VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Hai, 26 tháng 7 2010 RSS
TS Cù Huy Hà Vũ: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại
Các hành vi quân sự của Trung Quốc ở biển Đông ngày một gia tăng, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên đánh chìm một cách vô cớ… đang biến Đông Á thành khu vực nổi sóng. Vậy thì Việt nam phải làm gì? Sau đây là một số nhận định của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ từ Hà Nội dành cho VOA nhân dịp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vừa chấm dứt tại Hà Nội.
Hình: Cù Huy Hà Vũ
Chia sẻ
Tin liên hệ
VOA: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, với tư cách một nhà tranh đấu có tầm nhìn chiến lược hàng đầu trong công cuộc bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, ông có thể chia xẻ cảm nhận của cá nhân về những gì đang xảy ra liên quan đến an ninh của các nước ASEAN nói riêng, khu vực Đông Á nói chung?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Phải nói ngay rằng, bước sang thế kỷ 21, an ninh thế giới đã chuyển trọng tâm từ châu Âu sang Đông Á.
Một cách khái quát, an ninh thế giới từ sau Chiến tranh thế giới II được mặc định bởi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh nóng mang tính hủy diệt hàng loạt giữa các nước phương Tây và khối cộng sản Đông Âu do Liên Xô đứng đầu và nỗ lực này đã thành công với sự sụp đổ ngoạn mục và được báo trước của khối cộng sản trên lục địa cũ vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20.
Ngày nay bất an thế giới lại đến từ Đông Á, hay chính xác hơn, từ Trung Hoa cộng sản.
Thực vậy, chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc “hậu Đông Âu” đang biến tướng thành chủ nghĩa đế quốc cổ điển hay chủ nghĩa Tân Đại Hán với đặc trưng là bành trướng lãnh thổ.
VOA: Dựa vào đâu Tiến sĩ cho rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc đang biến tướng?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Ở Đông Nam Á, như tôi đã từng đề cập, Trung Quốc đã và đang thực hiện xâm lược cả “cứng” lẫn “mềm”. “Xâm lược cứng” là dùng sức mạnh quân sự để thôn tính như Trung Quốc đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và đang làm đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Xâm lược mềm” là di dân cùng các dự án kinh tế có thời hạn hàng chục năm đến 99 năm ký với các nước “con mồi’ như cựu bán đảo Đông Dương và Miến Điện.
Ở Đông Bắc Á, Trung Quốc đang thực hiện “xâm lược mềm” đối với Bắc Triều Tiên bằng cách làm cho chế độ Bình Nhưỡng phụ thuộc vào họ đến độ dứt ra là “tắc tử”. Nói cách khác, Bắc Kinh đang thực hiện một cái chết từ từ đối với Bắc Triều Tiên để thời cơ đến sẽ sáp nhập vào Trung Quốc, biến nước này thành một “Nội Triều” theo hình mẫu “Nội Mông”.
VOA: Nếu kịch bản “Nội Triều” là có thật thì nó sẽ xảy ra khi nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Theo tôi là vào giai đoạn “hậu Kim Chính Nhật” bởi lớp cháu nội của Kim Nhật Thành chắc chắn sẽ không đủ sức và nhất là không đủ bản lĩnh để cưỡng lại sự thôn tính của Bắc Kinh được chuẩn bị một cách công phu và cực kỳ thâm hiểm như đã phân tích.
Vả lại ở giai đoạn đó nếu Trung Quốc không “ra tay” trước thì một Bắc Triều Tiên kiệt quệ cả về kinh tế lẫn chính trị tất bị hút vào một Nam Triều Tiên thịnh vượng chẳng khác gì số phận của Đông Đức khi bức tường Berlin bị phá dỡ cách nay hai thập kỷ.
Để nói kịch bản “Nội Triều” tất yếu xảy ra nhưng Trung Quốc có thực hiện được chót lọt kịch bản này hay không lại là chuyện khác.
Ở Việt Nam phong kiến có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” nên thêm một lý do nữa để tôi tin lớp kế ngôi Kim Chính Nhật không thể nào giữ được Bắc Triều Tiên như “lãnh địa” của họ Kim và tôi cũng tin rằng không chóng thì chầy hai miền Nam – Bắc Triều Tiên sẽ xum họp một nhà, tức bán đảo này sẽ được thống nhất một cách hòa bình như đã diễn ra với nước Đức.
VOA: Thưa Tiến sĩ, ông có quá chủ quan không khi chế độ Bình Nhưỡng luôn khoe sở hữu vũ khí hạt nhân và sẵn sàng gây chiến tranh, như đã thể hiện bằng việc dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vào tháng ba vừa qua, theo kết luận của một điều tra quốc tế do Hàn Quốc đứng đầu; và mới đây còn dọa sẽ mở “thánh chiến” với Mỹ và Hàn Quốc?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Tôi cho rằng vũ khí hạt nhân nếu có chỉ đáng gờm khi còn nằm trong tay thế hệ “chiến tranh lạnh” như Kim Chính Nhật.
Về vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị bắn chìm thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một thách thức cực kỳ nghiêm trọng không chỉ đối với an ninh Đông Bắc Á mà đối với an ninh thế giới nói chung bởi nó diễn ra một cách vô cớ, không trong bối cảnh có xung đột quân sự công khai.
Chính vì tính chất siêu nghiêm trọng của vụ việc nên việc điều tra phải khách quan nhất có thể.
VOA: Ý ông muốn nói là cuộc điều tra do quốc tế tiến hành vẫn chưa được khách quan?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đúng vậy. Chưa kể tính khách quan khó có thể đứng vững khi Hàn Quốc là nạn nhân lại lãnh đạo nhóm điều tra thì một trong những nguyên tắc giải quyết vụ việc hình sự dù quốc nội hay quốc tế là không được làm oan người vô tội bằng cách tìm cho hết chứng cứ gỡ tội chứ không được nhăm nhăm tìm chứng cứ buộc tội đương sự như nhóm điều tra quốc tế vụ Cheonan đã làm đối với Bắc Triều Tiên cho đến thời điểm này.
Cụ thể là nhóm điều tra quốc tế, tất nhiên không phải do Hàn Quốc lãnh đạo, phải mời Bắc Triều Tiên cùng điều tra theo một trong hai phương thức: hoặc là ngay từ đầu khi lập nhóm điều tra quốc tế, hoặc là sau khi nhóm điều tra quốc tế đã có kết luận sơ bộ về vụ Cheonan, cốt để nước này phản bác bằng cách đưa ra những chứng cứ chứng minh họ không dính líu. Rồi trên cơ sở xem xét một cách nghiêm túc mọi chứng cứ cả buộc tội lẫn gỡ tội cho Bình Nhưỡng nhóm điều tra quốc tế mới có thể đưa ra kết luận về vụ này.
Trong trường hợp kết luận điều tra xác định Bắc Triều Tiên là thủ phạm đánh chìm tàu chiến Cheonan mà nước này vẫn không chịu thì kết luận này vẫn được đệ trình Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét kèm bảo lưu phản bác của nước này. Tiếp đó nếu Hội đồng bảo an đồng ý với kết luận điều tra mà ra nghị quyết xử lý Bắc Triều Tiên theo công pháp quốc tế thì cũng không mang tiếng là áp đặt và nếu thành viên nào phản đối thì đó sẽ là hành vi “lạy ông tôi ở bụi này”, tự bộc lộ mình là đồng phạm.
Do đó việc Bắc Triều Tiên đề nghị tham gia điều tra là một cơ hội trời cho để có được một cuộc điều tra công bằng dẫn đến một kêt luận công bằng. Thành thử việc Hàn Quốc bác bỏ đề nghị theo tôi là thiện chí này không những đẩy việc giải quyết vụ việc vào thế bế tắc mà nguy hiểm hơn, gia tăng sự đối đầu của Bình Nhưỡng đến mức không ai có thể kiểm soát.
Tóm lại, bằng mọi giá Hội đồng bảo an phải vạch ra được thủ phạm đánh chìm tàu Cheonan không chỉ để trừng trị theo công pháp quốc tế mà còn để phòng ngừa một cách có hiệu quả những vụ tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Còn nếu tổ chức quyền lực nhất thế giới này không làm được như vậy thì điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, vô cùng nguy hiểm ngay cả và trước hết đối với Bắc Triều Tiên. Thực vậy, nước này làm sao có thể kêu ai nếu tàu chiến của họ cũng bị đánh chìm một cách vô cớ như đã xảy ra với Cheonan!
VOA: Ông có nhận xét gì về lập trường của Hoa Kỳ trong vụ Cheonan, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đáng tiếc là Hoa Kỳ không có lập trường nhất quán trong vụ này khi vừa cáo buộc Bắc Triều Tiên gây ra vụ Cheonan vừa tuyên bố đây “không phải là hành vi khủng bố quốc tế” cũng như không có tuyên bố nào coi đây là hành vi chiến tranh của Bình Nhưỡng, trong khi tàu chiến bị đánh chìm chỉ có thể là sản phẩm hoặc của chiến tranh hoặc của hoạt động khủng bố chứ không thể của cái gì khác!
Tóm lại theo tôi Hoa Kỳ cần thay đổi thái độ, tuyên bố dứt khoát việc Bắc Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc là hành vi chiến tranh và yêu cầu Hội đồng bảo an xử lý.
Mặc dầu vậy, điều quan trọng trọng hơn rất nhiều là phải lần cho được nguyên cớ gì khiến Bình Nhưỡng có thể hành xử một cách nguy hiểm và ngạo mạn đến như vậy.
VOA: Theo Tiến sĩ, do đâu mà Bắc Triều Tiên có lối hành xử hiếu chiến đến như vậy?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hỏi tức trả lời, chính Trung Quốc - chứ không phải ai khác - “chống lưng” Bắc Triều Tiên làm vụ này.
Thực vậy, vấn đề không chỉ là với tư cách ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc Trung Quốc hoàn toàn có thể bảo đảm cho Bắc Triều Tiên thoát khỏi sự lên án và trừng phạt của Liên Hiệp Quốc như thực tế đã diễn ra mà là ở chỗ Bắc Kinh thông qua Bình Nhưỡng thách thức Mỹ về quân sự ở Tây Thái Bình Dương.
Tóm lại, cần phải đặt vụ Cheonan trong “hồ sơ Bắc Kinh” theo đó vụ này chỉ là “phép thử” mạnh mẽ đầu tiên của Trung Quốc đối với độ tin cậy của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh quân sự của mình nói riêng, độ tin cậy của các liên minh quân sự mà Mỹ là một bên nói chung, nhằm thực hiện chiến lược “Trung quốc hóa Đông Á” bằng vũ lực mà Bắc Kinh hẳn đã hoạch định cho thế kỷ 21 này.
Điều rất cần lưu ý là tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc dẫu hạn chế ở Đông Á nhưng vì nước này là cường quốc hạt nhân cũng như 1/3 lượng hàng hóa thương mại quốc tế và 50% số tàu chở dầu của thế giới qua lại trong khu vực nên chiến tranh xâm lược mà Bắc Kinh tiến hành tại đây tự nó mang tính toàn cầu. Bất an của thế giới ở thế kỷ 21 chính là chỗ đó.
Nói cách khác, an ninh thế giới mới phụ thuộc vào an ninh Đông Á.
VOA: Vậy theo Tiến sĩ, làm thế nào để hóa giải tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Đông Á?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Để có thể chống lại một mối đe dọa quân sự có tính toàn cầu như Trung Quốc tất không thể “tự lực cánh sinh” mà phải dựa vào liên minh quân sự với cường quốc hạt nhân khác. Tuy nhiên, như tôi đã từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn của VOA về tham vọng của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biển Đông, chỉ có Hoa Kỳ với tư cách cường quốc duy nhất trên thế giới sẵn sàng đối mặt với Trung Quốc về quân sự mới có thể giúp Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực Đông Á nói chung, giải nổi bài toán an ninh lãnh thổ.
Cụ thể là liên minh quân sự với Mỹ sẽ giúp Việt Nam khẳng định và bảo vệ thành công chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa
Tuy nhiên để có thể vô hiệu hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất các cuộc tấn công quân sự từ phía Trung Quốc cần phải có một tư duy phòng thủ mới trong khu vực.
VOA: Điều này rất quan trọng, xin Tiên sĩ nói rõ thế nào là “tư duy phòng thủ mới”?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Các liên minh quân sự song phương hiện có giữa Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Phillippines, Thái Lan với Mỹ là để đối phó với những nguy cơ của thế kỷ 20 chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, sự có mặt quân sự của Mỹ ở các nước đó là nhằm duy trì chính quyền sở tại phi cộng sản hay nói cách khác, mang tính chất đối nội, “nhà ai nấy lo”.
Nay thì nguy cơ khác hẳn, bắt nguồn từ tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc mà để hiện thực hóa nước này sử dụng chiêu “giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương” hay “chia để trị”. Vậy để hóa giải thành công chiêu “chia để trị” thì “kế liên hoàn” ắt là thượng sách. Cụ thể là phải tổ chức phòng thủ tập thể trên cơ sở liên kết các liên minh quân sự sẵn có và sẽ có với Mỹ trong đó liên minh quân sự Việt – Mỹ là không thể thiếu.
Tôi tạm gọi tổ chức phòng thủ mới này là Phòng thủ chung Đông Á (EACD - East Asia Common Defense).
VOA: Tại sao ông lại quả quyết rằng liên minh quân sự Việt – Mỹ là không thể thiếu trong hình thái phòng thủ chung chống lại đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đơn giản là Việt Nam là nước có kinh nghiệm dày nhất và thành công nhất trong kháng chiến chống xâm lược Trung Hoa và kinh nghiệm này một khi chia xẻ chắc chắn sẽ rất hữu ích cho phòng thủ của các nước khác cũng trong “tầm ngắm” của Trung Quốc.
Thực tình mà nói, Việt Nam là nước Trung Quốc sợ phải giao chiến nhất.
VOA: Liệu có trở ngại gì không khi Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, đối tượng mà Hà Nội coi là “xâm lược” trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù huy Hà Vũ: Để cứu nước thì dù có phải liên minh với quỷ dữ cũng vẫn phải làm. Với Hiệp định 6 tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh chẳng đã “rước” quân Pháp lăm le tái chiếm Đông Dương từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam để thay thế 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc chẳng phải là bài học lớn đó sao?
Thành thử liên minh quân sự với cựu thù hay “quân xâm lược” trong quá khứ để bảo vệ Độc lập và Chủ quyền lãnh thổ quốc gia đâu có phải là vấn đề!
Huống hồ quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam không phải là những kẻ xâm lược. Thực vậy, “xâm lược” là hành vi xâm chiếm lãnh thổ của nước khác trong khi cuộc chiến mà Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam là nhằm đánh chặn chủ nghĩa cộng sản chứ không nhằm mục đích chiếm đất. Nói cách khác, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến “ý thức hệ”.
Tương tự như vậy, nếu mục đích của Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước là lãnh thổ chứ không phải để chống “cộng sản hóa” bán đảo này thì không loại trừ lá cờ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã thêm một ngôi sao thay vì Hàn quốc bây giờ.
Vả lại, nếu ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam khăng khăng tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ nước khác là “xâm lược” để duy trì quan điểm “Mỹ xâm lược Việt Nam” thì cuộc chiến 10 năm của Việt Nam ở Căm Pu Chia, từ 1979 đến 1988, phải được gọi là gì?!
Nói cách khác, quan điểm “Mỹ xâm lược Việt Nam” thực sự “hết thiêng” với việc quân đội Việt Nam đánh thẳng vào Phnompenh để lật đổ chế độ diệt chủng của “cựu đồng chí” Khmer Đỏ.
VOA: Mới đây khi trả lời báo chí phỏng vấn về Hội nghị Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tuyên bố: “Không để các lực lượng xấu sử dụng vấn đề Biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân Việt Nam”. Phải chăng đây lại là trở ngại khác cho việc Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đồng minh quân sự của nhau, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Hoàn toàn không phải như vậy, ngược lại là đằng khác.
Thứ nhất, phải khẳng định rằng không có đảng phái chính trị nào, không có Nhà nước nào, không có nhân dân nào phi quốc gia và không có quốc gia nào lại có thể tồn tại không trên lãnh thổ cụ thể. Do đó bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là chính là bảo vệ quốc gia, tức bảo vệ lợi ích của nhân dân và mọi thể chế chính trị tồn tại trong quốc gia đó. Nói cách khác, không bảo vệ được lãnh thổ là mất hết!
Vì vậy, không thể có chuyện ngược đời là hy sinh lãnh thổ mà ở đây là chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc lại có thể bảo vệ được lợi ích của đảng phái chính trị, Nhà nước hay nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, phải nói thẳng là quan hệ “đồng chí” hay quan hệ “hữu cơ” phải bảo vệ bằng mọi giá giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc đã không còn lý do tồn tại.
Thực vậy, mục đích của chủ nghĩa cộng sản là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng một thế giới phi quốc gia. Thế nhưng có lẽ trừ thời kỳ trước khi nắm chính quyền, cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Đảng cộng sản Trung Quốc không đảng nào còn công khai “chí hướng” xây dựng một thế giới phi quốc gia và hiện nay thì cả hai đảng không những loại hẳn “đấu tranh giai cấp” ra khỏi cương lĩnh của đảng mà ngược lại, hối hả thực hành chủ nghĩa tư bản như thể lấy lại thời gian đã mất!
Thứ ba, nếu các chính khách như quan chức Đảng cộng sản hay Chính phủ Việt Nam mà tuyên bố như vậy thì hẳn nhiên đó là lời lẽ của những kẻ phản bội Tổ quốc và với loại người này mà bàn tính liên minh quân sự với nước ngoài để bảo vệ Tổ quốc thì quả thật hơn cả nhạo báng, là một sự sỉ nhục!
Tuy nhiên đây là phát ngôn của một tư lệnh quân sự mà phép quân thì được quyền nói dối, được quyền “nói một đằng, làm một nẻo”, mà theo binh pháp Tôn Tử là chiêu “Dương Đông kích Tây”. Nghĩa là phát ngôn trên của Tướng Phùng Quang Thanh nhằm che dấu nỗ lực ngày một gia tăng của quân đội Việt Nam trong việc chống lại hiểm họa xâm lăng từ Trung Quốc mà liên minh quân sự với Mỹ dù muốn hay không vẫn là sự lựa chọn hàng đầu.
Về phía ban lãnh đạo Bắc Kinh, tôi cho rằng họ, nhất là với tư cách hậu duệ của Tôn Tử, không dễ gì mắc kế “Dương Tây kích Đông” của tướng lĩnh Việt Nam nhưng cũng không dễ gì thoát khỏi như lịch sử chiến tranh giữa hai nước đã chứng minh.
VOA: Như tiến sĩ đã nói, liên minh quân sự với Mỹ là để cứu nước, cụ thể và trước mắt là để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Thế nhưng vào năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai Công hàm coi như tán thành Tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một sự kiện bị nhiều người Việt coi là “bán nước”. Vậy ý kiến của Tiến sĩ về Công hàm này như thế nào?
TS Cù Huy Hà Vũ: Năm 1979 trong Tuyên bố về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định sự diễn giải của Trung quốc về văn bản ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một sự công nhận chủ quyền của phiá Trung quốc trên các quần đảo là một sự xuyên tạc trắng trợn khi tinh thần và ý nghĩa của bản văn chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung quốc. Biên niên các hoạt động đối ngoại của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong sách “Phạm Văn Đồng và Ngoại giao Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam biên soạn năm 2006 đã không liệt kê văn kiện này.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng Công hàm không thể có giá trị vì được ký vào Chủ nhật, tức không phải ở nhiệm sở.
Thế nhưng phản đối cách diễn giải của Trung Quốc, dùng tiểu xảo hay dấu nhẹm Công hàm đều không phải là cách để rũ bỏ văn kiện ngoại giao tai hại này. Theo tôi cách duy nhất để làm việc này là chứng minh Công hàm không có giá trị về mặt pháp luật.
VOA: Muốn chứng minh thì phải chứng minh như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là vô hiệu với ba căn cứ sau:
Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có thẩm quyền đàm phán về lãnh thổ.
Hiệp định Genève 1954 đã chia cắt tạm thời Việt Nam làm hai tại vĩ tuyến 17 và dự kiến sự chia cắt tạm thời đó sẽ được xoá bỏ vào năm 1956 sau khi tổng tuyển cử được tiến hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam bầu ra được một Quốc hội thống nhất và trên cơ sở đó định ra được một Chính phủ thống nhất.
Như vậy, cả Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Bắc lẫn Chính phủ Quốc gia Việt Nam và tiếp đó nội các Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam đều là những chính quyền tạm thời nên theo công pháp quốc tế không có thẩm quyền đàm phán lãnh thổ với nước ngoài. Nói cách khác, chỉ có Chính phủ của một nước Việt Nam thống nhất mới có thẩm quyền đó.
Thế nhưng như chúng ta đã thấy, Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tư cách Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất, hơn thế nữa, với tư cách Chính phủ Việt Nam duy nhất được Liên Hiệp Quốc công nhận, chưa bao giờ công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà ngược lại, luôn khẳng định hai quần đảo này là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Hai là, ngay cứ cho rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ của nước Việt Nam thống nhất thì Công hàm này cũng không mảy may có giá trị pháp lý vì Công hàm này chưa bao giờ được trình Quốc Hội xem xét và phê chuẩn.
Thực vậy, theo thông lệ quốc tế, mọi cam kết quốc tế của Chính phủ, của Thủ tướng hay của người đứng đầu Nhà nước chỉ có giá trị pháp lý hay có hiệu lực thi hành nếu cam kết được Quốc Hội phê chuẩn. Nói cách khác, Công hàm chỉ dừng lại ở mức phản ánh quan điểm của cá nhân Thủ tướng Phạm Văn Ðồng hay của Chính phủ.
Ba là, Công hàm không có giá trị vì bản thân Tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc hoàn toàn không có giá trị đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực vậy, Trung Quốc chưa bao giờ phủ nhận dưới bất cứ hình thức nào chữ ký của Thủ tướng Chu Ân Lai tại văn bản Hiệp định Genève 1954 công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam được quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
VOA: Để kết thúc, Tiến sĩ có thông điệp nào nhắn gửi Diễn đàn khu vực ASEAN vừa chấm dứt?
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Đồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại vì một an ninh thế giới mới đến từ Đông Á.
VOA: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về sự mạnh mẽ và sâu sắc trong quan điểm cũng như về thời gian mà ông đã dành cho VOA trong cuộc phỏng vấn này.
*
No comments:
Post a Comment