Phan Văn Khải qua Mỹ
Trần Bình Nam
Đầu tháng 5/2005 trong chuyến công du Úc châu và Tân Tây Lan, thủ tướng Phan Văn Khải tiết lộ rằng ông sẽ đại diện chính quyền Hà Nội chính thức thăm viếng Hoa Kỳ trong tháng 6. Sau đó ông thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Robert B. Zoellick khi đến viếng Hà Nội xác nhận nguồn tin trên. Chương trình sau đó cho biết thủ tướng Phan Văn Khải sẽ viếng Hoa Kỳ từ ngày 19 đến 25 tháng 6 và sẽ hội đàm với tổng thống Bush hôm 21/6.
Chuyện ông Khải đi Mỹ làm dân Việt Nam nhớ đến câu chuyện khôi hài dân gian truyền tụng đầu môi vào cuối thập niên 1990 sau khi đảng Cộng sản Việt Nam ban bố tình trạng cởi mở kinh tế vì không còn lối thoát nào. Nhưng mời ai vào bây giờ? Chuyện kể rằng: Tổng bí thư Lê Duẫn nằm mộng thấy một con ngựa đứng trên lưng một con rùa. Sáng dậy ông Duẫn triệu tập Bộ chính trị và mời thầy giải mộng. Thầy cười nói, ngựa là Mã, rùa là Quy. Mã Quy là “Mỹ qua”, vậy chúng ta chỉ cần mời Mỹ qua là giải quyết bế tắc. Duẫn nói, “Mỹ là nước lớn thua ta nên tự ái không qua đâu”. Đêm sau Duẫn lại nằm mộng thấy một con rùa cỡi trên lưng một con ngựa. Lại mời thấy đoán mộng. Thầy nói: dễ quá! Rùa là Quy, ngựa là Mã. Quy Mã là “qua Mỹ”. Nếu Mỹ không qua thì ta qua Mỹ cầu viện vậy.
Viêc Khải qua Mỹ tháng 6 này là ứng mộng của quý nhân. Vậy Khải đi cầu viện những gì?
Có hai vấn đề nổi bật giữa hai nước là mậu dịch song phương và an ninh, và quan trọng nhất là an ninh. Các chuyện khác như các vụ kiện mậu dịch về tôm cá, việc vào WTO là những chuyện không có tầm quan trọng cho một chuyến đi cầu viện. Muốn vào WTO Việt Nam cần phải làm một số việc trước, như ban hành một số luật lệ cần thiết cho việc điều hành mậu dịch, sau đó mới nói đến việc nhờ sự vận động của Hoa Kỳ.
Mậu dịch song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà tiến triển khả quan. Từ năm 2001 sau khi bản hiệp ước thương mãi song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có hiệu lực, lượng mậu dịch giữa hai nước tăng từ 1.6 tỉ mỹ kim năm 2001 lên 6 tỉ mỹ kim trong năm 2004. Vì vậy mậu dịch song phương sẽ không phải là quan tâm chính của hai nhà lãnh đạo Mỹ Việt.
Vấn đề chính là an ninh. An ninh cho Việt Nam và thế đứng chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Thái bình dương. Nói đến an ninh người ta nghĩ đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc, và hỏi, thủ tướng Phan Văn Khải đi Hoa Kỳ có phải là một chuyến đi để giải tỏa áp lực của Trung quốc hay không? Câu hỏi quá tế nhị trong hoàn cảnh hiện nay để Việt Nam hay Hoa Kỳ có thể quả quyết một điều gì. Tại Úc trước một câu hỏi của báo giới thủ tướng Phan Văn Khải nói chuyến đi của ông không nhắm chống một ai. Trong khi tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn tuyên bố chuyến đi của thủ tướng Phan Văn Khải là để hoàn thành tiến trình bang giao Việt Mỹ. Nhưng dù tránh né thế nào cũng không thể không thấy chuyến đi của Khải làm cho Việt Nam xích gần Hoa Kỳ một chút. Và nếu xích gần Hoa Kỳ thì làm sao khỏi xa Trung quốc một chút.
Tại Úc phái đoàn Việt Nam cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bàn thảo nhiều vấn đề trong đó có vấn đề thăm viếng của hạm đội Hoa Kỳ và an ninh thủy lộ. Thủy lộ ngoài khơi bờ biển Việt Nam từ Ấn Độ Dương xuyên qua eo biển Mã Lai chạy lên phía bắc Thái Bình Dương là một thủy lộ chiến lược quan trọng. Lực lượng nào kiểm soát con đường biển này sẽ nắm yết hầu kinh tế của Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại Thái bình dương. Đường biển này còn đi qua quần đảo Trường Sa ngoài khơi bờ biển Việt Nam là nơi có dầu lửa. Khả năng của các túi dầu ở đó chưa phát hiện đầy đủ nhưng có nhiều hứa hẹn. Trường Sa thuộc Việt Nam và Trung quốc nói là của họ. Nếu Trung quốc kiểm soát Trường Sa thì Trung quốc vừa kiểm soát dầu hỏa vừa kiểm soát thủy lộ quan trọng này.
Nếu thực tế này xẩy ra an ninh sườn phía đông của Việt Nam bị đe dọa, và Việt Nam sẽ mất một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá và sẽ trở thành miếng mồi ngon trước sự bành trướng của Trung quốc. Đối với Hoa Kỳ hệ lụy còn nặng nề hơn. An ninh hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ không được bảo đảm, và Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn mất khả năng bảo vệ. Nguồn dầu hỏa trong vùng Trường Sa sẽ lọt vào tay một thế lực có thể trở thành thù địch. Trong cơn sốt năng lượng hiện nay dầu hỏa là một yếu tố an ninh quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ.
Đó là viễn ảnh không thể chấp nhận đối với Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đánh Iraq để xiển dương dân chủ là một, nhưng đánh để duy trì kho dầu hỏa của Iraq trong tay một chính phủ thân Hoa Kỳ là chính. Và Hoa Kỳ cũng theo một sách lược tương tự trong sự bảo vệ hải lộ Nam Hải và kho dầu Trường Sa.
Cho nên một sự hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cần thiết, và chuyến qua Mỹ lần này của Khải là một chuyến đi lưỡng lợi. Mỹ quá lớn để qua Việt Nam (không kể chuyến đi cuối mùa cho biết đó biết đây của tổng thống Clinton cuối năm 2000) thì Việt Nam qua Mỹ vậy! Mười năm đã trôi qua từ ngày hai nước thiết lập bang giao, đến hôm nay mới có một vị thủ tướng của chính quyền Hà Nội chính thức thăm viếng Hoa Kỳ kể cũng hơi trễ. Nhưng trễ còn hơn không.
Vậy là Hoa Kỳ sẽ trở lại Việt Nam. Nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước vui mừng đón chờ sự hợp tác mới. Nhưng bài học Việt-Mỹ của cuối thế kỷ 20 không thể quên. Sự hợp tác với một chính quyền mà không tranh thủ sự hậu thuẫn của nhân dân thì sự hợp tác có thể thất bại như cuộc rút chạy của Hoa Kỳ vào những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Cho nên Hoa Kỳ cần hợp tác với nhân dân Việt Nam chứ không nên để cho một nhóm người có quyền lợi riêng tư cai thầu sự hợp tác.
Cuộc hợp tác Việt-Mỹ đầu thế kỷ 21 đánh dấu bởi chuyến công du sắp tới của thủ tướng Phan Văn Khải cũng không thể khác nếu không muốn nó thất bại. Hoa Kỳ cần đến với nhân dân Việt Nam chứ không phải chỉ biết có chính quyền tại Hà Nội.
Trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai ngày 20 tháng 1 năm 2005, tổng thống Bush long trọng nói với toàn thế giới: “bất cứ ai sống trong tuyệt vọng và dưới sự áp bức nên biết rằng: Hoa Kỳ không quên quý vị đang bị áp bức và chúng tôi cũng không tha thứ những ai đang áp bức quý vị. Khi nào quý vị đứng đậy vì tự do, có chúng tôi bên cạnh quý vị.” (nguyên văn: All who live in tyranny and hopelessness can know: The United States will not ignore your oppression, or excuse your oppressors. When you stand for your liberty, we will stand with you.)
Nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chống độc tài đảng trị (mà người đại diện là ông thủ tướng Phan Văn Khải, một Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam sắp công du Hoa Kỳ) và đảng của ông ta không đại diện cho nhân dân Việt Nam. Đảng của ông ta tiếm đoạt quyền hành, một chính quyền có quân có súng bắt nhân dân làm gì cũng được nhưng không đại diện cho ai cả. Hoa Kỳ cần nói với ông Phan Văn Khải biết Hoa Kỳ nói chuyện với đảng Cộng sản Việt Nam nhưng Hoa Kỳ muốn hợp tác với toàn dân Việt Nam. Hoa Kỳ có lời cam kết với những ai đang đấu tranh cho dân chủ.
Sự hợp tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chỉ có thể mang lại kết quả lâu dài là bảo vệ an ninh và tài nguyên thế giới cho cả hai dân tộc chừng nào chính quyền tại Hà Nội đại diện đích thực cho nhân dân Việt Nam và huy động được sự hậu thuẫn của toàn dân Việt Nam. Và sức mạnh của toàn dân chỉ có thể đến bằng con đường dân chủ.
Thực tế là Việt Nam chưa có dân chủ. Những người đấu tranh cho dân chủ đang bị đàn áp. Tín đồ các tôn giáo chưa được tự do hành đạo và tổ chức nội bộ tôn giáo mình. Ngôn luận chưa được tự do. Nhân dân Việt Nam có miệng có giấy có bút cũng như không. Giải tỏa bế tắc này là điều kiện của sự hợp tác thành công.
Mỗi nước trên thế giới có một con đường riêng để tiến tới dân chủ tùy theo điều kiện của nó. Con đường dân chủ của Việt Nam phải là con đường hòa bình do chính những lực lượng chính trị trong nước đồng thuận giải quyết mà không gây thiệt thòi cho một khuynh hướng chính trị nào. Ai đang cầm quyền cứ tiếp tục cầm quyền không cần nhường cho ai cả, nhưng cần một lộ trình dân chủ hóa đất nước đặt căn bản trên một nền chính trị đa nguyên qua bầu cử tự do. Mọi quyền lợi đều được cân nhắc với một điều kiện duy nhất là quyền lợi của đảng phái nào hay của khuynh hướng nào cũng phải đặt sau quyền lợi tối thượng của nhân dân và đất nước. Và cách tốt nhất là tiến hành dân chủ trong khuôn khổ của luật pháp.
Điều 4 của bản Hiến pháp Việt Nam hiện hành không chấp nhận đa nguyên chính trị. Cho nên tu chính Điều 4 để cho toàn dân và mọi khuynh hướng chính trị (chứ không phải chỉ 3 triệu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam) có quyền đóng góp vào thể chế và chính sách của đất nước có thể là một con đường giải quyết bế tắc chính trị và tạo điều kiện giải phóng năng lực vô biên của đất nước và con người Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đang kiểm soát quốc hội. Chỉ cần một quyết định của cấp lãnh đạo Đảng và một biểu quyết của quốc hội là một chân trời mới cho đất nước và dân tộc được mở ra mà không ai bị thiệt thòi.
Dân chủ hóa là một tiến trình dài. Một hệ thống đa nguyên chính trị thông qua bầu cử tự do cần thời gian để chuẩn bị, và trong thời gian chuyển tiếp, những người đang nắm quyền lãnh đạo có thể ban hành những biện pháp mang đến sự công bình và hòa giải trong xã hội. Tự do ngôn luận và báo chí là điều tiên quyết, tôn trọng nhân quyền căn bản và trả tự do cho những người đang bị cầm tù vì tranh đấu cho tự do dân chủ, và ban bố quyền tự do tín ngưỡng là những chính sách khả dĩ có thể áp dụng.
Trong những điều kiện đó, một chính quyền dân chủ do dân bầu và vì dân sẽ xuất hiện và sẽ biến Việt Nam thành một tích sản cho nền hòa bình thế giới và là một người bạn chiến lược giá trị của Hoa Kỳ cũng như đối với đối với các quốc gia lân bang có thiện chí xây dựng hòa bình.
Ngày 21 tháng 6 năm 2005 sẽ là một ngày lịch sử trong bang giao Việt - Mỹ nếu hai chính khách George W. Bush đại diện Hoa Kỳ và Phan Văn Khải đại diện cho đảng Cộng sản Việt Nam đặt sự hợp tác chiến lược trên căn bản đó.
June 3, 2005
BinhNam@sbcglobal.net
No comments:
Post a Comment