Saturday, September 1, 2012

HOÀNG NGỌC LIÊN * ÔNG GIÀ MƯỜNG CƠI

Ông Già Mường Cơi

Kính tặng Lão Ông và gia đình
từ Thái Lan về làng Mường Cơi (Sơn La)

Tôi không bao giờ quên được ông già Mường Cơi. Tôi nghĩ rằng ông cũng chưa quên tôi. Mặc dù ông và tôi không hề biết tên tuổi của nhau, nhưng ông đã đối xử với tôi bằng một sự quan tâm thật chân thành.
Tôi gọi ông là Ông Già Mường Cơi, chỉ vì ông “định cư” ở làng này chứ ông không phải người thiểu số. Cũng như chúng tôi, khoảng giữa năm 1976, ông và gia đình được di chuyển bằng tàu thủy ra “miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa”. Nhưng ông lại khởi hành từ miền đông bắc Thái Lan!
Gia đình ông được “cổ vũ” về quê hương “xây dựng đất nước”, sau mấy chục năm ở xứ người! Ông đã hỏi đi hỏi lại “cán bộ” là có chắc chắn gia đình ông được về lại quê cũ, làng Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên không, thì “cán bộ” vui vẻ gật đầu:
-Dĩ nhiên. Đất nước đã độc lập, thống nhất, sạch bóng quân thù. Đồng bào sẽ đem tất cả tài sản về sinh sống tại quê nhà. Có hạnh phúc, tự do!
Ông bà bùi tai. Nghĩ mình đã lớn tuổi, con cái thành tài, ở đâu cho bằng nơi quê cha đất tổ.
Thế rồi chuyến tàu chở nhiều gia đình cập bến Vũng Tàu, rồi đi Hải Phòng, chuyển lên xe lửa chạy trên đường Hải Phòng - Hà Nội. Nhưng tàu không ngưng lại ga Hưng Yên mà chạy tuốt ra... Yên Báy!
Ông bà ngơ ngác nhìn cảnh lạ ngoài khung cửa sổ tàu. “Cán bộ” mất... tích, không còn ai để hỏi cho ra lẽ. Người ta hướng dẫn gia đình ông bà xuống phà, qua bên kia sông Hồng rồi lên xe hàng... đến ven một khu rừng thuộc làng Mường Cơi này.
Bao nhiêu tài sản do công lao dành dụm của ông bà và con cháu từ mấy chục năm qua, không còn thấy vết tích gì nữa.
Tiền Thái Lan đã được đổi thành vàng ròng. Trước khi tàu nhổ neo về quê, “cán bộ” đã ký nhận của từng gia đình. không những vàng, mà cả các “phương tiện sản xuất” như máy cày, máy bơm nước, máy phát điện, máy may...; các phương tiện chuyên chở như xe hơi, xe gắn máy...; các tiện nghi sinh hoạt như máy thu thanh, TV, Cassette..., quạt máy, máy lạnh... cũng đều được ký nhận. Cán bộ cho xếp trước tất cả xuống hầm tàu. Chừng nào về đến quê cũ, biên nhận nào trả theo vật dụng đó. Mất mát đi đâu được mà sợ! “Nhà Nước” giàu có vô cùng, đời nào lấy ba cái “lặt vặt” của đồng bào đem từ “nước ngoài” về!
Trong khi chờ đợi “làm đơn” xin lại tài sản (!), trước mắt, gia đình ông bà được cấp một khu đất để tự túc cất lấy nhà mà ở. Rừng vầu, tre, nứa... không thiếu thứ gì để làm nhà. Lá buông, tranh trên rừng, rạ ngoài đồng; muốn lợp nhà bằng gì tuỳ ý. Vậy lao động là ... vinh quang”, ông bà và con cháu muốn về quê hương để lao động xây dựng đất nước thì nay đã được như nguyện. Khỏi cần mơ ước thêm gì nữa. Mọi người... tự do sống thoải mái trong khu rừng này. Có điều chỉ là hơi... cách biệt với thế giới bên ngoài. Thư viết gửi đi các nơi chẳng bao giờ có hồi âm, kể cả thư về Hưng Yên - mà trước đây ông bà vẫn có tin họ hàng. Nói gì đến thư gửi qua Thái Lan!
Ông già Mường Cơi đặt ly nước chanh trước mặt tôi rồi nói tiếp:
- Nếu sau này, có bao giờ ông đi được đâu đó, làm ơn nhắn giùm đồng bào mình ở Thái, đừng bao giờ dại dột tình nguyện về quê...
Tôi ngượng ngùng:
- Thưa ông, nếu có duyên may nhắn được như vậy, tôi xin hết lòng. Chỉ ngại là không còn cơ hội đi phà qua hữu ngạn sông Hồng nữa!
Thấy đã đến giờ phải gánh hai bó tranh đến Trại 2 cho anh em lợp nhà - trước đó, trại này đã bị bà hỏa thiêu rụi -, tôi đứng lên từ giã ông già:
- Cảm ơn ông cho uống nước chanh giải khát. Thật không ngờ trên đường đi mệt, khát, lại được gặp may. Xin cầu chúc ông và gia đình sức khỏe để thích ứng với cuộc sống này. Cũng xin chia sẻ với ông về tình trạng sinh sống tồi tệ ở đây. Mong sẽ có ngày ông và gia đình được trở về xuôi!
Ông già cầm tay tôi:
- Chúng ta gặp nhau trong khoảnh khắc, nhưng là cái duyên trong vòng tao ngộ. Cũng xin chúc quí ông sớm thoát cảnh tù khổ sai này.
Tôi xiết chặt tay ông già:
-Cảm ơn ông. Xin từ giã ông!

Đi được một quãng, lúc đến ngã ba quẹo lên Trại 2, tôi còn nhìn lại căn nhà tường nứa, mái tranh của ông già Mường Cơi.
Gia đình ông bị “Cán bộ” cho vào xiếc. Còn khuya mới xin lại được tài sản mà cán bộ “quản lý” giùm, trên đường hồi hương! Tôi biết chắc chắn rằng những trường hợp “ông già Mường Cơi” sẽ chẳng bao giờ còn có dịp trở về quê cũ, trừ phi lại có chuyện đổi đời, mà trong những tháng năm trong tù, chúng tôi thật chẳng thấy tia sáng nào trong màn đêm dày đặc.
Năm 1979, chúng tôi được “chuyển trại” về huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.
Bước chân xuống phà, tôi được nghe ông lão “phụ trách phà” nói nhỏ với mấy anh em đứng gần:
-Lão “đứng phà” bốn chục năm nay. Chưa bao giờ thấy ai đi qua bên này sông mà còn trở lại bên kia sông. Hôm nay quí ông được trở lại, vậy là sống rồi! Xin có lời mừng!
Nhìn người “đứng phà”, tôi sực nhớ lại ông già Mường Cơi! Tôi thầm cầu nguyện cho gia đình ông có dịp qua được bên kia bờ sông... T

Hoàng Ngọc Liên
(Trích Viên Đạn Cuối Cùng)

No comments: