Thành công kinh tế vượt bực của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã được nước này chuyển hóa thành sức mạnh chính tri, ngoại giao và quân sự, kích thích tham vọng lãnh thổ, mà biểu hiện mới nhất là việc xác định Biển Đông là « vùng quyền lợi quốc gia thiết thân » của Bắc Kinh.
Trong bài viết mang tựa đề « Ảnh hưởng toàn cầu mới của Trung Quốc – China’s New Global Leverage », đăng trên website Asia Sentinel ngày 14/07/2010, nhà nghiên cứu Mỹ Bruce Stokes đã phân tích các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm khẳng định uy lực của mình trên trường quốc tế và ngay cả đối với các láng giềng châu Á. RFI xin giới thiệu bài viết này với quý vị.
Trung Quốc có phải là một thị trường đang vươn lên với những ước vọng hạn chế mang tính khu vực như Bắc Kinh cố cho thấy hay không ? Hay họ là một nền kinh tế quyết đoán, ngày càng hùng mạnh, một thế lực chiến lược đang càng lúc càng thách thức châu Âu, Hoa Kỳ và các láng giềng châu Á ?
Phương Tây từng có một lịch sử lâu dài hay la hoảng về Trung Quốc, khởi đầu bằng khái niệm « Hiểm họa Da vàng » vào thế kỷ 19. Mới đây thì nỗi lo ngại về Trung Quốc phản ánh thái độ thiếu tự tin của Âu Mỹ về năng lực bản thân trong việc duy trì mức sống hiện nay của mình, trước sức cạnh tranh của Trung Quốc.
Thái độ âu lo cũng được giới tân bảo thủ khuyến khích vì họ cần tạo ra một kẻ thù để động viên quần chúng ủng hộ việc tăng cường chi phí quân sự và tiếp tục duy trì ảnh hưởng toàn cầu của nước Mỹ. Hơn nữa, nỗi lo âu như vậy đã không chú ý đến nhu cầu phát triển to lớn của Trung Quốc, của hàng trăm triệu con người còn sống trong cảnh túng thiếu ngặt nghèo.
Cho dù vậy, các dấu hiệu trong những tháng gần đây gợi lên một Trung Quốc càng lúc càng tự tin, với một năng lực và một quyết tâm tác động lên thế giới chưa từng thấy. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Lịch sử đã cho thấy rằng các cường quốc đang lên đều diễu võ giương oai và thử sức với châu Âu và Hoa Kỳ. Các láng giềng châu Á của Trung Quốc không nhất thiết phải lo sợ, nhưng cần phải dè chừng.
Thái độ quyết đoán mới đây của Trung Quốc bắt nguồn từ một thành công kinh tế chưa từng thấy. Quy mô nền kinh tế của họ đã lớn lên gấp đôi trong vòng 7 năm qua, và thu nhập theo đầu người của họ đã nhân đôi trong vòng 6 năm. Thành quả kinh tế đó đã biến người Trung Quốc thành dân tộc tự mãn nhất thế giới, nếu căn cứ vào kết quả cuộc thăm dò dư luận toàn cầu gần đây nhất của Tổ chức Pew. 9 trên 10 người Trung Quốc hài lòng với đường lối kinh tế của nước họ, thoải mái với hiện trạng kinh tế và lạc quan về tương lai kinh tế quốc gia.
Và phần còn lại của thế giới càng lúc càng thấy Trung Quốc là một siêu cường kinh tế đang vươn lên. Cũng trong bản điều tra dư luận của Pew tại 22 nước, đa số, hoặc số đông ở 8 quốc gia chọn Trung Quốc làm cường quốc kinh tế hàng đầu, trong lúc vào năm 2009, chỉ có dân chúng tại 2 nước suy nghĩ như vậy mà thôi. Một nửa dân chúng ở Đức, Jordan, Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ hiện xếp Trung Quốc vào vị trí thứ nhất.
Từ năm 2009, tại 13 trên tổng số 21 quốc gia có thăm dò về yếu tố này, tỷ lệ dư luận xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới đã tăng vọt, với mức 29 % ở Nhật Bản, 23% ở Đức và 21% ở Jordan.
Trung Quốc có vẻ như càng lúc càng sẵn sàng dùng vị thế đang lên của mình để gây sức ép trên mặt ngoại giao, an ninh và kinh tế. Giờ đây, họ không còn khấu đầu trước Hoa Kỳ nữa. Khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama đi thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm 2009, cuộc tiếp xúc chính của ông với công chúng là với sinh viên tại Thượng Hải. Sự kiện này chỉ được phát trên đài truyền hình địa phương chứ không phải toàn quốc như trong cuộc gặp gỡ nổi tiếng của Bill Clinton nhân chuyến công du đầu tiên của ông trong cương vị Tổng Thống. Tệ hơn nữa, báo chí vào khi ấy đã kiểm duyệt nội dung, chẳng hạn như đối với bài phỏng vấn ông Obama trong chương trình ‘’Southern Weekend’’.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu Copenhagen vào tháng 12 năm 2009, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không tham dự cuộc họp đầu với tổng thống Mỹ Obama, mà cử một viên chức cấp thấp hơn đi thay. Trong một chừng mực nào đó, ông Obama phải chịu đựng một bài diễn văn do một viên chức cao cấp Trung Quốc mò mẫm đọc. Nếu Hoa Kỳ cư xử như thế đối với một lãnh đạo Trung Quốc thì hiển nhiên sẽ dẫn đến một sự cố ngoại giao.
Bắc Kinh cũng trở nên hung hăng trên vấn đề thương mại và đầu tư, yêu cầu các công ty nước ngoài đăng ký bằng sáng chế công nghệ ở Trung Quốc và phải tuân theo chuẩn mực Trung Quốc nếu muốn bán hàng trên thị trường Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã từng kiện tụng những nhà sản xuất phương Tây bán sản phẩm tại Trung Quốc.
Trên mặt chính trị, quan chức Trung Quốc cũng bắt đầu mở rộng đòi hỏi về chủ quyền. Từ lâu nay, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng Tây Tạng và Đài Loan là « vùng quyền lợi quốc gia thiết thân » và nước ngoài phải tránh can thiệp vào các « vấn đề nội bộ » đó. Bây giờ thì Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chính sách ngoại giao này đối với vùng Biển Đông, một khu vực rộng 1,2 triệu dặm vuông và là nơi qua lại của ít nhất là 1/3 hàng hóa chuyển vận bằng đường biển của thế giới và hơn một nửa năng lượng nhập khẩu của vùng Đông Bắc Á.
Đòi hỏi của Bắc Kinh đe doạ quyền lợi về ngư nghiệp cũng như dầu hoả của Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Indonesia và Malaysia, đe dọa quyền qua lại của hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cùng lúc Bắc Kinh cũng khẳng định trở lại đòi hỏi chủ quyền cũ xưa tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, và cho tăng cường quân lính đóng ở vùng sát biên giới phía Đông Bắc Ấn Độ để đòi hỏi của họ có thêm trọng lượng.
Trung Quốc còn muốn đóng một vai trò to lớn hơn ở Nam Á. Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho chính quyền Sri Lanka để sử dụng trong cuộc nội chiến dai dằng chống lực lượng Hổ Tamul. Họ còn mở rộng các chiến dịch hải quân ra tận Ấn Độ Dương, đồng thời cho xây dựng hải cảng tại một loạt quốc gia trong vùng, từ Miến Điện cho đến Pakistan.
Quan hệ kinh tế với Miến Điện và Afghanistan được tăng cường trong lúc quan hệ chiến lược với Pakistan được nâng lên qua đề nghị trợ giúp trong lãnh vực hạt nhân dân sự... Trung Quốc đã loại Ấn Độ ra khỏi các cơ cấu ngoại giao Đông Á, mà Trung Quốc thống lĩnh ?
Sẽ thông cảm được với các nước láng giềng của Trung Quốc nếu như họ bắt đầu quan ngại về việc Trung Quốc gắn liền quyền lợi quốc gia thiết thân, chủ quyền dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ song song với đà gia tăng của các chi phí quân sự. Hiện nay Bắc Kinh chi 4,3% GDP của mình vào quốc phòng, cao hơn rất nhiều so với các láng giềng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay Việt Nam.
Nhưng Trung Quốc cũng dùng đến phưong tiện gây sức ép mới khám phá ra « thái độ bất động ». Bắc Kinh đã kháng cự rất lâu trước áp lực muốn họ nâng giá đồng nhân dân tệ. Quyết định vào tháng 6/2010, ngừng gắn đồng tiền của họ với đồng đô la đã không làm cho đồng yuan tăng giá đáng kể. Bắc Kinh cũng không muốn gây sức ép đối với Bắc Triều Tiên bị cho là thủ phạm đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Bắc Kinh cũng đã cố đòi giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc đối với Iran trên chương trình hạt nhân trước khi bò phiếu thông qua các biện pháp này, cho thấy rằng lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Iran đã lấn át các mối quan ngại chiến lược của châu Âu và Hoa Kỳ về chương trình này.
Rõ ràng là Bắc Kinh đã tung ra những tín hiệu cho thấy là Trung Quốc không thể mãi mãi chấp nhận nguyên trạng quốc tế hiện nay. Họ đã thiết lập một loạt cột mốc, và quan hệ của họ với các nước khác đã vĩnh viễn thay đổi .
Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng nhiều lần trắc nghiệm xem ranh giới ảnh huởng của họ đến đâu và thái độ nhẫn nại của phương Tây và các láng giềng châu Á của họ đến mức nào, để rồi sau đó lùi lại. Nếu tất cả những động thái của Trung Quốc cho đến lúc này chỉ mang tính chất phô diễn thì tình hình còn có thể xử lý được.
Nguy cơ tình hình quốc tế căng thẳng lên và tính toán sai lầm sẽ chỉ xẩy ra nếu thái độ kiên quyết của Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong những tháng tới đây.
Còn những vùng nào, những vấn đề nào khác mà Trung Quốc sẽ xếp vào diện « quyền lợi quốc gia thiết thân » và do đó sẽ nằm ngoài phạm vi chỉ trích của quốc tế ? Chính sách nhân quyền ở trong nước ? Vấn đề thải khí carbon kỷ lục ? Đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở Trung Á ?
Liệu các công ty Trung Quốc có tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran hay không, qua đó cám dỗ Đức, Hàn Quốc, hay Nhật bản đi theo ? Liệu Bắc Kinh có sẽ sử dụng số lượng công trái phiếu của Mỹ khổng lồ mà họ nắm trong tay để tác động trực tiếp lên thái độ của Hoa Kỳ hay không ?
Sẽ là không thực tế nếu chờ đợi một Trung Quốc thành công về mặt kinh tế, ngày càng tự tin hơn, mà lại không muốn đóng một vai trò rộng lớn hơn trên thế giới. Nhưng thực tế đó không cho Bắc Kinh quyền tung sức mạnh đi mọi nơi mà không sợ bị trừng phạt, cho dù trong quá khứ đã có quốc gia làm như thế.
Châu Âu, châu Mỹ và phần còn lại của châu Á phải cảnh giác, Trung Quốc đang vươn lên. Và những thế lực đang vươn lên thì thường hay làm đảo lộn nguyên trạng.
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20100722-trung-quoc-the-luc-toan-cau-moi
Quyết định của Bắc Kinh đặt Biển Đông vào diện "quyền lợi quốc gia thiết yếu", thể hiện một tham vọng độc chiếm khu vực được mệnh danh là « Vịnh Ba Tư của Châu Á ». Hành động này trực tiếp xâm phạm lợi ích quốc gia của nhiều nước Đông Nam Á, và thách thức Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành vì Biển Đông đã trở thành cần thiết và Bắc Kinh tự cho rằng đã đủ khả năng khống chế.
Trong bài phân tich ngày 13/07/2010 mang tựa đề ‘’Full steam ahead for China’s territorial ambitions’’, Peter Hartcher, biên tập viên quốc tế của nhật báo Úc Sydney Morning Herald phân tích các yếu tố thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Quyết định về Biển Đông là yếu tố mới nhất trong một loạt những hành động gần đây nhằm thực hiện chủ thuyết mới về Hải quân của Bắc Kinh. Điều được tác giả nêu bật là thái độ của Trung Quốc coi thường phản ứng quá yếu ớt của các nước Đông Nam Á, và trong tình hình quyền lợi của Mỹ cũng bị đụng chạm, Hoa Kỳ sẽ phải gánh vác trách nhiệm tìm ra giải pháp. RFI xin hân hạnh được chuyển dịch bài viết này để quý vị độc giả tham khảo.
Trong một câu châm ngôn nổi tiếng, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình kêu gọi đồng hương của mình "che giấu vẻ hào nhoáng để chờ thời". Đó là cách đây hơn 20 năm. Giờ đây, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn tất việc chờ thời.
Với chủ trương định nghĩa lại một cách quyết đoán vị trí của mình trên thế giới, Trung Quốc đã đặt biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vào diện "quyền lợi quốc gia thiết yếu", tức là nơi mà không ai khác có thể đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ - tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. Trung Quốc đã vạch một đường màu đỏ trên bản đồ châu Á và thách thức bất cứ ai vượt qua.
Điều này đã đẩy Trung Quốc vào thế xung đột trực tiếp với các đòi hỏi của năm nước láng giềng, và thách thức vai trò thống trị của Hải quân Mỹ trên vùng biển. Một phần ba của tất cả hàng hóa chuyển vận bằng đường thủy đều đi qua vùng biển mà giờ đây Trung Quốc tuyên bố độc quyền, giáp Đài Loan ở phía bắc, Việt Nam ở phía tây, Philippines ở phía đông, Malaysia và Brunei ở phía nam.
Vùng này chứa các mỏ dầu khí; một số nhà phân tích Trung Quốc đã gọi nơi này là "vịnh Ba Tư ở châu Á" do tiềm năng dầu hỏa dồi dào và trải rộng của khu vực. Chủ trương của Trung Quốc đặc biệt khiêu khích, vì như vậy họ đã bác bỏ thỏa thuận không ràng buộc năm 2002 với các nước láng giềng Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng hòa bình.
Đây là một cuộc khủng hoảng, nhưng là một cuộc khủng hoảng thầm lặng. Lý do chủ yếu là vì các nước bị đụng chạm đang phản ứng một cách dè dặt đầy lo âu trước người láng giềng đang vươn lên của họ. Việt Nam đã minh thị yêu cầu Trung Quốc thực hiện thỏa thuận, nhưng những nước khác đã gần như im hơi lặng tiếng.
Còn Hoa Kỳ thì sao ? Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, đã nói với nhật báo Úc Herald: "Tôi nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc có một cuộc đối thoại phong phú ở cấp nhà nước trên một loạt vấn đề. Trong bối cảnh bao quát đó, luôn luôn có các vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau, và chúng tôi hiểu rằng những khác biệt đó liên quan không chỉ đến vấn đề quyền của Đài Loan hoặc các vấn đề như Tây Tạng, nhưng cũng liên quan đến các vấn đề như biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
"Chúng tôi đã tìm cách hợp tác chặt chẽ để thiết lập một cuộc đối thoại, không chỉ với Trung Quốc mà với cả những bạn bè của chúng tôi ở Đông Nam Á, sao cho chúng tôi có thể hoàn toàn hỗ trợ tiến trình năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhằm giải quyết mọi vấn đề nổi cộm thông qua ngoại giao.''
Nói cách khác, Mỹ cũng muốn Trung Quốc trở lại nguyên trạng trước đây, đàm phán thay vì đơn phương đòi hỏi. Như thường lệ, Hiệp hội các nước Đông Nam Á lại vô dụng khi phải đối mặt với rắc rối. Vai trò tìm kiếm một giải pháp một lần nữa lại phải do Mỹ gánh vác.
Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), có thêm Trung Quốc, Mỹ, Úc và một loạt các nước khác, họp lại tại Hà Nội ngày 23 tháng bảy. Biển Đông là một chủ đề nóng.
Tại sao Trung Quốc nhòm ngó Biển Đông ? Bởi vì đó là điều cần phải làm, theo như lời một quan chức hàng đầu của hải quân Trung Quốc. Chuẩn Đô đốc Trương Hoa Trần, Phó Tư lệnh Đông Hải Hạm đội, đã nói với nhật báo Singapore The Straits Times: "Với việc mở rộng quyền lợi kinh tế của Trung Quốc, lực lượng hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến giao thông vận tải, và đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải chủ chốt của mình."
Walter Russell Mead, chuyên gia thuộc Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations) không tán đồng : "Giải thích này rất nghèo nàn nếu xét đến những tham vọng thương mại của Trung Quốc; họ bảo vệ loại thương mại nào? Trung Quốc đang cần đến nguồn năng lượng và nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới."
Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng ở Biển Đông vì đã có khả năng làm việc này, theo Tô Quang Vũ, một viên tướng Trung Quốc đã về hưu. Ông nói với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post: "Sự vắng mặt lâu dài của Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế trong các thập kỷ qua là một điều bất thường trong lịch sử, và bây giờ mới bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Sở dĩ chúng tôi lặng yên trong việc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ , đó là vì hải quân của chúng tôi chưa đủ sức bảo vệ các khu kinh tế của mình, nhưng bây giờ thì hải quân đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ."
Vào lúc này, Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể điềm nhiên thúc đẩy tham vọng lãnh thổ mà vẫn vô sự. Theo Vương Hàn Linh, một chuyên gia về các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc : "Trên thực tế, tranh chấp đã nẩy sinh từ khi dầu mỏ và các nguồn tài nguyên đại dương khác được phát hiện dưới quần đảo Điếu Ngư [mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi Senkaku] ở vùng biển Hoa Đông , và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) trong thập niên 1970.''
Vào thời đó, đã từng có suy nghĩ là các quốc gia Đông Nam Á có thể hình thành một mặt trận chung chống lại Trung Quốc, một khả năng “từng làm Bắc Kinh lo ngại", theo lời ông Vương, nhưng mối quan ngại này ngày nay đã tan biến sau ba thập kỷ bất động từ phía các nước Đông Nam Á. "Chúng tôi thấy rằng bản thân các nước láng giềng còn tranh chấp lãnh thổ với nhau, và có lợi ích quốc gia để bảo vệ, cho nên khó mà xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Ngay cả khi họ thành công trong việc liên kết với nhau, thì họ vẫn không đủ mạnh để đánh bại Trung Quốc ".
Xác định Biển Đông là vùng quyền lợi quốc gia thiết thân là một trong nhiều động thái Bắc Kinh tiến hành trong năm nay để mở rộng phạm vi thống trị của Hải quân Trung Quốc. Đầu tiên hết, họ đã loan báo một chủ thuyết hải quân mới mang tính bành trướng. Cho đến nay, khu vực hoạt động của Hải quân Trung Quốc được giới hạn ở cái gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Nhật Bản đến Philippines. Nhưng bây giờ Bắc Kinh tuyên bố chính sách “phòng ngự viễn dương”, vươn tới Chuỗi đảo thứ hai, một khu vực trải dài và vươn ra mọi hưóng xuống đến tận đảo Guam, Indonesia và Úc.
Kế đến, Trung Quốc đã tung ra những chiến dịch tuần tra hung hãn hơn và những cuộc tập trận hải quân để bổ sung hiệu năng tác chiến cho học thuyết mới. Trong tháng tư 2010 chằng hạn, một hạm đội gồm 10 chiếc tàu đã vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất, một cuộc diễn tập có quy mô chưa từng thấy đối với Trung Quốc.
Động thái thứ ba là Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường năng lực cho hải quân, trong đó việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm dưới mặt đất trên đảo Hải Nam, và một hàng không mẫu hạm chiến đấu, dự trù triển khai trong vài năm tới.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Robert Willard, cho biết trong tháng tư : "Đặc biệt đáng quan ngại là các yếu tố hiện đại hóa quân sự đó của Trung Quốc lại có dấu hiệu là nhằm thách thức quyền tự do hành động của chúng ta trong khu vực."
Với nền kinh tế thịnh vượng và năng lực ngày càng gia tăng, Bắc Kinh không còn chờ thời nữa mà đang hành động để khẳng định bản thân.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100725-tham-vong-lanh-tho-cua-trung-quoc-tang-toc
No comments:
Post a Comment