Thursday, September 6, 2012

GS. DƯƠNG THIỆU TỐNG * CHỈ SỐ GIÁO DỤC

Chỉ số giáo dục Việt Nam:
cao hay thấp?
GS. DƯƠNG THIỆU TỐNG

Tỉ lệ biết chữ ở bậc THPT trở lên càng cao thì mới càng đáng mừng. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
TT - Tỉ lệ biết chữ không phải chỉ là tỉ lệ biết đọc, biết viết như ta thường quan niệm cách đây trên nửa thế kỷ, mà thật sự nó là một loại đo lường mức dân trí của một nước, được phản ánh qua chỉ số giáo dục. Chỉ số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định chỉ số phát triển con người (HDI).

Hiện tại, nó là một trong các loại chỉ báo (indicator) cho biết nền giáo dục của một nước có khả năng tạo nên sản phẩm thích ứng với sự hội nhập quốc tế về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội hay không.

Báo Tuổi Trẻ đã công bố chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của VN, theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc, đồng thời nêu lên “sự suy giảm đáng kể” ở nước ta về chỉ số giáo dục, về tỉ lệ biết chữ trong năm 2004 so với năm 2003.

Trước khi bàn về chỉ số phát triển con người nói chung và chỉ số giáo dục VN nói riêng, ta cần phải lưu ý rằng các chỉ số được đăng trên báo gần đây không phải là những chỉ số của năm 2004 hay 2003, mà là của các năm 2001 và 2002 được công bố vào các năm 2003, 2004.

Hơn nữa, ta cần phải biết rằng các chỉ số khác biệt giữa năm này với năm kia không nói lên sự tăng hay giảm, vì cách tính toán các chỉ số ấy luôn thay đổi theo từng năm.

Vì vậy một báo cáo về HDI trong năm 2004 (Health Systems Trust, 21-7-2004) đã cảnh giác rằng ta không nên so sánh năm này với năm kia mà chỉ cần so sánh chỉ số của các quốc gia với nhau theo cùng thời kỳ và từ cùng một nguồn xuất xứ mà thôi.

Như vậy ta không thể nói tỉ lệ biết chữ của người lớn ở VN đã giảm từ 92,7% (2003) xuống còn 90,3 % (2004), từ đó kéo chỉ số giáo dục của VN từ 0,83 xuống chỉ còn 0,82 (2004).

Điều mà ta có thể rút ra từ các dữ liệu thống kê về HDI được công bố năm 2004 là: so sánh chỉ số giáo dục (education index) tại các nước châu Á, chúng ta thua kém Hàn Quốc (0,97), Nhật Bản (0,94), Singapore (0,91), Philippines (0,89), Brunei (0,87), Hong Kong (0,86), Malaysia (0,83), Thái Lan (0,86), Trung Quốc (0,83) và chỉ cao hơn Indonesia (0,80), Campuchia (0,66), Myanmar (0,73) và Lào (0,64) mà thôi.

Nhưng chỉ số giáo dục là gì? Theo các báo cáo phát triển con người, chỉ số giáo dục là một trong ba chỉ số được dùng để xác định HDI: sống lâu, sống khỏe, có kiến thức và có mức sống đầy đủ.

Chỉ số giáo dục được xây dựng trên tỉ lệ biết chữ của người lớn (từ 15 tuổi trở lên) và trên tỉ lệ ghi danh theo học các bậc tiểu học, trung học và đại học gộp lại.

Nhưng tỉ lệ biết chữ chiếm 2/3 hệ số, trong khi tỉ lệ ghi danh ở tiểu, trung và đại học chỉ chiếm 1/3 mà thôi. Nói cách khác, căn bản quan trọng để tính toán chỉ số giáo dục giữa các quốc gia là tỉ lệ biết chữ.

Tỉ lệ biết chữ này của VN trong năm 2002 là 90,3, nghĩa là dưới Trung Quốc (90,9), Singapore (92,5), Thái Lan (92,6), Philippines (92,6), Hong Kong (93,5), Brunei (93,9) và Hàn Quốc (97,9).

Tỉ lệ biết chữ là gì? Tỉ lệ biết chữ không có nghĩa đơn giản là tỉ lệ biết đọc biết viết.

Theo định nghĩa khái niệm “kỹ năng biết chữ của người lớn” trong cuộc khảo sát quốc tế về tình trạng biết chữ của người trưởng thành được thực hiện từ 1994 - 1998 (IALS, International Adult Literacy Survey), nó có nghĩa là “sự hiểu biết và khả năng sử dụng thông tin để có thể vận dụng một cách hiệu quả các kiến thức đòi hỏi trong một xã hội tri thức của thế kỷ 21”.

Nói cách khác, biết chữ có nghĩa là kiến thức và kỹ năng xử lý thông tin mà con người cần phải có khi đọc các tài liệu thường gặp hằng ngày trong công việc làm, ở gia đình hay trong cộng đồng.

Khi thực hiện cuộc khảo sát này để tính tỉ lệ biết chữ của một nước, người ta không đo lường cá nhân về kiến thức lý thuyết hay khả năng nhớ thuộc lòng các thông tin, mà chỉ khảo sát khả năng triển khai và giải thích ý nghĩa của các tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau: văn xuôi, văn vần, các tài liệu hướng dẫn, các thông báo, biểu mẫu xin việc, bảng biểu thống kê, tài liệu định lượng, các tính toán...

Căn cứ trên điểm số các thang đo lường ấy, người ta phân chia dân chúng trong mỗi nước theo các mức biết chữ và tính tỉ lệ trong từng mức, từ 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất).

Mức 3 đòi hỏi kỹ năng tương đương với tốt nghiệp THPT và năm đầu đại học.

Mức 4 và 5 đòi hỏi kỹ năng xử lý thông tin cao hơn, tương đương với trình độ đại học.

Như vậy, nếu tỉ lệ biết chữ ở nước ta là 90,3% (2002), tức vào hàng thứ 8 trong 14 nước châu Á, điều này cũng chưa đủ để nói lên chất lượng nền giáo dục nước ta, nếu ta chưa biết được tỉ lệ phần trăm số người ở mỗi mức biết chữ, trong năm mức nói trên, ở lớp tuổi 15 - 65.

Hiện nay, dường như chưa có dữ kiện thống kê nào cho biết được các tỉ lệ này ở nước ta. Điều mà ta mong mỏi đạt tới không phải là tỉ lệ biết chữ 92,7% như trước năm 2002, hay thậm chí 97,9% như ở Hàn Quốc, nếu tỉ lệ ấy gồm đa số người dân ở mức 1, nghĩa là mức biết chữ thấp nhất.

Điều mà ta mong mỏi là tỉ lệ cao ở mức biết chữ từ bậc 3 trở lên, tức là trình độ học vấn tương đương THPT. Đó là mức dân trí cần thiết mà các nước đang cố gắng đạt đến trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

Thế nhưng nhìn trở lại bảng dữ kiện về chỉ số phát triển con người trong báo cáo 2004, ta thấy tỉ lệ phần trăm ghi danh theo học từ bậc tiểu học lên đến đại học ở nước ta chỉ là 64%, tức đứng vào hàng 11 trong 14 nước châu Á!

Nếu tình trạng thu nhận học sinh và sinh viên theo từng lớp tuổi ở nước ta không được cải thiện, nhất là ở bậc THPT và đại học, trong tương lai dù tỉ lệ biết chữ có tăng lên kéo theo sự gia tăng chỉ số giáo dục, nhưng đa số dân chúng còn ở mức độ biết chữ thấp, điều đó cũng không khiến ta lạc quan và cũng không nói lên được sự gia tăng về chất lượng của nền giáo dục nước ta, hay khả năng đáp ứng của nó trong nền kinh tế tri thức toàn cầu.

                                                                    TS DƯƠNG THIỆU TỐNG
                                                                   Trich www.tuoitre.com.vn


No comments: