinh đã nhiều tự vằn vật mình, mỗi khi nhớ lời mẹ...
Tôi cẩn thận gói lại chiếc nhẫn trao cho luật sư. Ông nhận lại, nhìn thẳng vào tôi, ông nói rõ từng tiếng:
- Ông đã đọc những lời di chúc của ông Vinh, cũng như những gì liên quan đến cô Dạ Hương. Tôi sẽ giúp ông trong việc "claim" với hãng bảo hiểm về khoảng "tử tuất"... Mong ông thực hiện đúng những ước muốn sau cùng của bạn.
Ông đứng lên bắt tay tôi:
- Phần ông coi như đã xong. Bao giờ nhận được "check" của hãng bảo hiểm xin phiền ông mang đến đây. Giờ thì xin ông giúp tôi tìm biết tên họ cùng số an sinh xã hội của cô Dạ Hương. - Dạ được. Tôi sẽ lo việc này. Cám ơn luật sư.
Tôi rời văn phòng luật sư, lái xe về thẳng căn Duplex. Mấy hôm nay tôi chả buồn dọn dẹp gì cả. Đồ đạc bề bộn mọi chỗ. Quần áo Vinh vứt lung tung, báo chí băng nhạc mỗi nơi một cái... từ buồng riêng cho đến phòng khách. Không khí buồn nặng và u ám quá, cho dù đèn đuốc vẫn được mở sáng. Đầu óc tôi trĩu nặng vì không hiểu được nguyên nhân nào đưa đến cái chết của Vinh... Vì đâu nên nỗi.
Tôi bỗng dưng chú ý đến một tờ báo có tên BN magazine trình bày trang nhã, tươi sáng nằm trong góc bên kia... Tôi nhặt lên, lật vài trang và rơi vào đúng một tờ đã được bẻ gốc sẵn, có nguyên một trang chúc mừng, nội dung như sau: "Được tin kiều nữ Dạ Hương sẽ cùng bác sĩ Hoàng Tùng từ giã cuộc chơi, xây lâu đài tình ái vào ngày... tháng... năm... Thân chúc Tân Lang và Tân Giai nhân trăm năm hạnh phúc", đã bị gạch chéo ngang dọc cùng các chữ "no", "no" tổ bố.
Tôi đứng sững người một lúc lâu, đầu óc quay cuồng. Nếu đây là nguyên nhân đưa đến cái chết của Vinh thì... Trời ơi là Trời! Vinh ơi Vinh! Tình ơi là tình.
Một tháng sau, khi tôi đến văn phòng luật sư Thomas Bui thì Dạ Hương đã có mặt ở đó rồi. Hôm tôi tìm đến đài và trình bày mọi chuyện. Thoạt đầu nàng xúc động gần như hoảng loạn, vì sự trùng tên tai hại và nàng là nguyên nhân gây ra cái chết cho một người. Dạ Hương không chịu nhận gì cả. Tôi và những người bạn trong đài đã phải thuyết phục nàng nhiều lần. Hai tuần nay, người ta không còn nghe tiếng nàng trong mỗi chiều thứ sáu...
Thấy tôi đến, Dạ Hương đứng lên, nói nhỏ:
- Dạ chào anh Long.
- Chào Dạ Hương.
Trong nàng ủ rũ thấy mà tội! Gương mặt không trang điểm buồn bã, xanh xao. Chiếc áo dài màu đen làm cho Dạ hương trông càng thêm sầu thảm! Luật sư Bui bước ra, giải thích mọi thủ tục thừa kế và yêu cầu mọi người ký vào các biên nhận. Ông trao gói giấy cho Dạ Hương. Nàng nhận nhưng vẫn để nó nằm yên trên bàn. Tôi nói Dạ Hương hãy mở ra xem. Tay nàng run run, từ từ mở từng gốc giấy. Chiếc nhẫn kim cương hiện ra, lấp lánh. Dạ Hương vẫn bất động. Tôi trình bày lai lịch chiếc nhẫn cho nàng nghe. Nàng cắn môi, nhặt gói giấy, ôm vào ngực... Nàng nhắm mắt, im lặng một lúc lâu. Hai dòng lệ tuôn trào, chảy dài trên má. Nàng khẽ kêu lên:
- Anh ơi!
Tôi gọi thầm trong lòng:
- Vinh ơi! Mày có nghe thấy gì không?
Ngoài kia mặt trời xuống rồi! Hoàng hôn chìm dần... Ráng chiều từ từ phai tàn, tan biến vào hư không.



No comments: