Saturday, September 8, 2012

DƯ THỊ DIỄM BUỐN * ĐÊM BA MƯƠI

Có Đêm Nào Buồn
Bằng Đêm 30
________________________________________________________________________________________________  

Dư Thị Diễm Buồn

 
Trong căn nhà nhỏ ở ven bờ sông dài xa tít mù xa. Không biết con sông nầy bắt nguồn từ đâu mà nó dài ngút ngàn, và quanh năm nước ngọt, màu nước trong xanh như dòng nước Sông Cửu Long nơi quê nhà. Mười mấy năm rồi sống ở đây nhưng ba người họ không thấy trên sông có sóng to dù là gió lớn. Về mùa giông bão thì mặt nước sông chỉ chao động, sóng dập dồn để rồi sau cơn mưa gió thì mặt sông trở lại hiền lành bình bình, yên yên trơ gan cùng thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Ngoài xóm xa nhà họ ở, có chợ làng nằm trên mấy con đường cái (xa lộ) xuyên qua các tỉnh (tiểu bang). Xe cộ chạy qua lại không ngớt. Quanh nhà trồng nhiều loại hoa, như đỗ quyên, thươc dược, bông bụp, huỳnh cúc, vạn thọ… cùng các loại hồng màu sắc rực rỡ cao sa. Căn nhà nầy họ mua của một gia đình người bản xứ sống ở đây từ thiếu thời. Bây giờ già rồi không canh tác được nữa. Nên chủ nhà bán rẻ lại, vào sống trong chung cư của người già ngoài chơ quận. Nhà được xây trên vuông đất rộng chừng ba mẫu. Ở xứ nầy nhà dù thành phố hay thôn quê đều đầy đủ tiện nghi. Bên ngoài nhìn vào người ta cứ tưởng nhà họ là cái nông trại nhỏ, chớ không nghĩ đó là nhà ở bình thường.
Trong nhà có ba người lớn, hai nam, một nữ (nữ trẻ nhứt) Nhưng hai người đàn ông tuổi đời cũng gần “thất thập cổ lai hy” rồi. Cái tuổi mà ở xứ sở quê hương nghèo đói vì chiến tranh nối tiếp chiến tranh triền miên vì ngoại bang xâm lấn, vì cuộc nội chiến của hai miền Nam Cộng Hòa và miền Bắc là Cộng Sản thì tuổi của họ thuộc về thọ. Còn trên những xứ giàu tiền bạc, có thừa vật chất, tự do, tâm hồn thoải mái ung dung như ở Âu Mỹ thì tuổi của họ cũng chưa phải là già. Ba người lớn đó là ông Lê Thành Nhân, vợ ông là Bùi Hoàng Lan mà láng diềng gọi theo tên chồng là bà Nhân. Cùng người anh ruột của bà là ông Bùi Vĩnh Bảo.
Trên vuông đất, ngoài ngôi nhà lớn ở giữa. Phía sau hè còn có cái chuồng nuôi bốn con chó mực cao lớn, thuộc loại chó săn. Mặt mày chúng trông dữ dằn như sắp cắn xé đối phương trước mặt. Chúng đánh hơi lạ lanh lẹ, sủa dai, sủa giỏi chớ không bạ đâu cắn phá đó. Đất nhà rộng mênh mông, nên họ nuôi nhiều loại gia súc khác như: vịt, ngỗng, gà đi bộ (nuôi thả ăn lúa, bắp, côn trùng…) thường để lấy trứng, để ăn thịt chớ không có bán. Trong chuồng heo có mấy con heo háo ăn, ú-na ú-nần kêu la eng éc tối ngày khi chúng muốn ra hay đòi ăn.
Ba người họ siêng năng trồng thêm rau, cải, bầu, mướp. Ở miền Nam nước Mỹ, nên thời tiết dễ chịu không quá lạnh như vào mùa đông ở Chicago. Và cũng không nóng thái quá vào mùa hè ở vùng sa mạc Arizona. Họ còn trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, táo Mỹ (apple), xá lị, táo Tàu, hồng giòn, hồng mềm, ổi, mận… Gầy giống các loại gia súc hay rau cải bằng cách là họ mua, đổi chác hay dân bản xứ trong vùng gần nhà cho. Nói gần chớ thật ra lái xe cũng phải mười lăm, hai mươi phút mới tới.
Đến mùa cá lên, hai ông đi câu, đi bắt ở dọc theo sông sau nhà. Cá bắt được lớp ăn tươi, lớp phơi khô hoặc làm sạch sẽ giữ trong ngăn đá để dành. Cho nên quanh năm suốt tháng ít khi phải tốn nhiều tiền để mua cá, trứng, gà, vịt… ở các chợ ở tiệm như những gia đình khác.
Bà Lan thỉnh thoảng đi chợ Tàu, chợ Phi (trong vùng chưa có chợ Việt) mua gia dụng nấu ăn mà chợ Mỹ không có bán hoặc hiếm thấy bán. Bà mua đồ hàng nằm (những đồ giữ lâu ngày) như là nước mắm, tôm khô, bún, hủ tíu, mì, cải bắc thảo, tương, chao… Bà mua tôm đông lạnh từ vùng biển đem lên bán. Hoặc mua thịt ba chỉ để dành luộc làm gỏi cuốn, trộn gỏi khô cá sặc… Thịt đùi để kho với trứng, với cá. Giò heo để hầm măng, củ cải tươi, hoặc măng, cải phơi khô…
Sau bữa cơm chiều có canh măng hầm giò heo với củ cải trắng, cá rô phi chiên sốt chua ngọt với rau cần, hành lá và ngò. Thịt kho rệu trứng vịt và cá, ăn kèm với cải làm dưa. Gỏi trái su, dưa leo, củ cải đỏ, củ cải trắng xắt mỏng trộn tôm, thịt ba rọi. Ngoài ra còn có bánh tét, bánh ích bà Lan gói hồi sáng.
Gia đình có bữa ăn tươm tất, vì hôm nay là ngày cuối của năm, bà Lan nấu mâm cơm cúng rước ông bà chiều ngày ba mươi Tết về mừng năm mới. Hàng ngày họ ăn uống đạm bạc nấu các món cá, rau nhiều hơn thịt. Không phải không có tiền, tiếc tiền, hay hà tiện không dám ăn. Mà vì tuổi tác, cơ thể yếu dễ sanh bịnh.
Để giữ gìn sức khỏe nên họ luôn tránh những thức ăn có nhiều chất béo, ngọt quá, hoặc quá mặn. Họ còn mua máy đi (treadmill) trong nhà, để phòng khi thời tiết nóng, lạnh, gió, mưa không tiện đi bộ trên con đường cây cối rậm rạp, mùa hè mát rượi theo bờ sông sau nhà.
Bôn đào khỏi quê cha đất tổ đã mấy mươi năm rồi. Nhưng này Tết, ngày kỵ cơm cha mẹ bà Lan luôn nhớ và cúng bái như lúc chưa rời nước. Cái hương vị của chiều ba mươi Tết, cùng không khí đùm bọc thương yêu của vợ chồng, anh em chung sống lúc tuổi về già, khiến họ cảm thấy ấm cúng và càng thương yêu nhau hơn.
Ăn cơm chiều xong thì mặt trời đã lấp ló ở dãy đồi sau nhà. Ông Nhân chồng bà Lan lúi húi đốt lò sưởi rồi ngồi uống nước trà xem báo. Ông Bảo anh bà ngồi xem tin tức trong truyền hình. Bà Lan lục đục thu dọn, chùi rửa chén bát, nồi niêu.
Nơi bà đứng rửa chén kế bên khung cửa sổ lớn, nhìn thấy được con sông nước xanh xuôi chảy lửng lờ. In đáy nước những cụm mây vàng, trắng, tím, hường, lam… loang loáng trên sóng nước lã chã vỗ theo chiều gió vi vu, đưa âm thanh lào xào của cành lá cây hai bên bờ va chạm vào nhau. Ôi màu nắng chiều đẹp rực rỡ, thắp sáng cả vùng toàn cây liên kiều (forsythia, họ gọi là mai Mỹ) diễm lệ, đã nở hoa vàng ối cả một cánh rừng thưa, như huỳnh mai của quê hương xa lắc xa lơ của bà.
Cứ mỗi lần hoa liên kiều rộ nở thì bà Nhân biết sắp đến Tết Nguyên Đán rồi. Tuần trước đi chợ bà đã mua các loại bánh mứt, nhang hương trà quả để cúng ông bà trong ba ngày Tết. Bà Lan thở dài lẩm bẩm:
“Mới đó mà đã mấy mươi năm, kể từ khi vợ chồng trốn chạy bỏ xứ sở! Sau những năm tháng dài bương chải, gia đình chọn được cái nhà vừa ý, để sống hưu trí ở làng bé nhỏ êm đềm nầy. Thiệt cuộc đời như một truyện phim, một cuốn tiểu thuyết dầy. Có những sự việc mình những tưởng nó biến mất trong tâm hồn theo thời gian, theo năm tháng thăng trầm của dòng đời! Nhưng không, nó vẫn nằm yên trong ký ức, để rồi chiều nay, dòng hồi tưởng mãnh liệt cuồn cuộn sống lại trong lòng bà, như mới xảy ra mấy hôm trước đây thôi…”
 
Năm đó Bé Hoàng Lan khoảng bảy tuổi. Đêm ba mươi trời tối đen như nhuộm mực Tàu. Hoàng Lan ngon giấc ngủ nằm queo bên mẹ. Bỗng dưng bị những tiếng động mạnh làm cô giựt mình thức giấc. Nhưng nhà tối thui vì chiếc đèn ngủ máng trên cây cột sau cửa buồng tắt ngấm. Cô nghe tiếng sột soạt và nước từ từ chảy thấm ỉ ỉ, rồi từ tư ướt cả lưng cô. Cô định gọi mẹ, nhưng có bàn tay lạnh ngắt chụp vào miệng như ngầm bảo đừng lên tiếng!
Hoàng Lan được vợ chú Sáu làm vườn dắt đi tắm rửa thay áo quần sạch sẽ. Nhưng mình mẩy, ngón tay, ngón chân cô vẫn còn nhiều chỗ dính máu khô. Nhà hôm nay đông người hơn mọi ngày. Có những người Lan biết mặt và những người lạ khác. Lan vẫn nhớ, đó là ngày cuối cùng của năm, ngày 30 Tết, cũng là ngày cuối cùng cô được nhìn thấy mặt cha mẹ nằm trong cổ quan tài sơn đỏ. Và khi chiếc nắp đóng lại với hai hàng bạch lạp sáng lung linh. Cô dẫy dụa, khóc và thét gào khan cả cổ! Linh cảm cho biết từ đây cô không còn thấy cha mẹ nữa! Bởi những kẻ độc ác đêm qua đã giết chết cha mẹ cô rồi!
Kể từ đó, Hoàng Lan trở thành đứa bé mồ côi. Cô không có dòng họ nội và ngoại. Vì ba má cô là con một, mà ông bà hai bên đã qua đời từ lâu. Họ hàng thì cô không thấy tới lui hay nghe cha mẹ nhắc đến bao giờ.
Cô chỉ biết vợ chồng bác Lê Thành Tài ở Sài Gòn là anh em kết nghĩa với ba má cô. Hai bác là người thân duy nhứt mà năm nào vào ngày Tết hay ngày giỗ đều dắt con về thăm. Có khi họ ở lại chơi mười bửa, nửa tháng với gia đình cô. Khi đến thăm, hai bác luôn đem về sách báo, quà bánh, hàng vải cho mọi người trong gia đình. Khi ở đây, bác trai thì đi vườn, đi thăm ruộng với ba. Mẹ cô và bác gái thì quấn quit bên nhau nấu ăn, làm bánh như hai chi em ruột. Trên mâm cơm họ luôn kể lại, nhắc lại những chuyện ngày xưa ai nấy cười nói vui vẻ. Khi nhắc chuyện buồn mẹ và bác gái rướm nước mắt. Anh Lê Thành Nhân, con trai bác thì cùng với Lan đi bắt dế, bắt chim hay thả diều với lũ trẻ hàng xóm gần chùa Phật trong làng.
Ngày ba má Hoàng Lan qua đời! Chú Sáu làm vườn lật đật báo tin cho vợ chồng bác Tài hay. Họ bươn bả xuống lo chôn cất cha mẹ của Hoàng Lan trong lặng lẽ. Sau lễ tang cha mẹ, cô cũng rời xa nơi chôn nhau cắt rún về sống với gia đình Bác Tài.
Ông Tài làm thư ký bên Tòa Hành Chánh Gia Định. Bà Tài làm giáo viên dạy ở trường Tiểu học Phan Đình Phùng. Nhà họ ở đường Nguyễn Thiện Thuật, nên không xa sở làm của ông bà. Gia đình ông bà sống đời công chức yên phận. Bà Tài đức hạnh, mô phạm. Ông Tài hiền lành đạo đức, không so đo hoặc tranh giành. Nên gia đình ông có đời sống rất là an vui, và hạnh phúc. Vợ chồng ông chỉ có người con trai độc nhứt tên Lê Thành Nhân lớn hơn Hoàng Lan 6 tuổi. Nhà ít người, vợ chồng ông Tài không nhiều con cái, nên họ thương yêu Hoàng Lan như con ruột của mình.
Để tiện việc học hành, ông bà đã đứng ra làm thế vì khai sanh cho Hoàng Lan. Kể từ đó cô có cái tên mới là theo họ bác Tài là Lê Hoàng Lan Chi.
Lê Thành Nhân con trai của ông bà đang học lớp Đệ lục ở trường Trung học Trương Vĩnh Ký. Thì Lan Chi mới học lớp bốn trường của bà Tài đang dạy. Vì thế hàng ngày Lan Chi lẻo đẻo bên mẹ (bác Tài gái) hai buổi đến trường.
Dù Lan Chi sống đầy đủ về vật chất và tình thương bên cha mẹ nuôi. Nhưng những đêm trở giấc, cô không làm sao khỏi thầm rơi lệ nhớ lại những ngày tháng bên cha mẹ ruột sống an bình ở làng quê. Cô nhớ mẹ mình có mái tóc đen, thật dài gần chấm đất. Bà thường gội đầu bằng lá liễu nấu với tro bếp lóng lấy nước trong để nguội. Mỗi lần gội đầu cho mẹ, thì mẹ gội đầu cho con. Mẹ cô thường nói chải đầu khi tóc còn ướt thì dễ và ít bị đứt, bị rụng. Khi ngồi chải tóc cho con, mẹ thường thỏ thẻ bảo rằng:
-  Bé Lan của mẹ da trắng mịn như lụa tơ tầm. Mặt mày sáng sủa thanh tú giống bà nội. Bởi con giống ba, mà ba con thì giống bà nội. Tóc con giống mẹ đen và nhiều. Bé Lan của mẹ sau nầy trổ mã sẽ là một cô gái xinh đẹp.
Rồi mẹ trìu mến hôn lên tóc Lan. Ba cô luôn bận rộn coi sóc và làm với thợ thầy nhứt là đến mùa lúa, mùa trái cây, mùa khoai, mùa đậu, mùa cà… Quanh năm suốt tháng ông ít khi rãnh tay. Ông siêng năng cần mẫn lo vườn ruộng mấy đời ông cha đã để lại. Dù ông sinh ra và lớn trong gia đình khá giả, có ăn học và sống ở thị thành. Vợ chồng ông thích nếp sống bình dị ở thôn quê. Ông bà luôn đối xử tốt với kẻ ăn người ở làm việc cho mình.
Hoàng Lan là đứa con gái độc nhứt của vợ chồng họ. Dĩ nhiên là cô luôn được cha mẹ cưng chiều. Và ông cũng luôn nhắc nhở vợ để ý, dạy dỗ con trong việc học hành:
-  Má nó thấy con Hoàng Lan tháng nầy học hành có khá không? Tuần rồi gặp cô giáo của con, anh có hỏi thăm thì cô bảo con mình yếu toán. Ngày xưa khi còn đi học, anh nhớ em là con gái mà giỏi toán nhứt lớp. Vậy em hãy dạy kềm toán cho con đi.
Bà Đạm mỉm cười nhìn chồng để lộ chiếc răng khểnh thật có duyên. Rồi xoay qua nói với con gái mình, nhưng cố tình để chọc ghẹo chồng:
-  Bé Lan có biết không? Ba con ngày xưa đi học mà làm biếng không chịu nổi. Ổng chỉ vào lớp mới học bài, mới làm bài. Nên dù thông minh, nhưng vì gấp rút thì dễ làm sai. Cho nên ba con luôn bị hai cái hột vịt, và cuối tháng nào cũng đội sổ bìa đen (hạng chót).
Nói đến đây, mẹ liếc ba rồi cười chúm chím tiếp:
-  Ba con chỉ giỏi có làm luận văn và viết thư thôi.
Ông Đạm cười hề hề:
-  Nhờ thế mà ba mới cưới được má con.
Thật sự lúc ấy Hoàng Lan khờ ịt với chuyện kể của hai người!
Nay nhớ lại, ngày đó đã qua quá lâu rồi! Mọi sự việc đã đổi thay, giờ đây cô thân, cúc côi sống với dưỡng phụ và dưỡng mẫu. Nhưng Hoàng Lan có cảm tưởng như lúc nào cha mẹ đang lẩn quẩn đâu đây, rất gần, khiến cô không sao quên có lần đi học về gặp cơn mưa lớn, nước sông dâng lên ngập đường ngập sá. Cô theo chúng bạn lượm xoài ở vườn ông Cả Tám. Ôi xoài non, xoài cứng bao rụng đầy đất, dưới mương nước cạn. Từng chùm trái còn nguyên, có trái bị bể tung nằm trên bờ phơi ruột trắng. Trời gầm gừ, giông gió thổi mạnh, làm cây cối quằn quại ngã nghiêng. Những tia chớp sáng chóa mắt, rồi những tiếng sét nổ như long trời lở đất.
Tan trường đã lâu, trời bị mây đen che phủ tối mờ mịt. Ông bà Đàm sốt ruột mong ngóng, nhưng vẫn không thấy con gái đì học về. Sợ con té sông, té rạch nên ông cùng người ăn kẻ ở trong nhà xách nón, mang áo mưa, đốt đuốc đỏ trời chạy bổ đi tìm khắp nơi. Sau khi tìm được con, cha cô nổi giận lôi đình, đánh cho cô một trận đòn nên thân:
-  Ở nhà trái cây tươi ngon thiếu gì không ăn, tan trường con không về nhà, mà chạy theo lũ bạn đi lượm xoài đầy cặp, đầy túi áo?
Bị cha đánh đau quá! Hoàng Lan thiệt giận và ghét cha mình lắm. Định bụng là từ nay không thèm ngó mặt ông nữa. Nhưng sáng hôm sau, trời còn mờ mờ. Cô đang nằm trong mùng nghe tiếng cha thì thầm với mẹ. Bởi mọi khi sáng sớm cha cô đã đi ruộng chiều tối mới về đến nhà. Không biết tại sao hôm nay ông đi ruộng lại trở về nhà sớm như vậy? Bỗng nghe cha cô bảo với mẹ:
-  Hoàng Lan chưa thức hả? Mùa nước năm nay lớn quá! Nước tràn ào ào qua bờ mẫu, anh bắt được mớ cá nhảy ngược và mấy con cua kình càng (loại cua đồng có hai càng lớn, màu tím sậm) còn sống vội đem về đây, Hoàng Lan ưa cua nầy lắm. Chút nữa con thức dậy, em nướng cho con. Tội nghiệp, hôm qua nóng nẩy anh đã đánh con nhiều chắc là đau lắm! Anh thiệt hối hận, em nhớ pha nước muối xức mấy vết roi cho con nghen. Thôi anh trở ra ruộng đây.
Cơn hờn giận cha tan biến. Lan nhảy xuống giường, phóng đến ôm chầm lấy cha khóc nức nở!
Ngày đó cách nay đã 20 năm rồi! Giờ đây Lan đã thành thiếu nữ duyên dáng dễ nhìn. Bề ngoài cô mềm mại yểu điệu như liễu, như mai, nhưng tâm hồn cuồn cuộn nhiệt tình, mạnh dạn như cây tùng, cây bá. Cô còn có tánh nhẫn nại, cương quyết và chắc tâm chẳng kém nam giới.
Ông bà Tài đã ở lứa tuổi ngoài năm mươi. Họ có cuộc sống an vui đề huề. Trước đó, Lan Chi nghĩ rằng, đậu phần hai anh Nhân chắc sẽ theo học về Hành chánh, hoặc Sư phạm để nối nghiệp cha mẹ mới đúng hơn. Nhưng khi xong Tú tài 2 thì Lê Thành Nhân tình nguyện vào trường Võ bị Đà Lạt. Sau những năm tháng thụ huấn quân sự, huấn luyện ngành chuyên môn ở trong nước, anh còn ra tu nghiệp ở xứ người. Khi trở về nước, Lê Thành Nhân như con đại bàng có đôi cánh sắt, bay lượn trên bầu cao rộng muôn hồng ngàn tía của quê Nam tươi đẹp gấm vóc. Anh như cá gặp nước như rồng gặp mây, xông xáo bôn ba trên Bốn Vùng Chiến Thuật. Trong các vùng giới tuyến, khắp các ải địa đầu từ Nam ra tận miền Bắc! Toán quân anh đã âm thầm thao túng trong lòng đất địch như chỗ không người, như vùng trời tự do quen thuộc của miền Nam.
Riêng Lan Chi, cái chết tức tưởi không lý do minh bạch của cha mẹ luôn nằm trong tâm tưởng, và nung đúc đốt cháy tâm hồn từ thơ dại của cô cho đến trường thành, nên cô đã âm thầm chọn cho mình con đường để đi!
 
Yến Tử (bí danh của Lan Chi) đang ngồi hỏi cung kẻ địch vừa đầu thú. Cô đã được thượng cấp giao phó cho công tác nầy:
-  Anh tên là gì? Bao nhiêu tuổi? Cha mẹ, quê quán ở đâu và có bao nhiêu anh chị em? Anh nên khai thật, và khai rõ. Để chúng tôi có thể giúp anh một cách hữu hiệu hơn!
Người đàn ông ăn mặc xốc xếch, làn da trắng xanh, cánh tay bị thương còn treo trên chiếc khăn xếp xéo lem luốc máng trên cổ. Thân hình gầy gò tiều tụy, nhưng nét mặt ông ta trầm tỉnh cương quyết, cao ngạo, giọng nói cứng chắc. Mẳt là cửa sổ của linh hồn, nên ông không sau giấu được nỗi u hoài ẩn hiện trong đôi mắt đó.
Kinh nghiệm và trực giác cũng cho cô biết rằng. Hắn ta không phải là một người bình thường, một tên để sai vặt, để liên lạc hoặc làm những việc lặc vặc khác! Tướng mạo đó, ánh mắt đó ngầm cho cô biết hắn ta phải là người có học, là một cán bộ đã đạt được nhiều thành quả, hoặc là cấp chỉ huy…
Ông ta đang ngồi đối diện với Yến Tử trong căn phòng nhỏ đơn sơ. Nhưng trang bị những chiếc máy tinh vi thu hình, thu tiếng nói… Sẽ chiếu ra, phát ra và truyền đi tất cả những hành động và lời đối đáp của cả hai người. Cô nghĩ, hắn ta là người từng trải nên cũng đã thừa biết việc nầy.
Đối diện với một phụ nữ trẻ tuổi có đôi mắt trong sáng, lanh lợi, cái miệng nhỏ rất duyên dáng ở nụ cười. Ông ta không nói gì, nhưng cũng thầm đoán được ít nhiều về  ngườI đói diện. Nhìn sâu vào mắt cô, ông trầm tỉnh, mím môi trả lời:
-  Thưa cô, tôi ra đầu thú thì không còn có lý do gì phải giấu giếm nữa mà không khai thật. Tôi đã khai tất cả theo mọi câu hỏi trong giấy tờ hôm qua rồi.
-  Tôi biết! Nhưng tôi muốn chính miệng ông nói ra trước mặt tôi.
Ông ta hơi khựng! Bởi người phụ nữ có vẻ yếu đuối nhưng giọng nói và đôi mắt hết sức sắc bén! Ông ôn tồn bảo:
-  Cô muốn biết phần nào trước thì xin hỏi. Tôi sẽ trả lời tất cả những gì tôi biết.
Yến Tử vờ như sửa lại cổ áo, nhưng thật ra cô đã nhanh tay bấm mở chiếc nút của máy thu âm và thu hình nhỏ đã gắn trên đó:
-  Được, Sáu Trường Sơn là bí danh của ông phải không? Ông tên thật là gì, quê quán ở đâu…
Mặt Yến Tử đang hỏi cung nhưng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ khi nghe tên đảng viên Việt Cộng ra chiêu hồi, mà thượng cấp vừa gởi đến để cô lấy khẩu cung. Người nầy từ miền Bắc về. Ông ta ngồi trước mặt cô khai thật về thân thế của mình. Cô mấy lần như dợm hỏi? Nhưng lại thôi, cô nghĩ để sau nầy tìm hiểu rõ hơn hẳn hay, không gấp gáp gì!
Nhân viên ngồi làm việc bên trong đang theo dõi hết sức lấy làm lạ, nhứt là xếp của cô? Ông nghĩ, đây đâu phải lần đầu tiên cô tiếp xúc với những tên cán bộ Việt Cộng chiêu hồi có tầm vóc như hắn? Cô là nhân viên của Cục Tình báo giỏi nhất, đã mấy năm kinh nghiệm và đang giữ trọng trách trong công việc nầy. Cô là người luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình ngoài dự tính của thượng cấp. Cả trong những lần địch cài người phản gián cũng không thoát được cô…
Tên Trường Sơn nầy bị toán Thám kích của A3 bắn gãy tay từ giữa tháng rồi. Hắn ta ra chiêu hồi, đang sống trong biệt khu được bảo vệ an toàn và bảo mật. Trung tâm đều biết, trong lúc A3 cùng đồng đội theo dõi địch quân trên đường từ Bù Đớp di chuyển về miền Thủ Thừa mà cả tháng nay họ bám sát để bắt sống. Và họ cố tình chừa một kẻ hở cho kẻ địch ra đầu thú. Hai bên trải qua trận ác chiến dữ dội một mất một còn. Những tay mơ nằm vùng đã bị hốt trọn ổ cùng với 2 tên khác (từ miền Bắc vào) 3 tên bị bắn chết. Còn tên cáo già nầy có lẽ cùng đường đưa tay xin ra chiêu hồi thì bị đàn em của A3 bắn gãy tay.
Kẻ bắn tên Sáu Trường Sơn nghiêm chỉnh, báo cáo trước mặt thượng cấp:
-  Thưa A3, những con cá mạnh câu bắt được phải chặt kỳ, chặt vi hoặc đập đầu. Để chúng nguyên vẹn lành lặn, nếu lỡ tay sẽ xẩy mất! Em chưa thịt nó trả thù cho đồng đội là may mắn nó lắm rồi. Thưa thượng cấp, em xin chịu xử phạt theo quân kỷ.
Mặt A3 lạnh lùng lầm lì nhìn đàn em, rồi lùng bùng trong cổ họng: “Không thi hành đúng chỉ thị của thượng cấp mà anh còn ngụy biện? Anh hãy xuống làm việc với ban hai đi (ban an ninh)…”
 
Cuộc chiến quốc Cộng mỗi ngày càng sôi động gay go. Thanh niên tình nguyện tòng quân diệt giặc. Quân nhân trừ bị ở các ngành nghề, về hành chánh cũng được gọi tái ngũ. Trong thời chiến chinh, sinh mạng của quân nhân thật mong manh! Nhưng người người vẫn tiếp nối đi làm phận sự và nghĩa vụ của mình. “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” Họ có nại hà chi những trận đánh lẻ tẻ, hay trận đánh lớn. Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh vì bảo vệ gia đình và lãnh thổ! Còn giặc thì bất chấp mọi thủ đoạn, pháo kích vào thành phố, trường học, đặt mìn giật sập cầu, đường sá… Gây tóc tang thương vong không biết bao nhiêu người dân vô tội.
Đúng là chiều ngày ba mươi, Yến Tử ngồi đó, bực tức thở dài! Bởi việc khai thác lấy khẩu cung tên cán bộ Việt Cộng Sáu Trường Sơn chưa xong, thì nay cô lại được lệnh điều đi làm công việc khác!
Công tác của cô lần nầy là giúp cho chiến hữu A3 (bí danh thượng cấp của cô) đang bị thương nặng. Mà cô có nhiệm vụ phải lo và giữ an ninh cho A3. Cô bực bội, tức tối tự hỏi: “Tại sao cấp trên cắt đặt cho cô làm một chuyện không phải là chuyên nghiệp của mình? Trong quá trình công tác cấp trên giao cho, lúc nào cô cũng thi hành suôn sẻ, chưa vấp phải điều gì sai trái hay tắc trách! Cô cũng đâu phải là bác sĩ, không phải là y tá, không phải là trợ tá, thì cô biết gì để săn sóc một thương binh mà giao cho cô nhiệm vụ vô duyên nầy?”
Cô lật đật đi tìm xếp để hỏi cho rõ nguyên nhân. Nhưng đến nơi thì thư ký bảo là thượng cấp đã đi công tác! Yến Tử hết sức bực mình, lòng buồn bã trở lại phòng làm việc. Bởi dù muốn dù không, cô cũng phải thu xếp mọi giấy tờ cần thiết để bàn giao cho người mới!
Bàn giao xong mọi việc, Yến Tử uể oải ra về! Cô lầm bầm “Mai đây mình sẽ đi nuôi ông thần thừ A3 trời đánh nào đây?” Cô không thèm thắc mắc hỏi thăm kẻ đó là ai, có mặt tròn mặt méo ra sao? Nhưng dù có hỏi cũng không ai biết. Và dù có biết họ cũng không nói với cô. Đã mấy năm rồi, từ ngày làm việc tình báo cô chỉ nhận việc qua giấy tờ, hoặc lời truyền đạt qua một người khác rồi thi hành! Trong lòng cô đang ấm ức và không phục, vì sự bất ngờ thay đổi việc làm chưa xong nầy. Cô thở dài thườn thượt, nhưng đành chịu thôi. Chỉ còn có nước là thi hành lệnh trên chớ biết làm sao bây giờ!
Đã mấy năm lăn lộn trong nghề, có khi Yến Tử công tác ở những nơi phồn hoa đô hội, khi thì trà trộn trong đám dân bụi đời, khi theo đám ăn chơi như phòng trà, vũ trường, khi ở các quán rượu (bar) của Mỹ & Việt, khi theo toán quân lên vùng cao nguyên, khi làm thường dân bán buôn trong vùng quê xa làng, xa chợ... Nguy hiểm và gian nan bao phủ trùng trùng. Nhưng cô không lùi bước hay đắn đo. Đó là con đường cô đã chọn cho chính mình, cô không chút do dự hay ngại ngùng, cứ hướng về phía trước mà thi hành, mà tiến...
Quê Nam nơi nào cũng cây xanh lá thắm, hiền hòa êm đềm tươi đẹp. Cận vùng Đồng Tháp Mười cô đã đi qua bao nhiêu ruộng lúa chín sai hột, oằn bông, vàng cả cánh đồng bao la bát ngát không thấy đâu là bờ mẫu, đâu là ranh. Đồng Tháp thưa thớt dân cư, nhưng nhiều ruộng nương, kinh rạch, ao, đìa… Nguồn tôm cá thủy sản trời cho không làm sao hết được. Dùng chén cũng có thể vớt được những con cá sặc bướm hám ăn lúc ngồi rửa chén ở cầu ao.
Yến Tử sống ở thành thị, nơi miền quê chôn nhau cắt rún đầy ấp ngọt ngào tuổi thơ bên cha mẹ đã nhạt nhòa trong trí nhớ. Nhưng cô luôn thầm mơ ngày nào quê hương tàn bóng giặc. Cô sẽ trở về sống đời còn lại bên miếng vườn nhỏ của ông cha để lại cho cháu con, và cô sẽ gần gủi bên mồ mả mẹ cha. Trong tâm tưởng cô khắc ghi sâu đậm hình dáng mẹ cha. Đôi lúc cô nghĩ rằng tròn đời kiếp nầy chắc mình sẽ không thương yêu ai ngoài hai đấng sanh thành, cùng cha mẹ, anh nuôi.
Nghĩ vẩn nghĩ vơ, khi ra khỏi nhiệm sở thì phố xá đã lên đèn. Sài Gòn bao giờ cũng ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Vầng trăng lưỡi liềm nằm vắt vẻo trên nền trời tối đen, lấm tấm chi chít những giề sao. Nhưng trăng sao đó không thể nào làm mờ nhạt ánh đèn điện của Sài Thành hoa lệ.
Cô thong thả đi bên lề đường gần khu chợ Bến Thành, ngang công viên Quách Thị Trang. Chung quanh cô, những hàng quán buôn bán sầm uất quanh năm, từ sáng đến giờ giới nghiêm. Bên trên những cửa tiệm nầy là những căn lầu, cao bốn, năm tầng, được ngăn chia làm nhiều phòng cho Mỹ mướn. Đây là một trong những khu về đêm nhiều màu sắc nhứt của Hòn Ngọc Viễn Đông.
Nhìn các hàng quán bán thức ăn hai bên đường, phải bình thường thì cô ghé qua ăn xong rồi về tắm rửa leo lên giường tìm giấc ngủ bình yên, trong những khi không muốn ăn cơm nhà. Nhưng hôm nay gặp bực bội đã no rồi, còn ăn gì được nữa mà ăn! Yến Tử nhớ đến ba má ở nhà, nên cô ghé hàng bán chè, bánh quen thuộc thường mua. Ông bà không sanh ra cô, nhưng đã nuôi nấng hoạn dưỡng và thương yêu cô như cha mẹ ruột của mình hơn 20 năm rồi. Cô mua mỗi thứ 2, 3 phần, nào là chè khoai môn chan nước cốt dừa, bánh da lợn, bánh khoai mì nướng, mấy củ khoai nấu, chuối chiên… Để khi buồn miệng ông bà có mà ăn liền.
Nghe tiếng chuông, nhìn ra cửa thấy con về đến, bà Tài vui vẻ bước ra đon đả hỏi:
-  Sao hôm nay con về sớm vậy? Chắc chưa ăn gì phải không, con hãy vào ăn cơm luôn đi, mẹ đã nấu xong rồi.
Lan Chi bước vào cửa, vui vẻ:
-  Thưa ba con về rồi.
Ông Tài ở nhà sau đi lên thấy con:
-  Mấy thuở con về đúng giờ cơm. Mẹ nó lấy chén đũa cho con ăn luôn.
Ông chợt nhẹ giọng:
-  Từ ngày anh em bây ra trường đi làm đến nay. Gia đình 4 người mình chưa bao giờ được ngồi chung ăn cơm chiều như thuở các con còn đi học. Cái thằng Nhân cả tháng rồi ba cũng không thấy mặt mũi nó? Đi công tác ở đâu mà lâu quá vậy? Ờ, bà à con có nói với bà là đi đâu và chừng nào về không?
Bà Tài vừa bới cơm vào chén, vừa nhìn chồng cười :
-  Thằng con đi công tác đây đâu phải lần đầu mà ông lo? Nó là con trai mà lo chi?
-  Con trai hay con gái gì cũng vậy. Cha mẹ lo cho con là bổn phận là thiên chức mà. Tui cũng biết nam nhi chí tại bốn  phương.
Bỗng ông dừng lại, nhìn bà rồi bảo:
-  Mà nầy, con đã lớn rồi bà có nhắm chỗ nào để cưới vợ cho nó chưa? Con gái bà giáo Hào trông cũng xinh lắm. Hay con gái út của anh chị Tư Trung? Con nhỏ vừa xong Cán sự điều dưỡng, đang làm ở bệnh viện Hồng Bàng ngoài Chợ Lớn đó… Con cái lớn phải dựng vợ gả chồng chớ, để nó long bong hoài không tốt đâu đó.
Bà Tài cười tươi, nhưng cũng nói :
-  Bộ tui không sốt ruột sao? Tui thật sự muốn cưới vợ cho nó lắm. Nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện vợ con thì nó lắc đầu quầy quậy như đỉa gặp vôi. Thiệt là bực mình hết sức! Lần nầy nó về, nhứt định tôi bắt nó phải lấy vợ mới được.
Rồi bà mỉm cười, nhìn qua Lan Chi :
-  Còn con gái của mẹ, chừng nào mới chịu lấy chồng đây? Con đã hăm mấy tuổi rồi nghen. Phải tính chuyện hôn nhơn đi con. Lúc chưa có công ăn việc làm thì anh em bây nói chưa có sự nghiệp. Nay đã có công ăn việc làm vững chắc rồi, thì phải nghĩ đến chuyện chồng con đi chớ, kẻo trễ thì lỡ thời đó con.
            Lòng thương yêu lo lắng của cha mẹ làm Lan Chi cảm động, nhưng cô bảo:
- Phải có người chịu thương con mới được chớ ba mẹ. Nhưng thật lòng con chưa nghĩ hay có ý muốn lập gia đình. Sống với ba mẹ như vậy là hạnh phúc nhứt đời rồi, còn có gia đình riêng chi cho thêm mệt!
Ông Tài đưa chén cho vợ bới thêm cơm, cười nói:
-  Ba mẹ thèm ẵm cháu lắm, hai anh em bây cũng đã lớn. Thằng Nhân Tết nầy cũng ngoài 33 chớ còn nhỏ nhích gì nữa. Con cũng đã đến tuổi lập gia đình rồi. Nếu không thích mai mối, vậy thì có quen với ai con cứ nói, để ba má tìm hiểu gia đình người ta mà gả con.
Lan Chi nhỏ nhẹ, bẽn lẽn cúi mặt:
-  Cảm ơn ba mẹ. Con hứa nếu quen với ai sẽ báo cho ba mẹ biết.
Ăn cơm xong, Lan Chi phụ mẹ rửa chén bát rồi đi tắm. Dòng nước trong mát từ chiếc đuốt chảy ra, làm cô cảm thấy dễ chịu vô cùng. Cộng vào lòng thương yêu sự lo lắng chân tình của ông bà Tài đã khiến cho cô không còn khó chịu khi nghĩ đến sáng ngày mai phải đi săn sóc một kẻ “Trời đánh thánh đâm” nào đó bị thương! Nghĩ đến đây cô bật cười thành tiếng thỏa thích hả hê cho lời rủa xả chí lý của mình! 
Thường ngày đi làm việc Lan Chi mặc quần tây cho gọn và dễ dàng đi đứng. Hôm nay đi  nuôi người bịnh nằm môt chỗ? Cô chưa biết mặt, biết tên, và cũng không biết họ già trẻ bé lớn, nặng nhẹ ra sao? Còn mẹ cô thì ngạc nhiên vì lâu quá không thấy con gái mặc áo dài. Nên khi thấy cô diện chiếc áo dài màu hồng phấn, quần sa-teng trắng, giầy và xách tay trắng. Tóc đen mượt mà xõa trên vai, dài gần chiếc eo thon nên trong cô duyên dáng thướt tha quá. Bà đi sau con tỏ ý hài lòng tủm tỉm cười chớ không nói gì, khi trong lòng bà rộn niềm vui. Bà thầm nghĩ là con gái mình bỗng dưng thay đổi cách ăn mặc, chắc con nhỏ đã có người yêu?
Lan Chi đến trình giấy tờ cá nhân và giấy giới thiệu của cấp trên cho ban an ninh. Xong mọi thứ thì nhân viên trực cho biết A3 vừa xong ca mổ cắt bỏ chân trái từ ống quyển trở xuống. Bịnh nhân còn nằm trong phòng mổ để theo dõi. Phải chờ mấy giờ sau mới chuyển đến phòng hồi sức.
Cô thở dài, nghe nao lòng khi nghĩ rằng anh ta chắc bị thương nặng lắm! Nhưng cô không nghĩ ngợi nhiều nữa, chỉ còn có nước ngồi đây chờ đợi thôi.
 
Lan Chi định thần, cảm thấy mình mẫy toát mồ hôi lạnh khi nhìn rõ bịnh nhân cô phải chăm sóc và giữ an ninh! Trời ơi, nếu cô không biết anh ta, thì khi đến đây cô thấy người nằm mê, chỉ còn hơi thở thoi thóp đó là A3. Là bí danh của anh chớ ngoài ra không biết gì nữa hết! Vì bí mật của nghề nghiệp bắt buộc như thế! Không ai biết ai, có khi ngồi gần bên nhau, làm việc với nhau hằng mấy năm trời nhưng sự bảo mật, họ không bao giờ biết người đó là có bí danh đó, có công tác đó…
Tâm hồn Yến Tử bấn loạn! Hai tay cô đeo cứng thành giường bịnh, cho khỏi ngã quỵ! Đã hơn ba năm! Phải, từ ngày về nhận việc, anh là thượng cấp của cô mà cô không hề hay biết gì hết! Cô cảm thấy tâm tư xác xao, mỏi mệt, và cơ thể rã rời! Còn A3 nằm bất động, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh như xác chết. Trên người anh chằng chịt nào ống dẫn nước tiểu, ống vô nước biến, vô máu… làm cô lo sợ muốn ngất xỉu.
Lan Chi giựt mình kéo nhẹ tay áo để xem đồng hồ. Cô biết mình đã dựa đầu vào thành giường thiếp đi hơn ba mươi phút. Dù bước chân chim của y tá lanh lẹ, lăng xăng nhe nhàng nhưng cũng làm cô tỉnh dậy. Bỗng bịnh nhân chớp đôi mi mắt mấp mái, lờ đờ, vô hồn. Lan Chi nắm chặt tay và kề miệng mình sát bên tai anh, khẽ hỏi:
-  Anh đã tỉnh rồi! Anh đã tỉnh rồi phải không? Em là Lan Chi đây… Lan Chi đây, anh có nghe em nói không?
Anh ta không trả lời, mắt chậm chạp khép lại trong bóng đèn ngủ trên tường mờ ảo tỏa ra. Cô hoảng sợ bấm chuông… y tá và bác sĩ chạy tới. Họ xem xét, chẩn mạch… Anh thì thào trả lời bác sĩ, nhưng rất khó nghe và nhắm mắt lại.
Bác sĩ quay sang cô, bảo:
-  Xin cô đừng lo. Ông ấy đang còn say thuốc, dần dần khỏe lại và sẽ bình phục. Ổng đã mất hết một chân, cô có biết không? Xin lỗi, chúng tôi đã hết sức cố gắng để giữ lại. Nhưng xương giập nát nhiều đoạn nên không giữ được… Chờ vết thương lành hẳn, chúng tôi sẽ gởi qua trung tâm chỉnh hình làm chân giả cho ông. Nếu có thể, xin cô nói với người nhà ổng hãy chuẩn bị tâm lý. Bây giờ ổng ngủ rồi, nếu cần gì cô cứ bấm chuông gọi. Xin chào cô… 
            Lan Chi ngồi xuống cạnh giường. Mắt anh nhắm nghiền lại, hai dòng lệ mỏng chảy dài trên gò má xanh xao tái nhợt. Không biết an ủi anh thế nào? Cô nắm chặt bàn tay anh như ngầm nói rằng: “Anh hãy cố gắng lên, rồi đâu cũng sẽ vào đó! Em cũng buồn và đau xót như em mất đi một phần thân thể của chính mình. Nhưng sự mất mát nầy xứng đáng lắm anh ơi…”. Dòng lệ nóng chảy dài xuống má cô.
Lan Chi vẫn nhớ, từ khi được bác Tài nhận về làm con nuôi. Tính đến nay đã hai mươi năm rồi. Thành Nhân và Lan Chi sống chung dưới một mái nhà hạnh phúc có cha mẹ lo lường thương yêu chiều chuộng. Mặc dù họ không cùng cha mẹ sanh ra nhưng cả hai thương nhau như anh em. Khi cô còn nhỏ, lúc mới đến chưa quen đường thuộc lối. Mẹ bận việc, anh thường đưa rước cô khi đến trường, lúc tan học. Có bánh trái anh em chia cho nhau. Anh dẫn đi chơi, dỗ dành khi cô buồn. Giải đáp chỉ dẫn cho cô những bài toán khó, những bài luận, những câu hỏi gút mắc. Anh luôn xem cô như là em gái ruột của mình.
Khi cả hai anh em khôn lớn. Việc làm của Thành Nhân cả mẹ và cha đều không rõ ràng cho lắm. Họ cứ tưởng anh ra trường quân sự, rồi được chuyển qua làm việc về hành chánh ở Bộ thôi. Đến khi con gái Lan Chi đậu xong phần hai. Trong gia đình từ anh cho đến cha mẹ đều gợi ý và khuyến kích cô học ngành Sư Phạm, hoặc ngành Y. Họ nghĩ rằng đó là 2 cái nghề thích hợp cho nữ giới. Lan Chi chỉ vâng dạ cho qua để cha mẹ và anh được vui lòng. Chớ cái chết thê thảm của đấng sanh thành đã khắc ghi trong tâm trí người con gái nầy, khi cô còn là đứa trẻ mới 7, 8 tuổi. Cô đã chọn cho mình con đường để đi rồi. Không ai và không vì một lý do gì có thể lay chuyển được cô!
Để rồi bất ngờ một hôm Thành Nhân nhận được giấy tờ của nhân viên xuất sắc đã được huấn luyện nhuần nhuyễn kết quả vượt bậc qua mỗi lần thi tuyển. Do bên trung tâm chuyển đến công tác trong ngành, thì anh mới biết đó là cô em gái Lan Chi của mình. Nhiều khi chỉ thị giao công tác hiểm nguy nhọc nhằn cho em, anh cảm thấy ái ngại. Nhưng đó là phận sự của cô phải làm. Ai đã chọn cho đời mình cái nghề nầy thì coi như là ngõ cuối của đoạn đường đời. Việc sanh tử chỉ cận kề trong chớp mắt. Hiểm nguy và pháo đạn vô tình! Họ đã biết như vậy, và đã được khuyến cáo trước khi vào nghề… Nhưng từng lớp thanh niên an nhiên, bình thản tiến tới không ngại ngùng lùi bước vì họ đã chọn cho mình con đường để đi.
            Vợ chồng ông Lê Thành Tài bàng hoàng sửng sốt được tin con trai độc nhứt của mình bị thương và mất đi một phần thân thể! Bà khóc bù lu bù loa. Ông khuyên vợ:
            -  Bà đừng buồn nữa mà có hại cho sức khỏe. Mỗi người có số cả, con mình bị mất một chân cũng may mắn và hạnh phúc quá nhiều so với những người tử trận ngoài chiến trường. Có người còn mất luôn cả xác nữa kìa. Thôi thì để nó lành lặn đâu đó yên ổn rồi thì đi hỏi cưới vợ cho nó. Tuy là cái họa nhưng lại là cái phước đó bà à.
            Bà Tài là người đàn bà hiền lành từ tốn. Nghe chồng nói bà nghĩ cũng không sai, nên cơn buồn qua mau mà lo chăm sóc cho con.
Hôm nay Thành Nhân đã khỏe nhiều, nhưng anh vẫn còn ốm lắm. Tuy da anh không còn quá tái nhợt nữa. Và khi bụng anh biết đói, miệng anh biết thèm ăn uống thì từ đó mỗi ngày, anh dần dà khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Trông mặt mày anh khởi sắc, tóc anh được hớt ngắn, râu ria được cạo sạch sẽ. Anh được nhân viên tập dùng hai cây tó để đi ra đi vào phòng vệ sinh (khi chuyển ra trại ngoại khoa).  
Rồi Lê Thành Nhân được xuất viện trở về sống với gia đình có cha mẹ, có em gái chăm sóc chu đáo. Anh cảm thấy đời mình rất ưu đãi, hạnh phúc. Nhưng Lan Chi nhận xét trong đôi mắt ngời sáng, cương nghị tràn đầy niềm tự tin của anh như luôn vương vướng lớp sương mờ!
 
Sau hơn một năm dưỡng thương, giờ đây Thành Nhân có thể giải ngũ vì thương tật của mình. Đó cũng là sự mong muốn của cha mẹ anh. Vì giặc giã xảy ra bao nhiêu cảnh thương vong hàng ngày trên báo chí từ các chiến trường đưa về. Đã làm ông bà sợ hãi cho sự an nguy của con trai mình. Một hôm cha mẹ đi vắng, anh hỏi:
            -  Lan Chi nè, theo em thì anh nên giải ngũ hay trở lại làm việc?
            Lan Chị hơi ngạc nhiên vì ông anh mình là người tự tin, ít khi đem tâm sự nói với ai, hoặc nhờ người khác quyết định việc gì đó của anh ta. Cô nhìn sâu vào mắt Thành Nhân, bảo:
-  Em không thể quyết định cho anh được. Chỉ có anh quyết định cho mình thôi.
Nói đến đó cô ngập ngừng, rồi lại tiếp:
-  Nhưng nếu là em, thì em sẽ đi làm lại. Anh đã khỏe mạnh rồi mà. Chân anh mất nhưng tâm hồn và lý trí anh vẫn còn nguyên vẹn chớ có sứt mẻ đâu. Vả lại ở nhà anh sẽ buồn chán lắm. Anh sẽ cảm thấy là mình không còn khả năng làm việc, mình là người thừa thãi, vô dụng…
Nói đến đó, cô dừng lại cười khì chọc quê :
-  Và em cũng nghe lòng mình xốn xang khi thấy anh ngồi bên cửa sổ nhìn khói thuốc bay, rồi làm thơ thương mây khóc gió bắt em đọc thì khổ lắm, lắm…! Nhưng anh cũng biết, chúng ta đã được tôi luyện rồi. Em chỉ muốn nhắc nhở anh thôi! Còn việc trở lại công tác hay giải ngũ là do anh quyết định cho mình đi. Em có ý kiến, sau nầy gặp chuyện gì không vừa ý thì anh sẽ đổ thừa cho con nhỏ nầy xí xọn, chuyên môn xúi dại như mấy lần trước thì phiền lắm đó!
            Thành Nhân thấy cái mặt vắc hất có vẻ dỗi hờn, ngoe nguẫy của cô em thì không nhịn được, bật cười thành tiếng. Lan Chi nguýt anh, càm ràm:
-  Chớ không phải sao mà anh cười vui như được quà Tết vậy? Nhớ hồi anh còn học năm Đệ nhị. Chị Thu Hà con ông Chủ sự Kiêm lúc đó ở ngang nhà mình. Chị để ý, và có dịp thì luôn hỏi thăm em về anh. Khi em về kể lại, nghe xong anh khoái chí tử thấy bà. Hai người còn nhờ con nhỏ nầy làm liên lạc đưa thư qua, thư lại cho nhau nữa. Sau đó việc của anh chị bị đổ bể. Má của chị Thu Hà  qua méc với ba má mình. Trước mặt ba má anh thiệt là tệ quá đi thôi! Dám làm mà không dám nhận! Chối bai chối biến, đổ hết tội lỗi cho người ta. Làm em bị một trận đòn muốn tét da, tét thịt. Cho đến bây giờ nhớ tới em còn thấy đa và tức mình muốn chết!
            Thành Nhân cười lớn. Lan Chi nổi nóng háy anh con mắt có đuôi, nạt vãi:
-  Xì, đến bây giờ anh chẳng những không hối lỗi, mà còn cười ha hả, cười sặc sụa, cười muốn vỡ cả nóc nhà nữa! Vô duyên, bộ vui lắm sao mà cười?
            Còn sặc sụa hụt hẩng trong tiếng cười, Thành Nhân quơ quơ tay bảo:
-  Vui lắm, vui lắm chớ sao không? Nghĩ lại đi, bộ em tốt bụng giúp anh đó sao? Cao xanh ơi! Mỗi lần đưa thư, em cũng đã được bao nhiêu tiền. Em nhớ chớ, tiền ba mẹ cho anh không dám ăn bánh, dành dụm được đem hối lộ cho em hết. Còn bao nhiêu gói ô mai, gói xí muội, bao nhiêu chầu xi-nê- ma-lốp-cốp và sau đó phải bao em ăn uống nữa ! Em là đứa nổi tiếng tham ăn và ăn hàng vặt như chúa chỏm nữa? Còn phía bên kia mỗi lần nhờ vả em chuyển tin tức, thư từ chắc em cũng xơi tái của cô ta không ít? Được lời như vậy không biết ơn anh thì chớ? Em có bị thiệt thòi, hay bị ức hiếp gì đâu, mà sao cứ nhớ chuyện cổ lỗ sỉ đó trong bụng hoài vậy?
 
Thành Nhân trở vào làm việc lại. Anh được chuyển qua ngành khác ở Bộ chỉ huy của Trung tâm. Cha mẹ rất vui mừng khi biết hai con làm cùng sở. Cứ sáng thì anh chở đưa Lan Chi đến chỗ làm rồi chạy qua sở mình (chỉ cách có con đường). Chiều ghé qua rước em về rất tiện lợi. 
Giờ đây Thành Nhân không còn đi công tác xa, vắng nhà dài hạn như dạo trước khi anh bị thương nữa. Còn Lan Chi thỉnh thoảng đi đây đi đó đôi ba ngày, hoặc tuần lễ mà thôi. Ông bà Thành Tài đã lớn tuổi, nên xin hưu trí để hưởng tuổi già, sau mấy mươi năm bận rộn với việc làm. Bây giờ gia đình họ an vui, hạnh phúc theo ngày tháng thoi đưa. Nhưng ông bà Lê Thành Đạt vẫn canh cánh trong lòng bởi hai đứa con xồng xộng mà vẫn chưa có gia thất.
Có một hôm trên bàn ăn cơm chiều. Ông Tài vui vẻ lên tiếng với vợ và hai con:
-  Hôm qua ba có gặp ông Huỳnh Tứ Việt. À mà bà còn nhớ ông Việt không vậy bà? Ổng xin tui hôm nào vợ chồng ổng được qua thăm nhà mình. Các con biết không? Ý ổng muốn hỏi dọ ba má coi Lan Chi có chỗ nào chưa, để cưới cho con trai thứ của ổng. Cậu Hòa tuổi cũng cỡ Thành Nhân. Mười mấy năm trước đi học bên Pháp, khi ra trường thì làm ăn ở bên đó. Nghe nói khá lắm, gia đình người ta cũng thuộc hàng gia thế giàu có. Lan Chi ưng con ổng, nếu muốn ở đây thì ổng bả sẽ mở cho cửa hàng làm ăn. Còn chịu theo chồng qua Pháp thì càng tốt, vì bên đó đã có sẵn cả rồi…
            Bà Tài hài lòng cười tươi, góp ý:
-  Ờ, vậy hả? Vợ ông Việt thì tui mới gặp trên chùa vào rằm tháng rồi. Bà ấy có tiền mà bình dân, con người độ lượng, hay làm ơn làm phước. Họ thuộc về gia đình gia giáo, đạo đức. Chỗ nầy má cũng thấy được đó Lan Chi. Con đã lớn rồi thôi thì bằng lòng đi.
Bỗng quay qua con trai:
-  Còn thằng Nhân cũng vậy. Chỗ nầy không được, chỗ kia không được. Kén chọn riết không biết bao giờ mới thành hôn đây? Thôi thì con để ý ai cứ cho ba má biết. Để ba má lo cho.
Lan Chi đỏ mặt cúi xuống và lẹ cơm. Ra ngoài xã hội về học lực, về tài trí cô không thua kém ai. Nhưng bản chất của người con gái Á Đông vẫn còn trong cô. Nên mỗi lần nghe cha mẹ, hay ai nhắc nhở đến chuyện lấy chồng cho mình thì cô đỏ mặt tía tai lỏn lẻn bỏ đi nơi khác. Thành Nhân không nói gì, ậm ừ với cha mẹ, ăn qua loa rồi ra ngoài chiếc băng đá kê bên tàn cây mận. Anh đốt thuốc hút, đôi mắt buồn mông lung, nhìn làn khói thuốc tỏa bay.
            Hai bên có hẹn trước, nên hôm nay gia đình ông bà Việt cùng với cậu con trai tên Hòa và đứa con gái út đến thăm gia đình ông bà Tài. Họ vừa bước vô nhà thì hai anh em Thành Nhân cũng đi làm về tới. Bà Tài chận con lại ngoài cửa trước, bảo họ đi thẳng vào chào mọi người.
Người lớn nói chuyện rất tương đắc. Anh chàng đi coi mắt vợ xem mòi cũng  vừa lòng đẹp ý lắm dù chỉ mới lần đầu gặp cô con gái xinh xắn Lan Chi. Ông bà Tài mừng thầm trong lòng chắc mẻm là con gái mình cũng vừa ý chàng thanh niên hoạt bát, mặt mày sáng sủa, bảnh trai, có phong cách nầy rồi.
Khách về, tối đến cha mẹ đi chùa cúng sao, chỉ còn hai anh em ở nhà. Lan Chi thấy anh mình ít nói hơn mọi hôm. Vẻ mặt lầm lì đen thủi đen thui như trời sắp xập xuống. Anh ngồi hút thuốc hết nầy, đến điếu khác cả giờ rồi. Cô  hỏi đến đâu anh nói đến đó chớ không ba qua chích chòe, chọc ghẹo em như mọi khi. Mắt anh đăm chiêu có vẻ khác thường! Lan Chi thấy vậy, cô rót tách nước trà vừa mới châm. Bưng cho mình và cho anh mỗi người một tách. Ngồi xuống ghế đối diện với anh, cô nhẹ giọng hỏi:
            -  Anh Hai, hôm nay có tâm sự hả? Hãy nói cho em nghe đi, cứ nói ra biết đâu em có thể chia xẻ với anh. Nói đi anh, nếu có chuyện gì buồn anh nói ra sẽ cảm thấy dễ chịu hơn…
Thành Nhân không trả lời. Anh hít mạnh điếu thuốc rồi phà làn khói trắng tỏa bay. Bỗng từ chiếc máy hát của nhà hàng xóm, ngân nga vọng đến lời hát buồn: “Chuyện tình của tôi xa lắm tự lâu rồi tôi không bao giờ nhắc đến. Nhưng bỗng một hôm trên đường ra phố thị tôi gặp lại em ngày nào… Nàng nhìn tôi, đôi mắt thật bâng khuâng… Cũng đôi mắt nầy năm xưa lạc vào hồn tôi… Trong những đêm không ngủ, tôi nhìn khói thuốc bay…”.   
Giọng ca thê thiết của ca sĩ đã làm cho tâm hồn Lan Chi bồi hồi xúc động. Mặc dù lòng cô không vướng bận chuyện gì. Nhưng cô thở dài nói bâng quơ:
-  Thiệt tình, giọng ca sao mà não nuột quá trời! Ai có tâm sự buồn mà nghe cái giọng của ca sĩ nầy, thì càng thêm thúi ruột mà chết sớm.
Thành Nhân dụi điếu thuốc đang hút chưa hết:
-  Lan Chi, em thấy anh chàng Hòa coi mắt em hôm nay thế nào? Có lọt mắt xanh của em không?
Cô chưng hửng khi nghe hỏi. Nhưng cô mỉm cười trả lời anh:
-  Em có nhìn hắn đâu, mà biết mặt mũi ra sao? Nên không biết trả lời với anh thế nào đây? Mẹ bảo chào người ta thì em vào chào, cho mẹ vui lòng vậy thôi.
Thành Nhân nhìn thẳng mắt em :
-  Thiệt vậy à? Nhưng theo nhận xét của anh thì hình như em chấm anh ta rồi.
Lan Chi vẫn thản nhiên, nói giỡn:
-  Ụa thiệt hả? Sao em không biết? Nhưng xin lỗi nghe, anh đã đoán sai rồi. Không phải anh ta, mà người khác! Em đã có đối tượng rồi.
Đến phiên Thành Nhân ngạc nhiên quá đỗi! Anh mau miệng hỏi Lan Chi:
-  Ai vậy? Anh có biết không? Anh ta làm việc ở đâu? Không làm chung sở chớ?
-  Anh hỏi chi vậy? Chuyện của em mà“Thiên cơ bất khả lậu”!
Bỗng Lan Chi ngừng nói, nhìn anh hỏi:
-  Mà nè anh Hai, anh còn nhớ cái ông chiêu hồi tên Sáu Trường Sơn không?
Thành Nhân vừa ngạc nhiên vừa khó chịu! Anh ta hằn học hỏi:
-  Bộ em vẫn còn liên lạc ông ta hả? Ông đó là người em để ý, em thương?
Lan Chi tự nhiên, trả lời:
-  Không, không phải vậy đâu. Bởi ông Sáu Trường Sơn sanh cùng quê quán với em. Ông ta cũng họ Bùi như em. Nên em muốn gặp ông ta một lần để hỏi thăm xem có bà con chi không? Sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy? Mà anh có thấy đó sự trùng hợp không anh Hai?
Không ai biết trong lòng Thành Nhân đang nghĩ gì? Anh ta như không nghe em nói, lồng lộng lên:
-  Em trông hiền lành mà không ra gì! Quen người đàn ông nầy chưa xong thì muốn tìm hiểu về người đàn ông khác. Em làm anh quá thất vọng! Thôi thì cứ ưng đại ông Hòa coi mắt hồi sáng cho rồi đi. Để được qua Tây ở! Đó không phải là mộng ước của em và các cô gái thời nay muốn lấy chồng ngoại quốc, hoặc sống ở ngoại quốc sao?
Lan Chi nổi nóng. Cô trở giọng nạt tưới hột sen:
-  Anh thiệt là vô duyên hết nói nổi! Em có hỏi chuyện riêng gì của anh không? Em quen với ai, hay em muốn ưng ai thây kệ em. Đó là quyền tự do cá nhân của em, chớ có mắc mớ gì tới anh đâu? Sao anh nhiều chuyện quá vậy?
Thành Nhân không kềm chế được, nói nhanh:
-  Sao không mắc mớ? Tại vì anh đã yêu em!
Lan Chi mở to mắt, há hốc miệng, tay buông rơi tách nước xuống nền nhà bể tan, nước văng tung tóe. Cô ngồi qụy xuống, bật khóc!
 
Các viên chức từ trên xuống dưới trong Trung tâm đã lần lượt rút đi hơn cả tháng nay. Mẹ của Thành Nhân đột ngột qua đời. Cha anh đang đau nặng và vợ lại sắp đến ngày sanh, nên anh cứ trì hoãn đển bây giờ thì đồng đội đã ra đi hết rồi!
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 giặc tràn vào! Hai vợ chồng Thành Nhân, Lan Chi đều bị kẹt lại! Họ đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho bản thân, nếu cả hai đi trình diện với bọn giặc Cộng. Giữa lúc nước non tan đàn vỡ nghé, ồn ào, bề bộn, xáo trộn, ở mọi ngành nghề. 
Cơ quan chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thất bỏ ngõ, sau lời kêu gọi của Dương Văn Minh!
Lợi dụng lúc hỗn loạn, đêm ba mươi, Thành Nhân đem cha và vợ trốn về quê của một cộng sự viên ngày xưa tá túc. Đó là vợ chồng anh Sáu Điền (bị thương tật đã giải ngũ). Từ sau giải ngũ, họ trở về quê và hiện là cư dân ở bãi biển Vàm Láng (Gò Công). Thành Nhân đến tá túc với vợ chồng anh Sáu. Ẩn nhẫn chờ ngày vợ sanh con xong, sẽ tìm đường ra đi.
Những ngày sống ở Vàm Láng, vợ chồng Lan Chi né tránh, trốn chui trốn nhủi bọn cách mạng 30 tháng 4 dòm ngó, chỉ điểm, lùng bắt thật là mệt mỏi. Giữa khuya thì Thành Nhân theo tàu đánh cá ra khơi chiều tối mới trở về. Cứ thế, ngày nầy qua ngày khác. Họ ẩn nhẫn chờ thời cơ để bôn đào. Dẫu biết rằng có trăm phương ngàn thứ khổ nạn trên đường vượt biên. Nhưng họ đã quyết định vì hàng vạn rủi ro cầm bằng cái chết! Chỉ có cái may duy nhứt vượt thoát là tự do. Nhưng họ vẫn không thay đổi ý định, quyết tâm chờ chuyến trốn bỏ quê hương.
Sau tang cha 100 ngày (3 tháng 10). Đứa con trai Thành Tâm được 6 tháng thì vợ chồng Lan Chi theo gia đình anh Sáu Điền cùng họ hang than thuộc và một số ngư dân, vượt biên theo ngã Vàm Láng.
Nhưng “Họa vô đơn chí/ Phước bất trùng lai” nỗi buồn khổ tột cùng luôn kề cận bên đôi vợ chồng nầy. Biết rằng cuộc trốn chạy nào mà không đau khổ, mất mát? Nhưng một mất mát quá lớn đã đến với họ! Đứa con trai đầu lòng tên Thành Tâm chưa tròn tuổi, chưa biết kêu cha, gọi mẹ, chưa biết đau khổ, chưa biết sự lường gạt, chua ngoa, tàn độc của lòng người, của cuộc đời thì đã dìm thây trong lòng biển cả!
Bởi trên đường vượt biên, tàu họ đi đã hơn nửa tháng trời, nổi trôi lênh đênh trên biển vì tránh gió bão, rồi bị lạc phương hướng. Xăng dầu dần dà khô cạn… Hơn 40 chục thuyền nhân đói khát bịnh hoạn nằm la liệt, vì hết lương khô, nước uống…
Vợ chồng Thành Nhân cầm cự cho đến ngày thứ tám, thì Lan Chi không còn sữa, và chồng cô ngất xỉu vì lấy máu cho con bú! Thằng Bé Thành Tâm đã vĩnh viễn ra đi! Những người cùng tàu không còn hơi để hỏi han, chia buồn, cha mẹ không cnò nước mắt để khóc! Thành Nhân đôi mắt vô hồn như cắt từng đoạn ruột từ tay thả con mình vào lòng biển khơi! Lan Chi mắt trắng dã! Nàng chìm trong cơn mê sảng bởi cái đau đớn tột cùng của mẹ mất con!
Chuyến vượt biên trên tàu của anh Sáu Điền được vào trại tạm cư Ga-Lăng (trại tập trung của Liên-Hiệp-Quốc thành lập trên một hòn đảo của Indonesia, cho thuyền nhận tị nạn Cộng sản ở vùng Đông Nam Á) chỉ còn được 17 người. Già, trẻ, bé, lớn đã chết trên biển 24 người! Những người còn sống sót như được một lần tái sinh!
Như bao nhiêu thuyền nhân khác đến đảo, sau khi khai xong hồ sơ. Thành Nhân và Lan Chi trong thời gian trống trải, chờ đợi qua nước tạm dung, họ dạy Anh văn cho những thuyền nhân đang chờ định cư.
Vào một buổi trưa, trời đẹp nắng. Thật bất ngờ, có 2 nhân viên cùng ngành ngày xưa bay từ Mỹ đến bốc Lan Chi và Thành Nhân đi ngay trong hôm đó trước sự ngạc nhiên, mừng rỡ vô cùng của họ và những người chung quanh. Một sự bất ngờ hạnh phúc ngoài dự liệu, nên cả hai chỉ kịp từ giã vợ chồng anh Sáu Điền, người đã giúp đỡ gia đình họ suốt thời gian dài trong nước, và vượt biên. Chớ họ không có thời gian để giã từ những người cùng hoạn nạn thừa chết thiếu sống trong chuyến hải hành.
Ngày đó sau bữa cơm chiều, Thành Nhân đang dở từng trang sách ra xem. Đọc xong phần tiểu sử tác giả, chàng chợt giựt mình, lẩm bẩm “oan gia lại gặp nhau” nữa rồi! Lan Chi đang rửa chén. Thấy chồng vừa chăm chú đọc sách vừa nhỏ to một mình, nàng hỏi:
-  Tác giả viết hay không mà anh có vẻ suy tư quá vậy, còn thì thầm một mình nữa?
-  Chưa đọc hết, nên không biết hay dở. Nhưng em lại đây xem, cuốn hồi ký nầy anh thấy có gì là lạ? Anh cảm tưởng như mình có quen biết với tác giả?
Thế là hai vợ chồng Lan Chi tìm kiếm nhà xuất bản để hỏi thăm, và khó khăn lắm mới biết được số điện thoại của tác giả. Thế rồi hai bên hẹn và tìm gặp nhau ở tháng sau.
Trái đất tròn mà vẫn hẹp lắm! Nhờ Ơn Trên hộ độ, nơi xứ lạ quê người Lan Chi tìm được người anh cùng cha mẹ với nàng thất lạc đã mấy chục năm! Đó là người Việt Cộng hồi chánh Sáu Trường Sơn.
Số là Bùi Vĩnh Bảo có biệt danh là Sáu Trường Sơn xa nhà từ thuở thiếu thời. Anh theo tiếng gọi của quê hương đi chống Pháp. Bùi Vĩnh Bảo lớn hơn cô em gái Bùi Hoàng Lan một con giáp (12 tuổi). Cô chào đời được 4 năm thì anh cô đi theo Thanh Niên Tiền Phong, và khi lãnh thổ chia đôi tập kết ra Bắc. Để mấy chục năm sau Việt Cộng nổi dậy, lấy tên là Giải Phóng Miền Nam đã giết cha mẹ anh Sáu Trường Sơn. Vì ông bà không chịu theo bọn nằm vùng và giúp đỡ cho chúng. Khi trở về Nam, Bùi Vĩnh Bảo tìm lại nguồn cội của mình. Anh được người tá điền thân tín của cha trước khi qua đời đã kể hết những chuyện xảy ra của gia đình! Cõi lòng anh tan nát! Từ đó cho đến khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, anh đã khổ công âm thầm tìm kiếm cô em gái thất lạc của mình. Nhưng bóng chim tăm cá! Bởi cả hai anh em đều thay họ đổi tên.
 
Lan Chi quay về thực tế khi chồng đưa chiếc khăn tay! Cô lau dòng lệ long lanh chảy dài trên má. Thành Nhân trầm giọng:
-  Đừng buồn nữa em! Chúng ta không phải đã hơn hẳn những người khác cùng cảnh ngộ rồi sao? Bây giờ chúng ta còn có anh Hai. Mặc dù anh Hai không có gia đình vợ con. Nhưng anh sống vui, sống khỏe, trải rộng tâm hồn mình bằng ngòi bút lên từng trang sách báo để làm vui cho đời. Ảnh cũng không cảm thấy cô đơn, vì anh còn có chúng mình. Chúng ta sống chung trong một gia đình êm ấm, nương tựa lẫn nhau ở tuổi về chiều. Vậy là hạnh phúc lắm rồi! Mọi việc trên cõi đời nầy đều do Thượng Đế an bài. Thôi đừng buồn nữa! Đoạn đường gian khổ của chúng ta đã qua rồi…
Lan Chi nghẹn ngào:
-  Em cũng muốn quên lắm chớ! Nhưng không làm sao quên được đến đêm ba mươi năm nào về cái chết thảm thương của ba má em! Quên sao được những trận pháo giặc nả vào thành phố, trường học, giáo đường! Quên sao được trận thảm sát của giặc vào Tết Mậu Thân ở miền Nam, nhứt là trên đất Huế! Em làm sao quên được mỗi lần nghe tiếng khóc của trẻ thơ … Trời ơi, em cứ tưởng đó là tiếng khóc của con mình! Hình ảnh nó giẫy giụa gào thét trên tay em khi khát sữa! Khi không còn khóc nổi nữa nó âm ỹ rên, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, mà miệng con vẫn còn mở chờ bầu sữa mẹ… Trời hởi, thê lương quá! Tàn nhẫn quá! Đời kiếp nầy làm sao em quên được đây!
Lan Chi tựa đầu vào vai chồng ràn rụa nước mắt! Thành Nhân yên lặng ngậm ngùi thổn thức, nhớ lại hoàn cảnh gia đình đã trải qua! Mắt chàng hướng qua song cửa sổ nhìn bầu trời cao thăm thẳm.
Đêm ba mươi Tết đen như nhuộm mực. Không gian đắm chìm trong màu đen huyền hoặc, in lấm tấm ngàn vạn vì sao. Thỉnh thoảng trên tầng cao thật cao, tiếng máy chiếc phi cơ gầm gừ, lóe ánh đèn chớp tắt chầm chậm bay qua. Và sau đó chỉ còn lại tiếng gió khua động lào xào cành lá, cây cối quanh nhà.
Bùi Vĩnh Bảo ngồi xem truyền hình, nhưng nghe hết những lời đối đáp của vợ chồng cô em gái. Ông đứng lên, đến bàn lấy bình nước trà chế thêm vào tách. Ông chép miệng thở dài rồi ôn tồn bảo: “Hai em nghĩ xem, có con đường đi tìm tự do nào mà không cam go, mà không trả một giá thật đắc? Trong không gian cao và rộng, có những cánh chim lả lướt bay, có những chiếc phi cơ khổng lồ âm thanh rền vọng. Khi chim và phi cơ bay qua rồi không để lại vết tích nào cả! Mặt nước sông dài, mặt biển rộng bao la, bát ngát không thấy bờ bến. Có những chiếc ghe, những chiếc tàu dù nhỏ hay lớn khi đã qua rồi cũng không để lại dấu tích gì trên mặt nước. Nhưng núi cao ngút trời, rừng sâu thăm thẳm, trên đồng bằng đất đai màu mỡ hay khô cằn sỏi đá, rộng bao la, dài bát ngát chim bay mỏi cánh, chó chạy cong đuôi. Khi có bước chân của một người đi qua, hai người đi qua, ba nguời đi qua, nhiều người giẵm lên thì nó sẽ trở thành con đường. Con đường đó sẽ có những bước chân tiếp nối từ thế hệ nầy đến thế hệ khác đi qua. Rồi đường được khai phá, mở rộng, vun bồi…Hai bên đường sẽ được cất lều, xây nhà, trồng cây ăn trái, trồng hoa thơm cỏ lạ… Trải qua biết bao nhiêu chông gai, hung hiểm, hưng phế… Đó là những chặng đường chúng đã ta đi…”
Bên ngoài, vào đêm ba mươi có màu đen huyền hoặc, trên nền trời in những chùm sao li ti nhấp nhánh. Tiếng rì rào thì thầm của gió rung cây. Loài chim ăn đêm bay chập chờn trên dòng sông vắng, thỉnh thoảng cất tiếng kêu oang oác xa đưa… Trong ngôi nhà nhỏ bát ngát mùi nhang, trầm, hoa vạn thọ, hoa liên kiều, dưa hấu, cam, quít cùng mâm ngũ quả, và bánh tét, bánh chưn, mứt, chà là… Đêm ba mươi chưng cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên để đón mừng năm mới. Tiếng lách tách của củi cháy trong lò sưởi rực rỡ hồng ánh lửa, sáng căn nhà nhỏ trong đêm trừ tịch, bên xa lộ không đèn…
 
California, chớm Thu về
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Trong tuyển tập
“Những Chặng Đường Tôi Đã Đi Qua”
ĐT: (530)822 5622
Email: dtdbuon@hotmail.com
 

No comments: