Tuesday, September 4, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * THÀNH KHU TÚC

The pieces of a chain need to connect
to have a full chain: A Vietnamese ancient story MINH VŨ HỒ VĂN CHÂM

Khu Tuc Citadel, Trieu Nuong Shrine, and the story of "banh chung", "banh tet" (two kinds of glutinous rice cakes) in Viet history of ancient time had some relationships that we need to put them together to have a full picture of the vestiges.
* In the South side of Huong river, opposite to Kim Long, Huong Thuy District, Thua Thien; there is a citadel called "Thanh Loi Nguyet Bieu" which belonged to the Cham people under the Tran Dynasty. Thanh Loi Nguyet Bieu (citadel) today is the trace of what called "Khu Tuc Military Post" originally. Khu Tuc connected two districts Tay Quyen and Tuong Lam (North side of Central VN now) under the Han Dynasty in China. Since Tuong Lam became independent, Khu Tuc turned to an outpost to protect Tay Quyen which was the capital town of Nhat Nam District. In 248 A.C., Khu Tuc Post was overrun by the Cham (Lam Ap) army, the same situation as Cu Phong and Luy Lau Citadels in Cuu Chan and Giao Chi Districts (Viet). Also in 248, Trieu Quoc Dat revolted in Trung Son, Cuu Chan (now is Nong Cong, Thanh Hoa). After only a few months, he got a severe illness and died; his younger sister named Trieu Thi Trinh was enthroned to replace his brother to lead the resistance. She drove an elephan to defeat the Chinese troops many times. The enemies were fearful to call her "Le Hai Ba Vuong" (a female King) and our soldiers called her "Nhuy Kieu Tuong Quan" (a female General). After the Cham troops withdrew from Cuu Chan, her troops disintegrated and she committed suicide...
(For a full story, please refer to the original in Vietnamese).
VPS


Những mắt xích cần nối lại
(Thành Khu Túc, miếu Triệu nương, và câu chuyện bánh chưng, bánh tét)

Minh Vũ Hồ Văn Châm


Có những lúc tình cờ bắt gặp một số mắt xích han rỉ, lẻ loi, rời rạc, trong kho phế liệu bỏ quên lâu ngày, chúng ta có thể vô tình lướt nhìn một cách thờ ơ, không mảy may lưu tâm, không mảy may băn khoăn, thắc mắc, rằng những mắt xích đó xuất xứ từ đâu ra, nguyên là những vật dụng gì, có liên quan với nhau như thế nào, và nhất là có chứa đựng chút ý nghĩa hoặc chút giá trị thực tiển nào không. Nếu những mắt xích đó lại được phủ những lớp sơn khác nhau, hoặc bị méo mó, bị đổi dạng thay hình, thì chúng ta lại càng không tài nào tưởng tượng được mối liên hệ trước đây giữa chúng với nhau, và chúng ta cứ điềm nhiên bỏ mặc chúng chìm vào quên lãng.
Nhưng nếu chúng ta tinh tế một chút, nhẫn nại một chút, và nhất là có lòng tìm hiểu cội nguồn một chút, chúng ta cạo sạch các rét xỉ, tẩy xóa các sơn phết, uốn nắn lại hình dạng, chúng ta sẽ nhận ra sự thuần nhất của chất liệu cấu thành, sự tương đồng của mục tiêu sử dụng. Đem nối các mắt xích lại với nhau, chúng ta có được một sợi xích hoàn chỉnh, vốn là một bộ phận thiết yếu của một cỗ máy chúng ta đã từng biết qua.
Hôm nay, chúng ta nhặt được 3 mắt xích như vậy: thành Khu Túc, miếu Triệu nương, và câu chuyện bánh chưng bánh tét. Đó là những mắt xích cần nối lại.

Trên bờ nam sông Hương, trong địa phận thôn Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, đối diện với Kim Long huyện Hương Trà bên bờ bắc, ngày nay còn di tích một toà thành cổ gọi là Thành Lồi. Lồi là danh từ dùng để chỉ người Chàm. Dân chúng địa phương truyền tụng rằng vào cuối đời Trần, quân Chiêm Thành xâm phạm Hóa Châu, đóng quân tại đó, sửa soạn giao chiến với quân Đại Việt án ngữ bên bờ bắc. Thay vì xua quân đánh nhau, tướng chỉ huy hai bên giao ước thi nhau đắp thành. Trong một đêm, bên nào đắp thánh cao và dài hơn thì thắng, bên kia phải rút quân lui. Trong lúc quân Chiêm Thành đắp thành thật bằng đất và gạch đá thì quân Đại Việt đắp thành giả bằng tre và cót. Đương nhiên là thành bên Đại Việt cao dài hơn, và quân Chiêm Thành tưởng rằng quân Đại Việt đông lắm nên sợ hãi y ước rút về. Lời truyền tụng này không đúng với thực tế lịch sử, chẳng qua phản ánh tâm lý của dân ta khinh thị người Chiêm Thành ngây ngô mà thôi. Thật vậy, vào đời Trần, Đoàn Nhữ Hài phải vất vã lắm mới đuổi được quân Chiêm Thành ra khỏi Hóa Châu, và thành Lồi Nguyệt Biều ngày nay là di tích của thành Khu Túc thời Bắc thuộc.
Vào đời Hán, Khu Túc là một đồn nhỏ trên đường nối liền hai huyện Tây Quyển và Tượng Lâm. Từ khi Tượng Lâm độc lập, Khu Túc trở thành tiền đồn bảo vệ thành Tây Quyển (ở phía bắc Huế) là quận lỵ của quận Nhật Nam. Đến thời Tam Quốc, Trung Hoa loạn lạc, Giao Châu hết thuộc Lưu Biểu lại về tay Tôn Quyền. Quân Lâm Ấp thừa cơ, năm 248 sau Công nguyên, tiến đánh đồn Khu Túc rồi vượt sông chiếm thành Tây Quyển, và thừa thắng kéo ra cướp phá Cửu Chân và Giao Chỉ, san bằng hai quận thành Cư Phong và Luy Lâu. Cũng trong năm 248, ở vùng Trung Sơn, quận Cửu Chân, nay là huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, Triệu Quốc Đạt cùng bọn Vương Thiện, Lãnh Long, Bao Thúc, Tốn Thận, dựng cờ khởi nghĩa, chống lại Đông Ngô. Nhưng được mấy tháng thì Triệu Quốc Đạt bị bạo bệnh chết. Nghĩa quân bèn tôn em gái Triệu Quốc Đạt là Triệu Thị Trinh lên thay anh. Triệu Thị Trinh thường cưỡi voi đánh thắng quân Ngô nhiều trận. Quân giặc sợ hãi, gọi bà là Lệ Hải Bà vương. Bà là người tuổi trẻ lại có nhan sắc, cầm quân xung trận, dũng lược hơn người, nên quân sĩ tôn vinh danh hiệu bà là Nhụy Kiều tướng quân:
Kiều kiều nữ tướng quân
Anh danh động phong trần.
Năng hàn Ngô tử đảm
Phiêu dục động nhân tâm.
(Bà nữ tướng xinh đẹp, Tiếng tăm chấn động phong trần. Có thể làm mất vía quân Ngô, Sắc đẹp lại xúc động lòng người).
Biến loạn ở Giao Châu làm chấn động triều đình Đông Ngô. Tôn Quyền bèn phong Lục Dận làm Giao Châu Thứ sử, An Nam Hiệu úy, đem đại quân từ Kiến Nghiệp sang ứng phó. Lâm Ấp phải lui binh, nhưng vẫn giữ thành Khu Túc. Từ năm 248, Lâm Ấp sửa sang Khu Túc thành căn cứ quân sự hùng hậu, và đến triều vua Phạm Văn thì xây lại bằng gạch với qui mô to lớn như ngày nay còn thấy ở di tích Nguyệt Biều. Cũng trong năm 248, sau khi Lâm Ấp lui binh, nghĩa quân của Triệu Thị Trinh cô thế phải tan rã. Triệu Thị Trinh cắt cổ tự tử. Dân chúng Cửu Chân thương cảm lập đền thờ bà. Thuở bấy giờ, dân chúng Cửu Chân còn giữ nhiều tập tục của người Việt cổ nên trong miếu thờ Triệu nương có bày nhiều đồ thờ có hình dạng dương vật, liên hệ đến tục thờ linga. Những đồ tự khí này mãi đến đời Trần vẫn còn được nhắc nhở tới (Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên).
Tuy nhiên, vì càng ngày càng Hán hóa đậm dà nên người Việt về sau lại theo đuôi người Tàu truyền tụng những điều người Tàu đã bịa đặt có tinh cách thóa mạ vị anh thư đáng kính đó của dân ta. Chuyện kể rằng Lục Dận biết được Triệu Thị Trinh tuy anh dũng nhưng là con gái trẻ tuổi chưa chồng, có tính cả thẹn, nên cho tướng sĩ để trần truồng mà ra trận, Triệu Thị Trinh thấy vậy mắc cỡ, chưa đánh đã thua. Chuyện lại kể rằng chết đi Triệu nương được Thượng đế cho làm thần ôn dịch, vì thế quân lính Đông Ngô nhiều người mắc bệnh, Lục Dận cho thợ đẽo nhiều ngọc hành bằng gỗ đem treo tại doanh trại để trấn áp, nhờ vậy mà bệnh dịch chấm dứt. Mãi đến đời Lê Cảnh Hưng, năm Giáp ngọ (1774), Chủ bạ bộ Lễ là Hồng Đô Chư Cát Thi, khi hiệu đính Việt Điện U Linh Tập, còn phê phán việc thờ linga ở miếu Triệu nuơng là việc làm sai trái, là thói tục xấu xa của dân chúng Cửu Chân. Sử cũ nước ta sau ngày Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ độc lập năm 968 vẫn theo đuôi người Tàu gọi Triệu nương là con mụ Triệu (Triệu Ẩu), gọi đạo quân Lâm Ấp tràn vào Giao Châu năm 248 là quân giặc cướp.
Sự thực thì binh lính bộ hạ của anh em họ Triệu là nghĩa quân Cửu Chân nổi dậy chống ách đô hộ của người Tàu, binh lính Lâm Ấp là quân lính Tượng Lâm kéo ra giải phóng dân Giao Châu thoát khỏi sự thống trị của dân Hán. Hai đạo quân đó hoạt động cùng thời điểm (năm 248), theo đuổi cùng mục đích (chống Đông Ngô). Hai đạo quân đó là đồng minh với nhau, và đều là kẻ thù của người Tàu, y hệt 200 năm trưóc (năm 40 sau Công nguyên) Hai Bà Trưng khởi binh ở Giao Chỉ thì dân Cửu Chân tham gia và dân Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng. Hơn nữa, vào thời bấy giờ, cư dân Tượng Lâm nào có gì khác biệt với cư dân Cửu Chân, Giao Chỉ. Họ đều là hậu duệ đám di dân đợt II người Môn Nam Á (Bách Việt) tiến vào bờ biển bắc bộ Đông Dương vài nghìn năm trước. Có khác biệt chăng là cư dân Tượng Lâm sau khi độc lập đã trở lại với văn hóa Ấn Độ, còn cư dân Giao Châu đang bị người Tàu đô hộ thì bắt đầu thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, và dần dà xa rời bản chất Tiền Việt vốn chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn độ. Như vậy, quân Lâm Ấp có là quân giặc cướp thì là giặc cướp đối với người Tàu. Đối với cư dân bản địa các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, vạn nhất quân Lâm Ấp đuổi được người Tàu ra khỏi bờ cõi, thì cuộc tiến quân của Lâm Ấp năm 248, hay các cuộc tiến công về sau này của Chiêm Thành, là những nổ lực chống đối ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, để tiến tới mục tiêu hình thành một quốc gia càng ngày càng rộng lớn và hùng mạnh hơn.
Cùng một góc nhìn như vậy, các đồ vật thờ tự có hình dạng sinh thực khí trong miếu thờ Triệu nương phải được xem là biểu trưng của hiện tượng bảo lưu văn hóa của người Việt cổ còn rơi rớt trong các vùng chưa Hán hóa đậm đà. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới bánh chưng bánh tét trong các ngày tư ngày Tết. Chuyện dân gian kể rằng ngày xửa ngày xưa, vào đời Hùng vương thứ 6, ông con vua Lang Liệu dùng gạo nếp chế ra bánh chưng bánh giầy đem dâng lên vua cha, vua cha nếm thử thấy ngon hơn tất cả mọi thứ sơn hào hải vị do các ông con vua khác dâng lên nên quyết định truyền ngôi cho Lang Liệu. Có điều là ngày nay bánh chưng chỉ có ở miền Bắc, còn tại miền Trung và miền Nam chỉ có bánh tét chứ không có bánh chưng, ngoại trừ ở các nơi thị tứ lớn như Huế và Sài Gòn thì có cả hai thứ bánh chưng và bánh tét. Nếu danh từ Mệ nàng vẫn còn được sử dụng trong địa bàn sinh hoạt của người Mường để chỉ con gái quí tộc, thì ở vùng người Kinh sinh sống, Mệ nàng thời Hùng vương đã theo trào lưu Hán hóa mà biến thành Mỵ nương như đang thấy trong câu chuyện cổ về mối tình Trương Chi với Mỵ Nương, con vua Hùng vương thứ 18. Cũng cùng chung một quy luật diễn biến, cái bánh tét có hình dạng sinh thực khí liên hệ với tục thờ linga của người Việt cổ mới đúng là cái bánh do Lang Liệu sáng chế dâng lên vua Hùng vương thứ 6. Cái bánh tét cổ truyền đó ngày nay còn tồn tại ở miền Trung, nơi còn bảo lưu được ít nhiều bản sắc văn hóa cũ, rồi từ đó tràn vào miền Nam theo chân các đoàn người Việt thiên di vào nam tìm đất sống. Tại các vùng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa phương bắc, bánh tét có hình dạng sinh thực khí thuở ban sơ đã biến đổi thành bánh chưng hình vuông theo quan niệm trời tròn đất vuông của người Tàu.

Một số mắt xích đã đuợc nối lại. Điều này quả tình đã giúp chúng ta nhiều nhận thức mới mẻ để soi sáng quá khứ của dân tộc, theo góc nhìn và thế đứng của chính chúng ta, chứ không phải cứ lẽo đẽo theo đuôi người ngoài.
  




No comments: