Wednesday, July 7, 2010

PHAN HẠNH * DÌ TƯ


DÌ TƯ VÚ SỮA

Truyện ngắn của Phan Hạnh








Dì kể ở quê nhà Vĩnh Kim, Dì ngồi ngoài chợ bán trái cây đủ thứ, nhưng vú sữa là chánh, và vú sữa của Dì là nhứt, ai mua ăn rồi cũng phải khen ngon. Dường như Dì hãnh diện với cái tên hóm hỉnh thiên hạ đặt cho đó, vì nó nhắc nhở một tình yêu. Ngày đó có anh lính trẻ lạ hoắc lạ huơ mới ra trường về tiểu khu, lơ ngơ vào chợ xem dân cho biết sự tình. Lần đầu tiên tới miền đất lạ mà chàng lại muốn đi một mình để tìm cảm giác phiêu lưu. Chàng dừng lại trước sạp trái cây của Dì, một cô gái nhà quê ít học mới mười tám tuổi. Dì không đẹp nhưng ăn nói có duyên với nước da mặn mòi và một dáng vẻ khỏe mạnh.






Chẳng biết chàng mang cấp bậc gì, Dì mời đại: - Mua trái cây ăn đi thiếu úy. - Ấy chết. Cô đừng gọi tôi như vậy. Dì trố mắt nhìn. Giọng nói của anh là Bắc hay là Trung gì mà Dì không thể nào phân biệt được. - Tôi không phải là sĩ quan. Tôi chỉ là lính trơn thôi.


Lại lạ nữa. Lính gì ăn nói nhỏ nhẹ lịch sự ghê. Dì nghi quá, chắc ông ta giấu. Dì lại mời, lần nầy đổi cách xưng hô: - Vậy mời thầy mua ít trái cây. Nhìn đống vú sữa, chàng lính sữa hỏi ngớ ngẩn: - Đó có phải là trái vú sữa không cô? À... Ông nầy một là trên trời rớt xuống; hai là núp trong vạt áo dài của má ổng mới chui ra. Thuở đời nay trái vú sữa bán đầy trời mà nói chưa ăn bao giờ. Dì ngó anh lính ngố dò xét. Hay là anh chàng lại dở trò chọc ghẹo như Dì thường bị. Dì đáp gọn: - Dạ đúng vậy. - Tôi chưa ăn trái vú sữa bao giờ. Tôi muốn mua về ăn thử. - Dạ, thầy muốn mua bao nhiêu? - Hai trái.


Có tiếng cười hô hố. Tiếng cười của mấy người bán hàng khác, tiếng cười của khách tình cờ đi ngang qua. Dì đỏ mặt, lẳng lặng lấy hai trái lẻ gói lại đưa cho chàng. Ngày hôm sau, chàng trở lại, thật thà khen vú sữa của Dì (?) ngon ngọt nhưng chàng ăn bị nhựa trái dính rít môi. Dì biết ngay đúng là anh chàng lính sữa nầy chưa ăn vú sữa bao giờ. Dì muốn hỏi lại cho chắc: - Vậy thầy ăn bằng cách nào? - Thì bổ ra làm sáu miếng như cam rồi cạp. - Hèn chi! Thầy phải bóp nhẹ nhẹ trước nhiều lần cho mủ nó tan nó mới không dính miệng.


- Tôi muốn mua thêm… Dì Tư nghĩ là anh chàng định nói hai trái nữa nên Dì chận họng: - Vú sữa người ta chỉ mua một chục hoặc ít nhứt là nửa chục sáu trái đó thầy. - Thế thì cô bán cho tôi nửa chục vậy. Dì Tư lựa sáu trái vú sữa đã chín nhiều và lấy giấy báo gói lại đưa cho ông lính. Chàng trả tiền, cám ơn và quay đi.


Dì Tư nghĩ thầm người đâu mà thiệt thà quá. Sau đó chàng trở lại nhiều lần mua chục nầy đến chục khác cho đến ngày đất nước tan hàng, chàng đi đâu mất. Từ đó Dì bùi ngùi bâng khuâng nhớ người khách hàng thật thà đó mãi. Rồi một năm sau, trong lúc Dì lâm vào hoàn cảnh chật vật khốn khổ, chàng trở lại. Hai tâm hồn lưu luyến hòa nhịp, chàng ngỏ lời cầu hôn với Dì, và Dì bằng lòng. Chàng đã mang lại cho cuộc đời Dì hai mươi năm hạnh phúc và hai đứa con ngoan. Chàng xoay sở hùn vốn làm ăn với bạn, đủ tiền để gởi được Thu, đứa con gái mười tuổi ra đi đến bến bờ tự do. Lúc ấy đứa con trai còn nhỏ quá, Dì Tư không thể đành lòng từ biệt rời xa. Đến khi công việc làm ăn khấm khá hơn thì chàng đã chết vì tai nạn xe gắn máy trên quốc lộ Bốn trong một lần đi Saigon. Tuổi bốn mươi trở thành góa phụ, Dì Tư quay về với công việc buôn bán trái cây mà Dì đã quen, ở vậy nuôi con khôn lớn, cưới vợ cho con, an vui với hai đứa cháu nội. Cho đến hôm nay... trên xứ người... Dì Tư mới được trưởng nữ bảo lãnh qua đây mấy tháng. Canada đối với Dì như một tinh cầu xa lạ. Thành phố gì mà bự quá đỗi, rộng thênh thang; đường sá toàn xe hơi, xe đạp và xe máy không thấy. Người thì đủ màu da, từ trắng qua vàng, từ nâu qua đen sống chen lẫn với nhau.


Khỏi cần đi đâu xa, ngay như trong xóm nhà Dì ở cũng thấy có sự pha trộn đó. Dì hỏi con gái: - Xóm nầy có nhiều người Việt mình ở quá há con? - Dạ có. Ủa mà sao Má biết? - Thì Má đi bộ trong xóm thấy nhiều nhà có trồng rau húng, khổ qua, nghe có tiếng ra-dô nhạc Việt Nam, hửi có mùi ram thịt nước dừa, Má biết chớ sao. Biết tánh Má hay tài khôn, thích khoa trương thành tích, có một nói thành hai, Thu, con của Dì Tư ngẩm nghĩ một lúc hồi hỏi Dì: - Vậy Má có làm quen với ai chưa? - Có chớ sao không. Má mới làm quen với chị Hai nhà mặt tiền xây ra đường cái đó. Biết Má mới qua, chị Hai chỉ mới kể cho Má biết trong xóm nầy có ai, nhà nào là người Việt mình nữa. - À thì ra nhờ bác Hai nói, Má mới biết. - Ừ. Nhưng một phần cũng do Má đi bộ trong xóm. - Ở đây ai cũng có công việc bận rộn hết. Má không nên nói nhiều sợ làm phiền và mất thì giờ của người ta. - Người trẻ còn đi làm đi học mới bận rộn chớ dìa hưu rồi sống mình ên như vợ chồng chị Hai thì bận khỉ gì!

Thu tự biết nàng cũng là người có cá tính mạnh giống mẹ. Điều đó nàng nghĩ vừa tốt vừa không tốt vì tuy hợp nhau nhưng cũng hay cãi nhau. Vì nhận thức được điều đó nên nàng biết lúc nào nên tự rút lui để tránh tình trạng mẹ con đấu khẩu. Vợ chồng Thu có đứa con trai bốn tuổi. Vì bận bịu với công ăn việc làm, Thu phải gởi con ở nhà trẻ mầy năm liền khiến cho thằng bé Toàn nói tiếng Anh sành sõi hơn là tiếng Việt. Thu lại có một người hàng xóm tên Hiền trang lứa với Thu và cũng có một đứa con trai tên Việt là Chúc cùng tuổi với Toàn.


Chúc phát âm thành Chuck theo tiếng Anh cũng tiện. Do đó hai gia đình thường giao tiếp và hai đứa nhỏ có bạn chạy qua lại nhà nhau chơi. Chồng Hiền là người bản xứ da trắng nhưng rất thích giao tiếp với người Việt. Hôm nay vợ chồng Hiền rủ vợ chồng Thu đi xem triển lãm xe hơi. Chúc qua nhà Toàn chơi cho Dì Tư trông chừng luôn thể. Trước khi rời nhà, Thu để sẵn trong máy một DVD ca nhạc mới và chỉ dẫn cho Dì Tư cách bấm nút mở và ngừng để Dì Tư dùng khi cần xem. Hai thằng bé ngồi chơi ở phòng khách với đủ thứ đồ chơi.

Hai thằng nói toàn tiếng Anh khiến Dì Tư chẳng hiểu gì. Dì Tư thì cứ thoải mái nói tiếng Việt với chúng nó, nghe được thì tốt, nghe không được thì thôi. Bằng giọng ngọng ngịu, thằng Toàn lâu lâu cố gắng lắm mới rặn ra được một hai câu tiếng Việt ngắn gọn để trả lời những câu hỏi tới tấp của bà ngoại trong khi thằng Chúc cứ nghệch mặt trố mắt “What?” “What?” trông rất dễ thương. Dì Tư mắng yêu: - Bộ mầy là ếch sao mà cứ kêu huệch huệch hoài vậy?

Thằng Toàn cười nắc nẻ. Thằng Chúc tiếp tục giả bộ ngây ngô làm ếch. Dì Tư mở hộp nhiều thứ đậu rang trộn lộn để trên bàn thấp. Ba bà cháu mạnh ai nấy bóc lũm. Dì Tư bấm cái rì-mốt cồng-trôn mở xem DVD ca nhạc. Đến những màn trình diễn có pha lẫn tiếng Anh của ca sĩ trẻ hoặc hài kịch thì hai thằng lõi ngừng chơi gêm và trố mắt xem. Qua tới các tiết mục nhạc mùi, nhạc quê hương thì hai thằng làm lơ. Dì Tư thì chăm chú coi mê mẩn. Dì nói một mình: - Sao ở ngoại quốc ca sĩ nào cũng đẹp quá trời! Rồi nhìn lại hai đứa nhỏ da trắng môi hồng khỏe mạnh, Dì nói thêm: - Mà con nít ở đây cũng đẹp nữa.

Hộp đậu rang trộn đủ thứ một lúc đã hết sạch. Hai nhóc kêu khát nước, chạy vô bếp mở tủ lạnh. Dì Tư la oang oác: - Khoan! Tụi bây muốn gì nói tao lấy. Đừng có vói làm đổ đồ đạc báo hại tao mất công dọn dẹp rồi má mầy còn rầy tao coi chừng con nít mà cũng hổng nên thân. Dì rót nước cam cho chúng nó uống. Dì cũng uống một ly mát lạnh cả ruột gan. Hai nhóc uống xong là quăng hai cái ly nhựa vô bồn rửa chén rồi ù té chạy ra phòng khách. Dì rửa sơ ba cái ly úp dẹp rồi cũng trở ra phòng khách. Một lúc sau thằng Chúc hĩnh mũi hỏi: - Who farted?


Thằng Toàn ngó Chúc rồi ngó Dì và cười lỏn lẽn: - I did. Dì Tư tưởng thằng cháu ngoại hỏi Dì ai vừa tũn tẹt nên Dì lanh lẹ vọt miệng: - Chỉ có hai đứa bây bỏ bom thúi sao lại hỏi tao? Thằng Toàn đỏ mặt cố gắng giải thích: - Con nói English “I did” là con địt. Con không có hỏi bà. Dì Tư nghĩ mãi chẳng ra bèn buông một nhận định: - Tiếng Anh tiếng U gì mà rắc rối! Dì thèm đấu hót bằng tiếng Việt với người ngang tuổi, ngặt nỗi những người cỡ tuổi của Dì còn đi làm, như cô Hường ở dãy nhà kế đây chẳng hạn. Cô Hường cũng mới qua đây hơn năm, hiện đi làm nông trại, có xe đưa rước mỗi ngày sướng thấy mồ.

Cuối tuần, Dì Tư thích đi bộ chung với cô Hường vì hai người cùng là dân mới tới còn lạ nước lạ cái, tiếng Anh không biết, cam chịu phận gà nhà ăn quẩn cối xay, ngay cả đi xe buýt một mình cũng chưa dám và có lẽ sẽ không bao giờ dám. Đối với Dì Tư, giọng người miền Trung trọ trẹ của cô Hường tuy đôi lúc hơi khó nghe nhưng dù sao cũng còn nghe được. Còn tiếng Anh thì chịu chết một cửa tứ, cho dù có cố gắng cách nào đi nữa cũng vô ích. Cô Hường cũng là người lanh lợi thích làm thích nói, miệng bằng tay tay bằng miệng. Cô kể chuyện huyên thuyên nghe không hết. Cô bảo đi làm rau phải kiếm chuyện để nói cho nó mau hết giờ. Vợ chồng cô gốc người Tuy Hòa, qua đây là do thằng con trai trưởng tên Trọng bảo lãnh. Cô nói với Dì Tư là cô có năm đứa con. Hồi còn ở quê chồng cô đặt tên con là Vẫn Trong Trắng Bao Năm.


Lớn lên tới tuổi đi học và biết mắc cỡ, chúng sửa tên lại hết trơn thành ra là Vân, Trọng, Trang, Bảo và Nam. Về nguyên nhân cái vụ đặt tên con nghe hơi kỳ cục nầy, cô Hường kể: - Chị biết hôn, ông nhà em lớn hơn em tới sáu tuổi lận. Ổng nói tới khi đi cưới em, ổng cũng chưa hề gần gũi với người đàn bà nào; em là người yêu đầu tiên của ổng, bởi vậy cho nên ổng muốn đặt tên con là Vẫn Trong Trắng Bao Năm để lưu lại kỷ niệm. - Chà! Chồng cô coi vậy mà cũng chung tình dữ há. - Được cái nầy mất cái kia hà chị ơi.

Ổng không mèo chuột lăng nhăng nhưng ổng ghiền chơi đề, vé số, cà phê, thuốc lá và theo xưa kiểu tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu đó. Thì viện cớ để hành hạ vợ con vậy mà. Thôi, nhưng mà chị có muốn đi làm với em không thì em giới thiệu với cai thầu? - Cô Tư liệu tui làm có được hôn? - Sao lại không? Trái cây rau cải thì đâu có lạ gì với chị. Hay là chị chỉ chuyên trị vú sữa mà thôi? Làm chung chỗ em có mấy ông sồn sồn cỡ chị coi được lắm. Cô Hường vừa nói vừa đánh vào cánh tay tròn trịa của Dì mà cười ha hả. Dì Tư chạnh nhớ tới tình cảnh góa bụa đã mấy chục năm của mình.


Cô Hường dù sao cũng còn có ông chồng sống chung hủ hỉ, tuy rằng chồng cô ốm nhom, lầm lầm lì lì và lè phè theo thói phong lưu sáng ra là phải có cà phê thuốc lá. Ông nầy ít giao tiếp với chòm xóm tuy suốt ngày rảnh rang chẳng làm gì. Mọi chuyện trong nhà đã có vợ con lo. Ông đọc báo, săm soi mấy chậu kiểng và ngồi quán cà phê tán dóc. Khu nầy có hàng quán người Việt thiếu gì; ngoài quán cà phê còn có quán mì, phở, bánh ngọt đủ cả, tha hồ cho ông ngồi đồng. Chủ quán có ông ngồi làm chim mồi cái bàn nhỏ trong góc cũng tốt, cứ như là tiệm lúc nào cũng có khách chớ không đến nỗi vắng hoe. Cô Hường kể: - Cánh đàn ông làm chung với em có ông Tiến góa vợ mà ăn nói lịch sự nghe hiền lắm, tướng tá chững chạc ngon lành. Ổng ở đường Oánh Thấy Mẹ gần với góc đường Xanh Lè đây nè.


Đây lợi đó đi bộ mười lăm hai chục phút chớ mấy. - Trời đất! Tên đường gì nghe ghê vậy cô? - Thì nó là đường Windermere với đường St. Clair đó mà. Em nghe ai cũng kêu vậy em cũng bắt chước. Em còn nghe nói bên thành phố Mít Xít Xô Gà còn có đường Bà Năm Thọt (Burhamthorpe); bên Xì Cá Bờ Rô có đường Mắt Có Quầng (McCowan) nữa đó. Dì Tư ngẩm nghĩ rồi nói: - Một đàng Oánh Thấy Mẹ, một đàng Mắt Có Quầng là phải rồi! Nghe cứ tưởng tới cảnh mấy ông chồng Việt Nam đấm đá mấy bà vợ. - À... Chiện đó ở đây chị khỏi lo. Xứ nầy con nít số một, đàn bà số hai, đàn ông hạng bét. Chồng mà lộn xộn đánh vợ đó hả? Vô tù liền! Không nói lôi thôi gì hết! Để em nói cho chị nghe. Thằng em cô cậu của em ở Mít Xít Xô Gà có thằng bạn. Đứa con gái mười tuổi của thằng đó đi học đem theo máy nghe nhạc Ai Pót gì đó vô trường và làm mất. Con nhỏ sợ quá lên nói với cô giáo là nó không dám về nhà vì ba nó có hăm rằng nếu nó làm mất cái máy mấy trăm đồng bạc thì sẽ đánh nó chết. Chị biết sao hôn? Cô giáo báo cảnh sát. Cảnh sát tới nhà hỏi có hăm như vậy không.


Anh ta tình thiệt nói có, tức thì cảnh sát bắt anh ta phải tạm thời sống cách ly với gia đình và không được thấy mặt con cả sáu tháng trời. Xứ nầy nó bảo vệ con nít quá đáng vậy đó chị ơi. Dù chẳng có ai đúng gần nghe, cô Hường cũng nhỏ giọng bớt và nghiêng đầu thủ thỉ vào tai Dì Tư: - Nhưng ai chớ ông xã em vẫn chứng nào tật nấy đó chị. Coi bộ dạng nhỏ thó như vậy chớ ổng là hung thần hét ra lửa trong nhà đó. Ai cũng ngán ổng. Ổng nói là mọi người im re không dám cãi. Cãi là ổng chửi tắt bếp luôn. Qua cái xứ nầy rồi mà cũng vậy, thiệt em cũng sợ ổng luôn. Chị thấy đó, ổng cà nhổng ở không, vợ con đi làm lụng cực nhọc ổng cũng thây kệ, việc nhà ổng chẳng thèm ngó ngàng gì hết.


Nhưng mà chị có muốn đi làm với em cho vui hôn? Dì Tư đáp lấy lệ: - Để thủng thẳng tui tính. Tui còn phải bàn tính lại với vợ chồng con Thu nữa. Thiệt tình Dì Tư cũng muốn theo cô Hường đi làm cho vui nhưng con gái Dì không cho. Thu nói Dì phụ việc trong nhà và trông nom cháu ngoại cũng đủ mệt rồi. Mỗi tháng, Thu đưa cho mẹ một ít tiền để Dì Tư muốn tiêu xài gì tùy thích. Dì nói Dì già rồi đâu có tiêu xài chi, chỉ muốn gởi tiền về quê nhà giúp cho bà con thôi. Thu có vẻ không bằng lòng nhưng chưa tiện dịp chống lại ý kiến đó của mẹ.


Nàng cho rằng làm như vậy là tạo cho bà con tính ỷ lại; họ có thể coi chuyện giúp đỡ đó là đương nhiên mà người thân ở hải ngoại phải làm. Dì Tư phân trần: - Con nghĩ coi, mình ở đây an lành no ấm mà để bà con sống khổ cực lầm than ở quê nhà sao đành. Họ không có cơ hội để vươn lên con à. Dì Tư nghĩ tới đời sống sung túc mà trẻ con được hưởng ở đây. Ngoài việc học bắt buộc ở trường, chúng còn được cha mẹ khuyến khích và tạo cho chúng cơ hội học thêm âm nhạc, kịch nghệ hoặc thể thao rất tốn kém.

Còn ở quê nhà, con nít thông minh sáng trí mà thiếu phương tiện sinh hoạt nhàn rỗi lành mạnh hữu ích chỉ còn biết tiêu phí thì giờ vui chơi vô bổ. Thu nghĩ lời mẹ nói cũng phải. Ngày ấy nếu nàng không liều mạng vượt biên thì không biết số phận nàng bây giờ sẽ ra sao. Có thể nàng sẽ như đứa em trai của nàng, mãi mãi là giáo viên trường trung học phổ thông mà không thể nào được làm hiệu trưởng hoặc cao hơn vì cậu ta không phải là đảng viên. Cho dù cậu có muốn trở thành đảng viên cũng khó vì gốc gác gia đình chế độ cũ. Lần về thăm quê mấy năm trước, Thu gặp một số bạn cũ, tuy cuộc sống của họ có khá giả hơn xưa nhưng ai cũng như già trước tuổi trong một môi trường mà mức độ ô nhiễm chưa kiểm soát được.


Là người rời quê hương từ Tháng Tư năm Bảy Lăm lúc còn bé, Quốc, chồng Thu, khá ngỡ ngàng trước những thiếu nữ ăn mặc hở hang và hành xử táo bạo khi anh theo vợ về Việt Nam lần đầu. Nếp sống của họ phóng túng buông thả và thiếu ngăn nắp. Dường như họ không cho bất cứ vấn đề gì là quan trọng cả. Như ngay trong nhà chị của chàng chẳng hạn; mặc dù có hai đứa con gái đang bước vào tuổi vị thành niên, vợ chồng chị chẳng giữ ý tứ gì cả.

Một lần ghé thăm, Quốc vào phòng tắm thấy cái bao cao su ngừa thai dùng xong vứt nằm trơ trơ trên mặt sọt rác. Anh nhận thấy Thu và những phụ nữ người Việt anh gặp ở xứ người tuy tự do cá nhân có thừa nhưng họ không hề sống buông thả như vậy. Còn nữa, một tối Quốc theo bạn đi ăn nhậu. Bàn bên ăn nói huyênh hoang lại còn lôi kéo và sàm sỡ bóc hốt nữ tiếp viên nữa. Quốc nghe các cô la oai oái. Chàng cảm thấy khó chịu lắm, nhưng bạn chàng bảo chớ có dại mà đụng vào bọn ấy vì họ là công an cán bộ địa phương, là những ông trời con tự tung tự tác.


Quốc cùng bạn đành đóng vai thằng hèn, thấy cảnh bất bình đành phải làm ngơ đề tránh tai vạ vào thân. Quốc cùng bạn vội vã rời quán và không dám đi nhậu đêm nữa. Đi đoàn tụ với con, Dì Tư mang theo mấy bộ đồ mặc mát cho con gái nhưng mấy tháng nay Dì có thấy Thu mặc ban ngày bao giờ đâu. Nàng chỉ mặc buổi tối trước khi đi ngủ. Đi ra ngoài, bao giờ Thu cũng ăn mặc đoan trang kín đáo. Lúc đầu Dì Tư mặc đồ bộ dắt cháu ra công viên gần nhà cho nó chạy nhảy. Thu nhắc mẹ thay quần áo rồi hãy đi.

Bà bảo “mẹ già rồi ai cười chê gì đâu mà sợ.” Vài lần như vậy, thấy không giống ai, Dì thay đổi. Sau đó dù Toàn có hối, “ Đi ngoại!”, Dì đáp, “Chờ tao thay đồ đã!” Gần cháu ngoại mới mấy tháng mà Dì Tư cưng nó nhiều. Đáp lại, nó cũng quí mến Dì. Dì còn hai đứa cháu nội ở Việt Nam, xa chúng cũng nhớ. Dì so sánh và nhận xét thấy con nít ở Việt Nam lanh hơn con nít bên nầy. Thằng Toàn tuy ít nói nhưng nói lời thành thật chớ không nịnh nọt để cầu lợi. Khi nó cần bà ngoại giúp làm chuyện gì, nó hỏi một cách nhỏ nhẹ và biết nói cám ơn.



Chẳng bù với một thằng cháu nội của Dì, mới tám tuổi mà đã biết mánh mung moi tiền bà nội. Khi gần Dì thì nó nói nó thương bà nội nhứt nhà; nhưng khi mẹ nó vừa về tới nhà là nó buông bà nội và chạy tới ôm mẹ nói “Con thương mẹ nhứt!” và khi vào lớp học thì nói kính yêu bác Hồ nhứt, kính yêu thầy cô nhứt, nói cứ trơn tru tuồn tuột như con nhồng lột lưỡi. Dì Tư thấy xã hội ở đây thiệt là ngăn nắp trật tự, ai ai cũng tròn phận nấy, tôn trọng luật lệ mà không cần đợi ai nhắc nhở, nhứt là tánh tình hiền hòa.

Dì chưa thấy ai cải vã la ó lớn tiếng ngoài chỗ công cộng. Có lần theo con đi chợ, Dì thấy một bà già người da trắng đầu tóc bạc phơ móc bạc cắc trả tiền một cách chậm chạp, nhưng mấy người đứng sau vẫn thản nhiên kiên nhẫn chờ. Tới khi đẩy xe dọc lối ra cửa, bà già đó dừng lại trước một cái thùng vuông lớn và bỏ vô đó vài món đồ vừa mới mua. Dì Tư không hiểu bèn hỏi con. Thu nói đó là thùng quyên thức ăn khô cho người nghèo; và bà cụ ấy vừa làm một việc từ thiện. Dì Tư nói: - Trời đất ơi! Vậy mà Má tưởng bả nghèo không đủ tiền nên mới vét hết bạc cắc ra trả. Thiệt tội nghiệp quá...


Thu nói với Dì là người ta không xài phung phí thôi nhưng không phải người ta keo kiệt. Trong sở làm của nàng, nhiều người buổi trưa chỉ ăn có cái săng-uých mà góp cho quỹ cứu trợ nạn nhân động đất cả trăm bạc. Những điều nghe thấy khiến Dì Tư đi đến một quyết định. Sau khi đã thuyết phục được con gái và thằng rể ngoan, hôm nay Dì Tư thức dậy thật sớm để bắt đầu đi làm nông trại. Thu đưa cho Dì một thùng lạnh xách tay đựng thức ăn trưa. Một hộp cơm tép rang và dưa cải, một hộp đựng trái cây đã cắt sẵn và một chai nước lọc. Trước đây, cô Hường thường hay mang về rau bỏ và có mang qua cho Dì nên Dì làm món dưa cải nầy. Từ nay trở đi, Dì có thể tự mang rau bỏ về cho nhà mình dùng. Dì mặc hai lớp áo, đội cái nón vải, xách thùng đi qua nhà cô Hường. Hai người ngồi trước bậc thềm chờ xe van tới rước. Hơi lạnh của buổi sáng mai và nỗi háo hức làm cho Dì tỉnh táo hẳn mặc dù đêm qua trằn trọc vì hồi hộp cho một ngày đầu đi làm nơi xứ người.


Chiếc xe van từ ngoài đường cái chạy vào và đỗ xịt lại. Tài xế theo thói quen nhấn còi ba tiếng dù hai bóng người đã lẹ làng đứng lên bước đến. Trên xe đã có một mớ người. Cô Hường lanh lẻo lên tiếng giới thiệu. À thì ra đây là ông Tiến, Dì nghĩ. À thì ra đây là cô Tư Vú Sữa, ông Tiến cũng nghĩ thầm. Xe đón thêm vài người nữa rồi chạy lên hướng bắc trên xa lộ 400 khoảng bốn mươi phút là tới nơi. Ngồi trên xe, hầu hết mọi người ngủ gà ngủ gật. Công việc chẳng lấy gì làm nặng nhọc, nhóm người Việt gom lại làm chung với nhau cho nên Dì Tư thích lắm. Tuy phải đứng hầu như suốt buổi nhưng Dì Tư không tỏ vẻ mỏi mệt. Có lẽ ý nghĩ tự mình kiếm ra tiền trên xứ người khiến cho Dì cảm thấy tinh thần phấn khởi mà quên hết nhọc nhằn.


Tuy không kiếm được nhiều tiền bằng nghề làm móng tay như mấy đứa cháu họ của Dì cho biết, nhưng so với đồng lương bên nhà vẫn là một trời một vực. Rồi đây sau một tuần làm việc, theo như cô Hường tính giùm, sau khi khấu trừ mọi sở phí, Dì sẽ lãnh được gần ba trăm đô, còn hơn nhiều người ở Việt Nam làm cả tháng. Dì vui quá, chỉ mong cho việc làm nầy kéo dài mãi suốt năm, Dì cũng sẽ vui lòng đeo đuổi. Lãnh lương tuần đầu tiên, Dì Tư mang về đưa ngay cho con gái. Thu phản đối: - Má đừng làm vậy. Tiền của Má kiếm được là do mồ hôi nước mắt của Má làm ra. Má hãy giữ đi để tiêu xài gì tùy Má. Con không lấy tiền của Má đâu. Chồng con cũng đã có bàn trước với con rồi là tuyệt đối không được lấy tiền của Má. - Vậy thì cho Má gởi con cất giùm Má. - Được.


Nhưng con phải làm giấy biên nhận đưa cho Má giữ lỡ con quên. Cái gì phải ra cái đó cho minh bạch. Thiệt lạ lùng hết sức, Dì Tư thấy con gái của Dì nó sống như người bản xứ Canada mất rồi, khác hẳn với cách đối xử ở Việt Nam. Dì đã quen kiểu buôn bán ở quê nhà, chuyện thiếu qua mượn lại là thường, chỉ cần nói miệng một câu là đủ. Dì nói: - Quên thì quên. Con là con của Má chẳng lẽ Má không tin con hay sao. - Má à. Con làm việc cho hãng kế toán, sổ sách đâu đó phải cho đàng hoàng, trong sở hay ở nhà cũng vậy phải làm đúng nguyên tắc cho quen. Mọi thứ chi thu trong nhà vợ chồng con cũng tính đâu ra đó, sai sót một đồng cũng không được. Má không tin Má hỏi anh Quốc con thì biết. Thằng Toàn nghe mẹ và bà ngoại nói chuyện, nó chỉ hiểu loáng thoáng nhưng nó cũng nói vô: - Tiền của bà, bà cất đi. Đưa mẹ “shopping” hết đó! Dì Tư kêu lên: - Trời ơi! Cháu ngoại tui biết nói chuyện dễ thương quá! Tuần thứ nhì, khi đưa tiền cho Thu giữ giùm, Dì Tư nói: - Thu à, Má muốn nhờ con gởi về bên nhà cho cậu con vài trăm được hôn con? - Dạ được. Thì con đã nói tiền của Má, Má muốn xài sao tùy Má. Ngày mai con gởi liền. - Má cám ơn con. -


Không có chi. Nói xong, Thu cười và nắm tay mẹ. Nàng bỗng cảm thấy hơi ngượng vì vừa buông một câu nói nghe thiếu mất nét thuần túy Việt Nam. Nàng nghĩ nó cũng giống như món phở do người Tàu nấu bán trong Pacific Mall mà nàng thử qua một lần vài năm trước. Đúng là nhạt nhẽo. Dì Tư đoán được ý nàng. Nhưng Dì không coi đó là kỳ cục. Dì mơ hồ cảm thấy cách cư xử của con cháu Dì và người bản xứ ở đây rất sòng phẳng và bình đẳng đáng học hỏi và noi theo. Mọi người tương kính lẫn nhau không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội hay giàu nghèo. Dì nhớ khi người quản lý nông trại đưa phong bì tiền lương cho nhân công, ông đưa tận tay từng người một cách trân trọng và không quên tiếng cám ơn.

Thỉnh thoảng ông đi quan sát nhân công làm việc, hỏi han vui vẻ và sẵn sàng chỉ dẫn nếu có sự sai phạm. Dì Tư không nói được một chữ tiếng Anh, nhưng ông cũng cúi đầu chào và hỏi han bình thường khiến cho Dì cảm thấy an tâm mà làm việc. Dì để ý thấy người quản lý hay trao đổi câu chuyện với ông Tiến khiến Dì thắc mắc rằng một người có vẻ hiểu biết nhiều như ông ta thì sao lại chịu đi làm một công việc lao động ít lương như vầy. Thắc mắc thì để trong bụng vậy thôi chớ Dì không tiện hỏi ai sợ gây hiểu lầm không tốt. Đúng như lời cô Hường nhận xét, ông ta “ăn nói lịch sự nghe hiền lắm, tướng tá chững chạc ngon lành.” Nhưng cô Hường quên kể là ông ta khá kín đáo ít khi nào nói chuyện riêng tư cá nhân

.

Một hôm ngồi trong xe trên đường về, Dì Tư cúi đầu để hồn mình chìm lắng thẩm thấu từng lời của một bản nhạc nào đó mà Dì không biết tên: Quê hương là chùm khế ngọt... Cho con trèo hái mỗi ngày... Quê hương là đường đi học... Con về rợp bướm vàng bay... Quê hương là con diều biếc... Tuổi thơ con thả trên đồng... Quê hương là con đò nhỏ... Êm đềm khua nước ven sông... Quê hương là cầu tre nhỏ... Mẹ về nón lá nghiêng che... Quê hương là đêm trăng tỏ... Hoa cau rụng trắng ngoài thềm...

Tiếng hát Cẩm Ly phát ra từ CD trong xe êm ả càng làm cho mọi người dễ ngủ gà ngủ gật nhưng Dì Tư tỉnh thức chú tâm lắng nghe. Trời tháng mười mau sẫm tối. Sáu giờ chiều, sau một ngày làm việc đứng lựa rau, mọi người cũng oải. Bỗng có tiếng của ông Tiến ngồi phía sau vang lên: - Ông thi sĩ Đỗ Trung Quân làm bài thơ Quê Hương này hơi xa rời thực tế đấy. Thay vì bồi đắp cho quê hương thì lại khai thác hưởng thụ. Khế ngọt hái mỗi ngày cây sẽ trụi hết và không còn trái mà hái, có ngày sẽ phải nhập cảng khế Thái Lan. Quê hương người ta tiến bộ vượt bực trong khi quê hương mình còn con đò nhỏ với cầu tre nhỏ thì có khổ không chứ. Tài xế lên tiếng: - Nhạc sĩ thì phải lãng mạn chớ chú ơi.



Bài hát của người ta mềm mại đầy tình tự quê hương mà chú chê. Bình luận gia chưa chịu thua: - Ừ, cứ coi như đoạn đó cũng được đi. Còn đoạn kết “Quê hương mỗi người chỉ một... Như là chỉ một mẹ thôi... Quê hương nếu ai không nhớ... Sẽ không lớn nỗi thành người....” Canada là quê hương thứ hai của mình đó chứ? “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người.” Không lớn nỗi thành người thì thành gì nhỉ? Tài xế nói vuốt êm: - Thôi kệ nó chú ơi. Thi sĩ đó với nhạc sĩ đó ở trong nước mà. Làm thơ viết nhạc như vậy cho Việt Kiều nghe thấm cái lỗ tai mới đem tiền về nước chớ. Nhưng mà nói gì thì nói, bài hát đó nghe phê hết sẩy. Thôi, tới nhà rồi chú Tiến ơi. Ngày mai nghe tiếp nha chú. Ông Tiến xuống xe và nói: - Chào tất cả bà con nhé. Dì Tư đi làm được hơn một tháng thì nghe tin ông Tiến chết. Sáng hôm đó xe tới đón ông, tài xế Dũng bóp còi mấy lượt vẫn không thấy ông mở cửa đi ra. Anh móc điện thoại cầm tay gọi số phôn của ông cũng không có trả lời.


Dũng nghĩ chắc ông ngủ mê nên vẫn tiếp tục đi đón những người khác. Chiều hôm ấy, Dũng gọi thử coi ông ngày hôm sau có định đi làm không. Vẫn không ai trả lời điện thoại. Sau đó, Dì nghe Dũng nói lại ông Tiến ở một mình tại một apartment thuộc dảy chung cư thấp ba tầng. Bận về, sau khi đưa mọi người về nhà họ xong, Dũng quay lại chung cư tìm người quản lý và nhờ hắn tìm kiếm ông Tiến và cho hắn số điện thoại của anh. Tối đến sắp đi ngủ, Dũng được báo tin ông Tiến đã chết. Cũng ngay cuối tuần đó, chủ nông trại báo tin bớt người vì công việc chậm trong mùa đông. Dì và cô Hường buồn lắm, nhưng người buồn nhiều là Dì. Dì rủ cô Hường đi viếng tang ông Tiến. Dũng tình nguyện đón hai người cùng đi chung trong một nhóm từng làm chung. Lần đầu tiên trong đời Dì Tư thấy một người chết nằm trong chiếc quan tài mở nắp. Nhìn kỹ, Dì thấy ông Tiến như đang nằm ngủ, gương mặt bình thản, miệng như khẽ mĩm cười, hai bàn tay đan nhau đặt trên bụng. Dì không kềm được xúc động, định đặt tay mình trên tay ông nhưng lại thôi. Trong giây phút đó, Dì cảm thấy sao có sự liên hệ gần gũi lớn lao giữa người lính mua vú sữa năm xưa với người vừa nằm xuống. Nước mắt lăn dài trên má Dì lúc nào không hay./.

Phan Hạnh, Toronto.
*

No comments: