Friday, July 23, 2010

TRẦN BÌNH NAM * CỰU TỔNG THỐNG CLINTON


*




Cựu tổng thống Clinton và một số vấn nạn hiện nay của Hoa Kỳ

Tại Nam Phi hôm 29/6 ông Wolf Blitzer của đài CNN đã phỏng vấn cựu tổng thống Bill Clinton về một số các vấn đề nhức nhối của Hoa Kỳ và thế giới. Là một cựu tổng thống nắm vững hậu trường của các vấn đề được hỏi và không có chức vụ chính thức trong chính quyền ông Clinton đã hiến cho thế giới những cái nhìn thă?ng thắn, sâu sắc và độc đáo. Riêng vấn đề quan hệ Trung quốc - Hoa Kỳ đã không được bàn đến - có lẽ - vì bà Hillary Clinton đang là Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Sau đây là tóm tắt các ý chính của cựu tổng thống Clinton. Wolf Blitzer: Chúng ta có thể thắng cuộc chiến ở Afghanistan không ?

Clinton: Chúng ta có thể thắng nếu những người Afghan yêu tự do muốn thắng. Hãy nhìn cuộc chiến Iraq. Nhiều người Mỹ cho rằng sự tăng quân tại Iraq (TBN: gọi là surge, tăng 20.000 quân để bảo vệ Baghdad và tỉnh Al Anbar trong tháng 1/2007) là một thành công lớn. Đúng là một thành công. Nhưng lý do thành công vì vào thời điểm đó nhóm Sunni quyết tâm chống Al Qaeda vì al Qaeda đã giết những lãnh tụ Sunni không đồng ý với các chính sách tôn giáo khắc nghiệt của họ. Từ Thế chiến II dến nay không có cuộc chiến tranh chống nổi dậy nào thành công, trừ cuộc chiến chống nổi dậy tại Malaysia vì nhóm nổi dậy là người thiểu số gốc Trung hoa chứ không phải người bản xứ.

Nguyên tắc căn bản là nếu nhóm nổi dậy chỉ có thể sống chết với nơi họ sống và không có chỗ nào khác để đi thì chúng ta không có thể thắng dù chúng ta triển khai bao nhiêu lực lượng. Nếu chúng ta có thể làm cho người Afghan nhận trách nhiệm thì chúng ta có thể thắng. Đổ nhiều phương tiện và tiền bạc vào chỉ khuyến khích tham nhũng. Wolf Blitzer: Cần bao nhiêu thời gian để làm việc ấy? Clinton: Tôi không thể ấn định thời gian. Nhưng tôi không làm như tổng thống Obama là ấn định thời điểm rút quân. Tôi nghĩ cần vài ba năm nữa. Wolf Blitzer: Cần thêm 3 năm, 5 năm? Clinton: Tôi không biết.

Wolf Blitzer: Tổng thống Obama có chọn lựa nào khác ngoài việc cách chức tướng McChrystal ? Clinton: Ở cương vị tổng thống ông ấy khó làm khác. Wolf Blitzer: Lâu nay dân chúng Mỹ xem chiến tranh Iraq như đã kết thúc. Nhưng tôi thấy nó không đơn giản như vậy. Iran còn ảnh hưởng nhiều đến tình hình Iraq. Cuộc bầu cử sít sao (ngày 7/3/2010) giữa hai nhóm Shia và Sunni vẫn chưa giải quyết được. Cho đến hôm nay vẫn chưa thành lập được một chính phủ. Về mặt quân sự chúng ta đâu có thể làm được gì? Clinton: Tôi cũng lo lắm. Nhưng nếu nhóm thua hiểu rằng họ thua sít sao cho nên nếu họ chấp nhận nhóm “tạm thắng” cầm quyền họ có nhiều cơ hội lãnh đạo quốc gia một cách yên lành trong bầu không khí dân chủ nếu họ thắng trong vòng tới.

Wolf Blitzer: Có cách gì ngăn chận Iran chế tạo bom nguyên tử không? Clinton: Tôi không biết! Đây là vấn đề nhức đầu cho thế giới Tây phương. Người dân Iran thích một chế độ cởi mở. Trong 8 năm tôi cầm quyền dân Iran đi bầu 6 lần. Lần nào những người đắc cử đều thuộc thành phần ôn hòa và đều được từ 2/3 đến 70% phiếu. Nhưng Hiến pháp của thời đại giáo chủ Khomeini còn đó và dành mọi quyền hành cho 30% còn lại thuộc giới tu sĩ. Thành phần này nắm tài chánh, an ninh, chính sách ngoại giao và quyền chấp thuận hay bác bỏ các bộ luật do quốc hội thông qua (TBN: ý ông Clinton nói quyền quyết định chế tạo vũ khí nguyên tử ở trong tay nhóm này chứ không ở nơi 70% ôn hòa).

Nếu biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không kết quả, người ta có thể đánh phá cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran. Nhưng thành công hay không là một chuyện khác và cái giá phải trả sẽ không lường trước được. Trước hết chúng ta mất cảm tình của 70% ôn hòa. Nhân dân Iran sẽ trở thành một khối đoàn kết thù nghịch với chúng ta. Tuy nhiên nếu Iran có bom nguyên tử thì chúng ta cần làm cho họ hiểu rằng nếu họ xử dụng dế đánh ai thì nước Iran sẽ không còn tồn tại trên trái đất này. Vì vậy điều đáng lo không phải ở chỗ Iran dùng bom nguyên tử đánh ai mà ở chỗ Iran do sơ suất hay tham nhũng có thể làm thất thoát vũ khí hay nhiên liệu nguyên tử vào tay bọn khủng bố và bọn khủng bố dùng đánh chúng ta.

Cho nên chính sách ngoại giao của chúng ta đối với một nước Iran có bom nguyên tử sẽ rất tế nhị. Phải giữ cảm tình của 70% khối dân ôn hòa. Càng nghĩ càng thấy khó. Wolf Blitzer: Có triển vọng một cuộc cách mạng dân chủ tại Iran không ? Clinton: Muốn có một cuộc cách mạng tại Iran cần một trong hai điều kiện: hoặc quân dội và lực lượng an ninh hành động, hoặc những người trẻ tuổi từng xuống đường đòi dân chủ sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận vừa rồi (ngày 12/6/2009) sẵn sàng chết cho dân chủ. Nhưng cả hai thành phần này đều không muốn hành động vì nhân dân Iran có truyền thống yêu nước.

Họ nghĩ rằng hành động lật đổ chính phủ là mắc bẫy Tây phương. Wolf Blitzer: Khi ông hết trách nhiệm tổng thống vào cuối năm 2000, ông gần đạt được một giải pháp hòa bình cho Do Thái và Palestine. Và ngay bây giờ chắc ông còn nhiều sáng kiến. Vậy nếu tổng thống Hoa Kỳ, Do Thái và Palestine đều mời ông ra giúp giải quyết bế tắc hiện nay ông có nhận lời không? Clinton: Trong việc này tôi làm gì cũng phiền cho ông tổng thống và cho bà ngoại trưởng Hillary. Nhưng nếu giúp được gì tôi sẽ làm dù tôi sẽ phải trả giá mắc.

Trên thực tế không gian hành động của tôi lúc này rất giới hạn. Nhớ lại, khi tôi đề nghị giải pháp hòa bình năm 2000 thủ tướng Ehud Barak thuận, nhưng phía Palestine không tỏ ý gì cả. Họ thương thuyết bằng cách im lặng. Dư luận thế giới cứ tưởng hai bên thương thuyết gay cấn lắm, thật ra chẳng có gì cả. Rồi khi thủ tướng Ariel Sharon đi thăm Temple Mount, Palestine mắc lừa Ariel Sharon và nổi dậy (TBN: gọi là cuộc nổi dậy thứ hai – second intafada - của người Palestines chống Do Thái tháng 9/2000) .

Thế là hỏng hết. Hiện nay thăm dò cho thấy 59% dân Do Thái sẵn sàng ủng hộ bất cứ giải pháp hòa bình nào thủ tướng Natanyahu đưa ra. Phía Palestine tổng thống Abbas và thủ tướng Fayad đều có thiện chí nên có điều kiện tốt để đi đến một giải pháp. Khoảng 20 nước A Rập trong vùng (ngoại trừ Iran và Syria) cũng muốn thấy một giải pháp nhưng kẹt là họ không thể lên tiếng công khai ủng hộ và hứa sẽ thiết lập quan hệ tốt với Do Thái về ngoại giao, chính tri, kinh tế và an ninh nếu Do Thái đạt được một giải pháp hòa bình với Palestine vì ngại phản ứng của Iran. Điều khác nữa là trong 10 năm qua, từ ngày tôi rời chức vụ đến nay có hai thay đổi lớn. Thứ nhất có thêm gần một triệu người Do Thái từ Nga trở về.

Những người này không nhìn Do Thái trong cái khung lịch sử của nó mà chỉ biết Do Thái hiện là đất sống và phải bảo vệ từng mảnh đất bằng mọi giá không chia xẻ gì cho ai cả. Thứ hai là sự nới rộng các khu định cư của Do Thái trong vùng West Bank. Vào năm 2000, Palestine có thể đổi 3% đất West Bank sát với Do Thái để di chuyển 97% số người Do Thái định cư tại những vùng xa biên giới ra. Bây giờ họ phải mất 6% đất để chuyển 80% người định cư. Cho nên việc thương thuyết đổi đất giữa Palestine và Do Thái bây giờ khó khăn hơn nhiều. Lúc này người Do Thái tưởng rằng họ đang có thế mạnh về kinh tế.

Nhưng thực tế nền an ninh của Do Thái đang bị đe dọa. Trước hết thành phần chủng tộc của Do Thái thay đổi. Số người gốc Do Thái càng ngày càng ít. Thứ hai là kỹ thuật hỏa tiễn. Các hỏa tiễn của Hamas khi được trang bị máy định vị GPS có thể bắn một cách chính xác và với một số hỏa tiễn giới hạn có khả năng gây nhiều thương vong. Điều kiện để Do Thái kết thúc một thỏa ước hòa bình với Palestine hiện rất thuận lợi vì các nước A Rập đang có chiều hướng muốn cải tổ và họ cần hòa bình. Wolf Blitzer: Khó khăn thì có khó khăn, nhưng nếu ông muốn giúp một tay thì tổng thống và bộ trưởng ngoại giao sẽ không từ chối chứ?

Clinton: Tổng thống Obama và nhân dân Do Thái có thể muốn tôi giúp, nhưng chính phủ Netanyahu không muốn. Ông ta và tôi là bạn, nhưng quan niệm đối với thế giới khác nhau. Tôi quả thật lo cho an ninh của Do Thái nếu Do Thái cứ giữ thái độ cứng rắn hiện nay đặc biệt về quy chế của thành phố Jerusalem, nhưng ông Netanyahu nghĩ rằng tôi có khuynh hướng bênh Palestine. Tôi tin rằng một giải pháp Do Thái-Palestine phải bao gồm sự chia đôi thánh địa Jesusalem. Wolf Blitzer: Ông có nghĩ kinh tế Mỹ đang thoái trào lần thứ hai? Clinton: Hãy xem G20 đang họp và bàn những chuyện gì. G20 đang bàn xem cái gì quan trọng nhất: Tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao hay các nước tiên tiến mắc nợ quá nhiều. Theo kinh điển kinh tế thì sự co cụm kinh tế là vấn đề quan yếu nhất, vì vậy giải pháp bình thường là thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng quốc hội Hoa Kỳ không muốn thấy một “stimulus package” nữa.

Giảm thuế là thất sách. Tôi từng chống chính sách giảm thuế của tổng thống Bush. Không có gì phi lý bằng chúng ta đang đánh hai trận giặc tại Iraq và Afghanistan, và phải vay tiền cho chi phí chiến tranh trong khi người giàu có được giảm thuế. Hiện nay nếu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng thì Hoa Kỳ sẽ đi vào một cuộc suy thoái thứ hai như năm 1937 dưới thời tổng thống Roosevelt. Các ngân hàng của chúng ta có hơn 1.5 trillion mỹ kim (1500 tỉ) nhưng không dám cho vay. Cần tạo điều kiện để ngân hàng có thể cho vay mà không sợ mất vốn như đã xẩy ra với vụ subprime mortgage.

Thí dụ cho vay có bảo đảm để tu bổ lại các buildings chống sự mất nhiệt và giảm sản xuất khí thải nhà kiếng. Chúng ta sẽ tạo công ăn việc làm cho công nhân trong ngành xây cất, hiện thất nghiệp 25%, cao gấp 2.5 lần chỉ số thất nghiệp toàn quốc, và trong vòng 5 năm chúng ta tiết kiệm được từ 20 đến 45% năng lượng và đồng thời giúp giảm độ nóng của khí quyển. Có công ăn việc làm thì có sinh hoạt kinh tế, chính phủ thu được thuế, ngân sách bớt thất thu và chúng ta vượt qua dần cuộc khủng hoảng kinh tế. Wolf Blitzer: Người ta phê bình tổng thống Obama lạnh lùng trước các vấn nạn kinh tế, thiên tai của dân chúng.

Và người ta ghi nhận ông (khi làm tổng thống) chia sẻ vấn nạn của dân một cách sâu sắc hơn. Sự thật ở đâu? Clinton: Người ta đã phê bình oan ông tổng thống. Khi tôi làm tổng thống cũng có người phê bình tôi thờ ơ. Tôi nghĩ tổng thống Obama đã làm những gì cần thiết. Còn tổng thống bị khen chê thì nhớ rằng khi dân chúng còn vấn đề để lo thì không ai khen tổng thống. Và bất cứ tổng thống nào cũng không thể làm gì để thay đổi tâm lý đó. Hơn nữa tổng thống Obama và tôi thuộc hai thế hệ khác nhau. Tổng thống Obama có khả năng chia sẻ nỗi đau với người dân một cách dễ dàng, nhưng làm vậy ông có thể bị phê bình là đóng kịch. Nếu CNN muốn tôi có một lời khuyên với những người ra gánh vác việc nước thì đó là sự ngay thẳng và sống thật với chính mình.

Giả dối thế nào cũng bị lộ ra và rồi không ai tin mình nữa. Trở lại việc chia sẻ nỗi đau với người khác, đặc biệt việc ống dầu vỡ trong vịnh Mexico, tôi nghĩ việc bít không cho dầu chảy ra nữa, tiếp theo là chận không cho dầu chảy vào bờ và dọn sách dầu đã tấp vào bờ biển là những việc ưu tiên hơn lăng xăng bày tỏ ưu tư. Tại đó có 20.000 ngư dân gốc Việt Nam đang thất nghiệp và có thể sẽ sạt nghiệp và còn biết bao nhiêu gia đình người gốc Scotch và Irish không có công ăn việc làm vì kỹ nghệ khai thác dầu ngưng trệ.

Tôi nghĩ đến một giải pháp để chấm dứt việc dầu chảy trong vịnh Mexico là dùng Hải quân làm nổ tận gốc ống dầu bể rồi dùng đá hay bất cứ thứ gì nặng lấp giếng dầu lại. Đó là phương pháp duy nhất Hoa Kỳ có thể làm. Nếu không chúng ta phải nhờ phương tiện kỹ thuật của BP và của nước khác như Na Uy. Wolf Blitzer: Ông có nghĩ hai giếng BP đang khoan sẽ nối vào gốc ống dầu bể và chấm dứt hẵn việc chảy dầu vào tháng 8 này không ? Clinton: Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi như vậy. Nhưng không có lý do gì chúng ta không tin khả năng kỹ thuật của BP./.

Trần Bình Nam July 23, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

No comments: