Sunday, September 2, 2012

TRẦN BÌNH NAM * IRAQ

IRAQ, CÁI GÂN GÀ CỦA BUSH

(Phỏng dịch từ “Seeing Through Iraq”, The Economist, December 14th – 20th, 2002 – Trần Bình Nam)
Câu hỏi chính là: Hoa Kỳ sẽ đánh Iraq hay không? Các chuyên viên tình báo Hoa Kỳ đang bận rộn nghiên cứu tài liệu dày trên 12.000 trang Iraq vừa đệ nạp cho Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc theo tinh thần của bản Nghị quyết 1441. Theo Nghị quyết này Iraq phải báo cáo với Hội đồng “chính xác và đầy đủ” các chương trình chế tạo vũ khí hóa học, vi trùng và nguyên tử của mình. Hoa Kỳ nóng lòng nhưng không tỏ ra vội vàng vì Hoa Kỳ không muốn làm cho thế giới có cảm tưởng rằng vì muốn đánh Iraq nên không thèm tìm bằng chứng Iraq vi phạm Nghị quyết 1441, mặc dù cũng không cần phải bỏ công nhiều mới biết bản báo cáo đó nói gì. Iraq vừa gởi tài liệu đến Liên hiệp quốc vừa tuyên bố họ đã bỏ ý định chế tạo các loại vũ khí giết người hàng loạt kia lâu rồi.
Sự quả quyết của Iraq trái với sự hiểu biết của tình báo Hoa Kỳ và – theo lời của ông bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld – trái với sự hiểu biết của bất cứ nước nào có khả năng tình báo. Nước Anh chẳng hạn, – nhờ tình báo hữu hiệu – đã biết trước rằng al Quada là thủ phạm đánh bom bằng máy bay làm sập hai tòa nhà chọc trời ở New York, lần này cũng nhanh chóng tuyên bố có bằng chứng Iraq có những thứ vũ khí nói trên. Tháng 9/2002 vừa qua ông Tony Blair, thủ tướng Anh đã công bố một hồ sơ về các chương trình chế tạo vũ khí của Iraq. Ông Blair nói tình báo Anh có bằng chứng Saddam Hussein đang sản xuất vũ khí hoá học và vi trùng, và đang nỗ lực giải quyết các khó khăn về kỹ thuật và tiếp liệu để chế tạo vũ khí nguyên tử, và đang tìm cách tăng tầm bắn của các hỏa tiễn tồn kho. Tài liệu của Anh nói Iraq có 20 hoả tiễn loại al-Hussein có khả năng mang đầu đạn hóa học và vi trùng và Iraq đã tìm cách mua uranium ở Phi châu mặc dù Iraq không có một chương trình sản xuất năng lượng nguyên tử nào cần uranium.
Nếu George Bush và Tony Blair nói Saddam Hussein có vũ khí giết người tập thể, trong khi Saddam nói ông ta không có thì ai đáng tin hơn? Câu trả lời có thể là hiển nhiên vì Liên hiệp quốc có bằng chứng Saddam Hussein đã nhiều lần nói láo và đã nhiều lần gạt đoàn thanh tra Liên hiệp quốc trước khi phái đoàn này bực mình rút lui năm 1998. Hơn nữa các nghị quyết của Liên hiệp quốc ràng buộc Iraq phải chứng minh không có vũ khí giết người tập thể chứ không phải người khác phải chứng minh. Tuy vậy, muốn được cộng đồng thế giới ủng hộ, Hoa Kỳ và Anh cũng cần phải trưng bằng cớ rằng Iraq có.
Nguyên tắc dân chủ không cho phép các nhà lãnh đạo các nước dân chủ muốn đánh ai thì đánh và bảo dân hãy “tin tôi”. Vì cuộc chiến trước mắt với Iraq có nguyên nhân nổi (khủng bố) và chìm (dầu hỏa) và nếu xẩy ra có những hậu quả khó lường nên trong thế giới Tây phương không thiếu người không tin những nhà lãnh đạo của mình thành thật, nghi ngờ tin tức tình báo là ngụy tạo và bản án tố cáo Iraq chỉ là bày đặt ra vì một ý đồ khác. Cho nên Hoa Kỳ cần phải có bằng chứng để thuyết phục các nước đồng minh. Nếu ông Rumsfeld nói đúng thì những lãnh tụ các nước có khả năng tình báo như Jacques Chirac của Pháp, Vladimir Putin của Liên bang Nga và các nước A rập đồng minh của Hoa Kỳ đều biết (qua tình báo của riêng mình) Iraq có (hay không có) những thứ vũ khí mà Liên hiệp quốc không cho phép Iraq được thủ đắc. Theo tinh thần của Nghị quyết 1441 nước nào biết gì về các chương trình vũ khí của Iraq đều có bổn phận chia xẻ với phái đoàn thanh tra Liên hiệp quốc, nhưng Pháp, Nga và các nước A Rập đồng minh với Hoa Kỳ không muốn có chiến tranh với Iraq nên không chuyện gì họ phải trưng bằng cớ (nếu họ có). Cho nên quả banh bằng chứng nằm trên sân của Hoa Kỳ và Anh.
Các dấu hiệu cho thấy trước sau Hoa Kỳ và Anh cũng trưng bằng chứng. Nhưng bằng chứng đó có đủ sức thuyết phục không là một chuyện khác. Ông Tony Blair nói bằng chứng nước Anh có sẽ không làm ai nghi ngờ nữa. Và biết đâu tình báo Hoa Kỳ hay tình báo Anh sẽ chỉ chỗ cho đoàn thanh tra Liên hiệp quốc đến tận nơi chứa hỏa tiễn loại quốc tế cấm hoặc một phòng thí nghiệm vũ khí ngầm nào đó dưới mặt đất. Nhưng sự im lặng khó hiểu gần đây của Hoa Kỳ sau khi Saddam lên tiếng thách thức “tôi nói tôi không có vũ khí giết người tập thể quí vị có bằng chứng thì xin đưa ra” làm cho người ta nghĩ không chắc Hoa Kỳ có khả năng đó. Có thể Hoa Kỳ chỉ chứng minh được rằng bản báo cáo của Iraq không giải thích được các vật liệu phái đoàn thanh tra Liên hiệp quốc trước năm 1998 biết Iraq có thí dụ như hàng trăm tấn hóa chất để sản xuất khí vx làm tê liệt não bộ con người, và hơn 30.000 đầu đạn có thể dùng để phóng vũ khí hoá chất và vi trùng bây giờ ở đâu.
Điều rõ ràng nhất là: Nếu Hoa Kỳ không đưa ra những bằng chứng không chối cãi được thì Hoa Kỳ không có đồng minh. Tổng thống Bush có thể biện minh rằng Hoa Kỳ không thể làm lộ nguồn lấy tin và phương pháp tình báo và rằng Iraq là một quốc gia độc tài nên rất khó lấy tin tức. Lập luận này hữu lý nhưng không thể dùng để thắng trận giặc tâm lý với Saddam Hussein được. Tình báo là một trò chơi muôn mặt. Nếu trong tài liệu công bố tháng 9 vừa qua thủ tướng Blair ghi rõ Saddam có những gì, cất dấu ở đâu thì Saddam dại gì không mang cất dấu chỗ khác. Nếu Saddam Hussein quả là một con người nguy hiểm như Hoa Kỳ và Anh kết luận thì hai nước này đã bám sát những gì Saddam làm trong hơn10 năm qua. Và người ta chờ đợi rằng nỗ lực chung của tình báo Mỹ (CIA), Anh, Do thái (Mossad), và tình báo của vài nước bạn khác đã phải tìm thấy một cái gì thật cụ thể sau một thời gian theo dõi dài như vậy. Nếu Anh, Mỹ, Do Thái không tìm thấy gì cụ thể thì làm thế nào một đoàn thanh tra hơn 100 người của Liên hiệp quốc đi đâu cũng ồn ào xe cộ với máy bay trực thăng bảo vệ có thể tìm ra vũ khí và phòng thí nghiệm được dấu kỹ trong một nước rộng mênh mông như Iraq?
Vậy tình huống sẽ ra sao? Câu trả lời dễ nhất là: sẽ có chiến tranh và không còn lâu.
Lý do? Một phần vì tháng Ba (2003) vùng sa mạc Trung đông bước vào mùa hè nóng bức rất trở ngại cho các cuộc hành quân. Nhưng lý do chính là Hoa Kỳ không muốn để cho sự việc nguội lạnh.
Nhưng Hoa Kỳ kẹt vì không thể rút ngắn nghị trình. Khi quyết định mang sự việc ra Liên hiệp quốc cho Saddam Hussein một cơ hội trả lời, nay Saddam đã trả lời thì Bush phải trả lời lại. Ông Hans Blix, trưởng đoàn thanh tra vũ khí chưa báo cáo cho Liên hiệp quốc kết quả của cuộc thanh tra. Nhưng Saddam đã nói ông ta không có vũ khí cấm đoán. Và vì Hoa Kỳ và Anh quốc không tin nên diễn trình tự nhiên là Mỹ và Anh sẽ yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo an để trình bằng chứng rằng Saddam Hussein nói láo, và xin biểu quyết xử dụng vũ lực (mặc dù Hoa Kỳ và Anh nói rằng một cách hợp pháp họ không cần xin một lần nữa trước khi hành động).
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có biểu quyết cho phép Hoa Kỳ đánh Iraq khi Hoa Kỳ xin phép không? Câu trả lời tùy thuộc vào giá trị các bằng chứng Hoa Kỳ sẽ trình cho Hội đồng. Mặc dù Nga, Pháp và Trung quốc không muốn có chiến tranh, họ cũng không thể biểu quyết “không” nếu có bằng chứng hùng hồn rằng Iraq đã một lần nữa qua mặt dối gạt Liên hiệp quốc. Ngược lại nếu bằng chứng thiếu sức thuyết phục, do đó Nga, Pháp và Trung quốc không thể bỏ phiếu “thuận” mà Hoa Kỳ và Anh vẫn đơn phương hành động thì Hoa Kỳ và Anh phải chấp nhận chiến đấu một cách cô đơn trước dư luận quốc tế bất lợi.
Tuy nhiên các nhà theo dõi thời cuộc vẫn trăn trở với câu hỏi. Nếu Hoa Kỳ và Anh quốc không có cái gì cụ thể trong tay để kết án Iraq thì có lẽ hai nước này đã không mang nó ra Liên hiệp quốc để Iraq có cơ hội cù nhầy, và cuối cùng cũng phải nuốt chiếc gân gà đai dách.
The Economist, Dec. 14th-20th 2002
Trần Bình Nam phỏng dịch
Dec. 22, 2002

No comments: