Thursday, September 6, 2012

TRẦN VAN SƠN * KẺ KHÉO TAY


KẺ KHÉO TAY



Chuyện dịch – đổi khung cảnh và tên nhân vật - từ chuyện ngắn “The Fix” của  Percival Everett New York Stories, The Best American Short Stories 2000, Edited by E.L. Doctorow và Katrina Henison



                                                                                                                Trần Văn  Sơn



            Đinh làm chủ một tiệm bán xăng uých ở tầng trệt nơi góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản. Bên cạnh là một ngõ hẻm. Tầng trên Minh ở. Đinh còn nhớ một đêm trời tối Minh bị hai người lạ mặt  đánh  gần chết. Hình như hai người lạ mặt này có thù oán gì đó với Minh. Đang cắm cúi dọn cái kho cho ngăn nắp Đinh nghe tiếng thùm thụp lặp đi lặp lại như ai nghịch cầm một cuốn niên giám điện thoại dày quẳng chơi lên sàn nhà. Đinh chạy ra sân, trời tháng mười một, bên ngoài khá lạnh và mới biết tiếng động là những cú đấm vào bụng Minh bởi một anh chàng to cao, trong khi Minh chịu trận vì bị một tên thứ hai nhỏ con hơn khóa trái hai tay ra đằng sau giữ hắn ở thế đứng. Đinh chạy vào tiệm lấy cây súng lục và một cây đèn bấm, chạy đến gần chiếu ánh đèn vào mặt hai tên hành hung.

            Hai tên này không tỏ vẻ sợ hãi. Tên to con nói: “Mầy giỡn mặt tao hả. Khôn hồn thì đi chỗ khác.”

            Tuy nhiên khi Minh cho nổ một viên đạn sát mang tai, chúng bỏ Minh ra, vùng chạy. Minh lăn đùng xuống đất, vừa rên vừa ôm bụng nhăn nhó.

            Đinh hỏi: “Chú em có sao không?” Hỏi xong Đinh mới thấy câu hỏi phi lý.

            Minh gượng gạo trả lời: “May ra cũng chẳng sao.”

            “Hãy vào trong.” Đinh vừa nói vừa dìu Minh vào bên trong, khóa trái cửa ra vào lại rồi đưa Minh đến ngồi tạm trên một chiếc ghế đẩu.

            “Cám ơn anh.” Minh  nói

            “Tôi gọi cảnh sát nhé?” Đinh hỏi

            Minh lắc đầu: “Vô ích anh. Tụi nó đã cao chạy xa bay rồi.”

            “Tôâi làm cho anh một cái xăng uých nghe.” Vừa nói Đinh vừa bước ra sau quầy thực phẩm.

            “Tôi không đói.”

            “Xăng uých của tôi không dở đâu, chú em sẽ thấy ngon. Tôi không biết băng bó và thuốc men nhưng tôi biết làm xăng uých”. Chỉ một thoáng Đinh đã có một cái xăng uých thịt nguội kẹp mấy lát cà chua nằm ngon lành giữa hai miếng bánh mì đen còn dính mè thơm phức. Đinh rót một cốc coca, đặt cái xăng uých lên một cái dĩa, kéo Minh lại ngồi vào một chiếc bàn dành cho thực khách. Đinh ngồi đối diện với Minh nhìn hắn dè dặt cắn xăng uých.

            “Chú em có biết tại sao hai tên lưu manh đó đánh chú em không?” Đinh hỏi.

            “Chúng muốn hành hạ tôi” Minh vừa nói vừa lấy hai ngón tay lấy một hạt sạn dính vào răng để lên chiếc dĩa.

            “Chú em gọi tôi là Đinh”

            “Còn tôi là Minh”

            “Chúng phải có chủ tâm gì chứ?” Đinh gặng hỏi nhưng Minh không trả lời.

            Hai người im lặng nhìn nhau. Bỗng chiếc tủ lạnh để ở góc phòng bắt điện chạy xành xạch. Đinh cảm thấy đế dày rung rung theo nhịp chạy của chiếc tủ lạnh.

            “Cái máy ép khí hỏng ” Minh nói

Đinh nhìn Minh, chưa hiểu hắn muốn nói gì.

            “Tôi muốn nói cái tủ lạnh của anh. Cái máy ép khí xấu lắm rồi”

            “Đúng rồi”, Đinh nói. “Nó kêu quá lớn.”

            “Tôi có thể sửa được.”

            Đinh nhìn Minh chưa biết trả lời sao.

            “Anh có muốn tôi sửa cái tủ lạnh cho anh không?

            Đinh do dự. Lẽ dĩ nhiên Đinh muốn, nhưng không biết nghề ngổng anh chàng này thế nào. Hay lại tháo ra làm cho nó hư thêm. Tuy nhiên Đinh cũng ừ hử trả lời, “Chú em cứ thử xem.”

            Minh nhanh nhẹn đứng dậy, bước lại gần chiếc tủ lạnh. Đinh đi theo Minh. Minh tháo tấm bửng dưới đáy chiếc tủ lạnh, cúi mình quan sát một hồi. “Anh có kẹo cao su không.” Minh hỏi.

            Đinh mò trong túi, gặp may còn mấy miếng hiệu Juicy Fruit, vội lấy ra đưa cho Minh. Minh nằm dài trên sàn nhà, lột giấy bao, bỏ kẹo vào miệng nhai ngấu nghiến.

            “Chú em làm gì vậy? Đinh hỏi.

            Minh đưa ngón tay ra hiệu Đinh đừng hỏi, tay kia lấy cục cao su đã nhuyễn trong miệng ra trét vào một bộ phận trên đường ống. Tiếng máy chạy êm hẳn.

            “Sao chú em làm được hay vậy? Đinh hỏi.

            Minh đứng dậy, nhún vai, nghĩ rằng giải thích Đinh cũng không hiểu.

            “Cám ơn chú em. Chú em giỏi quá. Chỉ dùng có mấy miếng kẹo cao su.  Chú em có thể sửa máy móc khác không?

            Minh gật đầu.

            “Chú em làm nghề gì? Thợ điện hay người sửa dạo?” Đinh hỏi.

            “Tôi không có nghề gì cả. Tôi chỉ biết tôi có thể sửa chữa cái này cái nọ thế thôi.”

            “Chú em muốn một cái xăng uých nữa không?”

            Minh lắc đầu: “Tôi phải đi. Cám ơn đã bênh vực và bánh xăng uých.”

            “Hai tên du đảng có thể còn chờ chú em đâu đó.” Đinh nói. Cây súng lục nằng nặng trong túi áo nhắc Đinh nhớ chuyện hành hung. “Hãy nán ngồi lại một chút thì hơn.” Đinh thấy có cảm tình với Minh, người vừa mới sửa cái tủ lạnh cho hắn, tuy còn xa lạ. “Chú em ở đâu? Tôi có thể đưa chú em về.”

            “Tôi vô gia cư.” Minh cúi mặt nhìn xuống sàn nhà trả lời.

            “Vậy không vội, chú em lại đây.” Đinh dẫn Minh vào nhà bếp đến cạnh một cái chậu rữa chén bát lớn. Đinh mở vòi nước. Dưới sức ép nước kêu rít lên trước khi chảy vào chậu và nhễu ra chung quanh vòi. “Chú em có thể sửa được không” Đinh hỏi.

            “Anh muốn tôi sửa hả?”

            “Vâng” Đinh vừa nói vừa tắt nước.

            “Anh có cái khóa vặn ống không?”

            Đinh bước vào văn phòng, lục một hồi dưới đống đồ vật để ngổn ngang nơi góc phòng lôi ra một cái khóa. Đinh mang đến cho Minh, hỏi: “Cái này được không?”

            “Được.” Minh lấy cái khóa, ngồi xuống và luồn mình dưới đáy chậu nước.

            Đinh cúi xuống xem Minh làm gì. Nhưng chưa kịp quan sát, Minh đã dứng dậy và nói: “Được rồi đó.”

            Chưa tin, Đinh vặn vòi nước. Không nghe tiếng kêu và nước chảy một cách bình thường. Đinh khóa vòi rồi mở lại lần nữa. “Chú em sửa được rồi. Với cái tài mọn của chú em, chú em có thể làm việc ở đây. Tôi không có tiền trả lương cao cho chú em, nhưng ít nhất là lương tối thiểu, ngoài ra trên gác còn một phòng trống, chú em có thể ở luôn đây cũng được.”

            “Nhưng anh đã biết gì về tôi đâu.” Minh nói.

            Đinh khựng lại. Hắn nói có lý. Mình chưa biết gốc gác của hắn. Nhưng Đinh có cảm tưởng Minh là một người lương thiện. Đinh nói: “Chú em nói đúng. Nhưng tôi tin trực giác của tôi.”

            “Tôi không biết.” Minh nói.

            “Chú em nói chú em chưa có chỗ ở phải không? Chú em có thể ở tạm đây cho đến khi nào kiếm được việc làm hãy hay.” Đinh không hiểu tại sao hắn phải nài nỉ Minh. Trong lòng hắn thấy có cái gì đó chưa ổn, nhưng hắn muốn Minh ở lại.

            “Cũng được” Minh nhận lời.



            Đinh dẫn Minh lên một chiếc phòng nhỏ trên gác. Trần nhà lơ lững một bóng đèn, ánh sáng vàng nhạt chiếu lên một chiếc giường trải một tấm ra trắng đã cũ. Nơi này Đinh hay dùng để ngả lưng khi quán vắng khách.

            “Phòng chỉ có thế thôi,” Đinh nói. “Phòng tắm ở cuối hành lang, không có nước nóng.”

            “Thế này là quá tiện nghi đối với tôi. Cám ơn anh nhiều”

            Đinh đứng yên nhìn quanh như cố nhớ xem cần nói gì nữa không. Rồi Đinh chép miệng, “Tôi nghĩ tôi phải về cho vợ tôi hay.”

            “Tôi cần phải ngủ một chút.” Minh nói.

            Đinh gật đầu, bước ra khỏi phòng.



Dung, vợ Đinh bảo: “Anh điên rồi”.

            Đinh ngồi nơi bàn ăn trong bếp lấy hai bàn tay úp vào mặt không muốn nghe vợ cằn nhằn. Mùi thơm của bánh mì và thịt nguội còn phảng phất nơi lòng bàn tay. Qua kẻ ngón tay, Đinh thấy bà vợ lùn xỉn và béo nục nịch của hắn đang đưa tay vặn bớt âm thanh của chiếc máy truyền hình. Cô Lan Anh, người nói tin của đài truyền hình Sài gòn miệng còn mấp máy.

            “Em hỏi anh nè,” vợ Đinh gằn giọng.

            “Phán đoán bề ngoài hắn là người tin được.” Đinh nhìn thẳng vào đôi mắt như muốn đốt cháy hắn của vợ. “Hắn đang gặp vận xui thôi.”

            Dung cười, tiếng cười lạnh như băng. “Và anh để hắn ở tại tiệm một mình!” Dung lắc đầu, môi siết chặc lên đôi hàm răng. “Anh mất trí rồi. Khôn hồn anh đến bảo hắn dọn đi ngay cho em.”

            “Anh không muốn lái xe,” Đinh nói.

            “Thì em lái.”

            Hắn thở dài. Dung có lý. Hắn cũng không hiểu cái gì đã thúc đẩy hắn cho Minh việc làm lại cho ở trên căn gác nơi tiệm ăn. Cách giải quyết tốt nhất là theo ý Dung lại nói với Minh dọn đi thôi.

            Hai người leo lên chiếc xe Buick màu xám đời 80, sơn đã sờn. Dung lái xe. Đinh ngồi bên cạnh. Đinh cảm thấy ghế ngồi thụng xuống bởi sức nặng của Dung hằng ngày đi đi về về. Thường Đinh không thích để Dung lái xe, nhất là hôm nay Dung đang giận và vội vàng. Trên đường đến tiệm Dung rẽ phải nơi ngã tư  Công Lý và Hiền Vương như chỉ còn hai bánh dính đường vùn vụt lách qua những con đường đầy xe máy dầu.

            “Chạy chậm lại một chút em.” Đinh nói. Hắn thấy một người đàn ông mặt sơ mi xanh hốt hoảng nhảy vội lên lề đường tránh chiếc xe của Dung.

            “Anh mà còn khuyên ai! Anh là người không biết phán đoán. Bỗng nhiên cho một tên du thủ du thực đến ở một mình nơi chỗ làm ăn buôn bán của gia đình. Chạy thế này chưa chắc đã kịp, hay đến nơi hắn đã dọn cả tiệm rồi.”

            Tưởng tượng những gì có thể xảy ra, Đinh thấy không cãi được vợ. Ừ, biết đâu anh chàng đói khát lâu ngày này ngủ dậy mở lò nướng bánh ăn đã làm nổ tung cửa tiệm. Như một phản ứng từ tiềm thức, Đinh xuống kính xem thử có nghe tiếng còi của xe chữa lửa không.

            “Nếu có cái gì xẩy ra anh chịu lấy,” Dung nói như khóc, hai tay và cả thân hình nặng nề của Dung ghì trên tay lái bẻ qua một ngã tư khác. “Em sẽ bán bất cứ gì còn lại và về Quảng Ninh sống với mẹ. Em thề với anh, đó là điều em sẽ làm.”

            Cửa tiệm nằm im lìm dưới ánh đèn đường khi Dung đạp thắng  ngừng xe trước cửa tiệm. Đèn trong tiệm tắt ngấm. Đầu góc đường còn hai kẻ đang đi dạo mát. Đinh mở cửa tiệm rồi theo Dung bước vào bên trong. Cả hai đi qua mấy dãy bàn dành cho thực khách, qua quầy thu tiền bước vào nhà bếp. Đinh bật điện. Bóng đèn neon 60 watts bật sáng kêu rè rè tỏa ra một thứ ánh sáng xanh yếu ớt.

            “Xem hộc tiền trước đi.” Dung bảo.

            “Không có tiền trong đó, ” Đinh nói. Và Đinh biết Dung biết điều đó. Mỗi ngày, trước khi đóng cửa tiệm, Đinh lấy hết tiền mang về nhà. Sáng hôm sau mang gởi ngân hàng trên đường đến tiệm.

            “Cũng cứ xem đi.”

            Đinh bước vào văn phòng, bật sáng cây đèn đứng trong góc phòng. Nhìn thông qua chiếc phòng hẹp Đinh thấy cửa tủ đựng tiền vẫn đóng, và chồng giấy để trước cửa vẫn y nguyên tại chỗ. “Hắn không đụng đến cái gì cả.” Đinh nói.

            “Hắn tên là gì?” Dung hỏi.

            “Minh.”

            “Minh!” Dung ngước nhìn lên gác gọi to: “Minh!”

            Chỉ một thoáng, Minh trong chiếc quần dài và chiếc áo may ô xốc xếch thủng thỉnh bước xuống thang gác, tay dụi mắt như để làm quen với ánh sáng của căn phòng.

            “Minh,” Đinh nói, “Tôi đây, Đinh đây.”

            “Anh Đinh? Anh trở lại đây làm gì giờ này?” Minh đứng trước hai vợ chồng Đinh, chân còn mang đôi tất đen chưa kịp xỏ dày. “Nhân tiện cho anh biết tôi đã sửa bồn nước rữa mặt và cái máy rung.”

            “Anh nói cái máy rung chân? Dung hỏi

            “Chắc vậy.”

            “Anh đã bảo em, Minh sửa cái gì cũng được,” Đinh nói với Dung. “Và đó là lý do tại sao anh thuê Minh.” Dung mua cái máy rung chân đó tại một tiệm bán đồ điện gia dụng trên Chợ Lớn. Hằng ngày, đứng làm việc vài ba giờ thấy mỏi chân Dung lại chạy vào phòng tắm, ngồi lên bàn cầu tiêu để hai chân trên chiếc máy rung. Độ mươi lăm phút Dung thấy đôi bàn chân thư giản dễ chịu. Bỗng mấy tuần lễ nay cái máy không chịu chạy nữa.

            “Người chủ tiệm điện nói rằng cái máy đó không chữa được nữa.” Dung nói.

            Minh nhún vai.” Tôâi không biết. Bây giờ nó chạy!”

            “Tôi trở lại ngay.” Dung nói, và nhanh nhẹn biến nhanh lên thang gác.

            Minh nhìn theo Dung, rồi nhìn Đinh. “Tại sao hai ông bà trở lại?”

            “Bây giờ chắc anh hiểu rồi. Vợ tôi cho rằng việc tôi để anh ở lại đây một mình không ổn. Bà ta nói chúng tôi chưa biết gì về anh cả.” Đinh vừa nói vừa thở dài nhè nhẹ. “Tôi thật lấy làm tiếc.”

            Từ trên gác tiếng Dung vọng xuống cùng với lúc nàng hiện ra nơi đầu cầu thang. “Nó chạy rồi, chạy rồi. Hắn sửa được rồi.” Dung chạy xuống thang gác nở một nụ cười rất tươi với Minh. “Tôi cám ơn anh.”

            “Không có gì,” Minh trả lời

            Đinh chen vào: “Anh vừa nói với Minh anh rất tiếc, Minh ở đây không tiện.”

            Đừng có dớ dẩn.” Dung nói

            Đinh bối rối, đưa tay vuốt mặt, nhìn sững vợ.

            “Thôi, được rồi, anh không dọn đi đâu cả. Anh cứ ở đây và ngày mai bắt đầu làm cho chúng tôi.” Dung vừa nói vừa cầm cánh tay Minh đẩy nhẹ lên phía thang gác. “Bây giờ anh lên ngủ tiếp đi.”

            Đinh nhìn vợ: “Em hôm nay sao vậy!?”
            “Hắn sửa được cái máy rung chân của em.”

            “Vì vậy mà hắn trở thành người tin được?”

            “Em không biết,” Dung trả lời, nét mặt thoáng chiều suy nghĩ. “Có thể là vậy. Thôi đi về anh, chúng ta đi về.”



            Suốt hai tuần lễ liền Minh sống bên cạnh gia đình Đinh và Dung như một cái bóng. Hắn câm như hến, trừ khi có ai hỏi hắn. Nhưng hắn sửa chữa và tu bổ tất cả máy móc dụng cụ trong tiệm. Hắn sửa cái máy nướng bánh mì, xem lại ống dẫn khí đốt của cái lò nướng, sửa cái máy rửa chén bát, cái điện thoại, cái bảng hiệu neon “Mở cửa, xin mời vào”, cái máy thái thịt nguội, cái máy pha cà phê, và cái hộc thu tiền mỗi lần mở ra mở vào kêu như bị đánh. Đinh thấy Minh thật có tài, tự hỏi nếu không có hắn làm sao cái tiệm của Đinh có thể hoạt động được. Nhưng sự trầm lặng của Minh làm Đinh lo lo. Hắn không bao giờ nói với Đinh về quá khứ của hắn, gia đình , bạn bè, cũng không khi nào đi ra ngoài, ít khi đứng lâu phía trước tiệm, chỉ ra lấy thức ăn rồi ra sau ăn. Đinh nghĩ không chừng hắn đang bị công an theo dõi!

            “Ừ nhĩ! Sao hắn không bao giờ rời khỏi tiệm” Dung nhận xét về Minh, giọng than phiền. Hôm đó hai vợ chồng đi xem phim. Đinh lái xe, Dung ngồi bên cạnh.

            “Tiệm là chỗ ở của hắn,” Đinh bênh vực. “Và đồ ăn thức uống cũng sẵn ở cửa tiệm. Anh chưa trả cho hắn một đồng xu nào.”

            “Anh đã cho hắn quá nhiều. Hắn không trả tiền thuê phòng, tiền ăn.”

            “Anh thấy có vấn đề gì đâu,” Đinh nói. “Ngoài ra hắn sửa máy rung chân cho em, máy uốn tóc, cái VCR, cái đồng hồ của em và cả đôi dày em bây giờ cũng hết kêu kót két rồi.”

            “Em biết, em biết.” Dung thở dài. “Nhưng cũng phải biết chút ít đời tư của hắn chứ.”

            “Hắn là người lương thiện. Hắn không bao giờ nhìn trộm ai, và anh ít thấy ai không màng tiền bạc như hắn.” Đinh ngừng nói bẻ tay lái vào đường Nguyễn Thiện Thuật.

            “Nếu là kẻ gian thì cũng phải làm bộ như vậy người ta mới tin.” Dung nhận xét.

            “Minh không phải kẻ gian. Anh đem tính mạng bảo đảm điều đó. Trong đời ít khi anh quả quyết như vậy đối với ai.”

            Dung mĩm cười hoài nghi. “Thôi anh, anh chỉ giỏi xúc động và cường điệu.”

            Đinh không thuyết phục được vợ. Sự nghi ngờ của Dung có lý. Minh hoàn toàn là một kẻ xa lạ, và Đinh biết mình bênh vực Minh một cách gượng gạo. Đinh tìm chỗ đậu xe và tắt máy.

            “Máy xe có gì khác nhĩ,” Dung nhận xét. Dung muốn nói cái máy xe mỗi lần tắt máy nó còn nổ bành bạch vài ba tiếng nữa mới chịu tắt hẳn.

            Đinh nhìn vợ

            “Minh hả.” Dung hỏi.

            Đinh gật đầu trả lời: “Ừ, sáng nay anh thấy hắn mở cốp xe, tháo chỗ này, vặn chỗ kia một lát rồi đóng cốp xe lại.”

            Câu chuyện hai vợ chồng Đinh về Minh kết thúc ở đó. Minh không ăn cắp cái gì của tiệm, cũng không tỏ vẽ đe dọa ai. Đinh tính thấy lợi rõ ràng. Không tốn tiền thợ điện, tiền thợ ống nước, tiền sửa chữa linh tinh. Ăn uống của Minh không đáng kể. Nhưng Đinh không dấu Minh mãi được, dù Đinh không nói với ai.



Câu chuyện bắt đầu khi Minh sửa giúp một đồ chơi vô tuyến viễn khiển của một thằng bé béo mập ở cạnh nhà tên là Rũng. Thằng Rũng và một thằng bạn cũng mập như nó nói cho mấy thằng bạn khác biết và bọn nhỏ mang đồ chơi đến nhờ Minh sửa. Bọn nhỏ nới với bố mẹ chúng về Minh và Đinh thấy tiệm mình trở nên đông người mang đủ thứ đến nhờ Minh sửa.

            “Thằng Rũng nói với tôi anh sửa đồ chơi vô tuyến viễn khiển của nó, vợ ông Đồng nói với tôi anh sửa cái radio của bà ta,” một người thợ sơn mặc y phục làm việc bước vào tiệm hỏi Minh, lúc đó hắn đang lau quầy hàng.

            “Có đúng vậy không?”

            Minh gật đầu.

            “Vậy nhìn đây. Anh có thấy vết cắt trên mặt tôi không?”

            Đứng trong bếp nhìn ra Đinh cũng thấy được vết cắt trên mặt người thợ sơn.  Minh cúi xuống nhìn vết cắt.

            “Sắp lành rồi.” Minh nói.

            “Chỉ vì cái máy cạo râu khốn nạn này,” Người thợ sơn vừa nói vừa lấy trong túi ra một cái máy nho nhỏ. “Mỗi lần dùng là nó cắt da mặt tôi.”

            “Anh muốn tôi sửa cái máy cạo râu của anh hay sao?”

            “Nếu anh sửa được. Nhưng tôi hiện không có tiền.”

            “Không sao.” Minh cầm cái máy cạo râu, tháo ra từng mảnh. Đinh lại gần quan sát như hắn vẫn thường làm. Đinh cười vô thưởng vô phạt với người thợ sơn. Hắn cười đáp lại. Vài người khác đứng quanh nhìn bàn tay Minh làm việc. Minh ráp máy lại đưa trả cho người thợ. Người thợ bật máy và cẩn thận đưa lên mặt.

            “Ô,” Hắn nói. “Thật tuyệt. Nó chạy êm và cạo ngon như khi mới mua. Cám ơn anh. Ngày mai tôi sẽ mang tiền công lại cho anh.”

            “Thôi khỏi.” Minh nói

            “Thật là tuyệt.”

            Mọi người trong tiệm trầm trồ tỏ vẻ ngạc nhiên.

            “Nhìn mặt tôi nè,” người thợ nói. “Không bị chảy máu nữa chứ.”



Minh ngồi im lặng nơi cửa tiệm và sửa bất cứ gì người ta mang đến nhờ hắn. Máy sấy tóc, máy tính, đồng hồ, điện thoại cầm tay, và cả bộ hòa khí của xe hơi nữa. Trong khi chờ sửa người ta ăn xăng uých. Đinh thấy có lợi, nhưng trong bụng cũng không thích vì Minh mất hết cả thì giờ.

            Một hôm có một chị phụ nữ đến tiệm gọi một xăng uých bánh mì trắng với thịt gà tây không quệt bơ. Chị vừa ăn vừa than phiền ông chồng ngoại tình. Minh ngồi nơi quầy tính tiền, nghe chị vừa ăn vừa nói. “ .... thật là khổ! Ông chồng tôi hay về trễ. Về thì miệng đầy hơi rượu, quần áo phảng phất nước hoa. Hỏi gì cũng không nói, than phiền nhức đầu.. Tôi không biết tôi có nên đi theo rình ông chồng tôi không, hay mỗi buổi sáng ghi số đồng hồ xe. Tôi phải làm gì bây giờ?”

            “Một hôm nào đó chị bảo ông chồng chị hôm nay phải nấu ăn, vì chị có việc đi vắng và đừng nói với ông ta chị đi đâu.” Minh bàn.

            Khách trong tiệm gật đầu tỏ ý theo dõi câu chuyện vì tò mò hơn là muốn bàn chuyện nhà của chị phụ nữ.

            “Nhưng tôi biết đi đâu?” Chị phụ nữ hỏi.

            “Chị đến thư viện, kiếm một cái gì đó mà đọc.” Minh nói.

            Đinh sán lại gần Minh sau khi chị phụ nữ về và hỏi, “Chú em thấy ý kiến của chú em giúp giải quyết được chuyện nhà chị ta sao?”

            Minh nhún vai không trả lời.

            Tuần sau chị phụ nữ trở lại, miệng cười toe toét nói.

            “Nhà tôi vui vẻ lại rồi, cám ơn ông Minh lắm”

            Khách hàng đấm thùm thụp vào lưng Minh tán thưởng.

            Thế là lúc này Minh ngoài việc sửa máy gọt bút chì, máy nghe nhịp tim đập, lò điện từ hấp nóng thức ăn, còn có nghề giải quyết chuyện gia đình và rắc rối về thuế má. Minh giúp người chủ tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi ở nhà đối diện khai thuế, thay vì phải trả 12,000 tiền thuế cho chính phủ bây giờ lấy về được 57 đồng.

            Một buổi tối Đinh và Minh ngồi nán lại trong tiệm uống cà phê. Đinh nhìn Minh, lắc đầu. “Cái cách anh chữa răng cho con của ông Vấn sáng nay thật lạ lùng.”

            “Dùng sức thôi.” Minh nói.

            Đinh uống hết miếng cà phê, đặt cốc lên quầy, hỏi:

            “Tôi biết tôi đã hỏi anh câu hỏi này rồi. Nhưng chúng ta quen nhau như vậy cũng đã lâu nên tôi hỏi anh lại. Anh học cái tài sửa chữa ở đâu vậy?”

            “Sửa chữa là một việc đơn giản. Chỉ cần biết nguyên tắc vận hành của chúng.”

            “Vậy thôi sao?”

            Minh gật đầu

            “Anh có thấy thích thú khi sửa chữa đồ vật không?”

            Minh nhìn Đinh như dò hỏi.

            “Tôi hỏi vì không khi nào tôi thấy anh cười.”

            “Vậy sao!” Minh nói, và nốc vội chút cà phê còn trong cốc.

            Ngày hôm sau Minh sửa một cái máy cưa điện, một máy điện toán cầm tay. Minh, vốn ít nói, càng trở nên ít nói hơn. Hắn chỉ biết nghe, gật đầu, và cắm cúi sửa bất cứ gì người ta mang tới. Tối hôm đó, vài phút trước khi đóng cửa tiệm, và sau khi Minh vừa giải thích xong cho một chị phụ nữ lưỡng tính thật ra chị ta là đàn ông hay đàn bà, thì hai người y tá mang một bệnh nhân nằm trên một cái băng ca tới.

            “Đây là vợ tôi,” người y tá trẻ hơn vừa mếu máo vừa nói. “Vợ tôi  bị xe tung và có lẽ đã chết trên đường đến bệnh viện.”

            Minh nhìn người phụ nữ, rồi kéo một phần chiếc chăn vãi đang phủ lên người chị.

            “Vợ tôi bị nội thương xuất huyết –-“

            Minh đưa tay ra hiệu cho người chồng đừng nói nữa. Anh ta kéo chiếc chăn phủ lên người anh và người phụ nữ. Đinh chạy lại đứng cạnh hai người y tá quan sát.

            Minh lục đục gì đó dưới chiếc chăn một hồi lâu, rồi tung chăn ra. Chị phụ nữ ngơ ngác nhìn mọi người chung quanh.

            “Trời ơi! vợ tôi sống lại rồi” Người chồng ôm vợ, đôi tay run rẫy.

            Người y tá kia bắt tay Minh kinh ngạc. Đinh nhìn Minh kinh ngạc không kém.

            “Cám ơn cứu tử của anh. Cám ơn anh.”Người chồng khóc vì sung sướng.

            Chị phụ nữ chưa hết ngơ ngác nhưng cũng lẩm nhẩm mấy lới cám ơn Minh. Minh gật đầu rồi lẳng lặng đi ra sau bếp.

            Hai người y tá và chị phụ nữ ra khỏi nhà. Đinh khóa cửa lại bước ra sau và thấy Minh đang ngồi bệt trên sàn nhà lưng tựa vào cái tủ lạnh.

            “Tôi không biết diễn tả thế nào đây,” Đinh nói, chiếc đầu nghiêng nghiêng phụ họa. “Chú em vừa làm cho chị phụ nữ sống lại.”

            Minh như người vô hồn, không còn chút sinh lực. Hắn ngẩng đầu nhìn Đinh, đôi mắt u ám.

            Làm cách gì chú em làm thế được, chú Minh? Đinh hỏi.

            Minh nhún vai.

            “Chú em vừa làm cho một người phụ nữ chết sống lại mà chú em trả lời tôi bằng một cái nhún vai sao?” Đinh nghe được sự sợ hãi trong giọng nói của mình. “Chú em là ai? Chú em là gì? Chú em là một sinh vật ngoại hành tinh sao?

            “Không,” Minh đáp

            “Vậy chú em là cái gì?”

            “Tôi là một người biết sửa chữa đồ vật.”

            “Nhưng đây không phải là một vật,” Đinh nói lớn. “Đây là một con người bằng xương bằng thịt.”

            “Vâng, Tôi biết.”

            Đinh đưa bàn tay gân guốc vuốt mặt, hạ đôi mắt nhìn Minh nói: “Tôi không biết Dung sẽ phản ứng thế nào đây.”

            “Xin anh đừng nói với ai chuyện này cả.”Minh nói.

            Đinh cố nén cười, gằn giọng. “Đừng nói với ai! Chú em tưởng tôi cần phải nói người ta mới biết sao? Lúc này cả thành phố đã biết rồi. Chú em tưởng tượng xem hai người y tá đang làm gì lúc này? Bọn hắn đang loan tin rằng nơi của tiệm xăng uých của ông Đinh ở góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản có một tên đồng bóng có phép thần thông làm người chết sống lại.

            Minh đưa hai tay che mặt, không trả lời.



Tin loan đi nhanh như chớp. Hôm sau xe truyền hình và một đoàn phóng viên chực sẵn trước cửa tiệm. Đinh phải khai là chủ nhà mới len vào mở cửa tiệm được.

“Vâng đây là cửa hàng của tôi, “ Đinh nói. “Không, tôi không biết chú ấy đã làm cách gì,” và nói tiếp. “Không, các anh chưa vào được.”

Minh đang ngồi đợi khuất trong văn phòng của Đinh, mặt dài thộn, mắt đỏ hoe như vừa khóc.

“Lại có chuyện rồi.” Đinh nói

Minh gật đầu.

“Nhà báo muốn phỏng vấn chú em.” Đinh cúi nhìn Minh giọng thông cảm. “Chú em cảm thấy thế nào?”

Minh không nhìn Đinh. Qua vai Đinh hắn nhìn qua cửa sổ, bên ngoài càng lúc càng đông người.

“Chú em định nói gì với báo chí không?” Đinh hỏi

Minh lắc đầu buồn bã. “Tôi phải trốn đi thôi,” Hắn nói. “Bây giờ mọi người đều biết tôi đang ở đâu.”

Thoáng nghe Đinh tưởng Minh nói đến hai tên du đảng đánh hắn một buỗi tối cách đây khá lâu, nhưng chợt hiểu ngay Minh muốn nói mọi người.

Minh đứng dậy, bước ra sau tiệm, mở chiếc cửa nhỏ thông ra ngõ  hẻm. Không biết nghĩ sao Đinh như cái máy tự động bước theo Minh. Từ ngõ hẻm này qua ngõ hẻm khác, cả hai ra đường cái và lang thang qua cầu Thị Nghè, Thủ Thiêm rồi trở về ngồi trên chiếc ghế đá trong sở thú. Trời đã về chiều. Đinh thú thật với Minh Đinh cảm thấy sợ.

“Anh không cần phải theo tôi nữa,” Minh nói. “Tôi chỉ cần không cho mọi người biết tôi ở đâu là yên thân.” Minh tiếp, như nói với chính mình, “Tôi biết chuyện này thế nào cũng tới.”

“Biết thế nào cũng tới sao chú em cứ sửa chữa linh tinh?”

“Vì tôi biết sửa. Và vì người ta nhờ tôi.”

Đinh liếc mắt nhìn quanh như sợ ai nghe. “Việc sửa chữa linh tinh này có liên hệ gì đến việc hai tên du đãng đánh chú em một đêm nào đó không?”

“Bọn đó là công an hay người đánh mướn của một công ti tư nhân nào đó tôi không chắc,” Minh nói. “Tụi nó nhờ tôi sửa một số dụng cụ nhưng tôi từ chối.”

Nhưng chú em vừa nói ai nhờ thì chú em làm mà?” Đinh thắc mắc.

“Cái đó còn tùy. Nếu anh làm kín một chiếc van bị hở của một chiếc xe, độ ép khí tăng, tốt, nhưng nếu trục giữ đòn quay quá chặt máy có thể cháy.” Đinh chẳng hiểu gì nhìn Minh như một đứa học trò dốt không theo kịp lời thầy giảng. “Nếu anh dẫn nước vào sa mạc, anh có thể làm cạn một khúc sông. Nghề sửa chữa trong nghĩa rộng là một nghề rất phức tạp.”

Đinh hỏi, “Thế anh làm gì bây giờ?”

Minh khóc, nước mắt chảy xuống má, vòng quanh chiếc cằm nhọn của Minh rồi nhỏ xuống chiếc cổ áo mầu xanh đã sờn của hắn. Đinh nhìn hắn khóc, không thể tin rằng con người yếu đuối đang ngồi trước mặt mình là người có khả năng sửa chữa bao nhiêu là thứ máy móc, giải quyết được bao nhiêu quan hệ tình cảm, bao nhiêu công việc phức tạp, bao nhiêu nỗi lo âu của người khác, kể cả cứu mạng một người phụ nữ.

Minh ngước đôi mắt đầy nước mắt nhìn Đinh. “Tôi là một khúc sông cạn.”

Đinh chợt thấy có bóng người cầm đèn bấm đi lại.

Cả hai vùng chạy. Đinh vừa chạy vừa đẩy Minh, hắn khóc sướt mướt không chạy nổi. Chạy đến giữa cầu Thị nghè ngoảnh nhìn lại hai đầu cầu đều có người, đèn bấm, đèn pha sáng choang.

Minh nhìn dòng nước chảy khá mạnh dưới chân cầu. Nhảy xuống là yên thân. Trời tối nước chảy xiết không ai cứu kịp lúc này. Minh nhìn Đinh.

Đinh bất động.

Từ hai đầu cầu số người xáp lại càng lúc càng gần.

Minh đặt chân trái lên lang cang cầu, rồi nhún chân phải lên. Minh ngồi hai chân trên lang cang cầu thân hơi ngả về phía trước, giữ thăng bằng bằng một bàn tay dựa hờ lên vai Đinh.

Bỗng tiếng kêu vang lên từ hai phía: “Đừng, đừng, hãy sống để chữa bệnh cho chúng tôi.”


Hết



Binhnam@aol.com

http://www.vnet.org/tbn

No comments: