Saturday, September 8, 2012

BQ.Ỹ DUNG * LÀM DÂU XỨ QUẢNG

Làm Dâu Xứ Quảng
B Q Mỹ Dung



"Anh nói thiệt cho cô Tư nghĩ. Cô nên suy nghĩ lại.
Chuyện tình yêu và hôn nhân của cô Tư tui không có Ỷ ngăn cản đâu, nhưng cô Tư à...cô có thiệt hạnh phúc không thì mới là điều quan trọng. Lời anh Ba nói làm cho tôi suy nghĩ. Trong nhà tôi, anh Ba là người gần gũi tôi nhứt.
Anh Ba tánh tình hiền lành, ít nói, dễ dãi và đôi khi có hơi "ba phải" sao cũng đưộc. Tuy nhiên, anh là người thương tôi nhiều nhứt, an ủi và thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi.


Những ngày cuối tuần thường là những ngày vui nhứt trong gia đình tôi. Tất cả anh chị em họp mặt,ba tôi được nghỉ ngơi, các anh chỉ em nghỉ học quây quần bên nhau và má tôi hay nấu các món ăn , cả nhà cùng ăn chung; đôi khi bác Ba, cô Tư của tôi cũng ghé đến chơi đó là những ngày hạnh phúc nhứt trong thời thơ ấu của tôi. Nhưng, những ngày gần đây mỗi dịp họp mặt cuối tuần trở thành một ngày đau khổ nhất cho tôi. Chuyện yêu đương của tôi được các anh chị em đem ra làm đề tài và chắc chắn tôi là "nạn nhân" bất đắc dĩ. Nói cho cùng, các anh chị em tôi không phải đem chuyện của tôi ra làm đề tài để nói vì ghét bỏ gì tôi, mà trái lại, vì tình thương yêu tôi, mong muốn tôi được hạnh phúc. (Tôi là con gái đầu, trên tôi có anh Hai, anh Ba) Chuyện tôi có người yêu như một trái bom nổ trong căn nhà nhà hạnh phúc của tôi. Một hôm, (tôi không còn nhớ là ngày thứ mấy,) trong buổi cơm chiều, thằng Út nổ phát súng đầu tiên:
- Chị Tư có bồ.
Mèn đét ơi, con gái lớn có bồ là chuyện đâu có gì "ầm ĩ?" nhưng thằng Út còn thêm: "Bồ chị Tư là người "nẫu" Câu chuyện bắt đầu từ đó.
Tôi vẫn không hiểu tại sao, và từ khi nào mọi người chung quanh tôi, bạn bè, hàng xóm...thường gọi "người nẫu" để chỉ người Miền Trung. và "Người Nẫu" còn hàm ý nghĩa là mẫu người "khó khăn". Câu chuyện bất đầu từ ông hàng xóm. Cũng nên nói thêm là cái xóm nhỏ của tôi "rặc" người Nam, và theo ông Bác tôi thì "Người Nam mình nghĩ gì nói nấy, thẳng thắn, ruột để ngoài da". Khi ông hàng xóm dọn về khu xóm nhỏ thì mọi chuyện trở nên "Có vấn đề." Ông ít khi giao thiệp với chung quanh, nhà cửa đóng im ỉm, mọi chuyện đi về âm thầm lặng lẽ, con cái trong nhà sợ ông một phép, cả bà vợ cũng không dám hó hé nữa là? Ông đánh con, la vợ?...nói chung thì dưới mắt của bà con trong xóm, ông ta là một người độc tài độc đoán, ít khi để lộ những vui buồn ra ngoài mặt.


Gia đình ông "bế quan tỏa cảng" không đặt "quan hệ ngoại giao" với bất cứ gia đình nào trong xóm. Mặc dù ông không làm phiền hà gì đến bà con trong xóm, ông vẫn tham dự các đám giỗ kị của bà con khi được mời. Tuy nhiên, gia đình ông "kín cỗng cao tường" nó "làm sao" đối với cuộc sống "xí
xái" của bà con Nam Kỳ. Và không biết do đâu ..."người nẫu khó tánh."
Từ những điều gây "ấn tượng" về hình ảnh một gia đình như thế, việc thằng Út phát giác là một chuyện động trời. Một ngày nghỉ cuối tuần, cả nhà sau bữa ăn, tôi đúng lên dọp dẹp ...thì ba tôi "phán":
- Con Tư để em nó dọn, con ngồi lại đây ba có chút chuyện muốn nói với mày.
Nghe một câu nói rất bình thường, vui vẻ gần gũi như thế, nhưng chân tay tôi bỗng quíu lại bước đi không muốn vững. Hồi hộp, lo lắng....tôi ngồi xuống:

- Dạ ba.
- Ba nghe thằng Út nói mầy có bồ? Ba tôi cười nói khi tôi vừa ngồi xuống.
- Con cũng thấy nè ba ! Con em gái kế tôi xác nhận.
- Ba thấy chuyện đó không có gì lạ. Trai lớn có vợ, gái lớn có chồng là chuyện bình thường mà. Nhưng ba nghe con quen với người Nẫu hã?
Trời ơi, tôi muốn bể cái đầu luôn. Ừa, tại sao mọi người lại quan tâm đến chuyện này? "Người Nẫu thì nẫu chớ có sao đâu?" Tôi nói thầm trong bụng như vậy.
Má tôi nhẹ nhàng hơn:
- Ba má không cấm chuyện bồ bịch, nhưng con có thấy ông hàng xóm nhà mình hông. Nhà họ khó khăn như vậy con liệu có chiu được hông? Nhà người ta là "Công Dung Ngôn H?nh" nào là "Phu Xướng Phụ Tùy"...con nhắm sức con có qua cầu được không?
Thằng Út xen vô:
- Con quen với thằng con của ổng, ba nó la nó hoài, còn mấy chị nó đó hả...hổng có giống mình đâu!
Ba tôi trầm ngâm:
- Người Trung họ khó lắm đó con. Nếu con bồ bịch chơi cho vui thì hổng sao, nếu con về làm dâu nhà họ thì ba hổng biết nói làm sao! Má mày nói gì đó...hà..hà! cái gì mà công dung ngôn hạnh...mà mày thì...
Con em tôi xía vô:
- Con thử nghĩ mình đem chi Tư ra chấm thử coi sao ha! Nó nói xong còn cười ha hả ra cái điều thích thú. Mình phải chấm điểm trước khi "biểu quyết" chị Tư nhà mình có đủ điểm không. Ba Má tôi cười xòa, ba tôi gật đầu:

- Mấy đứa tụi bay nghĩ sao nè?
Đuợc thể như lân thấy pháo, mấy đứa em tôi nhao nhao đông ý!
- Để con làm bảng kê khai chị. Con thấy chị Tư về "Công"..à... mà công là gì hả má?
- à, công là công việc, là may vá thêu thùa, làm cơm dọn dẹp trong nhà...nói chung là như vậy.
- Như vậy chị Tư mình làm sao tả. Nấu ăn hả...chà chà...cái này coi bộ khó nuốt à chị Tư !
Tháng Út ré lên:
- Chị Tư nấu cơm ...nó chữa kịp nói hết câu đã bị con chị nó đốp chát liền.
- Mầy im đi! mày để tao coi ...cơm thì nấu được nè, cá kho thì cũng tàm tạm, còn canh chua thì hơi ...hơi không được ngon lắm...còn thêu may cắt ...hả...chà chà...cái này hình như chưa có "năng khiếu" . Cần cố gắng thêm.

Má tôi lên tiếng:
- Tụi bay đang làm cái gì vậy hả?
- Ba má nói "Công dung ngôn hạnh" "tứ đức tam tòng" thì con Năm nó đang làm bảng "báo cáo tổng kết" đó. Anh Hai tôi cười nói - Người ta hổng phải người mình, cho nên con tự thấy con có nhiệm vụ phải làm cho ra chuyện này. Con em gái tôi làm "mặt nghiêm" rồi tiếp.

- Thôi được rồi. "Công" thì tạm phê "tạm được, trung bình cần cố gắng thêm"...
- Còn "Dung" thì sao nè.
Nghe thằng Út hỏi, bỗng dưng cả nhà quay mặt "chiếu tướng" vào tôi. Từ lâu tôi chưa bao giờ bị cảnh này. Hàng chục đôi mắt quay lại nhìn, tôi chợt nghe đôi má nóng bỏng. Có lẽ thấy tôi đã mệt, anh Ba tôi nhảy ra cứu bồ:
- Cái này khó mà nói lắm. Dựa vô tiêu chuẩn nào để "Cân đo đong đếm." Tao đề nghị..."Xấu đẹp tùy người đối diện " đi nghen.
Cũng thằng Út lại ré lên:

- Đó là kinh nghiệm đau thương của anh Ba đó nghen. Còn chuyện anh Ba thì làm sao?
Anh Ba tôi nạt:
- Im đi mày!
Ba Má tôi ngồi im lặng cười nhìn lũ con nhao nhao "chấm điểm." Phần tôi mắc cỡ cứng người. Không ngờ chuyện của tôi lại là đề tài cho cả nhà tham gia "góp ý" Đứa em gái tôi nó đang theo nghành Sư Phạm, mơ ước của nó là đưộc làm cô giáo. Đây là dịp cho nó "thực tập" nó phê liền:
- Được rồi. Công Dung coi như thông qua. Bây giờ "Ngôn"...Chị Tư đang theo học nghành phát thanh...như thế thì giọng nói của chị tuy "ca không hay, đàn nghe cũng dở" nhưng chắc chắn là "nói" thì "ngọt như đường cát mát như đường phèn" rồi. Coi như "Trên trung bình" nhưng cần có "phương hướng phát huy thêm tiềm năng sẵn có".


Tôi than thầm "Trời ơi là trời.." mấy anh chị em nhà tôi làm như một buổi họp "giao ban" của một cơ quan. Tôi thấy con nhỏ em tôi cũng có chút khả năng làm "cô giáo nhà trẻ?" Mọi người cười xòa khi nghe con em tôi "chấm điểm."
- Bây gi? còn một điểm chót nữa là hết. Mọi người thấy sao ?
- Hạnh kiểm tốt. Biết giúp đỡ bạn bè. Tháng Út nói lớn.
- Sao mầy biết? Anh Ba tôi hỏi lại.
- Bữa trước dọn hộc tủ chị cho em đọc tờ học bạ của chị khi chị còn ở trung học phổ thông.
- Chuyện đó lâu rồi không tính. Anh Ba tôi cười ?
- Nhưng ...nhưng bây giờ mình làm sao chấm điểm? Con nhỏ em bối rối.
- Bữa trước nó có giúp tao đưa cái thư cho con bồ tao cùng trường với nó. Như vậy là biết giúp đỡ người khác rồi. Anh Hai tôi xen vô!
- Không được, anh em giúp nhau không tính.
- Sao lại không tính chớ ?. Anh em như thể tay chân mà. Thằng Út phản đối.
- Thôi, thô?..được rồi. Quyết đinh như vậy đi. Nhỏ em đồng ý phê cho tôi "hạnh kiểm tốt."

Và nó tổng kết:

- Sau khi duyệt các tiêu chuẩn được đưa ra một cách khách quan và vô tư đồng thanh quyết nghị...
Mặc dù các anh chị em và ba má tôi không phản đối quyệt liệt quyết đinh lấy chồng của tôi ,nhưng, những ấn tượng về người Trung cũng làm cho tôi âu lo. Tôi suy nghĩ nhiều về hạnh phúc của đời tôi. Chúng tôi quen nhau khi cùng học tại trường Kỹ Thuật. Chúng tôi làm cùng ngành. Trong thời gian
học, người bạn mới của tôi đã giúp bạn bè cũng như đã giúp tôi rất nhiều, anh là một sinh viên xuất sắc, có tấm lòng bao dung, biết giúp đỡ bạn bè...nhưng tánh anh hơi nhút nhát. Ngày ra trường anh là sinh viên đỗ thủ khoa, và chúng tôi phục vụ tại thành phố. Những ngày chúng tôi yêu nhau, như bao nhiêu cặp tình nhân khác trên cõi đời này. Chúng tôi muốn đi đến hôn nhân.


Với tôi, hôn nhân là đoạn khởi đầu cho tình yêu. Hôn nhân không phải là kết thúc cho một chuyện tình. Thời gian yêu nhau là thời gian thơ mộng, nhìn thấy nhau ở những điểm tốt đẹp mà thôi. Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng hay cả hai cùng nhìn nhau? Sách vở tình yêu, những cẩm nang tình
trường....nhưng có biết bao nhiêu cặp tình nhân kết thúc chuyện tình bằng một tiệc cưới và sẽ sống chung với nhau đến hết kiếp này. Tôi không biết và không có nhiều kinh nghiệm trong tình trường, nhưng má tôi, một người đàn bà suốt cuộc đời chỉ biết có chồng con, một người đàn bà miền Nam chân thật đã cho tôi "của hồi môn" trên đường theo chồng về "Làm dâu xứ lạ" Tôi nhớ mãi: "Con ạ, người nào cũng là người. Ai ai cũng có chủng tử Phật. Tâm con người vẫn hiền lương. Hãy đối xử với nhau bằng cái tâm chân thật thì sẽ nhận được sự chân thật. Nhân nào quả nấy". Đó là hành trang tôi mang theo về nhà chồng. Ba tôi, một người cha rất hiền từ, cởi mở với con cái, trung tín với bạn bè, thương yêu anh em. Từ đó tôi mang theo trong máu của tôi đức tánh cao quý đó.
Tôi quyết định nhận lời cầu hôn, và làm đám cưới với người tôi yêu, cho dù có nhiều âu lo do những ấn tượng chung quanh "áp lực" trên tôi.


Tôi đến nhà chồng trong một bối cảnh của nhà chồng không được như xưa. Những ngày huy hoàng của gia đình nhà chồng đã hết. Nhưng chúng tôi tuổi trẻ, có học vấn, có việc làm nên chúng tôi không lo ngại gì cho tương lai của chúng tôi. Tôi theo chồng về làm dâu nhà chồng với tâm trạng vừa mừng vui vừa lo lắng. Tôi vẫn là cô gái Nam Kỳ "có sao nói vậy," về làm dâu một gia đình có "nề nếp gia phong" thật là khó. Tuy nhiên, "lù khù ông Cù độ mạng," những bà chị dâu, chị chồng, em chồng...dầu trai, dầu gái, những đứa cháu chồng...đã cho tôi bước những bước đầu trên con đường làm vợ, làm dâu thật dễ chịu.


Ngày đầu tiên tôi được dự đám giỗ bên nhà chồng. Các chị dâu, chị gái, em gái của chồng lăng xăng trong căn nhà bếp chật chội để làm đám giỗ. Người làm gà, làm vịt, người lo nấu nồi xôi, kẻ thì gói bánh, làm chả. Mặc dù trong hoàn cành khó khăn về kinh tế, nhưng gia đình nhà chồng vẫn "Giấy rách thì giữ lấy lề" vẫn làm đám giỗ linh đình, đèn hương nghi ngút. Tôi bỗng dưng lạc lõng trong không khí đầm ấm thân thương mà cũng rất "bơ vơ" đó. Tôi không biết phải đứng đâu, làm gì...Bà mẹ chồng, có lẽ theo tôi nghĩ, đã nhìn ra sự khó xử của tôi, nên bà đã giao cho tôi một công việc rất hợp với khả năng "thiên phú" của tôi, đó là cầm chổi lông gà quét bụi trên bàn thơ, và thắp đèn cầy trên bàn Phật.

Những ấn tượng về bà mẹ chồng Miền Trung vẫn còn "đầy ấn tương" cho đến lúc bà nói với tôi "Con cầm cái chổi lông gà này quét bụi trên bàn thờ cho Má, việc nấu nương đã có các chị lo." Giọng bà nho nhỏ giống giọng nói của má tôi, (không the thé dữ dằn như tôi tưởng
tượng) đã làm tôi nhẹ hẵn "gánh lo âu". Rồi bà chị dâu của chồng, đã giúp tôi trong đám cưới, lo lắng cho tôi như lo cho một đứa em gái lên xe hoa. Những đứa em chồng thân thiện, cởi mở, tất cả đã cho tôi niềm hạnh phúc thật sự kể từ hôm đó. Cha chồng, một người đàn ông tầm thước, có hàm râu dài trắng như bông, cười nhiều nói ít, thương con hết lòng. Tôi nhìn thấy hình ảnh của ba tôi trong đó. Ấn tượng "mẹ chồng nàng dâu" hoàn toàn biến mất trong tôi khi bà, một hôm, đã nóí với tôi "Má thương con như con ruột. Má giao nó cho con đó. Nó coi lớn đầu mà còn ngu ngơ khờ dại lắm." Má chồng đã giao "ảnh" cho tôi "quản lý." Thêm vào đó, khó có thể diễn tả được nỗi xúc động trong lòng tôi khi các đứa cháu của chồng kêu tôi bằng cô đã cho tôi cảm giác tôi có thêm một gia đình thứ hai nơi đây.

Sông nước miền Nam đầy phù sa ngầu đục mang đến các miệt vườn những chùm trái ngọt và cây lành. Người miền Nam như bông súng, bông sen, như điên điển, và thơm hương cau, hương bưởi. Tôi chưa có dịp bỏ chân trần lội qua giòng sông Trà Khúc, chưa một lần được đứng trên đỉnh Thiên Ấn để thấy toàn cảnh thị xã Cẩm Thành. Tôi chưa được đến Sa Huỳnh để xủi chân trên bờ cát mịn, để nhìn làn sóng biển mang đến những hạt muối mặn nồng. Nhưng tôi biết trong gìòng nước sông Trà có con cá bống kho tiêu ăn ngon như con khô sặc bướm sặc rằn, như con cá lóc nướng trui. Tôi chưa đến quê hương của chồng mặc dầu tôi làm dâu xứ lạ. Những tôi vẫn yêu vẫn quý như một mẹ quê tôi.
Quê hương tôi ở mãi miền Nam, có câu hát:
Má ơi , đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biêt nhà má đâu?

Nhưng tôi bằng lòng "gả" cho anh ở tận miền Trung xa lắc xa lơ. Tôi làm con dâu xứ Quảng để nối ước mơ của ông cha từ thời cầm guơm đi mở nước từ miền Trung vào tận miền Nam. Tôi như con sông mang nước từ nguồn ra biển và bây giờ là giọt nước mưa rơi lại trên nguồn. Má ruột tôi hay nói "Tất cả cũng qui về một. Dù pháp có 8 vạn 4 ngàn nhưng chỉ có một Phật Thừa" . Má chồng thì tỉ tê "Con ơi, làm người cốt ở cái tâm. Hãy thương yêu nhau như anh em ruột. Chuyện hạnh phúc vợ chồng thì tương kính như tân." Và như thế tôi là người hạnh phúc đã được làm dâu xứ lạ. Làm con dâu đất Quảng ngàn năm văn vật với Thiên Ấn đóng trên sông và Thiên Bút vờn mây trên đỉnh cao.

No comments: