Monday, September 3, 2012

HẢI ĐÀ * HOÀNG HẠC LÂU

Hoàng Hạc Lâu:
Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng
Sưu khảo của Hải Đà



Thơ Đường là một sản phẩm vô giá, một nghệ thuật trác tuyệt của nền văn hóa
phương Đông, là một đỉnh cao sáng chói và thành tựu rực rỡ của nền văn học thi ca Trung Quốc. Thơ Đường chan chứa tình người, tình đời, tình đạo, có giá trị nhân bản cao, thấm đượm những tư duy thâm thúy và mẫn cảm của con người trước thế sự thăng trầm, thời cuộc điên đảo, tâm lý xã hội phức tạp. Những bài thơ Đường với những hình tượng sáng sủa, tình ý sâu sắc, đã biểu lộ những rung động chân thành của trái tim con người trước thiên nhiên vũ trụ, xã hội và gia đình, tình yêu, tình bạn v.v… Một bài thơ Đường chỉ thu hẹp hạn chế trong một số chữ theo đúng niêm luật, nhưng đã tạo nên một sự hài hòa tương xứng về âm thanh, hình ảnh và nỗi lòng … đã có một sức truyền cảm tuyệt vời, tạo một sự quyến rũ vô cùng. Bước vào thế giới Đường Thi như đi lạc vào khu rừng trùng trùng điệp điệp đầy kỳ hoa dị thảo, hương sắc muôn màu, càng đọc, càng suy tư, càng thấm thía và say mê… Học giả Trần Trọng San đã viết rằng: "Tôi bước vào cảnh giới Đường Thi từ bến Phong Kiều qua lầu Hoàng Hạc. Phong Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia nghiêm đã dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời.". Học giả Kiều Văn đã nhận xét rằng: "Nhiều câu thơ Đường đã trở thành câu nói cửa miệng nhân gian như:
- Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
(Dưới vầng trăng đừng để chén không)
-Nhân sinh thất thập cổ lai hi
(Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm)
-Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng
(Trời sinh tài ta, tất được dùng)
-Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
(Hạc vàng một đi không trở lại)
" Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản" … Hạc Vàng đã bay đi về một khung trời miên viễn nào đó …. nhưng Hoàng Hạc Lâu mãi mãi đã để lại một âm vang kỳ diệu, một hình ảnh sống động, một suy tư trầm bổng khôn nguôi trong lòng người đọc …
NGUYÊN VĂN BÀI THƠ VÀ NGUYÊN TÁC CHỮ HÁN
Hoàng Hạc Lâu
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Thôi Hiệu

ĐÔI GIÒNG VỀ THI SĨ THÔI HIỆU ( Ts'ui Hao , Cui Hao)
Thi sĩ Thôi Hiệu ( 704? – 754) người Biện Châu ( hiện nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), đậu Tiến Sĩ niên hiệu Khai Nguyên (725, đời Đường Huyền Tông), làm đến chức Tư-huân viên-ngoại-lang. Thi sĩ Thôi Hiệu có bản tính lãng mạn, nhiều lần kết hôn và ly dị. Cùng thời với Vương Duy, ông gia nhập nhóm văn đoàn Kỳ Vương Lý Phạm.
Thơ Thôi Hiệu phóng khoáng, tao nhã. Hai bài nổi tiếng của ông là khúc nhạc phủ Trường Can Hành và bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã đưa ông lên đỉnh cao sáng chói của nghệ thuật thơ Đường.
GHI CHÚ CÁC ĐỊA DANH
Hoàng Hạc Lâu: Lầu Hạc Vàng ở đầu cầu Vũ Xương, phía Tây Bắc phủ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, bên sông Trường Giang.
Hán Dương: huyện Hán Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, ở phía nam sông Hán Thủy thành phố Vũ Hán ngày naỵ
Anh Vũ châu: cồn Anh Vũ giữa sông Trường Giang, phía bắc lầu Hoàng Hạc, phía Tây Nam thành phố Vũ Hán
TRUYỀN THUYẾT VÀ KIẾN TRÚC LẦU HOÀNG HẠC
Theo sách Hoàn Vũ Ký, Phí Hôi từ lầu nầy cưỡi hạc vàng đi tu tiên. Sách Tề Hài Chí thì ghi Vương Tử An thành tiên cưỡi hạc vàng bay ngang lầu nầy. Sách Nguyên Hòa Chí thì ghi lầu nầy được dựng trên mỏm đá có tên Hạc Vàng.
Theo truyền thuyết, khu đất lầu Hoàng Hạc cổ xưa vốn là một quán rượu của một người tên Tân. Một hôm có một vị thiền sư theo Lão Giáo ghé quán nầy nghỉ chân, và được chủ quán mời rượu không tính tiền. Để đền ơn chủ quán, vị thiền sư vẽ hình một con hạc vàng lên bờ tường và khi vỗ tay khi con hạc nhảy múa rất đẹp mắt. Từ khi có hiện tượng kỳ lạ nầy, quán rượu thu hút rất nhiều khách thập phương và vị chủ quán trở nên giàu có. Khoảng 10 năm sau, vị thiền sư trở lại thăm quán rượu, lần nầy vị thiền sư thổi sáo và sau đó vỗ tay gọi cánh hạc bay ra và cưỡi lưng hạc về trời. Để ghi nhớ cảnh tượng kỳ lạ và cơ duyên trong việc gặp gỡ vị thiền sư huyền bí nầy, người chủ quán giàu có gọi nhân công xây một căn lầu gọi tên là Hoàng Hạc Lâu (lầu Hoàng Hạc). Theo sử liệu ghi chép thì lầu Hoàng Hạc được xây vào năm 223 (AD) sau Công Nguyên . Sau khi hoàn thành xong thì lầu Hoàng Hạc là nơi các vị hoàng tộc triều đình và các văn thi sĩ,
tao nhân mặc khách thường lui tới chốn nầy để ngắm cảnh và làm thơ. Theo tài liệu văn học Trung Quốc thì có khoảng 300 bài thơ tả cảnh lầu Hoàng Hạc, nhưng chỉ có bài thơ của Thi Sĩ Thôi Hiệu là xuất sắc nhất, phổ thông nhất, có giá trị nghệ thuật vượt không gian và thời gian, được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Lầu Hoàng Hạc nguyên thủy được làm bằng gỗ, sau khi bị hỏa hoạn nhiều lần, lầu được trùng tu lại nhiều lần. Công việc trùng tu được bắt đầu từ năm 1981, và hoàn thành năm 1985, và cũng trong năm này được mở ra cho công chúng vào thăm viếng. Hoàng Hạc Lâu nguyên thủy là một kiến trúc bằng gỗ chạm trổ gồm ba tầng, ở trên đỉnh bằng đồng.
Lầu Hoàng Hạc ngày nay trông lộng lẫy hơn, gồm năm tầng, cao 51.4 mét (cao hơn kiến trúc cũ 20 mét). Tầng thấp nhất có kích thước 20 mét mỗi bề (lầu cũ chỉ có 15 mét), nên du-khách biết ngay đây là một kiến trúc xây lại hoàn toàn mới, chứ không phải tu bổ từ căn lầu cũ. Tuy lầu Hoàng Hạc mới được xây lại dựa trên quan điểm thẩm mỹ hiện đại và kỹ thuật kiến trúc tân thời, nhưng vẫn còn giữ lại những đặc tính văn hóa và nét đẹp cổ truyền của lầu Hoàng Hạc cổ xưa.
Lầu Hoàng Hạc đã được nhiều thi-văn-sĩ đến thăm viếng cảnh và đề thơ. Học giả Trần Trọng San đã ghi chép: "Trong số những câu đối đề lầu Hoàng Hacï, câu sau nầy được coi là hay nhất, vì có tình thú đậm đà, dùng được nhiều chữ trong thơ xưa liên hệ với lầu nầy, miền nầy:
Hà thời hoàng hạc trùng lai, thả cộng đảo kim tôn, kiêu châu chử thiên niên mậu thảo; Đản kiến bạch vân phi khứ, dữ thùy xuy ngọc địch, lạc giang thành ngũ nguyệt mai hoa.
Bao giờ hạc vàng trở lại, hãy cùng rót chén vàng, tưới cỏ tươi ngàn năm trên bãi;
Chỉ thấy mây trắng bay đi, với ai thổi sáo ngọc, mai tháng năm rụng xuống thành
sông."
DỊCH NGHĨA BÀI HOÀNG HẠC LÂU CỦA THÔI HIỆU:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay mất rồi
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hạc vàng hoang vắng
Hạc vàng một lần bay đi không thấy trở về
Mây trắng ngàn năm cứ mãi trôi hoài
Bên sông tạnh cây cối miền Hán Dương tươi sáng
Bãi Anh Vũ cỏ tươi mơn mởn ngát thơm hương
Chiều tối không biết quê nhà ở đâu?
Khói sóng trên sông làm lòng người sầu vương
DỊCH THƠ:
Bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã được rất nhiều nhà chuyên khảo Hán Học uyên bác, các học giả tiền bối Việt Nam, và các thi sĩ say mê Đường Thi dịch với những bản dịch trác tuyệt, phong phú và tài hoa. Mỗi dịch giả có một phong cách sáng tạo và cách dịch thâm thúy khác nhau dưới các khía cạnh thưởng ngoạn đa dạng với những nhận thức tinh tế,những cảm xúc nghệ thuật và rung động thẩm mỹ muôn chiều khi đọc, ngâm, vịnh một bài thơ Đường. Các bản dịch của các học giả và thi-sĩ muôn phương đã được ghi chép ở cuối bài… đó chính là những tài liệu tham khảo quí giá, là khuôn vàng thước ngọc cho bài sưu khảo nầy… Sau đây là hai bản dịch của tác giả:
Lầu Hạc Vàng
Người xưa cưỡi hạc vút xa đây
Hoàng Hạc lầu trơ quạnh chốn nầy
Một thuở hạc vàng hun hút khuất
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay
Hán Dương sông tạnh cây tươi thắm
Anh Vũ đồng thơm cỏ mịn dày
Chiều phủ quê xa mù mịt bóng
Sông vờn khói sóng não nề thay!
Hải Đà dịch
Lầu Hạc Vàng
Người xưa theo cánh hạc vàng
Vút bay thăm thẳm, bẽ bàng lầu thơ
Thoắt đi cánh hạc xa mờ
Mênh mang mây trắng thẫn thờ luyến thương
Cây xanh vờn bãi Hán Dương
Cỏ thơm Anh Vũ lộng hương bốn bề
Chiều buông phủ lạnh bóng quê
Chập chùng khói sóng thảm thê khách sầu
Hải Đà dịch
VÀI CẢM NGHĨ VỀ BÀI HOÀNG HẠC LÂU:
Hoàng Hạc Lâu là một bài thơ vịnh cảnh đặc sắc phong phú, man mác một vẻ hoài cổ ung dung tự tại, mang lại một mối sầu tiếc luyến thương bâng khuâng, cho người đọc cảm thức một vũ trụ huyền vi với những hình ảnh quyến rũ tuyệt vời, xen lẫn những chiêm nghiệm về cuộc sống đời thường trong một vũ trụ mênh mang bát ngát. Vũ trụ trong bài thơ được xem như một căn bản, một nền tảng tồn tại cho một tâm thức cá thể, để con người phải suy tư trầm ngâm đi tìm nguồn cội, nơi chốn để trở về, điểm cuối cùng của đời người: một quê cha đất tổ muôn vàn yêu dấu …
Theo sách "Thương lang thi thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng " Đường nhân thất ngôn luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất). Hoàng Hạc Lâu đã đưa Thôi Hiệu lên đỉnh cao sáng chói của thi-văn-đàn Trung Quốc. Đó là một bài thơ đã nói lên cái ý thức gia-tộc, quê hương rất xúc tích tràn trề, đã đưa cảm quan con người từ một sinh vật nhỏ bé, ở một nơi chốn không gian thu hẹp: từ một lầu cao có tên Hoàng Hạc phóng tầm mắt ra xa vạn dặm đến tận độ vô cùng vô thủy vô chung … từ nơi đó đưa trí tưởng con người về một khung trời vạn cổ xa xăm: vũ trụ đã trở thành biểu trưng của tâm hồn người thơ … Từ nơi chốn miên viễn đó đã tạo nên một truyền thuyết mang sắc thái huyền bí, một khung cảnh thần tiên, một ý niệm thiêng liêng
… Lầu Hoàng Hạc được xây trên một địa điểm cao có thể nhìn chung quanh bốn
phương trời lồng lộng và nhìn xuống dưới là dòng sông Dương Tử trong tỉnh Hồ Bắc. Nước sông cuồn cuộn chảy theo hướng đông để nhập vào biển cả bao la … gây một cảm giác chia ly ngăn cách … cái cảm giác đó đã được nhà thơ biểu lộ trong hai câu đầu tiên:
Người xưa cưỡi hạc vút xa đây
Hoàng Hạc lầu trơ quạnh chốn nầy
Người Thơ đã tự nhìn mình như một người khách lạ, một cõi riêng ta, dưới cái cái cảm quan của một khách thể, đưa bản ngã hòa đồng vào đại ngã của một vũ trụ mênh mông bát ngát, một cõi hư vô bàng bạc … Người xưa đã cưỡi hạc bay về đâu, ở nơi chốn nào, người thơ chỉ cảm nhận điều đó ở trong nội tâm thầm kín và thăm thẳm, mà không tìm hiểu, và chỉ biết cái hiện hữu là lầu cao nơi người thơ đang phóng tầm mắt nhìn bốn phương trời vô định chỉ còn là sự trống trãi trơ trọi bơ vơ giữa vũ trụ muôn trùng. Hạc vàng đã bay đi khuất rồi, nhìn lên bầu trời quang tạnh chỉ còn thấy vầng mây trắng lững lờ lặng lẽ trôi mãi ngàn năm … một cảm giác lênh đênh, một nỗi cảm khái dâng tràn, một cảm quan xao xuyến bồn chồn ngập tràn tâm hồn của người thơ, để từ cái nơi chốn không gian bao la đó, bỗng chiêm nghiệm và cảm thụ rằng có một mối liên quan mật thiết giữa con người – một sinh vật yếu đuối nhỏ bé – với một không gian mênh mông trùng điệp trong vũ trụ huyền vi biến hóa khôn lường… để từ đó cảm nhận được sự
tương giao, tương hợp giữa tiên hạc trên trời và chuyện con người, sự sống, và đời
thường:
Một thuở hạc vàng hun hút khuất
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay
Hạc vàng và mây trắng: hai hình ảnh và màu sắc tương phản. Hạc trắng tượng trưng cho thiền nhân ẩn sĩ, triết lý vô vi, và hình tượng bất tử. Mây trắng là biểu tượng của trinh bạch, tinh khiết, thư thái và yên tĩnh, và là cảm hứng thôi thúc cho con người trầm mặc, suy tư và thiền định . Hạc là loài chim có ý thức bay đi, còn mây là vật vô tri lơ lửng trong không gian mà hướng đi không chủ định. Bài thơ đã gợi ý vầng mây trắng bay đi vào quá khứ vô tận, có lẽ vì sự "bất tử" không còn hiện hữu ở nơi chốn đó nữa, hoặc có lẽ sẽ không có một sự "bất tử" nào khác có thể thay thế được . Hạc và mây gợi nên một ý tưởng ly biệt, phân cách, cánh hạc sẽ bay đi bay mãi bỏ lại vầng mây trắng huyền ảo lơ lửng giữa bầu trời thăm thẳm … Từ cái sự ly biệt đó, nhà thơ đã đưa người đọc về lại
cái thực tế hiện hữu của con người, đó là cái không gian có cuộc sống, có không khí, hơi thở của con người, có sự tồn tại của thiên nhiên, cây cỏ, sông núi, của những nơi chốn ngập tràn ánh dương và ngào ngạt hương sắc, đã tạo ra một hình ảnh sống động tương giao trong vũ trụ, đem lại sức mạnh lâng lâng gợi cảm vô hình …
Hán Dương sông tạnh cây tươi thắm Anh Vũ đồng thơm cỏ mịn dày
Cái hình ảnh tươi mát "cỏ thơm mịn dày" = "phương thảo thê thê" = fragrant grass
rich-thick , ở bãi Anh Vũ, đã giống ý từ trong một bài nhạc phủ Trung Hoa, Chiêu ẩn sĩ trong Sở từ có nội dung " khi chàng đi chơi xa chưa về, trời đã sang xuân cỏ thơm mơn mởn và xanh ngát …" (Vương tôn du hề bất quy, xuân thảo sinh hề thê thê ) đó là hình ảnh cụ thể có màu sắc tươi mát và sống động, nhưng hình ảnh đó lại trớ trêu, lạ lùng không đúng chỗ và không hài hòa với những đặc điểm chung quanh, vì cỏ xanh biểu tượng cho một mùa xuân vui tươi hạnh phúc, mà nhà thơ lại gợi nhớ đến sự chia ly .. (It
is customary to associate apparently incongruous description of scenery with narrative lines in Chinese to achieve greater colour and concreteness, but there can be irony in the association as there is here when spring, a glad time, recalls parting - Wayne Schlepp).
Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng cùng một từ ngữ Trung-Hoa, phát âm giống nhau nhưng lúc viết khác nhau và cũng có hai nghĩa khác biệt (đồng âm dị nghĩa), như chữ "thê thê" có nghĩa là xanh tươi, mơn mởn, nhưng còn có nghĩa là lạnh buốt, buồn bã (khi phát âm)
Từ những hình ảnh mơ ảo xa vời của mây trắng ngàn năm phiêu lãng, hờ hững cuồn cuộn trôi " du du " đến những hình ảnh rất thực tế và sống động chứng minh sự hiện hữu của con người trong đó có nhà thơ đang đứng thầm lặng trên lầu Hoàng Hạc: cây cối tươi sáng rõ mồn một "lịch lịch" và cỏ thơm xanh mát mơn mởn "thê thê" …. Thôi Hiệu đã vẽ nên một bức tranh thủy mạc tuyệt vời. Thêm vào đó là hai địa danh cụ thể bất di bất dịch: Hán Dương và Anh Vũ đã tạo ra "thiên tính" của thơ cụ thể, dễ làm cho người đọc cảm nhận một cách dễ dàng, theo như quan điểm của một nhà phê bình văn học phương Tây: "Thơ không phải là thứ ngôn ngữ máy tính, cơ giới mà là thứ ngôn ngữ cụ thể có thể cảm nhận được … ý tượng của thơ không chỉ là sự óng ả trau chuốt , mài dũa mà còn là tinh hoa mẫn tuệ của ngôn ngữ trực quan (Hulme)". Hán Dương là thành phố dân cư ở phía Nam con sông và Anh Vũ, là một hòn đảo nhỏ giữa sông Trường Giang.
Anh Vũ còn gọi là Cồn Vẹt (một loài chim ở lại đối lại với cánh hạc đã bay đi), tương truyền rằng cuối đời Đông Hán con trai của vị Thái Thú ở đây có mở tiệc ăn mừng, có một vị tân khách dâng chim vẹt, có người làm bài phú kể lại chuyện nầy, và từ đó bãi Anh Vũ được gọi là cồn Vẹt.
Thi sĩ Thôi Đồ (không phải Thôi Hiệu) cũng đã nói về bãi Anh Vũ nầy qua bài thơ cảm hứng "Anh Vũ Châu Xuân Vọng" (Ngắm cảnh xuân trên bãi Anh Vũ) có hai câu thơ tả
cảnh và tình rất đẹp:
U đảo noãn văn Yên nhạn khứ
Hiểu giang tình giác Thục ba lai (Thôi Đồ)
(Trên đảo vắng –Anh Vũ- thoảng nghe tiếng chim nhạn Yên bay đi
Trên sông tạnh buổi sớm mai biết rằng sóng Thục đã xô về)
Đảo vắng nhạn Yên tung cánh vỗ
Sông mai sóng Thục dập dềnh xô (Hải Đà)
Như vậy bãi Anh Vũ là một phong cảnh đẹp, có nắng ấm, có tiếng chim bay, có sóng vỗ, nhưng buồn vắng quạnh hiu, đã gợi tình cho tao nhân mặc khách đề thơ. Bãi Anh Vũ cũng đã được Lý Bạch đưa vào một bài thơ sẽ đề cập sau.
Từ cái cảnh tượng sống động thực tế trước mắt (nhãn quan) đó, nhà thơ đã đưa chúng ta đến cái cảm quan khi nhìn thấy sương khói mù mịt lãng đãng bao phủ bầu trời trên sông, để cảm thấy nỗi buồn vời vợi khi nghĩ đến quê hương xa cách nghìn trùng không biết ở đâu mà tìm "Nhật mộ hương quan hà xứ thị ? " (Chiều tối rồi, không biết quê nhà ở đâu nhỉ) …. Nếu phân tích cho kỹ, chúng ta không hiểu có phải sự vô tình hay cố ý mà tác giả bài thơ đã dẫn giải cho chúng ta thấy cái nguyên lý âm dương của tạo hóa vô hình … Cái sáng sủa của cây cỏ tốt tươi biểu tượng cái "dương" tính, trong khi cảnh hoàng hôn, chiều buông, mặt trời tắt báo hiệu một ngày đã hết biểu tượng cái "âm" tính. Đó là cái định luật vô thường của thiên nhiên tạo hóa.
Theo Lão Tử thì muôn sự vật trên đời rất đa dạng, và sự vật nào cũng muốn quay về nguồn cội của nó, và khi trở về căn nguyên nguồn cội tức là về trạng thái tĩnh (Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn, quy căn viết tĩnh). Hai câu thơ cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu đã nói lên cái tâm trạng hoài hương của người lữ thứ xa nhà, xa quê biền biệt. Cái trạng thái tĩnh đó chính là cảnh hoàng hôn buồn vời vợi khi nắng chiều đã tắt, lại thêm khói sóng chập chùng trên sông đã tạo nên cái buồn não nuột cho khách đường xa mà bóng quê thì mờ mịt xa lắc xa lơ … ai mà chẳng nao nức muốn quay về nguồn cội là nơi quê nhà cũ của mình, đó chính là cái khát vọng sâu xa và thầm kín của con người muốn hòa nhập với thiên nhiên, và thiên nhiên cảnh vật chung quanh như muốn chia xẻ với người thơ nỗi ngậm ngùi xót xa, bồi hồi nhớ nhung quê cha đất tổ:
Chiều phủ quê xa mù mịt bóng
Sông vờn khói sóng não nề thay
PHÉP ĐỐI NGẪU VÀ CẤU TRÚC CỦA BÀI THƠ:
Theo luật thi, trong một bài thơ Đường bảy chữ (thất ngôn bát cú), theo nguyên tắc luật niêm vận phải chặt chẽ, phải tuân theo luật đối ngẫu, hai liên ở giữa phải đối nhau hài hoà cả thanh lẫn ý . Phép đối ngẫu (parallelism) là một phương thức kỹ thuật dùng chữ rất đặc trưng của các thi-sĩ Trung Hoa, có thể so sánh với pháp "ẩn dụ" (metaphor) của các thi sĩ phương Tây (một ví dụ về "pháp ẩn dụ" của phương Tây như: She has a heart of stone – Cô ta có trái tim bằng đá).
Tuy nhiên bài thơ Hoàng Hạc Lâu là một ngoại lệ. Bốn câu thơ đầu không theo đúng qui luật bằng trắc, làm ta tưởng chừng như đó là một bài thơ cổ phong. Phép đối ngẫu chỉ thành công khi nó diễn tả và lột xác được cái nội dung thâm thúy và ý tứ sâu sắc của bài thơ mà thôi. Nhờ những câu thơ đối nhau tuyệt tác tài tình mà người đọc có thể hiểu được và cảm nhận cái tinh hoa của bài thơ …Trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu, ngay hai câu thơ đầu tiên (liên 1) đã thấy có đối nhau (mặc dầu luật thi không bắt buộc), người ta nói đây là phá thể của thơ Đường:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Con chim hoàng hạc (một động vật di động) để đối lại với lầu Hoàng Hạc (một tĩnh vật bất động), người thơ đã đi ra ngoài khuôn cách gò bó của thể thơ Đường, người thơ đã "phá" cái cấu trúc thông lệ … và chính cái sự bất thường ngoại lệ đó đã làm nổi bật sáng tỏ hai sự vật tương phản, giữa cái động (chim) và cái tĩnh (lầu), giữa cái đi (chim đã bay mất rồi) và cái ở (lầu còn đó trơ trọi), đó chính là điểm phân biệt giữa cái hư vô và
hiện hữu. Trong liên 2 (hai câu thơ 3 và 4) luật đối không chỉnh:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
"bất phục phản" (không trở lại) không đối chỉnh với "không du du"
(vẫn bay bay, hững hờ trôi)
Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã phân tách và gọi hiện tượng nầy là "song hành phi đối xứng" (asymmetric parallelism). Nhà thơ đã phóng bút một mạch để ý thơ lai láng tuôn tràn tự nhiên mà tạo ra cái gọi là "tự đối tự phi đối", làm cho bài thơ tự nó có một sự lôi cuốn hấp dẫn lạ lùng.
Ngôn ngữ Đường Thi Trung Quốc là một sự giao hòa của các biểu tượng nhạc tính và âm tiết, nên khó diễn tả một cách tương ứng trong các bài thơ dịch ra ngôn ngữ ngoại quốc. Cái đặc trưng của ngôn ngữ thơ Đường là bao gồm "Từ tượng" (Onomatopoeia) nghĩa là sự kết hợp âm thanh trong một từ bắt chước giống nhau như "phì phì" (hiss),
"cúc cu" (cuckoo), "thùm thụp" (thud); kế đến là "Trùng Âm" (assonance), và "sự lặp lại
kế tiếp nhau của cùng một chữ hoặc một âm" (alliteration, ex: "sing a song of sixpence"
– hát một bài hát về sáu xu) (The Chinese language provides a vast range of musical and
rhythmic devices, none of which can adequately be shown in translation. Onomatopoeia,
assonance and alliteration work in a way familiar to us but their use for conscious effect
in Chinese is more often confined to pairs of words which sound typically poetic to a
Chinese - Wayne Schlepp)
Những điệp-ngữ-thể (dùng hai chữ lắp làm một, "double-compound) là một xảo kỹ trong
ngôn ngữ Đường thi, như qua bài Hoàng Hạc Lâu chúng ta đã thấy các chữ "du du, lịch
lịch, thê thê", đã gây một sự lôi cuốn và quyến rũ vô cùng. Đây là một đặc điểm khó
tìm thấy trong thi văn của phương Tây.
Chúng ta cũng đã thấy trong Bài thơ Hoàng Hạc Lâu 4 câu thơ đầu mà đã có 3 lần lặp
chữ, trùng ý "hoàng hạc" (câu 1,2,3) và 2 lần chữ "không" (câu 2 và 4), đây là những
điểm tối kỵ trong luật thơ Đường rất cô đọng vỏn vẹn trong 8 câu và 56 chữ . Nhưng
không vì thế mà bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã trở thành tầm thường gượng ép, trái lại ý thơ
tuôn trào một cách tự nhiên mạch lạc … Điểm khác biệt nầy chính là điểm sáng của bài
thơ …Tác giả đã không ngần ngại phơi bày hình ảnh "hạc vàng" ba lần trong một bài
thơ ngắn gọn chắc hẳn phải có một dụng ý thâm thúy … điều đó tác giả chỉ muốn gây
một ấn tượng mạnh vào tâm hồn người đọc, vì hình ảnh "hạc vàng" tượng trưng cho sự
tao nhã, cao quí, cho một cái gì vĩnh hằng và vô thường … Người ta thường nói rằng
"cưỡi hạc qui tiên" phải chăng "hạc vàng" là phương tiện cao siêu huyền bí để dẫn dắt
và chuyên chở con người đến một thế giới khác vô nhai vô thủy vô chung, một nơi chốn
vĩnh cửu tu tâm đắc đạo, đạt được chân lý vi diệu của đạo pháp, để thấy rằng cuộc đời
chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi tạm bợ, công danh sự nghiệp chỉ là màn vân cẩu ảo hóa,
phù du. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, Lâm Đại Ngọc đã phát biểu "Quả thật nếu có
những câu thơ kỳ lạ, thì dù không cần theo đúng bằng trắc, hư thực và không cần đối
chỉnh cũng đều được cả" (Nhược thị quả hữu kỳ cú, liên bằng trắc hư thực bất đối đô sử
đắc đích) . Để diễn đạt được ý thơ tuyệt tác, Thôi Hiệu đã không ngần ngại phóng bút
như vậy, cái tài tình của nhà thơ đã không làm cho "từ" hại "ý" là vậy. Tác giả đã phá
cách thể thơ như vậy, nhưng chỉ trong 4 câu đầu, và tác giả đã mau chóng trở lại với
niêm luật và đối khổ trong 4 câu thơ sau để còn giữ cái phong cách an nhiên tự tại và
sắc thái tao nhã lịch lãm của bài thơ Đường luật. Đây là một nghệ thuật chuyển ý tuyệt
vời, nghệ thuật tài tình đó như một chất keo pha lê gắn liền hai nửa khác nhau, không để
lại dấu vết ranh giới, để chuyển hợp hài hòa thành một bài thơ Đường có cấu trúc hoàn
mỹ và tinh vi …
LÝ BẠCH VÀ HOÀNG HẠC LÂU
Thi sĩ Lý Bạch là một ngôi sao Bắc Đẩu sáng chói của thời Thịnh Đường (713-846), thi
ca được phát triễn rực rỡ, đa dạng, phong phú đủ mọi đề tài, là nhờ sự yêu chuộng văn
nghệ và quí trọng thi nhân của vua Đường Minh Hoàng. Lý Bạch là một đại thụ sừng
sững nổi bật nhất trong thời kỳ thịnh đạt của Đường Thi. Ông là người tiền phong khai
sinh trường phái lãng mạn, mang tinh thần tự do, phóng túng, phối hợp hiện thực với
huyền thoại.
Tương truyền rằng có lần thi-sĩ Lý Bạch đến viếng thăm lầu Hoàng Hạc, định làm một
bài thơ tả cảnh lầu nầy, có đọc được bài thơ của Thôi Hiệu thấy quá hay nên ông ta
không làm thơ nữa, và đề lên tường hai câu sau:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
(Cảnh đẹp trước mắt, tả không được
Vì thơ Thôi Hiệu đề ở trên)
Theo một bài tham khảo của giáo sư Wei Shang trường đại học Columbia về đề tài "Sự
kiện ám ảnh thi sĩ Lý Bạch về Hoàng Hạc Lâu" (History of an Obsession: Li Bai and
Yellow Crane Tower). Theo Wei Shang, Lý Bạch là một nhà thơ rất nổi tiếng đời
Đường, ám ảnh bởi bài thơ tuyệt tác của Thôi Hiệu ở lầu Hoàng Hạc mà đành im lặng,
mặc dầu không nói ra sự bất mãn nhưng Lý Bạch đã không thể bình tâm trước sự kiện
nầy, và Ông đã gián tiếp ngấm ngầm tạo ra một cuộc đối thoại với Thôi Hiệu qua những
bài thơ tương tự đề cập đến lầu Hoàng Hạc và những cảnh trí khác với chủ đề và tình ý
tương tự Hoàng Hạc Lâu, điển hình là bài "Lầu Phượng Hoàng" (Phoenix Tower at
Jinling) và bài Anh Vũ Châu . Theo bài tham luận của giáo sư Wei Shang, đại học
Columbia, đã nêu ra hai vấn đề:
1- sự chính xác của tài liệu gốc và sự đua tranh giữa các nhà thơ Đường nổi tiếng.
2- các điều kiện hoàn cảnh thực sự hoặc tưởng tượng khi những bài thơ nầy được sáng
tác vào thời gian nào, giai đoạn nào, đã được lưu hành và đáp ứng như thế nào . Trong
một bài thơ, Lý Bạch đã mơ tưởng đến sự phá tan Lầu Hoàng Hạc ra từng mảnh. Trong
một bài thơ khác Lý Bạch cũng tưởng tượng đến việc xây dựng trùng tu lại lầu Hoàng
Hạc… với một bờ tường có lớp sơn mới để như mời mọc Lý Bạch đề một bài thơ mới do
Lý Bạch sáng tác lên đó. Việc xây một bờ tường với lớp sơn mới để xóa đi hoặc che phủ
bài thơ cũ của Thôi Hiệu đã mở ra một trí tưởng tượng sáng tạo của Lý Bạch ..
Dù đây có phải là một truyền thuyết hay không giữa Lý Bạch và Thôi Hiệu với Hoàng
Hạc Lâu cũng không phải là vấn đề quan trọng cho hậu thế. Nhưng điều đó chứng tỏ cái
tuyệt vời đặc sắc của một bài thơ Đường. Dù là truyền thuyết đi chăng nữa, qua những
bài thơ của Lý Bạch viết có nhắc đến địa danh Hoàng Hạc Lâu (dẫn chứng dưới đây)
chứng tỏ Lý Bạch rất quan tâm về địa-danh và bài thơ nầy của Thôi Hiệu. Những bài
thơ của Lý Bạch có đề cập đến lầu Hoàng Hạc như:
Hoàng Hạc Lâu văn địch
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa
Tây vọng Tràng An bất kiến gia
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang thành ngũ nguyệt Lạc mai hoa
Lý Bạch
Nghe tiếng sáo ở lầu Hạc Vàng
Làm thân ly khách tận Trường Sa
Nhìn lại Tràng An chẳng thấy nhà
Hoàng Hạc lầu thơ vi vút sáo
Giang Thành vọng khúc Lạc mai hoa
Hải Đà dịch
(Lạc mai hoa = tên một điệu nhạc sáo thổi)
hoặc một bài thơ khác của Lý Bạch cũng nhắc đến địa danh nầy, như bài
Hoàng Hạc Lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tân
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
Lý Bạch
Giã từ Hoàng Hạc bạn về tây
Cảnh tiết thành Dương hoa khói bay
Nhòa nhạt trời xanh buồm khuất bóng
Trường Giang cuồn cuộn tận chân mây
Hải Đà dịch
At Yellow Crane Terrace Farewell to Meng Hao-jan, Leaving for Kuang-ling
From Yellow Crane Tower you sail
the river west as mist flowers bloom.
A solitary sail, far shadow, green mountains at the empty end of vision
And now, just the Yangtze river touching the sky.
(Translated by Tony Barnstone, Willis Barnstone, and Chou Ping)
Một bài thơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bài Hoàng Hạc Lâu phải nói là bài Anh Vũ
Châu, ý tình thắm thiết, từ điệu phong phú, tiết tấu nhẹ nhàng, cũng là một danh tác bất
hủ:
Anh Vũ Châu
Anh Vũ lai quá Ngô giang thủy
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh
Anh Vũ tây phi lũng Sơn khứ
Phương châu chi thụ hà thanh thanh
Yên khai lan diệp hương phong khởi
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh
Thiên khách thử thời đồ cực mục
Trường châu cô nguyệt hướng thùy minh
Lý Bạch
Bãi Anh Vũ
Sông Ngô anh vũ lướt bay qua
Anh Vũ thành xưa vẫn gọi là
Núi Lũng trời tây anh vũ khuất
Bãi thơm cây biếc chập chờn xa
Lá lan thoang thoảng lừng hương gió
Sóng gấm bập bềnh lượn sát hoa
Lữ khách hoài trông trời tít tắp
Tình ai trăng dọi sáng đêm tà ?
Hải Đà dịch
Anh Vũ Châu cũng là một là một bài thơ tuyệt tác … Đọc qua bài thơ Anh Vũ Châu của
Lý Bạch, ta thấy lối cấu trúc và tình ý hơi từa tựa giống như bài Hoàng Hạc Lâu, nghĩa
là 4 câu đầu cũng phá cách, có sự lặp chữ "anh vũ" 3 lần (câu 1,2,3), hai chữ "châu" ở
câu 2 và 4. Thấy có sự liên hệ về ý nghĩa chủ đề cũng như sự biến đổi nhịp nhàng của ý
từ, khởi đầu là sự ly biệt của một truyền thuyết (anh vũ thay vì chim hạc bay đi), để lại
một nơi chốn mang tên của loài chim đó (hoàng hạc, anh vũ), loài chim đã bay đi xa (còn
lại mây trắng vẫn lững lờ bay, hoặc cây cối vẫn xanh tươi biếc ngọc), rồi tác giả đã phơi
bày ra những cảnh đẹp thiên nhiên trước mắt chứng tỏ sự hiện hữu của cuộc sống đời
thường, rồi đến hai câu kết nói lên tâm trạng thầm kín của con người, một nỗi buồn nẫu
nuột nhớ quê hương mịt mùng xa tít …. Lý Bạch đã thành công khi sáng tác một bài thơ
có tầm vóc như bài Hoàng Hạc Lâu.
Lý Bạch cũng có sáng tác một bài thơ khác, có nội dung tương tự chịu ảnh hưởng nhiều
của bài thơ Hoàng Hạc Lâu, đó là bài Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài, tương tự như
bài Hoàng Hạc Lâu về ý từ và nội dung.
Chắc rằng Lý Bạch đã đắc ý và cảm thấy thỏa mãn tự ái khi sáng tác xong bài Phượng
Hoàng Đài, bài thơ nầy cũng mang những nét đẹp pha trộn tư tưởng uyên bác và siêu
việt của Thiền học Phật Giáo và triết lý Lão Trang .. Sự "ghé đến, đi qua, và bay vút" là
những thoáng thi-vị phù du chập chờn mờ ảo trong vũ trụ vô thường nầy. Nhà thơ đã
muốn đưa tâm hồn người đọc bay bổng vượt thoát ra khỏi cái thế giới ta bà vốn giăng
mắc ngụp lặn trong vũng lầy tham, sân, si của thất tình lục dục, nghiệp chướng, phiền
não và khổ lụy nầy trong cõi tạm nầy.
Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài
Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu
Lý Bạch
Lên Đài Phươnïg Hoàng ở Kim Lăng
Đài cũ Phượng Hoàng tạm ghé chơi
Phượng bay đài vắng nước im trôi
Cung Ngô hoa cỏ đường đi phủ
Triều Tấn khăn đai hóa mộ đồi
Tận đỉnh Tam Sơn trời khuất nửa
Cuối sông Nhị Thủy bãi chia rời
Ánh dương mây nổi vờn che kín
Hút bóng Trường An xót lệ rơi
Hải Đà dịch
On Climbing in Nan-king to the Terrace of Phoenixes
Phoenixes that play here once, so that the place was named for them,
Have abandoned it now to this desolated river;
The paths of Wu Palace are crooked with weeds;
The garments of Chin are ancient dust.
Like this green horizon halving the Three Peaks,
Like this Island of White Egrets dividing the river,
A cloud has risen between the Light of Heaven and me,
To hide his city from my melancholy heart
(unknown)
NGUYỄN DU VỊNH HOÀNG HẠC LÂU
Niên hiệu Gia Long thứ 12, Nguyễn Du được thăng hàm Cần Chánh điện Học Sỹ, được
cử đi sứ sang Trung Quốc, từ mùa xuân năm 1813 đến mùa xuân 1814. Trong thời gian
nầy Nguyễn Du có sáng tác một tập thơ chữ Hán có tên là Bắc Hành Tạp Lục, trong đó
có bài thơ Hoàng Hạc Lâu khi Nguyễn Du đến viếng thăm lầu Hoàng Hạc như sau:
Hoàng Hạc Lâu
Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì?
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng
Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba chung diếu diếu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri
Nguyễn Du (Bắc Hành Tạp Lục)
Lầu Hoàng Hạc
Tiên đến rồi đi tự chốn đây
Dấu tiên còn mãi bến sông nầy
Lư Sinh tỉnh mộng đời qua vút
Thôi Hiệu đề thơ hạc thoắt bay
Khói sóng ngoài hiên mờ mịt phủ
Cỏ cây trước mắt mướt xanh đầy
Tình thâm ấp ủ nào ai tỏ?
Gió núi trăng ngàn chẳng thấu hay
Hải Đà dịch
Lư Sinh mộng = còn gọi là hoàng lương mộng, Lư Sinh đời Đường đi thi hỏng, đến quán
trọ nghỉ tạm, chợp mắt ngủ mơ màng trong lúc chủ nhà đang nấu một nồi kê (hoàng
lương). Lư Sinh nằm mộng thấy mình lấy con gái đẹp họ Thôi làm vợ, rồi thi đỗ Tiến Sĩ,
được bổ làm quan, và được vua thăng đến chức Tễ Tướng, sống cuộc đời vinh hoa phú
quí, con cháu đầy đàn. Chẳng may bị tội hình và sắp bị đưa đi chém, thì Lư Sinh giật
mình tỉnh dậy … mà nồi kê chủ nhà đang nấu vẫn chưa chín. Thi-sĩ Nguyễn Du đã cho
thấy cái thiền tính bàng bạc trong bài thơ rằng cuộc đời cũng chỉ là bóng câu bên khung
cửa, thoáng mây trôi cuối trời, như chiếc lá rụng ngoài sân …
Trong cơn chấp nhất mê mê sảng...
Tỉnh giấc hoàng lương ... một kiếp đời!
Bài thơ của Nguyễn Du trầm lặng trong vẻ đẹp của bức tranh sơn thủy hữu tình, mang
một phong cách thanh tao, nhàn dật, chan chứa khí vị Đạo Học êm đềm, đượm mùi
Thiền thanh đạm, mang tư tưởng "cầu tiên phỏng đạo" của đạo sĩ và "khinh thế ngạo
vật" của đạo gia. Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy cái triết lý vô thường trên cuộc đời
nầy, có đó rồi mất đó, đến và đi thật tình cờ, cái bản lai diện mục của muôn sự, đã đưa
tâm hồn người đọc dạo bước thênh thang trên con đường đi tìm nguồn chân nguyên Bát
Nhã trong Ánh Đạo Vàng lung linh huyền diệu … Vạn vật trong vũ trụ nầy hễ sinh tất
diệt, quay mãi trong vòng luân hồi như một dòng nước triền miên chảy mãi về khung trời
vô tận hư không … Cái cảnh trí của Hoàng hạc Lâu đã làm cho nhà thơ phải tư duy,
phân tích, suy gẫm về Ý Niệm và Cuộc Đời, về Động và Tĩnh, về Âm Dương và Sắc
Không … mà đôi khi con người không hiểu được cái căn nguyên của khổ lụy vòng vo
lẩn quẩn trong giấc mộng "hoàng lương", cái ray rứt bần thần và tha thiết của một tâm
thức hoài hương, cái nỗi niềm u uất ẩn mật trong niềm đau xa xứ, cái trầm thống của tình
đời, thế sự để rồi tự đắm chìm vào cái tĩnh mịch của chân không, và thiên nhiên để tự
hỏi:
Tình thâm ấp ủ nào ai tỏ?
Gió núi trăng ngàn chẳng thấu hay…
Một bài thơ Anh Ngữ bắt chước ý từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu:
Thi-sĩ Wayne Schlepp rất thích thú khi đọc bài thơ Hoàng Hạc Lâu đã có hai bản dịch
Anh Ngữ ghi chép ở dưới, ông ta cũng bắt chước ý từ và nội dung của bài Hoàng Hạc
Lâu để sáng tác bài thơ Anh Ngữ dưới đây (thay vì "hạc vàng", ông ta dùng chữ "ngựa
con"..), bài thơ cũng gợi cảnh nhớ nhà của người khách tha hương khi chiều buông xuống
..
Once the Sioux rode his pony here,
Now no-one watches from Saddle Horn Peak.
The pony gone will never return,
The prairie rolls, a hundred years idle.
Heat shimmers over the Moreau Valley trees,
The grass has dried at Rattlesnake Butte*.
The sun sets, when will I get home?
Drifting dust over the road makes me lonely.
(by Wayne Schlepp)
* Read to rhyme with "mute".
Ngày xưa khi chàng Sioux phi chú ngựa con lại đây
Bây giờ chẳng còn ai nhìn thấy từ đỉnh đồi cao Saddle Horn
Chú ngựa con đã đi và không còn trở lại
Đồng cỏ xanh mướt vẫn trải dài, trăm năm mòn mỏi ngu ngơ
Ánh sáng lung linh sưởi ấm trên cành cây trong thung lũng Moreau
Cỏ đã héo tàn bên bờ Rattlesnake Butte
Hoàng hôn buông xuống, khi nào ta trở về nhà ?
Bụi đường mịt mù đã làm cho ta sầu thảm luyến thương
KẾT LUẬN:
Hoàng Hạc Lâu là một bài thơ tả cảnh, bàng bạc tình yêu quê hương da diết và man
mác hương vị Thiền, ẩn hiện cái lý chân không, vô thường và vô ngã, mạch thơ tự nhiên
uyển chuyển và biến hóa, không gò bó câu nệ trong khuôn khổ đối ngẫu niêm luật của
thể thơ Đường, lời thơ siêu thoát rung động tâm hồn người đọc. Mặc dầu biết rằng một
bài thơ là do ngôn ngữ tạo thành, "dùng từ để biểu đạt cái nội dung là điều ắt có và phải
cần… nhưng còn có điều quan trọng hơn nữa đó là phương thức và phong cách để hình
tạo nội dung đó …" Cái phương thức mà thi-sĩ Thôi Hiệu dùng trong bài Hoàng Hạc Lâu
là tất cả một kỹ thuật hàm xúc, tinh vi, độc đáo, một thế giới đặc thù riêng biệt và mới lạ
của thứ ngôn ngữ hiền triết, đã kết nối được tất cả hình ảnh, ý niệm, tâm thức, cảm
nhận, và giác quan một cách tài tình và hài hòa trong vũ trụ, con người, thời gian và
không gian. Ngôn ngữ thi ca đã bay bổng tự nhiên một cách phóng khoáng, không dụng
công đẽo gọt. Thôi Hiệu đã thành công chuyển đạt được nghệ thuật tinh vi, thâm thúy,
đầy hình tượng sáng sủa và âm thanh đãi lọc, có sức thuyết phục lôi cuốn được sự chú ý
và tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người đọc. Hoàng Hạc Lâu đúng là một bông hoa
diễm tuyệt, một viên ngọc vô giá trong rừng thơ Đường, là bài thơ tuyệt tác bất hủ, sống
mãi mãi muôn đời. …
... Bài sưu khảo nếu có gì thiếu sót và bất cẩn, kính mong sự lượng thứ và thông cảm của
quí bậc túc nho trưởng thượng và quí bạn đọc yêu thơ.
HẢI ĐÀ sưu khảo
Phóng tác theo ý thơ:
Lầu Thơ Vút Cánh Hạc Vàng
(phỏng theo ý thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu)
Lầu thơ vút cánh hạc vàng
Ngàn năm mây trắng ngỡ ngàng còn bay
Thi nhân lệ vỡ dâng đầy
Chơi vơi sóng chữ ngật ngầy men thơ
Bóng trăng quê cũ xa mờ
Hóa thân Hoàng Hạc đậu tờ hoa tiên …
VNL
Thấp thoáng thuyền trăng đậu bến mơ
Véo von sáo trúc vọng lầu thơ
Người xưa cưỡi hạc đi biền biệt
Bỏ lại lầu hoang dấu bụi mờ
Hoàng hạc về đâu, vút cánh bay
Thi nhân cạn chén, tỉnh hay say
Ngàn năm lãng đãng vầng mây trắng
Thổn thức hồn thơ mắt lệ đầy
Rừng xưa lá biếc thắm ven sông
Lơ lửng thuyền câu dạt cuối dòng
Bến cũ đồng thơm xanh cỏ mịn
Chập chờn cố quận ngẩn ngơ trông
Viễn khách đường xa tạm ghé qua
Lầu thơ chênh chếch bóng trăng tà
Hạc vàng bay khuất trời miên viễn
Thi sĩ ôm thầm giấc mơ xa
Bảng lảng mây trôi trắng xóa màu
Trời buồn lất phất hạt mưa ngâu
Người xưa có nhớ ngày nay nhỉ ?
Khói sóng đong đưa giục khách sầu
Vương Ngọc Long
CÁC BẢN DỊCH VIỆT NGỮ CỦA NHIỀU TÁC GIẢ:
Bản dịch Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai
Bản dịch Trần Trọng Kim:
Người đi cưỡi hạc từ xưa
Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu
Hạc vàng đi mất đã lâu
Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông
Hán Dương cây bóng lòng sông
Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì
Chiều hôm lai láng lòng quê
Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu
Bản dịch Vương Uyên:
Bản dịch 1
Hạc vàng khuất bóng tịch câu
Bỏ đây lầu cũ ngàn sau điêu tàn
Hạc vàng theo gió mây ngàn
Sương mù giăng phủ che ngăn lối về
Hán Dương cây lặng não nề
Ôi bờ Anh Vũ bốn bề thảm thương
Nhớ về quê cũ vấn vương
Mù sương khói sóng dậm trường sơn khê
Bản dịch 2
Người xưa cưỡi Hạc bay rồi
Quạnh hiu, lầu vắng giữa trời mênh mông
Đường về rạng rỡ nẻo không
Mây, ngàn năm vẫn, bềnh bồng trên cao
Hán Dương cây nước chung màu
Bãi xa Anh Vũ, nối bầu trời xanh
Đêm về chạnh nghĩ cố hương
Nhìn giòng sông lạnh, mù sương chợt sầu
Bản dịch Vũ Hoàng Chương:
Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một mầu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống, đâu quê quán ?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
Bản dịch Ngô Tất Tố
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dầy.
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.
Bản dịch Lam Giang
Người tiên cưỡi hạc khuất bao giờ
Lầu hạc nơi này dấu vẫn trơ
Hạc cất cánh vàng bay một nước
Mây dăng màn bạc lượn nghìn thu
Hán Dương cây rạng sông quanh khúc
Anh Vũ cồn tươi cỏ ngập bờ
Đâu chốn quê hương trời sẩm tối
Khói vờn sóng nước gơnï sầu mơ
Bản dịch Lê Nguyễn Lưu
Mái lầu Hoàng Hạc còn trơ đó
Đã khuất người xưa cỡi hạc vàng !
Một thuở hạc vàng đi mãi mãi
Muôn đời mây trắng nổi mang mang
Hán Dương sông tạnh cây san sát
Anh Vũ cồn thơm cỏ mỡ màng
Quê cũ chiều nay đâu đó nhỉ
Trên sông khói sóng gợi sầu thong
Bản dịch Đinh Vũ Ngọc
Hạc vàng người trước cưỡi đi đâu ?
Hoàng hạc còn đây một mái lầu
Biền biệt hạc vàng bay một thuở
Lững lơ mây trắng trải ngàn thâu
Hán dương cây biếc sông in bóng
Anh Vũ cồn thơm cỏ dơnï màu
Khuất nẻo quê hương, chiều lịm tắt
Sông mờ khói sóng, chạnh niềm đau
Bản dịch Nguyễn Thế Nữu
Hạc vàng, người xưa đã cưỡi đi
Lầu Hạc vàng trơ lại đất này
Một đi, hạc vàng không trở lại
Ngàn năm, mây trắng vẫn bay bay
Cây in sông tạnh Hán Dương đó
Cỏ mịn đã thơm Anh Vũ đây
Ngày hết, quê nhà đâu ấy nhỉ
Trên sông khói sóng não người thay
Bản dịch Trần Trọng San:
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây
Hạc đã một đi không trở lại
Man mác muôn đời mây trắng bay
Hán Dương sông tạnh cây in thắm
Anh Vũ bờ thơm cỏ biếc đầy
Chiều tối quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai
Bản dịch Khương Hữu Dụng
Ai cưỡi hạc vàng đi thuở trước
Trơ lầu Hoàng Hạc lại đây thôi
Hạc vàng một đã đi đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi
Sông tạnh Hán Dương cây sáng rỡ
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ?
Khói sóng đầy sông những ngậm ngùi
Bản dịch Kiều Văn
(trên cơ sở bản dịch cũ của Khương Hữu Dụng)
Người xưa cưỡi hạc vàng đi mất
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm man mác trôi
Sông tạnh Hán Dương cây tăm tắp
Cỏ thơm Anh Vũ bãi bời bời
Chiều xuống, quê hương xưa đâu tá ?
Sóng dỡn sương buông não dạ người!
Bản dịch Nguyễn Khuê
Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu
Còn đấy Hoàng Hạc chỉ trơ lầu
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ
Khói sóng trên sông giục khách sầu
Bản dịch Tùng Văn
Người tiên xưa cưỡi hạc vàng tếch
Ở đây còn có lầu hạc trơ
Hạc vàng một tếch chẳng về nữa
Mây trắng nghìn năm còn phất phơ
Sông tạnh Hán Dương cây sát sát
Cỏ liền Anh Vũ bãi xa xa
Trời chiều quê quán đâu chăng nhỉ
Khói sóng trên sông giục nhớ nhà
Bản dịch Ngô Văn Phú
Cưỡi hạc người xưa đã tếch rồi
Chỉ lầu Hoàng Hạc đứng trơ thôi
Hạc vàng đi mất không quay lại
Mây vẫn ngàn năm bóng sáng ngời
Sông tạnh Hán Dương cây thắm thắm
Bãi xa Anh Vũ cỏ bời bời
Mặt trời gác núi quê nào thấy
Khói sóng phơi sông, nẫu cả người!
Bản dịch Phạm Vũ Thịnh
Bản dịch 1
Lầu Hạc Vàng
Hạc cùng người đi bấy lâu nay
Chỉ còn lầu Hạc trống trơ đây
Một bóng hạc vàng biền biệt khuất
Ngàn năm mây trắng lững lờ bay
Hàng cây soi Hán Dương giòng biếc
Hương cỏ thơm Anh Vũ gió lay
Chiều tàn quê cũ xa vời vợi
Trên sông khói sóng nhớ thương đầy
Bản dịch 2
Người xưa theo cánh hạc xa bay
Cô đơn lầu Hạc còn trơ đây
Thoáng vàng vút cao đôi cánh mộng
Mây trắng bơ vơ ngàn năm nay
Bãi vắng ngát hương thơm thảm cỏ
Sông êm soi bóng mướt hàng cây
Chiều tàn quê cũ giờ đâu thấy
Khói sóng dâng thương nhớ vơi đầy
PV. Thịnh (Syney 13/11/96)
CÁC BẢN DỊCH NGOẠI NGỮ
BẢN DỊCH ANH NGỮ
Home Longings
by H.A.Giles
Here a mortal once sailed up to Heaven on a crane,
And the Yellow-Crane Kiosque will for ever remain;
But the bird flew away and will come back no more.
Though the white clouds are there as the white clouds of yore.
Away to the east lie fair forests of trees,
From the flowers on the west comes a scent-laden breeze,
Yet my eyes daily turn to their far-away home,
Beyond the broad River, its waves, and its foam.
H. A. Giles (Chinese poetry in English verse, London, 1898)
Brown Crane Tower
by Wayne Schlepp
Past one once rode brown crane away,
This place emptily left Brown Crane building.
Brown crane once gone never again returns,
White clouds thousand years purposeless long-slow.
Clear, stream, sharp-clear Han-yang trees,
Fragrant grass rich-thick Ying-wu Isle.
Day ends, home place what point is?
Mist waves river over make one sad.
Yellow Crane Tower
by Wayne Schlepp
When the sage of ancient days went away on the yellow crane,
Here left to no use was this tower. Flown, they never returned,
And a thousand years' white clouds passed in vain.
In Han-yang the trees stand out clear, now, over the river;
On Ying-wu sweet grass grows heavy and thick.
Day ends... which way is home?
I grow sad with the mist and rough water.
Yellow Crane Tower
by Fletcher
The sage of old has flown upon a Yellow Crane,
And left its Tower alone to mark where mortals saw him last.
The Yellow Crane once flown away -- it never comes again.
Long years have past -- yet white and ghast the empty clouds remain.
Mid winding groves of Hanyang's trees the stream pellucid flows.
On Parrot Isle the fragrant grass in wild luxuriance grows.
My village from my gazes the dying sunbeams part.
The river hid the mist amid calls shadows o'er my heart.
Yellow Crane Tower
by unknown author
Past person already gone yellow crane away
Here only remain yellow crane tower
Yellow crane once gone not return
White cloud 1000 years sky leisuredly
Clear river clear Hanyang tree
Fragrant grass parrot islet
Day dusk homeland pass what place be
Mist water river on become person sorrow
Yellow Crane Tower
by unknown author
The yellow crane has long since gone away,
All that here remains is yellow crane tower.
The yellow crane once gone does not return,
White clouds drift slowly for a thousand years.
The river is clear in Hanyang by the trees,
And fragrant grass grows thick on parrot isle.
In this dusk, I don't know where my homeland lies,
The river's mist-covered waters bring me sorrow.
Yellow Crane Tower
by unknown author
The sage on yellow crane was gone amid clouds white.
To what avail does Yellow Crane Tower remain?
Once gone, the yellow crane will ne'er on earth alight,
Only white clouds still float from year to year in vain.
By sun-lit river trees can be count'd one by one;
On Parrot Islet sweet green grass grows fast and thick.
Where is my native land lit by the setting sun?
The mist-veiled waves of River Han make me homesick.
Bài thơ của Mao Trạch Đông sáng tác
khi viếng thăm Hoàng Hạc Lâu (bản Anh-ngữ)
Yellow Crane Tower
by Mao Tse-Tung Spring, 1927
Wide, wide flow the nine streams through the land,
Dark, dark threads the line from south to north.
Blurred in the thick haze of the misty rain
Tortoise and Snake hold the great river locked.
The yellow crane is gone, who knows whither?
Only this tower remains a haunt for visitors.
I pledge my wine to the surging torrent,
The tide of my heart swells with the waves.
From " Mao Tse-Tung's poems "
(http://www.maoism.org/msw/poems/poems02.htm)
BẢN DỊCH PHÁP NGỮ

Le Pavillon de la Grue Dorée
Thanh-Tâm (traduction)
Il était une fois..., sur les ailes d'une grue au plumage doré,
Une personne s'envola et n'est jamais revenue,
Laissant derrière elle ce Haut Pavillon abandonné;
Cette grue dorée, on ne l'a jamais revue!
Aux alentours, les nuages continuent à flâner,
Laissant entrevoir des arbres verdoyants
Au bord du fleuve traversant Han Yang;
La Prairie des Perruches aussi ne cesse de parfumer...
La soirée s'assombrit; de quel côté est ma terre natale?
Une nostalgie s'élève en moi comme cette brume fluviale!
Thanh-Tâm (traduction)
2002-06-13
Le Pavillon de la Grue Jaune
by Tchang Jou-Jouei, found in Anthologie de la poésie chinoise classique, Gallimard,
Paris, 1962 , edited by Paul Demiéville.
Monté sur une grue jaune, jadis, un homme s'en alla pour toujours;
Il ne resta ici que le Pavillon de la Grue Jaune.
La grue jaune, une fois partie, n'est jamais revenue;
Depuis mille ans les nuages blancs flottent au ciel, à perte de vue.
Par temps clair, sur le Fleuve, on distingue les arbres de Han Yang;
Sur l'Ile des Perroquets, les herbes parfumées forment d' épais massifs.
Voici le soir qui tombe. Où donc est mon pays natal ?
Que la brume et les vagues sont tristes sur le Fleuve !
BẢN DỊCH ĐỨC NGỮ
Der Turm zum Gelben Kranich
translated by G. Debon
Auf seinem gelben Kranich flog der Weise vorseiten fort.
Der Turm zum gelben Kranich blieb allein am leeren Ort.
Und ist der Kranich einmal fortgeflogen, bleibt er uns weit.
Die Wolken aber fluten still dahin in Ewigkeit.
Dort uberm Strom, ganz klar, sieht man die Baume von Han-yang bluhn;
Und auf dem Papageiensand der Graser duftendes Grun.
Die Sonne sinkt hinab. Sag mir, wo liegt der Heimat Erde ?
Das Nebelwogen auf dem Strome macht, daß ich beklommen werde.
G. Debon (Lyrik des Ostens : China, Munchen, 1962)
* *
*
Ý Nghĩa loài Chim Hạc ( ĐÀM GIANG )
Hạc bay vun vút khuất trời mây
Quạnh quẽ lầu thơ tiếng thở dài
Thi sĩ ngồi say cùng tuế nguyệt
Hồn thơ thờ thẫn tựï bao ngày…



Nói đến hạc, chúng ta thường thấy những tấm tranh lụa hay bức tranh sơn mài hay sơn
dầu với một đàn hạc bay, hầu hết trong tranh đều bay từ phải qua trái . Trong truyền
thuyết của Tầu, hạc là tượng trưng cho chiến mã của thần thánh. Hạc được coi như thủy
tổ của các loài chim từ thuở khai thiện lập địa, và hạc được coi như sống lâu đến 600
năm. trong tranh hay trên những điêu khắc trưng bày, chúng ta thường thấy ngoài cây
thông trường thiên, còn có hạc, hạc tượng trưng cho trường thọ, và sự hiện diện của hạc
luôn luôn mang lại điềm lành. Điển tích hạc mang lại điềm lành bắt nguồn từ thời nhà
Bắc Tống, vào năm 1112, Hoàng Đế Huizong mở đại hội mừng ngày khai trương cung
điện của ông cho dân chúng chiêm ngưỡng thì có một bày hạc trắng hai mươi con bất
chợt xuất hiện trên trời cao. Cảm kích điềm báo trước tốt đẹp này, Hoàng Đế Huizong
đã tự mình vẽ một bức tranh trên giấy cuộn rất đẹp, rất nghệ thuật mang tựa đề “ Đàn
Hạc mang điềm lành”.
Hình tượng Hạc được trưng bầy tại rất nhiều đền đài cung điện, một vài nơi nổi tiếng
nhất phải kể tại Hoàng Hạc Lâu , và Cấm Thành.
ĐÀM GIANG
Cùng một tác giả :
PHONG KIỀU DẠ BẠC
DU TỬ NGÂM
TÌNH THU TRONG ĐƯỜNG THI
 

No comments: