Thursday, September 6, 2012

SƠN TRUNG * LỆ HẰNG

Lệ HằNG: Sa Tăng Dịu Dàng
Sơn Trung

Lê Hàng sinh nam 1948 tai Hải Dương, di cư vào Nam năm 1954. Bà đã học Đại Học Văn Khoa Sài gòn, và dạy học tại Đà Lạt và Sài gòn. Sau 1975 ra nước ngoài, định cư tại Blue Mountain, Sydney, Australia từ 1989. Viết văn từ 1967. Ra hải ngoại, Lệ Hằng vẫn tiếp tục viết. Bà là một cây viết rất sung sức.
Tác phẩm tiểu thuyết đã xuất bản:
Thung Lũng Tình Yêu
Tóc Mây. Tinh Hoa Miền Nam( Không ghi nơi và năm xuất bản)
Bản Tango Cuối Cùng
Ngựa Hồng
Mắt Tím
Tình Yêu Như Băng Sơn
Chết Cho Tình Yêu
Kinh Tình Yêu
Sóc Nâu
Chiều Gío
Màu Xanh Đang Lên
Như Sương Long Lanh
Sa Tăng Dịu Dàng .THờI Báo, CA,1992
Nghề Làm Vua (truyện dài 1992)
Hạnh Phúc Quanh Đây (truyện phim, Sài Gòn 1981)
Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982)
Năm 2100. Bút ký. Phong Trang. 1999
Bên Kia Là Núi
Nói Thầm Với Đá . Tân Thư, (không ghi nơi xuất bản) 1998.


Phần lớn những truyện tình của Lệ Hằng trước 1975 đều mang chung một săc thái dục tính mạnh mẽ, khác hẳn truyền thống e dè kín đáo của tiểu thuyết Việt Nam như Nhất Linh, Thạch Lam, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc. . . . Có thể nói trong thập niên 60, Lệ Hằng là chuyên viên về tình dục.
- Sean thương cảm, nó chồm lên hôn tôi. Tôi nhắm mắt nghiền lại. Cảm xúc bùng lên dữ dội, chúng tôi dìm nhau vào lũ lụt, cuồng si và điên dại. Sean kêu rú lên từng hồi. Sau đó nó sung sướng khóc như con gái (Nói Thầm Với Đá, 82).
- Hắn ngã xuống trên tấm thân đầy hơi lửa của Thị. Hắn làm Thị chới với phải rên lên nho nhỏ. Hắn yêu vô cùng lời rên rỉ đó. Cơn phấn kích chưa từng có làm hắn cuống lên như đứa trẻ khát sữa. Tóc Thị xổ tung ra, bay rối cùng bụi than và tàn lửa. . . Hắn xục xạo như một chú hoãng non. Một lúc sau. Hắn gục xuống no nê và chứa chan hạnh phúc. Mặt hắn úp mãi trên lọn tóc khét mùu lửa cháy ( Nói Thầm Với Đá, 114).
- Vợ cười:
Gãu rừng của em hôm nay anh lạ quá. . .
Chàng rúc vào da thịt nồng say của vợ. Không trả lời. Gần sáng vợ thiếp đi vì mệt( Sa Tăng Dîu Dàng , 20)
Trong Sa Tăng Dîu Dàng, Lệ Hằng châm biếm người Việt hải ngoại. Giọng điệu cay đắng sâu độc.
Về các tổ chức chính trị, Lệ Hằng viết:
Nghe nói công ty của Kim mọc rễ khắp nơi, Kim không sợ họ buộc tội thân cộng sao? Tiếp tay cộng sản to gan há! Nghe nói cộng đồng bên đó thế lực không thua chi Mafia. Ai trái ý họ, bị gài bom, bị bắn chết ngay trước cửa nhà mà (159).
Về các tôn giáo, Lệ Hằng cũng coi nửa con mắt:
Bên đó có đình chùa không con?
Có chứ mẹ, mỗi thầy một chùa.. Chùa kiểu mới, mái ngói không rêu phủ. Tượng Phật cũng ngu ngơ trông rất tội nghiệp. Đèn điện sáng choang choang nhức mắt lắm kia. Các thầy phải tranh giành tín đồ của nhau mẹ ạ.
Nhà thờ bên đạo Chúa chắc đỡ hôn phải không con?
Tệ hơn thì có mẹ ạ.. Người ta phải bày đủ trò để quyến rũ con chiên đến nhà thờ. Hoài công, nhà thờ vắng như chùa Ba Đanh ( 186-187).
Lệ Hằng cũng kết tội tư bản trong một đoạn đối thoại giữa mẹ và con :
Khi con người no nê dư thừa họ đâu cần tới Thần Phật mẹ. Họ mới giết hàng ngàn con bò, hàng triệu con cừu mẹ ạ.
Mẹ thẳng thốt kêu lên:
Trời ơi! Tội chưa! Bọ chúng bị bệnh dịch hay sao?
Đâu có, chúng mập mạnh ú ù. Heo bò gà vịt gì bên đó cũng mập mạ bự hơn mình.
Văy tội tình gì mà giết chúng hả con? Họ điên rồi chắc.
Dạ không đâu mẹ, họ khôn lắm, điên sao được.Họ sợ để nhiều mất giá. Con thấy họ đốt hàng tấn len, tấn sợi (187).
Đọc những nhận xét của Lệ Hằng về Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo, và các nhà văn miền Nam trong Nói Thầm Với Đá, ta có cảm tưởng như Lệ Hằng là người về từ Hà Nội hay Mạc Tư Khoa thuở nào:
Thời 54, văn chưong chống Cộng đầy tràn phố chợ, nhưng tác dụng không được bao nhiêu, bởi họ cố công xây dựng một nền văn học chống Cộng nhưng không hình thành được một nền văn chương để chống Cộng.. . . Ngòi bút của một số đông, biến thành khí giới, không phải để chống Cộng, để xây dựng miền Nam như người ta mong đợi. Những ngòi bút biến thành khí giới đâm chém nhau. Tệ hơn nữa, họ dùng văn chương chữ nghĩa để tống tiền. Người viết- trừ một số người hiếm hoi, đa số còn lại biến thành những tay extortionist nguy hại và đáng tởm của xã hội miền Nam nhiễu nhương và tan nát (12).
Bàn về tiểu thuyết giai đoạn trước 75, Lệ Hằng viết:
Nhân vật chính của văn chương thành thị lúc đó bao giờ cũng là ca sĩ lừng danh, hoặc tiểu thư, mệnh phụ ưỡn ẹo (12).
Thiết tưởng những lời đó nên để cho mấy ông cán ngố lên lớp trong các trại cải tạo, chứ Lệ Hằng sao lại nói như vậy bởi vì các nhân vật mà bà chỉ trích chính là các nhân vật trong tiểu thuyết của bà!
Rõ ràng hơn nữa, cũng trong tác phẩm này, Lệ Hằng đã mạt sát các nhà văn hải ngoại:
Sau 75, những nhà văn của lưu đày xa xứ hôm nay, hoặc vọng về quê nhà, than thân trách phận, kể công mình, xét tội đối phương, tự tuyên phong cho mình là thánh tử đạo, chịu bao nhiêu tang khó vì chế độ mới. . . hoặc lẫn tránh, cố quên thân mình trong cơn vật vã nơi xã hội mới, kẻ khác mê man làm giàu mong xóa thật nhanh mặc cảm da vàng, của kẻ ăn nhờ ở đậu, số người khác đấm ngực mình thống hối trót là người Việt Nam (12).
Lệ Hằng công kích các nhà báo hải ngoại:
Tôi thấy đàn anh trong văn nghệ nhiều quá, những chiếu trên chiếu dưới hỗn mang, những phe nhóm tung hứng đánh phá loạn như giặc châu chấu. Hễ ai có báo trong tay , có bút mực giấy báo là vung vít chửi bới nhau loạn cào cào (14).
Không những chỉ trích các văn nghệ sĩ, Lệ Hằng đã phỉ báng đồng bào Việt Nam hải ngoại:
Tôi đến Mỹ, quán ăn quán nhảy ê hề, nhưng quán sách khách chỉ vãng lai vài ba người. Người Việt lưu đày, bỏ của chạy lấy người, hú hồn hú vía, hoảng quá, chỉ lo ăn nhậu, lo mặc, không ai lo đọc sách cho tâm hồn phong phú. Quả thật so với dân tộc khác, chúng ta không lương thiện với nhau bằng một góc thiên hạ. Chúng ta cũng không lương thiện với chính mình nữa, chúng ta hối hả hấp thụ văn minh người, hối hả làm lụng như trâu bò để mong nhà đẹp, xe sang, mong xóa bỏ mặc cảm dân lưu xứ, mong tiền bạc, bằng cấp, địa vị, xóa bớt màu da vàng, mũi tẹt tóc đen. . . (15)
Năm 2100 gồm 36 bài viết về đời sống của các xứ tư bản, đặc biệt là Mỹ. Nội dung chỉ trích tư bản. Lệ Hằng là dân tị nạn cộng sản, nhưng trong tim bà, ý thức đãu tranh giai cấp rất mãnh liệt. Lệ Hằng luôn kết tội tư bản và xã hội tư bản, đồng thời khêu gợi mâu thuẫn giàu nghèo:
-L.A. thành phố của thiên thần, thành trì của những kẻ giàu và cũng là đất khổ của vô số người nghèo đang bị đẩy tới cùng của lòng thù hận (13)
- Bọn tài phiệt không bao giờ đả động đến một phim xã hội như Falling Down (15)
-Thế giới tư bản là thế giới ‘’được làm thành bởi bạo lực, những đại công ty và một thứ luật pháp cứng hơn đá. Thứ luật pháp ấy được đẻ ra để bảo vệ những kẻ mạnh biết sử dụng và sai khiến luật pháp như đã biết dùng tiền của họ một cách khôn khéo nhất (15)
- Tỷ phú lường gạt hàng trăm triệu, có luật sư bảo vệ, còn chú bé ăn cắp một T shirt thì bị tù sau bị đánh chết (15-16).
- Hoa kỳ hiện đang là nước giàu mạnh nhất thế giới và cũng là quốc gia chiếm kỷ lục về tội ác . . . Ở các nước tư bản, tội ác lên ngôi (48).
- Bạo tàn sắt máu là nghệ thuật thứ bảy (49).
- Vì quyền lợi đảng, bà Thatcher che dấu vụ bò điên (79).
- Nạn xì ke ma túy (87)
Ngoài ra, Lệ Hằng còn kể những chuyện xấu của các nước tư bản như gia đình Ernest Hemingway vì say rượu mà tự tử (109-114), dân biểu Barry Mrris bị tù vì hăm giết người (103), và tỷ phú Packer ở Úc mất trộm khiến cảnh sát phải mất công truy lùng thủ phạm(157).

Ý kiến của Lệ Hằng quá ư dã man tàn bạo. Những người có chút suy nghĩ, nhất là những phần tử quốc gia chân chính, không ai phát biểu như vậy.Về chính trị, nhìn chung, các nước ngoại quốc có pháp luật nghiêm minh, không phải ai muốn giết ai thì giết. Tất nhiên xã hội nào thỉnh thoảng cũng có vài vụ thanh toán mà không ai hiểu rõ nguyên nhân, nhưng không nên vì thế mà bêu xấu các đoàn thể chính trị hải ngoại. Tại quốc nội và hải ngoại, biết bao người dân đã và đang tranh đãu cho tự do dân chủ, và họ đã hy sinh, đã chịu bao khổ sở, bao tù đày, tra tấn và hành hạ của cộng sản. Lệ Hằng không ủng hộ họ thì thôi, sao lại vu khống như vậy? Thời nào và tôn giáo nào cũng có kẻ xấu, nhưng không phải tất cả đều xấu. Khi ra hải ngoại, có rất nhiều ông bà không màng danh lợi, lại bỏ tiền dựng chùa thờ Phật, và hy sinh cuộc đời của họ cho tôn giáo. Trong Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo không thiếu những tín đồ trung kiên mà Lệ Hằng không biết đó thôi! It nhất, Lệ Hằng phải công nhận Hoà thượng Thích Thiên Ân là người có công đức dựng chùa đầu tiên, và lập một giáo hội đầu tiên trên đất Mỹ như bà đã ca tụng trong Nói Thầm Với Đá.
Về các nhà văn hải ngoại, đồng ý rằng vài người có tờ báo trong tay thì mục hạ vô nhân, muốn chửi ai thì chửi, nhưng đó chỉ là một thiểu số, ít nhất cũng có những con người thanh cao như Mai Thảo là người mà Lệ Hằng khen ngợi. Và cuộc đãu đá xảy ra thường có tính cách cá nhân trong một xã hội quá tự do, trong khi Lệ Hằng phỉ báng cả những tập thể. Lệ Hằng không biết rằng chính Lệ Hằng cũng là một trong những người ‘’ có bút mực giấy báo là vung vít chửi bới ‘’!
Chúng ta ở đất tự do, chúng ta có quyền bày tỏ tâm tư tình cảm của ta. Ta vui nói ta vui. Ta buồn nói ta buồn.. Sống dưới ách cộng sản, các quân nhân và văn nghệ sĩ phải chịu bao khổ nạn, nay ra nước ngoài, họ có quyền viết về cái khổ của họ và của nhân dân đồng thời tố cáo tội ác cộng sản. Việc họ bị đày ải và việc cộng sản tàn bạo dã man là chuyện thật của lịch sử, và của đất nước. Tại sao Lệ Hằng lại hằn học? Không lẽ bà muốn mọi người im lặng, hay bà muốn họ ca tụng Bác và đảng?
Về đồng bào hải ngoại, khi chạy ra nước ngoài, tuyệt đại đa số chỉ có hai bàn tay trắng, đương nhiên là phải lo vấn đề kinh tế. Tại Mỹ, Úc, Canada, muốn làm việc gì, ta phải học tiếng Anh, và làm nghề gì cũng phải học phải thi, cho nên đi học, đi làm và lấy bằng cấp là chuyện đương nhiên, có chi mà mai mỉa? Đồng bào ta sống tại Sài gòn, rồi sang các nước tư bản, ta theo tư bản chủ nghĩa, tất nhiên là một số thích kinh doanh. Ngay tại Việt Nam, người cộng sản bây giờ cũng ‘’phe phẩy’’, cũng ‘’móc ngoặc’’ trong ngoài, tại sao lại khinh bỉ kinh doanh, mỉa mai tiền bạc? Sang Mỹ, thấy hàng quán đông đúc, dân ta ăn uống nhậu nhẹt lu bù, thiết tưởng Lệ Hằng phải vui mừng cho đồng bào ta mới phải, vì đó là dấu hiệu nhà hàng buôn bán thành công, và khách hàng có tiền tiêu xài ăn nhậu. Việc sách báo Việt ế ẩm là chuyện đương nhiên vì đồng bào ta ở thưa thớt. Những người già thì thích đọc tiếng Việt mà những người này càng ngày càng bỏ xứ tạm dung để trở về lòng đất mẹ đông đảo. Lớp trẻ phải lo học Anh văn, phải lo tìm việc và lo bao việc khác. . . cho nên không có nhu cầu đọc tiếng Việt. Đó là chuyện đương nhiên khi cây Việt Nam bị bứng gốc đem trồng xứ người. Nhưng hiện nay người Việt Nam đã thành công nhiều mặt,. Trong cái xấu bao giờ cũng có cái tốt. Tại sao Lệ Hằng laị cứ thích đeo kính đen rồi than thở bầu trời không có nắng?

Về tư bản, ý kiến của Lệ Hằng là thừa vì thế kỷ trước, Marx và bọn cộng sản đã kết tội tư bản bóc lột vô sản, tư bản khủng hoảng thừa, đốt bỏ hay vứt xuống biển các hàng hóa để giữ giá, và nguyền rủa giai cấp tư bản đang dãy chết và sẽ bị giai cấp vô sản chôn sống!
Thiết tưởng sau 30-4-1975, nhân loại , nhất là người Việt Nam, không còn nói đến chuyện bất mãn giàu nghèo. Bởi vì vấn đề này không thể nào giải quyết thỏa đáng. Cộng sản đã thẳng tay, đã quyết liệt nhưng bất công lại càng bất công hơn. Hơn nữa, đó là những kinh nghiệm đắng cay cho thế giới, trong đó có dân tiộc Việt Nam bị cộng sản lợi dụng mâu thuẫn xã hội để tuyên truyền cho thiên đường cộng sản, và khi thành công, chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ là cướp của giết người, dân nghèo vẫn hoàn nghèo, tài sản trong nuớc rơi vào tay tư sản đỏ. Phải chăng tác giả gặp nhiều khó khăn về kinh tế mà bất mãn, hoặc bà có ý đồ gì trong khi viết Nói Thầm Với Đá, và Năm 2100?
Lời nói bay đi nhưng chữ viết còn lại. Ở lãnh vực nào, người cầm bút chân chính cũng phải ý thức trách nhiệm của mình. Và ý kiến của Lệ Hằng chỉ làm lợi cho kẻ vô thần và bọn độc tài đảng trị. Xã hội tư bản chưa thực sự tốt, nhưng trên thế giới này, xã hội nào tốt hơn? Không lẽ xã hội xã hội chủ nghĩa?
Có lẽ Lệ Hằng tuổi trẻ, thành công sớm cho nên sinh ra khinh thế ngạo vật, muốn châm biếm, chửi bới ai thì cứ tùy thích, không cần suy nghĩ kỹ càng.

Lệ Hằng cũng có một số vấn đề về nghệ thuật. Truyện Âm mưu tình yêu trong tập Nói Thầm Với Đá trùng với truyện Tóc Mây, vẫn chuyện nữ sinh và linh mục yêu nhau, vẫn bối cảnh là Huế, và các nhân vật là Kim, Cha Duy, Dung, Tố Kỳ, Tố Khanh. Thiếu gì đề tài mà phải viết đi viết lại như vậy?
Trong Sa Tăng Dịu Dàng, truyện Kiếm khách viết về việc Cự Bụt ( chữ Hán Cự là lớn) qua Nhật bị đánh thuế về cái’’ sex’’. Cự nói với nhân viên Quan Thuế:
Thưa ông, tôi muốn nói về ‘’cái sex’’ của tôi. Tôi muốn nói cây kiếm của tôi. Kích thước dài ngắn của nó chỉ có vợ tôi mới biết được (63)
Đây là một truyện tục tĩu, vô duyên và khôi hài rẻ tiền không nên có ở một cây bút nữ.
Lệ Hằng ngày xưa là một nữ sinh dễ thương, Lệ Hằng bây giờ là một bà già khó tánh, hay than thở, gắt gỏng và chửi đời!

No comments: