DÂN CHỦ VÀ THỰC TẾ CHÍNH
TRỊ
Trần Bình
Nam
Lời
nói đầu: Nền dân chủ Hoa Kỳ đã được thử thách hơn 200 năm, qua sự chọn lựa
người lãnh đạo quốc gia bốn năm một lần và chuyển quyền từ vị tổng thống này
sang vị tổng thống khác một cách êm thắm, hòa bình, trong luật pháp và vẫn được
xem là mẫu mực dân chủ trên thế giới.
Chỉ còn hơn một tháng nữa
(2/11/2004) là đến ngày
bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ Jan. 2005- Jan. 200. Cuộc
tranh cử giữa hai ứng cử viên George W. Bush và John Kerry khá căng thẳng và ai
cũng đoán cuộc bầu cử này sẽ rất gay go. Nền móng dân chủ của Hoa Kỳ có thể lại
qua một lần bị thử thách nữa như đã được thử thách qua cuộc bầu cử tổng thống
năm 2000, mà kết quả được dàn xếp qua một phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa
Kỳ (không cho đếm phiếu lại tại tiểu bang Florida). Nếu lần
này lại có sự tranh tụng và lên tới Tối cao Pháp viện thì hệ thống tranh cử bầu
cử tại Hoa Kỳ có vấn đề. Hoa Kỳ có thể có một hình thức
dân chủ nhưng bản chất chưa dân chủ và toàn bộ vấn đề phải được đặt lại.
Nước Mỹ do những người
Anh bỏ nước đi tìm tự do tạo dựng nên, và nền dân chủ Hoa Kỳ do người Anh mang
đến. Vì vậy ý kiến của người Anh về những gì xẩy ra tại Mỹ
thường có một chiều sâu riêng biệt của nó. Chúng ta hãy xem người Anh
nhìn sự vận hành dân chủ tại Hoa Kỳ như thế nào qua bài bình luận
“No way
to run a democracy” đăng trên tờ tuần báo The Economist số ngày 18 -
24 tháng 9 năm 2004 tôi phóng dịch sau đây dưới nhan đề “Dân chủ và thực tế
chính trị” . Bản văn Anh ngữ có thể đọc trên www.economist.com/print
Người
Mỹ rất trân quý “nền dân chủ Hoa Kỳ”. Đa số người Mỹ xem dân chủ như một
sản phẩm đặc biệt của Hoa Kỳ chỉ đứng sau món hàng tự do. George W. Bush
và John Kerry đều kết thúc diễn văn của mình trước đại hội đảng bằng sự tuyên
dương hình thức tổ chức chính quyền Hoa Kỳ.
Thế nhưng, khi nói đến bầu cử nhiều người Mỹ tỏ ra nghi
ngờ. Người ta nhớ tới đến vụ phiền phức
Florida năm
2000.
Ông Bush đã thắng vì chiếm đa số cử tri đoàn như luật định,
nhưng vẫn có cái gì cấn cái vì ông Gore chiếm nhiều phiếu của dân trên toàn quốc
hơn ông Bush. Chuyện khác nữa. Là tại sao chỉ có chừng một nửa cử tri có đủ điều kiện tham gia bầu
cử đi bầu. Tại sao có qua nhiều người bị cấm đi
bầu. Và tại sao các công ti tư nhân có thể dùng tiền
bạc của mình để thao túng những chiến dịch bôi lọ nhau như nhóm Swift Boat
Veterans chống John Kerry và nhóm Texans for Truth chống phá George Bush?
Tại sao có quá nhiều vùng đại diện (district) hình thù
địa lý được phân cắt kỳ quái như vậy. Chưa đến ngày bầu cử mà nhiều luật
sư đã chuẩn bị khăn gói lên đường đến những tiểu bang nghĩ là sẽ có tranh tụng
vì máy móc bầu cử lôi thôi.
Bộ máy dân chủ của Hoa Kỳ đang rạn nứt. Nhưng
không phải vì hệ thống cử tri đoàn mà vì sự sai lầm của con người, sự lười
biếng, và trong trường hợp phân chia vùng đại diện là do sự hư hỏng trong cả hai
đảng. Hệ thống bầu cử hiện nay có thể được cải thiện để hiến
cho Hoa Kỳ một nền dân chủ lành mạnh nhất thế giới nếu được điều hành một cách
đứng đắn.
Có
một điều phải nhìn nhận là: không có một cách thức bầu cử nào toàn hảo. Những lỗ hổng trong hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ không phải là sự lạm
dụng mà là sản phẩm của một sự lựa chọn có ý thức. Lấy thí dụ cách thức
bầu cử với cử tri đoàn là có ý bênh vực quyền lợi các tiểu bang nhỏ. Nếu lần này
Bush thắng phiếu cử tri đoàn nhưng thua phiếu bầu của dân thì chắc rằng nhiều
người Mỹ sẽ đòi hỏi hủy bỏ chế độ bầu cử theo cử tri đoàn, hoặc sẽ có nhiều tiểu
bang thông qua luật hủy bỏ chế độ người thắng phiếu của dân trong tiểu bang lấy
hết phiếu cử tri đòan (winner-take-all rule).Tiểu bang Colorado đang nghĩ đến
việc chia phiếu cử tri đoàn tỉ lệ với phiếu bầu cho mỗi ứng cử
viên, và nếu cách thức này được phổ biến thì Bush sẽ phải quan tâm hơn đến
California và Kerry cũng sẽ không bỏ qua tiểu bang Texas.
Nếu
nhiều tiểu bang làm như vậy thì không có nghĩa nước Mỹ dân chủ hơn. Người Mỹ chỉ
thay cách bầu này bằng một cách bầu khác như họ thường làm trong lịch sử Hoa Kỳ.
Một vấn đề khác, mà các quan sát viên nước ngoài hay than phiền là tiền bạc ảnh
hưởng quá nặng nề vào chính trị Mỹ. Tại Âu châu, nhà nước trả tiền tranh cử cho
các ứng cử viên và bắt buộc các đài truyền hình chia đều giờ vận động cho các
ứng cử viên. Tại Mỹ, người Mỹ không muốn nhà nước nhúng tay vào, và hầu hết hoạt động tranh cử đều thuộc vào lĩnh vực
tư. Sự việc này có thể làm cho những người lobbyists có ảnh hưởng hơn và làm cho các máy truyền
hình ồn ào hơn. Nhưng người Mỹ quan niệm rằng hệ thống bầu cử này tự do hơn và
tôn trọng nguyên tắc tự do ngôn luận.
Vì vậy câu
hỏi căn bản là: chế độ bầu cử tại Hoa Kỳ có được điều hành một cách thích đáng
không? Đứng trên quan điểm tự do, chế độ bầu cử tại Hoa
Kỳ ắt phải để cho người dân muốn cho ứng cử viên mình ủng hộ bao nhiêu tiền cũng
được với điều kiện phải công khai hóa. Các nhà làm luật đưa ra
nhiều cải tổ nhưng chỉ chú trọng đến việc mỗi công dân có thể cho một ứng cử
viên bao nhiêu mà không bao giờ đề cập đến việc công khai hóa ai cho ai.
Chính vì sự kín đáo này mới có hiện tượng tiền được đổ vào cho
nhóm Swift Boat Veterans (thân Cộng Hòa nói xấu Kerry) và nhóm Texans for Truth
(thân Dân chủ nói xấu Bush).
Nhưng bên cạnh sự ồn ào của quảng cáo chính trị trên đài và áp lực của
tiền bạc, căn bệnh chính của hệ thống bầu cử Hoa Kỳ còn nằm ở những nơi ít ai
nghe nói đến nhất. Thí dụ, tại sao quá ít người đi bầu, là vì
tại nhiều tiểu bang sự đăng ký đi bầu quá rắc rối. Nhiều tiểu bang cấm
những kẻ phạm tội sát nhân vĩnh viễn không được đi bầu dù đã mãn hạn tù. Điều
này trái với nguyên tắc căn bản là sau khi ra khỏi nhà tù một phạm nhân có quyền
trở về với xã hội. Có nhiều việc nhắm mục đích tạo điều kiện cho nhiều người
tham gia bầu cử (một điều kiện cần thiết của dân chủ) như bỏ phiếu trước
(vì không đến được thùng phiếu trong ngày bầu cử nên còn gọi là bỏ phiếu
vắng mặt - absentee ballot) cũng có thể làm tổn thương cho tinh thần dân
chủ nếu áp dụng một cách cẩu thả. Các đảng chính trị thường dùng mẹo vặt để khéo
léo làm cho cử tri bỏ phiếu trước bỏ phiếu cho đảng mình (hiện nay có 29 tiểu
bang Hoa Kỳ cho phép bỏ phiếu trước, sớm nhất là tiểu bang North Carolina cho
phép bỏ phiếu 50 ngày trước ngày bầu cử. Hoa Kỳ có luật không
cho phép vận động kiểu níu kéo gần thùng phiếu trong ngày bầu cử, nhưng không có
luật nào ngăn cản các đảng chính trị cho người vừa giúp, vừa áp lực, vừa vận
động. Cách thức cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thường làm là xin danh
sách cử tri bầu trước, lọc những người ghi danh đảng mình rồi cho người đến
thu phiếu bầu. Trên danh nghĩa chỉ là sự giúp đỡ thôi,
nhưng gà nhà chắc hẵn sẽ được bầu)
Tuy nhiên có hai điều tệ hại nhất trong hệ thống bầu cử Hoa Kỳ là máy bầu
(voting machines) và luật chia vùng đại diện (re-districting) cho các dân
biểu quốc hội Hoa Kỳ. Máy bầu điện toán nghe thì rất hiện đại, nhưng nếu không
có giấy tờ ghi lại ai bầu cho ai thì máy bầu điện toán sẽ là một vấn đề trường
hợp cần kiểm phiếu lại khi có hai ứng cử viên quá sát phiếu nhau, hoặc khi máy
điện toán gặp trở ngại kỹ thuật. Mới đây trong một cuộc bầu cử tại
Indiana, một đơn vị có 5352 cử tri
đã ghi 144.000 người đi bầu.
Luật chia vùng đại diện (re-districting) mới thật là
ngoài sự tưởng tượng và làm cho các cuộc bầu cử chọn dân biểu tại Hạ nghị viện
Hoa Kỳ mất hết ý nghĩa. Người ta nói cuộc bầu cử năm 2004 là cuộc bầu cử
50:50, nhưng trên thực tế trong 435 ghế dân biểu chỉ có khoảng 30 ghế có sự
tranh chấp, các ghế khác xem như đã được định rồi. Trong năm 2002 bốn phần năm
dân biểu quốc hội Hoa Kỳ đã thắng đối thủ của mình trên 20 điểm (theo tờ
Congresstional Quarterly năm nay chỉ có 29 ghế dân biểu quốc hội chưa biết ai
thắng. Số ghế còn có sự tranh chấp càng ngày càng ít.
Quốc hội bầu năm 2002 có 50 ghế tranh chấp, và trung bình trên 100 có tranh chấp
trong các cuộc bầu cử từ 1992 đến 1996). Có tình trạng này vì theo luật sau một kỳ kiểm tra dân số các vùng đại diện sẽ
được vạch lại để có đủ số dân quy định trong mỗi vùng. Việc này - cũng theo luật
- thuộc trách nhiệm của các đương kim dân biểu nên quý vị này sẽ cắt vẽ vùng đại diện của mình thế nào để kỳ sau nắm
chắc phần thắng trong tay. Sau cuộc kiểm tra dân số năm 2000,
việc chia cắt lại càng lộ liễu hơn bất cứ một thời kỳ nào trước đó. Các khu đại diện (district) có những hình thù địa lý kỳ quái không
ai có thể tưởng tượng được. Kết quả là
gì? Chính trị (politics) trên hết, bất
chấp thưc tế khó coi, và phiếu của dân mất hết ý nghĩa, cử tri không thấy phấn
khởi để đi bầu (bầu làm gì khi biết ai sẽ thắng). Một dân biểu khi biết
đối thủ của đảng kia không có cách gì thắng mình thì
chỉ còn sợ người đối thủ cùng đảng trong kỳ bầu sơ bộ nên chỉ lo phục vụ đảng.
Kết quả người Cộng hòa càng trở nên bảo thủ, trong khi người
Dân chủ trở nên thiên tả hơn.
Hệ thống bầu cử là một trong những chuyện lạm dụng
chính trị tại Hoa Kỳ nhưng có thể sửa chữa. Nhiều tiểu bang đã bỏ tiền
trang bị máy móc bầu cử tốt để tránh sai lầm, và nhiều tiểu bang đã vạch lại các
khu đại diện một cách hợp lý hơn. Sự phân vùng đại diện có thể
được cải sửa và cần phải cải sửa. Tiểu bang
Iowa giao nhiệm vụ phân định
vùng đại diện cho một ủy ban độc lập không đảng phái.
Sự
trân trọng những nguyên tắc dân chủ đến độ sùng bái của Hoa Kỳ là điều đáng
ngưỡng mộ - nhưng trên thực tế còn nhiều việc phải làm trước khi đạt đến những
nguyên tắc cao quý này.
Trần Bình
Nam
Sept. 28,
2004
No comments:
Post a Comment