Thế nào là đắt? Đôi lời nói lại với Joseph Nye
tuanvietnam.net - 06:00 30-01-2010"Cách tốt nhất là làm cho việc đối xử không đúng đắn của họ (tức Trung Quốc) phải trả giá rất đắt." - Câu trả lời của GS Joseph Nye khiến nhà nghiên cứu Dương Danh Dy có đôi lời bàn thêm.
Chiều 13/1/2010, với tư cách là một cán bộ ngoại giao cũ, nên mặc dù đã nghỉ hưu, tôi vẫn được mời tham dự cuộc tọa đàm với giáo sư Joseph Nye về vấn đề"Quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế hiện đại và khuyến nghị chính sách đối ngoại cho Việt Nam". Trong khoảng thời gian trình bày rất ngắn, vị giáo sư này đã nói được những điều cần nói, có những góp ý bổ ích cho người nghe.
Trong phần trao đổi ý kiến, tôi đã nêu câu hỏi:"Liệu thế giới có thể thuyết phục Trung Quốc hành xử có trách nhiệm hay không?" để tỏ ý không tin biện pháp mà ông khuyên các nước có liên quan nên làm. GS Nye đã nói rõ hơn quan điểm của mình:"cách tốt nhất là làm cho việc đối xử không đúng đắn của họ (tức Trung Quốc) phải trả giá rất đắt."
Không hoàn toàn tán thành câu trả lời này, nhưng tôi không nói thêm vì muốn dành thời gian để các bạn trẻ nêu câu hỏi với thần tượng của mình. Và đó chính là nguyên nhân của bài viết hôm nay.
Cái giá của sinh mệnh
Nói chung ai cũng thấy, một hành động mà phải trả giá, trả giá rất đắt là không nên làm rồi, thế nhưng vấn đề phải làm rõ là: với bạn thì cái giá phải trả này là đắt, là rất đắt, thế nhưng với tôi và một số người khác thì cũng vẫn cái giá đó là không đắt, là có thể chịu đựng được là chẳng có gì đáng sợ... cả. Nghĩa là cái giá phải trả còn tùy thuộc vào sức chịu đựng, quan niệm... của từng người, từng nhóm người, từng dân tộc(cần nhấn mạnh: nhất là ban lãnh đạo đương nhiệm của dân tộc đó)
Chỉ xin đưa ra một ví dụ, ai cũng biết cái giá phải trả bằng sinh mệnh của những người trực tiếp tham gia và liên quan trong một cuộc chiến tranh là cái giá phải trả đắt nhất. Thế nhưng với người Mỹ, người Pháp, người Nga , người Nhật, người Việt Nam, người Ấn Độ, hay ngay giữa những người cùng chung sống trên bán đảo Triều Tiên v.v.. đều có sự khác biệt, nhiều khi khác biệt kinh khủng.
Tôi còn nhớ vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với câu nói "nổi tiếng": đế quốc Mỹ là con hổ giấy, Chủ tịch Mao Trạch Đông còn có một câu nói mà đến nay tôi không nhớ và chưa tìm được nguyên văn, nhưng đại ý là: dù chiến tranh nguyên tử xảy ra có hy sinh một nửa số dân, nhân dân Trung Quốc cũng không sợ, số còn lại vẫn tiếp tục làm cách mạng. Xin nhớ cho là, một nửa số dân Trung Quốc lúc đó khoảng hơn 300 triệu người. Liệu người Mỹ có dám trả cái giá về sinh mệnh lớn đến như vậy không?
Ban đầu tôi cứ tưởng câu nói "chết một nửa số dân cũng không sợ" là câu nói cường điệu của Chủ tịch Mao, nhưng sau này đọc được những tài liệu do chính người Trung Quốc viết ra tôi mới hiểu, Chủ tịch Mao đã không cường điệu, Điều ông nói là có căn cứ lịch sử và dường như thành"truyền thống" của nước này rồi.
"...Cuối thời Chiến Quốc dân số Trung Quốc có khoảng 20 triệu người, nhưng sau các cuộc chiến tranh nông dân cuối đời Tần chỉ còn lại 6 triệu người - mười phần chết bẩy. Đời Tây Hán dân số lên tới 60 triệu, sau động loạn thời Tam Quốc mãi đến đời Thịnh Đường vẫn chưa khôi phục được số dân bằng đời Tây Hán.
Trong 2000 năm lịch sử số lần chết quá nửa dân số ít nhất cũng xảy ra tới 10 lần." (Nhân Dân nhật báo ngày 16/11/1979, tr 4)
"Một số tình hình dân số Trung Quốc:
Hằng đế, nhà Đông Hán, năm 156 sau công nguyên: 59.594.987 người,
Cuối đời Tam quốc: Ngụy: 4,433 triệu người, Thục: 940.000, Ngô: 2,3 triệu.
Tấn năm 280: 16 triệu người,
Tùy năm 609: 46 triệu người,
Đường năm 740: hơn 48 triệu người,
Tống năm 1120: hơn 46 triệu người,
Nguyên năm 1290: hơn 58 triệu người, (có thể thấy là sau hơn 1000 năm dân số không tăng do chiến tranh, đất nước chia thành nhiều mảng...)
Minh năm 1393: hơn 60 triệu người,
Thanh năm 1764: hơn 205 triệu người,,,,"
(Nguồn Báo "Thanh niên Trung Quốc" ngày 28/1/1980, tr.3)
......
Qua mấy tư liệu trên, có thể thấy một số người lãnh đạo Trung Quốc không ngán phải trả giá về sinh mạng đâu. Tôi tin trong việc này , Giáo sư Nye hiểu rõ hơn chúng tôi vì chắc chắn ông biết cái giá sinh mệnh mà Mỹ và Trung Quốc đã phải trả trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã chênh lệch như thế nào.
Cái giá của chiến tranh hủy diệt?
Một cái giá phải trả nữa không thể xem nhẹ là sự hủy diệt của chiến tranh. Một nhà ngoại giao Mỹ đã nghiêm túc nói với tôi:"một nhân vật có trách nhiệm của Trung Quốc đã nói với Mỹ: sức mạnh hạt nhân và phương tiện vận chuyển nó của Trung Quốc chưa bằng Mỹ, nhưng khi cần, chí ít đòn phủ đầu của chúng tôi có thể hủy diệt cả vùng Los Angeles của các vị." (đề nghị xem thêm bài viết được coi là của Trì Hạo Điền-nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc - nv)
Liệu chính phủ Mỹ có dám chấp nhận cái giá phải trả đó không?
Tôi không muốn nói tới những cái giá rất đắt mà nhân dân Trung Quốc đã, đang và sẽ còn phải chịu đựng một thời gian dài nữa trong việc cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường nặng nề và mức sống nhiều người lao động còn tương thấp thấp để đổi lấy hơn 2000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ hoặc danh hiệu"nhà máy của thế giới" vì tin là giáo sư biết nhiều hơn chúng tôi.
Liệu nhân dân Mỹ có dám chấp nhận sự hy sinh và chịu đựng đó không?
Mấy lời góp nhặt bước đầu, nếu có chỗ nào chưa phải đạo xin được rộng lòng lượng thứ.
http://news.socbay.com/the_nao_la_dat_doi_loi_noi_lai_voi_joseph_nye-625299300-16842752.html
No comments:
Post a Comment