Saturday, September 1, 2012

NGUYỄN CHÍ KHAM * THANH TÂM TUYỀN

Nguyễn Chí Kham - Ung Thư, tác phẩm cuối cùng được tác giả mang theo

Nguyễn Chí Kham

Tối hôm đó, trời mưa to hạt. Ngoài thềm hiên, nước mưa chảy tràn ướt sân, và ngồi ở trong lán tù nhìn ra cửa sổ có chấn song sắt, mới thấm thía đời tù, mới thấu hiểu cái giá lạnh, nặng nề của gió mưa vùng trung du miền Bắc khi mùa đông trở về.


Ðã hơn 9 giờ, các tổ đội trong lán vừa mới họp xong, anh em được nghỉ ngơi sinh hoạt tự do. Và, tối nào cũng vậy, giờ sinh hoạt luôn vui nhộn ồn ào, mà tiếng kêu rít thuốc lào nghe là bồn chồn, háo hức, thích thú vô cùng. Từng nhóm tụ tập quanh chiếu nằm với vài ngọn đèn con, chỗ ít là nhóm bạn thân quen, chỗ đông là rạp hát có chương trình kể truyện phim, truyện chưởng, truyện Tàu, hay nghe bình thơ văn. Nhờ vậy, anh em tù mới nguôi nhớ chuyện gia đình, vợ con, luôn cảm thấy có nhau, trước kia là chiến hữu, giờ là bạn tù, sống vui trong sự quây quần của tiếng cười, tiếng nói. Trong tiếng nói, dù mỗi người sinh trưởng mỗi miền nhưng nó có được một dấu ấn riêng biệt của miền Nam trước biến cố 30 tháng 4 năm 75. Những năm tháng qua đi, ngày tháng trong tù vẫn hiện hữu, vẫn ánh lên một niềm cảm thông như hơi ấm của bếp lửa.

Vừa mới nhận được thư gia đình lúc trưa, nên tối đó, tôi không đi đâu. Chỗ tôi, ngay cửa sổ, và mỗi lần mưa đêm, tôi thường nhìn ra mưa ngoài trời và lắng nghe âm thanh tiếng mưa. Bên cạnh chỗ tôi, là chiếu của anh Phong. Anh Phong đang trò chuyện với người bạn nằm bên cạnh về đời sống vùng quê miền Bắc trước thời di cư, sau đó, lại nhắc đến nhừng người bạn ở trên trại tù Lào Kai. Tôi đang nhớ nghĩ tới gia đình, những người thân ở Sài Gòn, ở Huế, ở Quảng Trị, nhưng cũng lắng nghe chuyện của anh đang nói.

Bỗng nhiên tôi vụt ngồi dậy, hỏi :
- Ủa, anh Phong cũng quen anh Thanh Tâm Tuyền?

- Ngoài đời, tôi không quen, nhưng tôi ở chung với anh một đội trên trại Lào Kay.

- Lúc chuyển trại về dưới này, anh biết anh ấy đi đâu không?

- Ông cũng về K2 đây chứ đâu .

- Ủa, thế mà cả tháng nay tôi không biết!

- Ông ở bên đội hương nhu.

Khi được anh Phong cho biết anh Thanh Tâm Tuyền về trại này, tôi thực sự vui mừng. Trước đây, tôi được quen anh qua anh Nguyễn Quốc Trụ và gặp anh cũng khá nhiều lần vào mỗi buổi sáng ở quán cà phê La Pagode. Và, nhất là, tôi rất mê văn anh viết trong hai cuốn tiểu thuyết Bếp Lửa và Ung Thư.

Sáng sớm hôm sau, nhận phần ăn sáng xong tôi vội băng qua khu nhà đối diện tìm lán anh Tâm. Chỗ anh nằm gian phía trong, và khi tôi tìm được chỗ, thấy anh đang ngồi ăn chén ngô, đầu đội chiếc mũ cối xanh.
- Anh Tâm.

Ðang ăn, nghe tiếng gọi, anh vội quay đầu thấy tôi đứng ngay chỗ khoang giường anh.

- Ủa, cậu.

Tôi ngồi xuống chiếu, và chén ngô chỉ còn hai muỗng anh ăn vội cho xong rồi uống nước. Tôi mở nắp túi áo lấy gói thuốc lào nhỏ bọc trong lá chuối ra mời anh. Anh lấy điếu, chùi sơ qua nõ xong đưa cho tôi. Nhưng tôi nói:
- Anh hút trước đi, em sau.

Còn đến mười lăm phút nữa mới tập họp đi lao động. Trong lúc anh cầm cây đóm châm lửa, tôi nhìn gương mặt anh. Hút xong điếu thuốc, anh hỏi tôi:
- Cậu ở trại nào về đây?

- Em ở trại Hồng K về. Còn anh, ở Lào Kai phải không?

Hai anh em nhìn lại mặt nhau, với bao nhiêu đổi thay, tự dưng có một giây thật yên lặng không biết nói gì. Rồi anh hỏi tôi:
- Thằng Khả ở đâu ?

- Anh ấy ở trại Kỳ Sơn, Ðà Nẵng.

Anh Tâm biết đến anh tôi, vì anh tôi đã có thời gian làm việc ở báo Tiền Tuyến. Còn được ít phút, tôi hỏi thăm anh mấy người quen biết trong giới văn nghệ.

Tới hồi kẻng báo giờ tập họp đánh lên, tất cả các đội đều ra sân tập họp đi lao động. Buổi sáng qua mau. Trưa về trại, sau khi cơm nước xong, tôi chạy qua tìm anh và bọc cho anh một gói nhỏ thuốc lào trong lá chuối. Thuốc lào phải gói vào lá chuối mới giữ được độ mềm.

Thấy tôi qua thăm, anh cười vui. Khi tôi biếu anh gói thuốc lào, anh nói:
- Thuốc cậu hút ngon.

- Em nhận được quà tuần trước, may quá, có được một bánh 888.

Anh cũng vừa ăn cơm xong, nên bày bàn đèn ra ngay. Chỗ anh nằm gần cửa sổ, nhưng về phía trong góc tối. Sau mấy chuyện về những người quen biết, tôi hỏi anh:
- Anh có viết được gì không?

Người nằm bên cạnh anh đi đâu vắng. Anh không trả lời câu tôi hỏi, nhưng không tỏ ra bất bình. Một lúc sau, anh mở ba lô lấy ra một tập giấy, xem xét lại xong, anh nói:
- Tôi để cho cậu đọc, đừng có nói với ai.

- Dạ.

Tôi hết sức là vui. Trong cuộn giấy anh lấy ra, có đến khoảng hơn mười bài thơ anh cất giữ. Tôi cầm lấy, mắt cúi xuống chăm chú đọc từng bài. Ðọc xong, vẫn còn cầm giữ trên tay, tôi nói:
- Bài thơ này em rất thích. Tặng già Ung là ai, anh?

- Thi sĩ người Ý.

Tôi đọc lại bài thơ dài này một lần nữa. Sau đó ít lâu, bài thơ này được phổ biến cho một số anh em quen, và được nhạc sĩ Hồ Ðăng Tín phổ nhạc.

Tôi chuyển từ trại Hồng K. về dưới này trước anh Tâm bốn tháng. Khi tôi về dưới này, đến cả lúc anh chuyển trại từ Lao Kai đến đây, sự quản chế trong tù ngoài quản giáo ra, ban Thi đua vẫn còn đám hình sự. Ðến khi, đám tù hình sự về hết, thì bắt đầu chuyển qua toàn bộ Ban Thi Ðua cho tù chính trị, anh Nguyễn Xuân Tùng được đề cử làm Trưởng ban Thi Ðua, hai anh Trần Chánh Trí và Dương Ðình Trung phụ tá, phụ trách về trật tự nội vụ và sinh hoạt của trại. Lúc này, không khí trong phân trại K2 bắt đầu dễ thở, sinh động, trong đó có một phần là hầu hết anh em được thăm nuôi hay nhận quà được nhiều hơn.

Ngày chủ nhật không đi làm, anh em tù thường ra hội trường nghỉ cho thoáng mát. Với anh Tâm, rất nhiều người biết, và rất thích văn anh, nhưng anh Tâm không giao tiếp với ai nhiều, lúc có thì giờ rảnh, anh học tiếng Ðức với cuốn sách do một giáo sư người Pháp viết. Và, đặc biệt, anh nghiên cứu thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, sách do Hà Nội xuất bản.

Một buổi chiều chủ nhật, tôi và anh Tâm ngồi ở bậc thềm nơi hội trường nói chuyện với nhau. Tôi hỏi anh:
- Cuốn Ung Thư anh viết đã xong chưa ?

- Xong rồi.

- Sao anh không in sách?

Anh không trả lời, chỉ mỉm cười. Trong các tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền viết, tôi rất mong đợi cuốn này xuất bản để mua, vì khi còn đăng từng kỳ trên báo Văn và Bách Khoa, kể cả trước đó ở hai tạp chí Hiện Ðại và Sáng Tạo, tôi đều có đọc. Không nghe anh trả lời, và thấy anh do dự nên tôi không hỏi thêm. Một lúc, tôi nói với anh:
- Anh viết câu mở trong cuốn Ung Thư thật là tuyệt vời.

Và anh nghe tôi đọc: Giữa một vùng nước đục ngầu, thành phố nghiêng chìm dưới đôi cánh phi cơ.

Anh Tâm rất hiểu tôi là người ham mê đọc tiểu thuyết. Anh cũng biết, tôi thích cuốn sách anh đã viết, nên chiều đó, với nguồn cảm hứng trong văn chương, anh rất vui lắng nghe tôi nói về cuốn tiểu thuyết của anh. Lúc này, tôi nhắc đến Thạch, Ðồng, An, Liên, và Nga là những nhân vật trong cuốn Ung Thư. Và, trong Ung Thư có một chi tiết thật cảm động, tôi rất thích đó là bối cảnh Hà Nội trong cơn hấp hối, thành phố sắp tan rã, suốt đêm đoạn Thạch đi tìm Liên khắp Hà Nội, nhưng không có nàng, sau đó anh trở về lại con hẻm cũ nơi có nhà nàng ở, đứng đầu hẻm với nỗi nhớ người yêu Thạch bụm tay lên miệng cất tiếng hú gọi tên Liên, tiếng hú vang dội đã làm bầy chó rống lên, sủa ran cả một khu phố. Tôi gợi lại chi tiết nhớ được đó, anh Tâm mỉm cười trong cặp mắt nhìn qua tôi, tôi đọc được ở anh một nụ cười rất thơ trẻ.

Có thể nói Ung Thư là tác phẩm anh đã cố dồn tài năng và sức lực của mình để viết. Có thể nói Ung Thư là cuốn Bếp Lửa được phóng lớn. Và rồi, sau đó tôi nói đến cuốn Bếp Lửa. Trong cuốn này, có nhiều câu văn của anh là một câu thơ.

Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng.
Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa
Mưa rơi sâu vào giấc mơ
Chuyến xe đưa tôi qua Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó
Thanh cứ hát nhỏ cho mọi người nghe lần cuối
Hàng phố bé dần lại trong đêm khuya, lùi xa như tiếng hát
Trở về mái nhà
Xưa.

Buổi chiều hôm đó thật là hạnh phúc cho tôi và có lẽ cho cả anh.

Anh Tâm ở phân trại K 2 được chừng hơn một năm thì chuyển đến K 5 là trại trung ương. Khi anh đến nơi này thì ông Phan Lạc Phúc đã đi Thanh Hóa rồi. Tuy nhiên, ở đây anh cũng còn gặp mấy người quen, trong đó có nhà văn Văn Quang. Ðời sống trại tùø ngày tháng cứ mỏi mòn, tuyệt vọng. Thỉnh thoảng, từ miền Nam có một số thân nhân ra thăm nuôi, và hàng quí chúng tôi nhận được quà gia đình gởi cho để cầm hơi. Trong một kỳ quà lần đó, có một Bác sĩ ngoại quốc gởi cho anh Tâm một gói quà khoảng 3kg, và ở ngoài thay vì viết tên thật của anh, ông ta ghi bút hiệu Thanh Tam Tuyen (không bỏ dấu tiếng Việt). Cũng may, anh Nguyễn Xuân Tùng cùng một số anh em trong trại biết nên đã giữ lại và chuyển sang K 5 cho anh.

Tôi ở lại trại K 2 hơn bốn năm cho đến ngày được tha về trong số 20 anh em tù của tất cả năm phân trại. Khi về, vì còn phải ghé K5 trung ương làm thủ tục nên tôi có được dịp thăm mấy người bạn quen, mấy vị xếp cũ và anh Tâm. Tại lán anh, tôi được gặp nhà văn Văn Quang. Hai anh mừng cho tôi được về, rồi có hỏi thăm anh Khả tôi. Hai ngày ở lại K5 làm giấy tờ, thủ tục ra trại đến ngày về, buổi sáng ngày thứ sáu chúng tôi lên đường. Trước khi đi tôi ghé qua chào anh, lần này, anh mới dặn dò nhờ tôi đến nhà anh ở Sài Gòn để hỏi thăm chị về tin anh Ruy, người về đợt trước. Tôi hứa với anh sẽ làm theo lời dặn.

Buổi trưa chúng tôi lên tới ga Ấm Thượng và ngồi đó đợi đến bốn giờ chiều mới có tàu về Hà Nội. Khi xe lửa đến, anh em tù chúng tôi ngồi toa riêng, và khi tàu chạy, ngồi bên cửa toa tôi cứ nhìn ra ngoài để xem cho thỏa mắt quang cảnh miền Bắc, vừa cố ghi nhận từng hình ảnh một của đời sống người dân ở đây vào ký ức. Tàu chạy qua từng ngôi làng, từng huyện lớn nhỏ, từng thị xã và về Hà Nội vào lúc gần hai giờ sáng. Khi xe lửa chạy qua sông Hồng, nghe tiếng sóng nước đập dội vỗ vào chân cầu, lòng tôi cảm thấy nôn nao khó tả. Hà Nội, chỉ có trong tôi bao nhiêu hình ảnh của văn chương, nhiều nhất là trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn, giờ, tôi sắp về tới Hà Nội, Hà Nội chỉ còn trong khoảng cách, trong một đoạn đường ngắn nữa thôi, tôi cứ hy vọng, mong chờ. Tàu chạy chậm, vừa cất từng nhịp còi khi qua cầu Long Biên, đứng bên cửa toa, vừa nhìn xuống sông Hồng, bàn tay tôi thò ra ngoài nhẹ lướt chạm qua những thanh sắt trên vai cầu, mỗi lúc, lòng tôi tự nhiên vui vì có cảm giác như mình được tiếp xúc với lịch sử .

Hà Nội, tàu về tới và đã ngừng lại ở ga Hàng Cỏ.

Tôi có được một ngày Hà Nội sống bằng hiện thực và tưởng tượng. Tôi được nhìn phố xá Hà Nội qua sự hiện diện đích thực của mắt tôi. Tôi có tìm thăm trụ sở báo Phong Hóa của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn ở căn nhà số 80 đường Quan Thánh. Tôi có đi trên đường Cổ Ngư đến đê Yên Phụ để nhớ đến hai hình ảnh của Loan trong Ðôi Bạn vàø Ðoạn Tuyệt của nhà văn Nhất Linh. Và trước khi từ biệt Hà Nội để trở lại ga Hàng Cỏ đợi chuyến tàu về Nam, tôi đã ghé lại Hồ Gươm vốc nước rửa mặt giống như nhân vật “tôi” trong truyện Cuối Ðường của Thanh Tâm Tuyền.

Qua đầu năm 82, tôi hay tin anh Tâm được tha về. Vào thời kỳ này, tôi chạy buôn bán hàng sách cũ và bán báo. Một buổi sáng, tôi đến thăm nhà anh ở khu Bà Chiểu và gặp anh ở nhà. Tôi hỏi thăm sức khỏe anh, rồi vui chuyện kể cho anh nghe chuyện Hà Nội một ngày tôi được ghé.

Sau những năm tù được về, anh Tâm hầu như không tiếp xúc ai nhiều. Những người anh gặp, phải là thân thiết với anh lắm. Thỉnh thoảng, tôi có gặp anh ngoài phố một vài lần hoặc trong mấy hiệu sách. Và khi hay biết tôi sống bằng nghề buôn bán sách cũ, anh nhờ tôi tìm kiếm cho anh mấy cuốn thơ Pháp mà giờ tôi không còn nhớ tên tác giả. Anh Thanh Tâm Tuyền song toàn cả hai lãnh vực sáng tác thơ và văn xuôi, nhưng tôi để ý thấy anh tha thiết với thơ nhiều hơn.

Sau những ngày tháng trôi giạt trong cuộc mưu sinh ở Sài Gòn rồi Huế, đầu tháng 11/93 tôi được cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện HO. Ðến đây, gần một năm sau tôi mới liên lạc được với anh, nhờ anh Nguyễn Quốc Trụ ở Canada cho số điện thoại.

Khi nghe tiếng của tôi nói, anh cười hỏi:
- Ai cho số điện thoại của tôi cho cậu vậy ?

Qua cuộc nói chuyện, tôi hỏi thăm anh về công việc làm và anh cũng có hỏi thăm tôi và anh Khả. Anh Khả tôi trước đây làm báo Tiền Tuyền, và dù anh tôi không theo nghề văn nhưng làm chung chỗ này cũng được anh Thanh Tâm Tuyền biết đến.

Ra hải ngoại, họa hoằn lắm tôi mới được đọc một đôi bài anh Thanh Tâm Tuyền viết trên tạp chí Thơ. Anh viết ít, nhưng văn thơ anh vẫn sắc bén như thời xưa.

Ðã lâu, tôi không biết được tin tức gì về anh Tâm. Bất ngờ, buổi sáng thứ hai gặp anh Nguyễn Ðình Toàn được tin anh đau vào nhà thương. Tôi cũng nghĩ anh vào dưỡng bệnh rồi trở ra. Ðâu ngờ, mới hay tin đó, anh đã mất. Anh mất vì bệnh ung thư phổi. Anh đã viết cuốn Ung Thư , nhưng không xuất bản nó, và rồi mang nó theo trong cái chết của căn bệnh này. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền trong Ung Thư và Bếp Lửa đều cất giấu một thứ nostalgie. Ðó là một thứ tình cảm nhớ quê hương để mang nặng thành một căn bệnh ung thư trong văn chương. Chất nostalgie là chất văn chương đích thực của các nhà văn.

Cuối cùng, dù có đợi chờ chăng nữa, tôi vẫn nghĩ rằng cuốn Ung Thư sẽ không bao giờ được xuất bản, vì những nhân vật trong cuốn sách này đã đi theo tác giả vềà một nơi yên nghỉ cuối cùng.

No comments: