Friday, September 7, 2012

GS. VŨ QUỐC THÚC * KINH TẾ VIỆT NAM

 GS. VŨ QUỐC THÚC 
 KINH TẾ VIỆT NAM

Ai cũng rõ  là Đảng Cộng Sản Việt Nam  bắt chước đàn anh Trung Cộng khi đưa ra nhãn hiệu " Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa "  vì Bắc Kinh  chính thức gọi kiểu mẫu kinh tế của mình là  Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa  ( économie socialiste de marché ) . Với khái niệm  này , Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như Trung Cộng gián tiếp chủ trương rằng thị trường không phải là một cơ chế  đặc thù của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa  ( économie capitaliste ) gắn liền với sự tồn vong của nền kinh tế này mà có thể hiện diện ngay cả trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa . Như vậy  cả hai đảng đã gạt bỏ kiểu mẫu kinh tế hoạch định toàn diện cố hữu vì chấp nhận thị trường tức là phó mặc sinh hoạt kinh tế  cho sáng kiến tư nhân , từ nay được tự do kiếm sống , tự do sản xuất , tự do tiêu thụ , tự do trao đổi , tự do tích lũy , tự do đầu tư ..  Nhà Nước có thể  "phủi tay " không cần lo liệu từ bát cơm , manh áo cho đến thuốc men , nhà ở  v.v..của từng gia đình nhưng đồng thời chính quyền cũng mất một phương tiện " áp đảo "  kẻ " cứng đầu " vì khó dùng biện pháp " bao vây kinh tể " hữu hiệu như xưa nữa . Dĩ nhiên , giới lãnh đạo cộng sản Tầu cũng như Việt tin rằng có thể giới hạn thị trường dưới một mức nào đó để có thể duy trì quyền toàn trị của họ : chẳng hạn không cho phép các hoạt động kinh tế thị trường vượt khỏi ranh giới một số " vùng kinh tế đặc biệt " , hoặc tiếp tục dành vai trò " chủ đạo " cho những xí nghiệp quốc doanh bằng cách trợ cấp  cho những xí nghiệp này bất chấp kết quả tối tệ của chúng . Quan trọng hơn hết là ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam , khu vực nông thôn vẫn giữ nguyên cơ cấu cũ với các hợp tác xã do Đảng kiểm soát và chế độ sở hữu tập thể mọi đất đai canh tác . Giới lãnh đạo Cộng Sản tin rằng chừng nào họ vẫn nắm chắc thôn dân thì chẳng kẻ thù nào có thể lật đổ họ .
              Thực tế đã cho ta thấy gì ?
              Phải khách quan công nhận rằng nếu chỉ nhìn bề ngoài, thí dụ : cảnh tượng các thành phố với những cao ốc , những cửa hàng đầy ăm ắp hàng hóa đủ loại , những đường phố kẹt cứng vì quá nhiều xe  cộ trong đó không thiếu gì các xe hơi kiểu tối tân .. hoặc nếu chỉ căn cứ trên các số liệu thống kê vĩ mô về sản xuất, về xuất nhập khẩu , về đầu tư v.v..  thì sự tái lập thị trường đã mang lại kết quả khá ngoạn mục ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc . Các cơ quan quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới , Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , Ngân Hàng Phát Triển Á Châu .. đều đã nêu tỷ lệ tăng trưởng rất cao của Trung Quốc và khá cao của Việt Nam trong mấy năm qua . Tuy nhiên nếu căn cứ trên những thiên phóng sự tỉ mỉ , đi sâu vào đời sống hàng ngày của nhân dân , do các ký giả nổi danh là vô tư  đã cho phổ biến trên báo chí cũng như các đài truyền hình , ta nhận thấy một số trạng thái tiêu cực rất quan trọng .    
              Nhận định thứ nhất là có một sự chênh lệch trầm trọng giữa các thành phố - cơ sở của nền kinh tế thị trường - với toàn thể các làng xã vẫn còn bị giam hãm trong nền kinh tế hoạch định kiểu cộng sản . Trong những làng xã này , nạn nghèo đói vẫn dai dẳng tồn tại . Ngoài những hậu quả thông thường như thất học , hủ lậu , yểu tử , trẻ em thiếu dinh dưỡng v.v.. ở Việt Nam đã xuất hiện hai hiện tượng mới : đó là nạn bán con cái cho ngoại nhân để lấy tiền nuôi gia đình và nạn dân nghèo đổ xô về các thành thị để sống trong cảnh " màn trời chiếu đất, bùn lầy nước đọng "....
                Nhận định thứ hai là sự chấp nhận quyền tư hữu gắn liền với kinh tế thị trường đã khiến cho các tệ đoan như : chiếm công vi tư , hối mại quyền thế , tham nhũng ...lan rộng khắp các địa phương và xâm nhập hệ thống chính quyền . Tình trạng này đã gây bất ổn cho mọi cuộc kinh doanh lành mạnh , làm nản lòng những ngoại nhân muốn đầu tư trực tiếp và lâu dài . Triển vọng phát triển kinh tế toàn quốc có thể trở nên u ám vì các tệ đoan này .
               Nhận định thứ ba là nạn " cường hào ác bá " tái xuất hiện ở nhiều nơi dưới một hình thức mới là những kẻ có đôi chút quyền hành hay thế lực móc nối với kẻ bất lương để thực hiện những cuộc kinh doanh phi pháp . Người ta thắc mắc : làm sao trừ diệt được nạn này khi quyền toàn trị vẫn ở trong tay Đảng Cộng Sản ?
                                            *      *      * 
               Sự tái lập thị trường trong một nền kinh tế hoạch định kiểu cộng sản ở Việt Nam - cũng như ở Trung Quốc - biểu lộ một đường lối đã được giới lãnh đạo công khai thú nhận : đó là chỉ " đổi mới " kinh tế còn cơ cấu chính trị thì vẫn giữ nguyên như cũ . Đường lối này có thể đem lại kết quả mong muốn không? Ta có quyền hoài nghi trước những gì đã nhận thấy .
               Bất cứ nền kinh tế quốc gia nào chỉ có thể phát triển bền vững khi mọi địa phương , mọi khu vực , mọi ngành hoạt động đều hội nhập và gắn bó hài hòa  , tạo thành một hệ thống thuần nhất : có như thế thì sự tăng trưởng trong một " khâu " mới tạo ảnh hưởng dây truyền  và đưa tới sự tăng trưởng gấp bội của toàn bộ . Ta đã thấy là không thể tách kinh tế ra khỏi chính trị. Sớm muộn gì sự " sống chung " trong khuôn khổ quốc gia giữa nền kinh tế thị trường với nền kinh tế hoạch định cộng sản cũng đưa tới xung đột : nền kinh tế nào hữu hiệu nhất sẽ  có nhiều cơ tồn tại khi cuộc xung đột chấm dứt . Dựa trên  những gì đã nhận thấy ở Trung Quốc và ở Việt Nam ta có thể tin chắc rằng đó sẽ là kinh tế thị trường . Một vấn nạn cần được giải đáp : sự hội nhập kinh tế thị trường đã có những ảnh hưởng gì đối với thể chế chính trị ở hai nước này? Vẫn biết nhà cầm quyền chủ trương giữ nguyên thể chế chính trị như trước khi đổi mới kinh tế nhưng họ đâu có thể cưỡng lại những đòi hỏi về mặt chính trị mà sự đổi mới kinh tế đã làm nảy sinh ! Khi tìm giải đáp cho câu hỏi này , chúng tôi nhận thấy một sự khác biệt quan trọng giữa hai nước Trung Hoa và Việt Nam
              Ai cũng biết là dưới chế độ đảng Cộng Sản toàn trị , những tổ chức chính trị đích thực đối lập  bị triệt để ngăn cấm vì mọi sinh hoạt chính trị đều phải đặt trong khuôn khổ thể chế hiện hành , do Hiến Pháp ấn định , để chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền -  nghĩa là của Đảng Cộng Sản . Các cá nhân hay tổ chức đích thực đối lập chỉ còn một cách xử sự : nếu ở lại trong nước thì phải " rút vào bóng tối " để hoạt động bí mật với nguy cơ là bất cứ lúc nào cũng có thể bị đàn áp và truy tố dưới tội danh " phá hoại chế độ " , " âm mưu phản loạn " ,   "làm gián điệp cho ngoại bang " , vân vân .. Nếu muốn hoạt đng công khai thì phải di tản ra ngoại quốc , do đó không thể nào liên lạc thường xuyên với nhân dân quốc nội để phổ biến lập trường , quan điểm cùng mọi đề án của mình nữa .
               Trong hoàn cảnh này , đổi mới chính trị chỉ có thể là dân chủ hóa chế độ , bằng cách sửa lại Hiến Pháp để chính thức công nhận quyền đối lập . Cả hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đều chưa chịu làm công việc đổi mới ấy ! Cả hai đảng đều giữ vững các nguyên lý rút tỉa từ chủ thuyết Mác Lê nin như :Đảng Cộng Sản nắm quyền chuyên chính vì lẽ Đảng là đạo quân tiền phong của Giai Cấp Vô Sản ;  quyền quyết định cuối cùng thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương vì đó là cơ quan cao nhất trong bộ máy Đảng ; trong thực tế việc quyết định giao cho Bộ Chính Trị là cơ quan có thể họp thường xuyên với một số thành viên không quá hai chục người đã được Ban Chấp Hành Trung Ương bầu ra ; trong sự chọn lựa các cán bộ điều khiển ở mọi cấp , ưu tiên phải dành cho các đảng viên có nhiều tuổi đảng, xuất phát từ thành phần công nhân và nông dân : thành phần doanh thương luôn luôn phải coi là thành phần khả nghi vì họ có xu hướng trở lại tư bản chủ nghĩa ; không nên giao cho các phần tử trí thức và chuyên gia các chức vụ có nhiều quyền hành vì như Đệ Tam Quốc Tế đã khẳng định họ thường " bấp bênh " nghĩa là có xu hướng đặt nặng yêu cầu kỹ thuật ,  coi nhẹ yêu cầu chính trị của nền vô sản chuyên chính ; vân vân .. Tuy nhiên dưới áp lực của việc hội nhập kinh tế thị trường , cả hai đảng Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam đều đã phải làm mềm dẻo phần nào các nguyên lý vừa kể .
              Ở Trung Hoa , ngoài sự chấp nhận việc làm giầu là một hành động không những hợp pháp mà còn nên khuyến khích , mới đây Đảng Cộng Sản Trung Hoa còn chính thức bãi bỏ mọi sự kỳ thị đối với thành phần doanh thương , từ nay sẵn sàng để cho những đảng viên thuộc thành phần này được bầu vào các chức vụ điều khiển trong bộ máy Đảng và Nhà Nước. Khỏi cần nói mục tiêu của chính sách, trước nhất là để " bạch hóa " những hành động hối mại quyền thế , nhũng lạm , chiếm công vi tư .. mà rất nhiều cán bộ Đảng đã làm  cũng như để  bạch hóa các tài sản mà họ đã thủ đắc . Mục tiêu thứ hai được rầm rộ nêu cao , là khuyến khích các doanh gia cự phú gốc Hoa , hiện thời sinh sống ở ngoại quốc , hồi hương lập nghiệp  mang theo tài sản quý báu của họ . Họ sẽ yên tâm làm ăn nơi quê cha đất tổ vì từ nay chính họ  hoặc thân nhân hay bằng hữu có thể tham gia chính quyền , nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng
 Dẫu sao với sự phục hồi địa vị của thành phần doanh thương , rõ ràng là Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã gạt bỏ một giáo điều căn bản của chủ thuyết Mác Lê nin . Một khi thành phần doanh thương được công nhận là thành viên chính đáng của Đảng Cộng Sản thì Đảng này còn có thể coi là đạo quân tiên phong của giai cấp vô sản nữa không ? Ta có thể nêu giả thuyết : nếu mai đây những đảng viên thuộc thành phần doanh thương , nguyên  là những nhà tư bản " trưởng giả " , nắm quyền lãnh đạo Đảng thì liệu rằng họ có duy trì thể chế chính trị hiên thời nữa không ? Giờ đây chưa ai có thể trả lời câu hỏi này vì hãy còn quá sớm ...
            Ở Việt Nam , từ Đại Hội VI ( 1986 ) , Đảng Cộng Sản quyết định đổi mới kinh tế  để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng đã trở nên trầm trọng , Dư luận cho rằng các kẻ lãnh đạo Đảng đã tuân theo lời khuyến cáo của Gorbatchev trong cuộc viêng thăm chính thức Việt Nam của ông ta ,trước ngày Đại Hội không lâu . Đồng thời với đường lối đổi mới kinh tế , Đảng đã tung ra khẩu hiệu " Liên minh công nông trí thức " . Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1999 , các tác giả đã cố chứng minh rằng ý kiến liên minh ba thành phần xã hội này không phải là mới vì ngay từ năm 1945 , để thực hiện cuộc cách mạng giành độc lập , Mặt Trận Việt Minh đã được sự tham gia của nhiều nhân vật trí thức tên tuổi . Tuy nhiên , theo những chứng nhân biết rõ sự thật lịch sử thời đó , thì các nhân vật trí thức  ấy chỉ đóng vai " long trọng viên " : trên danh nghĩa họ được giao những chức vụ rất quan trọng như Bộ Trưởng , Tổng Vụ Trưởng , Chủ Nhiệm , Chủ Tịch .. nhưng mọi quyết định đều do những cộng sự viên không phải là trí thức , do Đảng bổ nhiệm  làm đảng ủy trong cơ quan . Thái độ  nghi kỵ - có thể nói là miệt thị - tầng lớp tri thức tồn tại cho tới giữa thập niên 1980 . Tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thay đổi đường lối từ Đại Hội VI ? Vẫn theo cuốn Lịch Sử Đảng nói trên , lý do là : " Tương quan lực lượng giữa cách mạng và thế lực chống đối ở nước ta quy định điều đó . Liên minh công-nông-trí vững mạnh chính là điều kiện để Đảng đưa cách mạng bước vào thời kỳ quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa với tính cách là mõt chế độ thống  tri.." (trang 302 ) .
              Lời giải thích này là một sự thú nhận gián tiếp . Đảng Cộng Sản Việt Nam thú nhận rằng Đảng đã sai lầm vào năm 1975, khi quyết định tiến mau , tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa , không cần phải qua thời kỳ quá độ như Các Mác đã dự kiến.  Do đó cuộc khủng hoảng đã xẩy ra và trở nên rất trầm trọng vào khoảng cuối năm 1985 . Đổi mới kinh tế , tái lập thị trường , có nghĩa là trở lại thời kỳ quá độ . Trong thời kỳ này  - chính thức được gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa -, tuy cho phép tư nhân làm giầu , nhưng cần phải tránh sự hình thành một chế độ tư bản chủ nghĩa có tính cách thống trị . Chính vì vậy mà phải ngăn ngừa tầng lớp trí thức liên minh với tầng lớp tư sản doanh thương : trái lại cần thực hiện và tăng cường liên minh giữa giai cấp công-nông và tầng lớp trí thức , dĩ nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản để khỏi đi sai đường .
              Chính sách liên minh công-nông-trí có thể mở đường cho sự dân chủ hóa thể chế chính trị không ? Sự phân tích vừa kể cho ta thấy rõ thâm ý của Đảng Cộng Sản Việt Nam : Đảng vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và chỉ muốn dùng đội ngũ trí thức như một lợi khí trong giai đoạn quá độ hiện thời mà thôi ! Ai cũng biết nhà đương quyền cộng sản Việt Nam đang áp dụng kế hoạch cấp phát bừa bãi học hàm , cho phép các cán bộ đảng theo học những khóa huấn luyện kỹ thuật đơn giản , rút ngắn , để rồi cấp cho họ những học hàm tiến sĩ , phó tiến sĩ , thạc sĩ v.v.. Đó là chưa kể những tệ đoan như đút lót để trúng tuyển trong các kỳ thi , thuê người thi hộ , mua bằng giả .. Hậu quả tức thì là bằng cấp mất giá trị không còn được coi là một bảo đảm chắc chắn . Những trí thức " khoa bảng " mất dần uy tín không còn là một đe doạ chính trị nữa . Đảng đạt được mục tiêu trước mắt là hạ thấp thế lực xã hội của tầng lớp trí thức .Nhưng hậu quả lâu dài vô cùng tai hại : những trí thức và chuyên gia đào tạo ở hải ngoại sẽ chán ngán không thiết hồi hương trong khi đó những trí thức và khoa bảng " nội hóa " càng ngày càng bất mãn vì không được " trọng dụng " như họ mong muốn
                Trong tình trạng này , muốn tiến tới một chế độ dân chù thực sự , không còn cách nào khác là phải tìm cách bãi bỏ  thể chế cộng sản toàn trị qua một cuộc vận động mạnh mẽ và quyết liệt ở quốc nội . Trông chờ ở diễn biến tự nhiên chỉ là một thái độ không thực tế ./.   
 Vũ Quốc Thúc (Paris)
                                        

No comments: