Thursday, September 6, 2012

VÕ KỲ ĐIỀN * NỖI BUỒN RIÊNG

Điểm sách Một Nỗi Buồn Riêng
Võ Kỳ Điền
Con Người Và Bút Pháp
của Nguyễn Tấn Hưng
qua "MỘT NỖI BUỒN RIÊNG"*



Chiều nay tôi lại được cái vinh hạnh lấn chiếm đài phát thanh, nói theo kiểu Kiệt Tấn, để giới thiệu
nhà văn kiêm chủ nhân nhà xuất bản Miệt Vườn Nguyễn Tấn Hưng với quyển Một Nỗi Buồn Riêng mới ra lò còn thơm phức mùi giấy mực .
Tôi quen biết với Nguyễn Tấn Hưng qua thơ từ trao đổi cho nhau từ năm 1988, khi anh hoàn thành tập truyện đầu tay Một Đời Để Học và gởi tặng . Tôi đọc xong và biết rằng Hưng sẽ là một cây viết có hạng, không những vì nghệ thuật viết lách, vì lối văn trôi chảy mà điểm nổi bật ở tác giả là cái sức sống phi thường, cái nghị lực phi thường hiếm hoi ở một nhà văn mới bắt đầu sáng tác . Cái ưu điểm nầy vẫn được thể hiện đều đặn ở các tác phẩm sau . Khi anh nhờ tôi viết bạt cho cuốn Một Cảnh Hai Quê (1989) tôi cũng hứa liều, nhưng trong bụng tin rằng anh không thế nào thực hiện nổi . Làm sao trong một năm mà viết được ba bốn cuốn liên tiếp . Một Đời Để Học, Một Thuở Làm "Trùm", Một Chuyến Ra Khơi ... Tôi vốn làm biếng lắm và không có thì giờ nhiều . Nhè đâu mới vừa hứa xong thì bản thảo được gởi ngay đến nằm chình ình trên bàn viết với bức thơ nhỏ kèm theo - "... biết anh bận lắm nhưng rán giúp dùm thằng em ." Rồi sau đó năm, bảy cuốn nữa tác giả gởi tặng ào ào, đọc vừa hết cuốn nầy thì nhận tiếp theo cuốn kia, như vậy là tác giả Nguyễn Tấn Hưng ở góc trời Winston-Salem kia viết không kịp thở và bạn bè cùng độc giả, trong đó có tôi, đọc cũng không kịp thở . Vừa qua, tôi nhận được quyển ký sự Một Lần Xuống Núi rồi tiếp sau đó vài tuần là tập truyện Một Nỗi Buồn Riêng . Trong bao thơ gởi kèm tờ giấy nhỏ, ôi cái tờ giấy oan nghiệt có một câu viết khiến tôi xao xuyến - "... hổng chừng thằng em sẽ ra mắt sách ở Montréal ..."
Quí vị cũng biết theo luật giang hồ của văn giới, một tác giả chỉ nhận xét phê bình hay viết tựa, viết
bạt cho tác giả bạn chỉ một lần và duy nhất một lần thôi . Điều nầy không bắt buộc nhưng là một thông lệ, một qui ước . Tại sao vậy ? Khi nhận định về một tác giả những nét chính yếu, ưu khuyết điểm phải được tìm ra, ghi nhận đầy đủ . Nếu viết thêm lần nữa, thì cũng lập lại những ý đó mà thôi . Tôi yên chí, đọc sách chùa của bạn gởi cho mà không sợ bị bắt làm công quả . Tôi đã viết cho Nguyễn Tấn Hưng bài bạt quyển Một Cảnh Hai Quê rồi, từ năm 1989 lận!
Nhè đâu, một hôm ông Chủ tịch Văn Bút Québec khều tôi cười cười:
- Nói cái nầy anh nghe, có ba tác giả "ngoại quốc" muốn qua Montréal mình ra mắt sách, vui lắm, toàn là anh em thân tình, tôi đã nhận lời hết rồi ...
Tôi vừa nghe vừa run, chưa kịp hỏi gì hết thì được nghe tiếp:
- Tất cả có ba người: Thụy Khanh, Nguyễn văn Ba, Nguyễn Tấn Hưng ... thì mình cũng có ba người .
Tôi hỏi:
- Mình cũng có ba người, ai vậy ?
Ông Chủ tịch Lưu Nguyễn cười và nói tỉnh rụi:
- Thì anh Trang Châu, anh Đỗ Quý Toàn với anh nè ...
Trời đất! Cái vụ Võ Đình vừa mới xảy ra, rồi kéo dài thêm những vụ rắc rối bên lề, anh em Văn Bút
Việt Nam Hải Ngoại với Văn Bút Québec muốn khùng luôn hơi sức đâu còn viết lách với nói năng .
Nhưng dầu sao thì bạn Lưu Nguyễn đã hứa rồi, mọi chuyện đâu vào đó như "ván đã đóng hòm" làm sao mà cạy cho ra . Tôi suy nghĩ thiệt khôn ngoan giành trước - Tôi chọn nói cho Thụy Khanh . Dầu sao thì Thụy Khanh cũng đẹp đẽ, duyên dáng hơn hai ông bạn "miệt vườn" của tôi . Một bên là dân Parisiense sang trọng quí phái, một bên là dân ở Nha Mân, Sa Đéc với Quơn Long, Bình Phục Nhứt, Mỹ Tho, các bạn nghĩ coi mình phải chọn ai ? Dễ quá mà!


Nhưng ở đời, mười chuyện mình muốn thì hết chín không như ý . Việc công việc tư dồn dập, thành ra
trời xui đất khiến sao đó loay hoay anh Trang Châu đặt cọc cô Thụy Khanh, Đỗ Quý Toàn xí phần
Nguyễn văn Ba, và ông Trùm Nguyễn Tấn Hưng lọt vô vòng tay thầy giáo làng là tôi đây . Tôi đâm nghi ngờ có sự âm mưu sắp xếp của ông Chủ tịch Lưu Nguyễn với ông Tổng thơ ký Lê Tấn Lộc trong vụ nầy . Thôi không biết là duyên hay nợ, cũng đành rán mà ôm ông Trùm, chớ thiệt tình trong bụng, muốn ôm người khác! Thành ra hôm nay tôi nói hay hay dở ông Trùm rán mà gồng mình chịu trận . Một lần cho tởn tới già ... Nhưng cuối cùng thì tôi thấy hình như mọi sự có bàn tay của định mệnh an bài . Hôm gặp Kiệt Tấn trong cơn say nhè, anh ta chỉ vào mặt tôi nói - Hồ Trường An, Nguyễn văn Ba, Nguyễn Tấn Hưng
thuộc văn chương miệt vườn, còn Võ Kỳ Điền không phải, bạn thuộc văn chương miệt cù lao . Tôi ngớ ra, sau vài phút mới hiểu, mình được sanh đẻ ở cù lao Phú Quốc rồi lại viết về cù lao Bidong, hiện đang sinh sống ở cù lao Montréal . Văn chương cù lao đi chung với văn chương miệt vườn là xứng đào xứng kép . Thôi vậy cũng hay . Thành ra hôm nay là buổi nói chuyện của nhà văn cù lao Võ Kỳ Điền nói về con người và tác phẩm của nhà văn miệt vườn Nguyễn Tấn Hưng .
Trước khi đi vào câu chuyện, tôi xin phép được nêu lên đây vài thuật ngữ mà tôi sẽ phải dùng vì đó là
những chữ riêng biệt của Nguyễn Tấn Hưng . Nói về Nguyễn Tấn Hưng mà không dùng những chữ của Nguyễn Tấn Hưng thì làm sao trình bày hết được con người Nguyễn Tấn Hưng!
Đó là những chữ "đàn anh, đàn em ." Nguyễn Tấn Hưng bắt đầu làm quen với văn giới lúc còn ở bên
quê nhà, hồi còn đi học rồi đi lính . Theo như tôi biết, anh đã viết cho báo Văn của Mai Thảo và có đến tòa soạn để gặp nhà văn nầy . Bẵng đi một giai đoạn dài - đi lính, chạy giặc, tỵ nạn, đi học lại - anh bắt đầu cầm bút lại và bài vở có đăng khắp trên các mặt báo hải ngoại . Và tôi cũng cẩn thận ghi chú là anh dùng chữ "đàn anh, đàn em" không có nghĩa là viết cao viết thấp, viết hay viết dở, cũng không phải là viết trước viết sau mà là căn cứ vào tuổi tác . Hễ lớn tuổi là anh mà nhỏ tuổi là em, nói theo kiểu nhà binh, trong quân trường, khóa đàn anh, đàn em . Tôi may mắn được sanh ra trước Hưng vài ba năm nên được làm anh, ngon lành . Còn ông bạn Nguyễn Hữu Chung tuy lớn tuổi hơn tôi nữa nhưng vì ở xa lại không quen biết nhau, có lẽ thế hệ của anh Chung là thế hệ "già" quá rồi nên Hưng không biết, tính tuổi lộn gần mười năm, kêu Chung bằng đàn em ngon ơ! Lần đầu tiên khi đọc ngang qua chỗ sai sót nầy, tôi khoái hết sức làm im thinh thích, không cho Hưng hay, trong bụng muốn để ông bạn già Nguyễn Hữu Chung làm đàn em của tôi luôn, lâu chừng nào hay chừng nấy, cầu trời khẩn Phật đừng có ai nhắc nhở để Nguyễn Tấn Hưng đính chánh, mấy thuở được làm đàn anh của một người nổi tiếng như Nguyễn Hữu Chung!

Danh từ thứ hai mà Nguyễn Tấn Hưng ưa nhắc đi nhắc lại là chữ "Văn chương miền Nam." Anh tha
thiết chữ nầy cho đến nỗi hai lần anh lên Washington D .C . là hai lần anh nhắc đến nó trong những bài nói chuyện - Lần đầu trong buổi ra mắt sách Giai Thoại Hồng của Hồ Trường An, Hưng đã thuyết trình đề tài Đôi Lời Về Văn Chương Miệt Vườn (tại trường Đại Học George Mason, thủ đô Washington vào ngày 25-6-1989).

Lần thứ hai, buổi ra mắt hai quyển Tuyển Tập Những Cây Viết Miền Nam và Một Chuyến Ra Khơi ,
Nguyễn Tấn Hưng đã nhắc lại vấn đề nầy trong bài Tính Chất Chung Quyết Trong Văn Chương Miệt
Vườn . Trong các nhà văn có văn phong miền Nam, Nguyễn Tấn Hưng là người dan díu, mê man mấy chữ "Miền Nam" lẫn "Miệt Vườn" nhứt . Nguyễn văn Ba cũng có niềm say nầy nhưng xét ra thua cái đam mê của Nguyễn Tấn Hưng xa lắm . Do đó mà sau loạt bài nói chuyện về đề tài nầy, ông Trùm bị một độc giả là ông Nguyễn Hoàng làm một bài thơ dũa một mách te tua, đại ý cho là kỳ thị Nam Bắc . Thực ra theo chỗ tôi thấy, Hưng không bao giờ có ý xấu nầy, anh kính trọng Mai Thảo chơi với Nguyễn Mộng Giác, Hà Huyền Chi, Duy Lam ... nghĩa là ai anh cũng quí trọng như nhau, đâu có phân biệt nhưng vì anh thích viết theo lối văn phong địa phương quá sức, thành ra ưa nhắc đi nhắc lại mà thôi . Vì anh thường dùng lẫn lộn chữ "văn chương miền Nam" với "văn phong miền Nam" nên mới có sự hiểu lầm đó . Văn phong miền Nam là một khuynh hướng nhỏ, một cách viết với giọng văn của miền Nam, nằm trong một nền văn học miền Nam . Văn chương miền Nam, là một nền văn chương gồm tất cả các cây viết Nam Trung Bắc ... tất cả cùng đóng góp công sức tài năng nghệ thuật của mình cho quê hương, đất nước .

Những nhà văn nầy sống bên bờ sông Gianh như Đào Duy Từ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào thời Trịnh Nguyễn hoặc bên nầy vĩ tuyến 17, sau năm 1954 như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam ...
Để trả lời cho sự hiểu lầm nầy, ông Trùm đặt tên luôn cho nhà xuất bản của mình là nhà xuất bản
Miệt Vườn . Nguyễn Tấn Hưng cũng không tha thứ cho bất cứ ai đụng chạm tới anh em cầm bút của
nhóm nầy như trường hợp Trần Vũ nhận định trong bài Những Vòng Tường Ghetto đăng trên Hợp Lưu số 2 và ông Trùm đã đập lại thẳng tay như sau - " ... mới có một hai tác phẩm trình làng mà dám viết một bài như vậy thì còn chữ nào đúng hơn hai chữ lộng ngôn để dùng, phải không quí vị!"
Danh từ thứ ba của Nguyễn Tấn Hưng là danh từ ông Trùm . Đây là tên mà tác giả tự đặt cho mình qua nhan đề của tác phẩm Một Thuở Làm "Trùm" . Quyển nầy gây xao động trong dư luận văn giới, cũng có kẻ chê, cũng lắm người khen . Dầu khen hay chê, tác phẩm nầy là một tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của Nguyễn Tấn Hưng . Danh hiệu ông Trùm nổi bật, bạn bè gọi mãi thành tên . Nguyễn Tấn Hưng biến thành ông Trùm . Trùm đây là trùm tình báo, Trưởng Phòng Nhì Vùng 4 Duyên Hải, Đặc Khu Phú Quốc . Chữ "trùm" được đóng trong ngoặc kép vừa có ý nói lên sự thật mình là cấp trên của một số đàn em thân tính vừa có ý mỉa mai, giễu cợt cái chức vụ an ninh tình báo ...
Đại khái Nguyễn Tấn Hưng có thói quen dùng những chữ thoạt mới nhìn qua thì có vẻ ngang tàng
nhưng xét kỹ thì thấy nét dễ thương của nó . Nét dễ thương của một người còn mang trong mình dòng
máu ruộng vườn miền Nam . Nhưng những người nông dân miền Nam cũng có chung gốc gác là nông dân đất Bắc, vì nghèo khổ (làm ruộng, đi lính, bị đày ...) nên phải mạo hiểm làm cuộc Nam tiến theo chính sách đồn điền của chúa Nguyễn, tìm đất mới khai phá để sống còn . Họ vừa chiến đấu vừa cày cấy

. Tính tình do đó mà nẩy nở phát sinh theo hai chiều hướng đối nghịch . Khi thiệt hiện tánh chất phác, khi thiệt ngang tàng, dữ dội, càng ngày càng khác biệt với nếp sống nếp suy nghĩ của người giàu có, người trí thức còn lại ở đất Thăng Long ngàn năm văn vật . Bởi vì những người nông dân miền Nam đó vừa làm dân, vừa phải làm hết . Nguyễn Tấn Hưng thừa hưởng trọn vẹn hai đặc tánh nầy của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh hơn các bạn văn của anh . Chúng ta hãy nghe anh Võ Đình nhận xét - "Nhưng Nguyễn Tấn Hưng có những đặc biệt khác với những người kia là Nguyễn Tấn Hưng đã lớn lên, đã trưởng thành trong quân đội ... là cái điểm rất đặc biệt mà những người kia, những Võ Kỳ Điền, Kiệt Tấn, Nguyễn văn Sâm, Nguyễn văn Ba ... không có . Hồ Trường An cũng từng ở trong quân đội nhưng Hồ Trường An chỉ là sĩ quan văn phòng, từng thú nhận là tôi chỉ ngồi chơi lai rai vậy thôi . Chứ còn ông Nguyễn Tấn Hưng nầy thì phải lên tàu, trôi dạt khắp đó đây ."

Cái dòng máu lính thú của tổ tiên thời Trịnh Nguyễn được tăng cường bổ xung bằng những năm gia
nhập binh chủng hải quân rồi thêm những năm theo ngành khoa học, ngành điện tử ở Đại Học đã khiến  cho Nguyễn Tấn Hưng xông xáo, lăn xả, bất chấp mọi trở ngại . Con người lý trí vượt trội con người tình cảm . Nguyễn Hưng Quốc có lần đã nói - Có nhà văn thiên về tâm, có nhà văn thiên về trí . Theo tôi, Nguyễn Tấn Hưng là một nghệ sĩ đa tài - anh viết văn, làm thơ, viết biên khảo, đặt nhạc - nhưng dù bộ môn nào lý trí anh cũng vượt trội hơn tình cảm . Chúng ta thử nghe đôi lời than thở, chỉ hơi buồn mà không có nước mắt rưng rưng:

Chàng còn đâu nội ngoại để về . Để viếng thăm trong những khi rỗi rảnh hay để tá túc trong những
khi hoạn nạn . Nội ngoại của chàng giờ ở xa lắm, mút tận bên kia bờ đại dương . Cái cơn bão ngoài đời dẫu có chợt đến rồi cũng chợt đi, nhưng những cơn bão trong lòng Quốc thì hình như mãi mãi không bao giờ tắt lịm . Ngày nào còn Cộng sản ngự trị trên miền đất nước thân yêu thì ngày về lại cố hương, tìm gặp những người thân thương của Quốc như mãi mãi còn xa (truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 33) .
hoặc: Thình lình, mắt Gia bỗng hoa lên với cảnh vó câu . Rập rình chiến mã, gươm đao . Bất giác, chàng không còn nhớ gì nữa, lắp bắp hát luôn câu kết, như cố tình muốn đưa cái dĩ vãng không mấy vàng son của thời đại mình, thật nhanh chóng, vào lãng quên (truyện ngắn Đưa Dĩ Vãng Vào Lãng Quên trang 47) .

Có những giây phút rảnh rỗi, Nguyễn Tấn Hưng nhớ về Việt Nam thân yêu, nhớ mảnh vườn nhỏ ở
quê nội, quê ngoại, nhớ lu nước mát sau hè, nhớ cây cau già trước ngõ, nhớ chiếc võng cho thằng Sơn
Nhái, nhớ thương đời sống binh ngũ hải hồ . Cứ coi cách anh miêu tả, anh thương mến nó biết bao nhiêu vậy mà khi kết luận anh viết tỉnh queo theo như trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:
Chàng ngửa mặt thì thầm trong bóng đêm:
- Ôi, không có cảnh biệt ly nhưng sao mà buồn vậy!
Hoặc đã nương theo câu vọng cổ:
Rồi đành cam thọ tử vì mắc kế của Lữ Mông ...
Cái tình cảm dào dạt phong phú của người nông dân ruộng vườn bị cái lý trí của người khoa học,
người quân nhân chận đứng . Nguyễn Tấn Hưng đã kìm hãm được sự xúc động . Lúc nào cũng vậy, đời anh là một chuỗi ngày phấn đấu vui sống vươn lên trên nỗi khổ đau . Do đó mà có lần tôi đã viết cho Hưng: "Cái lý trí lấn áp tình cảm trong tập truyện là một khuyết điểm đồng thời cũng là một ưu điểm . Từ lâu trong tiểu thuyết của ta chứa đựng nhiều nước mắt quá, mỗi lần đọc xong một tác phẩm, cả người như muốn bịnh . Tôi muốn thấy nụ cười thay cho nước mắt ... thấy được niềm vui sống, dù đang ở trên xứ người . Chỉ cần bao nhiêu đó nhà văn Nguyễn Tấn Hưng cũng đủ được mọi người trân trọng quý mến ."


Nhưng có phải cái lý trí, cái sức mạnh tinh thần đó làm nên nhà văn Nguyễn Tấn Hưng ? Không phải . Nguyễn Tấn Hưng sở dĩ được nổi tiếng mau lẹ nhờ ở bút pháp đặc biệt . Ngòi bút của Nguyễn Tấn Hưng khỏe mạnh, tung hoành, trôi chảy . Võ Đình đã ghi nhận cách viết của anh như sau: "lúc nào cũng viết một cách rầm rộ, vui vẻ và thoải mái như vậy, khơi khơi như vậy ." Để thấy rõ nét cái bút pháp đặt biệt Nguyễn Tấn Hưng, chúng ta thử làm cuộc so sánh nho nhỏ với vài tác giả cùng nhóm thuộc văn phong miền Nam .

Theo tôi thì không ai có đủ thẩm quyền nói về điều nầy hơn Hồ Trường An hết . Có lần trong cuộc
phỏng vấn, Hồ Trường An đã nhận định về văn mình ... Văn tôi hơi giống văn của Kiệt Tấn, của Nguyễn Đức Lập và của Nguyễn Tấn Hưng ở vài chỗ . Có lẽ bởi vì Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng và tôi đều ở trên phần đất Tiền Giang (tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Vĩnh Long) nên có cùng một ngôn ngữ chăng ?
Tôi đồng ý điểm ghi nhận nầy ở câu " ... giống một vài chỗ ." Bạn Hồ Trường An đã kỹ lưỡng khi viết chỉ có bấy nhiêu vì Kiệt Tấn, Hồ Trường An và Nguyễn Tấn Hưng, xét về bút pháp khác xa nhau nhiều lắm . Nguyễn Tấn Hưng nghĩ sao viết vậy, câu văn khỏe mạnh, trôi chảy, tự nhiên không trau chuốt . Xét theo tính cách giáo khoa thì văn Nguyễn Tấn Hưng rất gọn gàng, gồm có chủ từ, động từ, túc từ ... minh bạch . Trong khi đó văn của Kiệt Tấn rất nhiều trạng từ, tĩnh từ (Nguyễn Hưng Quốc đã viết "Ông không mừng, ông mừng húm . Ông không khoái, ông khoái chí tử, ông không quên, ông quên tuốt luốt, ông không hôn, ông hôn chùn chụt) ...

Riêng văn của Hồ Trường An vì mê Hồ Biểu Chánh nên trong văn có hơi hám của lối biền ngẫu, tứ
lục thời quốc ngữ phôi thai đầu thế kỷ . Hồ Trường An viết "tim bảy lỗ héo khô, gan bảy lá héo hắt"
hoặc "chưa chi mà chị đổ hô con hai Túy Hoa nầy hỗn dữ, bửa đầu mãnh hỗ, bóp cổ Thiên Lôi, xé đôi gấu ngựa, vật ngửa Chằng Tinh ."


Không cường điệu đầy xúc cảm như Kiệt Tấn, không dài dòng đối chọi mỹ miều như Hồ Trường An,
Nguyễn Tấn Hưng không viết thì thôi mà hễ viết thì như "lên xe sang số và đạp hết ga, chạy thẳng một mạch không quanh qua quẹo lại, không biểu diễn uốn éo gì ráo . Nếu gặp chướng ngại vật, như có ai láng cháng chê tới chê lui, là tài xế phóng xe lên cán luôn, chết bỏ rán chịu ." Vậy mà lại hay, mới lạ chớ! Chúng ta thử đọc một đoạn anh tả cảnh bão tố:


Bất thình lình, trên trời như có một đoàn chim sắt đang bay tới, rất đông: h ... ùm, ùm ùm ... Dưới đất
cũng vậy, một đoàn tàu đang chạy ngang qua: h ... ùm, ùm ùm ... Mang theo những tiếng sét đồng loạt nổ long trời, và những lằn chớp xanh ma trơi bủa vây tứ phía . Có lẽ trời đang sập thiệt . Quốc thấy mình như đang lạc vào chốn địa đàng của loài khủng long, với những tiếng gào thét thất thanh trước khi lâm chiến, tử nạn . Chàng chạy lại khung cửa kéo, slide door, rọi đèn pin ra ngoài . Nhờ bóng tối bên trong mà chàng thấy rõ hết . Trời đất, những hạt mưa nằm ngang dầy đặc, vùn vụt bay không ngớt dưới sức mạnh của cuồng phong . Những thân cây to lớn ở bìa rừng phía sau nhà cong vòng như những cây sào của các lực sĩ điền kinh . Ngọn nhịp lên nhịp xuống như ngọn cần câu cắm đang bị cá ăn . Những con đom đóm bay đêm đã bị đánh rạt xuống lớp cỏ, đang nằm im một chỗ thoi thóp chớp ... (truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 21) .


Có thể xem đây là một đoạn văn tiêu biểu cho bút pháp Nguyễn Tấn Hưng, lối viết đơn giản như nói
chuyện "có lẽ trời đất đang sập thiệt" thể hiện được cái tánh tình vừa chơn chất vừa dễ thương . Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp nét ruộng vườn bị lai giống với óc khoa học phối họp với tinh thần xông xáo . Sự quan sát bén nhạy, trí nhớ sáng suốt Nguyễn Tấn Hưng đã hấp thụ và đồng hóa cuộc sống ở Mỹ rất nhanh, khác hẳn với các bạn văn khác cuộc sống ở xứ người khó khăn, lợn cợn như nước với dầu . Việc nầy chúng ta thấy rõ anh dùng nhiều từ ngữ địa phương một cách tự nhiên, không cố ý . Tuy nhiên do ảnh hưởng nếp sống mới, một hiện tượng lạ là anh lại ít dùng ca dao, câu hò, câu hát như phần đông cây viết miền Nam, bạn anh . Tôi nói anh dùng nhiều từ ngữ địa phương có hai ý . Từ ngữ địa phương cũ là nơi anh đã sống nửa đoạn đời đầu ở Bình Phục Nhứt, ở Mỹ Tho ... và từ ngữ địa phương mới, là vùng đất anh định cư ở Mỹ, Winston-Salem . Anh nói tiếng địa phương miệt vườn Hậu giang, Tiền giang khơi khơi, đồng thời anh nói tiếng Mỹ, chửi thề tiếng Mỹ ... cũng khơi khơi .
Ta đọc thử một đoạn: ... duy nhất chỉ có sự dẫn nhiệt từ từ, heat transfer, từ điểm nóng đến điểm lạnh tựa hồ như những phân tử không khí đã đặc lại thành chất cứng . Máy lạnh . Rõ ràng chàng cần gấp một cái máy lạnh Chàng đề máy, máy nổ ngọt ngào . Gạt cần điều chỉnh air-conditional từ vị trí normal qua gạch maximum, chàng mở quạt ở tốc độ thiệt lớn, high . Hơi nóng phả vào mặt thiếu điều muốn cháy râu, phỏng trán .
- Damn it! (truyện ngắn Một Nỗi Buồn Riêng trang 12) .

Trong một đoạn ngắn 9, 10 dòng, Nguyễn Tấn Hưng đã dùng tới 6 tiếng Mỹ anh nói tiếng trơn tru như chúng ta nói ... tiếng Việt . Đây là một hiện tượng mới phát xuất ở trong các tác phẩm hải ngoại . Tôi cũng tìm gặp nhiều tác giả khác ở Mỹ thì viết xen trộn tiếng Mỹ (Anh), tiếng Pháp ở bên Tây, tiếng Hòa Lan ở xứ đất thấp và tiếng Đức ở xứ sở của Hít Le ... Tôi không có ý kiến về việc pha trộn nầy . Tuy nhiên vì tôi là thầy giáo, ngày xưa có dạy học, tôi không thể tưởng tượng được nếu các nhà giáo Việt Nam mình bây giờ, gặp phải một bài văn mà đầy tiếng Mỹ, tiếng Tây, tiếng Đức, tiếng Na Uy ... thì các vị đó là sao đọc, làm sao hiểu và làm sao giảng dạy cho học trò ?
Điều nhận xét cuối cùng, chúng ta cùng nhau bàn về tánh cách thành thực của Nguyễn Tấn Hưng .
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã viết "Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tư tưởng một triết gia là tính chất độc sáng . Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tư tưởng một nhà văn là sự chân thành ."



Và ông đã đánh giá và tin tưởng nhà văn Kiệt Tấn là thành thật nhứt . Ông cũng tỏ ý hoài nghi về sự
thành thật của các nhà văn khác . Riêng tôi, tôi cũng tin là nhà văn Kiệt Tấn trong tác phẩm chứa đầy sự thành thật nhưng nếu so sánh kỹ với ông Trùm thì e rằng chúng ta phải cùng nhau xét lại . Nói chung các nhà văn miền Nam ít hay nhiều đều bộc lộ nét mộc mạc, thành thật . Hình như tất cả đều có nhu cầu bộc bạch tâm sự, kể lể chuyện đời riêng tư của mình khác hẳn đa số các nhà văn gốc Trung, gốc Bắc . Vì lẽ đó, ta đọc trong truyện của họ, nhân vật chánh xưng "tôi" dễ dàng tự nhiên . Trong tác phẩm, Kiệt Tấn đã viết về gia đình mình, cha mẹ, anh chị, cùng các người yêu rất rõ, rất kỹ . Nhưng anh đã viết về những cảnh sống nghèo khổ ở nơi thâm sơn cùng cốc, cha mẹ anh gốc nông dân thật quê mùa không miếng đất cắm dùi, người chú thứ chín thì câm, người anh tuy học giỏi nhưng nghèo phải bỏ học đi làm thợ mộc, còn các người yêu của anh là Tuyết bán quán ở bắc Mỹ Thuận, Hoa bến đò Rạch Miễu, mấy em Hồng, Tuyết ở Ngã Năm, Ngã ba ... cho đến khi du học thì người yêu của Kiệt Tấn cũng là những em đầm Diane, Danielle và một đám yêu nữ tóc vàng, mắc xanh gặp trên tàu, ở quán rượu ... Nhưng thực tế thì bạn Kiệt Tấn đã giấu đi phân nửa tài sản mà ông có . Kiệt Tấn đã bỏ qua giai đoạn thành công, giàu sang của gia đình anh .

Như tiệm bán đồ gỗ của ba má anh lớn nhứt nhì ở Vĩnh Long, người anh vào quân đội làm quận trưởng một quận lớn, anh Lê Tấn Lộc và Kiệt Tấn đều học giỏi và đi du học ở Paris và khi về nước thì giữ các địa vị trọng yếu trong chánh quyền, và hầu như trong tất cả truyện ngắn, truyện dài của Kiệt Tấn hình ảnh người vợ chỉ xuất hiện để canh chừng ông chồng hoang đàng, rượu chè be bét ... Anh giấu đi mất biệt bà Kiệt Tấn, một thời là hoa khôi của tỉnh Vĩnh Long, bà Kiệt Tấn đẹp cho đến nỗi dầu anh đi năm sông bảy suối, cuối cùng cũng phải quay trở về cầu Cái Cá tình nguyện đặt dưới quyền sai khiến, cằn nhằn của bà . Như vậy Kiệt Tấn chỉ thành khẩn khai báo với độc giả có phân nửa . Trong khi đó thì ông Trùm tuy làm nghề tình báo nhưng cuộc đời có bao nhiêu đều khai ra tuốt luốt hết . Anh cũng nói về cái quê mùa nghèo khổ của gia đình (cha mẹ ở thôn quê, làm nghề buôn gỗ, lúc nhỏ đi trọ học ở Mỹ Tho vất vả ... rồi cuộc đời tỵ nạn đầy mồ hôi, nước mắt) . Anh viết luôn những tánh xấu như khi làm Trùm ăn hối lộ, tham nhũng ... Nhưng Nguyễn Tấn Hưng thành thật hơn các bạn khác khi anh can đảm viết về những cái tốt, cái hay của mình, cùng vợ và con .
Người Việt Nam ta, mấy ngàn năm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên sống khép kín . Điều gì thuộc
về mình, vợ và con cùng nhà cửa phải giấu thiệt kỹ và nếu cần phải nói thì nên bỏ bớt đi, hạ thấp xuống . Nhà thì tệ xá, vợ thì tiện nội, còn mình thì kẻ hèn nầy, bỉ nhân, tại hạ ... Thoạt nhìn thì như vậy là khiêm tốn nhưng xét ra cho cùng là giả dối, thiếu sự thành thật . Con mình đẹp, vợ mình đẹp tại sao lại phải giấu biệt đi, tại sao lại nói xấu ? Nhà mình lớn, sang trọng, tại sao lại nói nhỏ hẹp, mình học giỏi, bằng cấp lớn tại sao phải nói ngược lại ? Tôi đồng ý với Nguyễn Tấn Hưng hoàn toàn khi anh trình bày rất chính xác tài năng học hành anh đang có, cái nhan sắc tươi mỡn đẹp như rau non mới hái ngoài vườn của vợ anh và đứa con gá tiểu bang (truyện ngắn Hoa Hậu Xứ Dương Đào trang 147) .

Như vậy rõ ràng Nguyễn Tấn Hưng là nhà văn thành thực nhất trong số những người thành thực . Anh đã vượt lên trên sự khiêm tốn giả vờ của một quan niệm già nua, cũ kỹ đồng thời điều nầy cũng xác nhận được tính cách hội nhập mau chóng vào xã hội thực tế của đất Bắc Mỹ của anh . Và cũng nhờ cái đặc tánh nầy, nền văn học Việt Nam ở hải ngoại có được thêm một ngòi bút đặc biệt ... khi chơn chất, lúc bạt mạng, nói theo kiểu phê bình của Trần Vũ!
Riêng tôi, tôi yêu quí và trân trọng ngòi bút "khi chơn chất, lúc bạt mạng" của ông Trùm Nguyễn Tấn
Hưng biết bao nhiêu!
Võ Kỳ Điền
  

No comments: