Khải Định Nghĩ Về Đồng
Khánh
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Khải Định và Đồng Khánh là niên hiệu của hai
ông vua Triều Nguyễn. Đồng Khánh là vua cha, Khải Định là vua con. Nhưng Khải
Định nghĩ về Đồng Khánh không phải là câu chuyện ông vua con nghĩ về ông vua
cha. Đây là câu chuyện người học trò con trai nghĩ về người học trò con gái.
Thật vậy, Khải Định và Đồng Khánh là niên hiệu của
hai ông vua Triều Nguyễn đã được đem đặt tên cho hai ngôi trường trung học nổi
tiếng ở Huế, Trường Trung Học Khải Định và Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh. Khải
Định nghĩ về Đồng Khánh là câu chuyện người học trò con trai ở trường Khải Định
nghĩ về người học trò con gái trường Đồng Khánh kế bên.
Trường Khải Định và trường Đồng Khánh cùng
quay mặt ra đường Lê Thái Tổ. Phía trước là sông Hương. Bên kia sông là Kinh
thành, một giải trường thành rêu phong cổ kính, vọng lâu ngất ngưỡng, kỳ đài vòi
vọi. Hai ngôi trường ở kế bên nhau, cách nhau một con đường nhỏ, có bờ tường
thấp. Cách nhau một con đường cho có lệ vậy thôi, chừng như để nhắc nhở những
cặp chim non tập tễnh những bước đầu đời trên con đường phiêu lưu tình cảm cần
lưu tâm đến miệng thế thị phi. Chứ đường ngang lối tắt Thành phố
Huế thiếu gì ngõ ngách quanh co, mà học trò hai trường mỗi lần bãi học, tuy cách
nhau trước sau mười lăm phút, nhưng cứ như là ong vỡ tổ, người đi xe đạp, kẻ đi
bộ, nếu có tình ý chi mà "kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu" thì có thiếu gì cơ
hội, cần chi phải tìm gặp nhau nơi con đường nhỏ ngăn đôi hai bờ
tường!
Nói cho ngay thì con đường nho nhỏ ngăn đôi
hai ngôi truờng cũng đã từng có huyền thoại. Hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào
trường Khải Định cuối năm 1945, tôi đã được các anh lớn kể cho biết trước kia,
khi còn có nội trú bên trên các dãy lầu của Khải Định và Đồng Khánh, có đôi tình
nhân học trò yêu nhau thắm thiết mặn nồng, nhưng "yêu nhau thì đặng mà lấy nhau
thì không đặng" nên cả hai, vào một đêm nhạt ánh trăng sao đã leo lên cửa sổ
phòng nội trú, bám vào ống máng, chàng bên này lầu tây, nàng bên kia lầu đông,
cách nhau một con đường nhỏ có bờ tường thấp, để "nhìn nhau mà lệ ứa" hết khóc
lại than, rồi trong một lúc quá đau đớn mà mất cảnh giác nên sẫy tay, để thân
xác rơi xuống lòng đường nặng nề như hai trái mít rụng, nát thịt tan thây. Người
đời cho rằng thôi thế cũng là hay, cát bụi lại trở về với cát bụi, cứ để họ trả
cho xong cái nợ hình hài, rồi tình yêu ấp ủ bấy lâu sẽ theo gót linh hồn vừa
được giải thoát mà thăng hoa vào cõi vĩnh hằng.
Truyện kể như vậy, hồi nhỏ tôi nghe thì nghe
vậy thôi, thơ ngây chẳng nghĩ ngợi gì. Sau này khôn lớn, nhớ lại chuyện xưa, tôi
nghĩ rằng câu chuyện chẳng hợp lý cho lắm. Trường nội trú đâu phải là trại giam
kiên cố đối với nguời tình học trò con trai, càng không phải là cung cấm thâm
nghiêm đối với người tình học trò con gái. Vậy thì cuối tuần nghỉ học, thiếu gì
cơ hội gặp nhau. Lầu đông lầu tây tuy có ngăn cản chim xanh đưa tin đi lại trong
những ngày đi học, nhưng chiều chiều tan lớp, chàng bên này đường, nàng bên kia
đường, vẫn có thể nhìn nhau qua đôi khung cửa sổ, để cho chàng mơ mộng
:
"Lầu tây đối diện lầu đông,
"Nắng chiều đỏ ối nhuộm hồng chấn song.
"Vẩn vơ lòng những hỏi lòng,
"Người đâu ở chốn lầu đông áo hồng?
"Nắng chiều đỏ ối nhuộm hồng chấn song.
"Vẩn vơ lòng những hỏi lòng,
"Người đâu ở chốn lầu đông áo hồng?
và mong ước
:
"Mơ theo lá gió chim cành,
"Luồn qua ngăn cách cho mình có nhau."
"Luồn qua ngăn cách cho mình có nhau."
Rồi tình cảnh có trắc trở, duyên phận có bẽ bàng, có
muốn cùng chết bên nhau cho trọn vẹn lời thề thì thiếu gì nơi thuận lợi, này cầu
Bạch Hổ, này Ngã ba Sình, sông sâu nuớc chảy, chỉ một phút buông xuôi là rũ sạch
nợ đời, việc gì phải leo lên khung cửa sổ, bám vào ống máng bờ tường để tìm cái
chết nặng nề, đã không thơ mộng mà lại cũng chẳng thoải mái chút
nào!
Theo với thời cuộc đổi thay, con đường biên
giới giữa hai ngôi trường cũng thay đổi theo. Đầu năm 1946, trường Khải Định
được nhường cho quân đội Pháp đóng quân. Cho đến hơn mười năm sau, khi quân dội
Pháp rút về nước và trường Khải Định lấy lại tên cũ là Trường Quốc Học, con
đường nho nhỏ từng có huyền thoại riêng đã trở nên đìu hiu quạnh quẽ, vắng bóng
học trò. Ngay cả người dân thuờng cũng lánh xa con đường đó. Ai dại gì đi qua
những lỗ châu mai lấp ló nòng súng và những tròng mắt trắng dã của những nguời
lính gốc Phi châu.
Con đường biên giới giữa hai ngôi trường bây
giờ được chuyển vào bên trong truờng Đồng Khánh. Số là truờng Khải Định, sau một
thời gian phải dời vào Đại Nội, rồi qua trường Việt Anh, lên trường Lý Thường
Kiệt, giữa năm 1948, được chia một nửa cơ ngơi của trường Đồng Khánh. Khải Định
được phân nửa nằm ở phía tây con đường đi từ cổng chính đến sân chơi (préau).
Học trò của Khải Định đi học, đi vào cổng chính, nhưng chỉ được đi theo con
đường đó một đoạn ngắn mà thôi. Qua khỏi văn phòng hiệu trưởng là phải rẽ vào
con đường nhỏ đi thẳng đến dãy lầu lớp học. Học trò của Đồng Khánh đi học, đi
vào cổng bên, phía dinh Phủ Doãn, qua khỏi cổng là đến ngay dãy lầu lớp học đối
diện. Như vậy, con đường biên giới giữa hai ngôi truờng , trừ phần ngoài cổng
chính đi vào, không một học sinh nào được phép đi lại. Sáng sáng, vào giờ tựu
trường, chỉ thấy thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ thong dong đạp chiếc xe đu-ra
bóng lộn từ cổng chính tiến vào, theo con đường biên giới đến cột cờ, từ từ rẽ
sang phải, đi về phòng giáo sư, và trăm lần như một, xe thầy còn xa mới tới bậc
thềm đã thấy bác Tôn tùy phái văn phòng chạy ra đỡ lấy xe mang vào bên trong.
Đây là màn show rửa mắt buổi sáng quen thuộc của bọn học trò con trai chúng tôi.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ được tiếng
là người quen biết rộng, nên thầy qui tụ được một số giáo sư nổi tiếng. Lại nữa,
Thủ Hiến Trung Việt hồi đó là ông Phan Văn Giáo là người biết chiêu hiền đãi sĩ.
Nhiều nhân sĩ Bắc Hà vừa ở vùng cộng sản trở về thành, e ngại ở Hà Nội bị rắc
rối với chính quyền thân Pháp ngoài đó nên đã tìm vào Huế qui tụ dưới trướng ông
Phan Văn Giáo để nương tựa. Bỡi các lẽ đó, trường Khải Định có được những giáo
sư cừ khôi như Nguyễn Đức Quỳnh (Trốt kít), Đái Đức Tuấn (Nhà văn), Từ Ngọc Toản
(Nhạc sĩ), Nguyễn Khắc Du (Đại Việt), Lê Hữu Khải (Việt Quốc), Ngô Văn Hân (Việt
Quốc), Phan Ngô (Việt Quốc), Cao Văn Luận (Triết học), Bạch Văn Ngà (Toán học),
Tôn Thất Lương (Hán học), Nguyễn Văn Thích (Hán học) v.v... Một số giáo sư và
nhân viên ngành giáo dục được bố trí ở trong khuôn viên nhà trường. Những vị có
gia đình, trong những ngày tạnh ráo, lúc sáng sớm tinh mơ chưa nổi trống tựu
trường, hay những buổi chiều tà sau giờ tan học, thường đưa cả nhà tung tăng đi
dạo trên con đường biên giới ngăn đôi phần đất hai ngôi trường Khải Định-Đồng
Khánh. Cảnh đẹp thơ mộng đất đế đô chừng như thêm phần rực rỡ vì bóng sắc kiều
mị của những người đẹp Bắc Hà như phu nhân giáo sư Trịnh Hồ Uy, bào muội giáo sư
Vũ Đình Chính. Ngược lại, cũng có nhiều gia đình cư ngụ trong khuôn viên nhà
trường mà rất mực cổng kín tường cao, quanh năm không hề có ai được giáp mặt,
chỉ "kiến kỳ thanh mà bất kiến kỳ hình", trong số này có người bạn của tôi thời
"trúc mã thanh mai", trước năm 1945 ở nhà liền nhau, chơi với nhau rất thân
thiết :
"Thiếp phát sơ phú ngạch
"Chiết hoa môn tiền kịch.
"Lang kỵ trúc mã lai
"Nhiễu sàng lộng thanh mai.
"Đồng cư Trường Can lý
"Lưỡng tiểu vô hiềm xai.
(Trường Can Hành. Lý Bạch)
"Chiết hoa môn tiền kịch.
"Lang kỵ trúc mã lai
"Nhiễu sàng lộng thanh mai.
"Đồng cư Trường Can lý
"Lưỡng tiểu vô hiềm xai.
(Trường Can Hành. Lý Bạch)
Hồi tản cư cuối
năm 1946, tôi còn gặp lại bạn tôi lần chót trong một cái quán nhỏ vùng Ưu Điềm,
bạn tôi đứng trông hàng giúp mẹ. Rồi thôi. Bây giờ, ngày ngày đi học, tôi nghe
bọn học trò con trai ca tụng bạn tôi ghê gớm lắm, thế mà tôi chẳng biết mặt mũi
bạn tôi bây giờ thay đổi ra sao. Hẳn là bạn tôi đã lớn và xinh đẹp
lắm.
Cuối năm
học 1948-1949, Hội Đồng chấm thi Trung học Đệ nhất cấp ở Huế tổ chức thi tại
trường Khải Định. Ban A là ban Hán tự chỉ có thí sinh của trường Khải Định dự
thi mà thôi. Ngược lại, ban B là ban Anh văn rất đông thí sinh, ngoài thí sinh
của hai trường Khải Định, Đồng Khánh, còn có thí sinh các trường Pellerin,
Providence, Nguyễn Du, Lycée francais v.v... Điều đáng nói là thầy cô trường
Đồng Khánh năm đó hạ quyết tâm dành giải khôi nguyên cho thí sinh của trường.
Trước ngày thi cả tháng trời, Hội Đồng Giáo sư trường Đồng Khánh nhóm họp, có cả
các đại diện học sinh các lớp đệ tứ của trường tham dự. Trong kế hoạch đoạt giải
khôi nguyên có mục nhận diện đối thủ tức là khoanh tên những nam thí sinh có khả
năng đậu đầu kỳ thi năm đó. Tin tức tình báo của bọn học trò con trai Khải Định
chúng tôi cho biết là sổ đen của ban tham mưu trường Đồng Khánh có ghi các tên
Ngô Đình Long, Thái Công Tụng, Nguyễn Xuân Chánh và Hồ Văn Châm. Hồi đó, Bùi Hữu
Lân cũng học giỏi có tiếng, nhưng vì Bùi Hữu Lân dự thi ban A Hán tự nên không
can dự gì đến quyết tâm tranh giải khôi nguyên của trường Đồng Khánh, do đó mà
Bùi Hữu Lân thoát khỏi sự chiếu cố của bàn tay các người đẹp. Đến ngày thi, lúc
giám khảo xướng danh vào phòng, nghe tôi và Nguyễn Xuân Chánh ngồi liền bên
nhau, nhiều tiếng thì thào đã nổi lên. Giám khảo phòng thi của chúng tôi là giáo
sư Hồ Văn Lê trường Đồng Khánh. Suốt mấy ngày thi, thầy Lê giám sát tôi và
Nguyễn Xuân Chánh sát nút. Thầy bắt hai chúng tôi ngồi tách ra xa nhau, mỗi đứa
ở tít tận một đầu bàn. Kỳ thi năm đó, tôi đậu đầu và Nguyễn Xuân Chánh đậu thứ
sáu. Người học trò con gái trường Đồng Khánh đậu cao nhất có ngôi vị thứ 18. Từ
năm đó, chúng tôi không còn nghe bên trường Đồng Khánh bàn bạc chuyện tranh giải
khôi nguyên với bọn học trò con trai chúng tôi nữa. Điều lý thú là thầy Hồ Văn
Lê là chú họ của tôi. Dạo đó tôi biết chú nhưng chú không biết tôi. Chiến tranh
liên miên, đâu còn có dịp nhóm họ nhóm làng để cho người lớn biết đến bọn nhỏ.
Mãi mấy năm sau, nhân dịp họ chúng tôi họp để phiên dịch gia phả bản chữ Hán ra
quốc ngữ, thầy Hồ Văn Lê và tôi mới có dịp nhận chú cháu, và khi nhắc lại câu
chuyện thi cử mấy năm về trước, thầy Hồ Văn Lê cũng thấy câu chuyện là nực
cười.
Trường Đồng Khánh thuở đó chưa có các lớp
trung học đệ nhị cấp, nên học trò con gái sau khi thi đậu trung học đệ nhất cấp
là phải qua học tiếp bên trường Khải Định. Lớp Đệ tam Khoa học A
năm đó được vinh hạnh đón nhận 8 cô, vừa vặn ngồi hai bàn đầu. Có mặt học
trò con gái cũng không làm cho bọn học trò con trai tử tế hơn được chút nào. Lý
do là vì đa số học trò con trai so ra thì nhỏ tuổi hơn học trò con gái lại chưa
biết làm duyên làm dáng. Một số ít lớn tuổi hơn, đã biết ăn biết diện, thì đi
tìm thần tượng ở lứa con gái nhỏ tuổi đang còn cắp cặp ngày ngày sắp hàng vào
các lớp học ở bên kia con đường biên giới phân chia hai ngôi trường. Tết năm đó
tôi có bài thơ tám câu ghi tên 8 cô bạn học cùng lớp :
"Thần Kinh vui đón tiết XUÂN AN,
"HƯƠNG THẢO bâng khuâng quyện lá vàng.
"Gió thổi LÊ rơi đầy thạch động
"Mây đùn lụy nhỏ ngút THIÊN THƯƠNG
"HƯƠNG THẢO bâng khuâng quyện lá vàng.
"Gió thổi LÊ rơi đầy thạch động
"Mây đùn lụy nhỏ ngút THIÊN THƯƠNG
"THANH HÀ một giải chia đôi ngã,
"THU CÚC mười bông đã chín tàn.
"Mũi chỉ đường KIM CHI phải bận,
"CẨM HÀ một bức hóa công ban.
"THU CÚC mười bông đã chín tàn.
"Mũi chỉ đường KIM CHI phải bận,
"CẨM HÀ một bức hóa công ban.
Bài thơ này chẳng có ý tứ gì sâu sắc, chỉ là loại thơ
lắp ghép cho đủ chữ đủ vần, nhưng bọn học trò con trai chúng tôi ồn ào chuyền
tay nhau đọc, xem chừng đắc ý lắm. Đến giờ ra chơi, bạn Lê Mộng Quán viết bài
thơ lên bảng đen, lại lấy phấn màu tô rồng tô phượng, nắn nót mấy chữ chúc mừng
xuân mới rất chi là "hoa lá cành". Nhưng không may cho chúng tôi, giờ học tiếp
theo là giờ thầy Phan Ngô. Vừa trông thấy cái bảng đen đầy màu sắc, thầy Phan
Ngô đã vội nghiêm nghị nói lớn : "Anh nào viết lăng nhăng lên bảng thì lên chùi
đi ngay". Bạn Lê Mộng Quán lại phải vội vã lên bảng xóa sạch tất cả, và chúng
tôi tiu nghỉu ngồi im nhìn bụi phấn bay qua khung cửa sổ.
Một trong những vẻ đẹp linh hoạt của thành
phố Huế là cảnh tan học của hai trường Khải Định-Đồng Khánh, nhờ vào dòng người
áo trắng nữ sinh. Trường Jeanne d' Arc, trường Mai Khôi, trường Bồ Đề cũng có nữ
sinh, nhưng cảnh tan học không bì được với cảnh tan học của hai trường Khải
Định-Đồng Khánh. Trường Trưng Vương, trường Couvent du Domaine de Marie ở Hà
Nội, trường Trưng Vương, trường Gia Long, trường Marie Curie ở Sài Gòn, những
trường này thiếu gì nữ sinh sắc nước hương trời. Thế nhưng cảnh tan học của
những trường này cũng không bì được với cảnh tan học của hai trường Khải
Định-Đồng Khánh. Lý do là vì học sinh những trường này vừa ra khỏi cổng là phân
tán ngay ra bốn phương tám hướng. Trong lúc đó, học sinh hai trường Khải
Định-Đồng Khánh ra khỏi cổng thì chỉ một phần rất nhỏ ngược lên Bến Ngự, Nam
Giao, còn tuyệt đại bộ phận thì theo đường Lê Thái Tổ xuôi xuống phía cầu Trường
Tiền, nhiên hậu mới phân rẽ làm hai dòng, dòng qua Thành Nội, dòng xuống Tòa
Khâm. Suốt một đoạn đường Lê Thái Tổ từ cổng truờng đến chân cầu Trường Tiền,
những tà áo trắng nối tiếp nhau diễn hành, hàng hàng lớp lớp cho người thế gian
chiêm ngưỡng. Ai đi xa Huế mà không cảm thấy cái nhớ nhung bàng bạc trong tâm
hồn, mỗi khi hồi tưởng đến cảnh tan học Khải Định-Đồng Khánh. Ai trở về Huế khi
chưa quá đỗi già nua, nhựa sống trong người chưa cạn kiệt, mà không thử một lần
đi ngược đường Lê Thái Tổ vào giờ bãi trường. Tôi còn nhớ cảnh nhà văn Tô Kiều
Ngân mang lon trung úy trên vai nhưng đầu để tóc trần chải mượt, lái chiếc
xe jeep quân đội bỏ mui, sáng sáng chiều chiều, từ từ đi ngược
dòng người nữ sinh áo trắng. Đối với con mắt lạnh lùng của người nhà binh tuân
thủ quân kỷ thì đó là chuyện không được làm, nhưng đối với tâm hồn khai phóng
của người thanh niên văn nghệ thì đó là thơ, là nhạc, là mộng, là mơ, là cuộc
sống hết mình, là sống cho đáng sống. Dù đã đi xa hay vẫn còn ở lại, dù có trở
về hay mãi mãi ly hương, những ai xưa kia vốn là người của Khải Định, có khi nào
nghĩ về Đồng Khánh, thì trước hết vẫn nghĩ đến cảnh bãi trường Khải Định-Đồng
Khánh với dòng người áo trắng nữ sinh :
"Ta nhớ kinh kỳ ngày đầu thu năm ấy,
"Đường Lê Thái Tổ rải hoa nắng lung linh.
"Bím tóc đong đưa xuôi bờ vai nhún nhẩy,
"Theo buớc chân em, lòng ta rợn ngợp men tình...
"Đường Lê Thái Tổ rải hoa nắng lung linh.
"Bím tóc đong đưa xuôi bờ vai nhún nhẩy,
"Theo buớc chân em, lòng ta rợn ngợp men tình...
Thế là Khải Định nghĩ về Đồng Khánh suốt cả
cuộc đời, trọn cả kiếp người. Với tình yêu và lòng bao dung độ lượng
:
"Đôi ta như keo sơn
"Gắn liền thành một khối
"Không thể chia lìa.
"Mãi mãi đến muôn vạn ngày sau.
"Gắn liền thành một khối
"Không thể chia lìa.
"Mãi mãi đến muôn vạn ngày sau.
Ottawa, tháng tư,
1996
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Minh Vũ Hồ Văn Châm
No comments:
Post a Comment