Sunday, July 18, 2010

RFA * PHỎNG VẤN DƯƠNG DANH DY



RFA, 30-9-09

Phỏng vấn Dương Danh Dy về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Mặc Lâm

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày hôm nay, 1 tháng 10 năm 2009 ăn mừng 60 năm với những thành tựu mà nước này đã phấn đấu đạt được qua nhiều thời kỳ. Trong sáu mươi năm đó, sự thành công hay thất bại nào của Trung Quốc cũng đều được Việt Nam chú ý học hỏi và lắm khi đi quá xa đến nỗi không nhận ra được ảnh hưởng sâu đậm của phương Bắc đối với nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc. Biên tập viên Mặc Lâm của RFA có cuộc nói chuyện với ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, người có khá nhiều nghiên cứu về Trung Quốc để tìm hiểu thêm những vấn đề giữa hai nước trong sáu mươi năm qua.

Mặc Lâm: Có một thời miền Bắc đã xem Trung Quốc như một kinh nghiệm thực tiễn cần noi theo và người dân tin rằng cái gì Trung Quốc đưa ra cũng đúng và tốt cả. Xin ông khái quát hoàn cảnh xã hội vào những ngày đầu tiên khi làn sóng học tập Trung Quốc dấy lên..

Dương Danh Dy: Đúng là có môt thời số đông người ở miền Bắc do những điều kiện hạn hẹp về thông tin, hạn hẹp về tiếp xúc với thế giới chỉ thấy Trung Quốc là nước ở gần, cùng chung cảnh ngộ với mình. Sau khi giành được thắng lợi họ xây dựng thành công họ có những kinh nghiệm này nọ cho nên không ít những người Việt Nam gửi gấm lòng tin vào đó và cũng cho Trung Quốc là một điển hình để mình có thể noi theo được. Nhưng sau một số những thất bại cụ thể của Trung Quốc trong phong trào “nhảy vọt lớn”, trong phong trào “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”, phong trào “công xã nhân dân” trong “toàn dân làm gang thép”…thì đã khiến rất nhiều người Việt Nam tỉnh ngộ. Người ta thấy rằng những chuyện học tập của ông bạn này phải cảnh giác.

Mặc Lâm: Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa xảy ra thì giới lãnh đạo Việt Nam có những phản ứng như thế nào? Họ có rút được bài học gì qua biến cố này hay không?

Dương Danh Dy: Tôi phải nói cho nó rõ, một số người lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thời bấy giờ ngay từ đầu đã thấy cái gọi là “Cách mạng văn hóa” thực chất là cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ ban lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc chứ không phải cách mạng gì hết. Tất cả các mỹ từ họ dùng chung quanh việc ấy đều che giấu một sự thật. Chúng ta biết sau những thất bại lớn về phong trào đối nội, về những phong trào vừa nói thì chủ tịch Mao Trạch Đông hầu như bị cô lập và phải lui về thứ hai. Ông ta rút lui không ứng cử chủ tịch nước nữa mà làm chủ tịch đảng, chuyên làm công tác lý luận của đảng. Trước tình trạng mất quyền lực như vậy Mao Trạch Đông phải tìm cách phát động một cuộc đấu tranh để giành lại quyền lực. Việt Nam không có chuyện đấu tranh quyền lực tranh giành nội bộ cho nên ngay từ đầu ban lãnh đạo cao nhất của đảng không nghĩ đến chuyện học tập Trung Quốc để làm cách mạng Văn hóa. Tuy vậy cũng có một vài vị mà tôi không dấu gì bạn tức là có Ủy viên Bộ chính trị, có Ủy viên trung ương đảng, có Ủy viên dự khuyết trung ương đảng, tức là các cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng vẫn cho là cuộc cách mạng ấy là hay mà chúng ta phải học tập. Tất nhiên hoàn cảnh Việt Nam không có chuyện đấu tranh giành quyền lực gay gắt như ở Trung Quốc cho nên nếu ai có ý định đó thì bị phản đối ngay lập tức.

Mặc Lâm: Thế nhưng “Vụ án xét lại chống Đảng” thì sao? Nó xảy ra vào giai đoạn này và liệu có dính líu gì tới bài học Trung Quốc hay không thưa ông?

Dương Danh Dy: Cái đó thật ra cũng có chuyện tranh giành nội bộ nhưng ta dàn xếp khéo cho nên nó không bộc lộ ra mà chỉ giới hạn ở một số ít người thôi. Tôi có thể nói vậy vì đảng nào cũng có đấu tranh nội bộ hết nhưng có điều vấn đề chưa đi đến mức gay gắt thế thôi. Bảo Việt Nam không có là ý tôi muốn nói không có lớn và sống chết như của Trung Quốc

Mặc Lâm: Xem ra hiện nay vẫn còn một số nhân vật lãnh đạo vẫn giữ ý kiến cho là nên nhường nhịn hơn là căng thẳng với họ, ông nhận xét ra sao về những thái độ như vậy?

Dương Danh Dy: Tôi cũng xin nói thật với bạn tôi và nhiều anh em có tâm huyết trao đổi với nhau và dần dần chúng tôi mới ngộ ra thì chẳng qua là ở bên cạnh một nước lớn thì thời nào cũng thế thôi. Cũng có một số ít người chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tức là đường lối của họ hay, chủ trương chính sách họ đúng, họ mạnh họ ghê gớm lắm thì tốt nhất là chúng ta nên thần phục…Để khắc phục tình trạng này thì chúng ta phải nêu cao ý chí dân tộc độc lập tự chủ tự cường. Ý chí không sợ gì hết trên cơ sở độc lập tự chủ chung sống với các nước láng giềng

Mặc Lâm: Trong cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm…rồi cuộc chiến tranh biên giới cũng rất kiên cường ...Vậy sao trong thời bình như bây giờ lại có quá nhiều người chỉ nghe nói đến hai chữ Trung Quốc lại tỏ vẻ sợ hãi một cách khó hiểu như vậy?

Dương Danh Dy: Tôi có một suy nghĩ riêng như thế này, trong thời chống Mỹ, tôi lấy một thí dụ thôi. Lúc đó chúng tôi chỉ có một nửa ở miền Bắc, trước mặt là 50 vạn quân Mỹ và hơn một triệu quân đối phương. Chỗ dựa của chúng tôi là Liên Xô và Trung Quốc thì họ lại mâu thuẩn đánh nhau ở biên giới. Thế nhưng lúc đó triệu người như một, vì mục đích giải phóng dân tộc thống nhất đất nước nên không sợ gì cả. Bây giờ hơn 80 triệu dân, đất nước giang sơn thu về một mối…nói chung còn điều này điều nọ nhưng mà đều muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh dân chủ tự do và hạnh phúc. Lại được đông đảo Việt kiều bên ngoài ủng hộ. Lại được các nước trên thế giới ủng hộ chúng ta, vào Liên hiệp quốc vào WTO... thế thì tôi nghĩ chẳng có gì phải sợ. Trung Quốc đúng là hiện nay họ rất lớn mạnh nhưng họ cũng có những giới hạn của họ. Giới hạn trong nước với những vấn đề nội bộ gay gắt chứ không phải đơn giản…rồi còn dư luận quốc tế và thế giới nữa. Trong xu hướng toàn cầu hóa thế giới hội nhập này không phải anh muốn làm gì cũng được nếu anh không giương được ngọn cờ chính nghĩa. Cho nên tôi nghĩ rằng đối với Trung Quốc chúng ta tôn trọng nhưng chúng ta cũng nói với Trung Quốc rằng hãy để cho chúng tôi yên, để chúng tôi tự làm theo con đường của chúng tôi

Mặc Lâm: Là một cán bộ ngoại giao làm việc tại Trung Quốc từ đầu những năm 62, ít nhiều gì ông cũng biết cá tính cũng như các thói quen phản ứng chính trị của nước này. Theo ông thì biện pháp nào ông cho là tốt nhất trong hoàn cảnh khá khó khăn hiện nay? Nhất là vấn đề biển đảo?

Dương Danh Dy: Theo tôi vấn đề biển đảo là nếu Trung Quốc và Việt Nam cứ khăng khăng là của mình thì sẽ không giải quyết được gì cả. Trung Quốc có dùng quân sự không? Tôi không loại trừ khả năng đó. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa như hiện nay. Trong lúc thế giới phụ thuộc nhau thì việc này không dễ làm. Chúng ta không muốn chuyện đó. Chúng ta muốn giải quyết bằng cách thương lượng, hòa bình như ý muốn của nhiều người Trung Quốc vẫn thường nói

Mặc Lâm: Đối với giới lãnh đạo hiện nay ông mong muốn gì ở họ nhất thưa ông?

Dương Danh Dy: Tôi vẫn tâm nguyện là mong làm sao tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, mong sao những cán bộ đối ngoại Việt Nam có được trí tuệ, có được bản lĩnh có được nghệ thuật chung sống với Trung Quốc thì tôi tin là chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
http://www.viet-studies.info/kinhte/DDDy_VietTrung_RFA.htm



Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2009-07-02

Mới đây, Trung Quốc đã mạnh mẽ chống lại việc Hà Nội đệ trình bản đăng ký thềm lục địa mở rộng tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 7 tháng 5 vừa qua và động thái này ngay sau đó đã bị Việt Nam phản bác.

AFP PHOTO/Frederic J. Brown

Thủ tướng VN Nguyễn Tân Dũng gặp gỡ Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo hôm 17-4-2009, nhân chuyến sang Trung Quốc tham dự Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao.

Hà Nội cũng vừa công khai đặt mua một số tàu ngầm tối tân của Nga với số tiền bằng phân nửa ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam.

Điều gì đang xảy ra giữa bang giao Trung -Việt khi chỉ cách đây ít lâu Việt Nam vẫn còn rất dè dặt khi nói đến vấn đề nhạy cảm này? Mặc Lâm phỏng vấn ông Dương Danh Dy một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc để biết thêm những kinh nghiệm mà nhà ngoại giao này có được.
Bối cảnh

Mặc Lâm: Thưa ông vào ngày 7 tháng 5 vừa qua Việt Nam đã đăng ký thềm lục địa mở rộng dù biết rằng Trung Quốc sẽ chống đối. Xin ông cho biết việc làm này có ý nghĩa như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

Ông Dương Danh Dy: Ta báo trước cho Trung Quốc biết đấy. Tôi nói cho các anh biết là tôi sẽ đăng ký cái này dù các anh có phản đối. Tức là tôi qua đó để nói với anh rằng thái độ của chúng ta, những nhà lãnh đạo của chúng ta bây giờ cũng là cương quyết rồi. Chúng ta có thể nói là những vấn đề lớn, những vấn đề nguyên tắc là chúng ta không lùi.

Việt Nam chúng ta bây giờ không thể, nhưng mà muốn giải quyết vấn đề này không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc.

Ô. Dương Danh Dy

Mặc Lâm: Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngoại giao ông đã tiếp cận khá nhiều với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về cách mà nước này đối phó với Việt Nam trong những năm qua?

Ông Dương Danh Dy: Theo tôi, vấn đề của ta với Trung Quốc, ngoài những vấn đề bauxite ở trên lục địa thì bây giờ vấn đề Biển Đông nó nổi lên thành một vấn đề có thể nói là nhạy cảm, gay gắt và nó thể hiện rõ cái quan hệ hai nước ấm lạnh như thế nào là cũng qua đây nó thể hiện đấy.

Nhưng trong vấn đề này thì tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ta bây giờ không thể, nhưng mà muốn giải quyết vấn đề này (thì) không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc. Sức mạnh dân tộc đây tôi nói là cả trong và ngoài nước chứ không phải là chỉ có trong nước đâu.

Ngoài nước cũng là sức mạnh rất đáng kể mà trước đây tôi đã rất chú ý vấn đề này nhưng mà gần đây thì người trong nước mới chú ý đến họ.

Thế thì đấy là sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại. Sức mạnh của thời đại đây tức là cái công khai hoá, cái quốc tế hoá, cái đa phương hoá để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của những người đồng tình với chúng ta.

Mặc Lâm: Dư luận cho rằng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã viện trợ cho Miền Bắc rất nhiều và có lẽ sự trợ giúp quân sự này đã khiến cho Hà Nội tỏ ra quá mềm yếu trong khi đàm phán về biên giới giữa hai nước, phải không ạ?

Ông Dương Danh Dy: Bây giờ cũng không thể kết tội ai được bởi vì nó là chuyện lịch sử rồi. Chúng ta có một số điều hứa. Tôi biết rất rõ những điều hứa này của ta. Ta có những điều hứa trong vấn đề Biển Đông. Cái hứa của chúng ta lúc đó thì có những nguyên nhân là do chúng ta bênh Trung Quốc, có những nguyên nhân do chúng ta dốt, chúng ta không hiểu gì cả.

Tôi xin nói thật, tôi đã từng đi điều tra biên giới trên bộ nhiều lần và tôi thấy có những cái đúng là sự ngây ngô khờ dại, có những cái do lúc bấy giờ người ta giúp mình nhưng mà mục đích là đưa hàng hoá sang nhanh chẳng hạn.

(Video: Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa)

Như tôi nói làm một con đường đi qua lãnh thổ của Trung Quốc thì là phải qua đèo cao, thế thì đi vòng chân đồi mở rộng sang chỗ đường bằng phẳng đi vòng trên đất nước Việt Nam thì đường ô-tô dễ đi. Lúc không có chuyện thì không sao, nhưng bây giờ anh nói đường của tôi ở đâu thì đất của tôi ở đấy.

Thế là mình mất toi mấy chục hecta trở lên. Làm thế nào được! Đấy, lúc đó là trong hoàn cảnh thời chiến. Người ta giúp mình, mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đó, có thể là không nghĩ ra, có thể là dốt, vân vân. Bây giờ muốn trách cứ thế nào thì cũng phải chịu thôi.
Sức mạnh dân tộc

Mặc Lâm: Mới đây thì Việt Nam đã chính thức đặt hàng mua một số tiềm thủy đỉnh tối tân của Nga. Ông nhận định việc này ra sao?

Ông Dương Danh Dy: Phông phải bây giờ mới là lần đầu. Ta có tên lửa, ta có máy bay tầm xa, ta có tàu ngầm bỏ túi, trước những cái này rồi. Tôi nói thật báo chí Trung Quốc họ công khai rồi, các anh không có đọc nên không biết đó thôi.

Báo chí Trung Quốc đánh giá lực lượng mình, cho điểm rất kỹ : máy báy SU-30, SU-37 của Nga thế nào, tàu ngầm bỏ túi của Triều Tiên như thế nào, họ biết cả đấy. Tên lửa tầm gần, tầm trung của ta như thế nào, họ biết cả đấy chứ không phải không đâu.

Thế thì bây giờ cái chuyện chúng ta mua 6 tàu ngầm của Nga, như vậy đó là nằm trong kế hoạch. Chúng ta thì không chạy đua vũ trang nhưng mà chúng phải có cái bảo vệ mình. Anh không còn lùi được nữa.

Trên bộ xong rồi thì bây giờ trên biển đấy. Trên bộ thì họ còn cái bauxite, họ cắm cái dao găm vào đấy. Nhưng mà cái đó các anh bên ngoài theo dõi cũng thấy. Nhân dân mình cảnh giác, người già cảnh giác, trẻ cảnh giác, cũng là một mặt nhưng mà không đáng ngại, nhưng còn cái biển thì bây giờ cái vấn đề nó nóng bỏng rồi, không lui được nữa rồi, chỉ có cách bây giờ mình giải quyết như thế nào?

Theo tinh thần của cha ông mình, khôn ngoan khéo léo dựa vào sức mạnh của ta, sức mạnh trong nước, sức mạnh ngoài nước, sức mạnh của thế giới, sức mạnh của dư luận tiến bộ, vân vân.

Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng động thái mua võ khí tối tân của Việt Nam có làm cho Trung Quốc đi đến những quyết định quân sự mà từ lâu họ vẫn âm thầm chờ đợi hay không?

Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng trong lúc này phía Trung Quốc họ chưa làm được cái gì lớn đâu. Cho đến tháng 10 sang năm Trung Quốc tổ chức triển lãm quốc tế ở Thượng Hải, cho nên trong giai đoạn này thì Trung Quốc chưa dám làm điều gì lớn ở Biển Đông đâu.

Nhưng mà sau thời điểm 2010 trở đi thì chưa biết họ làm cái gì đâu. Họ kinh khủng lắm chứ. Không phải là đùa với người láng giềng này được đâu.
Ứng phó với Bắc Kinh?

Mặc Lâm: Trong khi làm việc với Trung Quốc, ông có nhận xét gì về những chiến lược của họ đối với vấn đề biên giới hai nước? Đặc biệt là biên giới trên bộ?

Ông Dương Danh Dy: Trong cái chuyện Biển Đông bây giờ thì nó lại còn gay gắt hơn trên bộ bởi vì rõ ràng là trong cái chuyện này thì đây là một cuộc đối đầu không cân sức. Trung Quốc mạnh hơn ta rất nhiều. Thế thì mình bây giờ phải có biện pháp khôn ngoan làm thế nào để mình giữ vững được. Chúng ta cũng phải xem lại, xem mình như trước đây chủ trương công khai như vậy đã đúng chưa?

Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang cái lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những cái nhược điểm đó.

Ô. Dương Danh Dy

Theo tôi nghĩ bây giờ đương giai đoạn nung nấu. Vấn đề này hiện nay đã trở thành vấn đề thời sự trong nước. Bây giờ ở trong nước tôi biết là ta tìm được quả ấn chứng tỏ rằng ngày xưa đất của chúng ta ở gần Bằng Tường, cách biên giới bây giờ khoảng hai chục cây số, tức là các cụ nhà mình cũng mất đất cho Trung Quốc, cho nên những người bên ngoài cứ bảo rằng chúng tôi là hèn, chúng tôi bán nước, chúng tôi không có cái chuyện đó đâu.

Chúng tôi đấu với họ (Trung Quốc) cũng căng lắm chứ, nhưng mà trong cái tương quan lực lượng, nhất là biên giới trên bộ, anh nào yếu hơn, anh nào khôn hơn, lọc lõi hơn, mình thì yếu hơn lại có những lúc dại khờ, có những lúc cả tin, tất nhiên cái chuyện thua thiệt là cái điều khó tránh khỏi. Khó chứ không phải dễ tránh nổi lịch sử đâu!

Mặc Lâm: Và cuối cùng xin ông một kết luận về những điều mà ông cho là quan trọng nhất để người Việt chúng ta dè chừng và đối phó với họ?

Ông Dương Danh Dy: Tôi làm việc với Trung Quốc suốt từ năm 1962 đến năm nay về hưu rồi nhưng mà vẫn cứ tiếp xúc với những người làm với Trung Quốc là cái anh láng giềng nó to, nó khoẻ, nó lại tham, nó lại xấu tính.

Mệt lắm. Lúc hữu nghị mình tưởng nó hữu nghị nó giúp mình hết sức, nhưng mà nó cũng luôn luôn tìm cách nó thọc gậy. Tất nhiên là những cái giúp đỡ của họ với mình thì mình không bao giờ quên. Nó to lớn lắm! Nhưng mà ngay trong những lúc họ giúp đỡ mình to lớn nhất họ vẫn có ý đồ. Có, mà lúc đầu mình không để ý.

Cho nên trong cái buổi phát biểu gần đây tôi có nói như thế này: "Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang cái lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những cái nhược điểm đó".

Mặc Lâm: Thưa, một lần nữa xin cám ơn ông đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn rất đặc biệt này.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html

*

No comments: