Saturday, September 8, 2012

TS. LÂM LỄ TRINH * CHÍNH TRỊ HOA KỲ


Hậu trường chính trị Hoa kỳ
ĐƯỜNG GIÂY HOLLYWOOD, NGŨ GIÁC ĐÀI VÀ TÒA BẠCH ỐC
Lâm Lễ Trinh

 
Mặc dù Michael Moore được hoan nghinh ồn ào, mặc dù nhiều ngôi sao màn bạc cổ võ nhiệt liệt cho đảng Dân chủ, kỹ nghệ xi-nê Hoa kỳ vẫn là một bộ máy hốt bạc kinh khủng và chẳng những thế, một ống loa đắc lực trên thế giới của ê-kíp cầm quyền hiện nay tại HoaThịnh Đốn. “Hãy tìm cho tôi một người có tầm vóc như Jack”. Nhân vật mà George W Bush đề cao như một anh hùng, theo một bài viết trong New York Times, không ai khác hơn là kiện tướng trung thành nhất của Tòa Bạch Ốc từ trên 40 năm nay: Jack Valenti. Trọn đời, Valenti là một con cáo già chính trị và truyền thông, nhiều lần được tuyên dương công trạng, vì hành động với mục tiêu duy nhất: kiểm soát ngành xi-nê thế giới và đặt Hollywood dưới gọng kềm của Chính phủ Mỹ.
Sứ mạng này xem như gần hoàn tất đối với Valenti mà Tòa Bạch Ốc mong giữ tại chức thêm vài năm nữa, trong lúc trái bom Michael Moore nổ tung. Được đào tạo kỹ, viên cựu chiến binh Việt Nam này, đảng viên Cọng hòa, ăn to nói lớn, là kẻ phục vụ không mệt mõi của một guồng máy được y bênh vực hết lòng. Đấu tranh cho quyền lợi của một kỹ nghệ mà y tha thiết đem vào thị trường Wall Street, Valenti là một chiến sĩ gan lì đối với giới kinh tài. Một trong “thành quả” của Jack là đả phá không nương tay chiến dịch tuyên tuyền văn hóa Pháp. Y cũng là nguồn hỗ trợ phong phú tài chính cho đảng Cọng hòa.
Phương pháp xứng đáng với CIA.
Năm nay 83 tuổi đời, Jack Valenti quyết định rút lui, sau khi xây dựng, chỉ huy và củng cố Motion Pictures Association, MPA, một lốp-bi khổng lồ của kỹ nghệ điện ảnh Mỹ, một cơ sở có những hình thức và phương pháp hoạt động không khác mấy CIA. Chủ đích là làm tất cả những gì cần để hốt bạc cho đường ống chính trị và thực hiện mọi kế hoạch để ngăn gia đình điện ảnh không đi lạc vào những cuộc đấu tranh đáng tiếc.
Để thay thế Jack điều khiển MPA, ê-kíp Bush đề nghị một nhân vật Cọng hòa liên hệ chặt chẽ với giới quân sự – chính trị: cựu phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài Victoria Clark. Tòa Bạch Ốc thối lui khi có sự chống đối mạnh mẽ nhưng cũng không sao vì, dù ai được bầu đi nữa, thì cũng phải trình diện tại Hoa Thịnh Đốn để “G.W” đích thân tấn phong.
Tay súng cừ khôi tại Beverly Hills
Trong lúc chờ Hồ-li-vọng và Ngũ Giác Đài thỏa thuận với nhau, Valenti khai thác những tuần lễ còn lại. Đây chính là lúc Michael Moore cho chiếu trên các màn ảnh Mỹ (và tại Pháp ngày 7.7.2004) Farenheit 9/11 gây bực bội cho Tòa Bạch Ốc. Phim tài liệu này xuất hiện tại 860 rạp xi-nê Hoa kỳ, khán giả rất hoan nghinh, ngay cả trong các thành phố từng có cảm tình với cánh Cọng hòa. Gần 2 triệu 8 đô-la được thu trong vòng ba hôm, tương đương với sốù thu của phim Terminal của nhà đạo diễn Steven Spielberg tuần lễ trước. Gần 800.000 người đổ xô vào mạng lưới điện toán, đả kích tơi bời Tổng thống Bush. Phản ứng mau lẹ, Jack Valenti can thiệp – nhưng vô hiệu quả – với Công ty Disney, chủ nhân nhà phát hành Miramax, để ngưng chiếu Farenheit 9/11. Tuy nhiên, ít nữa ông già cao-bồi này cũng thành công vận động ra lệnh cấm thanh niên dưới 17 tuổi xem phim. Tiếp theo, một chiến dịch mở màn tấn công quyết liệt Michael Moore và tẩy chay Farenheit. Các hội đoàn Cọng hòa và lốp-bi quân nhân tham gia, với sự tiếp hơi của ê-kíp Bush.
Các số tiền tài trợ bộ máy bầu cử.
Công tác phản công của “mister Jack” và giới truyền thông không ngăn được tai hại của Farenheit 9/11. Quá chậm. Thành quả trái ngược xảy ra. Như trước đây với phim La Passion du Christ của Mel Gibson. Cuộc cãi vã sôi nổi giúp Farenheir 9/11 được dân chúng chú ý.
Tòa Bạch Ốc lo ngại về một vấn đề chính trị hệ trọng: ảnh hưởng thật sự của Farenheit đối với cuộc vận động bầu cử. 34% dân chúng Mỹ nói họ muốn xem phim. Các cố vấn của Bush nghĩ tỷ lệ này không phản ảnh đúng tình hình chính trị thật trong xứ. Theo họ, nhà đạo diễn cần một núi mỹ kim (đầu tư trong việc quảng cáo và phóng lên thị trường}, mới thuyết phục nổi khối cử tri thầm lặng Mỹ – thuộc giới bình dân và trung lưu vùng Nam và Midwest, được mệnh danh Middle America – tìm xem một sản phẩm chỉ được một nhóm nhỏ trí thức và tài tử ủng hộ. Sự phản ứng mạnh của dư luận chung Hoa kỳ nóng lòng về con em của họ đang chiến đấu tại Irak và những chỉ trích gay gắt của báo chí và các chính trị gia làm cho những phần tử chống Bush hăng nhứt phải co vòi và câm miệng nhiều tuần lễ: George Clooney, Tim Robbins, Susan Sarandon, Sean Penn (vừa ở Bagdad trở về)....
Hoa Thịnh Đốn đánh mạnh. Và có kết quả: Nếu cuộc chiến tại Irak là đề tài ăn khách giúp vài ngôi sao điện ảnh như Martin Sheen và Mike Farrel (nổi tiếng nhờ loạt phim M.A.S.H) chỉ trích Bush không tiếc lời và gây sóng gió trong phong trào “Artists United to Win Without War” thì trung tâm bộ máy Hollywood và các phim trường lớn không bị ảnh hưởng gì. Nhóm bad boys, cuối cùng, phải im hơi lặng tiếng để tránh thiệt hại về nghề nghiệp và bị ghi tên vào “sổ đen” của Valenti.
Dĩ nhiên, mọi người đều biết không một tai to mặt lớn nào ở thủ đô điện ảnh sẵn sàng thí thân trên Sunset Boulevard để ủng hộ “chiến sĩ” Moore. “Kho tạo giấc mơ, l’Usine à rêves” (biệt danh các phim trường Hollywood) chuẩn bị sản xuất từ đây đến cuối năm lối một chục phim đồ sộ hay blockbusters, Các tài tử điện ảnh và ca nhạc bận rộn tổ chức những buổi dạ tiệc gây quỹ huy hoàng, fundraisings, để ủng hộ ứng cử viên Bush hay Kerry. Nhiều trăm triệu đô-la được châm vào bộ máy tranh cử. Bất cứ ai đắc thắng Tổng thống cũng phải dựa vào quyền lực kinh tài này.
Hệ thống Quốc phòng – Điện ảnh
Trong vòng nửa thế kỷ, mối liên hệ giữa hai thế giới Hollywood-Washington đã thay đổi khá nhiều. Bị đắm chìm trong những hãi hùng ám ảnh xã hội Hoa kỳ giữa thập niên 50 – từ chiến tranh lạnh cho đến những bùng nổ đầu tiên của phong trào khủng bố – và mặt khác, bị Hoa Thịnh Đốn theo dõi sít sao, ngành điện ảnh là một kỹ nghệ vững chắc đồng thời một loại “thùng âm thanh, caisse de résonance” giúp cho các vấn đề làm Hoa kỳ xao động gây tiếng vọng to rộng. Hollywood còn tạo một môi trường quan yếu để phô trương cái thế bá chủ của nước này. Trong tác phẩm Hollywood, le Pentagone et Washington, học giả Jean Michel Valentin nhận xét: “Việc anh hùng hóa các cán bộ chính quyền, đề cao tính cách thiêng liêng của Nhà nước, sự diễn đạt bằng hình ảnh mối đe dọa được nuôi dưỡng trong trí tưởng tượng của đại chúng Hoa kỳ.., tất cả các điều này là thành phần của một thế giới trong đó Nhà nước tượng trưng cho một sức mạnh vô địch và thần thoại. Nơi đây, chính trị, chiến lược, kỹ nghệ hình ảnh và sự huyền hoặc kết hợp chằng chịt với nhau.”
Một hôn phối vì lý trí.
Trục liên kết Hollywood và Hoa Thịnh đốn xuất hiện từ Đệ nhứt thế chiến khi Douglas Fairbanks và Charlie Chaplin chu du Hoa kỳ để cổ võ dân chúng mua trái phiếu và khuyến khích cộng đồng điện ảnh tham gia ủng hộ chiến tranh. Sự dấn thân của giới tài tử gây hào hứng 25 năm sau, lúc Nhựt tấn công Trân châu cảng. Roosevelt ban thưởng cho Hollywood quy chế của một” kỹ nghệ cột trụ trong thời chiến” James Stewart đầu quân ra tiền tuyến. Được Warner tuyển dụng, Ronald Reagan biến phim trường thành diễn đàn cổ động cho Nghiệp đoàn Điện ảnh mà ông là chủ tịch. Về phần Orson Welles, y cổ động hết lòng cho Roosevelt năm 1944 và sau đó, viết nhiều bài chính trị trong báo The New York Post.
Năm 1942, Roosevelt mời đến Tòa Bạch Ốc những hạt gạo cội điện ảnh như John Ford, Frank Capra..và đặt thực hiện lối một chục phim để giáo dục quần chúng về chiến tranh. Kỹ nghệ điện ảnh và các nhà chiến thuật Hoa Thịnh Đốn cọng tác chặïc chẻ với nhau. Sự đồng thuận quốc gia dẫn đến việc hoàn tất nhiều phim có tính cách thương võ và ái quốc, với mục tiêu bảo toàn đất tổ và đề cao các giá trị căn bản dân tộc. Điện ảnh tượng trưng trái tim của quốc gia. 50 năm sau, minh ước này vẫn tồn tại, tuy không nói rõ tên. Và Hoa Thịnh Đốn, qua nhiều thập niên, đã cố gắng rất nhiều để xóa bỏ trong lịch sử những năm đen tối của phong trào tố cộng maccartisme và hội chứng Việt Nam. Hollywood cự nự như một con ngựa chứng. Sự giao hão bị nhiều sứt mẻ.
Mối liên hệ giữa hai bên, tuy nhiên, vẫn nhan nhãn trên màn ảnh. Năm 1962, Ngũ Giác Đài động viên phương tiện nhân sự và dụng cụ khổng lồ để giúp Ken Annakin quay cuốn phim lịch sử Le Jour le plus long nói về Đệ nhị thế chiến. Phim này đề cao sự có mặt của Hoa kỳ tại Âu châu, 10 năm sau ngày thành lập liên minh quân sự OTAN. Đây là một bằng chứng Hollywood không tách khỏi Hoa Thịnh Đốn. Từ 1962 cho đến đầu thập niên 80, Hải. Luc, Không quân Hoa kỳ còn giúp hoàn tất nhiều phim chiến sự khác như Tora Tora, La Bataille des Ardennes, Midway, Les Bérêts Verts, Un Pont trop loin, Top Gun, Il faut sauver le soldat Ryan.. Danh sách còn rất dài .
Một thế hệ đạo diễn gốc nhà binh xuất hiện, từ James Cameron đến Edward Zwick. Bên cạnh, trên màn ảnh, lộ diện một lô diễn viên lực sĩ, vai u thịt bắp, làm cho giới trai trẻ mê mệt trong suốt hai thập niên 80 và 90, như Bruce Willis, Sylver Stallone, Arnold Schwarzenegger, Denzei Washington...Các mẫu người hùng loại Rambo có trách vụ bảo vệ nước Mỹ chống ngoại xâm, chống cộng sản, chống khủng bố... Kết quả: Một núi phim với cốt chuyện hiếu chiến, gây hăng tiết, tràn ngập các rạp xi-nê. Màn ảnh ti-vi cũng bị ảnh hưởng lây bởi những đề tài thời sự. Được quay sau biến cố 11.9.2001. phim “24 hours“ thu tại Hoa kỳ một số tiền kỷ lục. Nội dung kể lại cuộc chiến đấu khắc nghiệt giữa một nhân viên CIA, dưới quyền một Tổng thống bị chấn thương, và một nhóm khủng bố mang màu sắc Al-Qaeda. Xi-nê và ti-vi khai thác vô tội vạ vấn đề khủng bố. Tòa Bạch Ốc lo ngại. Mùa đông 2001, vài tuần sau vũ tấn công 11 tháng chín, có môt cuộc gặp gở tại Hoa Thịnh Đốn giữa các giám đốc phim trường lớn Hollywood với Jack Valenti và Karl Rove, cố vấn của Bush, để minh xác Hoa kỳ chỉ chống phong trào khủng bố mà thôi chớ không chủ trương chống thế giới Á rập và Hồi giáo. Valenti và Rove kêu gọi tinh thần trách mhiệm của mỗi người trước ác mộng này. Hollywood được khuyến cáo nên tránh đi ra ngoài quan điểm của Tòa Bạch Ốc. Cần nghiên cứu thận trọng các chuyện phim liên hệ đến khủng bố, chẳng những thế, nên nhấn mạnh đến chủ trương của Chính phủ là một cộïng đồng Hồi giáo được hoan nghinh, không bị kỳ thị trên đất Mỹ. Hai năm sau, vào tháng 11.2003, Hoa Thịnh Đốn cảnh giác một hãng phim Hollywood đã hành động trái quy tắc với một cuốn phim “nguy hại và vụng về”.
Nói tóm, Hollywood có lợi lắng nghe Hoa Thịnh Đốn vì Chính phủ cố gắng hỗ trợ mạnh kỹ nghệ điện ảnh. Thượng viện Hoa kỳ có thể áp dụng những biện pháp trả đũa tài chính chống những vi phạm về nghề nghiệp. Thí dụ như trong vụ ca sĩ Janet Jackson biểu diễn trệch vú trong trận đấu chung kết vô địch football, trước 90 triệu khán giả truyền hình.
Hoa Thịnh Đốn không bao giờ bỏ rơi Hollywood. Bằng mọi cách, đặc biệt trong phạm vi thuế vụ, Chính phủ ủng hộ thị trường điện ảnh. Ngũ Giác Đài tung hết phương tiện để giúp đở, khi cần thiết. Mỗi khi Tổng thống du hành nước ngoài, đại diện các phim trường lớn tháp tùng đông đảo trong nhiều máy bay charters. Nixon, Bush cha và Bush con, ..luôn luôn mời giới điện ảnh đi theo và cho phỏng vấn ngay cả trên Air Force 1.
Tại Bắc kinh, cách đây 5 năm, đạo binh truyền thông Hoa kỳ thong dong mua sắm trong khi đại diện Âu châu không được phép vượt qua cổng lớn của Cấm Thành. Một cuộc biểu dương ngoạn mục phương tiện và sức mạnh của tự do ngôn luận Hoa kỳ! Một cơ hội để cho thấy Dân chủ khác biệt bao xa với Độc tài! Điều này đã giúp chủ nhân tối bảo thủ của hãng Fox, tỉ phú Rupert Murdoch, xâm nhập vào thị trường truyền thông Trung quốc vài năm sau. Đó là sự khen thưởng của đảng Cọng hòa đối với một ủng hộ viên trung thành.
LÂM LỄ TRINH
Tết Ất Dậu - Thủy Hoa Trang Californie
THƯ TỊCH:
1.“Hollywood, combien de divisions? ” par Renaud Revel & Denis Rossano, dans l’Express 5.7.2004
2. «Hollywood, le Pentagone et Washington » par Jean-Michel Valentin. (editions Autrement), Paris 2005
3. “ Cinema. Politics and Society in America ». Manchester University Press, New York. 1998

No comments: