Lê Thị Huệ
Ghẻ Biển
truyện ngắnĐấy là một bãi biển dài và vắng người đến tắm. Hai đầu xa tít tắp là những ghềnh đá núi xanh đen lừng lững chường mặt ra thách thức với đại dương. Ơû một khoảng eo biển lõm vào như một cái vịnh nhỏ, ánh nắng chiều vàng mật ong pha màu lên thảm cát lỏm chỏm những mảnh san hô trắng úa vỡ, những chiếc bóng dương liễu quơ lượn hình lên trên mặt cát đầy rong biển khô. Sau lưng hàng dương liễu, xa xa, những chiếc lều bạc sơ sài nằm trơ vơ trên một doi đất rộng. Gió chạy luông tuồng bốn hướng trại, những cơn gió thổi mạnh reo vút trên những đọt dương liễu chốc chốc lại kéo theo tiéng leng keng của những lon nhôm mắc đầy trên hàng rào kẽm gai bọc quanh trại. Sóng biển vỗ nhịp nhàng lên bờ. Tất cả như tụ họp thành một chuỗi âm thanh khi rì rào nỉ non, khi xào xạc gào thét, như tấu dâng một điệp khúc lên vòm trời hơi mờ mây sương.
Người đàn bà ngồi chỉa mình ra giữa khoảng bờ biển trống trải nhất. Hai tay bà ủ xuống cát. Chỗ ngồi của bà lõm trũng xuống cơ hồ như càng lúc cát càng ủ dày thêm lên hình thể nhỏ bé của bà. Bà mặc chiếc áo phin mỏng mầu đất thó gần mòn hai bả vai và hai gối tay, chiếc quần sa tanh đen rách tước dưới gấu, búi tóc như sắp bị gió tung xõa. Khuôn mặt bà nom kỹ như ngoài bốn mươi, nhan sắc còn mặn mà ẩn nấp; nhưng thoạt nhìn thì như đã cạn mòn sinh lực, thất thần, và buồn bã.
Người đàn ông vừa đến gần trạc dưới năm mươi, mắt mang kính dày cộm, dáng ốm, thấp, và khắc khổ, vận chiếc quần nâu ngắn chừa mắt cá và chiếc áo trắng thùng thình bỏ ngoài quần. Oâng ta đứng tần ngần giây lát, đảo mắt nhìn quanh, trước khi ngồi xuống cạnh. Oâng ngồi chắn đầu hướng nắng chiếu, chiếc bóng ông đổ dài lung linh gần nhập với chiếc bóng của bà. Người đàn bà cào đất quanh chỗ ngồi, cào đất lên và nói:
- Chào bác sĩ.
Tiếng bà nhỏ nhẹ và yếu ớt như chìm đi trong chuỗi cười nói từ xa vẳng lại. Cách chỗ ngồi của hai người khoảng năm mười phút dạo bộ về phía tay phải, một đám người tỵ nạn đang ồn ào chuyện vãn và xem trẻ con hát múa trò Rồng Rắn Lên Mây, vài viên cảnh sát Thái trong đồng phục có súng ống và ma trắc thỉnh thoảng lầm lì lượn quanh.
Người đàn bà xoa năm ngón tay trước mặt, móng tay bà đầy ghét bẩn. Bà nói như nói một mình:
- Tay thì không sao, da đã lột. Mình mẩy vẫn nứt nẻ đôi chút. Còn vài cái mụn nhọt dưới chân thì vì cứ xuống lội nước biển nên lở ra hoài.
Bà lật qua rồi lật lại bàn tay và lẩm nhẩm:
- Này xem này có sao đâu.
Đôi mắt bà không chớp lên, luôn luôn nhìn xuống đất một cách bâng quơ. Đôi mắt và làn mi đen tuyền làm thành một đường cong dài trên một mặt phẳng bất xúc động.
Người đàn ông nhìn bàn tay của người đàn bà, bàn tay đen sạm, da sần sùi như đã dầm nước dãi nắng nhiều, những ngón tay cong khoèo như nhánh cây không thể vươn thẳng được. Oâng hỏi:
- Bị từ bao giờ?
- Không rõ. Người đàn bà trả lời.
Bà xoè hai chân ra và hỏi:
- Ông học nhiều sách vở có biết tại sao tôi bị chứng phong biển không?
Người đàn ông không trả lời, cười nụ giả lả, và đưa tay lên sửa gọng kính. Người đàn bà tiếp:
- Mỗi lần xuống biển lội về là mấy cái mụn nhọt cứ bưng nở ra những hoa ghẻ. Oâng nhìn xem.
Bà kéo gấu quần lên, trên sóng lưng chân trước mắt cá mấy cái mụn đang thời kỳ cương mủ, những cái khác đã khô xẹp chỉ còn lại những vết thẹo. Bà vừa xoa tay lên lưng hai bàn chân vừa kể lể những nguyên nhân mơ hồ và huyền bí của những vết thương trên cơ thể:
- Mẹ tôi có lối giải thích riêng của bà, người đàn bà vừa nhìn ra hướng biển vừa nói. Mẹ tôi nói sở dĩ tôi bị như vậy là vì tôi chưa được rửa thể. Theo lời mẹ tôi kể thì phong tục trong làng là khi mới chào đời mọi đứa trẻ sơ sanh đều được nhúng xuống nước bể. Người ta tin là nước bể có thể khử được nhiều chứng bệnh. Hồi đó khi sanh tôi ra trời mưa bão và biển động. Bố tôi đi vắng. Các cô tôi ở nhà không dám chèo ghe ra xa nên chỉ gội sơ đầu tôi trên bờ. Vì vậy mà người tôi chưa sạch hết các thứ phong ngứa. Mẹ tôi còn bảo trong phép rửa thể ấy còn có nghi lễ chích ở đầu ngón chân cái cho mấy giọt máu độc trong người chảy ra. Các cô tôi dấu tiệt không chích lễ cho tôi vì vậy khi lớn lên tôi mới bị bao nhiêu bệnh tật hành hạ.
Người đàn ông chăm chú lắng nghe, tay vân vê chiếc xách tay bên cạnh, hàng chữ mực nguệch ngoạc Bác Sĩ Nguyễn Đại Bàng đã gần phai mòn trên mặt da nhựa. Người đàn bà say sưa nhắc lại chuyện cũ.
- Còn bố tôi thì kết luận rằng tôi bị Hà Bá trừng phạt. Oång bảo tôi là con nhà chày lưới lẽ ra phải thường xuyên xuống nước luyện tập bơi lội cho thân thể mạnh mẽ và dẻo dai. Nhưng tôi đã không làm điều ấy nên phải nhận chịu đòn quật ngược của biển cả.
Người đàn ông bật cười thành tiếng, nhấp nhô nhịp người ra trước và sau, rồi quay sang người đàn bà hỏi:
- Sao không thử làm theo lời ổng dạy?
- Tưởng làm theo lời ông dễ lắm à, bà nói. Hồi nhỏ tôi cũng bị bố tôi xô xuống rào bao nhiêu bận. Oång đã tưởng tôi có thể bơi như rái. Nhưng bố tôi lầm. Không phải người ta sinh ra từ bọc nước rồi bị đẩy xuống nước hoài thì tự nhiên lội được. Tôi nặng quá là nặng. Đã có lần tôi bẩo cho ổng biết là tôi cảm thấy mình quá nặng và vụng về trong cái việc tập bơi. Từ đấy ổng có vẻ thất vọng mỗi lần thấy tôi xuống biển ngồi lười biếng ngâm mình trên cạn.
Khuôn mặt người đàn bà như dần dần linh động theo từng lời kể lể, hai cánh mũi bắt đầu hinh hích rung, đôi mắt chớp nháy và đảo quanh. Bà rướn người lên, chỉ tay ra hướng biển và nói:
- Xem kìa biển thật hấp dẫn, xanh biếc.
Bất thần quay sang hỏi người đàn ông.
- Ông bác sĩ có biết bơi không?
- Sơ sơ, người đàn ông đáp.
- Học ở đâu vậy?
- Piscine.
Người đàn bà ngẩn lên nhìn người đàn ông một cách tò mò, chiếc áo cộc ngắn cũ để lộ một phần cánh tay ông còn trắng phệt. Bà nói:
- Bố tôi thường nói nếu bơi được ra ngoài kia thì tha hồ.
- Tha hồ gì?
- Tha hồ tự do.
- Tự do?
- Tự do vùng vẫy trên biển, nước biển mặn làm người nhẹ ra. Tự do ngợp ngụa trogng nó, sảy bao nhiêu cánh tay vẫn còn thấy biển mênh mông, đạp bao nhiêu nhịp vẫn cứ thấy biển vô tận. Đã lắm.
Người đàn ông nheo mắt nhìn theo hướng chỉ của người đàn bà. Ngoài xa, nhiều người đang lao mình trên mặt biển trông họ chới với như sắp mất hút nhưng rồi họ lại nổi lên và tiếp tục bơi.
Người đàn bà nói tiếp:
- Bố tôi, kẻ vẫn tự hào là một tay bơi lão luyện, thường nói chỉ những người tiếp nhận được ân sủng của biển cả như ổng mới tận hưởng được niềm giao du sung sướng ấy. Những tay bơi bị chết đuối thường bị ù ù cạc cạc nên đã xem thường hoặc lạm dụng biển cả.
Bà dừng lại, đưa tay lên xoa những vết mụn, rồi tiếp:
- Mà đều phải biết bơi kìa, cái ngữ như tôi xuống biển chỉ hứng toàn sóng.
Người đàn ông vẫn dán chặt mắt vào những hình thù đang di động trên mặt biển.
Người đàn bà tiếp:
- Dầm mình trong bờ nước đục sóng cạn đập vào người, nó vật mình đến khổ thân, đến sinh bệnh…
Khi người đàn ông ngừng ngắm nhìn ra khơi, quay lại nhìn xuống ha chân người đàn bà thì thấy mấy cái nốt mụn cương mủ đã vỡ ra, một lớp cát mỏng bám quanh.
Ông nói:
- Phủi bớt cát đi.
- Ngứa quá, người đàn bà lẩm nhẩm. Khỏi, để lát nữa tôi xuống nước. Xuống biển lội đã ngứa lắm. A! Mấy con ruồi khốn nạn.
Bà đưa tay vỗ đốp lên mắt cá. Mấy con ruồi bay lảng ra rồi lại quần vù vù quanh quẩn. Phía tay trái của hai người, xa xa, những người tỵ nạn hớn hở vây quanh mấy thùng sò huyết trên chiếc bếp lộ thiên gồm mấy phiến đá. Khói bốc lơ lửng giữa bãi biển, mùi sò huyết bay đến tận chỗ hai người ngồi. Người đàn ông mở xách tay, lấy đưa cho người đàn bà một phong bì và nói:
- Có thư từ Việt Nam.
Người đàn bà không xoay lại đỡ phong thư, nói:
-Thư ai vậy?
- Người gửi Đặng Thị Liệt Nữ. Người nhận Trần Thị Nhạn.
- Con tôi đấy.
- Còn ở Việt Nam?
- Ừ.
Người đàn ông vân vê lá thư trên tay rồi ngập ngừng hỏi:
- Được mấy cháu?
- Tất cả là bảy. Sẩy thai một chết non một. Một thằng trai đầu lòng mất tích hồi di tản chiến thuật năm bảy lăm. Đứa con gái kế lấy chồng nay còn ở Long Khánh. Tôi dẫn theo ba đứa nhỏ.
- Thư đây.
- Khỏi. Nó mắng tôi. Đọc làm gì.
- Chưa bóc thư mà.
- Thư nào mà nó chẳng lặp đi lặp lại một lời ấy.
Người đàn ông đặt lă thư xuống cát. Người đàn bà nói:
- Thư trước nó mắng tôi già rồi mà không nên nết còn trốn đi vượt biên.
Một đám trẻ con độ mươi đứa ăn mặc lôi thôi lếch thếch đang chạy bày trò chơi trên cát, di chuyển đến gần chỗ hai người ngồi. Một đứa đề nghị:
- Tụi mình chơi trò Bà Điên đi.
- Mày giả làm bà điên bưng mặt khóc hu hu. Tụi tao đi theo ghẹo nghen.
Một đứa con gái trong bọn vén quần lên đi ngả nghiêng và lẩm nhẩm nói những câu vô nghĩa. Lũ trẻ vừa chạy vừa theo chọc ghẹo vừa vỗ tay hát: ‘Bà Điên đi vượt biên ở tù ba tháng, đi tắm nước giếng ở tù ba năm.’
Khi lũ trẻ đi ngang chỗ hai người ngồi, người đàn bà bỗng vùng dậy và vốc cát bay đầy. Lũ trẻ lảng chạy tản mác. Bà xua hai tay lên không và nói:
- Đồ…ranh…con.
Cát bay mù mịt quanh chỗ hai người. Người đàn ông lúi húi mở xách tay tìm chiếc khăn che mũi và phủi cát bám trên người. Oâng nói với người đàn bà:
- Thôi. Ngồi xuống đi.
Người đàn bà ngồi xuống chỗ cũ, hai tay ôm lấy mặt. Một lúc sau bà mở hai tay ra, hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má. Bà quay sang hướng người đàn ông và nói giọng đầy thổn thức:
- Bàng, Bàng bác sĩ thấy tôi vẫn tỉnh táo phải chứ?
Người đàn ông gật đầu chiếc kính cận trệ gọng của ông như sắp rơi xuống đất. Ngoài xa, bọn người bơi lội đã thưa dần và chỉ còn lại hai bóng người đang cố bơi sải đua. Họ như mất hút trong những bọt nước trắng xóa nhưng rồi họ nổi lên và lại tiếp tục bơi. Ông tránh nhìn hình ảnh khốn khổ của người đàn bà, tóc bà rủ ra, làn da đen nám chảy xuống đôi má hóp, gió thổi phất phơ hai ống quần thâm. Tiếng hát của lũ trẻ vẫn vang vang: ‘Bà Điên đi vượt biên ở tù ba tháng, đi tắm nước giếng ở tù ba năm.’
- Lũ trẻ chế nhạo tôi, người đàn bà nói.
- Đừng tự mang những lời ấy lên mình, người đàn ông nói.
- Bà già chồng và mấy con em chồng mắng tôi quân giòi ăn.
- Họ quá lời.
- Con gái tôi cũng khinh tôi nữa.
- Cô ấy còn nhỏ.
- Cả cái trại tỵ nạn này ai cũng xầm xì đồ cái quân trốn chúa lộn chồng. Ăn ở bạc như vậy bị nó đè ra cũng đáng, con chết chẳng ai thương. Quả báo nhãn tiền đấy. Còn rên rỉ nỉ non cái nỗi gì nữa.
Người đàn ông ngồi thẳng người như ưỡn ngực ra, nói gằn giọng:
- Bà cứ tự nhủ rằng chúng ta đi tìm tự do. Chúng ta sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nó. Mặc những lời người khác nói.
Người đàn bà mở mắt lớn và ngẩng nhìn người đàn ông qua màn lệ, nói:
- Ông mặc họ được hả?
Bà sững sờ nhìn ông nhơ tìm kiếm điều gì trên khuôn mặt lẫn khuất dưới đôi kính trắng dày cộm. Đôi mắt bà như chợt bước ra khỏi vùng hôn mê u ám của khuôn mặt phẳng lạnh cũ, thoảng nét vô ưu nào đó hiện về trong giây lát. Nhưng rồi cả bầu trời như chợt sụp đổ trong khóe mắt ấy. Bà lắc đầu ủ rũ và nhìn đi nơi khác.
Ánh nắng chiều đã tàn lặn từ bao giờ. Không gian bắt đầu sẫm đục sương biển và bốc mùi nồng mặn. Trên không vài cánh chim biển lẻ loi bay về hướng mây mù xa khơi. Gió biển hú lên từng cơn dài. Tiếng những lon nhôm mắc trên hàng rào kẽm gai quanh trại gõ nhịp hòa nhạc điệu, tiếng lá dương xào xạc reo vút vào mênh mông. Người đàn bà như ngây ngất bởi lượng gió và lượng âm thanh của ngoại vật reo hò. Bà rùng mình như lột vỏ và ủ nửa khuôn mặt vào mái tóc đã rối xoà, nói dịu dàng:
- Này Bàng.
- Chuyện gì? Giọng người đàn ông thấp và gần.
- Kể chuyện gì đi.
Người đàn ông cười nụ giả lả, nụ cười làm nhấp nhô những sợi ria mép dày và ướt.
Người đàn bà nói tiếp:
- Này Bàng.
- Chuyện gì?
- Chóng nhỉ?
- …
- Mới đấy mà đã gần ba mươi năm.
Người đàn ông lẩn tránh đôi mắt nhìn của người đàn bà, không đáp.
- Ai ngờ gặp Bàng ở cái trại tỵ nạn này.
Bà thổ ra một tràng dài như tụng kinh:
- Ngày ấy tôi nhớ mỗi lần Bàng nắm tay mẹ về thăm chúng tôi. Tôi thấy hai mẹ con Bàng thơm mùi đồng lúa, trắng trẻo và thanh thoát như người trên cây trên lá xuống. Còn chúng tôi như người kẻ biển quanh năm chỉ hứng một mùi mặn nồng của biển, mùi cháy nám của da. Tôi mong cho mẹ Bàng và Bàng về để chị em tôi được cầm những miếng cốm xanh đưa lên mũi ngửi cho thoả thích trước khi bỏ vào miệng. Còn Bàng chắc cũng trông chờ những ngày nghỉ để theo mẹ ra thăm chúng tôi, để được tha hồ phơi nắng biển cho đến khi mầu da trắng phệt lột và người Bàng trở thành một mầu đồng rám.
Bàng có nhớ những buổi chiều trên bãi biển làng tôi, trong khi chờ người lớn đi đánh cá về, cả Bàng và tôi đã ngồi dưới mấy gốc cây keo cũng nhìn ra biển như bây giờ. Tôi thích thu thập những hạt keo khô để rủ Bàng chơi đánh chẵn lẻ. Trong khi Bàng thích kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Bàng thường kể chuyện Tấm Cám, truyện thằng Cuội, truyện Con Muỗi. Tôi còn nhớ khi kể đến truyện Thạch Sanh, Bàng hồ hởi đứng dậy biểu diễn điệu bộ Thạch Sanh hùng dũng cứu công chúa lâm nạn ra sao. Khi kể đến truyện Hòn Vọng Phu, Bàng chỉ ghềnh đá cuối làng và cố mô tả hình ảnh người thiếu phụ hóa đá như thế nào. Hồi đó Bàng bắt chước phường tuồng kể truyện hay quá làm tôi có cảm tưởng lớn lên Bàng sẽ là Thạch Sanh và tôi sẽ là công chúa. Bàng sẽ trở thành chinh phu cỡi ngựa oai hùng còn tôi sẽ trở thành chinh phụ chung thủy chờ chồng nuôi con. Thật là buồn cười.
Bàng đã giảng cho tôi nghe bài địa lý rằng làng tôi nằm tựa mình trên một đại dương có cái tên rất đẹp: Thái Bình Dương. Tôi đã thắp thỏm vì sao mình mình sanh ra ở vùng nước mặn mà không thể bơi giỏi được. Bàng đã hứa với tôi điều gì nào. A! Phải rồi. Những ngôi nhà èo ẹp của làng tôi ở cạnh biển. Có những năm bão mạnh, sóng lớn táp vào bờ; chúng ăn mất từng phần đất, cuốn trôi từng mảnh tường và nóc nhà. Vậy mà những người trong làng sau mỗi cơn bão lại tiếp tục sửa sang và xây đắp những ngôi nhà bị lở. Họ không bao giờ bỏ làng mà đi. Họ nhẫn nại và can đảm chống đỡ những cơn bão biển để sống sót từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời nọ. Ngày ấy Bàng đã hứa với chị em tôi rằng khi lớn lên Bàng sẽ học nghề xây nhà để dựng cho chúng tôi những ngôi nhà thật vững chắc mà sóng không thể làm trôi nền, gió không thể cuốn nóc, và bão không thể cuốn sập được.
Bà dừng lại, ngước nhìn người đàn ông. Trông ông im lìm, mắt nhìn xa khơi ra dáng trầm tư.
- Bàng còn nhớ những lúc học chữ Nôm không? Bà nói.
Người đàn ông nhỏm người, nhìn vạt cát trước mặt, vốc tay sâu xuống cát lún và mát rồi cười, nói:
- Nhớ, ‘Nôm na là cha mách qué’ ấy à.
- Hứ, ghẹo tôi vậy chứ sao hồi đó Bàng học chữ Hán.
Người đàn bà chống hai tay lên đầu gối, mắt nhìn ra khơi và tiếp tục kể lể:
- Còn tôi thì được chú Thảo tuyển lựa trong bầy con không con trai của người anh để thí mạng truyền dạy lại nghề viết câu đối, cái nghề gia bảo mấy đời cố tổ để lại.
Tôi đã vật lộn với ba cái bút lông và mấy tờ giấy bối cũng khổ sở như vật lộn tập bơi trên biển. Tôi thì thuận tay trái, mỗi chuyện tập tay phải cầm bút cho đúng phép tắc không thôi là cả một nỗ lực lớn lao. Chú Thảo nghiêm khắc với tôi hơn, bao giờ cũng bắt tôi ngồi trong cái chòi tranh của chú tâp viết lâu hơn ai hết. Chú bảo tôi, ‘Con nhà kẻ biển, để luông tuồng phóng khóang quen thân.’ Mơ ước của tôi thuở ấy là làm sao viết được những mặt chữ như phượng múa rồng bay cho chú Thảo khỏi rủa. Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy khi mình sắp viết được những câu đối đẹp nhất thì bị sóng biển tràn lên làm ướt nhòe hết.
Mỗi lần về chơi với chúng tôi, Bàng nhớ không? Bàng thường cầm tay tôi, hai đứa cùng tập viết được chữ đẹp. Có hôm Bàng và tôi phải mất một buổi mới nắn nót xong ba chữ Tiên Học Lễ. Hôm sau tôi sung sướng chia sẻ với Bàng cái triện son đỏ chói trên trang giấy và lơi ban khen có hoa tay viết chữ đẹp như chú Thảo. Bàng đã cầm vân vê mãi trang giấy và nói với tôi đừng bao giờ làm mất mấy trang vở đẹp và quý ấy.
Bàng biết mấy tập vở ấy sau này ra sao không?
- Sao?
- Tiêu luôn từ cái năm ấy. Để xem nào. Năm Việt Minh nổi dậy là năm mấy? Năm bốn lăm phải không? Năm ấy Bàng ra Hà Nội học rồi đi biệt tích. Còn chú Thảo thì đi theo Việt Minh. Khỏi nói, chú đi rồi bầy môn sinh hiếm hoi của chú dẹp luôn mấy quyển vở lá bổi, tha hồ rong chơi làng trên xóm dưới như ngựa hoang. Cả làng tôi chỉ mỗi mình chú là thông Nôm, viết chữ có nghệ thuật và trung thành với nghề của cha ông để lại. Đến khi chú đi theo Việt Minh! Đâu còn ai làm cái việc bắt bầy trẻ học đồ học viết tuồng chữ ấy nữa.
Còn Bàng sau này có tiếp tục gì nữa không?
- Không, người đàn ông nói. Sau này bận học tiếng Pháp nhiều.
Ông tháo gỡ chiếc kính cận xuống, lau hai mặt kiếng lên thân áo đã bạc cũ, rồi hỏi:
- Còn cái thằng Hiền con ông Đồ Lễ thì sao?
Người đàn bà quay sang nhìn người đàn ông, rồi quay lại úp mặt xuống hai tay trên đầu gối, và nói:
- Bao nhiêu năm rồi mà Bàng cũng không quên nó à? Có phải Bàng vẫn còn giữ trong lòng mối ghen tị vì nó viết chữ đẹp trội nhất. Nó đâu có tốt số như Bàng. Nó ở lại làng và nghe nói sau này hai cha con bị Việt Minh đấu tố chết vì trong nhà treo giữ mấy bức hoành phi, mấy câu đối của ông nội, người bị ghép vào tội địa chủ.
- Còn thằng Nhượng Cả Quỷnh?
- Cái thằng viết chữ tồi nhất lớp ấy à. Thằng này sau di cư vào Nam lấy cái Én em tôi đấy.
- Thế ông bà cụ cũng vào Nam luôn chứ?
- Bố mẹ tôi đèo bồng chúng tôi chạy ngược ra Vinh, từ Vinh chạy về Đồng Hới xuôi về Đà Nẵng, rồi vô Nha Trang.
Người đàn ông bó hai tay quanh đầu gối, đầu hơi quay về hướng người đàn bà,hỏi:
- Thế lập gia đình từ bao giờ?
Người đàn bà ngẩng đầu lên và lấy tay che mặt bằng mười ngón tay rồi kể lể:
- Vào Nam được nửa năm thì tôi gặp nhà tôi. Chúng tôi lấy nhau vì tình. Anh ấy yêu tôi và tôi cũng yêu anh ấy. Nhưng hạnh phúc đến với chúng tôi chẳng được bao lâu thì anh ấy đã phải vào quân đội. Ba đầu ảnh vào lính Bảo An sau đổi sang Biệt Động Quân.
Anh ấy là lính tác chiến nên quanh năm xa vắng nhà, một năm chỉ được dăm ba tuần phép về thăm gia đình. Tuy bận rộn hành quân liên miên nhưng hàng tháng ảnh vẫn gởi trọn khoản tiền lương và những cánh thư đầy ắp yêu thương về mẹ con tôi.
Tôi tha hồ tiêu xài hoang phí tình thương của chồng tôi gói ghém trong những xấp giấy bạc mới toanh ấy. Tôi say sưa đánh số đề đến sạch bách lương lậu của chồng. Mới đầu tôi còn biên đề, sau rồi thành luôn chủ đề. Tôi ngụp lặn trong trò chơi đen đỏ này đến dứt không nổi. Mỗi tuần lễ tôi chỉ ngóng đợi một chiều thứ ba, ngóng chờ cái giây phút máu trong người nóng lên rộn ràng khi nghe điệu nhạc cùng tiếng ông ca sĩ Trần Văn Trạch trỗi dậy: ‘Xổ số quốc gia…Mua số mau lên…Sổ xố gần đến…Triệu phú đến nơi năm mười đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi…’ Chồng tôi biết tôi sa đà nhưng vì bận công vụ phần vì thương yêu tôi nên đành thả mặc cho tôi quẳng tiền vào từng xấp số đè mỗi thứ ba hàng tuần. Ngược lại, tôi cũng yêu thương chồng con tôi tha thiết, tôi sẵn sàng sống chết vì tình, vì chồng, vì con.
Người đàn bà nấc lớn nghẹn ngào. Bà khóc to như một đứa trẻ, tiếng khóc của bà lớn quá làm những người tỵ nạn đang lục tục thu dọn những thùng sò huyết phải cau mặt nhìn lại. Trên không gió càng lúc càng rít mạnh. Tiếng thông reo như tranh âm vang với tiếng sóng biển.
- Năm bảy lăm, người đàn bà quệt nước mắt nói tiếp. Khi cộng sản về nhà thì tôi ruta vô khu. Cũng bởi ảnh không ra trình diện nên ở ngoài tôi bị tịch thu tất cả đồ đạc và nhà cửa. Chúng tôi không được cấp phát khẩu phần như những người khác. Các con tôi không được đi học. Mẹ con tôi như bị bó rọ trước những gọng kìm là những đôi mắt cú vọ của bọn công an nhân dân. Chúng tôi bị bó buộc phải về vùng kinh tế mới để kiếm sống.
Giữa những cơn đói và những cơn nắng cháy da xé thịt của cái xứ Vĩnh Cẩm, vùng đất này chỉ cày lên được khoai sắn cách thị xã Cam Ranh không bao xa, tôi ngồi chống cuốc lên luống khoai mà mơ môt bát cơm trắng dẻo không độn ngô khoai, mơ một vòng tay đầy đam mê âu yếm, mơ được tung hoành trên sóng nước mênh mông mát rười rượi, mơ đến những xấp số đề chất đầy nỗi bồi hồi nghẹt thở kia.
Tôi vùng dậy và nhất định tìm đường ra biển.
Tôi dẫn ba đứa nhỏ trốn theo một gã tình nhân bộ đội. Đấy là một gã nhô con đẹp trai nhưng quỷ quái và hung hiểm. Tôi sẳn sàng trao thân cho gã để đánh đổi những gì mình đang khao khát. Gã hứa hẹn sẽ dẫn tôi đến một vùng trời mơ ước, nhưng gã vơ vét hết tư trang của tôi rồi đẩy mẹ con tôi lên chiếc ghe của những kẻ xa lạ.
Chiếc ghe rời bãi Cam Ranh và trực chỉ ra khơi biển Thái Bình Dương. Nhưng vì nghe không có tài công chuyên nghiệp nên chạy được ba đêm thì dạt vào vịnh Thái Lan và gặp đá ngầm gần vỡ ra. Một chiếc tàu đánh cá Thái Lan vớt được tám người. Các con tôi đều chết chìm trên biển. Tôi sống sót sau khi đã bị gã bộ đội gạt gẫm và dày vò đến tan nát, sau khi đã mất những đứa con thân yêu về tay biển cả.
Bà nấc nghẹn tức tưởi sau mỗi đoạn kể lể. Bà cuộn hai tay quanh đầu gối và rúc đầu vào đấy như loài chim biển vùi đầu xuống cát xoay khoan thân thể mình, giọng bà khẩn khoản:
- Giữa những tang thương đổ nát vô cùng này, giấc mơ thủơ tóc còn để chỏm lại bỗng hiện về với tôi. Từng đêm tôi bị đánh thức bởi một giấc mộng. Tôi mơ thấy tôi muốn viết những câu đối đẹp tựa phượng múa rồng bay trên thứ giấy bổi như ngày nào. Nhưng ô kìa, trước mặt tôi toàn là những xấp giấy biên đề và tay tôi chỉ viết ra những con số. Nước biển không làm nhoè ướt mà làm nổi nhẹ mọi thứ. Cả tôi nữa, cũng nhẹ tênh trên mặt nước. Và bỗng nhiên tôi có thể bơi được. Tôi biết bơi. Trời ơi! Tôi biết bơi giữa lúc sắp chìm trên chuyến vượt biển vừa qua, giữa những cơn thức dậy kinh hoàng mồ hôi tháo ướt như tắm.
Người đàn bà dừng lại và chìm đi trong nỗi im lặng chất ngất. Lâu lắm khi những đợt sóng đã rút xa và để lại một bờ trơ đầy những rong biển đen lẫn với đá và ốc vỡ, khi những luồng gió trên không rít mạnh hơn và mang theo men lạnh phủ toả bầu trời hoàng hôn choạng vạng, khi bãi vắng chỉ còn lưa thưa vài người tỵ nạn đang phị những viên cảnh sát Thái nhặt lượm rác rến; bà mới ngẩng đầu lên ngơ ngác nhìn sang người đàn ông. Trông ông cũng tả tơi xơ xác dưới lớp gó và cát biển bám đầy áo quần tóc tai và mặt mũi:
- Chị và xấp nhỏ vẫn còn ở Sài Gòn hả? Người đàn bà hỏi.
Người đàn ông gật đầu, vân vê chiếc quai xách như sắp sửa phủi tay nhổm người đứng dậy. Người đàn bà nhặt lá thư dưới cát lên, xé chiếc phong bì ra và đọc. Bà trừng trừng nhìn vào lòng giấy. Đôi mắt bà sưng húp, ráo hoảnh, và không lay động. Bà lẩm nhẩm: ‘Kính thăm bà ngoại… Cháu nghe nói ngoại bị ghẻ. Bị ghẻ có đau không hả ngoại? Mà ngoại bị ghẻ gì vậy? Ghẻ ruồi, ghẻ đỏ, hay ghẻ gì vậy? Mà làm sao ngoại bị ghẻ vậy?...
Lê Thị Huệ
(trích tuyển tập truyện ngắn Bụi Hồng, xuất bản năm 1984)
No comments:
Post a Comment