Saturday, September 8, 2012

NGUYỄN ÁNH * CẢ HỒN THƯƠNG ĐAU

Hồi ký vượt biên

Cả Hồn Thương Đau

Nguyễn Ánh (Piano)





Thưa các bạn! Vào thời điểm này là năm 2005 mà nếu ai còn đem chuyện vượt biên, vượt biếc ra mà kể thì trước mặt có ngay hai hậu quả mà không nói thì các bạn cũng biết hậu quả thế nào? Hậu quả thứ nhất là dễ bị thiên hạ... chửi. Hậu quả thứ hai là bài gửi tới tòa soạn báo nào thì lập tức được quăng ngay vào... sọt rác lại cộng theo... một câu chửi nữa. Như vậy tóm lại người nào xâm mình giờ này mà còn kể những chuyện bi thương trên tàu vượt biển đi tìm tự do nào là đói khát, thiếu ăn, bị hải tặc cưỡng hiếp chiếm đoạt «tài sản nhân dân», tàu đi lạc tám ngày chín đêm v.v... và v.v... thì như tôi đã nói ở trên từ đầu đến cuối tha hồ mà nghe chúng chửi vì quá xưa rồi! Thưa các bạn! Tôi thì cũng chẳng phải vào hạng gan lì như vậy nên cũng sợ bị chửi lắm nên cũng không dám chơi nổi mà bày đặt bắt chước người ta viết về thuyền nhân, tôi chỉ xin kể một khía cạnh đặc biệt hổng giống ai trên tàu đi vượt biên của tôi thôi. Xin mời các bạn theo dõi trường hợp như sau:

Tôi đi tìm tự do hoàn toàn vì nhìn quanh thấy ai cũng nôn nóng ra đi hết, từ làng trên đến xóm dưới, từ chị bán bánh mì thịt đầu chợ Thị Nghè cho đến anh Bảy bán bánh giò cuối xóm và ngay cả đến những bạn bè xa gần từ sơ giao cho đến thân thiết. Đâu đâu người người đều muốn ra đi. Thấy mọi người đều đi mà mình ở lại thì trông xa lại nghĩ gần «Vắng em rồi đời vui với ai?» nên tôi nằng nặc đòi ba mẹ tôi phải kiếm «vé» cho tôi đi cho bằng được. Ba mẹ tôi vì chiều con nên cũng phải buộc lòng «chà đồ nhôm» mang đi bán. Cái gì bà cụ cũng bán ráo trọi từ bộ «sofa» bằng da mới cáu chỉ mà hàng ngày tôi thường ngự trên đó để đọc sách hay xem tivi bà cụ cũng «mại». Từ cái bếp «gaz» đến dàn âm thanh «AKAI» bà cụ cũng đẩy luôn. Nghĩa là tóm lại bằng mọi cách bà cụ phải bán tất cả để kiếm tám cây vàng mua «vé» tàu cho tôi đi vượt biên cho biết với người ta.

Như các bạn đều biết, vượt biên, hai tiếng đó để chỉ sự lén lút, trốn tránh và vì thế nó đều có sự gian khổ, gian nguy thậm chí còn phải lội sình băng suối đầy dẫy sự nguy hiểm đang rình rập chờ đợi. Ba mẹ tôi đều biết như thế nên lo ngại lắm! Vì tôi từ thuở nhỏ chẳng quen cực khổ, chẳng nằm gai nếm mật lại cũng chẳng quen... nhịn đói nhịn khát nữa mà bây giờ lại đòi vượt biên. Tội nghiệp ba mẹ tôi, cả hai ông bà cụ tất tả đi dò hỏi khắp nơi để kiếm xem chỗ nào thật an toàn mà lại chẳng cần... phải gian nan cực khổ gì hết, nghĩa là ông bà cụ đòi hỏi vụ vượt biên phải giống như đi du lịch, muốn đi là chỉ lên xe tới nơi là lên tàu đi thôi, vì nếu phải cực khổ quá như mọi người đi hụt về kể lại nào là phải chui xuống hầm tàu, nào bị giam trong thùng «phuy», nào là phải giả dạng người «gánh muối». Ôi thôi! Trăm mối lo, ngàn mối nặng, nội những cảnh như thế mà tôi bị vướng vào thì ba mẹ tôi nghĩ là tôi sẽ chết trước tiên trước khi kịp bước chân lên «cá mập», khỏi cần phải bị đói khát, say sóng hay hải tặc hãm hại gì hết. Nhưng quả là Chúa, Phật không phụ lòng người các bạn à! Chắc nhờ bố mẹ tôi ở hiền nên gặp lành, mỗi năm ông bà ăn chay đến những bốn lần, đi lễ Misa ngày hai cữ, kinh hôm kinh mai không bao giờ quên, xưng tội lại càng siêng hơn nữa. Vì như má tôi dạy rằng người ta không đợi khi già mới chết nên lúc nào cũng phải giữ lòng sạch tội để sẵn sàng khi Chúa gọi. Vì thế dù là có tội hay không thì tôi cũng phải sáng chế ra một tội gì vớ vẩn vô thưởng vô phạt để khi má tôi hô «đi xưng tội» là phải xưng ngay không được chậm trễ. Chắc là nhờ những «thành quả» như thế nên Chúa thương ba má tôi và «thương» luôn cả tôi vì «biết vâng lời» nên Người soi sáng cho ba má tôi tìm được một mối vượt biên ngon lành vô cùng. Theo như người dắt mối «thông dịch» lại thì chuyến tàu sắp sửa mà tôi được đi hoàn toàn là do người nhà tổ chức nên đồ ăn thức uống đầy đủ, tàu lại rộng rãi thoải mái nữa. Tàu trang bị tới ba «block» đầu bạc, dài mười hai thước mà chở chỉ có 30 người thôi. Người dắt mối lại còn bảo: «Cậu Tư chỉ là tới cứ yên tâm tôi bảo đảm không có lội bùn băng suối băng đồng gì đâu mà sợ. Đến ngày đi tôi lên đón cậu đi bằng xe hơi nhà đến Cà Mau ngủ lại một đêm, tại nhà tôi cũng đủ tiện nghi như nhà cậu thôi rồi chờ nữa đêm ra bến đò sau nhà là đi thôi, giống như về quê chơi ấy mà!».

Đúng như người dắt mối nói, từ Saigon tôi đi xe hơi nhà một lèo thẳng xuống dưới Cà Mau, dọc đường tới ngang Bắc Mỹ Thuận, Bắc Cần Thơ ngửi thấy mùi xào nấu thơm phứt từ các quán ăn bốc ra hấp dẫn quá nên tôi đòi ăn đòi uống đủ thứ, lại bắt người đưa đường phải mua thêm đủ loại trái cây bán dọc đường vì tôi bảo sợ tới xuống Cà Mau xa nhà buồn ngủ không được nên phải ăn quà cho đỡ «tủi». Ăn uống xong đã đời tôi nhìn quanh thấy cảnh trí thơ mộng đẹp đẽ quá tôi quên phắt là mình đang đi vượt biên tôi lại còn đòi được chụp hình nữa chứ! Người dẫn đường mới thở dài năn nỉ: «Thôi mà cậu! Mình đang trên đường đi vượt biên mà! Có phải đang đi chơi đâu». Anh ta phải nói hết lời tôi mới chịu yên cho.

Xuống tới Cà Mau người dắt mối đưa tôi lại gặp ngay người chủ tàu. Ông chủ này người Việt gốc Hoa khá lớn tuổi, mặt mày trông phúc hậu lắm nên tôi cũng yên tâm. Ông ta cho biết đợt đi này có độ năm chục người (người dắt mối bảo chỉ ba chục) đa số là ngưới nhà bà con xa gần của ông ta, vả lại chuyến này có đông đàn bà con nít nên ông ta phải chuẩn bị chu đáo cả nửa năm nay rồi, và điều quan trọng vì có đông đàn bà con nít nên phải làm sao mọi chuyện cho «dễ đi» mà không phải gặp khó khăn lắm! Ông còn bảo tôi là người may mắn nên mới được tháp tùng chuyến đi này. Đợt này ông đi với một người vợ nhỏ của ông, người mà ông «cưng» và thương lắm. Nói xong, ông dẫn tôi vào gian trong thấy có đông người đứng ngồi lổm ngổm trong đó. Vừa thấy ông và tôi bước vào, một người đàn bà trong đám người đó bước ra chào, tôi biết đó là bà vợ nhỏ của ông, ông ta chỉ vào tôi và nói với bà ta cho tôi chỗ ở tạm đêm nay. Tôi đi theo bà ấy và có dịp nhìn kỹ. Ôi! Chu choa ơi, người đâu mà đẹp lạ đẹp lùng, gương mặt đã đẹp mà... (tôi nhìn xuống một chút nữa) sao đàn bà Việt Nam mà đôi gò bồng đảo lại «vĩ đại» đến thế! Chưa hết còn cặp mông nữa. Tôi bẩm sinh vốn đã có máu xấu trong người nên lòng nó cứ xao xao, xuyến xuyến mãi, nhìn cặp mông căng tròn nhún nha nhún nhẩy theo từng bước chân của nàng tôi thầm nghĩ: «Tướng tá thế này thì dù thằng nào có thuộc vào hạng «liệt dương liệt cốt» hay yếu sinh lý gì chăng nữa mà thấy chắc cũng sẽ khỏi bệnh». Lòng dù xao xuyến như vậy nhưng nhớ lời mẹ dặn vội trấn áp cơn dục vọng ngay vì «sợ Chúa phạt», không cho «đi». Tôi trấn an và tự khắc phục đọc thầm liền một lúc ba kinh kính mừng.

Nhưng hỡi ôi! Đọc thì đọc mà mắt thì lại không chịu rời khỏi cặp ngực của nàng, thôi thế này thì quỷ Satan đã chiến thắng mất rồi! Nàng thỏ thẻ cất giọng oanh vàng: «Anh chịu khó nghỉ tạm nơi đây nhé! Có thể đêm nay hoặc trễ lắm là đêm mai phải đi thôi». Tôi lúng túng trả lời: "Dạ, dạ được mà... mà chị, á mà cô, cô để tôi tự nhiên". Nàng liếc tôi cười một cái thật lẳng. Ôi! Cái liếc mới tình tứ làm sao! Tôi thầm mơ ước lên tàu mà ông chủ xếp sao mà cho được nằm gần... nàng thì dù tàu có đi lạc ba tháng ngoài biển khơi chắc tôi cũng vui và chấp nhận. Phải nói lòng tôi lúc đó phải chống trả với «quỷ ma» ở trong lòng lắm, nếu không dám tôi cũng bị «tiếng sét ái tình» rồi. Mà thật! Tiếng sét ái tình thật các bạn à! Bởi vì lúc còn ở Saigon tôi cũng có lai rai vài ba cô bồ nhưng bây giờ dứt áo ra đi tôi đâu cảm thấy nhớ nhung gì ai đâu mà ngược lại còn «hồ hỡi» nữa. Để khi không bây giờ lâm vào cảnh «Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không?» làm lòng tôi tái tê quá! Thương cho mình duyên phận không may để trời sinh ra... với một bầu máu xấu!

Tôi đã về chỗ nằm của mình rồi, cứ nằm thẫn thờ cứ nghĩ tới «nàng» mãi, và bỗng trong đầu có ý nghĩ so sánh. Ông chủ tàu này so với nàng thì già quá, tuổi ít nhất phải lớn gấp đôi thế mà tại sao ông lại «cua» được nàng? Chắc ông ta có nhiều tiền thôi, chứ già cỡ như ông còn làm ăn gì được bao lăm. Uổng quá! Tôi cứ chậc lưỡi tiếc thầm hoài dù biết là mình vô lý vì dù sao thì cũng là vợ của người ta mà. Mãi suy nghĩ mông lung tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay vì ngày nay đi đường xa hơi mệt.

Tôi bừng tỉnh vì có ai lay nhẹ vai tôi: «Dậy, dậy đi, tới giờ đi rồi». Tôi bật ngồi dậy như một lò xo vì thấy chung quanh nhốn nháo. Ông chủ xuất hiện, ra lệnh mọi người giữ yên lặng và từng người, từng người rời khỏi nha đi theo hai người thanh niên hướng dẫn. Dù gấp rút tôi cũng cố liếc mắt nhìn xem coi nàng ở đâu mà không thấy trong đám người ấy. Tôi lầm lũi theo đoàn người đi âm thầm trong đêm tối chỉ độ khoảng không xa 200 thước là đã thấy thấp thoáng bóng chiếc tàu nhỏ đang đậu chơ vơ nơi mé sông. Những người có con nhỏ được xuống trước rồi mới tới đám đàn ông con trai xuống sau, khi mọi người đã lên tàu bình yên, ông chủ bấm đèn «pin» kiểm tra lại mọi người có mặt trên tàu. Mọi người được lệnh nằm xuống hết và một tấm «nylon» lớn phủ lên trên cả mọi người. Tàu bắt đầu nổ máy, và tôi cũng chẳng biết «nàng» đang ở đâu? Và tôi đang nằm cạnh ai đây? Đàn ông hay đàn bà? Cầu mong là... đàn bà. Thật là cà cuống chết đến đít vẫn còn cay!

Tàu vẫn chạy qua một đêm bình an. Sáng hôm sau trong giờ phát nước và lương thực tôi mới thấy được «người trong mộng» đang thơ thới hân hoan ở trên «cabin» cùng ông chủ. Nàng đi vượt biên mà diện còn hơn hôm qua lúc ở nhà, hôm đó nàng mặc một áo bà ba đỏ chói cộng thêm cái quần Mỹ A bóng lộn làm nổi lên những đường cong gợi cảm, thêm gương mặt trang điểm diễm lệ càng làm nàng thêm nổi bật giữa đám «dân ngu cu đen». Nàng đã nhìn thấy tôi, vội quơ tay vẫy, tôi mừng húm vội vẫy lại, nàng ban thêm cho một nụ cười nữa rồi mới quay vào, tôi thẫn thờ đưa mắt trông theo.

Đúng như người dắt mối bảo: «Thực phẩm nước uống thừa thải, mọi người khỏe khoắn như đang đi du lịch». Tàu đã đi được ba đêm bốn ngày rồi và đã ra khỏi hải phận quốc tế từ lâu. Một buổi sáng ngày thứ tư tính từ lúc khởi hành, mọi người đang ăn uống vui say, nói cười thoải mái, bỗng anh tài công vội hét lên: «Tất cả bà con xuống ngay dưới hầm tàu». Mọi người còn đang ngơ ngác nhưng cũng vội xuống ngay, bầu không khí tự nhiên lắng xuống, luôn cả đám con nít làm như cũng biết thân biết phận nên nín khóc nín cười ngay tất cả. Ông chủ từ trên «boong» tàu nói với xuống: «Hình như có tàu Thái Lan đang tới đó bà con». Mọi người im lặng không ai trả lời. Bỗng bất thần nghe tiếng động cơ từ đâu rú lên dữ dội và hình như trên «boong» tàu có gì biến động trên ấy. Tôi nghe như là có tiếng la hét và âm thanh giống như đang có cuộc xô xát vật lộn dữ dội trên đó. Dòng tư tưởng tôi bị cắt đứt khi nghe nhiều tiếng nhảy lụi đụi trên tàu và nhiều giọng người líu lo một thứ tiếng lạ, mọi người thầm thì: «Thôi! Chết rồi gặp cướp biển rồi!». Bỗng nắp hầm mở toang ra và nhiều gương mặt đen đúa xuất hiện đưa tay ra dấu bảo đi lên, mọi người mặt xanh như tàu lá lần lượt leo lên. Riêng tôi vì sợ quá nên lên sau cùng bị một thằng nắm tóc lôi lên, vừa lên tới «boong», nó xô tôi ngay xuống biển, tôi vội quay lại bám vào thành tàu thì lúc đó mới thấy chung quanh tôi tất cả đàn ông thanh niên cũng đã bám vào chung quanh tàu như tôi hồi nào không biết. Nước biển ngập mấp mé cổ tôi, tôi chỉ còn ngước được cái đầu lên, mọi diễn biến gì trên tàu tôi đều không dám ngó, chỉ đọc kinh lầm thầm trong lòng như điên, lúc đó chỉ biết có Chúa (Vâng! Thật sự chỉ biết có Chúa và Đức Mẹ).

Tôi đã đọc đâu hơn mười kinh rồi mà vẫn không biết chuyện gì xảy ra trên tàu, lúc đó tôi chỉ biết đàn bà con gái là còn ở trên tàu. Họ vẫn còn đang lục soát khắp nơi và Chúa ơi! Hình như tụi nó đang bắt tất cả đàn bà con gái phải lõa thể. Tôi chỉ thấy thấp thoáng và vội quay đi ngay (vì ngu gì nhìn, lỡ chết xuống hỏa ngục rồi sao?).

Thời gian chầm chậm trôi qua, tôi đã đuối sức lắm rồi! Và tôi còn nhớ rõ như in lúc đó tôi cầu nguyện xin được cứu thoát và nguyện khi qua được đến Canada sẽ sống một cuộc sống thật thanh bạch không cần gì giàu sang, phú quý cả. Và phép lạ xuất hiện ngay! Tụi cướp biển đã nhảy trở lại tàu tụi nó và một thanh niên bên cạnh nhanh nhẩu phóng lên trước và kéo tôi lên sau. Mọi người đã thoát chết! Không khí vẫn yên lặng một màu tang tóc, bỗng đâu hình như nghe tiếng huyên náo trên «cabin» và một giọng khóc nho nhỏ vang lên rồi tiếp theo là «bịch... bịch... chát...». Tôi ngoáy cổ lên nhìn và thấy người đẹp «của tôi» đang bị ông chủ tát lia lịa. Tôi và vài người thanh niên nữa vội phóng lại can gián: «Thôi mà ông chủ, chuyện gì vậy?». Người đàn bà trả lời trong tiếng khóc: «Ổng ghen, ổng đánh tôi, hic... hic... hu... hu...». Mọi người vỡ lẽ thì ra bà chủ bị tụi hải tặc làm nhục nên ông chủ tức. Một người đàn ông lớn tuổi đến vỗ về an ủi ông chủ: «Thôi mà anh Ba, tất cả mọi người... đều bị, chứ có phải chỉ một mình chị bị thôi đâu, vả lại hoàn cảnh bắt buộc mà». Những lời vỗ về như vậy không ngờ lại phản tác dụng giống như đổ thêm dầu vào lửa. Ông chủ lại phóng tới toan đánh nữa, mọi người đều giữ chặt ông lại. Lúc đó ông chủ mới mở miệng lấp bấp nói được một câu nhớ đời: "Lụ... Lụ... M...! Tôi đánh... đánh nó không phải vì tội bị hải tặc hãm hiếp, mà tôi đánh vì lúc đang bị hiếp nó nằm ở dưới mà dám «nẫy... nẫy lên!".


Nguyễn Ánh (Piano), Toronto
NGUYET SAN NGHÊ THUAT, sÓ 131 MONTREAL, QUEBEC


No comments: