RFI
Đô đốc Mỹ chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông
Đô đốc Mike Mullen
Đô đốc Mike Mullen
Ảnh: REUTERS
Đức Tâm
Hôm qua, 23/07, đang công du Ấn Độ, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen đã nhận định rằng cùng với việc đưa ra những yêu sách về chủ quyền, Trung Quốc có lập trường ngày càng hung hăng ở vùng biển Đông, đặc biệt là tại những vùng biển mà Bắc Kinh coi là khu vực có lợi ích kinh tế và chiến lược.
Đô đốc Mike Mullen cũng chỉ trích việc Bắc Kinh vào đầu năm nay, đã cắt đứt tiếp xúc với các quan chức quân sự Mỹ và theo ông, Trung Quốc vẫn chưa minh bạch hóa bộ máy quân sự.
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết là các quan chức Ấn Độ chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về lập trường của Trung Quốc và ủng hộ sự cần thiết phải bảo đảm quyền tự do thông thương trên các tuyến đường biển quan trọng ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Trong thời gian qua, các quan chức Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc ngày càng có thái độ quyết đoán, hung hăng tại Thái Bình Dương, phát triển mạng luới tên lửa chống hàng không mẫu hạm. Điều này có nguy cơ làm suy yếu sức mạnh hải quân Mỹ trong khu vực châu Á.
Tại diễn đàn an ninh khu vực châu Á, ARF, ngày 23/07, ở Hà Nội, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố là việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông đóng vai trò thiết yếu bảo đảm ổn định trong khu vực.
ASEAN ủng hộ lập một mặt trận chung, tiến hành đối thoại với Trung Quốc về hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông, nhưng cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chủ trương đàm phán song phương, với từng quốc gia liên quan.
AFP trích dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết là Bắc Kinh không vui vẻ gì trước việc ngoại trưởng Clinton và 11 phái đoàn khác nêu lên vấn đề này tại diễn đàn ARF.
tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Quốc tế - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100724-do-doc-my-chi-trich-trung-quoc-hung-hang-o-bien-dong
*
Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Clinton nói việc giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nằm trong quyền lợi quốc gia của Mỹ và kêu gọi các nước thương lượng giải pháp.
Hãng tin Bloomberg dẫn lại một biên bản của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay bà Clinton đã nói với hội nghị ARF 27 thành viên ngày hôm nay rằng chấm dứt bất đồng ở Biển Đông là "then chốt cho ổn định khu vực" và bảo đảm "thương mại không bị cản trở".
Bà nói "ưu tiên ngoại giao hàng đầu" của Mỹ là giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Trong khi đó, Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan cho biết Asean đang thương lượng với Trung Quốc về một tuyên bố hành xử trên biển, phát triển từ thỏa thuận năm 2002 kêu gọi giải quyết tranh chấp trong hòa bình.
Ông Surin nói các bên hy vọng có thể đạt thỏa thuận vào cuối năm nay.
Hãng tin AP dẫn thêm lời bà Clinton nói Hoa Kỳ có "quyền lợi quốc gia" trong việc giải quyết tranh chấp.
"Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác giữa tất cả các bên để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà không viện tới đe dọa. Chúng tôi phản đối việc sử dụng hay đe dọa vũ lực bởi bất kỳ bên nào."
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bình luận nhưng theo AP, giới chức Mỹ tại hội nghị Hà Nội nói Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại quan điểm lâu nay rằng tranh chấp không nên được "quốc tế hóa".
Quan hệ Mỹ - Việt
Cũng tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ nói chính phủ Mỹ sẵn sàng tiến lên giai đoạn hợp tác mới với Việt Nam cho dù còn quan ngại và "khác biệt sâu sắc" về nhân quyền giữa hai bên.
Bà Clinton phát biểu sau cuộc gặp với người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Gia Khiêm rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam không chỉ quan trọng như một quốc gia đơn lẻ, mà còn như "một phần trong chính sách tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á".
Tuy nhiên bà ngoại trưởng, trong khi tham gia các hoạt động kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng lên tiếng phê phán Việt Nam về thái độ với bất đồng chính kiến và vi phạm tự do internet.
Bà nói với các phóng viên trong buổi họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, rằng bà đã đề cập chủ đề các nhà hoạt động dân chủ đang bị tù đày, các cuộc tấn công vào các nhóm tôn giáo và việc ngăn chặn các website kết nối xã hội với người tương nhiệm Việt Nam.
Trong khi ông Khiêm yên lặng không tỏ thái độ gì, bà Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ hối thúc chính phủ Việt Nam “tiếp tục cải cách và bảo vệ các quyền tự do cơ bản".
Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Gia Khiêm đáp lại rằng chính sách nhân quyền của các nước bắt nguồn từ hoàn cảnh văn hóa và lịch sử đặc biệt của các nước đó.
Ông cũng dẫn lời mà ông nói là của Tổng thống Obama, rằng các quốc gia cần được lựa chọn con đường riêng của mình và không thể áp đặt nhân quyền từ bên ngoài.
Giới quan sát ghi nhận rằng thái độ của bà Clinton lần này ở Hà Nội khác với chuyến thăm Trung Quốc, khi bà né tránh đề cập công khai về của đề nhân quyền với lãnh đạo Bắc Kinh.
Tăng cường hợp tác
Cho dù còn nhiều khác biệt "sâu sắc", ngoại trưởng Hoa Kỳ nói Mỹ vẫn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, và sẽ thêm nỗ lực giúp khắc phục hậu quả của chất da cam từ thời chiến.
"Đây không phải là mối quan hệ gắn chặt vào các bất đồng."
Bà Clinton ca ngợi cả hai nước về khả năng "chấp nhận và vượt qua quá khứ để cùng nhau xây dựng."
Tại bữa ăn trưa do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức, bà Clinton phát biểu: "Đối với bản thân tôi và với chồng tôi, đợt kỷ niệm (15 năm quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt) đặc biệt đáng nhớ".
Trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Bill Clinton hai bên đã bình thường hóa quan hệ và chuyến đi cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Clinton với vợ con là tới Việt Nam năm 2000.
Bà Clinton nói bà rất ấn tượng về sự tiếp đón nồng hậu mà vợ chồng bà nhận được lúc đó.
Lần này, trong cuộc gặp với ngoại trưởng Việt Nam, ông Khiêm đã chuyển tặng con gái của hai ông bà, cô Chelsea, một tấm khăn trải bàn màu trắng nhân dịp cô sắp làm đám cưới ngày 31/07.
Ông Phạm Gia Khiêm cũng tặng bà Clinton một bức tranh làm bằng đá quý trên có hình mẹ con bà Clinton đội nón lá và đang cười, dựa theo một bức ảnh chụp trong chuyến thăm năm 2000.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100723_clinton_vietnam.shtml
No comments:
Post a Comment