** * Tôi biết họa sĩ Hiếu Đệ thuở thiếu thời, lúc Anh còn là một sinh viên trường vẽ Gia Định, hằng tuần vẽ tranh dã sử Huyền Trân Công Chúa, phỏng theo cốt truyện của nhà văn đang nổi tiếng ở Hà Nội là Lan Khai. Những trang tranh đẹp, trẻ trung và hoa mỹ này được đăng ở bìa sau Tuần báo Đời Mới (Bộ cũ ấn hành vào thập niên 50) do Lão ký giả Văn Lang Trần Văn Ân làm chủ nhiệm. Tuần báo Đời Mới là tờ báo có tầm vóc, chuyên về xã hội, văn hóa và nghị luận, tiếng tăm lừng lẫy một thời ở Miền Nam.
Ấy vậy mà anh Hiếu Đệ lúc bấy giờ chỉ là một bạch diện thư sinh, không hơn không kém, lại được nhận vào làm cộng tác viên thường trực với lương bổng hàng tháng và hân hạnh đứng chung với những tên tuổi trong làng văn nghiệp báo như các ông Hà Việt Phương, Nguyễn Đức Quỳnh, Hoàng Trọng Miên, An Khê Nguyễn Bính Thinh, Trần Ngọc Trai, Phan Quang Trường, Hồ Hán Sơn, Giang Tân, Nguyễn Văn Mại, Tế Xuyên, Trường Lưu v.v... cùng với những cộng tác viên sáng giá nhưng không thường trực đương thời như luật sư Vương Văn Bắc, cụ Nghiêm Xuân Thiện, nhà báo Trúc Sơn, nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, nhà biên khảo Lê Văn Siêu, nhà báo Tam Ích Lê Nguyên Tiệp...
Quả thật đây là một hiện tượng quá hiếm hoi trong lịch sử báo chí miền Nam, dường như có một không hai thời buổi ấy.
Tài năng của Anh được xem như phát triển rất sớm so với những bạn bè trang lứa. Anh đam mê hội họa nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung. Cụ Trần Văn Ân (sinh năm 1903 tại Long Xuyên và mất năm 2002 tại thành phố Rennes, Pháp), ngoài lãnh vực chánh trị mà cụ đeo đuổi xuyên suốt từ ngày còn là sinh viên du học ở Pháp, đồng thời với những nhà cách mạng Việt Nam như các cụ Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm v.v... lại là một nhà báo chuyên nghiệp, già dặn kinh nghiệm.
Cụ có con mắt dùng người nên thu nhận anh Hiếu Đệ, ngoài việc vẽ tranh dã sử, còn giao cho phụ trách cả công việc nặng nề, minh họa toàn bộ các trang trong, nhứt là những trang thi ca và văn chương nghệ thuật. Chính Anh là người đã dày công nghiên cứu, trình bày những trang thơ rất được ưa chuộng của những tác giả làm nên một thời như Quang Dũng, Hồ Dzếnh, Trần Dần, Kiên Giang...
Cụ đã nhắm và chọn đúng người đúng chỗ. Và những bức tranh dã sử bay bướm, hoa mỹ đăng ở bìa sau tờ Đời Mới cũng như những bức minh họa với nét vẽ trẻ trung, tươi mướt của anh Hiếu Đệ đã đóng góp một phần không nhỏ nhằm chinh phục cảm tình, thu hút, lôi cuốn độc giả từ Nam chí Bắc. Anh đã thực sự tiếp tay nâng số phát hành của tờ báo vượt hẳn lên. Trong một hồi ký mới đây vừa ráo mực, chỉ vài tháng trước khi qua đời, khi hoài niệm nhắc nhớ đến cụ chủ nhiệm báo Đời Mới, Anh có ghi lại hiện tượng này mà Anh khiêm nhường cho là một sự may mắn trong đời mình.
Thực tế, Anh đã thành công ngay ở những bước đầu bập bũm, ngấp nghé nghiệp dĩ mà ai cũng cho là giăng mắc khó khăn, đầy chông gai. Để rồi từ điểm khởi hành thành công nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng đó và với niềm hãnh diện của tuổi trẻ đang mò mẫm, dò dẫm tìm một lối đi cho đời mình, Anh nguyện tiếp tục đeo đuổi ý nguyện và sự réo gọi của lòng, xuyên suốt bao nhiêu thập niên thăng trầm sóng gió, song hành với dòng sử mệnh khổ đau của đất nước và dân tộc cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay trở về với cát bụi ngày 16 tháng 4 năm 2009.
Nơi đây, hôm nay trong hương khói tưởng tiếc luyến nhớ Anh và với tư cách một người bạn tâm đồng ý hợp đã từng viết chung nhau gần hai thập niên nay, năm bảy tập truyện, ngoài một số bài viết đăng báo, tôi xét thấy có bổn phận và nhứt là tấm lòng ghi lại đôi dòng hoài niệm Anh, gọi là một chút tình riêng đối với người đi trước cho phải đạo. Nhưng thú thật, tôi không hề có tham vọng, vả lại tự xét, biết mình không hội đủ khả năng cùng vị trí để viết lên đầy đủ và trọn vẹn cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương nghệ thuật của Anh. Một cuộc đời quá đỗi phong phú và đa dạng, bao trùm rất nhiều lãnh vực khác nhau như hội họa, biếm họa, văn chương, xã hội và công tác phục vụ cộng đồng. Tôi chỉ dám mạo muội ghi lại nơi đây một số kỷ niệm riêng tư giữa Anh và tôi từ dạo biết nhau và hợp tác với nhau phục vụ văn hóa dân tộc, qua văn chương chữ nghĩa ở hải ngoại.
Đó là khoản thời gian khá dài cả hai anh em chúng tôi nhờ ơn trên và phước đức dòng tộc tổ tiên may mắn thoát khỏi ngục tù cộng sản, để sau đó đành cam chấp nhận cuộc sống lưu vong trong niềm đau ray rứt uất hờn, thường xuyên gậm nhấm tâm tư tình cảm mình. Mặc dù cách xa nhau hằng vạn dặm, tôi tỵ nạn chánh trị ở miền Bắc nước Pháp còn anh thì sống tầm gởi bấp bênh ở tiểu bang Michigan Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn tâm đắc trong ý chí hướng thượng, trong quyết tâm kiên trì, phấn đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản nơi quê nhà. Cho nên chúng tôi đã cùng nhau chung lưng đâu cật, vượt bao nhiêu khó khăn vật chất lẫn tinh thần, cố gắng bàn thảo, trao đổi, viết chung năm tập truyện đã trình làng, cùng nhiều bài viết đăng rải rác nơi báo chí, đặc san đấu tranh, tập san văn chương học thuật ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng trước hết có một điều tôi thấy cần làm sáng tỏ để những thế hệ về sau này không thắc mắc lúng túng, nếu phải có dịp viết về người nghệ sĩ tài hoa, có nếp sống phóng túng, bất cần đời này. Khi anh từ bỏ anh em chúng tôi vĩnh viễn ra đi trong ngậm ngùi thương nhớ, luyến tiếc ngập lòng của đông đảo bạn bè văn thi hữu bốn phương, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và nhiều báo chí cùng báo điện tử khắp nơi có ra thông báo cũng như gởi lời chia buồn cùng gia đình, trong đó ghi rõ năm sanh của Anh là 1935. Có lẽ Văn Bút Việt Nam và các báo ấy ghi lại trung thực năm sanh của Anh trên giấy tờ tùy thân chánh thức khi Anh gia nhập hội?
Thực ra, Anh sanh năm 1932, như anh em chúng tôi đã từng xác nhận nhiều lần trong phần giới thiệu tác giả ở năm tập truyện anh em tôi viết chung nhau là Bên Đục Bên Trong, Niềm Đau Bạc Tóc, Nước Mắt Tình Yêu, Nước Lớn Nước Ròng và Ngàn Sao Lấp Lánh. Bản tiểu sử dù được tóm tắt ngắn gọn này đã được Anh duyệt kỹ mỗi lần sách được nhà xuất bản Hương Cau, Pháp in ấn và phát hành.
Vả lại, Anh cũng từng xác nhận đôi ba lần tuổi thật của Anh trong những bài viết đó đây. Lý do vì vừa từ bỏ chiến khu trở về thành, hoang phí một thời gian “chống xâm lăng” của tuổi trẻ ăn không ngồi rồi vô tích sự, Anh phải khai sụt tuổi để có thể nộp đơn xin vào nhập học trường Mỹ Thuật Gia Định, trong khi Anh đang lang bạt tìm sống ở Thủ đô Sài Gòn phồn hoa xa lạ nhưng có quá nhiều cám dỗ:
“Tôi có lẽ lớn hơn hết giữa các bạn cùng lớp. Vì tôi lấy giấy khai sanh của đứa em tôi để vào trường. Trong giấy khai sanh xuống đến ba, bốn tuổi nên tôi được anh em bầu làm trưởng lớp” (1).
Cũng ở một đoạn khác, khi Anh nhắc đến việc mấy giáo sư Trường Vẽ Gia Định thành lập một nhóm hội họa trong đó có các giáo sư Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Anh và Lưu Đình Khải. Các vị này lấy tên chung là LAK, tự bỏ tiền túi dựng nên những xưởng vẽ như xưởng sơn mài, sơn dầu, xưởng tranh lụa, xưởng làm mộc v.v... Anh viết:
“Có lẽ mấy thầy thấy tôi lớn tác hơn hết nên cử tôi làm đại diện lớp và cũng là trưởng xưởng luôn. Tôi có bổn phận chăn đám thợ mộc và thợ sơn khá đông. Nhất là vẽ những phần quan trọng trong tác phẩm như phủ mài, đánh bóng. O bế, vẽ mặt mũi thiếu nữ (partie délicate) đều phải có sự trông nom của Hiếu Đệ” (2).
Anh Hiếu Đệ với tư cách là một sĩ quan Tâm Lý Chiến trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản miền Bắc lật lộng, gian dối bắt tập trung đi học tập cải tạo trong thời gian năm năm để thỏa mãn chánh sách hận thù, truy diệt những thành viên lãnh đạo hoặc chủ lực của chế độ Miền Nam Việt Nam. Sau khi được trả tự do, Anh không được chánh quyền mới cho phép sinh sống ở Đô thành và dĩ nhiên không được phép hành nghề cũ.
Anh phải làm nhiều việc tạm bợ, lây lất qua ngày tháng, nhưng cuối cùng vẫn bị cưỡng bách quản chế dài hạn ở U Minh Thượng (Rạch Giá – Cà Mau). Nơi đây, Anh có ghi lại sau này tập hồi ký nhan đề U Minh Lưu Xứ có giá trị thời sự nóng bỏng của một giai đoạn đau thương đong đầy nước mắt của người dân Miền Nam, đồng thời tràn ngập những phong tục tập quán của người bản địa. Tập hồi ký này được nhiều nhà phê bình văn học hiện đại đánh giá phong phú, mới mẻ, hiện thực hơn cả tác phẩm Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam Nguyễn Minh Tài, mà một thời tôi nghe đâu đó có người xác nhận “nói dóc có căn cơ”.
Anh đã vượt biên không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đều gánh lấy những thất bại chua cay, thê thảm. Lúc này, Anh đã thực sự kiệt quệ từ vật chất lẫn tinh thần, nhiều lúc đâm ra thất vọng ê chề. Vì Anh cứ ngỡ rằng mình đang ở tận chân tường, tiến thối lưỡng nan, mình sẽ vĩnh viễn chôn chặt cuộc đời nơi xứ tù chung thân xã hội chủ nghĩa. Anh sẽ không bao giờ còn có dịp cầm cọ và cầm bút trở lại. Một niềm đau ray rứt, câm nín của một nghệ sĩ sáng tác chân chính bị chế độ chuyên chính độc tài tước đoạt những quyền tối thiểu, những quyền cơ bản của con người và nhứt là những giá trị thiêng liêng của Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
Lần vượt biên sau cùng, Anh bị công an cộng sản bắt câu lưu năm 1980, khi chuyến mạo hiểm sinh tử này bị bể ở một cửa biển thuộc tỉnh Bến Tre. Nếu tôi nhớ không lầm là Bình Đại thì phải. Anh có nói chắc chắn lần ấy, Anh đã bị bọn tổ chức vượt biên bất lương phối hợp với đám bán bãi gày bẫy để cướp đoạt tài sản, nhà cửa người dân vô tội, nhứt quyết trốn bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng mọi giá. Cho dù cái giá đắc nhứt là sự sống.
Anh đã ghi lại tỷ mỷ diễn tiến tình tiết éo le, cười ra nước mắt của lần thất bại hi hữu đó trong hồi ký Đầu Năm Ngọ Cơ Đồ Đổi Thay, qua giọng văn hiện thực quen thuộc của Anh. Một giọng văn vừa hóm hỉnh, trào lộng nhẹ nhàng, vừa sâu sắc đắng cay, thấm thía một nỗi buồn cô đơn dằng dặt đêm ngày bất tận, một niềm đau bất lực tận cùng của hầu hết người dân Miền Nam mất tự do, trói mình sống trong sự khống chế, kềm kẹp tàn nhẫn của một chế độ hà khắc sắt máu, tham nhũng bất nhân nhứt trong chuỗi dài lịch sử dựng nước.
Nhưng cuối cùng, may mắn rồi cũng đến với anh, với cả gia đình Anh. Anh được đến bến bờ tự do ao ước qua diện H.O. để đến trại chuyển tiếp Palawan, Phi Luật Tân, trước khi đi định cư năm 1990 ở Thành phố Holland thuộc Tiểu bang Michigan Hoa Kỳ. Tại đây, Anh đành chấp nhận cuộc sống lưu vong đến khi qua đời năm 2009. Và tôi cũng bắt đầu liên lạc lại với Anh qua trung gian một bậc đàn anh văn nghệ vong niên đáng kính, quen biết lâu đời trước 1975.
Đó là anh An Khê Nguyễn Bính Thinh, nhà văn nhà báo chuyên nghiệp mà chúng tôi thân tình thường gọi là anh Chín. Anh đã từng nổi tiếng một thời ở Miền Nam trước 1975 vì đã dám cả gan lãnh viết cùng một lúc mười ba tiểu thuyết đăng hằng ngày (feuilleton) trên các nhựt báo lớn ở Sài Gòn lúc bấy giờ, như Tiếng Chuông của cụ Đinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, Công Nhân của cố ký giả Trần Tấn Quốc, Buổi Sáng của Tam Mộc Mai Lan Quế, Tia Sáng của Nguyễn Trung Thành, Thời Báo của Dương Chí Sanh v.v...
Anh An Khê cũng mới vừa đặt chân đến Pháp qua diện đoàn tụ gia đình do người con gái đầu lòng là cô Vân Nga bảo lãnh và đang tạm sinh sống ở miền Nam nước Pháp. Lúc ấy, anh chưa có giấy tờ hợp lệ để được phép ở lại Pháp. Mặc dù còn trong hoàn cảnh khó khăn bấp bênh nhưng anh lại có cơ may sớm liên lạc được với anh Hiếu Đệ trước tôi, trong khi tôi đã nhiều năm dọ hỏi hoài công qua các báo chí nơi anh cộng tác vẽ tranh biếm họa.
Tôi vẫn nhớ và vẫn giữ kỹ bức thư anh An Khê viết cho tôi ngày 6 tháng 8 năm 1994 sau khi lưu ý tôi địa chỉ của anh Hiếu Đệ kèm theo một số tranh hí họa của anh ấy:
“Hiếu Đệ là em út của tôi từ ngày mới tập tễnh vào nghề ở tờ Đời Mới của cụ Văn Lang Trần Văn Ân. Chú nhớ liên lạc với nó. Nó bụi đời, nhưng cởi mở và dễ thương lắm. Nó là loại Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông đấy. Chú nhớ đừng quên liên lạc với nó!”.
Lúc bấy giờ, tôi đang phụ trách trông coi phần nội dung của đặc san song ngữ Văn Hóa Pháp Việt (France Vietnam Culture) xuất bản mỗi hai tháng một kỳ tại miền Bắc Pháp. Từ dạo đó, chính anh Hiếu Đệ cũng như anh An Khê đã nhiệt tình đóng góp rất nhiều bài vở và ý kiến xây dựng,
những kinh nghiệm quý báu được tích lũy qua những năm dài lăn lóc trong ngành báo chí trước đây ở quê nhà. Và chính sự đóng góp thường xuyên liên tục và tình nguyện vô điều kiện ấy ở mỗi số báo, không sót một số nào cả, đã giúp cho sự thành công của tờ Văn Hóa được kéo dài hơn mười lăm năm cho đến ngày đình bản vì lý do sức khỏe của tôi.
Anh Hiếu Đệ còn liên tục tô điểm tờ báo qua những bức tranh biếm họa độc đáo, diễn tả tinh thần đối kháng đáng phục, thể hiện lập trường cương quyết nói lên ý thức đấu tranh cao độ vì chính nghĩa và lý tưởng quốc gia dân tộc. Qua những sáng tạo dưới nét vẽ thâm trầm, ý nghĩa sâu sắc đó, Anh không ngừng khẳng định thái độ dứt khoát, trước sau như một của mình, chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần, tàn ác sắt máu, tham nhũng ung thối, cướp giựt công khai.
Và tôi cũng không ngờ qua lần giới thiệu này của anh An Khê lại là một điềm anh An Khê có linh tính ký thác những người ở lại tiếp tục nối vòng tay lớn, đồng tâm hiệp lực, chung lưng nhau cùng đi trên con đường thênh thang chói chan của dân tộc, của tình thường và của tổ quốc quật cường. Cũng nhờ đó, hai anh em chúng tôi, Hiếu Đệ và tôi mới có dịp hợp tác lâu dài đến phút cuối cùng của một đời người. Nhưng tiếc thay, những việc chúng tôi cùng làm chung nhau một cách quyết tâm và cụ thể lại đến quá muộn màng vì anh An Khê đã ra đi không lâu sau đó, mất đi một dịp thỏa lòng ký thác.
Ngoài việc hợp tác văn hóa, về phương diện cá nhân riêng tư trong cuộc sống cộng đồng và xã hội, tôi rất mến mộ anh Hiếu Đệ ở nhiều khía cạnh tình cảm và cung cách xử thế. Là một con người, lại là con người năng động, không ngại dấn thân trong nhiều lãnh vực khác nhau, va chạm không ít, nhứt là trong bối cảnh ly hương tỵ nạn, lòng người phân tán phức tạp, níu kéo nhau qua danh vọng tiền tài, quyền lợi riêng rẻ của cá nhân và phe nhóm, dĩ nhiên trong hoàn cảnh ấy mỗi người dù có tinh thần và thiện chí đến đâu cũng không sao tránh khỏi những phiền hà tai tiếng đến từ nhiều phía. Đó là chưa nói đến đám cán bộ cộng sản nằm vùng và tai sai ẩn mình, trường kỳ mai phục, hoặc đội lốp quốc gia chống cộng đầu môi chót lưỡi, luôn tìm mọi sơ hở nhỏ nhặt để đánh phá, gây hoang mang, chia rẻ trầm trọng, hủy diệt niềm tin cùng tiềm năng và chiến đấu tính của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản. Lắm lúc anh Hiếu Đệ vẫn bị bươi móc đời tư, vẫn bị “chụp mũ“ và bị gán cho hai chữ “thân cộng” hay thâm độc hơn là “cộng sản nằm vùng trường kỳ mai phục”.
Cũng may, không vì thế mà anh chán ngán, nãn lòng, xuôi tay bỏ cuộc. Anh không đặt nặng cá nhân mình, mặc dầu đôi lúc tình cảm riêng tư, tự ái bị tổn thương trầm trọng. Vì Anh cho rằng tình đời vốn dĩ là như thế, không phải luôn luôn lúc nào cũng xuôi chèo mát mái như mình tưởng. Mà lắm lúc thác ghềnh giăng mắc, quanh co hiểm nguy không tránh khỏi trên từng bước đi. Mình phải chấp nhận, xem đây như một định luật bất biến của trời đất. Đó là tâm tình chân thật của Anh qua vô số thư từ Anh thường xuyên liên tục gởi cho tôi.
Trái lại, Anh vẫn mạnh dạng chóm dậy, đứng thẳng người, dỏng dạt tiếp tục đi tiếp và đi trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng con đường chính nghĩa quốc gia chói lòa ánh sáng, tiếp tục cuộc chiến sống còn dang dở của một quân nhân không hề chấp nhận buông súng giải ngũ. Nếu ngày nay Anh không còn có một thứ vũ khí sắt bén nào trong tay, Anh vẫn còn một thứ vũ khí khác vô cùng hữu hiệu hơn, đáng sợ hơn: đó là vũ khí tinh thần. Một thứ vũ khí tuyệt vời không một ai, không một thế lực nào có thể lung lay, khống chế hay dễ dàng mua chuộc được.
Nội dung những bài viết liên tục hằng tuần hằng tháng, tất cả những bức tranh biếm họa, hí họa được triệt để khai thác theo những đề tài thời sự nóng bỏng, vừa nhạo báng sâu cay, vừa thâm trầm ý nghĩa, tràn ngập trên báo chí hầu như khắp nơi trên thế giới, từ Hoa Kỳ sang Âu Châu đến Úc Đại Lợi... và nhứt là gần đây ở các báo điện tử, liên mạn, đã nói lên một cách hùng hồn tinh thần đấu tranh kiên cường và chống cộng dứt khoát của Anh. Anh không cần lên tiếng phân trần hoặc phản bát đôi co về những lời xuyên tạc hạ cấp, vì xét thấy không cần thiết đối với những bôi bẩn vu vơ, không căn cứ, đôi khi dựng đứng với cố tình và ác ý.
Anh thường tâm sự với tôi qua điện đàm hay qua những bức thư dài viết gởi tôi hầu như hằng tháng là Anh nguyện với lòng chỉ lấy thực tế của hành động, của tiếng nói trung thực của quả tim mình để chứng minh. Tôi nghĩ chắc ít có người nào dù khó tánh hay hẹp hòi đến đâu phủ nhận được ý nghĩa đích thực về những sáng tạo tim óc của Anh.
Dù sự bất lợi đó đối với một họa sĩ chuyên nghiệp, suốt đời sống với màu sắc, sống với sáng tạo tự do và lại là nhà văn bất đắc dĩ trong hoàn cảnh chẳng đặng đừng nơi cõi tạm lưu vong, nhưng có chí hướng, soi sáng bởi tâm lành, bởi quyết tâm phải làm một cái gì để không cúi mặt, không hổ thẹn ở những ngày tháng cuối đời, Anh tự biết mình chỉ còn có một loại vũ khí duy nhứt sót lại nơi hải ngoại. Đó là cây cọ và ngòi bút. Nhưng là cây cọ sắt. Và ngòi bút thép. Với bấy nhiêu cũng đủ cho Anh đối phó với cả một hệ thống cộng sản phản động. Chúng liên tục và xuyên suốt đánh phá cộng đồng với những phương tiện nhân sự và tài chánh khổng lồ, đục khoét bòn rút nơi hơn tám mươi mấy triệu sinh mạng người dân vô tội từ Nam chí Bắc, triền miên đói nghèo, mất tự do.
Do vậy, tôi luôn luôn mến mộ Anh. Vì một lẽ dễ hiểu là Anh quả là con người chí tình chí nghĩa, một mẫu mực thủy chung như nhứt. Con người Anh không hề bị vẩn đục thường tình, dù hoàn cảnh và trạng huống éo le ngang trái nào. Một thứ tình nghĩa trong sáng, hào hiệp, trực tính, không hề có hậu ý toan tính hơn thiệt, thiệt hơn, mặc dù đôi lúc có vẻ ngang tàng, “bụi đời”, “chịu chơi “. Nhưng là cái ngang tàng lãng mạn rất mực dễ thương, vừa yêu đời yêu người, vừa yêu thiên nhiên vạn vật, chớ không phải cái ngang tàng hận thù chém giết của đám “du côn” đầu trộm đuôi cướp nhan nhản khắp nơi trong xã hội, nhứt là của bọn “đỉnh cao trí tuệ” trong chế độ xã hội chủ nghĩa nơi quê nhà.
Một trong những đức tính nổi bậc ấy là tình nghĩa của Anh đối với bạn bè, đặc biệt là những bạn bè thân thiết chí cốt, những bạn nối khố từ những lúc còn mài đủng quần trên ghế nhà trường trung học. Anh dám hy sinh tất cả, mặc kệ những trói buộc của gia đình, vốn không dư dả hơn ai, lại đùm đùm gánh nặng con cái nheo nhóc. Những lúc ấy, Anh bất cần hậu quả ra sao về sau, miễn giúp được bạn bè mãn nguyện và hạnh phúc là Anh vui rồi.
Anh chẳng đã từng viết:
“Con người còn có một niềm khích lệ lớn là bạn bè. Những người am hiểu và cùng chia xẻ những nỗi vui buồn với mình” (3)...
“Ngày tôi mới đến Sài Gòn, tôi có làm anh em với đám bụi đời đánh giày trên hè phố. Muốn có thùng dụng cụ để đi đánh giày phải chịu nhiều điều kiện. Trường hợp mình làm ăn khá thì phải nuôi lại những đứa chân ướt chân ráo mới vào đời. Do đó, tôi có thói quen giúp đỡ anh em. Nhứt là sau này với các anh em làm văn làm báo ở miền Bắc miền Trung bị Dương Văn Giáo đuổi vào Sài Gòn mang thân phận ‘Hành Phương Nam’ kiểu nhà thơ Nguyễn Bính” (4).
Cuộc đời truân chuyên lận đận của Anh từ thuở thiếu thời, xa cha mẹ gia đình để vào Sài Gòn đi học và sau đó lang thang “bụi đời” nơi phồn hoa đô thị, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với Anh. Chính cuộc sống lang bạt, rày đây mai đó, xem như không có nơi nào làm điểm tựa chắc chắn để ẩn thân, chính cuộc sống phóng túng rất sớm ấy, về sau khi có địa vị vững vàng đã giúp Anh mở rộng cửa lòng, dang tay giúp đỡ những người chung quanh. Anh thông cảm và thương yêu tha nhân, nhứt là những người cô thế, lỡ bước, thường bị dồn vào chân tường trong một đất nước luôn luôn bị phân hóa vì chiến tranh, trong một xã hội đua chen tranh giành nghiệt ngã. Nếu kể ra đây những lần ra tay nghĩa hiệp của Anh, tôi nghĩ không bút mực nào kể cho xiết.
Tôi chỉ xin ghi lại đây một trường hợp hi hữu, hiếm hoi có thể là có một không hai trên thế gian rối nhùi lắm chuyện này, xem như tiêu biểu cho nhận xét của tôi. Và tôi dám quả quyết chắc chắn khó có một người nào khác có thể thực hiện được như Anh.
Trong hồi ký cuối đời khi nhắc nhớ đến cụ Đinh Văn Khai, chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Chuông trước 1975 ở quê nhà, người đã từng nhiều lần bênh vực, đỡ đầu và thực tình ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ Anh trong những lúc khó khăn bế tắc, Anh viết những dòng sau nầy xem như lời tạ ơn muộn màng đối với một bậc đàng anh văn nghệ khả kính đã mất ở Canada cách đây hơn mười năm:
“Vợ tôi có bầu đứa con đầu lòng, tôi thấy nàng rất lo lắng. Nàng nhịn ăn, dành dụm từng chục bạc cẩn thận bỏ trong cái gối nằm. Hỏi ra tôi mới biết cô nàng để dành tiền, phòng khi đi sanh nở.
“Lúc đó, họa sĩ Nguyễn Văn Phương đang lo triển lãm tác phẩm của mình. Nguyễn Văn Phương sau này là tác giả Mỹ Thuật Việt Nam Hiện Đại do Nha Mỹ Thuật ấn hành. Anh ta bị thiếu hụt khoản tiền đóng khuôn. Anh ta chạy đến tôi để xin cầu cứu.
“Tôi suy nghĩ mãi không biết lấy tiền ở đâu ra. Tôi chợt nhớ tới cái gối tiền của vợ tôi dành để đi nhà bảo sanh. Tôi lấy ngay trao cho Nguyễn Văn Phương ôm đi để gở kẹt làm cho vợ tôi ngồi khóc quá cở.
“Tôi an ủi vợ tôi:
“- Em đừng có lo, lỡ có chuyển bụng em cứ đi nhà bảo sanh, tiền sanh nở để anh lo cho, không sao đâu. Hôm nay mình lo cho bạn bè để cho nó nổi tiếng, mai sau đến phiên mình trình bày tranh thì anh em họ xúm nhau lo lại, chứ mình có mất mát gì đâu.
“Lúc này, tôi đang ở Xóm Cầu Mới hẽm Trần Quang Khải, gần rạp chiếu bóng Văn Hoa. Tôi nhớ tối hôm đó vợ tôi chuyển bụng. Nàng đòi đi nhà bảo sanh. Mấy chị hàng xóm chạy lại bu quanh nhà. Mấy chị nói thầy Đệ, con người chậm lụt lắm để chị em chúng tôi đưa cô Mười đi sanh còn mau mắn hơn.
“Họ chở vợ tôi trực chỉ đến chợ Đa Kao nơi nhà bảo sanh Hạnh Phước. Tôi đủng đỉnh theo sau mấy chị em phụ nữ ở xóm lao động này. Họ thấy gia đình tôi cũng khá đơn chiếc nên họ giúp đỡ thật chí tình.
“Vài ngày sau, tôi chạy xuống tòa soạn báo Tiếng Chuông ký cái biên nhận một ngàn đồng. Cô Thu Ba (con gái ông chủ nhiệm Đinh Văn Khai) cầm biên nhận của tôi lên phòng ông chủ nhiệm kiện:
“- Ông Hiếu Đệ tháng này con thấy ổng có vẽ cái gì đâu mà Ba lại ký cho ổng lãnh đến ngàn đồng lận.
“Ông chủ nhiệm cười:
“- Ba ký cho ổng đó. Con có biết sao không? Vợ ổng sanh cháu bé đó. Lẽ ra ba còn ký thêm để mừng cho gia đình ổng nữa chớ.
“Cô Thu Ba vừa đi vừa cằn nhằn nhưng rốt cuộc cô ta cũng phát tiền cho tôi“.
Lối sống của anh Hiếu Đệ là như thế đó. Nói bốc đồng thì cũng đúng phần nào, nhưng thực sự tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Bởi vì Anh vốn có cái tâm lành trong con người Anh. Cái thiện thâm đó hướng dẫn Anh thương mến bạn bè, cảm thông nỗi khốn khó bất hạnh của tha nhân. Đọc Anh trong những tác phẩm viết chung nhau, tôi nhận thấy dễ dàng không biết bao nhiêu trường hợp tương tự mà Anh ghi lại với tất cả tấm lòng triều mến lo lắng và nhứt là có trách nhiệm cao độ, một khi Anh đã quyết tâm dấn thân. Nhưng đôi khi cái tâm lành ấy gây cho Anh khá nhiều rắc rối, hiểu lầm là khác.
Dạo nọ, Anh mới được thả về từ trại cải tạo sau năm năm dài đọa đày, gian khổ “trả nợ máu“ qua nhiều trại tù hắc ám, tưởng chừng không có ngày về với gia đình vợ con. Chỉ vì một câu chuyện cũ, Anh đã vẽ mười mấy tên Việt cộng ốm nhom ốm nhách, đói trơ xương cùng nhau ôm một cọng đu đủ mà không hề bị gãy. Cũng như hầu hết các bạn đồng hội đồng thuyền bất hạnh khác, Anh bị đặt dưới sự quản lý của địa phương một thời gian. Thời gian Anh chờ đợi đủ điều kiện ấn định để được tổ dân phố cứu xét trả quyền công dân. Từ đó, Anh mới có thể trở thành người công dân bình thường, tức có hộ khẩu chánh thức và hằng tháng được hưởng phần phân phối nhu yếu phẩm chết đói. Nếu Anh không tìm được công ăn việc làm hợp lệ theo tiêu chuẩn khắc khe của chế độ đặt định lúc ấy thì sẽ bị xúc đi vùng kinh tế mới để sản xuất tự túc.
Mỗi ngày, hầu như không sót ngày nào, Anh đều bị tên công an khu vực, một tên răng đen mã tấu ngu ngơ dốt nát Miền Bắc mới vào công tác trong Nam với bộ áo quần màu vàng thùng thình xốc xếch nhưng nghênh ngang hống hách, kênh kiệu tự đắc, xem trời bằng vung, đến dò la tìm kiếm, hỏi thăm sức khoẻ. Do đó, những người thân trong gia đình mới khuyên lơn Anh nên thử thời vận đến nộp đơn xin việc làm ở Phòng Thương Mãi Đô Thành.
Lúc bấy giờ Phòng Thương Mãi được đổi tên mới là Trung Tâm Quảng Cáo Ngoại Thương Thành Phố. Nơi đây người ta chuyên phụ trách trình bày các loại bao bì cho những mặt hàng xuất khẩu.
Tên Tổng Giám Đốc lại là người láng giềng với gia đình Anh. Anh tưởng đâu tên này có thể nhờ cậy được, có thể giúp Anh một tay để thoát khỏi bế tắt ngặt nghèo, tận chân tường. Thì ra hắn ta cho biết hồ sơ của Anh bị phòng nhân viên bát bỏ, vì ở đây không nhận những người tù cải tạo mới về.
Họ chỉ nhận anh Trần Dinh. Họa sĩ Trần Dinh là anh của nhà thơ Trần Dần, từng nổi tiếng chống đảng và suốt đời bị trù dập, cất đầu không lên. Anh ta ở Hà Nội vừa vào Sài Gòn, chưa có chỗ ở. Tên Tổng Giám Đốc nói nhà Anh có đến bốn từng lầu, xin cho anh Trần Dinh ở trọ một thời gian.
“Tôi dẫn anh Trần Dinh về nhà bị vợ tôi cằn nhằn quá:
“- Đã không xin được công ăn việc làm thì chớ, ai lại đi lãnh cái búa bao giờ. Anh Trần Dinh vẽ biếm họa cho tờ Nhân Văn Giai Phẩm bị cải tạo khá lâu, nay lại ở chung với Anh, một cây biếm họa nổi tiếng trong Nam. Mặc dầu anh chẳng có vẽ cóc gì nữa nhưng người ta vẫn để ý. Tại sao các ông chỉ muốn gây chuyện với công an hoài vậy? Người ta trả hồ sơ xin việc lại cho anh. Tại sao anh không biết trả họa sĩ Trần Dinh lại cho người ta? Chuyện đó dễ thôi!“.
Nói gì thì nói, họa sĩ Trần Dinh cũng tá túc một thời gian nơi nhà anh Hiếu Đệ. Mặc dù Anh vẫn ý thức về những âu lo canh cánh của người vợ hiền đảm đang chịu đựng. Chị đã từng thay mặt Anh trong những ngày dài tù tội để bươn chải nuôi nấng đàng hoàng đám con dại, cả việc thăm nuôi chồng tươm tất:
“Đám cộng sản bảo là vợ tôi quản lý chồng con còn chặt chẽ hơn cả công an khu vực. Chỉ sợ tôi uống rượu say rồi chửi đổng. Cộng sản bắt đi cải tạo trở lại mút mùa. Nhà nước bỏ tù một công dân coi như bỏ tù cả vợ con của công dân đó luôn. Nếu không xách giỏ đi nuôi thì tên tù phải chết đói. Con cái không được học hành và kiếm việc làm. Muôn đời bị khép vào hồ sơ chính trị loại C“ (5).
Chung qui, nếu anh Hiếu Đệ hành xử như vậy chẳng qua do cái tâm lành tiềm ẩn, lẩn quất thường xuyên trong Anh, chỉ chợt phát hiện, bộc bạch ra ngoài trước một nghịch cảnh éo le ngang trái, trước một trạng huống bế tắt khó xử. Cái tâm lành đó ở Anh là tình thương tha nhân, “thương người như thể thương thân“, bao la trong sáng, chính là căn bản tất yếu của cuộc đời và cả của nhân loại.
Tôi lại chợt nhớ một đoạn văn Anh đã chắt chiu trang trải vuông tròn quan điểm này của mình, khi thay mặt một trại viên cải tạo đấu lý với một nữ cán bộ cộng sản trẻ đang được bố trí công tác tại trại này:
“... Tôi tin tình thương lớn hơn hận thù. Tình thương thắng cả hận thù và ganh ghét. Lúc sanh ra, chúng ta nằm trong cánh tay bà mẹ đầy tình thương yêu cho đến khi lớn lên, đi học đến trường thì nhà trường cũng đào tạo chúng ta có chút đỉnh văn hóa để hiểu nhân loại tiến bộ vì lấy tình thương làm căn bản. Tình thương ăn sâu vào tâm trí chúng ta như một qui luật. Cái qui luật ấy chẳng phải riêng cho loài người mà xét kỹ ra là cho cả muôn loài trong vũ trụ. Loài người có óc thông minh, óc sáng tạo mới tìm ra lẽ huyền vi ấy. Đó là sự thật. Đó là chân lý… Chúng ta sanh ra đâu có nanh có vuốt như loài ăn thịt sống hẻo hông? Chúng ta chỉ có hai cánh tay là vũ khí tình thương để thương yêu nhau, nắm chặt tay nhau để chống lại cuồng bạo của thiên nhiên từ xa xưa đến nay. Hai cánh tay ấy không cho phép chúng ta sống cô độc hay chia bè phái kình chống nhau. Chúng mặc nhiên bảo chúng ta thương yêu, giúp đỡ nhau để trường tồn. Tình thương là chìa khóa căn bản của cuộc đời, của nhân loại» (6).
Sống rộng rãi cởi mở, bộc trực, bất cần đời như lời văn mộc mạc, chơn chất thật thà cố hữu của Anh, viết như nói, nghĩ sao viết vậy, không chải chuốt cầu kỳ, không làm duyên làm dáng, khiến độc giả bốn phương rất thương mến và quý trọng Anh. Anh còn một ưu điểm khác làm cho khi vắng Anh trên chốn lưu đày bất đắc dĩ nầy, lòng tôi luôn ray rứt nhớ thương Anh, ngoài sự cảm phục chân thành và sâu xa của tôi. Đó là tánh Anh không hề giận ai lâu, không màng nghĩ tới việc hờn ghét người nào dây dưa. Anh không giữ mãi trong bụng mình những tình tiết khó chịu, thoáng qua ấy. Nói rõ ra, Anh rất dễ xí xóa bỏ qua mọi chuyện. Sự thứ tha nơi Anh không khó lắm, đôi khi cũng nhờ thời gian giúp Anh mau quên tất cả, vì Anh vốn là một Phật tử, hiểu tận tường giáo lý nhà Phật, từ bi hỉ xã.
Nhiều lần, tôi bất đồng ý kiến với Anh về một đoạn văn dính liếu đến thời sự chung quanh những vấn đề chánh trị phức tạp, sôi động, có thể gây hiểu lầm hoặc vô tình tạo tranh luận vô ích, làm mất tình đoàn kết trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Hay những ghi nhận hồi ức liên quan đến hành vi cùng những lời tuyên bố bất lợi của một nhân vật tên tuổi có thật ngoài đời. Những lúc đó tôi thành thật góp ý góp lời với Anh. Lắm lúc vì nghĩ suy nong cạn, tôi cứ ngỡ Anh có thể sẽ hờn giận tôi vì những lời nói thành thật và dứt khoát ấy của tôi.
Nhưng không. Tuyệt đối không.
Anh vẫn hồi âm tôi ngay sau đó ít ngày, chỉ ít ngày ngắn ngủi thôi, có lẽ vì Anh sợ tôi trông chờ chăng? Chẳng những Anh không phiền hà giận hờn gì tôi, mà trái lại còn vui vẻ xác nhận những sơ hở vô tình đó của Anh. Chẳng những Anh không hẹp hòi cố chấp, Anh còn tỏ ra biết phục thiện nữa.
Anh vốn là một Phật tử thuần thành, một Phật tử tu tại gia thì đúng hơn. Hoặc một thiền giả cũng không sai hẳn. Anh lại chung thủy với mọi người đã có một thời đi qua đời Anh và đã để lại trong Anh nhiều kỷ niệm đẹp. Ai cũng biết trước 1975, Anh có mối quan hệ nghề nghiệp khá khắng khít với nhà xuất bản L. B., lúc ấy hình thành và sanh hoạt vững mạnh một thời gian khá dài ở Sài Gòn. Anh có cho tôi biết cơ sở này do nguồn tài chánh quan trọng hầu như duy nhứt của thiền sư Nh. H. từ ngoại quốc liên tục gởi về chi viện.
Đó là thời kỳ chiến tranh lên cao độ. Cộng sản miền Bắc chủ trương xâm lăng Miền Nam bằng mọi giá, với sự hổ trợ đắc lực, không giới hạn về nhân lực và tài lực của cả khối cộng sản quốc tế Nga, Tàu và các nước Đông Âu. Quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa mọi cấp, mọi ngành bắt buộc phải hy sinh xương máu, chiến đấu để tự vệ. Có lúc họ phải chiến đấu đơn phương trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn, nhằm bảo toàn lãnh thổ quốc gia, cùng duy trì nền tự do dân chủ và quyền sống của mình.
Cộng sản miền Bắc bản chất dối gian, ma giáo, quỷ quyệt đưa ra chiêu bài hấp dẫn thời chiến: chấm dứt chiến tranh. Chúng không ngớt huênh hoang tuyên truyền đòi Miền Nam và Hoa Kỳ phải lập lại hòa bình tức khắc trong những lúc tiềm lực chiến tranh của chúng suy yếu, thực sự có nhiều bất lợi cho mộng xâm lược của Bắc bộ phủ. Dù vậy, chúng cũng gây được phong trào phản chiến qui mô rầm rộ ở Hoa Kỳ và ở hầu hết các nước kỹ nghệ tân tiến, nhờ sự tiếp tay đui chột, mù quáng của giới truyền thông cùng báo chí thiên tả và nhứt là đám “trí thức“ khoa bảng ngây ngô cứ tưởng mình tiến bộ, tiên phong dẫn dắt dư luận thế giới và thời đại.
Thiền sư Nh. H. là một trong những phần tử Việt Nam hiếm hoi ở hải ngoại thời bấy giờ đã liên tục cổ võ nhiệt tình cho “phong trào hòa bình“ nầy. Một phong trào quốc tế có tầm cở rộng lớn vô cùng bất lợi cho công cuộc chiến đấu tự vệ vì chánh nghĩa và sự sống còn tất yếu của Miền Nam. Một trong những lý do quyết định đã đưa đến thảm họa đau thương ngày 30 tháng tư năm 1975.
Nên nhớ ở trong nước, nhà xuất bản L. B. được hai thầy T M. V Th. T. và Th. T. trông coi mọi việc xuất bản và điều hành cho đến ngày Miền Nam bị cưởng chiếm. Sau này, thầy T. M. thành lập nhà sách và nhà xuất bản V. Ngh. ở Californie, Hoa Kỳ. Trong khi thầy Th. T. lập ra một nhà xuất bản riêng lấy tên là A. T. Cả hai tiếp tục in sách ở hải ngoại nhiều thập niên qua, nhưng nay đã ngưng hẳn hoạt động.
Ai cũng biết thiền sư Nh. H. mang quá nhiều tai tiếng trong cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Những việc làm bấy nay và những lời tuyên bố có lợi cho cộng sản của thiền sư nhằm đánh phá chánh nghĩa quốc gia, báo chí đấu tranh khắp nơi trên thế giới đã trung thực và thường xuyên phơi bày cặn kẽ. Nơi đây tôi không có ý thêm bớt chi cả. Nhưng những sự kiện hiển nhiên có đầy đủ bằng cớ nầy không một ai có thể nói khác hơn được, ngoại trừ bọn cộng sản nằm vùng và tai sai khuyển mã của chúng, đến nay vẫn tiếp tục bênh vực, thay đen đổi trắng.
Trong những bài viết, thỉnh thoảng anh Hiếu Đệ có nhắc nhở, dù phớt qua vài câu hay vài đoạn đến thiền sư Nh. H., do chỗ có qua có lại ngày xưa với nhau. Việc nhắc nhở này theo tôi nghĩ và biết rõ ràng như là một kỷ niệm, một chứng nhân trong vô vàn kỷ niệm và chứng nhân khác trong các ký ức của Anh thôi. Vì Anh không hề cố tình. Vì Anh không có một hậu ý đen tối nào khác.
Nhưng chính những lần đó, tôi khuyên Anh nên mạnh dạng cắt bỏ, không nên giữ lại những đoạn văn ấy, tức tôi muốn Anh không cần thiết phải nhắc đến tên thiền sư Nh. H. Việc nầy chỉ để tránh khơi dậy niềm đau trầm thống và sự phẫn uất chất ngất của những người quốc gia chân chính đang sống lưu vong nơi xứ người hay những người vô phước vô phần còn đang dở sống dở chết ở trong nước. Nhứt là đối với đông đảo gia đình thương phế binh và tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cùng những người đã anh dũng nằm xuống đâu đó trên quê hương vì đại nghĩa trong cuộc chiến tự vệ khốc liệt vừa qua.
Và cũng vì lẽ đó cho nên trong những trường hợp bất khả kháng, chẳng đặng đừng, chúng tôi viết tắt hai chữ: Nh. H. mà thôi. Hoặc ghi đại khái là một thiền sư, không xác nhận rõ tên họ... Đó là trường hợp gần đây, Anh viết một bài hoài niệm nhạc sĩ Anh Việt tức Đại tá Trần Văn Trọng, tác giả nhạc phẩm bất hủ Bến Cũ. Những lần này, Anh không hề tự ái, phiền hà giận hờn gì tôi và tiếp tục cư xử với tôi như bát nước đầy, không một chút gợn.
Sống trong các trại cải tạo của cộng sản, những nhà tù trá hình khổng lồ và khủng khiếp nhứt trong lịch sử loài người từ thượng cổ đến nay, con người không thể nào tránh khỏi đôi lúc thể hiện đầy đủ và rõ nét cá tánh cùng bản chất của mình. Thường xuyên bị rúng ép kềm kẹp, bị khống chế tình cảm và tinh thần, thiếu thốn về mọi mặt, trong khi sức chịu đựng của con người dù sao cũng có giới hạn, họ rất dễ dàng phản ứng khác ngày thường, đôi khi thiếu hẳn suy nghĩ. Chỉ vì một lời nói, một cử chỉ, một chi tiết nhỏ nhặt không đâu. Một người bạn tù của anh Hiếu Đệ có thuật lại giai thoại sau đây chung quanh một cục sà bông.
Anh tên là Bùi Phú. Sau thời gian “trả nợ máu” dài hạn, rốt cuộc anh cũng qua được Hoa Kỳ theo diện H.O. Anh may mắn gặp lại anh Hiếu Đệ ở Chicago, nhân một buổi hợp mặt đông đảo của cộng đồng người Việt tại đây dịp hội Tết Nguyên Đán. Ngồi nơi bàn tiệc, Bùi Phú mới kể chuyện về Hiếu Đệ ở trong trại cải tạo cho mọi người cùng nghe.
«Anh ta nói:
«- Buổi chiều hôm đó, anh em đi lao động về kéo nhau xuống suối tắm. Có anh nọ được vợ cho một cục sà bông Dove thơm phức. Anh ta ra điều kiện chỉ cho mỗi đứa chà sà bông lên đầu một phát thôi. Trong lúc anh Đệ với tay tìm cục sà bông thì mắt nó bị cay xè nhìn không rõ, chụp lấy tay anh Đệ chửi thề:
«- Con C... nè! Tao thấy chú mầy đã chà lên đầu đến phát thứ hai rồi...».
Bùi Phú nói tiếp:
«- Tôi thấy anh Đệ bị oan. Tôi tưởng đâu anh ta sẽ giận. Nhè đâu anh Đệ vẫn cười khà khà nói khôi hài:
«- Tao cám ơn mầy hết sức đã nhắc tao về tên tuổi cái con C... nầy. Thật ra ba bốn năm nay tao cũng có tắm rửa kỳ cọ săn sóc cho nó. Nhưng tao vẫn quên nó mất. Tao chẳng biết tên tuổi nó là cái gì. Hay có lẽ nó là đồ vô tích sự. Đến nay, tao được mầy kêu tên nó một cách rất là quan trọng. May quá! Không thì tao bỏ quên nó mất rồi!
«Cả bọn ở dưới suối cùng phá lên cười» (7).
Không hề giận đúng theo lối sống bất cần đời nên anh Hiếu Đệ luôn trân quý và yêu chuộng cái cười. Anh lấy cái cười hiền hòa, cái cười hề hà cởi mở, cái cười cảm thông để giải tỏa những ẩn ức, những buồn phiền trong lòng. Mà cũng để hóa giải, lùa xa không khí căng thẳng, có cơ gây mất đoàn kết, làm tổn thương tình cảm của nhau trong một hoàn cảnh nghiệt ngã, gần như cận kề cái chết không biết đến lúc nào. Chính nơi đây và lúc nầy, điều cần nhứt là sự nương tựa, tương thân tương ái để cùng chung nhau vượt qua khổ ải, nhằm duy trì mạng sống. Mạng sống hơn lúc nào hết quý giá nhứt. Nụ cười đối với Anh Hiếu Đệ là tôn chỉ của cuộc sống, là kim chỉ nam xử thế trong chung đụng hằng ngày, dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh khó khăn nào.
Bây giờ, ta hãy nghe quan niệm của Anh về cái cười để hiểu rõ hơn con người của Anh:
«Những ngày đi cải tạo, tôi bị đổi trại đến năm lần. Tôi vác chiếu đi đến đâu cũng đều bị bọn Việt cộng xỉ vả:
«- Cả miền Bắc đều lên án, biết mầy là tên Hiếu Đệ. Mầy đã từng vẽ chục thằng Việt cộng ốm nhách còn tệ hơn con khỉ, cả chục thằng đeo không rụng cọng đu đủ (8). Mầy khi dễ tụi tao vừa thôi nhé! Nay đảng ta phải bắt mầy trả nợ máu, đi cải tạo mút mùa lệ thỉ cho chết luôn.
“Tôi muốn tức cười vỡ bụng nhưng vẫn cố làm thinh. Ở đời, nếu mình coi tất cả chỉ là một trận cười thì đúng nó là một trận cười. Nếu mình cứ coi nó là khổ đau thì coi chừng có bữa sự khổ đau đè mình chết. Đức Phật cũng có nói vạn pháp đều do Tâm, Tâm dẫn đầu, Tâm tạo tác nên tất cả. Nếu Tâm ô nhiễm, khổ ải sẽ theo ta như bánh xe lăn theo bước chân con vật (Kinh Pháp Cú)“ (9).
Mà thật vậy. Trong những hoàn cảnh khốn khổ trầm thống, Anh thường bảo nếu không cười cho tan biến, cho trào ra, dù là cái cười ràng rụa nước mắt, héo mòn tim gan thì những khổ đau ủ rũ sẽ đưa mình sớm về với ông bà. Việc này nên tránh vì chẳng có ích gì đến sức khoẻ, mà chỉ thiệt thân thôi.
Cuộc đời đối với Anh Hiếu Đệ chung cuộc chỉ là một vỡ bi hài kịch ngàn đời không đổi thay, để nói theo nhà soạn kịch bất hủ của Anh Quốc, W. Shakespeare. Anh đã chẳng những tâm sự nhiều lần với mọi người gặp gỡ đó đây hoặc trong những hồi ức về những trại tù cải tạo của cộng sản. Nơi đây, Anh cho là một địa ngục, một nơi khốn đốn nhứt trên thế gian đối với những người bị giam giữ. Và cũng nơi đây, đối với bọn cộng sản “quản giáo“ ma mãnh gian xảo, đám “vệ binh“ nhốc con hống hách..., việc quan trọng nhứt là những giờ lên lớp. Những giờ này được chúng gọi là học tập chánh trị để chúng phát động tuyên truyền tẩy não.
Trại cải tạo quả thật là địa ngục trần gian. Thế mà lũ bạn của Anh cứ bu lại chung quanh chỗ Anh ngồi để được vui cười, để được nghe những trận cười “quên sự đời“. Đa số đều cùng một ý kiến như nhau. Các anh nói chẳng thấy anh Hiếu Đệ khóc bao giờ. Nhưng có người lên tiếng nhắc lời một thi sĩ nào đó đã nói: "Nụ cười là tiếng khóc khô không lệ". Đối với anh Hiếu Đệ, trường hợp này quả đúng phần nào.
Nếu muốn tìm nụ cười đó của Anh, thiết nghĩ không gì bằng đưa mắt xem qua những bức tranh biếm họa mà Anh đã vẽ từ ngày còn là sinh viên trường Mỹ Thuật Gia Định cho đến ngày Anh qua đời ở Michigan, Hoa Kỳ. Nó rất phong phú, đa dạng và rất cập nhựt thời sự. Từ những bức tranh thuở thiếu thời có tánh cách chọc cười “bình dân“, “thọc lét“ hồn nhiên, vô thưởng vô phạt, nhằm giúp giới lao động buôn gánh bán bưng ở các chợ chung quanh Sài Gòn Chợ Lớn trước 1975 dùng để bàn bạc đánh đề ba mươi sáu con, đến những bức hí họa sắc sảo, độc đáo có hậu ý trình bày trước công luận quần chúng nhằm chỉ trích, đánh phá, đạp đổ những áp bức bất công trong xã hội và những tang tóc, chém giết tàn bạo của chiến tranh xâm lược. Đó là những chấm phá hằng ngày của Anh có nội dung chánh trị rõ rệt và quyết liệt. Nhưng trọng tâm chính yếu của những bức tranh biếm họa chánh trị này vẫn là cuộc chiến đấu sống còn trước sau như một, chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần và chế độ xã hội chủ nghĩa tai hại nơi quê hương mà Anh đã có một thời là nạn nhân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở tỉnh nhà.
Nghề vẽ biếm họa của Anh, xuất phát từ nỗi đam mê bẩm sinh, từ sự réo gọi của nội tâm và qua quá trình sáng tạo nghệ thuật công phu, không phải suôn sẻ dễ dàng. Trái lại, nó giăng mắc đầy rẫy những chông gai chướng ngại không sao tránh khỏi, đôi lúc rất nguy hiểm, có thể đưa đến tù tội hoặc cái chết bất ngờ vì bị thanh toán, ám sát đến từ mọi phía.
Người ta thường nói “viết phải lách“. “Lách“ để tránh những tai họa, những hiểm nguy bất cập đến với mình, trong khi ngoài ngòi bút mình không có một chút phương tiện nào khả dĩ để tự vệ. Đối với Anh, nghề vẽ biếm họa cũng phải “biết lách“, phải sáng suốt biết uyển chuyển tránh né mới mong tránh khỏi những điều phiền phức.
Anh chẳng đã từng phát biểu:
“Người Việt chúng ta thường không thích châm biếm, không thích vui cười. Bị châm chọc, người ta hay nổi giận. Bạn bè tôi thường bị mang họa vì ba cái tranh vui cười của tôi“.
Anh có nhắc giai thoại sau đây rất lý thú. Tôi xin được phép trích dẫn vài phân đoạn để chứng minh cái bề trái cũng như hậu quả của những tranh biếm họa vui cười của Anh. Và cũng để mọi người cùng suy gẩm:
“Anh Hồng Sơn, làm việc ở Phòng Kiểm Duyệt của Sở Thông Tin trên đường Phan Đình Phùng. Anh có ra tờ báo Sinh Hoạt. Trang bìa đăng cái tranh của Hiếu Đệ vẽ nông dân Việt Nam thấy cái thùng đồ Mỹ viện trợ có in hình hai bàn tay bắt lại với nhau, mừng vô cùng mới nói:
“- Lúc này nước mình giàu to.
“Thì ra khi chiếc máy bay Mỹ thả thùng đồ xuống lại đè phải nông dân xệp ruột. Thùng bị vỡ ra toàn là súng ống và bom đạn.
“Thôi thì đành chết một cửa tứ.
“Bức tranh này làm anh Hồng Sơn bị mất sở. Tờ Sinh Hoạt bị đóng cửa. Anh Hồng Sơn bị đổi đi làm Trưởng phòng Thông Tin tỉnh Cà Mau...” (10).
Anh An Khê Nguyễn Bính Thinh có ghi như sau trong hồi ký Hai Mươi Lăm Năm Vinh Nhục Trong Làng Báo Sài Gòn Trước 1975. Lúc đó, Anh bỏ Sài Gòn, bỏ viết tiểu thuyết hằng ngày trên mười ba tờ nhựt báo lớn với lương bổng đảm bảo trọng hậu hằng tháng để về thủ phủ miền Tây làm Giám Đốc Đài Phát Thanh và xuất bản tờ báo Miền Tây, tờ báo hằng ngày duy nhứt ở tỉnh lẻ từ trước đến nay.
Trong lần bầu cử Quốc Hội ở đơn vị Cần Thơ, có ông bác sĩ nọ ở địa phương ra ứng cử dân biểu. Tờ báo có đăng cái tranh của Hiếu Đệ vẽ bà nọ bế đứa con đi khám bịnh, cái đít đứa bé đang chảy re. Còn ông bác sĩ thì đưa cái toa ra đòi phải trả năm chục đồng. Nếu không có thì ông không chịu chữa bịnh.
Ngặc một nỗi là lúc đó anh An Khê không có mặt ở Cần Thơ vì Anh phải đích thân đi làm một thiên phóng sự đặc biệt “bắt hạm” ở ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá, quê hương của Anh. Cũng trong thời gian vắng mặt đó, tờ báo Miền Tây có đăng một cái tin ngắn “cán chó” của một sinh viên ham thích làm báo thì phải. Nhưng ban biên tập vì bận rộn quá nhiều việc, sơ ý phạm một lỗi kỹ thuật nên bị người trong cuộc kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại danh dự. Báo hại lúc về, anh An Khê nhận được trác đòi phải ra hầu tòa với tư cách là chủ nhiệm, người hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung tờ báo. Kết quả Anh mất chân Giám Đốc Đài Phát Thanh, tờ báo Miền Tây bị đóng cửa, còn anh bị án tù treo sáu tháng.
Lý do là ông ứng cử viên bác sĩ này có ông anh làm chánh án. Ông này lại đang ngồi xử vụ kiện nói trên. Và dĩ nhiên, ông tòa này có trí nhớ dai. Ông không sao quên được bức tranh biếm họa của Hiếu Đệ có tác dụng truyền thông quảng bá rộng rãi đã làm cho ông em mình bị thất cử chua cay. Sau đó, anh An Khê cười hề hà kết luận với các cộng sự viên thân tính của mình là Anh thất kiện đau như bị bò đá, không phải vì nội dung bài báo không quan trọng này, mà chỉ vì một lý do duy nhứt là sự liên hệ gia đình của ông chánh án mà thôi.
Anh Hiếu Đệ cũng có kể tiếp:
“Có lần tôi giữ trang đặc biệt về bầu cử Quốc Hội, đơn vị Sài Gòn Chợ Lớn sau khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại và tổ chức bầu cử thành lập quốc hội. Tôi vẽ ứng cử viên toàn là mấy chàng mặt dày mày dạn, cọ xuống đường nhựa xẹt lửa.
“Thầy thuốc Quách Tân Xuân chuyên moi bịnh trỉ của mấy bà già nhà quê. Nhà đầu cơ gạo thóc Phạm Văn Út đang ngồi trên bao gạo bóp cổ dân nghèo.
“Họ cho công an đi hỏi tội, làm tôi cả tháng không dám xuống tòa soạn nhà báo. Tôi cũng chẳng chui ra khỏi ký túc xá của nhà trường.
“Sau nhất là mới đây năm 1996, bức tranh tên Việt cộng nói chuyện với con vịt. Vịt đây là tượng trưng cho ngành báo chí. Tên cán bộ dạy đời lũ vịt rằng:
“- Làm báo ở Việt Nam thì phải có đảng tính. Làm báo ở Mỹ, ở nước tự do thì phải có đĩ tính, phải biết vẫy mực vào mặt cộng đồng để xin quảng cáo. Như thế mới làm ăn khá được.
“Báo hại, chuyện thinh không lại xảy ra rắc rối một thời gian. Một số mấy bà chủ báo đòi giải thợ vẽ ra tòa. Thật ra, bức tranh tôi vẽ từ lâu. Người ta lên báo trong lúc họ gay cấn với nhau, chớ tôi không hề đụng chạm đến một cá nhân nào. Hơn nữa, tôi cũng chẳng biết mặt mũi mấy bà chủ báo này là ai cả. Thật oan ơi ông Địa!” (11).
Anh Hiếu Đệ thường tâm tình với bạn bè. Nghề làm báo cũng có mang đến cho Anh những giờ phút ngập tràn niềm vui thanh tao cao nhã, được quen biết nhiều, quan hệ rộng với nhiều giới, nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng nghĩ cho cùng không được yên ổn mấy, đôi khi còn rất nguy hiểm nữa. Như thời chánh phủ Ngô Đình Diệm lên cầm quyền thành lập nền Đệ Nhứt Cộng Hòa, phủ định hiệp định đình chiến Genève, do có nhiều điều khoản bất lợi cho Miền Nam. Đại diện phái đoàn Cộng sản đều bị đuổi cổ về Hà Nội. Đương nhiên dẹp bỏ vụ Hiệp thương hai miền để tiến tới tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc theo lời đề nghị của Hiệp định. Các lực lượng võ trang Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên sau đó bị giải giới để thống nhứt quân đội quốc gia đang hình thành.
Trong hoàn cảnh rối reng đó, nhiều thành phần đảng phái bị thanh lọc và truy quét. Một số đông anh em ký giả làm báo ở Đô thành bị vồ vô ấp vì bị nghi ngờ có nhúng tay xa gần trong việc phát động bản cương lĩnh của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Trong số này dĩ nhiên có đám cán bộ cộng sản được trường kỳ mai phục, không tập kết ra Bắc nhằm thừa cơ hội gây rối, đánh phá thể chế Miền Nam. Nhưng cũng có những thành phần không hẳn theo cộng sản. Mà chỉ vì họ nhạy bén, hăng say phê bình, chỉ trích những sai trái hoặc thiếu sót, sơ hở của chánh quyền, cũng như từng tích cực binh vực giới bình dân lao động nghèo khổ.
Anh Hiếu Đệ cũng bị bắt câu lưu hai tuần lễ ở sở Công an đường Ngô Quyền, giáp với bến Hàm Tử Chợ Lớn, về sau được đổi thành Biệt Kích Đội IV trực thuộc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Theo tôi được biết chỉ vì Anh nằm trong ban biên tập hoặc hợp tác với những tờ báo bị chánh quyền theo dỏi lúc đó. Mặc khác, Anh còn có mối liên hệ bằng hữu rộng rãi với đám ký giả cộng sản hay thiên tả như Nguyễn Văn Hiếu sau tháng Tư Đen làm Giám đốc Sở Thông Tin Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh và sau ngày thống nhứt Bắc Nam trở thành Bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa trong chánh phủ trung ương, ký giả Việt Quang, Tổng Thư ký nhựt báo Tiếng Chuông, tác giả tập truyện nhi đồng kháng chiến Xin Đắp Mặt Tôi Mảnh Lụa Hồng, phóng viên Quốc Phượng Trương Thanh Vân sau này làm việc ở tờ Sài Gòn Giải Phóng, ký giả Phong Đạm, Văn Mại v.v… nên bị liên lụy. May cũng nhờ có vụ Tỉnh trưởng Nguyễn Trân ở Mỹ Tho đối chất với hai mươi mốt ký giả đang bị câu lưu nên tất cả được trả tự do trong đó có Anh. Nhưng sau đó, một số ký giả đảng viên hay có cảm tình với cộng sản đã bỏ đi vào chiến khu.
Anh viết:
«Tôi về thấy nhà cửa bê bối. Công an còn ngồi tán dóc ở trong nhà để chờ bạn bè đến thăm hỏi tôi thì bắt. Vợ tôi mới sanh cháu nhỏ bế về, lo lắng sợ sệt. Hoàn cảnh rất khổ sở.
«Thật ra tôi đã tốt nghiệp trường Mỹ Thuật và Sư Phạm cũng đã được cả năm rồi. Bộ Quốc Gia Giáo Dục làm sự vụ lệnh bổ nhiệm tôi đi Cần Thơ dạy học để thay thế họa sĩ Nguyễn Đình Cường. Anh ta về làm Giám đốc trường Kỹ Thuật Bình Dương.
«Nhưng lúc ấy tôi không chịu đi nhận việc. Bây giờ kẹt quá phải đành thôi.
«Cũng nhờ nghề làm báo và vẽ tranh vui cười nổi tiếng chọc cười thiên hạ nên khi vào lính tôi được đưa về phòng Chiến Tranh Chánh Trị ngồi với anh Nguyễn Đạt Thịnh, Thanh Nam, Mặc Thu trông coi tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa và tờ Chỉ Đạo. Trôi dạt khắp nơi rồi cũng về lại Sài Gòn thôi» (12).
Anh Hiếu Đệ được minh oan vì một sự hiểu lầm. Anh được chánh quyền quốc gia trả tự do. Chẳng những Anh trở lại cuộc sống bình thường như bao công dân lương thiện khác, mà còn được tính nhiệm, trọng dụng trong guồng máy hành chánh và giáo dục, cũng như ở lãnh vực quân sự. Chánh thể Miền Nam Tự Do rõ ràng khác hẳn chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Giá Anh sống trong “thiên đường” cộng sản, chắc chắn Anh sẽ bị truy đì suốt đời đến chết, không sao ngốc đầu dậy nổi. Vì chính sách của chúng là «thà giết lầm» để trừ hậu họa.
Anh Hiếu Đệ thường trao đổi với tôi về vị trí của con người trong xã hội, trong cộng đồng, cũng như trong mọi lãnh vực của cuộc sống hằng ngày. Mọi người phải biết vị trí của mình, phải biết chỗ đứng rõ rệt của mình để giải quyết mọi tình huống, để vượt qua những khó khăn chướng ngại của môi trường đang chi phối mình. Do biết xác minh vị trí đó, Anh đã thoát khỏi bao cạm bẫy mắc giăng suốt chuỗi dài ngày tháng lao tù và những phiền toái trong thời gian Anh lang bạt tìm sống trong xứ tù chung thân xã hội chủ nghĩa.
Là một nghệ sĩ dấn thân, một họa sĩ sáng tác tự do và với vị trí này Anh quan niệm về nghệ thuật như sau:
“Người nghệ sĩ ngồi trước giá vẽ phải thật tình với chính mình, tức là dân tộc và nghệ thuật. Chúng ta không được làm dáng, không được a dua chạy theo bè phái, kể cả thị hiếu của đám đông. Chẳng cần đi tìm ở đâu xa vời. Nghệ thuật chân chính đang nằm trong trái tim của mình đây” (13).
“Chỉ có nghệ thuật mới sống hơn con người và vĩnh hằng hơn con người. Tác phẩm nghệ thuật muôn đời như dòng sông rì rào, như ngàn sao lấp lánh” (14).
Làm nghệ thuật sau ngày Miền Nam bị cộng sản hoàn toàn cưởng chiếm năm 1975 là đặc quyền đặc lợi của chế độ. Không phải ai có năng khiếu, có kiến thức nghệ thuật mà có quyền tự do sáng tác. Anh Hiếu Đệ cho rằng nghệ thuật hôm nay dưới thể chế xã hội chủ nghĩa là tiếng nói của đảng, phải do đảng trực tiếp chỉ đạo theo khuôn mẫu đường lối của ban lãnh đạo tư tưởng trung ương.
Nói cách khác, người “nghệ sĩ” trong chế độ này phải có vị trí đảng tính hay nói chung chung là phải được huấn luyện, đào tạo từ Hà Nội hay từ Liên Xô hoặc các nước Đông Âu. Do đó, họ phải có giấy chứng nhận hành nghề chánh thức giống rập khuôn như trong lãnh vực kinh doanh thương trường. Nghĩa là họ nhứt thiết phải có “ba tăng”, chỉ có mỗi một việc ngoan ngoản sáng tác một chiều theo đơn đặt hàng của đảng, nhằm để câu cơm, để luồng lách trèo cao trên nấc thang danh vọng.
Vì lẽ ấy, anh Hiếu Đệ từng chán ngán xác nhận vị trí của Anh là thành phần “có nợ máu với nhân dân” vừa cải tạo trở về nên luôn luôn hành xử đúng theo vị trí đó. Anh quyết định thà đi đạp xích lô mướn hằng ngày để sinh sống cho khoẻ cái thân già. Rồi những khi rổi rảnh ế khách hoặc những lúc mõi mệt, Anh lang thang, lê la đầu đường cuối hẻm tán gẩu với bạn bè ngày cũ cho qua ngày tháng. Anh hay gọi đùa là Anh đang “rong chơi ca múa” chờ ngày hoàn tất thủ tục đi Hoa Kỳ theo diện H.O., sau khi thất bại không biết bao nhiêu lần vượt biên. Anh cũng nhiều lần hóm hỉnh bảo rằng hiện giờ mình chẳng có cái tích sự gì để “xây dựng xã hội chủ nghĩa giàu đẹp” cả.
Anh lưu ý một vài thân hữu trong nghề còn có thể ký gởi được tâm sự mình trong hoàn cảnh nghi kỵ nghẹt thở ở Đô thành. Đừng tưởng lầm hay non lòng cứ ngỡ rằng mình đã “giác ngộ”, “sáng mắt sáng lòng” sau những đợt cải tạo nên lao vào vẽ chân dung hoặc nặn tượng Bác Hồ mà mang lấy họa vào thân. Dù họ có vẽ, có nặn khéo léo đến đâu, đạt mức mỹ thuật như thế nào, chắc chắn cũng không sao tránh khỏi bị đảng phê bình là đánh phá chế độ, bôi bẩn nhà nước, chống lại đảng.
Với trình độ ngu dốt, cộng thêm tánh ngang ngược xem trời bằng vung, dưới con mắt thiển cận bít bôi của chúng, những chân dung hay những bức tượng này trông sao nó giống rặc như khuôn đúc mặt “thằng Thiệu thằng Kỳ”. Anh kết luận chẳng qua những người nhẹ dạ hời hợt này không quán triệt được vị trí của mình trong chế độ độc tài đảng trị. Người chiến thắng vô tâm, loạn ngôn muốn nói quấy nói quá ra sao thì mặc mà tha hồ vung vít nói.
Trong truyện Họa sĩ Lê Chánh (Nước Lớn Nước Ròng) anh Hiếu Đệ, ngoài việc cống hiến cho chúng ta biết thâm cung bí sử của Tổng bí thư Lê Duẫn, có thuật chuyện về một họa sĩ đảng viên cộng sản mà Anh cho là một thứ phong kiến nặng, cộng với tinh thần cộng sản nhà quê hết thuốc chữa. Qua câu chuyện đó, Anh xác định thêm một lần nữa quan điểm nghệ thuật của mình, nhứt là xác minh vị trí của Anh, một người sa cơ thất thế đang sống trong gọng kềm của bộ máy đàn áp tư tưởng và khống chế óc sáng tạo của con người nghệ sĩ chơn chính.
Anh kể, trong một bữa nhậu tại nhà họa sĩ Lê Thanh có sự hiện diện của bạn Anh là Nguyễn Phi Hùng, một nhà thầu xây cất. Lúc bấy giờ, đô thị Sài Gòn mặt ngoài có vẻ đang bắt đầu phát triển sau nhiều năm nghẹt thở do đường lối và chủ trương hận thù của đảng, nhằm bần cùng hóa người dân đô thị. Đó chẳng qua là nhờ phong trào “đổi mới”, chánh sách “cởi trói” của đảng và nhà nước nên đám nhà thầu xây cất thường nhập bọn với anh em kiến trúc sư và họa sĩ để có được công ăn việc làm.
Anh viết:
“Nguyễn Phi Hùng bảo ở nhà anh còn có chai Martell cổ lùn, rủ mọi người kéo nhau về dứt điểm. Đến nơi, tôi mới biết ông Nguyễn Phi Hoanh là bố của anh Hùng.
“Ông ta là người Bến Tre tập kết ra Bắc, tác giả Bộ Lịch Sử Mỹ Thuật Việt Nam. Quyển sách được in bằng mấy thứ tiếng trong đó có tiếng Liên Xô, in màu rất đẹp.
“Có điều khi đề cập đến phần mỹ thuật Miền Nam, ông ta chửi Hiếu Đệ như tác nước. Ông cụ dựa vào bài của Nguyễn Ngu Ý phỏng vấn Hiếu Đệ đăng trên tạp chí Bách Khoa ngày 10.01.1961, trong đó tôi nói:
“Khách thưởng ngoạn đi vào xem tranh không phải như đi schopping mà là đi vào một mê đồ. Người xem cũng nên chuẩn bị một ít tình cảm để ngắm nhìn mới dễ bề cảm thông với người vẽ. Tôi vẽ con người bị méo mó là vì cuộc đời làm cho nó phải vong thân hủy thể. Tự nhiên con người biến thành món hàng, thành quả bom, quả lựu đạn hay một đống sắt vụn như bức tranh lập thể, chứ không phải con người mơ màng trong bức tranh lãng mạn”.
“Chính vì câu này khiến ông Nguyễn Phi Hoanh dập cho tôi vài trang sách. Hôm nay ông tình cờ gặp tôi, tuy ông không uống rượu với bọn trẻ nhưng cũng xỏ dép ra ngồi hỏi tội.
“Tôi nói với ông ta là tôi không phải là văn nghệ sĩ miền Bắc, tôi không làm nghệ thuật theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi đã xách khăn gói quả mướp đi cải tạo để trả nợ năm năm rồi. Bây giờ tôi làm người dân lương thiện kiếm lấy ngày hai bữa cơm, còn chuyện văn hóa văn nghệ xin để lại cho quý vị. Tụi nầy xin “rửa tay gác kiếm”, không có mặt trong chốn võ lâm.
…
“Ông nói tôi phủ nhận tác phẩm của ông, coi như cuốn Lịch Sử Mỹ Thuật Việt Nam là thứ lỗi thời mặc dù nhà nước đã tái bản đến cả chục lần.
“Uống rượu là điều không thuận lợi, lại đi cải lý với một đảng viên trung kiên như ông Nguyễn Phi Hoang thì chỉ có từ chết tới bị thương thôi. Tôi bèn vận dụng chiêu pháp Lăng Ba Vi Bộ của Đoàn Dự trong Lục Mạch Thần Kiếm cho chắc ăn.
“Ông Nguyễn Phi Hoanh xưa học ở trường Mỹ Thuật Paris, vẽ kiểu ánh sáng mờ của tranh cổ điển. Ông là một thứ phong kiến cộng với tinh thần cộng sản nhà quê, hết thuốc chữa” (15).
Anh Hiếu Đệ luôn để ý và quan tâm đến vị trí của mình như kim chỉ nam hành xử ngoài đời. Trong hoàn cảnh và môi trường bất lợi vừa kể, hẳn Anh biết hơn ai hết không hề có tự do đối chất, không hề có sự bình đẳng trong tranh luận ở một đất nước cai trị bởi bọn cán bộ đảng viên đần độn và mạn lưới kềm kẹp của công an, tình báo và vệ binh nhan nhản khắp nơi. Việc này hoàn toàn không có lợi cho Anh, khi Anh nói lên những lời trung thực của trái tim mình. Anh chọn lấy một thái độ trầm tĩnh, ôn hòa, lùi một bước, “rửa tay gác kiếm, không có mặt trong chốn võ lâm”. Anh coi đây như một phương cách tránh né tốt hơn hết, ổn thỏa hơn hết.
Tuy nhiên, không vì vậy mà Anh đánh mất cái tánh ngang tàng một thời đã qua, cái nét hào hùng cố hữu của mình. Khi Anh cất tiếng minh định trước một đảng viên cộng sản kỳ cựu có nhiều năm công tác ở lãnh vực văn hóa tư tưởng là Anh “không phải là văn nghệ sĩ miền Bắc”. Anh còn dứt khoát “không làm nghệ thuật theo đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa“ nữa. Tôi mến phục Anh ở thái độ và phản ứng, vừa khí khái vừa tế nhị này trước một người không cùng chung chiến tuyến, đã quá khích lại cực đoan thầy phải chạy.
Tôi xin nhắc lại ở đây quan niệm nghệ thuật của anh Hiếu Đệ trước sau được tóm gọn qua dòng chữ này: “Tác phẩm nghệ thuật muôn đời như dòng sông rì rào, như ngàn sao lấp lánh”. Chính Anh đã chọn bốn chữ Ngàn Sao Lấp Lánh để đặt cho cái tựa của tập truyện viết chung với tôi, đã được nhà Hương Cau in ấn và phát hành năm 2008 tại Pháp. Một cái tựa dạt dào âm hưởng lãng mạn với nỗi buồn man mát sâu kín, riêng đối với anh em chúng tôi, mỗi người tính đến thời điểm đó đều đã quá xa cái tuổi cổ lai hi, gần đất xa trời. Chết nay chết mai không biết trước được. Dù vậy, Anh hay đùa với tôi: “Anh em mình sống được đến đây là đã quá lời rồi. Lời lắm anh Trung à! Nếu mình so sánh với bạn bè thân hữu cùng lứa tuổi, một số không ít, kẻ trước người sau tranh nhau lần lượt bỏ cuộc từ lâu”.
Sau khi phát hành tập sách vào trung tuần tháng 3 năm 2008, anh em chúng tôi hẹn nhau sẽ cố gắng viết tiếp một tập sách cuối cùng trong đời mình và sau đó sẽ thực sự “gác kiếm” giã từ vĩnh viễn chữ nghĩa. Nghĩ rằng đến đây sức khoẻ không cho phép chúng tôi đi xa hơn nữa trong ước mơ của buổi đầu đời. Chúng tôi dự trù sẽ cho ra mắt khoảng đầu năm 2009 tập truyện mới dày độ ba trăm trang này.
Tựa của quyển sách cũng đã được Anh đắn đo lựa kỹ, sau khi hội ý với tôi chọn trong số khá nhiều tựa mà Anh cân phân một thời gian khá lâu. Cuối cùng, Anh đề nghị nên lấy cái tựa Nước Chảy Huê Trôi và Anh còn cẩn thận gởi cho tôi bài Tống Biệt của thi sĩ tài danh một thời là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm Tiên Cảnh,
Một bước trần ai,
Lối cũ, duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận Trời
Trời Đất từ đây xa cách mãi,
Cửa động, đầu non, đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
(Tống Biệt)
Nước Chảy Huê Trôi là bốn chữ được trích trong bài thơ nổi tiếng để đời này của nhà thơ núi Tản sông Đà. Trong một bức thơ gởi cho tôi dịp đó, Anh căn dặn tôi nên giữ chữ “Huê“ nguyên bản như tác giả đã dùng, thay vì viết chữ “Hoa” (Nước Chảy Hoa Trôi) như một số người viết văn thường viết thời buổi bây giờ. Anh nói chỉ để tôn trọng một thi tài có quá nhiều lận đận trong trường đời.
Đọc cái tựa, tôi bỗng nhiên bùi ngùi xúc động. Xúc động bùi ngùi khi nghĩ tới một điềm không may mắn nào đó về một cuộc chia ly cách biệt không tránh khỏi giữa anh em chúng tôi. Người Việt Nam mình thường hay tin dị đoan, nhưng tôi không hẳn tin, mà sao thỉnh thoảng cái điềm không may này lại cứ đeo đuổi ám ảnh tôi mãi. Dầu cho có nghĩ quẩn vớ vẩn như vậy, nhưng tôi không hề có can đảm dám phơi bày cảm nghĩ của mình và cứ âm thầm tập trung làm việc, mong sớm thực hiện tập sách cuối cùng này đúng thời hạn ấn định.
Riêng về phần anh Hiếu Đệ, Anh không quên nhờ con trai Anh là họa sĩ Nguyễn Thảo (tên thật Nguyễn Tánh Thảo), hiện định cư cũng ở Michigan, Hoa Kỳ, trình bày trước một cái bìa màu rất mỹ thuật. Không ngờ từ Ngàn Sao Lấp Lánh bước sang qua Nước Chảy Huê Trôi lấy từ Tống Biệt là cái điềm không may nhưng cuối cùng lại là sự thật đến với anh em chúng tôi. Đúng là cuộc đời chung qui không có nghĩa lý gì như lời Anh thường hay nói. Có đến ắt có đi…
Vì sau đó, sức khỏe của Anh cũng bắt đầu suy yếu dần. Luật tạo hóa sinh diệt, bất biến từ ngàn xưa, không một ai tránh khỏi được. Lúc này Anh thường xuyên mang bình dưỡng khí trong mình theo lời khuyên của y sĩ điều trị. Đi đâu Anh cũng phải mang theo nó như hình với bóng, như một tình nhân đầu đời không bằng. Nếu sơ ý hoặc đêm hôm lỡ để vuột bình dưỡng khí có thể gây nguy hiểm đến tánh mạng.
Trong hoàn cảnh khó khăn cực kỳ bất tiện đó, Anh vẫn cố gắng viết một loạt bài hồi ức về một số bậc đàn Anh đã từng dìu dắt nâng đỡ, đã từng tích cực giúp Anh trong những ngày đầu bỡ ngỡ vào nghề, cũng như sau đó giang tay cứu vớt Anh trong những hoàn cảnh lận đận, khó khăn bế tắc. Tôi rất cảm phục và quý mến Anh cũng như hết tình ngưỡng mộ Anh qua ý chí cương quyết và tấm lòng trong sáng ấy của Anh. Anh muốn qua đó gởi những lời tạ từ sau cùng, những lời cám ơn và tri ân cuối đời của Anh đối với những bậc ân nhân nay không còn nữa.
Tôi lại càng xúc động có những nhận xét sau đây khi tiếp đón loạt bài cuối đời này của Anh:
Thứ nhứt là Anh không còn viết dong dài tràng giang đại hải, thao thao lả lướt bay bướm với giọng văn trào lộng hóm hỉnh bất cần đời quen thuộc ngày xưa nữa. Trái lại, mỗi bài viết hôm nay hầu hết đều rất súc tích, cô đọng ngắn gọn, độ mười trang giấy viết tay rất thoáng, rất rộng rãi với nét chữ khá to. Anh viết một cách trung thực, lời văn thành thật chơn chất, nhưng đượm một nét buồn đậm đà thấm thía về vài khía cạnh cuộc đời và sự nghiệp của những người đã ra đi trước Anh. Anh hoài niệm với tất cả tấm lòng thương yêu tiếc nuối vô bờ bến.
Nhận xét thứ hai của tôi là nét chữ của Anh bây giờ không còn sắc bén, cứng cáp như ngày trước, đôi lúc có nhiều đoạn không được ngay hàng thẳng lối mà lại xiêu vẹo rung rung. Nhứt là ở bài viết sau cùng, bài viết Anh trăn trở nhưng lại dang dở về nhà văn bất hạnh Vũ Anh Khanh, người bạn nối khố ở trường Nam tiểu học Phan Thiết ngày xưa. Tôi bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của Anh.
Nhiều lần tôi khuyên Anh nên thong thả viết, cứ triển khai từ từ theo nhịp độ của trí lực những lúc Anh thấy sảng khoái và khoẻ khoắn trong người. Anh nên dành thì giờ quý báu chăm lo giữ gìn sức khỏe trước tiên. Việc làm văn hóa là công tác trường kỳ dai dẳng và có tánh cách tình nguyện, không ai bắt buộc ép uổn mình phải làm cả. Bây giờ trọng tuổi rồi lại đau ốm bịnh hoạn nữa, mình cứ làm đến đâu hay đến đó, miễn trong thâm tâm mình có thiện chí và ý hướng tốt. Mình vẫn chung thủy với những ước nguyện đầu đời mà.
Nhưng trong những lần viết thơ cho tôi, Anh một mực thối thoát quyết liệt và cứ một hai tuần, tôi lại nhận được một bài viết mới của Anh. Quả Anh là một nghệ sĩ đích thực.
Một nghệ sĩ dấn thân.
Một nghệ sĩ quyết tâm đi đến cùng như kiếp tằm nhã tơ đến chết.
Một nghệ sĩ thủy chung với văn chương nghệ thuật.
Anh chung thủy đối với bạn bè bằng hữu đã đành nhưng quan trọng hơn hết Anh lại chung thủy với chính mình. Đến khoảng cuối đời, gần cận kề cái chết, Anh vẫn âm thầm tiếp tục đeo đuổi sự réo gọi trong âm thầm nhưng thúc giục của đam mê, của nghệ thuật, của lương tâm. Anh vẫn không quên trang trải trọn vẹn tấm lòng của mình.
Do đó, Anh viết một loạt bài hoài niệm những bậc đàn anh đã khuất như cụ chủ nhiệm tuần báo Đời Mới, Văn Lang Trần Văn Ân, người đã dìu dắt Anh vào nghiệp văn chương báo chí lúc Anh còn là một bạch diện thư sinh, giáo sư hội họa Lê Văn Đệ, một thời là Giám Đốc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, từng là họa sĩ chánh thức của Tòa Thánh La Mã, cụ chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Chuông Đinh Văn Khai, người đã phát hiện rất sớm khả năng vẽ biếm họa của Anh, họa sĩ Nguyễn Siên, người “bạn nghệ thuật” và cũng là “bạn rượu” những ngày cả hai sống thiếu thốn khổ sở trong xứ tù chung thân xã hội chủ nghĩa, nhạc sĩ Anh Việt tức đại tá Trần Văn Trọng, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng Bến Cũ, nhà văn An Khê Nguyễn Bính Thinh, người đã khuyến khích và tích cực giúp đỡ Anh lao vào sự nghiệp văn chương báo chí ở hải ngoại, khi Anh vừa định cư ở Hoa Kỳ.
Như tôi đã nói trên đây, sức khoẻ của Anh vào những tháng sau cùng không cho phép Anh viết tiếp để kết thúc những trang hoài niệm các bậc đàn anh mà Anh hằng ấp ủ trong lòng. Bằng cớ là Anh viết dở dang bài tưởng nhớ nhà văn Vũ Anh Khanh. Trước đây, Anh đã có lần nhắc sơ qua người bạn nối khố ở trường Nam tiểu học Phan Thiết này. Anh nhớ người bạn cũ vắng số và cảm thông nỗi bất hạnh của bạn qua những dòng ôn cố sau đây:
“Tôi rất quen biết Vũ Anh Khanh vì nó là đứa bạn đánh đáo với tôi ở sân trường tiểu học. Sau mấy năm loạn lạc, tới khi gặp lại ở Sài Gòn, anh ta đang phụ trách trang trong của nhựt báo Tiếng Chuông và lại là nhà văn nữa. Anh cùng với một nhóm anh em nhà văn như Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà... trông coi nhà xuất bản Tân Việt Nam của ông Nguyễn Văn Chà, giám đốc cơ sở phát hành báo chí Nam Cường nằm ở đường Kitchener, phía sau ga xe lửa Sài Gòn.
“Thật ra hồi đi học, anh tên là Võ Văn Khánh. Gia đình anh có một hãng sản xuất nước mắm ở Mũi Né, Phan Thiết.
“Khánh bảo tôi:
“Hồi đi học, thầy giáo Trạch hay lấy mấy bài luận văn của anh làm bài mẫu, đọc cho cả lớp cùng nghe. Anh có tài viết lách đấy. Anh có thể viết nhiều quyển truyện để tôi bán giùm. Cứ viết đầy cuốn tập vở một trăm trang sẽ được trả cho năm trăm đồng.
“Nhà sách đã mua và in cho tôi năm quyển loại thiếu nhi kháng chiến chống Pháp trong tủ sách Thần Đồng của nhà xuất bản Tân Việt Nam. Tôi thường viết nắn nót tập bản thảo và vẽ bông hoa. Đôi khi, tôi lại vẽ cả phong cảnh nữa nên lũ bạn gọi tôi là họa sĩ.
“Vũ Anh Khanh sau khi xuất bản quyển Nửa Bồ Xương Khô bỏ vào chiến khu.
“Năm 1975, tôi gặp lại mấy đứa bạn ở sân trường tiểu học. Bọn này tập kết ra Bắc trở về trong số đó có Mười Út.
“Chính Mười Út kể chuyện nhà văn Vũ Anh Khanh. Sau khi xuất bản quyển Nửa Bồ Xương Khô có đăng nguyên văn bản cương lĩnh của Đảng Lao Động Việt Nam rồi anh bỏ trốn ra chiến khu chống lại chính phủ Sài Gòn. Anh ta được tập kết ra Bắc. Một thời gian, Khánh thấy rõ sự kỳ thị giữa Nam Bắc quá lộ liễu, nhứt là chánh sách đối đãi con em miền Nam. Khánh cùng một đám bạn lội qua sông Bến Hải trở về. Qua đến nửa sông bị bộ đội biên phòng bắn chết. Mộ của Khánh được chôn ở bờ sông, không được lập bia viết tên họ“ (16).
Trong một bức thư, Anh tâm sự với tôi cho rằng nhắc nhớ một người bạn cũ và lại là một nhà văn tên tuổi lớn một thời mà viết quá ngắn ngủi,
giản đơn như vậy, cho dù định mệnh khắc khe và trớ trêu dẫn dắt anh ta chọn lầm con đường phục vụ tổ quốc, phục vụ đất nước và dân tộc, để chung cuộc đến phải vỡ mộng một cách uất ức, phũ phàng, phải trả một giá quá đắc qua cái chết đau thương đầy bi hận, rõ là không tương xứng chút nào cả.
Anh suy nghĩ đắn đo. Anh cân phân dư luận nhưng rồi cuối cùng quyết định sẽ viết riêng cho bạn mình một bài để người vắng số bất hạnh không tủi hổ nơi chín suối. Và cũng để Anh kết thúc loạt bài hoài niệm của mình.
Sau đó, Anh tiếp gởi cho tôi những dòng sau đây. Tôi xin được ghi lại nguyên văn nơi này vì nghĩ rằng đây là một kỷ niệm đẹp trong đời Anh và chắc chắn đây cũng là bài viết cuối cùng trong sự nghiệp cầm bút xuyên suốt mấy mươi năm của Anh:
“Nói đến viết văn, tôi cũng mang tiếng tập tò viết lách từ hồi mười lăm tuổi lúc còn học ở trường tiểu học. Tôi tập viết truyện nhi đồng. Quyển đầu tiên là Khói Lửa. Kế đó Con Thuyền Đẫm Máu viết với Nguyễn Văn Phú là một bạn học lúc đó, ký tên chung là Phú Đệ. Bạn học trong lớp thường nói láy lại để chọc tức hai đứa chúng tôi. Hai quyển này gởi cho nhà xuất bản Tân Việt Nam ở Sài Gòn là nhà sách Nam Cường, được in ngay thời đó.
“Ngày xưa, trẻ con bọn tôi hay bị cộng sản xúi bậy làm Lê Văn Tám, em bé tẩm dầu, làm cán bộ quăn lựu đạn, làm trẻ con rải truyền đơn... Thứ trẻ nhỏ phá xóm phá làng này bị lính Pháp vây bắt được, họ không cần xét xử mà bắn bỏ hằng loạt. Mẹ tôi lo sợ hằng đêm mỗi khi lính Pháp đi ruồng bắt trong xóm trong làng. Bà lén lút mang tôi vô Sài Gòn gởi cho người cô ruột ở đường Hẽm Số 4 trước Sở Cứu Hỏa đường Trần Hưng Đạo nuôi cho ăn đi học.
“Nhờ đó trên đường đi học chạy ngang qua nhà xuất bản Nam Cường, nhất là buổi chiều, tôi gặp lại đám Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, giám đốc coi sóc bài vở cho nhà xuất bản. Vũ Anh Khanh ngày đi học tên là Võ Văn Khánh học trường Nam Phan Thiết. Anh nổi tiếng trước bọn tôi nhiều. Trong các sách giáo khoa đã có in các bài của anh như bài Ai Điểm Tô Mà Em Phấn Son.
“Giai đoạn này anh viết rất hăng. Ở nhà xuất bản Nam Cường, chúng tôi còn gặp được các văn hữu khác như các văn nhân, tác giả Xin Đắp Mặt Tôi Mảnh Lụa Hồng, Em Không Về Nữa Chị Ơi! Họ là những người cổ động cho người ở thành phố đi kháng chiến. Còn tôi là dân kháng chiến về thành đi kiếm ăn.
“Thật tình mà nói, những năm 1951/1952 tình hình rất là lộn xộn, học hành cũng chẳng được yên thân. Nay bãi khóa, mai thì biểu tình. Chính mấy ông thầy đang dạy học cho chúng tôi cũng bỏ đi ra chiến khu nữa. Như anh Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Mười...
“Vũ Anh Khanh cũng khuyến khích tôi viết văn. Ý tưởng của anh ta trong văn chương rất rộng rãi, có rất nhiều không khí Miền Nam như bài Tha La Xóm Đạo.
“Quyển tiểu thuyết sau cùng của anh ta là quyển Nửa Bồ Xương Khô. Anh ta viết dở dang quyển I nhưng bán rất chạy. Anh ta thường bày tôi viết truyện ngắn cho báo hằng mỗi tuần cho các nhựt báo Tiếng Chuông, SàiGòn Mới...
“Trước khi anh ta ra đi, tôi có đưa cho anh ta một mớ hành trang rách rưới để mặc trong chiến khu và một ít tiền dằng túi để đi đường. Bọn tôi lấy phòng ngủ ở gần Cầu Ba Cẳng Chợ Lớn ngủ một đêm để tâm sự. Việc này chỉ để cho trọn tình trọn nghĩa đối với bạn bè chớ tôi không hề có một ý nghĩ gì khác, tức khuyến khích hay ủng hộ việc anh ta ra đi.
“Tôi là đứa ở chiến khu về đi học còn anh có người liên lạc đến dẫn đi chiến khu. Bọn tôi không biết dặn dò với nhau những lời gì trong lúc tình thế mỗi ngày một không yên.
“Chủ nghĩa cộng sản như nhà văn Dương Hùng Cường kể lại trong chuyện Trương Chi Mỵ Nương của anh là để nhìn từ xa thôi, chớ đến gần nó đầy máu và nước mắt. Trương Chi có tiếng sáo nghe vun vít lắm, đến chừng gặp mặt thì nàng Mỵ Nương phải vỡ mộng thì lúc đó cũng đã muộn màng.
“Tôi có người bạn là Út Mười ở ngoài Bắc về kể lại. Vũ Anh Khanh ra Bắc thấy tận mắt chánh sách đối đải với con em Miền Nam thật là tàn nhẫn không như bác Hồ nói. Thật ra nó còn tồi hơn cả phong kiến nữa. Với chủ nghĩa phong kiến trong vụ thu thuế chẳng hạn, người ta còn than trời trách đất được. Đàn nầy dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản bố ráp nổi lửa bừng bừng như một đêm bị càn, bà già con trẻ không ai tránh đi đâu được.
“Lúc đó anh ta mơ ước trở lại Miền Nam thì đã muộn. Bây giờ chỉ còn cách vượt biên giới đi chui thôi.
“Vũ Anh Khanh cùng một số bạn bè vượt sông Bến Hải để lội ngược về Nam. Nửa sông bị lính biên phòng xã súng bắn chết. Xác không được dựng bia và vung nấm. Anh ta chết bên bờ sông lạnh lùng và tăm tối“.
Anh Hiếu Đệ chỉ viết đến đó thì dừng bút hẳn với lời Tái Bút dưới đây:
T.B.: Nơi bài Vũ Anh Khanh, anh kiếm cho tôi mấy bài thơ của anh ta để chạy vô bài cho nó thêm ý nghĩa. Ví dụ như bài Tha La Xóm Đạo. Bài này được thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà mô phỏng trở lại thành bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Ký tên Hiếu Đệ.
Đọc bài viết dang dở, đứt ngang tức tửi này, tôi bỗng hồi nhớ đâu đó anh Hiếu Đệ có viết để đau xót ngậm ngùi về một thời nhiểu nhương tao loạn, để thấm thía cho số phận đắng cay oan nghiệt của những thành phần yêu nước chỉ có mỗi một tấm lòng:
“Trong cuộc chiến vừa qua, những người có lòng với dân tộc, những người yêu nước đều không có chỗ đứng“.
Ngay sau đó, tôi cố gắng lục soát trong các ngăn ngách chằn chịt của ký ức rồi tìm tòi trong tủ sách gia đình, cùng hỏi han các văn hữu bạn bè bốn phương để tìm kiếm bài thơ Tha La Xóm Đạo. Trong thâm tâm, tôi chỉ mong giúp Anh kết thúc nhanh chóng và mỹ mãn hồi ký về người bạn thân của Anh.
Trong quyển Văn Học Sử Việt Nam – Văn Học Hiện Đại do Gia Hội Canada xuất bản năm 2006 cũng như trong Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20 - Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại do Đại Nam, Hoa Kỳ xuất bản năm 2004, hai tác giả phê bình văn học Sơn Trung Nguyễn Thiên Thụ và Nguyễn Vy Khanh cũng có trích dẫn đôi đoạn của bài thơ nổi tiếng này. Nhưng chỉ đôi đoạn thôi. Do chỗ quen biết thân tình, tôi có hỏi nhưng cũng không thêm được gì ngoài những trích đoạn đã in trong sách. Tôi đành lòng viết thơ thông báo ngay cho Anh biết kết quả không được như ý Anh mong muốn.
Thư tôi gởi đi ngày 07 tháng 4 năm 2009 thì ngày 12 Anh viết cho tôi như sau:
“Anh Trung thân mến,
“Trí nhớ của anh em mình bây giờ không được như xưa nữa. Thành ra cái gì không nhớ nổi, mình chịu thua đi anh à! Thành ra bài Tha La Xóm Đạo và bài Ai Điểm Tô Mà Em Phấn Son tôi chỉ nhớ lèm bèm thôi anh à. Liệu không xong thì mình bỏ bớt bài Vũ Anh Khanh cũng được, chứ chẳng sao. Không ai ép mình đâu. Mình làm tới đâu hay tới đó. Tôi lúc này già cả rồi, sức khoẻ yếu...“.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên qua thái độ bỏ cuộc nửa chừng đó của Anh. Một thái độ tôi chưa hằng thấy một lần trong những năm dài hợp tác với Anh qua kiếp đam mê của nghiệp chữ nghĩa. Từ trước, Anh vẫn luôn luôn cương quyết thực hiện cho bằng được những gì Anh suy nghĩ chín chắn và một khi đã bắt tay vào việc, Anh đều đi đến cùng, mặc dù đôi lúc có gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được.
Việc Anh có ý hoài niệm nhà văn Vũ Anh Khanh cũng nằm trong trường hợp này. Bao lần Anh đã xác định như vậy nên yêu cầu tôi nán gát lại một thời gian ngắn việc thực hiện tuyển tập Nước Chảy Huê Trôi. Nhưng nay không ngờ Anh lại bỏ cuộc nửa chừng. Bỏ cuộc xuôi tay. Bỏ cuộc chấp nhận định luật bất biến và phũ phàng của Tạo Hóa.
Cũng trong thơ đề ngày 07 tháng 4 năm 2009 nói trên, tôi có kèm theo mấy đoạn của bài Tha La Xóm Đạo trích từ quyển Văn Học Sử Việt Nam – Văn Học Hiện Đại (Quyển IV) như sau:
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh
Ngậm ngùi Tha La bảo
- Đây rừng xanh, rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng
Gió đùng quanh mây trắng
Và lửa loạn xây thành (a)…
…
Thôi hết rồi, còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà,
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa…
Tha La giận mùa thu
Tha La hận quốc thù
Tha La hờn quốc biến! (b).
Vũ Anh Khanh
Bốn năm ngày sau, trong thơ hồi âm gởi cho tôi, Anh hoàn lại bản phóng ảnh hai đoạn thơ tôi gởi trên đây và tự tay Anh ghi hai chú thích (a) và (b) để triển khai theo trí nhớ, với lời dè dặt không biết trí nhớ của mình có phản bội lại mình không?
Chú thích (a):
Khách hãy dừng chân cho tôi thăm hỏi
Nhưng mà thôi khách nhé…
Một ông lão cười rung rung râu trắng
Tha La vắng vì Tha La đã biết
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than
Ờ…ơ…ơ… Có một đoàn chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh Chúa đám chiên lành rung rẩy
Lạy Đức Cha, lạy Đức Mẹ, lạy khánh phần
Chúng con xin về cõi tạm để làm dân
Rồi xếp bỏ áo tu
Rồi xếp kinh cầu nguyện
Rồi nhẹ bước trở về trần
Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La!
Chú thích (b):
Não nùng chưa Tha La nguyện hy sinh!
Sở dĩ tôi dong dài ở hai trích đoạn này với hai chú thích để bổ túc chỉ vì một lẽ rất đơn giản. Tôi vô cùng xúc động vì nét chữ của Anh bệ rạc quá. Tôi nói bệ rạc vì Anh không còn thần sắc và sức lực để điều khiển ngòi bút theo kịp với trí nhớ của anh. Đôi nơi, tôi cố gắng lắm mới đọc được những chữ quá phóng mà Anh không chủ động được. Đối với tôi, còn gì đau lòng cho bằng khi đọc những dòng chữ cuối cùng trong đời Anh. Tôi cũng xin được bạn đọc thân thương của Anh chia xẻ nhận thức và cảm nghĩ của tôi qua phụ bản đính kèm.
(Xin xem phóng ảnh ở trang 75 quyển Hiếu Đệ Lão Ngoan Đồng)
Ở đời có những cái oái oăm bất ngờ không lường trước được. Thư Anh viết cho tôi đề ngày 12 tháng 4 năm 2009. Bốn ngày sau tức ngày 16, Anh âm thầm lặng lẽ ra đi về cõi hư vô đầy bí hiểm. Anh ra đi tâm hồn thanh thản như lúc Anh cất tiếng chào đời bên tiếng sóng rì rào của biển xanh cồn cát Phan Thiết, dưới vòm trời «lấp lánh ngàn sao» của văn chương nghệ thuật, của quê hương cố thổ Anh luôn ôm ấp trong lòng. Anh thanh thản giã từ nhân thế, giã từ bạn bè bằng hữu bốn phương, giã từ cõi tạm thế gian không oán ghét, không hận thù.
Ngày 17 đọc trên TinParis do kỹ sư Hứa Vạng Thọ chủ trương, tôi bàng hoàng với cái thông báo ngắn gọn của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại loan tin Anh đã mất. Rồi tiếp đó các thi văn hữu ở Hoa Kỳ, kẻ trước người sau, dồn dập gởi điện thư báo tôi tin chẳng lành này. Oái oăm thay, thư Anh lại đến tôi ngày 18, tức hai ngày sau Anh vĩnh viễn ra đi.
Quả thư Anh đến muộn như thể để chia tay tôi lần cuối cùng, một cử chỉ thương mến và thủy chung, vừa cao đẹp vừa có ý nghĩa làm cho tôi luôn thẫn thờ, bùi ngùi xót xa mãi trong lòng. Vì lẽ ấy tôi mạn phép hương linh Anh được công bố công khai nguyên văn một vài đoạn của bức thư cuối cùng này, trong khi lúc sanh tiền Anh đã từng gởi cho tôi không biết bao nhiêu là thơ, gói ghém những suy nghĩ, tâm tình, những ước mơ và hoài bảo của Anh nơi chốn lưu đày ẩn thân mà tôi giữ như một của riêng.
«… Tôi lúc rày cũng già cả rồi, sức khoẻ yếu. Con cái ở khắp các tiểu bang, nhất là mấy đứa ra Đại học bên Mỹ làm ăn khá ở tiểu bang lớn. Ở Michigan này còn mấy đứa đi làm ba cọc ba đồng, nhưng tình thương tụi nó ấm áp hơn, gần gũi hơn. Tôi ở với Thuận là con gái lớn sanh ngoài Huế. Chồng nó cũng người Huế. Tụi nó săn sóc tôi.
«Tôi hồi nhỏ rong chơi ở Sài Gòn không chịu ở với mẹ nên bây giờ tôi lang bang. Đành vậy thôi. Mừng có một điều là tôi đem được lũ con bảy đứa qua Mỹ hết.
«Tình hình bên Mỹ cũng bị khó khăn về kinh tế vì do toàn cầu hóa mà. Bên Pháp cũng vậy thôi.
« …
«Vấn đề sách báo cũng khó khăn. Nhà xuất bản của mình cũng vậy thôi, có cố gắng lắm cũng nghèo thôi. Làm được tới đâu hay tới đó. Nói chung anh em tụi mình chẳng ai làm giàu được đâu!
«Vợ tôi nó hay cằn nhằn kiếp sau không lấy chồng nghệ sĩ nữa, lỡ một kiếp rồi nên bây giờ tôi không được phàn nàn bà ta. Vì tất cả lỗi tại tôi.
«Anh Trung lúc này thế nào? Phải luôn luôn giữ sức khoẻ, đừng bao giờ thức khuya dậy sớm. Khi thức dậy, hãy chểnh mảng một chút vì khi mình nằm máu lên đầu không được đầy đủ có hơi chóng mặt. Đi cũng chậm chạp một chút.
«Tôi chưa bỏ sợi dây oxy được, nhất là đang đêm rớt tay ngủ quên sút sợi dây ra là mê sản nói bậy. Tình trạng này làm như quen tật rồi.
«Anh em mình bây giờ chỉ có chút nhau nhiều sức khoẻ, lúc nào cũng cầu nguyện cho nhau được khoẻ mạnh».
Ngày 12 tháng 4 năm 2009
Hiếu Đệ
Tôi xem đây là những lời trối trăn, một thoáng ngắn ngủi soi rọi bản thân, một cái nhìn trung thực nhứt, xuất phát tự đáy lòng về cuộc đời mình, nhứt là về quan hệ gia đình, nền tảng của đạo lý truyền thống Việt Nam. Anh nói đến vợ con Anh với niềm hãnh diện tự xét đã làm tròn phần nào trách nhiệm và bổn phận của người rường cột trong gia đình. Anh cũng không quên nhìn nhận đã có một thời tuổi trẻ lang bạt buông cương. Dường như Anh đang sống với quá khứ. Anh đang trở về trầm mình trong những ngày tháng xa xưa. Anh đang ôn cố tự vấn lương tâm và lương tri mình để trước khi ra đi một chuyến xa chưa biết nơi nào phải dừng chân, lòng Anh luôn thanh thản, nhẹ nhàng.
Thuở sanh tiền, sau những thập niên dấn thân bay nhảy, đấu tranh không ngừng nghỉ, có lần anh Hiếu Đệ viết:
«Bây giờ tôi đã nghĩ hưu nhưng vẫn chống gậy đi đây đi đó. Nhưng tôi cũng mang cái tật hay ngồi buổi sáng vẽ những bức tranh vui cười. Ngồi cười một mình buổi sáng với bình trà là một thói quen rất thú vị của tôi».
Bây giờ cây cọ Anh dùng để vẽ những bức tranh hí họa, biếm họa để mang niềm vui đến mọi gia đình vẫn còn đó. Bình trà Anh dùng để uống mỗi buổi sáng vào tuổi mông manh ướm rụng vẫn còn nguyên đây. Nhưng nụ cười hiền hòa cởi mở với cái «thói quen thú vị» thuở sinh tiền của Anh nay không còn nữa. Không còn trong đáng tiếc bội phần!
Ở đời, cuộc chia lìa nào mà không để trong lòng người ở lại bao mến thương tiếc nuối. «Cái cảnh biệt ly» nào mà không mang đến cho người thân thương ruột thịt những đớn đau ưu sầu. Đó chẳng qua là những cuộc chia lìa và ly biệt thường tình trên thế gian rối nhùi lắm chuyện này. Vì thực ra có những cuộc chia ly, dù cho vĩnh viễn đi nữa, cũng không hẳn là một sự ly biệt thật sự. Vì những kỷ niệm tốt đẹp nhứt, ý nghĩa nhứt, đáng nhớ nhứt của một thời gần gũi, một thời cảm thông và chia xẻ với nhau sẽ khó có thể phôi pha nhạt nhòa dễ dàng được.
Anh Hiếu Đệ nay không còn nữa. Anh đã thực sự đi vào vùng miên viễn bình yên, không oán trách, không hận thù, nhưng Anh vẫn sống mãi trong lòng tôi, trong lòng bạn bè quyến thuộc và trong sự ngưỡng mộ quý trọng của nhiều thế hệ mai sau nữa.
Cũng lúc sanh tiền, Anh thường hay nói với tôi:
«Anh em mình sống tới tuổi này xem như mình đã lời quá rồi!».
Hôm nay, ở giờ phút này, tôi đã mất một người bạn thân, người bạn đồng hành hiếm hoi và tôi không hề nghĩ đến chuyện «lỗ» hay «lời» qua tuổi đời chồng chất theo năm tháng của nhau. Nhưng có một điều chắc chắn, một sự thật hiển nhiên là Anh đã thực sự sống. Sống trọn vẹn với đam mê. Sống trung thực với chính mình. Sống với tác phong phóng túng ngang tàng theo những suy nghĩ và hành động của mình. Anh quả đã thực hiện tròn đầy chức năng của một người nghệ sĩ đích thực.
Cách đây mấy hôm, thi sĩ Hồ Công Tâm ở Austin, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ có ưu ái gởi tặng tôi thi phẩm Một Thời Lưu Vong (Tập I) do Hải Ngoại Nhân Văn xuất bản năm nay, 2009. Thật là một dịp may đến rất đúng lúc trong khi tôi đang sắp sửa chấm dứt những dòng hoài niệm buồn vui lẩn lộn này.
Tôi xin phép và chân thành cám ơn thi sĩ được trích dẫn nguyên bản bài thơ sau đây gọi là để kết thúc bài tưởng nhớ người nghệ sĩ tài danh: Hiếu Đệ:
Tiễn đưa Họa Sĩ Hiếu Đệ
Văn chương hội họa sớm đam mê
Nhân ái thủy chung vẹn mọi bề
Cải tạo… còn căm quân cướp nước
Lưu vong… vẫn nặng mối tình quê
Văn chương chân chất hồn dân tộc
Hội họa đậm đà nét hoạt kê
Xin được vinh danh anh Hiếu Đệ
Ngàn năm sống mãi với sơn khê.
(16.06.2009)
Dân Mộc tiểu lộ, ngày 30-11-2009
Võ Đức Trung
(Trích Hiếu Đệ Lão Ngoan Đồng, Hoài niệm Nghệ sĩ Hiếu Đệ,
mất ngày 16.04.2009 tại Michigan, Hoa Kỳ.
Sách dầy 366 trang, bìa màu do Hương Cau in ấn và phát hành:
1 Allée des Peupliers 59.320 Hallennes-Lez- Haubourdin, France).
Chú thích:
(1) Nước Lớn Nước Ròng, chuyện Thầy Tôi, trang 98, Hương Cau 2007.
(2) Nước Lớn Nước Ròng, chuyện Thầy Tôi, Sđs - trang 99.
(3) Nước Lớn Nước Ròng, chuyện Họa sĩ Dương Tấn Minh, Sđd – trang 68.
(4) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Hương Cau 2005 - trang 197.
(5) Bên Đục Bên Trong, chuyện Họa Sĩ Trần Quang Hiếu, Hương Cau 2004 -,các trang 30, 31.
(6) Bên Đục Bên Trong, chuyện Hai Mối Tình Của Người Tù Biệt Giam, Sđd - các trang 54, 55.
(7) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd – trang 214.
(8) Phạm Thắng Vũ: Họa Sĩ Hiếu Đệ, Tác Giả Bức Hí Họa 7 Tên Việt Cộng Đu Cành Đu Đủ Thời Chiến Tranh Việt Nam... Không Còn Nữa:
“Đặc biệt, ông đã vẽ một bức tranh biếm, hí họa rất nổi tiếng thời chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Đó là bức tranh 7 Việt Cộng bám (đánh đu) vào một cành đu đủ mà không gãy. Cục Chính Huấn Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã in khá nhiều tranh 7 Viêt Cộng và cành Đu Đủ nầy và trưng bày nhiều nơi tại Miền Nam trong thời gian đó và đây cũng là một trong các lý do mà Cộng sản đã hành hạ ông trong thời gian bị tù cải tạo sau ngày 30-04-1975 (rất tiếc là bức tranh đã không còn).
“Nhìn vào bức tranh, hầu hết người thưởng lãm đều nghĩ là cán binh Việt Cộng ăn uống thiếu đói nên cả 7 tên bám vào một cành đu đủ mà vẫn không làm gãy cành được. Đó là nghĩa đen. Thi sĩ Nhật Hồng, một người bạn của họa sĩ Hiếu Đệ đã giải thích ý nghĩa bức tranh nầy theo nghĩa bóng như sau:
«Cả 7 tên Việt Cộng bám vào một cành Đu Đủ mà không làm gãy cành có nghĩa là chủ nbghĩa Cộng Sản chẳng có giá trị hay trọng lượng gì (nhân gấp 7 lần) trong thực tế (cây Đu Đủ là loại cây có cành yếu ớt nhất trong các loại cây có cành mà 7 cán binh Việt Cộng bám vào nhưng cũng không hề hấn). Nói cách khác, chủ thuyết Cộng Sản là một chủ thuyết hoang tưởng và những tiêu đề do chủ thuyết nầy xướng xuất đã không mang lại hạnh phúc, tự do, dân chủ, ấm no thực sự cho người dân».
(9) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd – trang 206.
(10) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd – trang 200.
(11) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd - các trang 201-202.
(12) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd – trang 204.
(13) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Họa sĩ Văn Đen, Sđd - trang 116.
(14) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Họa sĩ Văn Đen, Sđd - trang 128.
(15) Nước Lớn Nước Ròng, chuyện Họa Sĩ Lê Chánh, Sđd - các trang 93, 94 và 95.
(16) Niềm Đau Bạc Tóc, chuyện Tôi Vẽ Tranh Vui Cười, Sđd - các trang 194, 195 và 210
No comments:
Post a Comment