Đọc Thơ Mai Thảo
Phan Tấn Hải
Mai thảo thường được biết như nhà văn, và là một trong những người viết nhiều tiểu thuyết nhất trong các thập niên qua. Gần đây, từ năm 1989, với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, ông lại được nhắc đến như một nhà thơ nhiều sức thuyết phục. Có lẽ, ông không làm thơ nhiều - nếu trải những bài này dọc suốt đời ông - nhưng có người đã bắt đầu nhắc tới nhà thơ Mai Thảo cũng tự nhiên như nói tới nhà văn, nhà báo Mai Thảo. Ở đây, chúng ta sẽ thử tìm hiểu một vài khía cạnh trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.
CÁC PHẦN TỬ THƠ
Nơi trang 1 là bài "Bờ Cõi Khởi Đầu", được ghi nơi phần Mục Lục nguyên văn như:
thay cho lời vào tập: bờ cõi khởi đầu, 1.
Chúng ta có thể ghi nhận sự phân biệt cách viết chữ hoa (upper case) với chữ thường (lower case) ở một số nơi để tìm hiểu thêm. Với một người suốt một đời sống chết với chữ nghĩa như Mai Thảo, hẳn nhiên không tình cờ mà chữ này hoa hay chữ kia thường. Khi chúng ta viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” theo thói quen ngữ pháp cho tựa bài, thì đã thấy có gì không nắm được chủ ý nhà thơ; nhất là khi đọc dòng ở Mục Lục “bờ cõi khởi đầu” thì mới tin chữ thường hay chữ hoa trong tập đều mang dụng ý.
Trong tất cả các bài thơ khác, nơi chữ đầu mỗi câu đều được viết hoa, cũng trong thói quen của nhiều nhà thơ. Cách viết mỗi người, hay là cách trình bày bản văn, tức là cách xuất hiện của tác giả, còn lộ ra cách nhìn về thế giới của mỗi người viết.
Tại sao phải “bờ cõi khởi đầu” mà không là “Bờ Cõi Khởi Đầu”?
Theo Rousseau, trong Confessions, ngôn ngữ được hình thành để nói, viết chỉ là phần phụ thêm cho ngôn ngữ nói. Cho dù đồng ý với Rousseau hay không, ngay khi viết “bờ cõi khởi đầu” ta đã có thể thấy khác với “Bờ Cõi Khởi Đầu” phần chính bởi vì ta không thể thoát khỏi cách đọc, như một trong những bản chất bất khả phân của ngôn ngữ. Và vì vậy, những khoảng trống, những dòng trống trong thơ, tự thân cũng nằm trong mạch đọc của thơ; và dĩ nhiên, ngay cả những phần tử không phát âm được của ngôn ngữ, một số dấu hiệu nào đó, như các nhà thơ Beats thường dùng.
Riêng với lời vào tập, cách viết trong dạng chữ thường còn thích nghi với nội dung. Nếu gạt bỏ những chữ đã hơi sáo, thường dùng, thiếu tính trực tiếp (tức hiểu qua một lăng kính văn chương của quá khứ), như viễn phương, lục lục, trùng trùng, điệp điệp, dặm hồng, dặm biếc... (tr.1-5) để tìm nghĩa, thì một nơi, nhà thơ viết, “Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.” (Tr.5)
Nếu đã gọi là “Tôi thơ,” thì hiển nhiên không thể có cái gọi là “bắt đầu thơ” hay “tận cùng thơ,” bởi vì không còn cái “tôi làm thơ” với cái “tôi tạm ngưng làm thơ.” Và vì vậy, các chữ “bờ cõi khởi đầu” phải viết trong chữ thường mới hiển lộ được quan điểm về thế giới của bài này. Bởi vì, ngay khi viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” thì đã thấy có khởi đầu, và đương nhiên phải có mép bờ biên giới, có cái chi còn được gọi là chấm hết, nghĩa là không thể gọi được là “Tôi thơ.” Điều này có thể khẳng định mạnh hơn, nếu chú ý tới tất cả những chữ cần viết hoa theo thói quen (Hy Mã Lạp Sơn, Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thôi Hiệu), Mai Thảo lại viết trong dạng chữ thường. Trong cách trình bày vào tập như cách lý giải này, nếu dùng nhiều ngôn ngữ trực tiếp hơn, thì có lẽ người đọc thông cảm hơn với ông, một thế giới không biên bờ, không phân biệt, nơi của–có lẽ–ngôn ngữ sẽ bất lực (nếu sự thật có khi nào ngôn ngữ có–lực, đây cũng là một điểm để ngờ vực). So sánh, ta sẽ thấy trong các bài khác, Mai Thảo lại tôn trọng quy ước viết hoa mẫu tự đầu cho các danh từ riêng.
Jonathan Culler, trong tác phẩm On Deconstruction, Theory and Criticism after Structuralism (Về Giải Cơ Cấu, Lý Thuyết và Phê Bình sau Chủ Nghĩa Cơ Cấu Luận), trang 103, đã ghi lại lời của Jacques Derrida (De la Grammatologie), rằng ngôn ngữ tự nhiên, chân thực... chưa bao giờ hiện hữu. Điều này muốn nói, trong chức năng phụ thêm cho ngôn ngữ nói, chữ viết trước tiên là dấu hiệu. Đối với thi ca, luận điểm này sẽ giải thích thêm được cách viết của nhà thơ.
Chúng ta thử đọc bốn câu sau ở trang 73, bài “thủy tận” (nhan viết chữ thường theo nguyên bản):
Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Điều thấy trước tiên, các mẫu tự đầu câu đều được viết hoa. Nếu chúng ta tìm đọc các nhà thơ trẻ như Khế Iêm, Đỗ Kh., thì có thể (thử giả thiết) thấy sẽ được viết trong dạng chữ thường. Cả hai cách trình bày bản văn sẽ hiển lộ những thế giới thơ khác nhau. Thử viết lại:
em đi vừa khuất trên đầu phố
anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
đứng sững. Mới hay lìa cách đã
sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Và cũng giả thiết rằng người đọc đã thuộc lòng bốn câu trên, xin hãy nhắm mắt đọc lại. Chúng ta sẽ thấy người ta sẽ đọc theo hai cách khác nhau, tùy theo họ hình dung mẫu tự đầu viết hoa hoặc viết thường.
THỜI GIAN TRONG THƠ MAI THẢO
Trước tiên là khái niệm về thời gian–theo Kant thì thời gian và không gian là hai phạm trù tiên nghiệm, mà chúng ta luôn luôn bị gắn bó trong chính tư tưởng. Chữ hoa mẫu tự đầu, một cách tự nhiên, chỉ ra một khởi đầu và một chấm dứt. Mỗi câu, trong cách viết thứ nhất, cho dù có nghĩa nối tiếp với câu kế, vẫn tự thân là một thế giới tự đủ nghĩa (không hẳn là đủ nghĩa, nhưng là trọn vẹn), độc lập.
Trong cách viết thứ hai, sau khi đọc xong, dù là tới câu cuối, thì vẫn hình dung như còn gì chưa chấm dứt–không đơn giản chỉ vì không có khởi đầu– nghĩa là không có gì phân biệt với thời gian khi chưa đọc với thời gian khi đã đọc xong (nghĩa là có tính liên biến).
Nếu dùng chữ cho nghiêm trọng thì nơi đây hiển lộ được siêu hình học về thời gian của nhà thơ. Thời gian trong cách viết đầu là thời gian đường thẳng, chịu ảnh hưởng triết học Tây phương. Thử duyệt lại tập thơ Mai Thảo, chúng ta cũng thấy một số ngôn ngữ cho thấy điều này. Mặc dù ông cũng nói tới cõi không, Trang Tử, Nam Hoa Kinh... nhưng khi lý luận, ông lại nhắc tới hủy thể của hủy thể trở thành nhánh lúa (ảnh hưởng biện chứng pháp Tây phương) nơi trang 4, hoặc hạt thủy thể cho mầm sinh từ hạt (tr.94), hoặc bản ngã đã nhị trùng (tr.94, ảnh hưởng Freud), hoặc rải rác rất nhiều nơi là ám ảnh của cái chết–trong một phân biệt rạch ròi giữa cái không và cái có.
Trong khi cách viết thứ nhì–với chữ thường cho mẫu tự đầu câu–hiển lộ một thời gian vòng tròn của Đông phương. Đọc câu đầu vẫn có thể chưa hình dung được đây là câu đầu. Đọc câu cuối, vẫn chưa chắc nghĩ đây là câu cuối. Nghĩa là không có phân biệt giữa cái ngoài thơ và thơ. Nghĩa là thơ như một dòng sống chảy.
So sánh trong cách nhiều hình ảnh, thì cách viết thứ nhất (và nhà thơ Mai Thảo trong trường hợp này) như những tấm ảnh rời nối tiếp nhau. Và cách viết thứ nhì gần giống với cinema hơn. Điều này không hoàn toàn liên hệ gì tới việc thơ hay hoặc thơ không hay, nhưng giúp người đọc tiếp cận hơn với của thế giới của bản văn. Nói cách khác, lý luận này có thể giúp đi tìm rõ các phần tử thơ của người viết.
NGÔN NGỮ PHẦN MẢNH
Cũng lấy bài thơ trên, chúng ta thử đọc lại câu thứ ba:
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Cũng trong cách nhìn ngôn ngữ như dấu hiệu, thì câu vừa viết đã trở thành tám (8) chữ, không còn ở thể thất ngôn. Dấu chấm sau chữ sững đã trở thành một chữ câm, nhưng mang hẳn một tác dụng khác với trường hợp không có nó, hoặc với trường hợp dấu phết. Điều có thể thấy, dấu chấm nơi đây không nằm trong mạch ngữ pháp thông thường. Thử viết theo thói quen ngữ pháp:
Đứng sững, mới hay lìa cách đã
Trường hợp này, các dấu chấm câu (punctuation) sẽ chỉ giữ vai trò làm sáng sủa nghĩa câu văn. Nhưng thử đọc một lần nữa theo cách sau, với dấu chấm đứng đầu toàn câu:
.Đứng sững, mới hay lìa cách đã
Dù có đọc được dấu chấm ở đây hay không (tức một dấu lặng dài hơn dấu phết) thì dấu này trở thành một phần tử gắn liền với thơ, tức ngoài chứa năng làm sáng sủa của ngữ pháp. Tương tự, với cách đơn giản hơn, dấu chấm sau chữ sững cũng mang một tác dụng gắn liền với thơ, không hoàn toàn giữ một vai trò văn phạm.
Tới đây thì sự tham dự của người đọc vào bản văn sẽ rõ ràng hơn, và có thể tác dụng sẽ ở ngoài dự liệu của chính nhà thơ, và vì hiển nhiên mỗi người sẽ đọc bản văn theo cách riêng của chính mình, không dùng văn phạm như thói quen chuyên chở ý nghĩa.
Mai Thảo, ngay trong cách viết văn cũng vậy, cũng thường cố ý đặt những câu không đầy đủ, có tính phần mảnh. Chúng ta gặp những cách dùng này rất nhiều trong các bài “Sổ Tay Mai Thảo” trên báo Văn mỗi tháng. Và điều này hẳn nhiên có dụng ý hẳn hoi. Chúng ta ở đây không có ý phê phán điều này là hay hoặc không hay, nên hoặc không nên, nhưng chỉ tìm cách khảo sát ngôn ngữ của ông.
Ngôn ngữ, khi tách rời thói quen ngữ pháp, sẽ mơ hồ, dễ (bị/được) hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau (Nhưng có thực ngôn ngữ viết chỉ là để cho hiểu được chỉ một nghĩa, trong khi ngôn ngữ viết vẫn liên tục tìm nỗ lực để tự phá hủy chính mình; bởi vì nếu không, ngôn ngữ viết sẽ chỉ duy nhất chức năng truyền thông, như những dòng chữ quy định sẵn phóng lên từ máy điện toán.) Một thí dụ thường được nhắc đến, để rõ nghĩa này, như câu sau không nhớ của ai: Chàng mặc áo. Cụt tay. Ở đây, chàng cụt tay, hay áo cụt tay? Dĩ nhiên, nếu đặt vào mạch văn, một toàn cảnh đưa tới câu này, chúng ta có thể biết rõ chàng hay áo cụt tay. Dich Perry cũng thích đưa một thí dụ tương tự: He took a cigar from his pocket and lit it. (Chàng móc điếu xì gà trong túi ra, và đốt nó) Câu ông muốn hỏi là, đốt cái gì, điếu xì gà hay túi áo? Tuy nhiên đó một thí dụ cực đoan giải thích được chức năng làm sáng sủa của văn phạm. Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ–nói hoặc viết–vẫn
tự
thân là ái
gì ẩn
tối.
Đó là chưa nói tới chuyện ngôn ngữ viết–tức văn chương, xin quên hẳn thứ ngôn ngữ toán học, chính trị...ở đây–vẫn luôn luôn tìm những lối ngõ tự vượt chính mình.
Nhưng thơ Mai Thảo không có gì bí hiểm, ẩn tối như nhiều nhà thơ khác. Ông có lẽ sẽ là nhà thơ cuối cùng của dòng thơ mới Việt Nam – chữ mới dây mang nghĩa thường dùng từ thời tiền chiến, có lẽ người xưa dịch chữ này từ chữ modernity – hoặc sẽ có thể là người đứng giữa dòng thơ mới (trong nghĩa trên) với các nhà thơ thế hệ sau (giả thiết những người sau đang bước vào trong ngôn ngữ hậu đại, postmodernity).
VÀI ĐẶC TÍNH CỦA THƠ MAI THẢO
Tại sao lại đặt ông trong dòng thơ mới, trong khi nhóm Sáng Tạo của ông lại tìm cách vượt qua những ngôn ngữ này? Chúng ta có thể thấy những ngòi bút trong Sáng Tạo khác hẳn với văn phong thời tiền chiến, mỗi người đều có ngôn ngữ riêng. Nhưng tinh thần chung vẫn trong một hướng nhìn của chủ nghĩa hiện đại (modernism). Thơ mới Việt Nam (tức thơ tiền chiến) và Tự Lực Văn Đoàn là các cậu thanh niên con đẻ của tư tưởng này. Văn học mác-xít và hiện sinh cũng là các người con khác của tư tưởng hiện đại.
Ngôn ngữ thơ Mai Thảo không rời được truyền thống trên. Trước hết ông nhiều chất Tây phương hơn Đông phương. Cho dù vẫn nói về Nam Hoa Kinh, về cánh bằng Trang Tử, về cái không, nhưng tất cả chuỗi các câu thơ đều theo một trật tự luận lý.
Trật tự về hình thức thì là lục bát (trong tập có 2 bài), thơ thất ngôn (đa số trong tập), thơ tự do (cũng có vần điệu). Thí dụ như một bài không hạn định số chữ như sau (“cái quần rất cũ,” tr.72):
Những chiếc jeans bóng loáng dẫy khuy đồng
Treo dưới nắng cùng sarong sặc sỡ
Giữa vải lụa trăm mầu mới mở
Một cái quần rất cũ
Theo người vào sinh tử
Vẫn hàng ngày âu yếm đem phơi
Còn trật tự về nội dung? Cũng thí dụ với bài trên và cả bài trích dẫn ở phần đầu, chúng ta ghi nhận tác giả chuyển ý rất mạch lạc, kể sự theo một dòng chảy hợp luận lý, không có gì khó hiểu. Mai Thảo bị ám ảnh bởi tính sáng sủa của lý trí. Ông không thể viết được sự rối loạn của tâm thức con người, lý do vì tư tưởng hiện đại là đứa con của lý trí, của hãnh tiến khoa học. Ngay cả những nỗ lực khai phá thế giới phi lý của tư tưởng hiện sinh cũng là những vùng vẫy trí thức, hợp luận lý khi bắt đầu trực nhận được thế giới đang trôi tuột ra khỏi các giải thích khoa học.
Thế giới thực sự ở ngoài khoa học, ngoài lý luận, trong quan điểm tư tưởng hậu hiện đại. Người ta có thể lấy khoa học giải thích thế giới, nhưng họ không thể tin được rằng họ đã nắm bắt được sự thật của thế giới. Anh có thể giải thích khoa học mọi hiện tượng, nhưng anh không thể nói đó là sự thật.
Vì vậy, trong cách nhìn sau này, tiểu thuyết không cần có khởi đầu và cũng không cần có chấm dứt (như trường hợp meta-fiction), bởi vì chuyện ngoài đời thật sự thì không đầu không cuối. Một cuốn sách trong quan điểm này luôn luôn là cuốn sách mở. Và người đọc thì tùy nghi, muốn đọc ngược từ trang cuối về trước cũng được, nếu thích, bởi vì nó tự là cuộc đời trước. Và, chẳng hạn, bạn có thể đọc thấy thiên thần hạ cánh trên phố New York bắt tay một cậu bé, có hề gì đâu.
Và thơ dĩ nhiên cũng không có dòng đầu dòng cuối, và có thể cả những chữ không phát âm được (thí dụ *, &, , #, @, vân vân) mà cũng chẳng sao. Bỏ qua chuyện hay với dở ở đây, thì đây đã hoàn toàn là một thế giới mới, ở ngoài trật tự khoa học.
NGÔN NGỮ VỀ TÍNH PHÁI
Một điểm nữa trong thơ Mai Thảo là ông viết về nữ phái rất trân trọng, kín đáo. Người ta không đoán được nhân vật nữ trong thơ ông ngoài đời thực là ai. Trong 92 bài thơ trong tập, chúng ta chỉ gặp hình bóng phụ nữ trong 6 bài. Ít đến phải ngạc nhiên.
Trong 6 bài trên, gạn lọc cho kỹ thì còn ngờ vực thêm, như chữ “em” trong một vài chỗ có thể là “em ruột” hoặc không chỉ minh bạch. Thí dụ bài “Mừng Tuổi,” trang 37:
Em vẫn trăm xuân mừng tuổi mới
Tuổi của thềm sương tuổi chúng mình
Cùng lăn không tiếng về nơi ấy
Tăm cá không còn cả bóng chim
Nếu bỏ những bài mơ hồ như trên, thì hình ảnh phụ nữ chỉ còn trong bốn bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” (tr.21) “thủy tận,” (tr.73) “cúi đầu,” (tr.77) “chỗ đặt,” (tr.99).
Nếu tính những mối tình trong quá khứ của Mai Thảo – như có người kể – thì với bốn bài (gọi là thơ tình) phải gọi là quá ít. Nhưng nếu gọi là thơ tình thì có lẽ thật sự chỉ một bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” vì ngôn ngữ ở đây trực tiếp hơn, rõ ràng hơn các bài khác. Thử trích hai đoạn trong bài này:
...
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đứng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đứng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương
Mai Thảo vốn đã ít lời cho phụ nữ, nhưng khi mở lời thì lại bước ngược trở vào thế giới của tiền chiến. Chúng ta gặp những ngôn ngữ và hình ảnh quen thuộc (hoang đường, cổ đại, thần tiên, lứa đôi, tài tử, ngự, thiên thần, ngôi, mưa là nước mắt, đá đau buồn, ngời nhánh hương). Đếm lại, những bài thơ xuất sắc của ông hầu hết nói về cô đơn, tuổi già. Và nếu so với các nhà thơ thế hệ sau, thì ngôn ngữ ông thiếu trực tiếp hơn (như Đỗ Kh. với “Tôi Thích Đĩ,” chẳng hạn.
Bài duy nhất hơi nghịch ngợm của Mai Thảo là “chỗ đặt,” tr.99
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào
Có lẽ người đọc trẻ sẽ mong đợi hình ảnh hung bạo hơn, chẳng hạn loại cấm trẻ em dưới 17 tuổi cho thêm phần gây cấn. Vấn đề tại sao chỉ nói về bàn tay của mình, mà không nói về phần thân thể khác, thí dụ như chỗ đặt chân... Có gì kém thơ mộng hơn?
Ông cũng tránh gọi thẳng tên người phụ nữ, và cũng không đặt một tên khác, như Mary, Lisa... Nói gọn, trong thơ về phụ nữ, ông không dùng ngôn ngữ trực tiếp và tránh làm cho họ bị nhận diện. Họ là cái gì trong sương khói, mơ hồ. Đây là một thái độ nho gia hơn là cách xử thế của người Tây học. Không phải là chuyện kỳ thị phụ nữ (vì ông đã rất trân trọng đặt nàng lên ngôi rồi).
Đứng về phương diện nữ quyền thì đây là một thiếu sót và hơi bất công. Trong khi ông nói về ông một cách cụ thể (Đời ta sử chép cả ngàn chương), viết về những người bạn ông (Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Ngọc Dũng...) một cách cụ thể, nói về những vật dụng của ông (sách một dẫy nằm trơ trên giá, điếu thuốc tàn không rụng, trà đựng trong bình trí nhớ câm, giá rựu, chai Jack Daniels, bộ đồ cũ ấm trà pha, tựa lưng vào vách tường thân thuộc...) một cách gần gũi và cụ thể, thì ông đẩy những người phụ nữ vào cõi khói sương. Họ là cái gì rất phụ thuộc, ít nhất cũng là trong tập thơ này–có lẽ, và có thể, chỉ là một giây phút nhói tim, và rồi lui trở về ngôi hoang đường cổ đại, và hình như không có da thịt.
Phải chăng ông còn những giọt lệ dấu đi?
ĐỂ KẾT
Khối lượng tiểu thuyết của Mai Thảo đồ sộ hơn những dòng trong tập thơ mỏng này, nhưng nhiều người tin Mai Thảo sẽ được nhớ tới nhiều hơn, và gây ngạc nhiên hơn, với những trang giấy mỏng manh này.
Có người tin rằng với tập thơ này, Mai Thảo đã hiên ngang bước vào thế giới thi ca, thử mượn chữ Mai Thảo ở đây, một cách hiển lộng, rực rỡ, để làm trong hơn một dòng suối, làm xanh hơn những vầng mây, và làm cao hơn những bầu trời. Có đúng như vậy không? Và có phải đó là thành tựu của một con chim đầu đàn trong Sáng Tạo?
Trong niềm tin rằng, Sáng Tạo trước kia, và bây giờ Mai Thảo–với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền–đã tìm được một ngôn ngữ mới, khác hẳn với Tự Lực Văn Đoàn và những người thơ tiền chiến (những người có công làm sáng sủa, đẹp đẽ chữ Việt), và thực sự đó là những ngôn ngữ mới, khác hơn, thì chúng ta thấy đó cũng chỉ là kết thúc một chặng đường. Nghĩa là khép lại một trang sử của văn học hiện đại (modernity) Việt Nam. Nghĩa là sau ông sẽ là một trang sử khác. Phải chăng, và đây cũng là công lớn nhất, Mai Thảo chính là người đã đứng lên, điềm tĩnh đưa cả gần trăm năm văn học hiện đại Việt Nam lên giá sách, và đưa tay chúc mừng những người em đang vật vã với giấy mực–và dĩ nhiên không có quyền và không thể là giấy mực của hôm qua.
__________________
Phan Tấn Hải
Mai thảo thường được biết như nhà văn, và là một trong những người viết nhiều tiểu thuyết nhất trong các thập niên qua. Gần đây, từ năm 1989, với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, ông lại được nhắc đến như một nhà thơ nhiều sức thuyết phục. Có lẽ, ông không làm thơ nhiều - nếu trải những bài này dọc suốt đời ông - nhưng có người đã bắt đầu nhắc tới nhà thơ Mai Thảo cũng tự nhiên như nói tới nhà văn, nhà báo Mai Thảo. Ở đây, chúng ta sẽ thử tìm hiểu một vài khía cạnh trong tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.
CÁC PHẦN TỬ THƠ
Nơi trang 1 là bài "Bờ Cõi Khởi Đầu", được ghi nơi phần Mục Lục nguyên văn như:
thay cho lời vào tập: bờ cõi khởi đầu, 1.
Chúng ta có thể ghi nhận sự phân biệt cách viết chữ hoa (upper case) với chữ thường (lower case) ở một số nơi để tìm hiểu thêm. Với một người suốt một đời sống chết với chữ nghĩa như Mai Thảo, hẳn nhiên không tình cờ mà chữ này hoa hay chữ kia thường. Khi chúng ta viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” theo thói quen ngữ pháp cho tựa bài, thì đã thấy có gì không nắm được chủ ý nhà thơ; nhất là khi đọc dòng ở Mục Lục “bờ cõi khởi đầu” thì mới tin chữ thường hay chữ hoa trong tập đều mang dụng ý.
Trong tất cả các bài thơ khác, nơi chữ đầu mỗi câu đều được viết hoa, cũng trong thói quen của nhiều nhà thơ. Cách viết mỗi người, hay là cách trình bày bản văn, tức là cách xuất hiện của tác giả, còn lộ ra cách nhìn về thế giới của mỗi người viết.
Tại sao phải “bờ cõi khởi đầu” mà không là “Bờ Cõi Khởi Đầu”?
Theo Rousseau, trong Confessions, ngôn ngữ được hình thành để nói, viết chỉ là phần phụ thêm cho ngôn ngữ nói. Cho dù đồng ý với Rousseau hay không, ngay khi viết “bờ cõi khởi đầu” ta đã có thể thấy khác với “Bờ Cõi Khởi Đầu” phần chính bởi vì ta không thể thoát khỏi cách đọc, như một trong những bản chất bất khả phân của ngôn ngữ. Và vì vậy, những khoảng trống, những dòng trống trong thơ, tự thân cũng nằm trong mạch đọc của thơ; và dĩ nhiên, ngay cả những phần tử không phát âm được của ngôn ngữ, một số dấu hiệu nào đó, như các nhà thơ Beats thường dùng.
Riêng với lời vào tập, cách viết trong dạng chữ thường còn thích nghi với nội dung. Nếu gạt bỏ những chữ đã hơi sáo, thường dùng, thiếu tính trực tiếp (tức hiểu qua một lăng kính văn chương của quá khứ), như viễn phương, lục lục, trùng trùng, điệp điệp, dặm hồng, dặm biếc... (tr.1-5) để tìm nghĩa, thì một nơi, nhà thơ viết, “Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.” (Tr.5)
Nếu đã gọi là “Tôi thơ,” thì hiển nhiên không thể có cái gọi là “bắt đầu thơ” hay “tận cùng thơ,” bởi vì không còn cái “tôi làm thơ” với cái “tôi tạm ngưng làm thơ.” Và vì vậy, các chữ “bờ cõi khởi đầu” phải viết trong chữ thường mới hiển lộ được quan điểm về thế giới của bài này. Bởi vì, ngay khi viết “Bờ Cõi Khởi Đầu” thì đã thấy có khởi đầu, và đương nhiên phải có mép bờ biên giới, có cái chi còn được gọi là chấm hết, nghĩa là không thể gọi được là “Tôi thơ.” Điều này có thể khẳng định mạnh hơn, nếu chú ý tới tất cả những chữ cần viết hoa theo thói quen (Hy Mã Lạp Sơn, Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thôi Hiệu), Mai Thảo lại viết trong dạng chữ thường. Trong cách trình bày vào tập như cách lý giải này, nếu dùng nhiều ngôn ngữ trực tiếp hơn, thì có lẽ người đọc thông cảm hơn với ông, một thế giới không biên bờ, không phân biệt, nơi của–có lẽ–ngôn ngữ sẽ bất lực (nếu sự thật có khi nào ngôn ngữ có–lực, đây cũng là một điểm để ngờ vực). So sánh, ta sẽ thấy trong các bài khác, Mai Thảo lại tôn trọng quy ước viết hoa mẫu tự đầu cho các danh từ riêng.
Jonathan Culler, trong tác phẩm On Deconstruction, Theory and Criticism after Structuralism (Về Giải Cơ Cấu, Lý Thuyết và Phê Bình sau Chủ Nghĩa Cơ Cấu Luận), trang 103, đã ghi lại lời của Jacques Derrida (De la Grammatologie), rằng ngôn ngữ tự nhiên, chân thực... chưa bao giờ hiện hữu. Điều này muốn nói, trong chức năng phụ thêm cho ngôn ngữ nói, chữ viết trước tiên là dấu hiệu. Đối với thi ca, luận điểm này sẽ giải thích thêm được cách viết của nhà thơ.
Chúng ta thử đọc bốn câu sau ở trang 73, bài “thủy tận” (nhan viết chữ thường theo nguyên bản):
Em đi vừa khuất trên đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Điều thấy trước tiên, các mẫu tự đầu câu đều được viết hoa. Nếu chúng ta tìm đọc các nhà thơ trẻ như Khế Iêm, Đỗ Kh., thì có thể (thử giả thiết) thấy sẽ được viết trong dạng chữ thường. Cả hai cách trình bày bản văn sẽ hiển lộ những thế giới thơ khác nhau. Thử viết lại:
em đi vừa khuất trên đầu phố
anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
đứng sững. Mới hay lìa cách đã
sơn cùng thủy tận giữa đôi ta
Và cũng giả thiết rằng người đọc đã thuộc lòng bốn câu trên, xin hãy nhắm mắt đọc lại. Chúng ta sẽ thấy người ta sẽ đọc theo hai cách khác nhau, tùy theo họ hình dung mẫu tự đầu viết hoa hoặc viết thường.
THỜI GIAN TRONG THƠ MAI THẢO
Trước tiên là khái niệm về thời gian–theo Kant thì thời gian và không gian là hai phạm trù tiên nghiệm, mà chúng ta luôn luôn bị gắn bó trong chính tư tưởng. Chữ hoa mẫu tự đầu, một cách tự nhiên, chỉ ra một khởi đầu và một chấm dứt. Mỗi câu, trong cách viết thứ nhất, cho dù có nghĩa nối tiếp với câu kế, vẫn tự thân là một thế giới tự đủ nghĩa (không hẳn là đủ nghĩa, nhưng là trọn vẹn), độc lập.
Trong cách viết thứ hai, sau khi đọc xong, dù là tới câu cuối, thì vẫn hình dung như còn gì chưa chấm dứt–không đơn giản chỉ vì không có khởi đầu– nghĩa là không có gì phân biệt với thời gian khi chưa đọc với thời gian khi đã đọc xong (nghĩa là có tính liên biến).
Nếu dùng chữ cho nghiêm trọng thì nơi đây hiển lộ được siêu hình học về thời gian của nhà thơ. Thời gian trong cách viết đầu là thời gian đường thẳng, chịu ảnh hưởng triết học Tây phương. Thử duyệt lại tập thơ Mai Thảo, chúng ta cũng thấy một số ngôn ngữ cho thấy điều này. Mặc dù ông cũng nói tới cõi không, Trang Tử, Nam Hoa Kinh... nhưng khi lý luận, ông lại nhắc tới hủy thể của hủy thể trở thành nhánh lúa (ảnh hưởng biện chứng pháp Tây phương) nơi trang 4, hoặc hạt thủy thể cho mầm sinh từ hạt (tr.94), hoặc bản ngã đã nhị trùng (tr.94, ảnh hưởng Freud), hoặc rải rác rất nhiều nơi là ám ảnh của cái chết–trong một phân biệt rạch ròi giữa cái không và cái có.
Trong khi cách viết thứ nhì–với chữ thường cho mẫu tự đầu câu–hiển lộ một thời gian vòng tròn của Đông phương. Đọc câu đầu vẫn có thể chưa hình dung được đây là câu đầu. Đọc câu cuối, vẫn chưa chắc nghĩ đây là câu cuối. Nghĩa là không có phân biệt giữa cái ngoài thơ và thơ. Nghĩa là thơ như một dòng sống chảy.
So sánh trong cách nhiều hình ảnh, thì cách viết thứ nhất (và nhà thơ Mai Thảo trong trường hợp này) như những tấm ảnh rời nối tiếp nhau. Và cách viết thứ nhì gần giống với cinema hơn. Điều này không hoàn toàn liên hệ gì tới việc thơ hay hoặc thơ không hay, nhưng giúp người đọc tiếp cận hơn với của thế giới của bản văn. Nói cách khác, lý luận này có thể giúp đi tìm rõ các phần tử thơ của người viết.
NGÔN NGỮ PHẦN MẢNH
Cũng lấy bài thơ trên, chúng ta thử đọc lại câu thứ ba:
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Cũng trong cách nhìn ngôn ngữ như dấu hiệu, thì câu vừa viết đã trở thành tám (8) chữ, không còn ở thể thất ngôn. Dấu chấm sau chữ sững đã trở thành một chữ câm, nhưng mang hẳn một tác dụng khác với trường hợp không có nó, hoặc với trường hợp dấu phết. Điều có thể thấy, dấu chấm nơi đây không nằm trong mạch ngữ pháp thông thường. Thử viết theo thói quen ngữ pháp:
Đứng sững, mới hay lìa cách đã
Trường hợp này, các dấu chấm câu (punctuation) sẽ chỉ giữ vai trò làm sáng sủa nghĩa câu văn. Nhưng thử đọc một lần nữa theo cách sau, với dấu chấm đứng đầu toàn câu:
.Đứng sững, mới hay lìa cách đã
Dù có đọc được dấu chấm ở đây hay không (tức một dấu lặng dài hơn dấu phết) thì dấu này trở thành một phần tử gắn liền với thơ, tức ngoài chứa năng làm sáng sủa của ngữ pháp. Tương tự, với cách đơn giản hơn, dấu chấm sau chữ sững cũng mang một tác dụng gắn liền với thơ, không hoàn toàn giữ một vai trò văn phạm.
Tới đây thì sự tham dự của người đọc vào bản văn sẽ rõ ràng hơn, và có thể tác dụng sẽ ở ngoài dự liệu của chính nhà thơ, và vì hiển nhiên mỗi người sẽ đọc bản văn theo cách riêng của chính mình, không dùng văn phạm như thói quen chuyên chở ý nghĩa.
Mai Thảo, ngay trong cách viết văn cũng vậy, cũng thường cố ý đặt những câu không đầy đủ, có tính phần mảnh. Chúng ta gặp những cách dùng này rất nhiều trong các bài “Sổ Tay Mai Thảo” trên báo Văn mỗi tháng. Và điều này hẳn nhiên có dụng ý hẳn hoi. Chúng ta ở đây không có ý phê phán điều này là hay hoặc không hay, nên hoặc không nên, nhưng chỉ tìm cách khảo sát ngôn ngữ của ông.
Ngôn ngữ, khi tách rời thói quen ngữ pháp, sẽ mơ hồ, dễ (bị/được) hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau (Nhưng có thực ngôn ngữ viết chỉ là để cho hiểu được chỉ một nghĩa, trong khi ngôn ngữ viết vẫn liên tục tìm nỗ lực để tự phá hủy chính mình; bởi vì nếu không, ngôn ngữ viết sẽ chỉ duy nhất chức năng truyền thông, như những dòng chữ quy định sẵn phóng lên từ máy điện toán.) Một thí dụ thường được nhắc đến, để rõ nghĩa này, như câu sau không nhớ của ai: Chàng mặc áo. Cụt tay. Ở đây, chàng cụt tay, hay áo cụt tay? Dĩ nhiên, nếu đặt vào mạch văn, một toàn cảnh đưa tới câu này, chúng ta có thể biết rõ chàng hay áo cụt tay. Dich Perry cũng thích đưa một thí dụ tương tự: He took a cigar from his pocket and lit it. (Chàng móc điếu xì gà trong túi ra, và đốt nó) Câu ông muốn hỏi là, đốt cái gì, điếu xì gà hay túi áo? Tuy nhiên đó một thí dụ cực đoan giải thích được chức năng làm sáng sủa của văn phạm. Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ–nói hoặc viết–vẫn
tự
thân là ái
gì ẩn
tối.
Đó là chưa nói tới chuyện ngôn ngữ viết–tức văn chương, xin quên hẳn thứ ngôn ngữ toán học, chính trị...ở đây–vẫn luôn luôn tìm những lối ngõ tự vượt chính mình.
Nhưng thơ Mai Thảo không có gì bí hiểm, ẩn tối như nhiều nhà thơ khác. Ông có lẽ sẽ là nhà thơ cuối cùng của dòng thơ mới Việt Nam – chữ mới dây mang nghĩa thường dùng từ thời tiền chiến, có lẽ người xưa dịch chữ này từ chữ modernity – hoặc sẽ có thể là người đứng giữa dòng thơ mới (trong nghĩa trên) với các nhà thơ thế hệ sau (giả thiết những người sau đang bước vào trong ngôn ngữ hậu đại, postmodernity).
VÀI ĐẶC TÍNH CỦA THƠ MAI THẢO
Tại sao lại đặt ông trong dòng thơ mới, trong khi nhóm Sáng Tạo của ông lại tìm cách vượt qua những ngôn ngữ này? Chúng ta có thể thấy những ngòi bút trong Sáng Tạo khác hẳn với văn phong thời tiền chiến, mỗi người đều có ngôn ngữ riêng. Nhưng tinh thần chung vẫn trong một hướng nhìn của chủ nghĩa hiện đại (modernism). Thơ mới Việt Nam (tức thơ tiền chiến) và Tự Lực Văn Đoàn là các cậu thanh niên con đẻ của tư tưởng này. Văn học mác-xít và hiện sinh cũng là các người con khác của tư tưởng hiện đại.
Ngôn ngữ thơ Mai Thảo không rời được truyền thống trên. Trước hết ông nhiều chất Tây phương hơn Đông phương. Cho dù vẫn nói về Nam Hoa Kinh, về cánh bằng Trang Tử, về cái không, nhưng tất cả chuỗi các câu thơ đều theo một trật tự luận lý.
Trật tự về hình thức thì là lục bát (trong tập có 2 bài), thơ thất ngôn (đa số trong tập), thơ tự do (cũng có vần điệu). Thí dụ như một bài không hạn định số chữ như sau (“cái quần rất cũ,” tr.72):
Những chiếc jeans bóng loáng dẫy khuy đồng
Treo dưới nắng cùng sarong sặc sỡ
Giữa vải lụa trăm mầu mới mở
Một cái quần rất cũ
Theo người vào sinh tử
Vẫn hàng ngày âu yếm đem phơi
Còn trật tự về nội dung? Cũng thí dụ với bài trên và cả bài trích dẫn ở phần đầu, chúng ta ghi nhận tác giả chuyển ý rất mạch lạc, kể sự theo một dòng chảy hợp luận lý, không có gì khó hiểu. Mai Thảo bị ám ảnh bởi tính sáng sủa của lý trí. Ông không thể viết được sự rối loạn của tâm thức con người, lý do vì tư tưởng hiện đại là đứa con của lý trí, của hãnh tiến khoa học. Ngay cả những nỗ lực khai phá thế giới phi lý của tư tưởng hiện sinh cũng là những vùng vẫy trí thức, hợp luận lý khi bắt đầu trực nhận được thế giới đang trôi tuột ra khỏi các giải thích khoa học.
Thế giới thực sự ở ngoài khoa học, ngoài lý luận, trong quan điểm tư tưởng hậu hiện đại. Người ta có thể lấy khoa học giải thích thế giới, nhưng họ không thể tin được rằng họ đã nắm bắt được sự thật của thế giới. Anh có thể giải thích khoa học mọi hiện tượng, nhưng anh không thể nói đó là sự thật.
Vì vậy, trong cách nhìn sau này, tiểu thuyết không cần có khởi đầu và cũng không cần có chấm dứt (như trường hợp meta-fiction), bởi vì chuyện ngoài đời thật sự thì không đầu không cuối. Một cuốn sách trong quan điểm này luôn luôn là cuốn sách mở. Và người đọc thì tùy nghi, muốn đọc ngược từ trang cuối về trước cũng được, nếu thích, bởi vì nó tự là cuộc đời trước. Và, chẳng hạn, bạn có thể đọc thấy thiên thần hạ cánh trên phố New York bắt tay một cậu bé, có hề gì đâu.
Và thơ dĩ nhiên cũng không có dòng đầu dòng cuối, và có thể cả những chữ không phát âm được (thí dụ *, &, , #, @, vân vân) mà cũng chẳng sao. Bỏ qua chuyện hay với dở ở đây, thì đây đã hoàn toàn là một thế giới mới, ở ngoài trật tự khoa học.
NGÔN NGỮ VỀ TÍNH PHÁI
Một điểm nữa trong thơ Mai Thảo là ông viết về nữ phái rất trân trọng, kín đáo. Người ta không đoán được nhân vật nữ trong thơ ông ngoài đời thực là ai. Trong 92 bài thơ trong tập, chúng ta chỉ gặp hình bóng phụ nữ trong 6 bài. Ít đến phải ngạc nhiên.
Trong 6 bài trên, gạn lọc cho kỹ thì còn ngờ vực thêm, như chữ “em” trong một vài chỗ có thể là “em ruột” hoặc không chỉ minh bạch. Thí dụ bài “Mừng Tuổi,” trang 37:
Em vẫn trăm xuân mừng tuổi mới
Tuổi của thềm sương tuổi chúng mình
Cùng lăn không tiếng về nơi ấy
Tăm cá không còn cả bóng chim
Nếu bỏ những bài mơ hồ như trên, thì hình ảnh phụ nữ chỉ còn trong bốn bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” (tr.21) “thủy tận,” (tr.73) “cúi đầu,” (tr.77) “chỗ đặt,” (tr.99).
Nếu tính những mối tình trong quá khứ của Mai Thảo – như có người kể – thì với bốn bài (gọi là thơ tình) phải gọi là quá ít. Nhưng nếu gọi là thơ tình thì có lẽ thật sự chỉ một bài, “em đã hoang đường từ cổ đại,” vì ngôn ngữ ở đây trực tiếp hơn, rõ ràng hơn các bài khác. Thử trích hai đoạn trong bài này:
...
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đứng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đứng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương
Mai Thảo vốn đã ít lời cho phụ nữ, nhưng khi mở lời thì lại bước ngược trở vào thế giới của tiền chiến. Chúng ta gặp những ngôn ngữ và hình ảnh quen thuộc (hoang đường, cổ đại, thần tiên, lứa đôi, tài tử, ngự, thiên thần, ngôi, mưa là nước mắt, đá đau buồn, ngời nhánh hương). Đếm lại, những bài thơ xuất sắc của ông hầu hết nói về cô đơn, tuổi già. Và nếu so với các nhà thơ thế hệ sau, thì ngôn ngữ ông thiếu trực tiếp hơn (như Đỗ Kh. với “Tôi Thích Đĩ,” chẳng hạn.
Bài duy nhất hơi nghịch ngợm của Mai Thảo là “chỗ đặt,” tr.99
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào
Có lẽ người đọc trẻ sẽ mong đợi hình ảnh hung bạo hơn, chẳng hạn loại cấm trẻ em dưới 17 tuổi cho thêm phần gây cấn. Vấn đề tại sao chỉ nói về bàn tay của mình, mà không nói về phần thân thể khác, thí dụ như chỗ đặt chân... Có gì kém thơ mộng hơn?
Ông cũng tránh gọi thẳng tên người phụ nữ, và cũng không đặt một tên khác, như Mary, Lisa... Nói gọn, trong thơ về phụ nữ, ông không dùng ngôn ngữ trực tiếp và tránh làm cho họ bị nhận diện. Họ là cái gì trong sương khói, mơ hồ. Đây là một thái độ nho gia hơn là cách xử thế của người Tây học. Không phải là chuyện kỳ thị phụ nữ (vì ông đã rất trân trọng đặt nàng lên ngôi rồi).
Đứng về phương diện nữ quyền thì đây là một thiếu sót và hơi bất công. Trong khi ông nói về ông một cách cụ thể (Đời ta sử chép cả ngàn chương), viết về những người bạn ông (Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Ngọc Dũng...) một cách cụ thể, nói về những vật dụng của ông (sách một dẫy nằm trơ trên giá, điếu thuốc tàn không rụng, trà đựng trong bình trí nhớ câm, giá rựu, chai Jack Daniels, bộ đồ cũ ấm trà pha, tựa lưng vào vách tường thân thuộc...) một cách gần gũi và cụ thể, thì ông đẩy những người phụ nữ vào cõi khói sương. Họ là cái gì rất phụ thuộc, ít nhất cũng là trong tập thơ này–có lẽ, và có thể, chỉ là một giây phút nhói tim, và rồi lui trở về ngôi hoang đường cổ đại, và hình như không có da thịt.
Phải chăng ông còn những giọt lệ dấu đi?
ĐỂ KẾT
Khối lượng tiểu thuyết của Mai Thảo đồ sộ hơn những dòng trong tập thơ mỏng này, nhưng nhiều người tin Mai Thảo sẽ được nhớ tới nhiều hơn, và gây ngạc nhiên hơn, với những trang giấy mỏng manh này.
Có người tin rằng với tập thơ này, Mai Thảo đã hiên ngang bước vào thế giới thi ca, thử mượn chữ Mai Thảo ở đây, một cách hiển lộng, rực rỡ, để làm trong hơn một dòng suối, làm xanh hơn những vầng mây, và làm cao hơn những bầu trời. Có đúng như vậy không? Và có phải đó là thành tựu của một con chim đầu đàn trong Sáng Tạo?
Trong niềm tin rằng, Sáng Tạo trước kia, và bây giờ Mai Thảo–với tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền–đã tìm được một ngôn ngữ mới, khác hẳn với Tự Lực Văn Đoàn và những người thơ tiền chiến (những người có công làm sáng sủa, đẹp đẽ chữ Việt), và thực sự đó là những ngôn ngữ mới, khác hơn, thì chúng ta thấy đó cũng chỉ là kết thúc một chặng đường. Nghĩa là khép lại một trang sử của văn học hiện đại (modernity) Việt Nam. Nghĩa là sau ông sẽ là một trang sử khác. Phải chăng, và đây cũng là công lớn nhất, Mai Thảo chính là người đã đứng lên, điềm tĩnh đưa cả gần trăm năm văn học hiện đại Việt Nam lên giá sách, và đưa tay chúc mừng những người em đang vật vã với giấy mực–và dĩ nhiên không có quyền và không thể là giấy mực của hôm qua.
No comments:
Post a Comment