Saturday, July 17, 2010

KISSINGER * TRUNG QUỐC & MỸ CÓ CHIẾN TRANH HAY KHÔNG?


Liệu Mỹ và Trung Quốc có xảy ra chiến tranh lạnh hay không? Phát biểu mới nhất của nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger
Chủ Nhật 21, Tháng Ba 2010, do DT


Mỹ và Trung Quốc sẽ không rơi vào một cục diện đối lập với nhau, cho nên tôi không tin vào giả thiết cho rằng Trung Quốc sẽ như Liên Xô cũ hồi thời kỳ chiến tranh lạnh. Đây hoàn toàn là hai chuyện khác nhau. Nếu có cạnh tranh thì sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ thể hiện ở cạnh tranh trên lĩnh vực kinh tế và sức mạnh mềm. Trên lĩnh vực quân sự, hai nước Mỹ, Trung Quốc không hề tồn tại bất cứ sự cạnh tranh nào.

Henry Kissinger.
*



Hiện nay mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở vào thời điểm gay go nhất, sau khi Trung Quốc kiên quyết phản đối một loạt hành động của Mỹ mà Trung Quốc cho là xâm phạm chủ quyền nước họ, và mới đây nhất khá đông nghị sĩ Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama tỏ ý kiên quyết trả đũa Trung Quốc về việc định giá đồng Nhân Dân Tệ quá thấp, vì thế làm nạn thất nghiệp ở Mỹ tăng cao. Dư luận thế giới cho rằng từ nay cho tới ngày bầu cử giữa kỳ ở Mỹ (đầu tháng 11/2010), cuộc khẩu chiến giữa nước sẽ ngày một gay gắt; nhiều người nói có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh như kiểu quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô cũ trước kia. Đầu tháng 3 Mỹ đã cử Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg và một quan chức ngoại giao cấp cao là ông Jeffrey Bader đến thăm Bắc Kinh trao đổi quan điểm nhằm tìm lối thoát.

Trong bản thông báo phát đi hôm 16/3/2010, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: theo lời mời của Hội Ngoại giao nhân dân Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa đến thăm Bắc Kinh. Ngày 15 ông đã được Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp.

Nhân dịp này tiến sĩ Kissinger 87 tuổi đã trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV. Nhà báo Thuỷ Quân Ích thực hiện cuộc phỏng vấn, chủ yếu tập trung vào vấn đề quan hệ Trung Quốc-Mỹ. Nguyên văn cuộc phỏng vấn như sau (dịch theo bản Trung văn). Chú ý: vì là phỏng vấn trên truyền hình nên có chỗ Thuỷ Quân Ích nói với khán giả chứ không phải nói với ông Kissinger.



Thuỷ Quân Ích: Gần đây Trung Quốc trở thành đề tài bàn luận nóng sốt trên thế giới, có lúc Trung Quốc được thế giới ca ngợi, ca ngợi rất cao, có lúc Trung Quốc cũng trở thành đối tượng công kích của thế giới. Rốt cuộc tại Trung Quốc đã xảy ra chuyện gì vậy?

Kissinger: Xưa nay Trung Quốc bao giờ cũng là một quốc gia đặc biệt, vì thế đây là nguyên nhân được thế giới rất quan tâm. Trung Quốc không những có lịch sử lâu đời mà còn có nền văn hoá độc đáo. Hiện nay Trung Quốc đang trải qua tiến trình phát triển chưa từng có. Đây là một quốc gia có những vùng rất phát triển mà cũng có những vùng tương đối lạc hậu. Cho nên người ta nói Trung Quốc là một quốc gia tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo.

Thuỷ Quân Ích: Phải chăng Ngài có thể nêu ra cho chúng tôi một số kiến nghị như Trung Quốc nên làm thế nào để tỏ rõ cho thế giới thấy sự phát triển của chúng tôi, Trung Quốc sẽ không gây tổn thương và đe doạ cho các nước khác. Tôi có cảm giác đây là một quá trình vô cùng gian nan.

Kissinger: Khi bạn thành công thì sẽ dẫn đến sự ghen tị của người khác, cho nên các bạn không thể tránh khỏi phải nghe những tiếng phê bình. Kết quả do sự thành công mang lại tất nhiên là như thế. Trong bất cứ lúc nào, Trung Quốc đều nên tỏ rõ cho thế giới thấy đó là tình hình thực tế của Trung Quốc. Như vậy thì người ta sẽ không quên Trung Quốc có một số vùng đang phát triển mà một số vùng vẫn chưa được phát triển. Tôi có một kiểu lý giải đặc biệt: tôi luôn luôn nhớ tình hình Trung Quốc cách đây 40 năm như thế nào; hồi ấy tình hữu nghị Mỹ-Trung Quốc đã ảnh hưởng tới thế giới, vì thế tôi không bi quan mà vô cùng lạc quan. Bởi lẽ đó, Trung Quốc nên để người khác đánh giá, rốt cuộc Trung Quốc xếp thứ nhất, thứ nhì hay là thứ mấy, đó không phải là đề tài chúng ta tranh cãi.

Thuỷ Quân Ích: Nghe những lời ấy của tiến sĩ Kissinger thì hoàn toàn có thể giải thích, theo cách nói của chúng tôi, là: “Đường ta ta cứ đi, mặc người khác nói gì thì nói”. Dĩ nhiên anh cũng chẳng thể ngăn được; hiện nay rất nhiều người đang nói về Trung Quốc. Thí dụ hôm nay tuần báo Time có một bài viết về mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ, họ dùng một khái niệm mới. Bởi lẽ trước đây chúng ta nói: có G4, G8, tám nước, bốn nước, về sau lại xuất hiện một cái G2, tức là cái khái niệm hai nước Trung Quốc-Mỹ cùng nhau khống chế thế giới. Rất nhiều người cho rằng cái ấy không hiện thực lắm, sao mà có khả năng Trung Quốc-Mỹ chung nhau lại quản chế cả thế giới được, hơn nữa thái độ của chính phủ Trung Quốc cũng không hiện thực lắm.

Thuỷ Quân Ích: Cho nên cá nhân Ngài không thích lắm những cái tên như G2, G8, G20.

Kissinger: Khối G20 đã hình thành, G8 cũng đã hình thành. G20 hiện nay đang đứng trước vấn đề là có quá nhiều quốc gia khác nhau, họ đều có những mục tiêu riêng khác nhau, mà họ chưa chứng minh được sức mạnh thực của họ. Sự xuất hiện G2, cũng tức là Trung Quốc và Mỹ, hai nước gọi nhau như thế nào điều đó không quan trọng. Nguyên tắc của G2 là Trung Quốc và Mỹ nên gắng hết sức xây dựng cơ chế phối hợp chính sách. Đây là điều tôi tán thành, còn đặt tên gì là một chuyện khác.

Thuỷ Quân Ích: Thưa tiến sĩ Kissinger, tôi biết Ngài năm xưa đến Trung Quốc vào thời kỳ cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Liên Xô đang cực kỳ gay gắt, qua “ngoại giao bóng bàn” của Ngài mà hai nước Trung Quốc-Mỹ thực hiện được việc bình thường hoá quan hệ, thậm chí ngày nay có người vẫn còn nói hồi ấy Ngài thuyết phục Trung Quốc cùng Mỹ liên hợp đối kháng Liên Xô cũ. Giờ đây có dư luận nói từ khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có người coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh giống như Liên Xô cũ. Chuyện ấy có thể xảy ra trong thế giới ngày nay hay không?

Kissinger: Trước tiên, vào thời kỳ ấy chúng tôi không hề thuyết phục Trung Quốc cùng Mỹ chống Liên Xô cũ. Hồi đó là lúc Liên Xô cũ đang dự định tấn công Trung Quốc và Trung Quốc có lý do tin rằng tồn tại sự đe doạ ấy. Đây cũng là lý do vì sao Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai mở rộng cửa đối thoại với nước Mỹ. Chúng tôi cũng có lý do hoan nghênh sự hợp tác đó. Chúng tôi cũng có cùng lý do như vậy với vấn đề Liên Xô cũ.

Nói về tình hình hiện nay, tôi cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không rơi vào một cục diện đối lập với nhau, cho nên tôi không tin vào giả thiết cho rằng Trung Quốc sẽ như Liên Xô cũ hồi thời kỳ chiến tranh lạnh. Đây hoàn toàn là hai chuyện khác nhau. Nếu có cạnh tranh thì sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ thể hiện ở cạnh tranh trên lĩnh vực kinh tế và sức mạnh mềm. Trên lĩnh vực quân sự, hai nước Mỹ, Trung Quốc không hề tồn tại bất cứ sự cạnh tranh nào.

Thuỷ Quân Ích: Thế nhưng xem ra chính sách đối với Trung Quốc của Obama có những gay gắt, kể cả việc tiếp Đạt-lai Lạt-ma, bán vũ khí cho Đài Loan.

Kissinger: Chính phủ Mỹ khoá trước cũng từng làm những việc ấy.

Thuỷ Quân Ích: Đây là chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ chăng?

Kissinger: Chính phủ Mỹ nói họ sẽ suy nghĩ thận trọng việc Trung Quốc có thái độ như thế nào đối với những vấn đề này. Tôi muốn nói, một số hành vi của Mỹ không phải là có ý làm như vậy.

Thuỷ Quân Ích: Cho nên về cơ bản Ngài vẫn giữ thái độ lạc quan; vì thế Ngài cho rằng hai nước chúng ta sẽ không rơi vào cục diện đối lập gay gắt?

Kissinger: Căn cứ theo sự hiểu biết (của tôi) về (các nhà) lãnh đạo của hai nước, tôi có thể tự tin nói hai nước chúng ta sẽ không rơi vào một cục diện đối lập.

Thuỷ Quân Ích: Nghe Ngài nói có vẻ như nghe một đại sư đang luận bàn chuyện thiên hạ. Vào lúc giữa Trung Quốc với Mỹ hiện nay xem ra sắp có chút sóng gió lại càng nên duy trì mối quan hệ hai nước ổn định, lành mạnh, đây là một suy nghĩ cơ bản của Ngài Kissinger.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Nguồn:
- http://english.people.com.cn/ (16/3)
- http://news.sina.com.cn (17/3)
http://htx.dongtak.net/spip.php?article3410

No comments: