Vị Trí Thành Khu Túc
Lịch sử Việt Nam là lịch sử
tranh giành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây về cả hai mặt chính trị và
văn hóa. Ảnh hưởng phương bắc đến từ nước Tàu, ảnh hưởng phương tây đến từ Ấn Độ
và gần đây là từ các nước Tây Dương. Nơi đối đầu lịch sử là miền Trung bộ, chủ
yếu là vùng Bình Trị Thiên. Lược bỏ thời sơ sử mù mịt mà Bình Trị Thiên được sử
cũ gọi là bộ Việt Thường nước Văn Lang, cứ xét thời Bắc thuộc trở về sau, nhất
là từ khi nước Lâm Ấp được thành lập khởi nguyên từ huyện Tượng Lâm quận Nhật
Nam (Quảng Nam ngày nay) vào năm 192 sau Công nguyên, niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời
vua Hiến Đế nhà Hán, thì quả tình suốt một giải đất bắc bộ quận Nhật Nam (Bình
Trị Thiên) đã là chiến trường miên viễn giữa Giao Châu và Lâm Ấp, rồi về sau giữa
Đại Việt và Chiêm Thành. Trong cuộc chiến tranh giằng co kéo dài qua mười mấy
thế kỷ đó đã nổi bật một địa điểm chiến lược vô cùng quan trọng, đó là thành
Khu Túc.
Vấn đề được nêu lên là
Thành Khu Túc chính xác tọa lạc ở nơi nào?
Sở dĩ có vấn đề này là
vì trước đây, sử cũ nước ta không mấy khi đề cập đến thành Khu Túc, thảng hoặc
có nói tới thì cũng chỉ là nhân tiện lặp lại những điều ghi chép trong sử cũ
Trung Quốc có đề cập đến thành Khu Túc. Mà sử cũ Trung Quốc tuy đôi lúc ghi
chép rất rõ ràng về thành Khu Túc, như niên đại các biến cố xẩy ra trong vùng
lân cận thành Khu Túc, hay số lượng vọng lâu, chiều dài, chiều cao và độ dày của
tường thành, v.v., nhưng chỉ đại lược cho biết thành Khu Túc ở quận Nhật Nam mà
không minh thị xác định vị trí cụ thể của thành. Đến thời kỳ nước Đại Cồ Việt,
rồi nước Đại Việt được thành lập, người nước ta bắt đầu soạn thảo quốc sử, thì
toàn bộ quận Nhật Nam đã mất hẳn về Chiêm Thành, biên giới giữa Đại Việt và
Chiêm Thành là ở Hoành Sơn, nên sử cũ nước ta khi chép lại những tình tiết trong sử Trung Quốc về cuộc chiến dằng co giữa
Giao Châu và Lâm Ấp tại Khu Túc là một chiến lũy tọa lạc ở biên cương, đã dễ
dàng vì thực tế trước mắt (1) mà lầm lạc nhận định rằng chiến lũy ở biên cương
đó tất nhiên là ở vùng địa đầu của Chiêm Thành, nghĩa là trong địa phận Quảng
Bình. Do đó mà di tích thành cổ của Chiêm Thành ở Cao Lao Hạ, huyện Bình Chánh,
tỉnh Quảng Bình, cho dù mang những tên gọi khác nhau, như Hoành Sơn cổ lũy, Lâm
Ấp phế thành, Thành Lồi Kẻ Hạ, v.v., thì đều được hầu hết các nhà viết sử thời
trước phỏng đoán là di tích thành Khu Túc trong thư tịch cổ Trung Quốc. Tiếp đến
các nhà biên khảo thời kỳ gần đây, không có điều kiện trực tiếp tham khảo các sử
liệu Hán văn, nên khi ghi chép lại những dữ kiện nói trong thư tịch cũ, gặp một
trở ngại vô cùng lớn lao là các tên người tên đất trong các tài liệu viết bằng
mẩu tự La Mã phần lớn là không được đánh dấu chính xác (hoặc không có dấu, hoặc
đánh dấu sai). Do đó mà Thọ Lĩnh chỉ còn là Tho Linh, để rồi chép đi chép lại,
cuối cùng bị suy diễn lệch lạc (2), Thọ Lĩnh không còn là tên huyện Thọ Lĩnh do
nhà Tấn cắt phần đất huyện Lư Dung tiếp giáp với Lâm Ấp để lập ra nhằm mục đích
củng cố biên cương cực nam của Giao Châu thời đó, mà trở thành sông Thọ Linh được
chú giải trong ngoặc đơn một cách rất chủ quan và tùy tiện là tên cũ sông Gianh
để khẳng định rằng thành Khu Túc nằm trong địa phận Quảng Bình. Như vậy, thư tịch
cũ nước ta, xưa cũng như nay, hầu hết phỏng đoán rằng thành Khu Túc thời Bắc
thuộc nằm trong địa phận Quảng Bình. Chỉ riêng Đại Nam Nhất Thống Chí, là cuốn
địa chí đầy đủ và đáng tin cậy nhất trong các sách địa chí cũ của ta trước đây,
về tỉnh Quảng Bình, mục cổ tích, có nêu lên nghi vấn về di tích lũy cũ Chiêm
Thành ở huyện Bình Chánh, khi thì cho rằng đây là di tích thành Khu Túc, khi
thì cho rằng đây là lũy của vua Lâm Ấp Phạm Văn đắp năm 347 để làm đường phân
ranh Giao Châu-Lâm Ấp. Các sử thần ngày trước cũng như các nhà biên khảo về sau
này lại càng dễ dàng nghiêng về việc phỏng đoán thành Khu Túc tọa lạc ở Quảng
Bình, bởi lẽ Khâm Định Việt Sử cũng như một vài tác giả cận và hiện đại cho rằng
thành Lồi ở xã Nguyệt Biều gần Huế là thành Phật Thệ, kinh đô cũ của Chiêm
Thành (3,4). Kinh đô Phật Thệ ở Huế thì biên thành Khu Túc ở Quảng Bình là điều
vô cùng hợp lý.
Nhưng thực tế lịch sử là thành Phật Thệ ở
Bình Định, còn thành Khu Túc thời Bắc thuộc thì tọa lạc ở vị trí thành Lồi ngày
nay, trong địa phận thôn Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa
Thiên-Huế. Di tích thành Lồi chạy dọc theo bờ nam sông Hương, từ Long Thọ đến gần
ngã ba sông đào Phú Cam, đối mặt với Kim Long bên bờ bắc. Muốn xác định di tích
này là thành Khu Túc ngày xưa, việc đầu tiên là phải chứng minh rằng thành Lồi
Nguyệt Biều không phải là di tích thành Phật Thệ, kinh đô cũ của Lâm Ấp-Chiêm
Thành. Việc tiếp theo là phải chứng minh rằng lũy cũ Chiêm Thành ở Cao Lao Hạ tỉnh
Quảng Bình không thể nào là di tích thành Khu Túc. Việc cuối cùng là phải chứng
minh thành Khu Túc ngày xưa chính xác tọa lạc tại vị trí thành Lồi Nguyệt Biều
hiện nay.
Lâm Ấp-Chiêm
Thành khởi nguyên từ huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam, trong địa phận tỉnh Quảng
Nam nước ta (5). Sử cũ ghi rõ năm 192 sau Công nguyên, niên hiệu Sơ Bình thứ 3
đời Hán Hiến Đế, con viên công tào huyện Tượng Lâm tên là Khu Liên nổi lên giết
huyện lệnh, chiếm chính quyền, dựng cờ độc lập, đóng đô ở Trà Kiệu
(Sinharpura). Sử Tàu gọi quốc gia tân lập này là Lâm Ấp, nghĩa là đô ấp của huyện
Tượng Lâm. Chỉ nửa thế kỷ sau khi độc lập, Lâm Ấp bành trướng vào miền nam và
lên Tây nguyên, và bắt đầu quay ra bắc tranh hùng với người Tàu. Năm 248 sau
Công nguyên, niên hiệu Xích Ô thứ 11 nhà Đông Ngô, Lâm Ấp tiến ra chiếm thành
Khu Túc của quận Nhật Nam, rồi thừa thắng cướp phá các quận thành Cửu Chân,
Giao Chỉ, và san bằng các quận thành này. Tướng nhà Ngô là Lục Dận đem đại binh
sang ứng phó, Lâm Ấp phải lui quân, nhưng vẫn giữ thành Khu Túc. Từ đó, Lâm Ấp
sửa sang Khu Túc thành một căn cứ quân sự hùng hậu, dùng làm căn cứ xuất phát
tiến công cướp phá Giao Châu, cũng như làm căn cứ phòng ngự cho kinh đô Trà Kiệu
chống lại người Tàu. Suốt sáu bảy trăm năm chiến tranh dằng co giữa Giao Châu
và Lâm Ấp trên địa bàn Bình Trị Thiên ngày nay, trải qua các triều Đông Ngô, Tấn,
Tống (Nam Bắc triều), Tề, Lương, Tùy, Sơ Đường, có khi quân Lâm Ấp chiếm đóng
toàn bộ quận Nhật Nam (Phạm Văn năm 347, Phạm Hồ Đạt năm 399, Luật Đà La Bạc Ma năm 541), có khi quân
Tàu phản công không những tái chiếm Nhật Nam mà còn tiến vào thiêu hủy kinh đô
Trà Kiệu (Đàn Hòa Chi năm 446, Lưu Phương năm 605), rút cục, hai bên giảng hòa
lấy bến Ôn Công (Mũi Chân Mây, tức Cap Choumay trong sách Pháp, ở cực nam Thừa
Thiên) làm đường phân ranh Giao Châu-Lâm Ấp (6). Trong quảng thời gian này,
kinh đô Lâm Ấp là ở Trà Kiệu
(Sinharpura), ngoại trừ dưới triều Tùy, khi người Tàu lấy các vùng
Amaravati và Vijaya đặt lại quận Lâm Ấp, người Lâm Ấp phải dời đô vào
Panduranga. Như vậy, không thể có chuyện người Lâm Ấp đã có lúc định đô ở Thừa
Thiên. Đến năm 875, dưới triều Đường Hy Tông, niên hiệu Kiên Phù thứ 2, người
Chàm thiên đô về Đồng Dương (Indrapura) cũng trong địa phận Quảng Nam, và sử
Tàu bắt đầu gọi Lâm Ấp là Chiêm Thành (Champapura). Người Chàm kiến thiết kinh
đô Đồng Dương và thánh địa Mỹ Sơn vô cùng tráng lệ. Tuy rằng lúc này, toàn bộ
Bình Trị Thiên mất hẳn về Chiêm Thành, nhưng đất cát Chiêm Thành phía nam kéo dài
đến tận Bình Thuận, Quảng Nam lại là xứ đông dân nhiều của, không có lý do gì để
Chiêm Thành bỏ Đồng Dương mà thiên đô ra Thừa Thiên. Cho đến khi Giao Châu độc
lập, sử cũ rõ ràng đã chép việc vua Lê Đại Hành năm 982 chiếm thành Đồng Dương,
hủy tông miếu hoàng gia Chiêm Thành (điều này có nghĩa là kinh đô Chiêm Thành
lúc đó ở Đồng Dương), thu vét vàng bạc châu báu, và cắt cử Quản giáp Lưu Kế
Tông chỉ huy đạo quân vua Lê lưu lại chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành. Đến năm
988, dưới triều Lê Đại Hành, niên hiệu Thiên Phúc thứ 9, người Chiêm Thành nổi
lên chiếm lại miền Vijaya, và tôn Ku Xri Harivarman II (Băng vương La Duệ) lên
ngôi vua tại thành Phật Thệ (Chà Bàn) ở Bình Định. Như vậy, không có thời kỳ
nào người Chàm định đô ở Thừa Thiên, và thành Lồi ở Nguyệt Biều không phải là
di tích thành Phật Thệ, kinh đô cũ của Lâm Ấp-Chiêm Thành.
Đành rằng thành Lồi
Nguyệt Biều không phải là di tích của thành Phật Thệ, nhưng muốn khẳng định
thành Lồi Nguyệt Bìều là di tích thành Khu Túc thì còn phải chứng minh thành cũ
Chiêm Thành ở Cao Lao Hạ thuộc huyện Bình Chánh tỉnh Quảng Bình không thể nào
là di tích thành Khu Túc. Việc này cũng không khó. Trước hết là xét về quy mô
và kích thước các tòa thành. Lũy cũ Chiêm Thành ở Cao Lao Hạ, còn gọi là thành
Lồi Kẻ Hạ, là lũy đất, quy mô ngắn hẹp, kích thước thấp nhỏ. Thành Lồi ở Nguyệt
Biều thì theo Trần Quốc Vượng “rất lớn, xây trên vùng đồi Dương Xuân Thượng,
lũy nam 550 mét, lũy đông 370 mét, lũy tây 350 mét, lũy bắc giới hạn xâm thực của
sông Hương 750 mét, với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước” (7). Trở lại
thư tịch cổ Trung Quốc thì ta thấy Thủy Kinh Chú có ghi quy mô và kích thước
thành Khu Túc như sau: “Thành có chu vi 6 dặm, cao 2 trượng, có mở nhiều lỗ
vuông, có 5 tầng gác, có lầu cao 7, 8 trượng, có 13 cửa, chung quanh có 2 vạn
nóc nhà”. Đành rằng các số liệu này không có tính cách chính xác như đồ án kiến
trúc sư, nhưng cũng phần nào đã nói lên được quy mô to lớn của thành Khu Túc,
và rất phù hợp với thực tế lịch sử. Ban đầu, Khu Túc chỉ là một trạm biên đình
quan quân nhà Hán dựng lên trên con đường cái nối liền quận thành Tây Quyển và huyện
Tượng Lâm. Đến khi Tượng Lâm nổi lên tự chủ, Khu Túc trở thành tiền đồn phòng
ngự quân Lâm Ấp và bảo vệ quận thành Nhật Nam. Sau khi Lâm Ấp chiếm cứ Khu Túc,
Lâm Ấp cải biến Khu Túc thành căn cứ quân sự quan trọng, dùng làm nơi xuất phát
các cuộc tiến công cướp phá Giao Châu. Những khi bị quân Tàu đánh bại phải rút
lui, Lâm Ấp vẫn luôn luôn cố thủ được Khu Túc, và chiến lũy này trở lại thành
tiền đồn phòng vệ kinh đô Trà Kiệu. Có 2 lần Lâm Ấp không giữ được thành Khu
Túc (năm 446 và năm 605), và cả 2 lần đó Lâm Ấp mất luôn kinh đô Trà Kiệu.
Thành Khu Túc về mặt tiến công cũng như về mặt phòng thủ quan trọng như vậy nên
Lâm Ấp mới sửa sang củng cố Khu Túc với quy mô to lớn như ngày nay còn thấy ở
di tích Nguyệt Biều. Di tích nhỏ hẹp của lũy cũ Cao Lao Hạ không thể nào là
thành Khu Túc rộng lớn mô tả trong thư tịch cổ Trung Quốc.
Mặt khác, việc phân
tích diễn biến các trận đánh giữa Giao Châu và Lâm Ấp thuật lại trong thư tịch
cổ Trung Quốc liên hệ đến thành Khu Túc cũng cho thấy thành Khu Túc không thể
nào nằm trong địa phận Quảng Bình. Tam Quốc Chí, Ngô Chí ghi rằng niên hiệu
Xích Ô thứ 11 (năm 248 sau Công nguyên) đời Ngô Tôn Quyền, Lâm Ấp tiến chiếm
thành Khu Túc, rồi kéo quân ra cướp phá các quận Cửu Chân, Giao Chỉ, san bằng
các quận thành này. Ngô chúa bèn phong Lục Dận làm Giao Châu Thứ Sử, An Nam Hiệu
Úy, đem đại binh sang ứng phó, Lâm Ấp mới lui binh, nhưng vẫn giữ thành Khu
Túc. Đây là chiến tranh lần đầu giữa Giao Châu và Lâm Ấp. Biên giới hai bên lúc
bấy giờ là núi Hải Vân ở giữa hai huyện Lư Dung và Tượng Lâm. Thành Khu Túc là
nơi xẩy ra trận đánh quan trọng đầu tiên. Nếu thành Khu Túc ở Cao Lao Hạ tỉnh
Quảng Bình thì hóa ra suốt một giải đất bắc bộ Nhật Nam (Bình Trị Thiên ngày
nay) không có thành lũy nào khác chống cự lại cuộc tiến quân của Lâm Ấp hay
sao? Như vậy, các huyện thành Tây Quyển, Tỵ Cảnh, Lư Dung ở những nơi nào? Quân
Lâm Ấp chiếm thành Khu Túc, rồi ra cướp phá Cửu Chân và Giao Chỉ, san bằng các
quận thành này. Đến khi bị Lục Dận đánh thua, quân Lâm Ấp rút lui nhưng vẫn giữ
thành Khu Túc. Nếu thành Khu Túc ở Cao Lao Hạ tỉnh Quảng Bình thì từ đấy về
sau, lấy lý mà suy, Giao Châu không còn có quận Nhật Nam nữa. Vậy tại sao Tấn
Thư lại chép rằng đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 3 (năm 347sau Công
nguyên), vua Lâm Ấp Phạm Văn đem binh ra đánh quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú
Hạ Hầu Lãm, và san bằng thành Tây Quyển. Thành Tây Quyển ở phía bắc Huế, là lỵ
sở của quận Nhật Nam. Lại cũng Tấn Thư chép rằng đời Tấn An Đế, niên hiệu Long
An thứ 3 (năm 399 sau Công nguyên), vua Lâm Ấp Phạm Hồ Đạt đánh chiếm quận Nhật
Nam, bắt giết Thái Thú Cảnh Nguyên. Rõ ràng Tấn Thư đã minh thị khẳng định sự
hiện hữu của quận Nhật Nam sau khi nhà Đông Ngô bỏ thành Khu Túc, một quận Nhật
Nam có quận thành, có Thái Thú. Vì lẽ thành Khu Túc đã mất về Lâm Ấp từ năm
248, nếu thành Khu Túc tọa lạc ở Cao Lao Hạ tỉnh Quảng Bình thì chả lẽ lại có một
quận Nhật Nam khác với một thành Tây Quyển khác ở mạn bắc Hoành Sơn hay sao?
Việc phân tích sử liệu
trong Ngô Chí và Tấn Thư như vừa trình bày trên đây không những đã bác bỏ sự phỏng
đoán thành Khu Túc nằm trong địa phận Quảng Bình, mà còn khẳng định rằng thành
Khu Túc nhất thiết phải ở mạn nam quận Nhật Nam, trong địa phận huyện Lư Dung
tiếp giáp với huyện Tượng Lâm. Thật thế, cũng Tấn Thư chép rằng đời Tấn Mục Đế,
niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 7 (năm 357), Chinh Tây Đốc Hộ Đằng Tuấn đem quân Giao Quảng
đánh nhau với vua Lâm Ấp Phạm Phật, tái chiếm quận lỵ cũ của Nhật Nam, đuổi
theo Phạm Phật qua Thọ Lãnh (Thọ Lĩnh) đến Khu Túc, rồi hai bên giảng hòa. Vẫn
đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Thăng Bình năm đầu (năm 359), Phạm Phật lại xâm lấn
Nhật Nam, Thứ Sử Giao Châu là Ôn Phóng Chi kéo đại binh thủy lục vào đánh, Phạm
Phật giữ vững thành Khu Túc, hai bên lại nghị hòa, lấy bến Ôn Công làm ranh giới
Giao Châu-Lâm Ấp. Như vậy, đường hành quân truy kích địch của Đằng Tuấn năm 357
là từ Cửu Đức vào Nhật Nam, qua quận lỵ Tây Quyển và huyện lỵ Thọ Lĩnh, rồi đến
thành Khu Túc. Điều này cho thấy thành Khu Túc không phải là lỵ sở quận Nhật
Nam, cũng không phải là lỵ sở huyện Tây Quyển. Thành Khu Túc là một thành khác
với thành Tây Quyển, và ở phía nam của thành Tây Quyển. Tiếp theo, chiến dịch vừa
đánh vừa đàm của Ôn Phóng Chi năm 359 kết thúc bằng cuộc nghị hòa với việc lấy
bến Ôn Công làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp. Điều này bổ sung cho điều trên và
cho thấy thành Khu Túc không phải là lỵ sở của huyện Thọ Lĩnh, thành Khu Túc có
vị trí cùng ở trên đường phân ranh Giao Châu-Lâm Ấp như bến Ôn Công nhưng ở bên
trong đất liền. Đối chiếu các địa danh trong thư tịch cổ Trung Quốc liên hệ đến
thành Khu Túc với bản đồ Thừa Thiên ngày nay thì thành Tây Quyển ở phía bắc Huế,
huyện Thọ Lĩnh là huyện Phú Lộc, bến Ôn Công là mũi Chân Mây ở cực nam Thừa
Thiên. Như vậy, thành Khu Túc ở phía nam
thành Tây Quyển và có cùng vị trí nằm trên đuờng phân ranh như bến Ôn Công
nhưng ở bên trong đất liền thì nhất định phải là thành Lồi ở Nguyệt Biều, trên
bờ nam sông Hương, thuộc địa phận huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Kết luận:
Việc nghiên cứu quy mô
và kích thước các di tích thành cổ, việc phân tích diễn tiến các trận đánh giữa
Giao Châu và Lâm Ấp, cùng với việc đối chiếu các địa danh xưa và nay liên quan
đến thành Khu Túc, đã đưa đến kết quả khẳng định rằng thành Lồi Nguyệt Biều là
di tích thành Khu Túc trong thư tịch cổ Trung Quốc.
Sử cũ nước ta ít đề cập
tới thành Khu Túc, nếu có nói tới thì cũng chỉ nhân dịp nhắc lại những điều
trong sử cũ Trung Quốc liên quan đến thành Khu Túc. Trái lại, các nhà biên khảo
nước ta hiện nay lại nhắc nhở nhiều đến thành Khu Túc. Tuyệt đại bộ phận các
nhà viết sử nước ta, xưa cũng như nay, đều phỏng đoán rằng thành Khu Túc ngày
xưa ở tại Cao Lao Hạ Quảng Bình. Sở dĩ như vậy là vì người nước ta quen nhìn lịch
sử nước ta chỉ kể từ khi Giao Châu độc lập, khi toàn bộ quận Nhật Nam mất hẳn về
Chiêm Thành, nước ta chỉ có miền bắc cho đến Hoành Sơn mà thôi. Thêm vào đó, một
số các nhà viết sử ngày nay ít có điều kiện tham khảo trực tiếp các tài liệu
Hán văn, lại có thói quen võ đoán, suy diễn chủ quan, lệch lạc, không am tường
lịch sử thời Bắc thuộc, thậm chí đôi khi không phân biệt Giao Chỉ với Giao
Châu, lẫn lộn Thái Thú với Thứ Sử. Tình trạng này đưa đến hệ quả là thay vì dè
dặt phỏng đoán như sử cũ trước đây, phần lớn các nhà biên khảo hiện nay lại nối
gót nhau thản nhiên khẳng định rằng thành Khu Túc tọa lạc ở Cao Lao Hạ tỉnh Quảng
Bình.
Bài này không những chứng
minh vị trí chính xác của thành Khu Túc ngày xưa là tại thôn Nguyệt Biều, xã Thủy
Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày nay, mà còn nói lên tầm quan
trọng của bề dày lịch sử vùng Thừa Thiên-Huế. Vùng Thừa Thiên-Huế, cùng với miền
Trung Bộ, còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa đặc thù của nước Việt cổ. Cái bánh
tét có hình sinh thực khí của miền Trung, liên hệ đến tục thờ linga, mới đích
thực là cái bánh truyền thống của dân Việt ta xuất phát từ ông con vua Lang Liệu
(Tet Seo) thời Hùng Vương, chứ không phải là cái bánh chưng hình vuông theo
quan niệm trời tròn đất vuông của người Tàu. Lịch sử vùng Thừa Thiên-Huế trong
lòng lịch sử Đại Việt không phải bắt đầu từ năm 1306, khi nhà Trần gả công chúa
Huyền Trân cho vua Chiêm Thành Chế Mân, mà lùi lại rất xa về thời sơ sử mù mịt,
khi Bình Trị Thiên được sử cũ gọi là bộ Việt Thường của nước Văn Lang. Đến thời
kỳ có chính sử thì thành Tây Quyển quận lỵ quận Nhật Nam có cùng niên đại với
thành Luy Lâu quận lỵ quận Giao Chỉ. Thành Khu Túc với quy mô lớn như di tích
ngày nay ở Nguyệt Biều xuất hiện chậm hơn, nhưng niên đại vượt xa niên đại
thành Tống Bình (8). Cho đến khi thành Khu Túc biến khỏi vũ đài lịch sử thì
thành Đại La của Cao Biền mới xuất hiện.
Tháng tư năm 2002
Minh
Vũ Hồ Văn Châm
Chú thích:
1. Thí dụ rõ nét về sai lạc loại này là nhiều người vẫn
tưởng lầm Long Biên là nội thành Hà Nội ngày nay. Sự thực, Luy Lâu, rồi sau đó
là Long Biên (còn gọi là Long Uyên), là quận lỵ quận Giao Chỉ đời Hán, nằm
trong địa phận Bắc Ninh. Một thí dụ khác là nhiều người đến nay vẫn lầm lạc tưởng
rằng Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư là Hồ Tây ở Hà Nội. Xem: Minh Vũ Hồ Văn
Châm. Hồ Lãng Bạc có phải là Hồ Tây không? Tạp Chí Cách Mạng số 6, Bộ Mới,
Tháng hai, 1997, Houston, TX, USA.
2. Tuyến đường sắt từ Thành Đô đi Thượng Hải là
tuyến Lũng-Hải, sách Anh và Pháp ngữ viết là Long-Hai, do đó, sách giáo khoa Địa
Lý bậc Trung học của Tăng Xuân An viết thành tuyến Long- Hải. Một thí dụ khác
là núi Ngoc Linh ở Kontum (Ngoc tiếng Sedang là núi, Linh là tên núi) trong
sách Géographie de l’Indochine francaise của Henri Russier được các tác giả Việt
Nam gần đây suy diễn lệch lạc là Ngọc Lĩnh, rồi theo với phong trào tẩy chay tiếng
Hán Việt mà trở thành Núi Ngọc trong sách giáo khoa ngày nay.
3. Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển, trang 111, Phật
Thệ Thành. Nhà xuất bản Minh Tân, 1949, Paris, Pháp.
4. Phạm Văn Sơn. Việt Sử Toàn Thư, trang 192, Lý
Thái Tông dẹp Chiêm Thành. Nhà xuất bản Thư Lâm Ấn Thư Quán, 1960 Sài Gòn, VN.
5. Phan Khoang. Việt Sử Xứ Đàng Trong. Nhà xuất
bản Xuân Thu, Houston, TX, USA.
6. Minh Vũ Hồ Văn Châm. Chuyện một người Việt
làm vua Chiêm Thành. Tập San Y Sĩ số 151, Tháng 10, 2001, Montréal, Canada.
7. Bùi Minh Đức. Từ Điển Tiếng Huế, trang 433,
Thành Lồi, trích dẫn Trần Quốc Vượng trong Việt Nam, cái nhìn Địa Văn Hoá. Nhà
xuất bản Tâm An, 2001, Huntington Beach, CA, USA.
8. Năm 607 đời
Tùy, quận lỵ Giao Chỉ được dời từ Long Biên (Bắc Ninh) sang Tống Bình (Hà Nội).
No comments:
Post a Comment