Thursday, September 6, 2012

TS. LÊ MỘNG NGUYÊN * THU SẦU

Tùy bút:
Thu sầu, thu chết...

Lê Mộng Nguyên

Chiều vàng năm nay khi mùa thu hiu hắt nhớ nhung bao hình bóng
Tìm người yêu đi trong bóng sương, hồn nước khóc âm thầm chờ mong
Lá vàng rơi chứa chan ngoài song (Chiều Vàng Năm Xưa của Lê Mộng Nguyên)



Đài Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Public Radio: 900 S Washington St. Suite 302 Falls Church, Virginia 22046, USA), được thành lập từ hơn 6 năm qua, phát thanh thường xuyên 24 giờ mỗi ngày, lại còn tiếp vận các đài VOA, BBC, Á Châu Tự Do, RFI (Pháp)... Đài cung cấp đầy đủ tin tức về mọi vấn đề (luật pháp, kinh tế, gia đình, giáo dục và nhất là nghệ thuật), cho thính giả, đồng bào rải rác trên khắp 24 thành phố tại Hoa Kỳ... Hơn nữa Đài đã phát thanh trên satellite, hiện có thể nghe được khắp nơi tại Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Bắc Phi qua vệ tinh Hotbird. Qua internet, mọi người từ mọi nước có thể nghe trực tiếp bằng cách mở web site của Đài: http://www.radiohaingoai, rồi bấm vào cột Nghe Đài Trực Tiếp (phía trái) hay nghe sau đó tại cột Chương Trình Tuần Này (phía dưới) hay cột Chương Trình Tuần Rồi và về phần Sáng Tác Mới, tìm hàng nào thuộc cột ngày Thứ Bảy 10g30 tối (Giờ EST-USA)... Đây là một chương trình mới sáng lập trong khuôn khổ Chương Trình Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật, do nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn đặc biệt phụ trách. Sau khi nghe STM 1 (phát thanh ngày thứ bảy 25/10/2004), tôi có viết thư cho nhạc sĩ NĐT chuyển đến anh lời cảm ơn và khen ngợi của tôi: Cách trình bày các nhạc sĩ (trước sau), nhạc phẩm và ca sĩ của anh rất bình dị, khách quan nhưng đầy đủ rõ ràng. Với giọng giới thiệu trầm ấm và quyến rủ, anh đã thành công trong nghề MC ngay từ buổi đầu! Những bài lựa chọn của nhiều tác giả khác nhau, rất xác đáng vì tất cả đều đượm màu tình khúc lãng mạn đầy nhung nhớ mà người nghe đôi khi xúc cảm đến tận cùng. Cảm ơn anh rất nhiều đã cho thính giả của Đài thưởng thức giọng ca tuyệt vời của Tuyết Dung qua bài Chiều Vàng Năm Xưa của Lê Mộng Nguyên (Nguyễn Minh Châu đàn đệm synthétiseur). Cảm ơn anh đã cho nghe những bài ca quí báu của các nhạc sĩ mà tôi quen biết và ưa thích: Hiếu Anh (Thuở Mình Quen Nhau), Linh Chi (Mưa), Trang Thanh Trúc-Phạm Ngọc (Về Theo Tháng Năm Buồn), Khanh Phương (Để Mình Mãi Yêu Nhau) từ một CD cùng tên ra mắt năm 2002: "Để Mình Mãi Yêu Nhau", Hoàng Kim Chi (Một Thời Nhớ Nhớ Thương Thương) và Tô Vũ (Vẫn Là Em)... Mong anh tiếp tục trình bày cho đồng bào những Sáng Tác Mới tuyệt diệu để đem lại (như nhạc sĩ Lê Dinh thường nói về giọng hát của nữ danh ca Huyền Châu-Montréal) hạnh phúc cho đời và tình thương cho người...

Trong buổi Chương Trình "Sáng Tác Mới 2" ngày thứ bảy 02/10/2004, MC Nguyễn Đăng Tuấn với giọng trầm ấm (ngọt ngào) nói lên những lời hấp dẫn, dường như muốn mời thính giả đi sâu vào nhạc và lời của tác giả đặng khám phá cái hồn và tri thức của mỗi bài ca... Tôi rất ưa thích những bài của Đoàn Chuẩn (Chiếc Lá Cuối Cùng), Hoàng Việt Khanh (Mẹ Gánh Tình Quê: HVK là tác giả hai CD 8 Ca Khúc HVK-2003 và Tình Khúc HVK-2004 được giới thiệu trên nhiều Đài PT hải ngoại), Phạm Anh Dũng (Yêu Em Và Yêu Em), Nguyễn Tiến Dũng trong Phố Chiễu Xanh, không những là một nhà soạn nhạc danh tiếng mà còn là một ca sĩ, một nhạc sĩ dương cầm có biệt tài, Vũ Hữu Toàn (Hư Vô), Phạm Quang Tuấn, tác giả bài Mai điêu luyện nhưng êm dịu, âu yếm trong đàn đệm hòa âm Tây Ban Cầm theo tiếng hát của phu nhân Lệ Mai thánh thót như chim sơn ca, thanh tao như nước suối, âm vọng qua Vạn Lý Trường Thành... PQT cũng là tác giả CD "Lệ Mai hát nhạc Phạm Duy" mà anh đã trình làng tại Sceaux-Paris ngày thứ bảy 03/04/2004 với ban nhạc SiliconBand, Nhật Vũ (Đom Đóm Viết Thư Tình), Nguyễn Minh Châu tác giả Tìm qua giọng ca dễ thương của Quỳnh Hương. Tôi rất mê tiếng hát Quỳnh Lan (tương tự Bạch Yến), Mezzo soprano qua hai bài Chiếc Lá Cuối Cùng và Hư Vô, dễ tình, dễ cảm! Hai Ngọc... đồng thanh trong "Yêu Em Và Yêu Em" của Phạm Anh Dũng, đã diễn tả một cách chân thành tất cả những cái gì mà tác giả gói ghém trong tâm hồn để tặng người yêu dấu. Xin khen ngợi tất cả các tác giả, ca sĩ (nam và nữ), nhạc sĩ hòa âm đã cộng tác trực tiếp hay gián tiếp với nhạc sĩ phụ trách Chương Trình STM 2 để làm cho buổi phát thanh này được thấm nhuần hương vị gia đình, đất nước.

Nhưng Chương Trình Sáng Tác Mới 3, với chủ đề THU, phát thanh ngày thứ bảy 09 tháng 10-2004 lúc 10g 30 tối (Giờ EST-USA) là một chương trình hoàn hảo nhất, thơ mộng nhất, buồn tha thiết nhất và thành công vẹn toàn... nhất. Có lẽ tôi là người ưa thích MÙA THU nhất (x. PV Lê Mộng Nguyên do Bảo Trâm thực hiện trên Nghệ Thuật số 93, Tháng 12-2001), bởi vì TMBS (13/11/1949) cùng những bài tiếp đó: Một Chiều Thương Nhớ, Chiều Thu, Mưa Huế, Ly Hương vân vân đều được sáng tác trong mùa lá vàng rơi, và sau này bài hậu của TMBS (2001) cũng nói về Thu (Chiều Vàng Năm Xưa), những bản nhạc phổ thơ gần đây đều lấy tên: Thu Trên Sông Seine (thơ Vương Thu Thủy), Giao Mùa (thơ Phạm Ngọc), Thu Sầu (thơ Lưu Hồng Phúc)... Tôi bỏ nhà ra đi (không hẹn ngày về) trong mùa thu 1950! Cũng vì vậy, Chương Trình SÁNG TÁC MỚI 3 của Đài Phát Thanh VNHN đã đem lại nhiều thương tiếc, nhớ mong, nhất là cho những kẻ ra đi từ dạo thu ấy, nay... Kiếp sống tha phương, Thân phận lưu đày, Giọt lệ âu sầu, Nghẹn nấc từng đêm... Bài Mùa Thu Hà Nội của Hoàng Thi do Bảo Yến trình bày sao mà buồn não, ngậm ngùi như hơi thở của đô thành xa xôi (đó là nhờ tài năng của nhạc sĩ, ca sĩ và nhất là người giới thiệu diễn ngâm là nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn thực hiện chương trình). Xin cảm ơn anh Tuấn đã cho vào CT-STM 3 bài thơ Em Có Về Làng Xưa (viết cuối tháng 12-2000) của Lê Mộng Nguyên do giọng ngâm tận cùng thổn thức và ai oán của nghệ sĩ Đoàn Yên Linh, mà nghe lại tôi không cầm được nước mắt:
Em có về làng Phú Xuân xơ xác
Cạnh Huế thành sau bão lụt vừa qua
Em về thăm cánh đồng thu man mác,
Lá chưa vàng cây cối vẫn như xưa...

Nhà thơ nữ Hoàng Hoa, một người bạn những ngày thơ ấu ở cố đô, tác giả CD "Hoa Vàng Thi Tập" với những giọng diễn ngâm: Hồng Vân, Thúy Vinh, Đoàn Yên Linh, Bảo Cường, khi nhận được bài thơ tôi gửi tặng, hứng cảm ngay bài Họa Em Có Về (Los Angeles, ngày 14/01/2001) có 8 câu đầu rất đau khổ như sau:
Em có về sau cơn bão lụt
Trước năm hai ngàn buồn lắm anh ơi
Quê hương mình nay xơ xác tả tơi
Cánh đồng đẹp ngày xưa không còn nữa!...
Túp lều tranh thay lá vàng rực rỡ
Gió thu về rên xiết giữa hư không
Dòng sông xưa Bình Lục vẫn chờ mong
Đã tan vỡ bóng hình ai thuở trước...

Bài Em Giấu Tôi Vào Huyền Thoại của Vũ Thư Nguyên, người nhạc sĩ trẻ tuổi, tác giả CD "Thuở ấy mới Yêu Em" 1987, dồi dào nhất trên Mạng Lưới, phổ thơ Linh Lan, do ca sĩ Quang Minh trình bày, là một sự đối đáp huyền diệu giữa nhà thơ, người nhạc sĩ với tình yêu, vạn vật và không trung. Nguyễn Đăng Tuấn không những là nhạc sĩ với cung đàn mà còn là một tâm hồn thơ ướt át qua giọng đọc (diễn ngâm) bài thơ Vẫn Là Nỗi Nhớ Người của Trần Thị Hà Thân (với tiếng sáo đệm réo rắt, thiết tha, quạnh hiu) diễn tả mùa thu đượm buồn qua biển sóng... Cũng như qua lời giới thiệu và giọng đọc thơ Lá Rụng của Thúy Diễm, hay Mây Mùa Thu của Đặng Thế Kiệt, Chia Tay của Mạc Phương Định, Thu Về Em Có Hay của Phạm Sĩ Trung... Tôi cầu chúc NS Nguyễn Đăng Tuấn sáng tác nhiều về mùa thu như Mưa Tháng Chín (rất tiếc không có trong CT Thu): Nguyễn Đăng Tuấn (vừa xuất bản CD Cánh Chiều - tình ca NĐT phổ thơ Phạm Ngọc với tiếng hát Nguyên Thao, Thụy Long, Tô Hà Quỳnh Lan, Tố Nga, Hạnh Nguyên, Quang Minh) ở đây anh cũng phổ thơ Phạm Ngọc (nhà thơ ngẫu tượng của phần đông các nhạc sĩ trừu tượng hoặc trữ tình):
... Mưa tháng chín dài cơn đau nặng hạt
Rồi ngọt ngào vào khoảng cách mênh mông
Tôi vẫn gọi âm thầm trăng quá khứ
... Tôi trở lại con đường xưa bỡ ngỡ
Chiếc lá vàng vừa rụng gió heo may.

... Mà nhân dịp, Ngọc Dung đã viết trên Mạng Lưới (Trinh Nữ): "...Mưa Tháng Chín một bản nhạc tình yêu với lá vàng vừa rụng nghe nỗi niềm trăn trở đánh thức lòng tôi sau những giấc mê dài. Nhắm mắt lại với tiết tấu giai điệu của Nguyễn Đăng Tuấn tôi thấy mình nhẹ bỗng chơi vơi như chiếc lá bay trong mưa thu về một phía... không người." Nhạc THU chọn lọc trong buổi phát thanh STM 3 sao mà lãng mạn quá, thơ mộng quá, tình yêu người luôn hòa hợp với tình yêu đất nước như trong Lời Người Xa Xứ của Hồng Khắc Kim Mai, do một giọng nam rất trầm ấm, xúc động của người còn ở lại quê nhà. Biết nói gì đây để diễn tả nỗi tâm tình tha thiết của chúng ta đối với đồng bào quốc nội? Tình Là Hư Không của nhạc sĩ, ca sĩ BS Phạm Anh Dũng, tác giả rất nhiều CD như: Tình Bỗng Khói Sương (phổ thơ Phạm Ngọc), Tình Khúc Hồi Hương và Nhớ Saigon, vân vân, là một nghệ sĩ mà tôi mến chung tài năng và tư cách phong nhã (do Bảo Yến ca rất hoài niệm, qua những lời nhẹ nhàng, êm đẹp và triết lý: Chiều thu mưa vẫn rơi... Chiều thu mưa trắng bay... Chiều thu cơn gió lay... Tình là hư không...). Một Chiều Thăm Em của Hiếu Anh (tác giả nhiều CD như : Giai Điệu Yêu Thương, Tình Ca Học Trò, Cho Người Tình Xa Cách, Lời Tình Buồn, vân vân) do ca sĩ Quốc Thái trình bày, làm tôi nhớ lại những chiều mưa đầu thu tôi đến thăm người em yêu dấu (mới tuổi dậy thì) trú ngụ đường Nam Giao, kinh thành Huế... Ôi bao kỷ niệm ngày xưa lại hiện về trong trí óc, dồn dập như "Lá vàng rơi chứa chan... ngoài song" (Chiều Vàng Năm Xưa)! Cùng theo một ý niệm, người nhạc sĩ trai trẻ nhưng đã lẫy lừng trên mạng lưới là Vũ Hữu Toàn (phụ trách Nhóm Em Ca Hát) qua bài Mùa Thu Của Tôi phổ thơ Phạm Ngọc với tiếng hát Công Bình, đã làm cho thính giả đi sâu vào cuộc tình lãng mạn của tác giả với người yêu... Còn nói gì đến giọng ca thanh thoát, mỹ miều Mezzo soprano của nữ danh ca Lệ Mai trong Những Chiếc Lá Mùa Thu của phu quân đầy tài năng nhạc sĩ Tây Ban Cầm (mà cũng là một Giáo sư Khoa Học) Phạm Quang Tuấn... Cũng như nữ ca sĩ Tố Nga trong Giáng Thu của Nhật Vũ mà tôi đã từng mến phục qua báo Hồn Quê của ký giả BS Vương Huyền. Tóm lại, buổi phát thanh của Đài VNHN hôm mồng 9 tháng 10-2004 do nhạc sĩ Nguyễn Đăng Tuấn phụ trách là một tán dương ca mùa thu huyền diệu, mùa thu sầu, mùa thu man mác...

Cách đây đúng một năm, tôi nhận được một bức thư của luật sư André BÙI từ Marseille (Pháp), Mùa Thu 2003: ...Do một sự ngẫu nhiên, chúng tôi đã có hân hạnh đọc bài báo bàn về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư và qua bài báo nói trên, chúng tôi đã tìm lại được một số tình tiết vọng về từ một thời vang bóng nên xin mạo muội ghi vài hàng để hầu chuyện cùng Giáo sư và nếu có điều gì sơ khoáng, kính mong Giáo sư vui lòng khoan thứ cho. Tuy nhiên, trước hết xin mạn phép Giáo sư tự giới thiệu là Bùi Đăng Hà mà vì tên thánh là André nên tên chính thức trở thành André BÙI. Thuở nhỏ theo học tại Institut de la Providence (Huế), Lycée Blaise Pascal (Tourane), Lycée Chasseloup Laubat (Saĩgon) và Lycée Yersin (Dalat), say mê âm nhạc cổ điển tây phương, chơi đàn mandoline, banjo, guitare và piano và cũng trong bối cảnh nghệ thuật ấy mà khi còn thơ ấu, chúng tôi đã nghe các bậc đàn anh hát những tình khúc lãng mạn nên thơ của một thời xa xưa như Suối Mơ, Trăng Mờ Bên Suối, Thiên Thai, Trương Chi... Mãi đến nay, ngồi nghe lại Suối Mơ và Trăng Mờ Bên Suối (do nữ ca sĩ Thanh Lan trình bày) mà tâm hồn không khỏi rung động bâng khuâng trong một nỗi ngậm ngùi vô tận, nghe như đã đánh mất đi một cái gì thật thiêng liêng và đầy thi vị mà từ nay sẽ không bao giờ tìm lại được trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Ngoài ra, gia đình chúng tôi cũng quen biết nhiều với gia đình Bác Thám và anh Luân, cây vĩ cầm danh tiếng của Lycée Khải Định, là bạn với anhchúng tôi. Anh kể lại cho chúng tôi rằng mỗi khi anh Lê Đình Luân đàn vĩ cầm là các nữ sinh của Lycée Đồng Khánh đều tán thưởng. Thậm chí có đêm các nữ sinh ở dortoir (trong đó có người chị của chúng tôi) đều thức dậy vì tiếng vĩ cầm réo rắt của anh Luân. Thật quả là một thanh niên hết sức tài hoa. Thế nhưng, như Nguyễn Du tiên sinh đã dạy "Tinh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa", anh Luân đã vĩnh viễn ra đi để lại cho chúng ta bao nỗi ngậm ngùi.

Riêng về bài báo thì đã được viết như sau: "Ông Lê Đình Luân bị chết khi kháng chiến chống Pháp". Anh chúng tôi vốn là bạn khá thân với anh Luân đã tâm sự cùng chúng tôi về cái chết của anh Luân. Lúc đó chúng tôi còn quá nhỏ, nhưng anh chúng tôi kể lại rằng không một ai hiểu Việt Minh bản chất như thế nào. Ở tuổi đôi mươi, nghe những danh từ hào nhoáng như kháng chiến, xâm lăng, thực dân, thì cứ như bầy cừu của Panurge lao mình vào một guồng máy hết sức khủng khiếp. Lại thêm từ ngữ Việt gian treo lơ lửng trên không tựa hồ như lưởi gươm Damoclès, rơi xuống đầu ai thì dĩ nhiên người ấy phải chết, và cứ như thế, cả một thế hệ đầy thiện chí, khả năng và lý tưởng, đã bị cuốn vào một guồng máy không lối thoát. Đến khi hiểu được mọi tình huống thì đã quá muộn . Anh Luân và anh chúng tôi cũng không thoát khỏi tình cảnh cay đắng này.

Cuối cùng anh Luân rủ anh tôi bơi qua sông Hội An trong đêm tối vì lúc đó Việt Minh không đủ nhân lực để canh gác như ngày nay. Anh tôi trả lời rằng sự ra đi và bơi trong đêm tối như vậy nếu may mắn thì có thể thực hiện được nhưng đến khi bơi tới bờ sông bên kia, nơi phe Quốc Gia kiểm soát thì e khó toàn mạng vì trong đêm tối mịt mù mà lính canh (Quốc Gia) thấy có vật di động trên sông thì sẽ nghĩ rằng đó là Việt Minh bơi qua sông để phá hoại và sẽ nổ súng ngay. Làm sao có thể cho họ biết rằng mình về thành để lánh nạn Việt Minh? Luân cũng phần nào đồng ý như vậy và đôi bạn thân đã bàn thảo khá nhiều về cuộc phiêu lưu quá mức hiểm nguy này. Sau đó, vì không chịu nổi sự khắc nghiệt và tàn bạo của VM nên anh Luân đã ra đi và đã mất tích và cứ mỗi lần nhắc lại thảm kịch này, anh chúng tôi buồn bã vô cùng.

Vậy xin có đôi hàng đơn sơ để gọi là góp thêm vài chi tiết vào sự ra đi đầy uất nghẹn và bi thương của anh. Thư bất tận ngôn song giấy vắn tình dài. Xin cầu chúc Giáo sư và gia đình dồi dào sức khỏe và mọi sự như ý an khang và xin được tạm dừng bút nơi đây. Kính thư, André BÙI.

Đọc xong thư năm ngoái (Mùa Thu 2003), tôi bàng hoàng, cảm động, những kỷ niệm xưa lại dồn dập trở về, nhưng trước hết tôi phải làm công việc đính chính vì đó là một bổn phận thiêng liêng đối với nhạc sư vĩ cầm Lê Đình Luân mà hồi ấy tôi xem như thầy, như người anh cả của tôi. Vì sao có sự lỗi lầm như thế ? Nguồn gốc từ đâu? Xem lại bài tiểu sử của Lê Mộng Nguyên trong Vẻ Vang Dân Việt, Tuyển Tập IV của Trọng Minh, California 1998 (do Trần Quang Hải sưu tầm về LMN, từ trang 168 đến trang176, trong mục "Sự Nghiệp Âm Nhạc"), tôi xin trích: ...Sau đó, ông học đàn lục dương cầm (guitare) với người anh của chị Tôn Nữ Tư Tề là bạn học cùng lớp, ít lâu sau ông lại học đàn vĩ cầm (violon) với ông Lê Đình Luân bị chết trong khi tham gia kháng chiến chống Pháp. Bà mẹ ông Luân đã tặng cho ông Lê Mộng Nguyên cây đàn của người con xấu số. Cây đàn này đã được mang theo sang Pháp và vẫn còn được giữ thật kỹ như một báu vật tại nhà riêng của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên ở Paris... Từ dạo ấy, NS Trần Quang Hải cho đăng tiểu sử LMN trên nhiều báo chí ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc vân vân với sự sai lầm (không cố ý) về cái chết của anh Lê Đình Luân... Bây giờ chúng ta biết rõ (nhờ thư đính chính của luật sư André BÙI) là vì muốn trốn tránh chiến khu Cộng sản để trở về tiếp tế Quân Lực VNCH, mà chiến sĩ LĐL đã hy sinh cả cuộc đời mình: cảm động và oai hùng lắm thay! Sở dĩ cho đến bây giờ (một năm sau) tôi mới viết những dòng đính chính này, là vì một lúc đọc hết thư "Mùa Thu 2003, Marseille", tôi sắp đặt nó vào một hồ sơ với ý định sẽ trả lời tường tận, vì việc khẩn cấp trước hết là phải sửa đổi ngay trên các báo và mạng lưới đã đăng rất nhiều lần Tiểu Sử (ngắn hay dài) của Lê Mộng Nguyên. Tôi bắt đầu sứ mệnh này qua Trang Nhà của Đặc Trưng và cũng cho nhạc sĩ TQH biết để anh cho sửa chữa lại như sau việc này: ...ông Lê Đình Luân bị chết vì muốn bỏ Việt Minh để trở về Quốc Gia chống Cộng sản. Việc đính chính xong một phần nào, tôi muốn soạn tìm thư Marseille để trả lời thẳng cho luật sư BÙI thì, than ôi, lá thư biến đâu mất trong hàng trăm hồ sơ chất chồng trong văn phòng làm việc của tôi và trên những rayons của ba thư viện lớn trong nhà... Cách đây một tuần, ngẫu nhiên tìm thấy lá thư nằm lẫn lộn trong một hồ sơ không dính dáng gì với cái chết thê thảm của nhạc sĩ vĩ cầm Lê Đình Luân mất tích một mùa thu năm nào, không ai biết. Tôi còn nhớ chiều hôm ấy (trong những năm 1945-1947), sau khi dạo chơi thành phố bên kia cầu Trường Tiền, lúc trở về nhà ở Chợ Cống (làng Phú Xuân) mới đặt chân vào phòng khách thì thấy một cây đàn vĩ cầm trang trọng nằm trên một bàn tròn lớn (như trong bức tranh "Le Luthiste" của hoạ sĩ Nga quốc Caravage), mẹ tôi nói (giọng buồn bã, trang nghiêm): Đó là cây đàn mà Bác gái Lê Đình Thám muốn tặng con, vì chỉ con là người xứng đáng được tiếp tục đàn trên cây vĩ cầm của anh Lê Đình Luân sau khi Bác được tin anh vĩnh viễn ra đi... Cảm ơn Bác đã nghĩ đến con, con sẽ luyện tập vĩ cầm theo những bài học mà nhạc sư Lê Đình Luân đã dạy bảo, đó là bổn phận thiêng thiêng mà con phải vẹn toàn trong những ngày sắp tới... đối với Bác và người anh quí mến. Với cây đàn vĩ cầm này, tôi điều khiển Ban Hợp Ca thanh thiếu niên Phật tử trong bài Mồng Tám Tháng Tư (Mừng Khánh Đản) của Lê Mộng Nguyên sáng tác theo lời yêu cầu của Hòa Thượng Minh Châu, để khánh thành Chùa Từ Đàm ở Huế trong năm 1948. Với cây đàn này, tôi là người nhạc sĩ độc tấu độc vĩ cầm bi ca "HồnTử Sĩ" trong dịp lễ truy niệm hương hồn một học sinh (tổ chức tại vườn hoa lớn của Trường Trung Học Khải Định) đã bỏ mạng cho tự do tư tưởng và tự do phát biểu trong miền Nam-lãnh thổ Quốc Gia...

Lê Mộng Nguyên (Paris)
  

No comments: