Một khảo sát bằng vệ tinh về Ai Cập đã phát hiện thêm 17 kim tự tháp chưa từng được biết đến.
Hơn 1000 ngôi mộ và 3000 khu dân cư cổ cũng hiện ra qua các hình ảnh hồng ngoại tiết lộ những ngôi nhà dưới lòng đất.
Các khai quật sơ bộ trước đó chứng thực một số phát hiện, gồm cả hai công trình mà người ta nghi là kim tự tháp.
Công việc này do tiến sĩ Sarah Parcak của trường Đại học Alabama tại Birmingham thực hiện.
Tiến sĩ Sarah Parcak nói: "Khai quật được kim tự tháp là giấc mơ của mọi nhà khảo cổ."
Bà đi tiên phong về khảo cổ học không gian ở Đại học Alabama, và cho hay bà kinh ngạc khi mình và nhóm nghiên cứu tìm được nhiều như vậy.
"Chúng tôi tích cực làm nghiên cứu này suốt hơn một năm. Tôi có thể nhìn thấy dữ liệu ngay khi nó xuất hiện, nhưng khoảnh khắc 'phát hiện' là khi tôi nhìn kỹ lại tất cả những gì đã tìm thấy và tôi không thể tin rằng đã tìm ra nhiều địa điểm như vậy trên khắp Ai Cập."\
Nhóm của bà đã phân tích hình ảnh từ vệ tinh đi theo quỹ đạo 700 cây số trên trái đất, được trang bị bằng các camera hiện đại có thể nhận ra mục tiêu có đường kính chưa đến một mét trên bề mặt trái đất.
Người Ai Cập cổ đại xây nhà từ gạch bùn, đặc hơn đất xung quanh, vì thế người ta có thể nhìn thấy hình dạng của các ngôi nhà, đền miếu và mộ.
Tiến sĩ Parcak tin rằng còn có thể tìm ra thêm nhiều di tích nữa.
"Đây mới là những địa điểm [gần với] bề mặt. Còn hàng ngàn điểm khác mà phù sa sông Nile đã che lấp."
Máy quay của BBC đã đi theo tiến sĩ Parcak trên chuyến hành trình "hồi hộp" khi bà đến Ai Cập để tìm hiểu liệu các cuộc khai quật có chứng thực những gì mà công nghệ của bà nhìn thấy bên dưới lớp đất.
Trong bộ phim tài liệu của BBC, "Những Thành phố đã mất của Ai Cập", họ đi thăm vùng Sakkara nơi giới chức ban đầu thờ ơ với phát hiện của bà.
Sau khi được tiến sĩ Parcak cho hay bà đã nhìn thấy hai nơi có thể là kim tự tháp, họ thử khai quật và nay tin rằng đó là một trong những điểm khảo cổ quan trọng nhất tại Ai Cập.
Nhưng tiến sĩ Parcak thổ lộ rằng "khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi đi thăm điểm khai quật ở Tanis".
"Họ khai quật được một ngôi nhà 3000 năm tuổi qua hình ảnh vệ tinh và cơ cấu căn nhà trùng khớp gần như hoàn hảo với hình vệ tinh. Đó chính là chứng thực cho công nghệ này."
Giới chức Ai Cập dự định dùng công nghệ này để bảo vệ các di sản của đất nước.
Trong cuộc cách mạng gần đây, những kẻ trộm cướp đã vào được một số địa điểm khảo cổ nổi tiếng.
"Từ hình ảnh, chúng tôi có thể biết một ngôi mộ bị lục lọi trong một khoảng thời gian và chúng tôi có thể báo cho Interpol theo dõi những đồ cổ có thể được rao bán từ lúc đó."
Bà cũng hy vọng công nghệ mới sẽ giúp thu hút thanh niên đi vào khoa học và hỗ trợ nhiều cho các nhà khảo cổ trên thế giới.
No comments:
Post a Comment