Thursday, July 29, 2010

GREG TORODE * HOA KỲ &TRUNG QUỐC

Hoa Kỳ đã phục kích tại sân sau của Trung Quốc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Nguồn: Greg Torode, South China Morning Post

Hoàng Quân, X-Cafe chuyển ngữ

25.07.2010

Cuộc phục kích do Washington chỉ đạo nhắm vào Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông xảy ra ngay tại diễn đàn an ninh cấp cao của khu vực hôm thứ Sáu đã đánh dấu một sự chuyển biến lớn trong quan hệ Mỹ -Trung đồng thời để lộ những thiếu sót có tính chiến lược ngày càng sâu sắc ở Á Châu.

Trong khi bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ được ví như đang lội vào Biển Đông tại Hà Nội, những hạm đội hải quân của Mỹ và Nam Hàn đang chuẩn bị tham gia cuộc tập trận qui mô lớn trên Biển Nhật Bản, còn gọi là Đông Hải, gần sát với vùng Đông Bắc Trung Quốc – làm tăng thêm căng thẳng của cục diện mới này.

Những gì đã xảy ra ở Hà Nội đặc biệt có ý nghĩa. Khi bà Ngoại Trưởng Clinton tuyên bố rằng việc giải quyết những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bây giờ là một “ưu tiên ngoại giao” và thuộc “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ, bà Ngoại Trưởng không đơn thuần phản ánh mối quan ngại ngày càng lớn của Hoa Kỳ đối với khả năng thống trị của hàng hải Trung Quốc. Động thái này còn cho thấy rằng Washington đã tóm chặt một cơ hội lịch sử.

Suốt nhiều tháng qua, những tiếng nói đồng thanh bày tỏ quan ngại ngày một gia tăng từ các nước trong vùng Đông Á đối với thái độ quyết đoán của Trung Quốc được cất lên ở Washington, trong khi chính quyền non trẻ của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đang phác họa những lộ trình để quay trở lại khu vực đã bị bỏ rơi khá lâu. Quan ngại trước điệp khúc luôn ca thán rằng Hoa Kỳ là một cường quốc đang suy tàn, những giới chức Hoa Kỳ thường kín đáo trao đổi với nhau về nhu cầu cần tái khẳng định vị thế chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á.

Trung Quốc không ngừng tăng cường khẳng định với lời lẽ khó nghe dựa trên căn cứ lịch sử, và bây giờ là trên cơ sở luật pháp, về chủ quyền của mình đối với gần như toàn bộ vùng biển này – thể hiện qua việc đã nhiều lần bắt giữ hằng trăm ngư dân Việt Nam, quấy rối những tàu thuyền của Hoa Kỳ và những tàu hải quân khác đồng thời hăm dọa những công ty dầu hỏa khổng lồ của quốc tế nhằm buộc họ phải chấm dứt hợp đồng khai thác với Hà Nội – đã tạo ra cơ hội đó.

Động thái này của Hoa Kỳ không chỉ làm vui lòng những đối thủ đang tranh chấp với Trung Quốc ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei – mà còn làm trấn an đối với những nước lớn hơn như Nam Hàn, Nhật Bản và Indonesia qua việc gởi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng như thế.

Gần như suốt 15 năm qua, Washington vẫn kiên định lập trường đứng ngoài cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông, một vùng biển chiến lược giàu khoáng sản nối Đông Á với Trung Đông và châu Âu. Những phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ đôi khi cũng bày tỏ quan ngại yêu cầu cần có một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh hải này nhưng không chọn đứng về phe nào trong các phe tranh chấp.

Bây giờ những tuyên bố của Bà Ngoại Trưởng Clinton làm thay đổi tất cả. Chúng đặt Hoa Kỳ vào vị trí hàng đầu trong vấn đề tramh chấp chủ quyền này của Trung Quốc – mà mới đây nó được Trung Quốc tuyên bố là “quyền lợi cốt lõi”, theo qui tắc ngoại giao nó được xếp ngang với vấn đề Đài Loan và Tibet ở cấp độ nhạy cảm.

Đầu năm nay, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Tiến sỹ Robert Gates phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Singapore rằng Washington phản đối tất cả mọi nổ lực nhằm hăm dọa những công ty dầu hỏa của Hoa Kỳ tham gia với hợp đồng hợp pháp trong khu vực.

Bà Clinton đưa ra những lời bình luận trong khung cảnh chính thống của Diễn Đàn Khu Vực Asean, tại những cuộc họp song phương và cả trong những bản tuyên bố đại chúng. Trong khi đó, những viên chức của bà thông báo ngắn gọn với đoàn báo chí tháp tùng từ Washington để họ không bỏ sót điểm quan trọng này.

Mặc dù bị kẹt bởi nội dung của kịch bản cũ là Hoa Kỳ không đứng về phe nào, bà Clinton đã trình bày rõ ràng rằng Washinton muốn ủng hộ những cuộc thảo luận và giải pháp trên bình diện toàn khu vực – một thách thức trực tiếp đối với Bắc Kinh, quốc gia đã cố công, kín đáo nhưng quyết liệt, ngăn cản thảo luận cấp khu vực Asean đối với vấn đề này, và những đoàn ngoại giao của họ luôn khư khư muốn giải quyết vụ việc theo đường hướng song phương – nói một cách khác Trung Quốc muốn từng quốc gia tranh chấp một lần lượt giải quyết tranh chấp riêng với họ.

“Hoa Kỳ hỗ trợ tiến trình phối hợp ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không có bất cứ sự cưỡng bức nào,” Bà Clinton nói. “Chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ quốc gia tranh chấp nào”.

Những phát biểu của bà Ngoại Trưởng là một thắng lợi ngoại giao đáng kể cho Việt Nam, một món quà Washington dành cho Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 15 năm kể từ khi hai nước chính thức khôi phục các quan hệ ngoại giao từ sau cuộc chiến Việt Nam và gần 20 năm cấm vận kinh tế.

Suốt nhiều tháng trời, Việt Nam đã cố tìm cách khai thác vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội mười nước Đông Nam Á của mình để giữ cho vấn đề Biển Đông nóng bỏng. Nổ lực nhằm thiết lập một nguyên tắc ứng xử với ràng buộc pháp lý cho tất cả các bên tranh chấp đối với vùng biển giàu có này đã rơi vào tình thế tuyệt vọng không mang lại một tiến bộ nào– một cam kết trong tuyên bố năm 2002 được ký kết giữa Asean và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông chỉ kêu gọi các bên nên tự kềm chế. Tuyên bố này khởi thủy được cổ súy như là một bước tiến quan trọng, nhưng nó ngày càng trở nên như một tờ giấy lộn trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc.

Bà Clinton nhiều lần đề cập đến những nguyên tắc của tuyên bố đó; hành động này khiến nhiều giới chức Việt Nam hài lòng.

Chỉ cách đây một năm, Trung Quốc bị nhiều người xem như là đang gây chia rẽ trong khối Asean, với từng nước thành viên xem trọng mối quan hệ riêng của mình với Bắc Kinh cao hơn cả sự nhất trí trong khối Asean. Tại những cuộc họp chính thức rất ít thấy nước nào nêu lên động cơ thúc dục cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Trái lại trên mọi phương diện, Trung Quốc không ngừng tạo áp lực, theo quan điểm của một số nhà ngoại giao Asean cho hay. Ngay cả Campuchia, quốc gia với chế độ đã từng là liên minh chặt chẽ với Hà Nội, nay nhân danh Bắc Kinh quay ra bác bỏ các nỗ lực của Việt Nam.

Thái độ dè dặt đó vẫn còn biểu hiện rõ nhiều giờ trước khi bà Clinton đến. Hôm trước khi Diễn Đàn Khu Vực Asean khai mạc, các ngoại trưởng của khối đã có cuộc họp thường niên chính thức với Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì. Chỉ có một mình Philippines nêu ra vấn đề Biển Đông. Sự dè dặt như thế phản ánh cách thể truyền thống của Asean. Những cuộc họp và những tuyên bố chính thức nói chung là thường nhạt nhẽo đến mức tệ hại.

Ngay cả Việt Nam hiếm khi nào dám công khai trách cứ Trung Quốc trước bàn dân thiên hạ, viện cớ là để giữ thể diện cho tình nghĩa anh em. Hôm qua, ngập tràn trước một chiến thắng hiếm hoi, báo chí nhà nước với tính dè dặt cố hữu vẫn tiếp tục bám theo những lời lẽ tâng bốc theo kiểu nghi thức đối với những cuộc họp.

Một quan sát viên ngoại giao cho biết: “Đó là điều đáng chú ý. Không ai muốn ngoi lên dẫn đầu. Tất cả mọi người đều chờ đợi để cùng nhau được an toàn”.

Sự xuất hiện của bà Clinton hôm thứ Năm đã đem đến cảm giác an toàn đó, khi những lời truyền về thái độ cứng rắn mới của bà lan rộng.

Ngay trước lúc diễn đàn khai mạc hôm thứ Sáu, 11 thành viên khác đã sẵn sàng với các báo cáo, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước có phần tranh chấp chính yếu – cũng như Indonesia, đại diện EU, Úc và Nhật Bản. Những gì xảy ra tiếp theo có thể ví như một trận đấu võ tiếp ứng theo một mô thức hiếm thấy.

Liền sau đó, trong khi ông Dương Khiết Trì bày tỏ sự bực tức cùng cực, những gì đã xảy ra ắt nhiên không khiến Bắc Kinh ngỡ ngàng chút nào. Trong hơn một năm, những thao diễn từ ngoại giao đến chính trị và cả quân sự đều là những chỉ dấu cho thấy các mối quan ngại ngày càng gia tăng trong khu vực.

Một số giới chức quân sự Việt Nam đã được kín đáo đưa bằng máy bay ra thăm tàu sân bay Hoa Kỳ ở Biển Đông và được mời lên thăm quan chiếc tàu ngầm của Hoa Kỳ đậu ở Hawaii. Và Việt Nam đã cho phép các tàu chiến Hoa Kỳ vào sửa chữa tại những bến cảng địa phương.

Hà Nội cũng đã hoàn tất một thỏa thuận với Moscow, một đồng minh từ thời chiến tranh lạnh để mua sáu tàu ngầm hiện đại loại Kilo.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc và các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không ngừng thẳng thắn bày tỏ tại những buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về sự cần thiết để khẳng định quyền hàng hải của Hoa Kỳ tại vùng biển quốc tế này bất chấp những quan ngại từ phía Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tuyên bố phần lớn Biển Đông là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ, Hoa Kỳ và những quốc gia khác khẳng định rằng nó vẫn thuộc vùng biển quốc tế và vì thế các hoạt động quân sự theo lệ thường, gồm cả hoạt động giám sát, đều được cho phép.
Những căng thẳng do sự kiện này tạo ra đã hiện rõ khi ông Gates lức ấy đang có mặt ở Singapore nói với một cử tọa trong đó có cả những sĩ quan cao cấp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Một sỹ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nổi giận tuyên bố liền sau đó: “Chúng tôi không xem đó là ‘cái hồ của Trung Quốc’, chúng tôi cho phép tàu thuyền vô hại đi qua. Nhưng tôi xin lỗi, sự giám sát của Hoa Kỳ không phải là vô hại. Sự quan tâm của Trung Quốc phải không được đánh giá thấp”.

Việc có hay không chuyện Washington đánh giá thấp các mối quan ngại kia vẫn còn có thể kiểm chứng. Nhưng chắc chắn là Bắc Kinh sẽ xem những sự kiện xảy ra ở Hà Nội như là một sự khiêu khích đáng kể. Còn có một nhận thức ngày càng lan rộng trong khu vực cho rằng, vùng biển này là tối thiết yếu đối với tham vọng vươn ra “đại dương” của hải quân Trung Quốc vì nhờ qua nó hải quân Trung Quốc mới có thể thực hiện được những hoạt động xa bờ, bởi vì vùng biển này là cửa ngõ duy nhất có độ sâu lớn ăn thông với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Điều rõ ràng là Hoa Kỳ hiện đang chuẩn bị để giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất trong khu vực – một sự thay đổi chính sách mà sẽ không dễ dàng quay ngược trở lại. Và với Trung Quốc, tuần trăng mật với các nước Asean xem như đã qua.

Trước tất cả mọi rủi ro, Washington luôn nhìn thấy cơ hội.

http://www.x-cafevn.org/node/720

No comments: