Chữ hiếu một vị vua
Giáo sư Nguyễn Phú Thứ
LTS - Như quý độc giả đều biết, Giáo sư Nguyễn Phú Thứ, bút hiệu Hàn Lâm là học giả và là nhà biên khảo đã viết các bài giá trị đăng báo khắp nơi có cộng đồng người Việt, để đóng góp trong việc bảo tồn di sản Phong Tục Tập Quán Văn Hóa VN và trong lãnh vực giáo dục ông đã nghiên cứu, sưu tầm để viết những tác phẩm Việt ngữ và song ngữ Pháp Việt rất đắc dụng, cho nên Gs Nguyễn Phú Thứ đã được Thủ Tướng Chánh Phủ Pháp trao tặng huy chương giáo dục cao quý "Đệ Ngũ Đẳng Hàn Lâm" năm 2003 vừa qua. Mới đây, Gs Nguyễn Phú Thứ đã được mời tham gia vào "Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật, Khoa Học và Nhân Văn Hoàng Gia Việt Nam" do Tiến Sĩ Võ Thanh Liêm, làm chủ tịch và Công Nương Công Huyền Tôn Nữ Đài Trang làm chủ tịch danh dự. Đây là một vinh dự lớn lao cho cộng đồng người Việt và xin chúc mừng Gs Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ.
Khi nói đến bổn phận làm con phải biết kính hiếu đối với cha mẹ, mà không kể vua Tự Đức có hiếu với mẹ là thiếu sót, cho nên trích dẫn trong quyển Tìm Hiểu Các Danh Nhân từ trang 279 đến trang 281 cùng tác giả Nguyễn Phú Thứ như sau:
Để Tưởng Nhớ Vua Tự Đức Là vị vua rất có Hiếu với Mẹ bậc nhứt trong 13 vị Hoàng Đế Triều Nguyễn
Được biết, vua Tự Đức là con thứ hai của Vua Thiệu Trị (1841-1847) và Bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (1810-1901) tức Bà Phạm Thị Hằng quê quán làng Tân Niên Đông, huyện Tân Hòa, Tỉnh Gò Công (thuộc Gia-Định thành).
Để được đầy đủ tiểu sử Bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, may thay! tôi được giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm từ Nam California Hoa kỳ gởi tặng đặc san Tiền Giang Hậu Giang số 6 phát hành năm 2002, thì thấy từ nơi trang 221 đến 226 có bài viết của Nguyên Minh, xin mạn phép trích dẫn sơ lược như sau: " ...Theo tài liệu sưu tập thì nhũ danh của bà là Phạm Thị Hằng. Gia phả dòng Phạm Đăng còn ghi rõ là: "Ngự húy bên tả là chữ Nữ, bên hữu là chữ Càng tức là chữ Hằng". Ngoài ra, ở một phần khác của gia phả lại ghi nhũ danh của bà là Phạm Thị Hằng Nga với lời chú thích "nguyên nhân đặc tên đó là vì lúc thọ thai phu nhân Quốc Công Phạm Đăng Hưng tức bà Phạm Thị Dụ chánh thất nằm mộng thấy trên đỉnh màn một vầng trăng tròn". Bà được triệu về kinh vào năm 14 tuổi và mãi đến khi vua Tự Đức lên ngôi vua, thì bà được tôn phong là Hoàng Thái Hậu hiệu là Từ Dũ... khi bà băng hà, gia phả dòng Phạm Đăng ghi rằng tôn thụy của bà là: "Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai Tức Tuệ Dạt thọ Đức Nhân Công Chương Thái Hoàng Thái Hậu" và lăng tẩm của bà tọa lạc tại Xương Thọ Huế.
Về ngày sanh và ngày mất của bà như sau:
- Ngày sanh của bà, theo Thủy Lan Vy cho biết, bà sanh ngày 9 tháng 5 Âm lịch năm Canh Ngọ (1810). Về năm tháng thì gia phả dòng Phạm Đăng cũng ghi như vậy, nhưng ngày sanh lại là ngày 19 (mười chín). Về điều này, gia phả còn chú thích thêm là ngày Nhâm Thân, giờ Kỷ Dậu. Sách Đại Nam Liệt Truyện, tập III, trang 25 ghi bà sanh ngày 9 tháng 5 mùa hạ năm Gia Long thứ 9. Điều này cần được soi rọi để biết là ngày 9 hay 19?
- Ngày mất của bà, theo Thủy Lan Vy cho biết, bà mất vào ngày 5 tháng 4 Âm lịch năm Nhâm Dần (1902) thọ 92 tuổi. Về ngày tháng thì gia phả cũng ghi như vậy, nhưng thêm chi tiết là giờ Mão ngày mùng 5 (Canh Tý) vằ năm là năm Tân Sửu, với tuổi thọ 93. Ở đây, có mấy điểm cần xét lại:
Về năm Tân Sửu, gia phả dòng Phạm Đăng còn chú thích thêm là năm Thành Thái thứ mười ba. Vua Thành Thái lên ngôi năm 1889. Từ đó suy ra thì năm thứ mười ba của ngài làm vua là năm 1901, đúng là năm Tân Sửu. Đại Nam Liệt Truyện; tập III, trang 64 cũng ghi là bà mất vào năm Tân Sửu (1901). Tuy nhiên, nói đến tuổi thọ thì gia phả dòng Phạm Đăng cũng như Đại Nam Liệt Truyện lại sai. Hai tư liệu này ghi là bà thọ 93 tuổi. Nếu đem hai ngày sanh tử trừ đi sẽ là 91 năm và theo quan niệm người Việt Nam thì tính là 92 tuổi. Phải chăng người ghi chép muốn tăng tuổi thọ cho tiền nhân để muốn nói lên cái "đại phúc" của bậc tiền bối của mình?
Tóm lại, năm tháng sanh của bà Từ Dũ được xác nhận là năm Canh Ngọ (1810), tháng 5 nhưng ngày thì không biết 9 hay 19. Còn ngày mất của bà là ngày mùng 5 (Canh Tý) tháng 4 năm Tân Sửu (1901), thọ 92 tuổi.
Bà con của Phạm Đăng Hưng Thượng Thơ Bộ Lễ, được tuyễn vào cung làm vợ Hoàng Tử Miêng Tông tức Vua Thiệu Trị sau này và sanh được hoàng tử Hồng Nhậm tức vua Tự Đức (1847-1883), vua Tự Đức mất ngày 14 tháng 6 năm Quý Mùi nhằm ngày 17 tháng 7 năm 1883, trị vì 36 năm, thọ 55 tuổi. Vua Tự Đức là vị vua thông minh, hiền lành, hiếu học, siêng năng và rất hiếu thảo với mẹ là Bà Từ Dũ được nhắc nhở như sau:
Trải qua 36 năm làm Vua trên ngai vàng, Vua Tự Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe mẹ, đồng thời nghe lời truyền bảo của mẹ, nếu có điều gì quan trọng đáng lưu tâm thì ghi ngay vào quyển sổ tùy thân mà nghiền ngẫm. Đó là, quyển sổ từ huấn lục (tức quyển sổ chép lời mẹ dạy). Còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, chớ không vì làm Vua có vạn năng quyền thế mà lơ là bổn phận làm con. Hơn nữa, khi có việc gì lo âu, liền thỉnh ý mẹ để xin đươợc nghe lời dạy bảo của mẹ. Chính vì thế, mà Bà Từ Dũ đã từng đề nghị giảm thuế má cho dân vào những năm bị thiên tai mất mùa, đói kém cũng được Vua Tự Đức đều làm theo ý mẹ. Có lần, ngày mai là đến kỳ giỗ kỵ tiên đế Thiệu Trị, thế mà hôm ấy Vua Tự Đức ham đi săn bắn, gặp nước lụt chảy xiết mạnh bất ngờ, Vua quan chưa dám dùng thuyền hồi cung, phải mắc kẹt chốn ngoại thành thuộc rừng Thuận Trực. Bà Từ Dũ sai quan Nguyễn Tri Phương đi rước, khi vào cung, vua biết lỗi, dâng roi, nằm xuống chờ quở phạt. Bà Từ Dũ giận, quay mặt chẳng nói một lời, sau đó mới tha cho hình phạt, chỉ trách dạy bằng lời mà thôi.
Xem thế, đủ biết Vua Tự Đức thờ mẹ rất chí hiếu bực nào, cho nên nếu có bất cứ người nào có lòng hiếu kính mẹ, huống hồ một vị Thiền Sư Nhất Định có mẹ già đau ốm phải lo chăm sóc thức ăn mặn cho mau lành bịnh đi đôi với đi tu, vì thế bị người đời dị nghị, nhưng Thiền Sư cứ để ngoài tai, cứ lo tròn bổn phận làm con cùng tu hành đi đôi tại An Dưỡng Am.
Lâu ngày, chuyện này đến tai Vua Tự Đức, Vua sai người theo dõi, tìm hiểu hư thực thế nào? Khi Vua biết hoàn cảnh của thiền sư sự thật, Vua vô cùng cảm động, rồi cho tu bổ An Dưỡng Am, cung cấp lương thực để nuôi dưỡng bà mẹ của thiền sư, để thiền sư có điều kiện tu hành hơn. Sau đó, Vua Tự Đức còn ban biển ngự đề "Sắc Tứ Từ Hiếu Tự". Kể từ đó, An Dưỡng Am trở thành chùa Từ Hiếu lưu danh đến ngày nay.
Như đã thấyVua Tự Đức là người con chí hiếu đối với mẹ là Bà Từ Dũ, vì thế bất cứ việc gì làm cho người mẹ buồn phiền, thì nhà Vua xem như bất hiếu.
Do vậy, khi giặc Pháp đã chiếm đươợc lục tỉnh thuộc Nam Kỳ lúc bấy giờ, trong lãnh thổ này có quê hương của Bà Từ Dũ, làm cho nhà Vua rất tức giận và trút hết tội tình lên một vị quan văn trung thần ái quốc là Ông Phan Thanh Giản, mà không xét lỗi mình là Ông Vua của một nước có quân, có quyền trong tay và lại có hành xử chủ hòa với giặc Pháp?
Như thế, ở đời chúng ta nên: "Xét lỗi mình trước khi xét lỗi người" có vậy mới thấy trung thực của mọi vấn đề. Đó là bài học đáng quý vậy!
Khi nhắc đến Ông Phan Thanh Giản, không thể tạm ngưng ở đây, để tìm hiểu thêm xin trích dẫn quyển Tìm Hiểu Các Danh Nhân của Nguyễn Phú Thứ từ trang 65 đến trang 84 như sau:
Ông Phan Thanh Giản, có tên chữ là Tịnh Bá và Đạm, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, sinh vào giờ Thìn, ngày 12, tháng 10 thuộc Tý, năm Bính Tý tức năm 1796 Dương lịch, thuộc đời vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quảng Toản (1792-1802). Con của Ông Phan Thanh Xáng, tự Văn Ngạn, hiệu Mai Thư tiên sinh, rất giỏi chữ Nho, đến Vĩnh Long làm thơ lại cho Nam triều, thường lãnh nhiệm vụ tãi lương thực về Huế. Và con của Bà Lâm Thị Phần (có sách nói tên Lâm Thị Bút, người huyện Bảo An).
Ông nội của Ông Phan Thanh Giản là Ông Phan Thanh Tập tự Đào Ấn hiệu Ngẫu Cư tiên sinh và Bà nội là Bà Huỳnh Thị Học. Tổ tiên Ông là người Trung Hoa đến cuối đời nhà Minh mới sang nước Việt Nam, trước ở Bình Định (miền Trung), đến lúc Tây Sơn nổi dậy, thân sinh Ông chạy xuống Định Tường (miền Nam), rồi đến xã Bảo Thạnh, quận Bảo An, tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa trước kia). Lúc Ông đươợc 7 tuổi, mẹ mất, được người cha gởi sang bên ngoại ở làng Phú Ngãi, để ăn học vở lòng với nhà sư Nguyễn Văn Noa, đến năm 1816, Ông theo học trường tỉnh Vĩnh Long. Việc học hành của Ông lại gặp trở ngại, vì cha bị vu cáo nên bị ở tù tại Vĩnh Long. Ông xin ở tù thay cha, nhưng không được chấp thuận. Các quan thuở ấy thấy Ông nhỏ tuổi mà là một đứa con hiếu thảo, lại có đức hạnh và thông minh, nên các quan nâng đỡ cùng khuyên Ông nên cố gắng học hành để tiến thân. Năm Ất Dậu 1825, Ông đậu Cử Nhơn tại Gia Định và năm sau ra Huế thi Hội và thi Đình, Ông đậu đệ tam tiến sĩ đầu tiên tại Nam Kỳ (Khoa thi Hội năm 1826 có khoảng 200 cống sĩ, nhưng kết quả chỉ có 10 người đậu, gồm: 7 người ở Bắc Kỳ, 2 người ở Trung Kỳ và 1 người ở Nam Kỳ là Ông được đứng vào hạng thứ 3 trong số 10 người, cho nên được gọi Ông là "Đệ Tam Giáp Tiến Sĩ"). Sau đó, Ông cưới vợ Cần Giuộc, rồi được bổ nhậm chức Biên Tu ở Hàn Lâm Viện kinh đô Huế, vài tháng sau đổi ra Quảng-Bình. Rủi thay người vợ trẻ ở Cần Giuộc mất sớm vì bịnh, nên Ông tục huyền với Bà Trần Thị Hoạch ở Quảng Trị, sống chung nhau chưa bao lâu, để báo hiếu với cha, Ông cho vợ về Kiến Hòa để phụng dưỡng cha già. Người vợ là người đức hạnh nên buộc lòng hy sinh việc "xuất giá tùng phu", nghe lời chồng, cho nên khi Ông khi tiễn đưa vợ hiền về Nam Kỳ đã làm bài thơ kiệt tác như sau:
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng nầy tạc dạ có non sông,
Đường mây cười tớ ham dong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng,
Ơn nước nợ trai đành lỗi bận,
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng,
Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt,
Rằng nhớ, rằng quên, lòng hởi lòng!
Riêng bà Trần Thị Họach, không những đồng ý thay chồng để báo hiếu, mà còn sẵn sàng muốn có người hầu hạ cho chồng khi bà xa vắng, nên dẫn người tỳ thiếp tên Thịnh để giúp chồng, bị Ông quyết liệt từ khước và bảo người tỳ thiếp trở về, Bà Thịnh cảm cái nghĩa của Ông, nên về sau không lấy chồng, mà ở với Bà Hoạch cho tới già tại làng Bảo Thạnh, quận Bảo An, tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, khi Ông ra làm quan không bao giờ tỏ ra kiêu hãnh "áo gấm về làng" bằng cách mỗi lần trở về quê thăm lại các quan ở Vĩnh Long, thăm các thầy, thăm các bạn lúc nào cũng nhã nhặn lễ phép, không phô trương ta đây là quan lớn ở triều đình, Ông mặc áo như người thường dân. Đời sống Ông rất mực thước, giản dị, thanh liêm, Ông dành nhiều thì giờ cho công vụ và đọc sách làm vui, cũng vì thế trong 41 năm làm quan, ít khi trở về thăm lại quê hương của Ông, có lẽ vì đường xá quá xa xôi, việc nghỉ phép khó khăn, đặc biệt có lần về nhà cư tang cha vào năm 1843 và ngược lại bà Hoạch cũng thỉnh thoảng mới ra thăm Ông tại nhiệm sở. Về đường quan lộ của Ông rất thăng trầm trong nhiều chức vụ khác nhau của các lãnh vực trải qua 3 triều đại: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, xin trích dẫn như sau:
Giai đoạn 1826-1859, Ông lận đận, thăng trầm trên đường hoan lộ nhiều lần, ví như tháng 8 năm 1826 thuộc vua Minh Mạng thứ 6, Ông giữ chức Biên Tu ở Hàn Lâm Viện, rồi được thăng chức Lang Trung Bộ Hình, kế đến Tham Hiệp ở Quảng Bình, quyền Hiệp Trấn Nghệ An và sau đó làm Hiệp Trấn Quảng Bình. Năm sau tức 1827 Ông được về triều đình để nhận chức Phủ Doãn Thừa Thiên, Ông được vua Minh Mạng chú ý vì có nhận định chánh trị sắc bén và già dặn, nên ít lâu sau được thăng làm Thị Lang Bộ Lễ tức làm việc tại Nội Các và kế đến lại tái nhậm chức Hiệp Trấn Quảng Bình lần thứ hai đến năm 1831 Ông bị thuyên chuyển về Quảng Nam để dẹp cuộc khởi loạn của dân tộc thiểu số miền sơn cước. Cuộc chinh phạt đó, Ông gặp khó khăn vì là quan văn, nên xem như thất bại, cho nên Ông bị giáng chức lần thứ nhứt. Rồi, Ông từ một thuộc viên của sứ bộ sang Hạ Châu (Singapore), lại thăng lên Hàn Lâm Kiểm Thảo Sung Ni Các Hành Tẩu, đến năm 1833 được thăng Viên Ngoại Lang Bộ Hộ, quyền ấn, Phủ Thừa Thiên, rồi Hồng Lô Tự Khanh và cuối năm này, Ông được cử làm Phó Sứ sang Tàu, sau khi trở về được thăng chức Đại Lý Tự Khanh để coi việc Bộ Hình và được sung vào Cơ Mật Viện Đại Thần. Sau đó, vì nhờ tài ngoại giao, nên Ông được khen ngợi và lãnh chức Kinh Lược Sứ Trấn Tây (Cao Miên), rồi trở về sung chức Bố Chánh Tỉnh Quảng Nam, quyền ấn Tuần Phủ Quan Phòng. Vào tháng 5 năm 1836 thuộc vua Minh Mạng thứ 7, nhà vua muốn ngự du Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam, Ông dâng sớ cản ngăn đại lược như: "Nhà vua đi tuần hành, dân trong hạt chẳng vui mừng, nhưng nay khoảng tháng 4, tháng năm mùa hạ, mùa lúa không được tốt, lại đang lúc thời tiết cấy cày, trồng trọt, nếu dân lo cung đón nhà vua thì được việc này, mất việc kia. Nay xin tạm đình để dân dốc sức vào việc ruộng nương...".
Lá sớ của Ông làm vua tức giận và nghi các quan ở Quảng Nam làm việc bê bối, nên vua cử Ông Vũ Duy Tân đến điều tra hư thật. Ông này lại nịnh hót đặt điều nào: Dân chúng đang mong vua đến, các quan nhũng lạm...
Vì thế, Ông bị nịnh thần dèm xiển, nên bị giáng chức nặng nề, làm phận sự một người quét dọn bàn ghế tại tỉnh đường Quảng Nam và nhà vua cũng bãi bỏ cuộc ngự du Quảng Nam. Tuy nhiên, Ông không than van, đến khi vua hiểu được lòng của Ông, thì được bổ nhậm chức Đô Sát Viện Ngự Sử, Sung Cơ Mật Viện Đại Thần. Đến năm 1843 thuộc vua ThiệuTrị thứ 3, có một luồng khí bạch vắt ngang trời, vua xuống chiếu cầu lời trực ngôn, Ông dâng sớ chỉ trích khéo vua và tố cáo sự thối nát hành chánh địa phương, đồng thời Ông đề nghị biện pháp cải thiện, Ông được vua Thiệu Trị khen ngợi. Vua Tự Đức lên ngôi bổ Ông làm Thượng Thơ Bộ Lại, đến năm Tự Đức thứ hai, Ông được cử làm Giảng Quan ở tòa Kinh Diên mới thiết lập và hai năm sau Ông được cử làm Phó Sứ Lãnh Tuần Phủ Gia Định kiêm chức Lãnh Đốc các đạo Vĩnh Long và Định Tường, Biên Hòa, An Giang và Hà Tiên (Trong khi Ông Nguyễn Tri Phương làm Nam Kỳ Kinh Lược Chánh Sứ). Trong chức vụ này, Ông lúc nào cũng nghĩ đến ích nước lợi dân, nên Ông lại dâng sớ điều trần để cải tổ, được vua chấp thuận và khen ngợi. Năm 1853, Ông được gọi về triều để lãnh chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ Lãnh Thượng Thơ Bộ Binh. Tháng Chạp năm 1856 thuộc Tự Đức thứ 9, Ông được cử Tổng Tài Quốc Sử để soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Nước Pháp và Tây Ban Nha liên minh đánh Việt Nam, gồm 14 chiếc thuyền chở 3,000 quân dưới quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly, ngày 24-7 năm Mậu Ngọ 1858 đến đánh Đà Nẵng, triều đình cử Ông Nguyễn Tri Phương chống giữ, quân giặc thấy khó chiếm, bèn bỏ ý định đánh Huế, quay vào Gia Định năm 1959 để đánh chiếm thành Gia Định sau hai ngày giao tranh, chiếm được hơn 80,000 ký thuốc súng, 200 khẩu đại bác và một số tiền điếu rất lớn. Các quan bày tỏ lập trường về việc chiến hay thủ, Ông dâng sớ bàn đại lược như sau: "Thiên hạ đất rộng, công việc rất nhiều, ở chỗ việc nhiều, cai trị chỗ đất rộng, cốt làm cho yên mà thôi. Theo sức người mà dạy, không khó nhọc mà thành công, noi phép mà cai trị, quan lại quen mà dân yên, cho nên lợi không gắp trăm thì không đổi phép, công mà không gắp mưu thì không đổi đồ dùng. Làm cái kế ngày nay cốt nhứt nuôi dân chăm cày cấy, nuôi lính đủ ăn, lưu ý như thế thì sức dân được thư thả mà quân có chỗ dạy, sức đất không bỏ phí mà lương có chỗ ra, quân giỏi, lương đủ thì như nước chảy cuồn cuộn không hết, thì hoặc đánh hoặc giữ, không việc gì là không nên, đối với việc dân yên nước thịnh, may ra bổ ích đôi chút...". Vua Tự Đức khen rằng: "Lời nói đều có cốt yếu, bọn tân tiến không thể ví nổi, chỉ nên thực lòng cố sức giúp trẩm, đời sau chắc có tiếng khen". Kế đến: Ngày 25-2-1861 thành đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) thất thủ, em Ông Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Duy tử trận, ông Phạm Thế Hiển bị thương nặng mấy hôm sau thì chết, riêng Ông Nguyễn Tri Phương cũng bị thương phải bỏ đồn rút quân về Biên Hòa. Ngày 12-4-1861 Page hạ thành Mỹ Tho; ngày 9-9-1861 Đề Đốc Bonard thay Charner chiếm thành Biên Hòa và ngày 28-3-1862 Bonard chiếm thành Vĩnh Long. Trước tình thế nguy ngập, vua Tự Đức cử Ông và Ông Lâm Duy Hiệp vào Nam Kỳ để thương-thuyết hầu tìm cách cứu vãn tình thế, cuộc thương thuyết diễn ra tại SàiGòn, có Đô Đốc Bonard đại diện quân Pháp và tướng Palanca đại diện Tây Ban Nha. Kết quả, bắt buộc phải ký hòa ước vào ngày 5-6 DL năm 1862 nhằm ngày 9 tháng 5 ÂL năm Nhâm Tuất, quân giặc ở thế thượng phong, gồm 12 khoản, trong đó những khoản làm cho dân tộc chúng ta khổ tâm như:
- Khoản 3: Nhường cho Pháp các tỉnh: Biên Hòa, Định Tường, Gia Định và đảo Côn Nôn. Người Pháp được đi lại trên sông ngòi Nam Kỳ.
- Khoản 5: Người Pháp và người Tây Ban Nha (Y Pha Nho) được buôn bán ở Đà Nẵng, Đà Lạt và Quảng Yên.
- Khoản 8: Nước Đại Nam tức Việt Nam phải trả 4 triệu đồng chiến phí trong hạn 10 năm... (Còn tiếp 1 kỳ)
Giáo sư Nguyễn Phú Thứ, Paris
No comments:
Post a Comment