VÕ PHƯỚC HIẾU
Võ Phước Hiếu còn có bút hiệu là Võ Đức Trung, sinh năm 1933 ( quý dậu) tại làng Thanh Hà, quận Châu Thành, tỉnh Chợ Lớn, sau Chợ Lớn thuộc đô thành Sàigòn- Chợ Lớn. quận này trở thành Bến Lức, tỉnh Long An. Võ Phuớc Hiếu thuộc gia đình giáo chức, cha và mẹ đều là giáo viên tỉnh Chợ Lớn.
Ông làm công chức thời đệ nhất cộng hòa, đến thời đệ nhị cộng hòa chuyển qua làm nhà xuất bản, ông là giám đốc nhà xuất bản Lửa Thiêng tại Sài gòn. Ông cũng đã từng làm báo, viết văn trước 1975. Ông cùng gia đình vượt biên tháng 6-1979 và đến Nam Dương. Tị nạn chánh trị tại Pháp từ tháng 11-1979 đến nay. Khi ra hẳi ngoại, ông càng chuyên về sáng tác thơ và truyện ngắn.
Tác phẩm:
THƠ
Le Chemin vers La Mer. Présence Vietnamienne, 1988.
Coeur de Mère. Présence Vietnamienne, 1989.
Thắp Sáng Hoàng Hôn. Cửu Long, 1989.
T
P TRUYỆN:
Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá. Làng Văn, Canada.2000
Hùm Chết Để Da . Làng Văn, Canada, 2001,
Như Nước Trong Nguồn . Hương Cau, Paris. 2004.
TUYỂN T
P THƠ:
Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại I, II (1975-2000)
Văn Hóa Pháp Việt, 2004.
Đọc Võ Phước Hiếu, chúng ta thấy rõ cấu trúc của ba tập truyện như sau:
Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá : Đồng quê + thực trạng Việt Nam
Hùm Chết Để Da : Đồng quê+ Thực trạng Việt Nam ( Bạn bè) + Đạo Lý
Như Nước Trong Nguồn : Đồng quê+ Tình Mẫu tử ( gia đình)
Đồng quê là mẫu số chung , là chủ đề chính cho các tập truyện của Võ Phước Hiếu. Ngoài ra còn có những chủ đề khác như :Thực trạng Việt Nam, Đạo Lý và Tình mẫu tử.
I. Đồng Quê
Ba tác phẩm của Võ Phước Hiếu mang cùng một nội dung là đồng quê Nam Kỳ. Ông sinh trưởng ở tỉnh Chợ Lớn ngày xưa mà nay là Bến Lức tỉnh Long An. Tâm hồn ông đã gắn liền với quê hương và dân tộc. Bây giờ, ông cũng như bao triệu người Việt sau biến cố 1975 phải rời bỏ quê hương với bao niềm khổ đau và thương nhớ. Những tác phẩm của ông viết ra là để hoài niệm quê hương yêu dấu. Trong các tác phẩm của ông, chúng ta nhận thấy có hai miền Nam: Một miền Nam thanh bình và một miền nam tang thương. Ta có thể nói đồng quê tức là miền Nam thanh bình. Còn miền Nam tang thươnglà đồng quê điêu tàn, tức là thực trạng đất nước trong bàn tay cộng sản.
1.Người và đất
Như Nước Trong Nguồn dày 300 trang, mang sắc thái chung là quê hương miền Nam. Tác giả đã phác họa vài nét dơn sơ về quê hương của ông:
Tôi sinh trưởng và lớn lên nơi làng Thanh Hà hẻo lánh quê mùa, đèo heo hút gió. Một làng nhỏ nhắn nên thơ với âm hưởng đặc trưng của vùng sông nước bạt ngàn phương Nam, nguyên sơ và kỳ bí. Nhà cửa vốn lưa thưa, không được bao nhiêu tộc họ quây quần trong nếp sống gia đình truyền thống tứ đại đồng đường, mấy thế hệ sum hợp, chung lưng đâu cật vui vẻ và hạnh phúc dưới một mái ấm duy nhất .
Xa xa về phía bên kia Vàm Cây Trôm, khỏi xóm Rạch Chung ngót nghét đôi ba cây số ngàn, chỉ thấy ruộng tân lập bát ngát và rừng chồi, rừng tràm tiếp nối chạy dài mút mắt (21-22).
Nơi chôn nhau cắt rốn của Võ Phước HIếu là nơi thôn dã, đầy vẻ hoang vu nhưng có nhiều màu sắc tươi đẹp của một thiên nhiên phong phú cảnh sắc:
Sự sống ở đây được nhận diện qua những đàn chim se sẻ hay dồng dộc từng chập bay lượn vù vù trong bầu trời xanh thẩm. Chúng lướt ngay cả trên đỉnh đầu người hoặc sà xuống những cánh đồng lúa mênh mông nghe rờn rợn. Các đàn chim này to lớn lắm, đông vô số kể, đôi khi che hẳn mặt trời làm sẫm tối một vùng đất.
Đó đây không biết cơ man nào mà kể cho hết các loại cò rất đa dạng như cò lửa, cò cá, cò ma, cò quắm, cò đúm và nhất là cò trắng bông bưởi. . . . rồi nào là diệc, điên điển, còng cọc, quấc. . . chen chúc chạy nhảy, tranh nhau đi săn mồi hay quây quần trửng giỡn trên chót vót những ngọn tràm. Tất cả tạo một màu sắc đẹp mắt, nổi bật hẳn trên bức họa thiên nhiên với nền xanh nõn nà mườm mượt của cây của lá, của ruộng lúa ngày mùa, thấp thoáng ẩn hiện xa xa nhưng lại gần gũi, nồng nàn sâu đậm (24-25)
Võ Phước Hiếu đã đưa ta trở về khoảng hai trăm năm trước, khi miền Nam mới được khai phá.Tác giả nói cho chúng ta biết nguồn gốc của tổ tiên ông là những người ưa phiêu lưu mạo hiểm, từ miền Trung đã theo chân các chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Khởi đầu họ ở vùng Bà Điểm, Hóc Môn, sau tiến dần về phương Nam, khai phá vùng Bến Lức hoang vu thành ruộng đồng (26). Họ đã thực sự lao động, đã đổ mồ hôi để tạo đựng gia sản và tạo dựng miền Nam trù phú. Họ đã thành công và biết dạy dỗ con cháu để con cháu tiến lên trong lao động, và học tập. Họ cũng biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ những kẻ khốn khó. Lịch sử của gia dình ông cũng là lịch sử của bao triệu gia đình người Nam trong đó có gia đình Lê Văn Duyệt, Nguyễn Đình Chiểu đã từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Và đó cũng là lịch sử của miền Nam, lịch sử của Nam tiến.
Võ Phước Hiếu viết về xóm Rạch Rít của ông:
Cái xóm Rạch Rít nơi ông bà tôi an phận tuổi già được thành lập không lâu. Các hàng bô lão thuộc hàng thổ công đaon chắc chỉ ngót nghét một hai trăm năm là cùng. Nhưng bây giờ xóm không đến đỗi quạnh hiu lắm so với những nơi sâu hút khác hoang vu cùng cốc với đôi ba nóc tranh lè tè, hoặc năm bẩy mái lá xác xơ, khép nép nằm khuất sâu hóm sau những vườn cây ăn trái tạp nhạp đủ loại, giữa một vùng sông nước bạt ngàn.
Xóm gồm trên dưới vài chục sinh mạng quanh năm dạn dày sương nắng, gió mưa.Từ đó có thể đoán ra dễ dàng nếp sống của họ đa số vẫn còn ở mức khó nghèo triền miên dai dẳng nhưng quyết tâm sinh tử của họ trên mảnh đất nghèo khổ đó mà họ đã đắn đo lựa chọn vẫn không hề thay đổi. Nhà của họ nơi này một cụm, nơi kia một cụm, hú gọi một tiếng lớn là có thể truyền đạt với nhau nhanh chóng (30).
2. Tình quê
Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá dày 238 trang, gồm bảy bút ký: Vét ao ăn tết; Trâu già chẳng nệ dao phay; Con quỷ giò bướm quê tôi; Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá; Đồ quân ăn cướp, Văng vằng tiếng chuông; Đám cháy đầu xuân.
Tập truyện này đã trình bày nhiều sắc thái của đồng quê miền Nam. Võ Phước Hiếu đã tô vẽ hai cảnh Việt Nam mâu thuẫn nhau. Đó là miền Nam trước 1945, là một miền Nam thanh bình với lúa xanh, mây trắng và miền Nam sau 1945, 1954 và sau 1975. là một miền Nam tràn ngập áo đen cờ đỏ.
Cảnh trong các truyện đều ở xóm Rạch Rít quê mùa, nơi sinh trưởng của tác giả. Các nhân vật là những người dân quê chân lấm tay bùn, tâm hồn chất phác giản dị. Họ có những cái hay như chăm chỉ làm việc, chịu khó dầm mưa dãi nắng và cũng có những tính xấu như uống rượu, bài bạc, chửi lộn, và ngồi lê đôi mách. Một số truyện của Võ Phước Hiếu nói lên tình người ở nơi thôn quê miền Nam.Vét ao ăn tết viết về cuộc sống bình an ở nơi thôn quê Việt Nam trước 1945. Trong gia đình nghèo, như gia đình Bảy Sô, vợ chồng già thương yêu nhau, vui buồn có nhau, đúng theo nghĩa tương kính như tân. Xóm làng dù có những mâu thuẫn , người này nói xấu người kia nhưng khi cần hợp tác để làm việc công ích lại đoàn kết với nhau, tích cực lao động như việc vét ao.
Trâu già chẳng nệ dao phay đề cao tình yêu quê hương. Chú Năm Nghê từng đi lính bên tây, hết hạn đăng lính, chú không ở lại Pháp như một số người mà trở về Việt Nam bởi vì Chú thương cái xóm Rạch Rít. Chú nhớ quê hương, bà con lối xóm (64). Chú ở trong cái nhà nhỏ, không cha mẹ vợ con, nhà chú trở thành nơi tụ hội cả xóm vì chú có tài kể truyện. Chú nghèo nhưng hảo tâm, ai đến chú đều tiếp đãi tử tế. Chú ít học, nhưng từng trải, đã đi đó đi đây. Chú có lòng nhân hậu và có một lý tưởng cao quý: chú yêu thương mọi người, và vui với hiện tại .
Đời rất hấp dẫn, chất chứa bao lôi cuốn quyến rũ. Đời lại muôn hình vạn trạng.Mỗi người nhìn một góc cạnh nào đó của cuộc đời để qua cái đẹp mình vừa khám phá , đón nhận đời với niềm vui hạnh phúc tự tạo. Từ đó dẫn dắt mình thêm thương yêu cuộc sống, thêm thương yêu những gì chung quanh mình như yêu người, yêu thiên nhiên, yêu nội tâm, yêu ngoại cảnh, yêu tất cả, bao la không biên giới ( 68-69)..
3. Cảnh quê và cuộc sống nơi thôn quê ngày xưa
Võ Phước Hiếu đã đưa ta trở về cuộc sống êm đềm và thú vị của thời trước 1945. Đó là những cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của lao động.
Cái thú ở thôn quê hẻo lánh thuở thanh bình là được tham dự cảnh đạp lúa trâu những đêm trăng sáng huyền diệu xuống cánh đồng vàng mơ thơm phức mùi rạ mới.Gió mát trong lành phơn phớt từng cơn nhẹ nhàng sảng khoái. Bốn bề tĩnh mịch. Nguời ta chỉ nghe tiếng thở khìn khịt từng chập của đôi trâu đen ngòm mập
lút và tiếng nhắc nhở thúc hối của bác nông dân già phía sau.
Cảnh đạp lúa đôi vui nhộn lắm. Ít ra cũng năm bảy bãi lúa lớn đại. Mỗi bãi có một hay hai đôi trâu quần thảo không ngưng.Thêm người sởi lúa, vô bao chỉ xanh, kẻ khuân chất ngay ngắn trên cộ tải về lẫm trại. Gặp lúc cuối năm giáp Tết, cảnh náo nhiệt còn tưng bừng hơn.ai ai cũng quyết tâm, ganh đua nhau dứt điểm sớm để kịp rước ông bà, hỉ hạ ba ngày xuân ( Con quỷ Gò Bướm quê tôi 102).
Người Việt Nam ta đi đến đâu, việc đầu tiên là lập một cảnh chùa, dù chỉ là vách lá đơn sơ. Cái niềm tin Phật giáo đã có từ ngàn xưa, thể hiện ở cái chùa làng của Võ Phước Hiếu. Chùa là trái tim của nhân dân và cũng là cảnh trí của đất nước, quê hương:
Chùa làng tôi cổ lắm. Mái ngói cũ kỹ, rong rêu đóng dày cộm, xám sậm ẩm i. Chùa được xây cất lâu đời, khoảng thế kỷ trước trên ngôi đất ven rạch, tiện lợI cho khách thập phương và bổn đạo đến viếng vào thời buổi vàng son thịnh hành của ghe xuồng, sông nước. Chung quanh cây cối um tùm. Nhiều cây to san sát hùng vĩ tăng thêm vẻ huyền bí mờ mờ ảo ảo của nơi tín ngưỡng thiêng liêng.
Ngoài vườn, có khi sát bên thềm chùa, rải rác nhiều tháp cao, lắm từng, chất chồng với đỉnh chót vót chỉa thẳng lên không trung. Tháp xây bằng đá tảng, hoặc đá xanh hay đá ong trét bằng ô dước, cũng rêu phong trùm phủ lốm đốm. Mãy liếp chuối bạt ngàn xanh nhạt vớI những quày dài cả thước tây, bao bọc những luống rau luống cà ( Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá, 180- 181).
Còn bao tục lệ đáng yêu như chia thịt , rước ông bà ngày xuân , và bao nhọc nhằn khi bọn trộm cướp hoành hành trong những ngày giáp Tết ( Đám cháy đầu xuân ) đã đuợc ông kể tường tận. Điểm này cho chúng ta thấy tại lục tỉnh cũng giống như ngoài Bắc ngày xưa vẫn có những bọn cướp hoành hành nhất là trong dịp Tết mà triều đình phải bó tay.
Ngoài ra, trong Như Nước Trong Nguồn, Võ Phước Hiếu cũng cho ta biết những nếp sống và phong tục của quê ông như tôn sư trọng đạo, việc giáo dục ở thôn quê, việc trồng thuốc lá và hút thuốc lá, tục uống trà, tục xem phong thủy, tục nấu rượu và tệ nạn cờ bạc ở thôn quê trước 1945, nhât là cuộc sống thiếu phương tiện y tế ( bà mụ đỡ đẻ).
3. Kỷ niệm thời thơ ấu
Trong Như Nước Trong Nguồn, Võ Phước Hiếu đã nhắc đến những kỷ niệm thời thơ ấu của ông. Đó là hình ảnh cậu Võ văn Thọ bảy tuổi đuợc cha cho đi học tư ở nhà ông thầy Huế. Lớp học tư võn vẹn có bốn học trò là Thọ, Đực Nhỏ, Hai Đớt và Bảy Rái. Tác giả giới thiệu sơ lược về ông thầy Huế. Cũng như ông thầy Quảng của Hồ Hữu Tường, ông thầy Huế của Võ Phước Hiếu cũng có một lai lịch và hành tung bí mật:
Đối với người dân xóm Rạch Rít, ông thầy Huế đến đây lúc nào không ai biết và cũng không ai quan tâm để ý tìm hiểu làm chi. Ở vùng đất khẩn hoang tất bật, đất trời bất biết này, người tứ xứ đến lập nghiệp không phải ít. . . . Chỉ biết những năm gần đây, ông thầy Huế rất có uy tín trong thôn xóm. Ông được lòng bà con từ đầu thôn đến cuối xóm, có thể nói chẳng sót một người. Ai cũng dành cho ông một sự tiếp đón niềm nở với cảm tình nồng hậu, chan chứa nghĩa ân. . . Tông tích ông thầy Huế phủ một màn bí mật dầy đặc. Riêng ông tôi biết rõ ngọn ngành ngay từ thuở ông thầy Huế lang thang đi bán thuốc dạo trên chiếc ghe lường có mui che mưa nắng kín đáo, xuôi ngược quanh năm trên sông nước, từ đầu thôn cuối xóm, làng này qua làng khác để cứu đời và cũng để sinh nhai.. . . Ông thầy Huế thuộc lớp sĩ phu miền Trung, nơi sinh sản những tâm hồn bất khuất, yêu nước nồng nàn, cái nôi của cách mạng dân tộc chống thực dân và phong kiến vào đầu thế kỷ trước. Ông quả có dính liếu quốc sự, chống Pháp xâm lăng cướp nước và triều đình Huế quan liêu bất lực.
Có lẽ những người đồng chí cùng tham gia những phong trào bí mật với thầy, kẻ bị kết án tử hình qua các máy chém lưu động, người bị tù tội đầy ải chung thân cấm cố, một đi không hẹn ngày về tận Côn Đảo xa khơi. Tổ chức bị mật thám liên bang phá vỡ. Thầy bắt buộc phải đổi vùng, vào miền đất mới Nam Kỳ tránh tai họa, tránh sự truy lùng gắt gao bủa vây ngày càng thắt chặt của thực dân đế quốc.. . (61- 69)
Sau lớp học này, Võ Phước Hiếu đi học trường làng. Đó là những sự vật, những hình ảnh rất tầm thường trong cuộc dời nhưng với tác giả lại là những nền tảng của tình cảm, của tâm tư đã ăn sâu trong lòng tác giả.
Buổi chiều lúc tan trường, mặt trời vẫn còn lủng lẳng trên không trung, chúng tôi thừa mứa thì giờ rong chơi phá phách.
Giờ này thằng Mười có thói quen la cà chạy dỡn với đám lục lăn lục lửa chúng tôi đến sẫm tối vẫn chưa chịu về chùa. Có lẽ đó là giờ khắc tự do của nó, thoát khỏi sự dòm ngó của bề trên. Chúng tôi thường gặp nhau ở bờ đê, ở Gò Bướm,, Gò Vua hay quán bà Tư Trầu, nơi bày bán bánh trái được trình bày tươm tất trong hàng chai keo đậy nắp kín mít hoặc treo lòng thòng lủng lẳng trước cửa quán. Những thứ tạp nhạp màu sắc đó có ma lực lôi cuốn sự thèm thuồng của chúng tôi mỗi khi đi ngang quán (Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá , 176)
Ngày nay, tác giả sống ở Pháp, lòng vấn vương vấn quê hương Việt Nam, thương nhớ xóm Rạch Rít:
Tôi nhớ quê hương
Tôi nhớ xóm Rạch Rít
Tôi nhớ ông bà và mẹ tôi.
Tôi nhớ ông giáo Sử và nhứt là ông thầy Huế ngày xưa
(Như Nước Trong Nguồn ,79)
Ngày nay, ông mang tâm trạng lưu đày của người xa xứ. Trong bài thơ Đón Mẹ, ông viết:
Ở những chặng đường đầy chông gai
Suốt cả tháng ngày
Con sống kiếp lưu đầy cô lẻ.
. . . . . . . . .
Con đến mảnh đất dung thân
Nhưng Mẹ ơi,
Con đã khóc bao nhiêu lần?
Kiếp ly hương
Một chuỗi phũ phàng!
Con chỉ thấy quê hương con là đẹp
(Như Nước Trong Nguồn, 10-11)
Ông luôn hoài niệm làng xóm, quê hương của ông:
Tôi nhớ chòm xóm, bà con cật ruột, ngay cả cây cỏ chim chóc quen thuộc. . . tất cả những gì đã gắn liền với cuộc sống của tôi trước đây, từ gốc rạ khô nằm mẹp dưới chân ngườI, cọng cỏ dại chết rũ quăn queo ở vệ đường đến những lờI ra78n dạy ngà ngọc quý hiếm của ông bà tôi, của mẹ tôi, của thầy tôi thuở tôi còn ở trần trùng trục rong chơi, khét nắng hôi trâu, hực mùi rơm rạ và bùn non xà xịn. . . . . . Nay tóc muối tiêu, tuổi xế chiều, nhưng sao những hình ảnh thân thương ấy vẫn rõ nét trong tôi. Những hình ảnh chợt đến chợt đi đo cứ chập chờn trên xóm Rạch Rít buổn tênh của tôi thấp thoáng ẩn hiện xa xa. . . (Như Nước Trong Nguồn, 79).
II. THỰC TR[1]NG MIỀN NAM ( ĐỒNG QUÊ TANG THƯƠNG)
Võ Phước Hiếu chưa quên quá khứ thì làm sao ông quên hiện tại, một hiện tại nay đang biến thành quá khứ đã và đang vây phủ bao người Việt xa xứ? Chính cái biến cố 1945, 1954, và gần hơn, biến cố 1975 đã làm cho miền Nam diêu tàn, tang tóc. Cứ mỗi bút ký là một vài nét chấm phá về lịch sử Việt Nam hiện đại. Chính mỗi kỷ niệm về làng xóm thân thương lại mang thêm nhiều giọt lệ cho quê hương, cho bà con ruột thịt còn ở lại trong tủi nhục hay những người đã nằm xuống trong uất hận, và đau thương.Trong Phá Sơn Lâm, Đâm Hà Bá, Võ Phước Hiếu đã cho ta rõ về việc một số người dân đã chết oan , hay đau khổ trong bàn tay cộng sản, và bao thảm họa giáng xuống những người dân miền Nam yêu chuộng hòa bình. Đó là thằng Ba La trong 1945 chết oan vì Việt Minh hành quyết về tội Việt gian :
Phong trào bắt VIệt gian làm nhiều người chết oan ức. Tám Thôi chưa kịp hòn hồn sau vụ bắt cụ Bùi ở chùa Giác Hải bỗng nghe lũ trẻ la ó bắt được Việt gian sắp dẫn ngang nhà. Anh lật đật phóng ra xem. Mắt mở to tròn xoe trâng tráo, tay chân bủn rủn, miệng ấp úng không nói ra lời. Thì ra thằng Ba La, bạn chí thân của anh, bị trói thúc ké. Nó bị đảy ra trước về hướng cầu Bình Tiên. Theo sau là nhóm ngườI hằn học võ trang gậy gộc dao mác và lũ trẻ quần xà lỏn, ở trần trùng trục, la ó nói cườiầm vang hỗn độn.
Ông hàng xóm tỏ vẻ hiểu biết ghé tai anh bảo rằng thằng Ba La bị bắt tại nhà. Nó bị kêu án tử hình và sẽ bị hành quyết ngay tại sân đá banh bên hông cầu Rờ Nô Bình Tiên.
Đầu óc anh rối loạn. Anh ngẩn người chưa kịp có phản ứng gì bỗng nghe rõ ràng tiếng nói quaen thuộc của thằng Ba La. Nó khóc òa, gào thét kêu oan ức thảm thiết lắm. Người ta hò hét xô đẩy nó đi từng buớc một. Tám Thôi không dám theo chứng kiến cảnh hành quyết nó nhưng anh nghe kể lại nó bị đâm bằng gươm Nhật từ mạn hang cua bên trái thấu xuống lút tim, xác vất ở sông Ông Buôn. Anh cảm thấy ray rứt và xấu hổ vì bất lực không dám ra bào chữa cho nó truớc khí thế đám đông không cách gì ngăn cản được. Thằng Ba La hiền như cục bột. Khốn nỗi, chắc có nguời nào xớn xác nhìn lầm nó với tên biện Chà cảnh sát ngày xưa nên nó phải mang chịu mang họa vào thân (140-141).
Đó là cuộc đời của Tám Thôi. Sau 1945, thấy Sài gòn đầy cảnh máu tanh, Tám Thôi lui về quê, dùng số tiền cần kiệm khi làm việc cho nhà thuốc Ông Tiên để cưới vợ và mua ruộng đất. Tám Thôi có hai đứa con lớn, sau 1975 phải di ngồi tù, hai đứa con dâu phải về nương náu nhà ông. Tám Thôi phải quay về nghề câu tôm câu cá để nuôi sống gia đình. Cảnh khổ của ông cũng là cảnh khổ của đa số dân chúng xóm Rạch Rít khi cộng sản xâm chiếm miền Nam. Và con sông quê ông cũng mang số phận đau thương của dân tộc:
Bây giờ trong xóm ai cũng đổ bung ra sông ra rạch chăn ví, săn đuổi cá tôm, tranh nhau đắp đổi qua ngày. Tôm cá bây giờ càng hiếm hoi. Cuộc sống thêm vất vả buồn nôn.
Ngày xưa con sông này không lớn không nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nó lạnh lẽo vô tri thật nhưng đối với ông, vố gắn bó gần gũi, hội nhập vào nó, nó chất chứa mang chở một cái gì thiêng liêng tiềm ẩn khiến ông càng quyến luyến khắng khít với nó luôn. Ngày nay cái hồn nước, hồn sông đó trở nên nhạt nhòa với cuộc đời nghiệt ngã (148).
Đó là cuộc đời của chú Năm Nghê con người vui vẻ nhưng sau 1975 bị ghép vào thành phần phản động chống chế độ, họ cấm dân chúng tụ họp cho nên nhà chú không còn ai dám lai vãng, chú bệnh và chết trong cô đơn và nghèo khổ ((73) .
Rồi bao biến cố xảy ra cho đất nước Việt Nam mà xóm Rạch Rít của Võ Phước Hiếu cũng không thoát khỏi cơn đại hồng thủy. Nào là học tập cải tạo, nào là sản xuất tập thể hóa nông nghiệp (146-147), .Hai ông giáo trong Như Nước Trong Nguồn là những con người bất khuất, có quá khứ chống Pháp , ông thầy Huế chết già, còn ông giáo Sử bị Việt Minh giết vì ông yêu tự do, không chịu khuất phục đảng vô sản, đảng của thiểu số người ngông cuồng không tưởng, rắp tâm muốn áp đặt bằng võ lực và hận thù (75).
Trong Hùm Chết Để Da và Như Nước Trong Nguồn, tác giả đã nói về cuộc đời của tác giả và các bạn bè vì chịu không thấu khổ ách cộng sản phải bỏ nước mà đi:
Tháng 6 năm 1979, sau thời gian mấy năm bị vùi dập trong những chiến dịch cải tạo , đánh tư sản mại bản, kiểm kê công thương nghiệp và bài trừ văn hóa đòi trụy. . . . do cộng sản độc tài độc trị chủ trương nhằm trả thù và cướp của của bà con miền Nam, tôi lặng lẽ cúi đầu tủi nhục, thấm thía bước xuống chiếc tàu cây định mệnh (Như Nước Trong Nguồn, 77).
Dù miền Nam chìm dắm trong đau thương, người dân vẫn sáng suốt nhận xét vè cộng sản. Họ tranh đãu một cách kín đáo. Họ công kích văn học, nghệ thuật cộng sản. Chú Năm Nghê và Bảy Bèo trong Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá tiêu biểu cho những người Nam Kỳ bộc trực, luôn nói thẳng, nói thật. Chú đã phê bình bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu và nhận xét về xã hội chủ nghĩa rất chí lý:
Tao thì ít chữ lại thiển cận nhưng tao nghĩ nhà thơ hạng nhất của chế độ
hồ hởi dự phóng con đường đi tới trước mặt, con đường thênh thang ở tương lai mà chỉ rộng có tám thước, không ổn chút nào hết. Hồi lâu ở bên Tây,, tận vùng phía bắc nước Pháp, tức xa thủ đô ánh sáng Ba Lê vài trăm cây số, những con đường rộng rãi na ná như thế không thiếu gì, nhan nhản khắp nơi. Đàng này, xây dựng tương lai chế độ với những con đường rộng tám thước đã huênh hoang hãnh diện, đã thỏa mãn mừng húm, tao cho đó là đầu óc nông dân hạng bét, cục bộ thiển cận, thua hẳn bà con khai rừng phá rẫy của mình ngày xưa quá cỡ thợ mộc. Thật đúng y chang các ông bí thư, các bà chủ tịch bù trơ bù trất, nhìn xa không quá mũi của xã mình. Đất nước Việt Nam để cho những hạng người đó lãnh đạo, chỉ lối chỉ đuờng làm sao trở thành rồng? Tao dám nói không sợ lắm, tụi nó sẽ biến xứ sở thành rắn ráo hay liu điu thôi (87).
Bảy Bèo , một nông dân trẻ, trước có đi lính quốc gia, so sánh giáo dục quốc gia và giáo dục cộng sản:
Thơ gì đọc chỏi tai quá trời. Hồi xưa ở trường, tôi có đọc những bài như Qua đèo Ngang tức cảnh của bà huyện Thanh Quan hay mùa thu ngồi câu cá của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nghe êm tai, chan chứa tình cảm, vần điệu rung động khiến tâm hồn man mác.. . . Đằng này, thơ gì cộc lốc, cứ xúi dục chém giết thù hận, cứ nhè đồng bào ruột thịt mình mà nguyền rủa, sỉ vả và nặng lời khiến tôi rùng mình nhớ lại cảnh chặt cổ sởn đầu, mổ bụng dồn trấu, thọc huyết cho mò tôm hay bắn tét gáy những năm khủng bố (83-84).
Tác phẩm của Võ Phước Hiếu đã trình bày khá đầy đủ những nét chính yếu của lịch sử miền Nam từ trước 1945 cho đến nay.
III. Đ[1]O LÝ
Hùm Chết Để Da dày 253 trang, gồm 6 truyện ngắn:
Hùm chết để da
Chút tình để lại
Giấc chiêm bao cuối năm
Cây cầu ông Hiệu
Niềm đau cuối đời
Âm đương hội ngộ
Tập truyện này giống tập trước là xây dựng trên bối cảnh và nhân vật miền Nam thời trước 1945. Nhưng khác với tập trước ở điểm luân lý. Ta có thể nói tập truyện này mang tính cách đạo lý.Ông cũng như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc muốn truyền cho người đọc ánh sáng của đạo lý, của tình người.Truyện đầu là truyện ông đốc Thường, xuất thân gia đình nghèo khó nhưng được nhà trường cấp học bổng để ăn học. Thành tài, ông không muốn gặp cha ruột là một nông dân quê mùa, vì ông sợ bạn bè chê cười. Sau ông tích cực phục vụ cho Pháp làm nhiều điều bất nghĩa. Viết truyện này, Võ Phước Hiếu nhằm chỉ trích những kẻ hữu tài mà vô hạnh. Truyện thứ hai nhắm ca tụng bà Năm Tơ Hồng, một người bình dân it học nhưng có tinh thần xã hội và nhân ái, mục đích sống của bà là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Bà luôn đề cao tình nghĩa vợ chồng, nghĩa là đề cao gia đình, vì đó là nền tảng của xã hội. Bà Năm Tơ Hồng nói:
Ở đời, chỉ có tình yêu là quan trọng hơn cả. Nó là đầu mối không thể thiếu sót được để xây dựng, củng cố và phát triển mọi thứ tình khác trên thế gian thực hư hư thực này (93).
Truyện Giấc chiêm bao cuối năm nói về thuyết nhân quả của đạo Phật. Võ Phước Hiếu là một Phật tử, đã hiểu rõ triết lý nhà Phật, và đã trình bày triết lý nhà Phật qua truyện này. Ba truyện sau cùng viết về những nguời bạn thân đã và đang sống dưới chế độ cộng sản cùng việc tác giả vượt biên qua Pháp.
IV. TÌNH MẪU TỬ
Như Nước Trong Nguồn, 187 trang, khởi đầu một bài thơ, tiếp theo là ba hồi ký và kết thúc bằng hai bài thơ, tổng cộng ba bài thơ và ba hồi ký:
Đón Mẹ (thơ)
Ngày ấy qua mau
Như nước trong nguồn
Hương lòng thắp muộn
Và mẹ ra đi (thơ)
Ainsi tu ten vas (thơ)
Tuy là ba hồi ký nhưng cùng chung một chủ đề Mẹ, và ý tứ liên tục cho nên có thể coi như là một . Khác với hai tác phẩm trên, tác phẩm này có nội dung hoài niệm về người Mẹ của tác giả. Thực ra, ở trong tập này, tác giả hoài niệm tổ tiên, ông bà và cha me, nhưng Mẹ được tô những nét rất đậm dà.
Đón Mẹ là một bài thơ mở đầu tập truyện.. Tác giả đã nói lên nỗi đau khổ của ông trong đêm chia tay mẹ để vượt biên:
Lúc chia tay
Con nhớ mãi
Ở những chặng đường đầy chông gai
Suốt cả tháng ngày
Con sống kiếp lưu đày cô lẻ
Con không dám thẳng nhìn mặt Mẹ
Để ghi rõ dung nhan Mẹ lần cuối
Mẹ đứng đó
Như tượng đá đêm đông
Mẹ đã chết trong lòng
Khi dõi mắt theo con (10)
Trong tập này, tác giả đã tỏ lòng yêu thương thân mẫu và nhạc mẫu. Nhạc mẫu của tác giả đã mất khi 83 tuổi, nhưng vong linh của bà vẫn theo dõi đứa con xa:
Mẹ!
Mẹ!
Mẹ ơi!
Mẹ kiệt sức rồi
Tám ( mươi ) ba tuổi chẵn da mồi tóc sương
Mẹ còn lặn lội dặm trường
Tìm con tản lạc bốn phương quê người (15).
Trong tập Như Nước Trong Nguồn , tác giả cho biết cha mất sớm, thân mẫu của ông đã hy sinh cuộc đời thanh xuân để nuôi con khôn lớn và cho ăn học. Bà đã thương yêu dạy dỗ ông, nhất là đã đau khổ khi con trai bỏ xứ ra đi vào nơi sóng gió hiểm nguy:
Tôi nhớ mẹ tôi khôn nguôi. Tôi nhớ hình ảnh thân thương, nhớ những lờI ra78n dạy ngọc ngà quý báu, nhớ những hy sinh cao cả vô bờ người dành cho tôi suốt cuộc đời ba đào sóng gió trên quê hương tôi máu lửa triền miên (Như Nước Trong Nguồn , 137).
Võ Phước Hiếu tả cảnh, tả tình rất chi tiết. Đôi khi lời văn hơi dài theo cách viết của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Ở một vài nơi, ông viết rất lưu loát, và say mê theo dòng cảm hứng tràn đầy như đoạn ông tả tâm sự kẻ hoài hương:
Người tị nạn Việt Nam, từ hơn hai mươi năm nay, nhứt là những người trọng tuổi, có một quá khứ nằng nặng dài lê thê sau lưng mình, hay nhắc nhớ thuở xa xôi ấy, nay dù đã bị lớp bụi thời gian vô tình phủ mờ đôi chút. Họ cố tìm kiếm trong các ngăn ngách chằng chịt và phức tạp của vùng tâm thức, một chút gì đó gắn bó với nguồn gốc cội rễ, thường là những cảnh đẹp, nét diễm kiều của quê hương cách ngăn diệu vợi.
Họ lâng lâng bắt gặp đâu đây những con đường mòn một màu nâu sậm, quanh co uốn éo rất thân quen với tầm mắt họ, nơi họ từng in dấu chân tung tăng liếng thoắng, rong chơi khét nắng hôi trâu thời son trẻ hồn nhiên.
Nơi đây những bờ mẫu trơn trợt lún phún cỏ mai cỏ chỉ cùng vài loại hoa dại ú màu vào mùa mưa dầm mịt trời mịt đất, bị cắt đoạn từng khoản do lổ chỗ bể vỡ, nước chảy róc rách.
Nơi kia con lộ đất đỏ nhỏ hẹp vừa đủ cho hai chiếc xe bò leo lề tránh nhau trong khổ nhọc, con lộ duy nhất đó chạy dài ngút mắt, cắt ngang xóm nghèo vớI những chiếc cộ trâu xuôi ngược ngùn ngụt rơm rạ và thóc lúa.
Họ sung sướng trong cảm giác đê mê, ẩn hiện một chút gì mênh mông sâu rộng, còn rơi rớt khi nhìn ngắm mặt trời đỏ ửng từ từ khuất dạng sau chòm cây hay đám lá tối om dầy mịt nơi cuối chân trời, nhường chỗ cho mầu sẫm tối chầm chậm chiếm lấy không gian, mang lại thôn ấp làng quê sự dịu dànbg thơi thới, như để đền bù cả một ngày dài oi nồng đẫm mặn mồ hôi, nặc nồng mùi rơm rạ khô cằn vào những mùa gặt hái ( Như NƯớc Trong Nguồn, 147).
Ông đã cho chúng ta thấy cảnh đẹp của miền quê và công phu khai thác ruộng vườn , đất đai của những người đi tiên phong. Họ đã xây dựng nên một mảnh giang sơn gấm vóc nhưng chủ nghĩa cộng sản đã biến mảnh đất hiền hòa thành nơi tang tóc, đau thương. Tác phẩm của ông mang tính chất hoài niệm nhưng cũng mang tính chất tố cáo và tranh đãu. Tác phẩm của ông man mác tình cảm nhưng cũng thành thật theo bút pháp hiện thực, phản chiếu lịch sử Việt Nam trước và sau 1975.
No comments:
Post a Comment